Đọc đến đây, chị mềm nhũn chân tay, chỉ muốn quỵ xuống. Chị không tin vào mắt mình, cứ đọc đi đọc lại dòng chữ “khai tử” mình. Làm sao nhà chồng lại có thể?
Sau nhiều lần thiết phục, chị Đỗ Thị N., 33 tuổi, trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội mới chấp nhận chia sẻ với chúng tôi câu chuyện đời đẫm nước mắt của mình.
Nước mắt lưng tròng, chị nói: “Tôi còn sống rành rành mà nhà chồng không coi tôi ra gì. Nhà chồng tự ý bán khoán con là một lẽ, còn ghi rằng tôi đã mất thì không thể chấp nhận được. Giờ chẳng còn gì níu giữ tình cảm vợ chồng được nữa. Tôi gặp cũng chỉ muốn chia sẻ câu chuyện của mình bởi đã tận tâm với gia đình, chồng con nhưng họ đối đãi không ra gì”.
Theo lời kể của chị N., chị lấy chồng từ năm 27 tuổi. Đó là cái tuổi không còn non nớt, bồng bột nữa. Bên cạnh đó, chị có công việc khá ổn định trong một nhà hàng lớn ở Hà Nội.
Người chồng hơn chị một tuổi, lúc ấy cũng có công việc ổn định là làm lái xe ở công ty môi trường. Hạnh phúc của anh chị trọn vẹn hơn khi một năm sau ngày cưới chị sinh một bé trai kháu khỉnh. Bạn bè cùng trang lứa đều mừng cho hai vợ chồng bởi cuộc sống hiện tại của anh chị là điều mà nhiều người phải mơ ước.
Thế nhưng, lấy nhau chưa được bao lâu, những xung đột gia đình bắt đầu nảy sinh. Mới sinh con được vài tháng, chị N. đã bị ngộ độc thức ăn. Bác sĩ dặn nghỉ ngơi vài ngày và vẫn có thể cho con bú bình thường. Nhưng mẹ chồng một mực bắt chị phải cách ly và cai sữa đứa con còn đỏ hỏn. Chị không đồng ý nên xảy ra cãi cọ.
Đây là lần đầu tiên chị bị mẹ chồng đánh. Sau lần đó, chị còn bị mẹ chồng và em chồng đánh cũng chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong chuyện “mẹ chồng, nàng dâu”.
Chị N. và con trai.
Chị N. nhớ như in từng ngày, từng tháng xảy ra những chuyện buồn ấy. Bởi hầu hết chị đều tâm sự trong trang nhật ký đẫm nước mắt.
Chị bảo, thời gian đầu chị nghĩ vì con còn nhỏ, việc nuôi con vất vả, kinh tế cũng còn nhiều khó khăn nên mới thường xuyên xảy ra xích mích, sau này con lớn rồi mọi chuyện sẽ êm ả đi… Nhưng nào ngờ, cuộc sống không như chị tưởng. Đỉnh điểm của sự việc là khi chị phát hiện bản “bán khoán” con trai mình để trên bàn thờ nhà chồng.
Một ngày đầu năm 2011, sau bao mệt mỏi vì những chuyện bất hòa trong gia đình nhà chồng, chị N. nghĩ đến giải pháp… tâm linh.
Chị kể “Tôi đi xem bói thì người ta bảo cứ về bàn thờ nhà chồng xem có gì bất thường không. Tôi về tìm mãi thì thấy một bản bán khoán thằng bé lên chùa, ghi rõ họ tên, ngày sinh của con và có dòng chữ: “Bán khoán ngày 6/5 năm Bính Tuất. Bố tên là Đ.D.B, mẹ mất rồi.
Đọc đến đây tôi mềm nhũn chân tay, chỉ muốn quỵ xuống. Tôi không tin vào mắt mình, cứ đọc đi đọc lại dòng chữ “khai tử” mình. Làm sao mẹ con nhà họ lại có thể nghĩ ra chiêu trò như thế được? Tôi uất ức đến mức gần như ngất xỉu…”, chị đau đớn kể lại.
Sau đó chị đã lặng lẽ đi photo lại bản bán khoán đó, rồi mời gia đình hai bên nội ngoại đến. Dẫu biết rằng việc bán khoán đứa trẻ lên chùa lâu nay là phong tục nhằm cầu mong cho đứa bé ngoan ngoãn, dễ nuôi. Nếu bình thường chị cũng không có ý kiến gì vì đây cũng là một việc tâm linh tốt.
Nhưng việc làm của nhà chồng đã vô tình trở thành “giọt nước tràn ly” cho những mâu thuẫn lâu nay. Trong buổi họp mặt, chồng chị nói rằng không biết vì sao lại có dòng chữ nói mẹ đứa bé đã mất. Trong đó và mọi người đều phủi trách nhiệm.
Mấy ngày sau, chẳng biết suy nghĩ thế nào, chồng chị nộp đơn xin ly hôn đơn phương lên tòa…
(Còn tiếp)