Những lời phát biểu đanh thép về vấn đề môi trường của một bé gái 16 tuổi trước mặt hàng loạt nhà lãnh đạo thế giới lại đang gây tranh cãi kịch liệt trên nhiều khía cạnh.
Toàn bộ bài phát biểu của Greta Thunberg tại Liên Hợp Quốc hôm 23/9 vừa qua.
Nhà hoạt động môi trường nhí và bài phát biểu chấn động
Ngày 23/9/2019 vừa qua, cô bé Greta Thunberg, 16 tuổi, một nhà hoạt động môi trường nhí đã xuất hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UN) ở New York. Trước mặt rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới, Greta đã hùng hồn nói lên những cảm nghĩ của mình. Bằng giọng run run và tâm trạng đầy phẫn nộ, cô bé đã chỉ ra những tác hại khủng khiếp mà con người gây ra cho môi trường cũng như sự thờ ơ của chính phủ các nước về vấn đề biến đổi khí hậu.
"Chuyện này không đúng chút nào. Đáng lẽ tôi không nên ở đây. Tôi đáng lẽ đang ở trong trường học, ở phía bên kia đại dương. Nhưng rồi các người tìm đến thế hệ trẻ chúng tôi để hy vọng? Sao các người dám làm thế?
Các người đã cướp đi giấc mơ và tuổi thơ của tôi chỉ bằng những lời sáo rỗng. Đấy là tôi vẫn còn may mắn. Còn nhân loại ngoài kia, họ đang chết dần. Toàn bộ hệ sinh thái đang sụp đổ, chúng ta đang bước vào thời kỳ Đại tuyệt chủng lần thứ 6. Vậy mà tất cả những gì các người nói chỉ là về tiền và câu chuyện cổ tích gọi là "tăng trưởng kinh tế bền vững". Sao các người dám chứ?
Hơn 30 năm qua, khoa học đã dẫn chứng rất rõ ràng. Sao các người dám làm ngơ rồi ngồi đây nói rằng các người đã làm đủ rồi nhưng thực ra chẳng có chính sách hay quy định cần thiết nào?
Các người nói rằng đang lắng nghe chúng tôi và thấu hiểu tình trạng khẩn cấp này. Nhưng dù tôi có buồn và tức giận đến mức nào, tôi cũng không muốn tin vào điều đó. Bởi nếu các người hiểu mà vẫn tiếp tục hời hợt không chịu làm gì thì các người quá độc ác, và tôi từ chối tin tưởng các người.
Greta bức xúc trong quá trình phát biểu.
Việc cắt giảm lượng khí thải trên toàn cầu trong vòng 10 năm chỉ cho chúng ta 50% cơ hội khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C, nhằm tránh kích hoạt chuỗi phản ứng khí hậu không thể đảo ngược từ môi trường. 50% có thể đã là đủ với các người nhưng con số này không bao gồm các chỉ số như điểm tới hạn nhiệt độ, tác động của ô nhiễm không khí, hàng trăm tỷ tấn CO2 tấn công môi trường và tính công bằng trong hoạt động xả thải của các nước. Vì vậy, chúng tôi không chấp nhận con số 50% vì chúng tôi sẽ phải sống với hậu quả từ các người.
Để cơ hội tăng lên 67% trong 10 năm tới, IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu) cho biết chúng ta chỉ còn 420 tỷ tấn CO2 được phép thải ra môi trường kể từ ngày 1/1/2018. Đến nay, con số ấy đã giảm xuống 350 tỷ tấn. Vậy mà các người dám nói rằng "cứ việc kinh doanh bình thường" và bù đắp bằng các giải pháp khoa học?
Với mức độ xả thải của con người ngày nay, quỹ CO2 được phép thải ra sẽ cạn kiệt trong vòng 8,5 năm nữa. Sẽ không có bất kỳ giải pháp hay kế hoạch nào được đưa ra bởi vì những con số này nghe quá khó chịu, còn các người thì chưa đủ trưởng thành để giải quyết nó.
Nhưng thế hệ trẻ ngày nay, họ đang dần hiểu được sự phản bội đó. Toàn bộ thế hệ tương lai sẽ theo dõi các người. Nếu khiến chúng tôi thất vọng, tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho các người đâu. Chúng tôi chưa buông tha các người đâu. Ngay tại đây, ngay lúc này, chúng tôi đặt ra một giới hạn. Cả thế giới đang thức tỉnh. Thay đổi trước sau cũng sẽ đến, dù các người có muốn hay không.
Xin cảm ơn!".
Cả thế giới kinh ngạc
Ngay sau khi bài phát biểu của Greta Thunberg được công bố, nó đã gây chấn động toàn cầu. Không nhiều người có thể tin nổi một cô bé 16 tuổi lại dám bỏ học và nói lên những chính kiến của bản thân, đại diện cho cả thế hệ trẻ để nói về tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống con người.
Trước đó, Greta Thunberg được chẩn đoán mắc Asperger (hội chứng rối loạn phát triển làm giảm kỹ năng giao tiếp xã hội) và OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế). Năm 2018, cô bé bắt đầu bỏ học, đem tấm biển với dòng chữ "Skolstrejk for Klimatet" (tạm dịch: "Bãi bỏ vì khí hậu") đứng trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển tại thủ đô Stockholm từ ngày này sang ngày khác. Những ngày sau, không chỉ có một mình Greta nữa mà rất nhiều học sinh, sinh viên cũng bỏ học để biểu tình cùng cô bé, tạo nên làn sóng lớn trong dư luận.
Greta "ném" cái nhìn sắc lạnh tới Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sau đó, Greta quyết định ăn chay, thay đổi toàn bộ thói quen sinh hoạt của mình vì môi trường. Để tới Mỹ tham dự hội thảo của Liên Hợp Quốc, cô bé đã đi tàu chạy bằng pin mặt trời và tuabin phát điện dưới nước thay vì máy bay để giảm khí thải. Greta thậm chí còn cấm bố mẹ mình sử dụng máy bay và những phương tiện nhả khí ra môi trường.
Bài phát biểu của Greta nhanh chóng trở thành xu hướng toàn cầu. Greta còn được tạp chí Time bầu chọn là một trong 25 thanh thiếu niên có ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2018. Nhiều người tung hô Greta như một anh hùng, cho rằng cô bé thật mạnh mẽ, quyết đoán và thông minh. Họ tin rằng Greta sẽ trở thành một thủ lĩnh tài ba trong lĩnh vực môi trường, giúp con người nâng cao nhận thức và thúc ép các nhà lãnh đạo trên thế giới phải hành động.
Sự "hỗn hào" của cô bé 16 tuổi chưa hiểu chuyện?
Bên cạnh nhiều lời khen ngợi, nhà hoạt động môi trường nhí Greta Thunberg cũng nhận về không ít tranh cãi và chỉ trích. Rất nhiều người cho rằng tình yêu của cô bé với môi trường là không sai nhưng cách hành động và nhìn nhận vấn đề là lệch lạc, thiếu thấu đáo vì chưa đủ hiểu hết về những gì xảy ra trong cuộc sống.
Greta đi thuyền từ Anh tới Mỹ để tham dự Hội nghị của Liên Hợp Quốc.
Họ cho rằng Greta đã xấc xược và hỗn hào khi dùng những từ ngữ nặng nề để phát biểu trước những nhà lãnh đạo thế giới. Hơn nữa, bài phát biểu của Greta cũng bị nhận xét là mang tính cá nhân hóa, tiêu cực hóa khi cố gắng đẩy trách nhiệm bảo vệ môi trường lên một số cá nhân, tổ chức hay chính phủ, trong khi thực tế đó là câu chuyện của tất cả mọi người trên thế giới. Vì vậy, bài phát biểu đó nên được coi là quảng bá hơn là đấu tranh.
"Nền kinh tế mà không phát triển thì cô bé cũng chẳng có gì để ăn đâu", một cư dân mạng bình luận. Thực tế, các chính phủ và chuyên gia đã bắt tay nghiên cứu về các giải pháp bảo vệ môi trường từ nhiều năm nay nhưng họ không thể từ bỏ kinh tế vì môi trường được. Bất cứ dự án nghiên cứu hay bảo vệ môi trường nào cũng không thể hoàn thành được nếu thiếu sự đầu tư. Nói cách khác, kinh tế và môi trường cần song song phát triển và bảo vệ.
Việc Greta bỏ học để đi biểu tình vì môi trường cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Nếu mưu cầu và nhu cầu cơ bản của con người chưa được đáp ứng thì họ chưa thể đủ khả năng để lo lắng cho những thứ khác. Đó là lý do khiến nhiều người cho rằng Greta nên quay về học hành cho tốt rồi hãy nghĩ đến chuyện thay đổi thế giới.
Hành động và thái độ của Greta vẫn đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Mục đích của Greta là tốt nhưng cách nhìn nhận của cô bé vẫn có phần tiêu cực và phiến diện. Trên tờ The Washington Times, Greta được gọi là "cơn ác mộng của các bậc phụ huynh". Tác giả Cheryl K. Chumley cho rằng thái độ của Greta là dễ hiểu bởi cô bé vẫn còn là một đứa trẻ. Khi cảm thấy buồn và tức giận, chúng sẽ tỏ thái độ bất mãn và đòi sự chú ý.
"Thật đáng khen ngợi khi một cô bé 16 tuổi lại quan tâm tới tình hình chính trị và các sự kiện xã hội như vậy. Nhưng khi còn là một thiếu niên, việc cố tỏ ra mình sở hữu đủ trí tuệ và kiến thức để lãnh đạo thế giới lại là một chuyện khác. Đó là sự tự phụ và khó chịu. Hy vọng vào một ngày nào đó, bố mẹ của Greta sẽ dạy em về sự khác biệt giữa hai vấn đề trên hơn là việc đứng trên diễn đàn quốc tế để dạy đời người lớn về cách cư xử", lược dịch từ The Washington Times.