Không chỉ xinh đẹp, Doãn Hải My-vợ sắp cưới Đoàn Văn Hậu còn có thành tích học tập "siêu đỉnh", đạt 10 điểm khóa luận tốt nghiệp tại trường top đầu.
Tối 17/9, màn cầu hôn lãng mạn của cầu thủ bóng đá Đoàn Văn Hậu và bạn gái là người đẹp Doãn Hải My nhận được nhiều sự chú ý của cư dân mạng. Dân tình vui mừng trước thông tin cặp đôi “trai tài, gái sắc” của làng thể thao và Top 10 hoa hậu Việt Nam sắp chính thức về chung một nhà.
Doãn Hải My sinh năm 2001 tại Hà Nội, sở hữu chiều cao 1,69m, số đo hình thể 78-56-89 cm cùng gương mặt khả ái. Tại vòng bán kết Hoa hậu Việt Nam 2022, cô xuất sắc lọt Top 5 Người đẹp tài năng với màn trình diễn đàn piano và hát ca khúc "Em về tinh khôi". Trong đêm chung kết cuộc thi, người đẹp xuất sắc lọt vào Top 10 chung cuộc và giành giải phụ "Người đẹp tài năng".
Doãn Hải My đồng ý về chung một nhà với Đoàn Văn Hậu.
Thành tích học tập "khủng": Ielts 7.0, đạt 10 điểm khóa luận tốt nghiệp
Không chỉ sở hữu gương mặt thanh tú cùng thân hình nóng bỏng, Doãn Hải My còn có thành tích học tập đáng nể. Được biết, cô là cựu học sinh Trường THPT Marie Curie Hà Nội. Ngoài ra, cô còn từng có thời gian theo học tại một trường song ngữ quốc tế có tiếng tại Hà Nội. Cô nàng sở hữu loạt thành tích đáng nể như: 12 năm liền học sinh giỏi, thủ khoa Văn 3 năm cấp 3, còn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2019, Doãn Hải My cũng đạt điểm cao môn Văn là 8,25. Cô nàng từng đạt Ielts 7.0 và nói thành thạo tiếng Trung.
Tốt nghiệp THPT, Doãn Hải My thi đỗ vào lớp chất lượng cao của Trường Đại học Luật Hà Nội - ngôi trường top đầu với điểm chuẩn luôn ở ngưỡng cao. Mới đây nhất, cô nàng tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội với thành tích loại giỏi, đáng chú ý là Doãn Hải My đạt 10 điểm khóa luận tốt nghiệp dù bận rộn với lịch trình hoạt động nghệ thuật. Tốt nghiệp với tấm bằng danh giá, Doãn Hải My cho biết cô sẽ tiếp tục con đường học vấn để trở thành một luật sư.
Cô nàng trong lễ tốt nghiệp của Đại học Luật Hà Nội.
Sau khi được đào chuyên ngành luật tại các cơ sở đào tạo, sinh viên chuyên ngành Luật có thể trở thành một luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, làm trợ lý luật sư tại các văn phòng luật, làm thư ký toà án, thẩm phán tại các toà án, cán bộ tư pháp tại các cơ quan nhà nước, làm việc tại cục thi hành án, kiểm sát viên tại các viện kiểm sát, pháp chế tại các doanh nghiệp… tùy vào lựa chọn của từng cá nhân.
Riêng với các cơ quan nhà nước, con số năm 2020 theo thông tin từ Bộ Tư pháp, ước tính chỉ riêng các chức danh tư pháp Việt Nam cần khoảng 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2.000 công chứng viên, 3.000 chấp hành viên, 300 thẩm tra viên thi hành án dân sự và thừa phát lại. Con số trên còn tăng lên gấp nhiều lần khi tính đến lượng công chức làm việc tại các bộ, ban ngành và doanh nghiệp.
Ngành học triển vọng với mực thu nhập khá, cơ hội việc làm rộng mở
Ngành Luật đang được xếp vào nhóm các ngành phát triển hiện nay và là một trong số những ngành có mức thu nhập ổn định, tăng dần đều theo mức độ kinh nghiệm, thăng tiến công việc. Nếu từng xử lý, giải quyết những vụ án lớn nổi tiếng hoặc có thâm niên để điều hành được các văn phòng luật sư thì thu nhập sẽ ngày càng cao.
Vừa mới ra trường, mức lương cơ bản của thực tập sinh sẽ khoảng 4-6 triệu đồng/tháng, giai đoạn này bạn chủ yếu dành thời gian học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Đối với những người có kinh nghiệm từ 3-5 năm, mức lương khoảng 15-20 triệu đồng/tháng, 20-30 triệu đồng/tháng là mức lương cho những người có kinh nghiệm từ 5-10 năm.
Những người đã có kinh nghiệm trên 10 năm, mức lương có thể lên đến 50-80 triệu đồng/ tháng. Ngoài mức lương cố định, mức thù lao dành cho luật sư khi xử lý các vụ án riêng còn tùy thuộc vào độ lớn của vấn đề pháp lý, có thể lên tới hàng tỷ đồng.
Cũng giống như Doãn Hải My, các sinh viên ngành luật khác để có thể thực hiện ước mơ trở thành một luật sư phải trải qua quá trình học tập rất dài ở trường và thực tế. Tại các trường đại học, sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức đầy đủ về pháp luật gồm các quy định pháp luật tùy thuộc vào mỗi chuyên ngành. Trong khi việc đi thực tập tại các văn phòng luật, toà án… là để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp tại trường đại học, sinh viên lựa chọn các công việc cụ thể phải tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
Ví dụ, với chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ mất khoảng 2 năm để học và thi, bao gồm 1 năm tại Học viện tư pháp, sau đó tập sự 1 năm tại tổ chức hành nghề luật sư (Công ty, văn phòng luật). Kết thúc tập sự sẽ có 1 kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, thi đỗ thì tầm 3-6 tháng sau được cấp chứng chỉ hành nghề và chọn gia nhập Đoàn luật sư của một tỉnh thành nào đó để được cấp thẻ. Kỳ thi này được tổ chức 1 năm 2 lần, trong phạm vi toàn quốc (như thi đại học). Trường hợp thi không đỗ thì chờ thi lại ở các đợt sau hoặc tập sự lại nếu thi 3 lần không đỗ.
Hiện tại, các trường đại học đào tạo cán bộ pháp lý hàng đầu phía Nam và phía Bắc như Đại học Luật TP.HCM, đại học Luật Hà Nội, Đại học Kinh tế - luật, Khoa Luật - Đại học Quốc gia… Năm 2023, điểm chuẩn của các trường đào tạo chuyên ngành Luật đều khá cao: Đại học Luật Hà Nội từ 24 điểm, đại học Luật TP.HCM từ 23.5 kèm theo kỳ thi đánh giá năng lực của trường...