Sợ xương cổ trẻ còn yếu, hay vì lười, chủ quan còn rất nhiều bậc cha mẹ không cho con đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Hậu quả là rất nhiều trẻ gặp phải chấn thương sọ não nếu chẳng may tai nạn giao thông xảy ra.
1 phút lơ là hậu quả khôn lường
Hiện nay, theo quy định của Nhà nước, khi phụ huynh chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, nếu không sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên rất nhiều ông bố, bà mẹ đều lơ là chuyện này.
Khi đặt câu hỏi vì sao khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, các phụ huynh đưa ra rất nhiều lý do để biện minh cho hành động của mình như nhà gần trường, rồi đi trong ngõ, sợ tóc rối...
Hãy đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. (Ảnh mang tính minh họa)
Chị Hoa (ở Cống Vi - Ba Đình - Hà Nội) có con gái học lớp 2 đang điều trị tại khoa Chấn thương Bệnh viện Việt Đức. Hồi đầu chị cũng có đội mũ bảo hiểm cho con, nhưng sau đó thấy bất tiện vì không tết tóc cao được và tóc thường hay rối nên không cho con đội nữa.
Nhưng thật không may mắn khi chị "nói không" với mũ bảo hiểm, thì cũng là lúc tai nạn ập đến. "Giá như tôi cứ đội mũ cho con thì không sao. Hôm đó trời mưa, tôi cho cháu đứng trước xe rồi trùm áo mưa kín lên người cháu. Đi đường mưa trơn, tay lái không chắc tôi đã bị ngã và cháu bật ra khỏi xe. Đưa vào viện cấp cứu, các bác sĩ bảo cháu bị gãy tay phải, đồng thời phải theo dõi chấn thương não", chị Hoa cho hay.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hàng năm nước ta có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông. Trong đó, việc trẻ không được đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. |
Chị Hoàng Thị Thanh Thúy (Long Biên - Hà Nội) cho biết chồng và con chị bị tai nạn do va quệt xe máy. Dù cú va chạm không quá mạnh, chồng chị chỉ bị xây xước nhưng con trai ngồi phía sau nên bị lao đầu ra đường, đang theo theo dõi chấn thương sọ não tại khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
“Con tôi học lớp 1, chọn mũ bảo hiểm thì toàn loại to và quá nặng so với lứa tuổi cháu. Sợ đội mũ nặng sẽ ảnh hưởng đến xương cổ của con, sau này con không phát triển chiều cao nên mỗi khi đưa cháu đi học, bố cháu cho đi đầu trần. Ai ngờ, tai nạn ập đến lại nguy hiểm như vậy, giờ ân hận cũng đã muộn”, chị Thanh Thúy chia sẻ.
Theo thống kê tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), số ca phải nhập viện do tai nạn giao thông, trong đó có đối tượng trẻ em không hề giảm, thậm chí còn có dấu hiệu gia tăng trong thời điểm đầu năm học. Th.BS Phạm Gia Anh (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, khi được hỏi nguyên nhân vì sao không đội mũ bảo hiểm, đa số phụ huynh đều nói rằng sợ xương cổ trẻ mềm không thích hợp đội mũ bảo hiểm, vì chủ quan ....
Mũ bảo hiểm “vắc xin” của chấn thương sọ não
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ Ban an toàn giao thông quốc gia cho biết, tình trạng trẻ bị chấn thương não do không đội mũ bảo hiểm thực sự là vấn đề đáng báo động với các bậc phụ huynh.
Theo các chuyên gia về giao thông, việc đội mũ bảo hiểm không chỉ chấp hành luật pháp, mà đây còn là loại “vắc xin” hữu hiệu cho việc phòng chống chấn thương sọ não ở trẻ nhỏ.
Còn BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và Phát triển Cộng đồng thẳng thắn bày tỏ rằng, mọi lý do như xương cổ trẻ còn yếu, hay lý do đội mũ bất tiện, kể cả là nhà gần không cần đội mũ… đều là ngụy biện.
Những hình ảnh như thế này không hiếm ở đường phố Hà Nội.
“Phải thẳng thắn rằng việc bố mẹ không đội mũ cho trẻ (6 tuổi trở lên theo quy định) là sai và vi phạm pháp luật”, BS Trọng An cho hay.
Để giải quyết vấn đề trên, ông An cho rằng, khi nào ra đường vẫn còn những hình ảnh bố mẹ đội mũ nhưng để con đầu trần ngồi sau xe, thì khi đó những vụ tai nạn thương tâm đối với trẻ nhỏ sẽ chưa thể giảm.
Các bậc phụ huynh cần phải biết và ý thức được việc đội mũ bảo hiểm để bảo vệ tính mạng cho con em mình… Muốn làm được như thế, trong gia đình người lớn phải là những tấm gương sáng để con cái mình soi vào.
Trong khi đó, ở nước ngoài trẻ em đi xe đạp cũng được trang bị mũ bảo hiểm, họ tạo cho trẻ một thói quen từ bé. Đây là một điều rất quan trọng giáo dục cho trẻ ý thức bảo vệ mình khi tham gia giao thông.