“Tôi bất lực mọi thứ. Việc đơn giản nhất là nghe hiểu về bệnh ung thư máu mà tôi cũng không làm được. Mỗi khi bác sĩ dặn dò hay nói về tình trạng sức khỏe của con bé, tôi đều ngơ ngác, phải nhờ người khác giúp đỡ mình”, người mẹ dân tộc Khmer đau đớn.
Gần 3 tháng nay, hình ảnh Sóc Kha (9 tuổi, An Giang) – bé gái đen đũi, chân tay gầy gò cùng chiếc đầu “không tóc” đã quá quen thuộc với y bác sĩ và bệnh nhân nằm điều trị bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu (TP.HCM).
Sóc Kha - cô bé "đầu trọc" mắc căn bệnh ung thư máu.
Bàng hoàng khi biết con gái mắc bệnh ung thư máu
Nhớ lại ngày con gái phát bệnh, chị Nèang Quốc và anh Chau Che – người đồng bào dân tộc Khmer vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị cho biết, vừa hết học kì 1 của lớp 3, Sóc Kha bắt đầu sốt liên tục và đại tiện ra máu. Chị liền đưa con đến bệnh viện địa phương thăm khám và truyền máu nhưng triệu chứng không thuyên giảm.
Qúa lo lắng, vợ chồng chị Quốc quyết định bắt xe đò từ An Giang lên Bệnh viện Nhi đồng 1 làm các xét nghiệm tổng quát cho con gái. Tại đây, cô bé 9 tuổi phải nằm theo dõi 20 ngày mới phát hiện bị bệnh ung thư máu rồi được chuyển qua Bệnh viện Ung Bướu điều trị đến bây giờ.
“Con bé là con gái duy nhất của vợ chồng tôi. Nó học lớp 3 nhưng trông chỉ như đứa trẻ 4-5 tuổi, giờ bệnh lại càng nhỏ… nhỏ… hơn…”, chị Quốc gắng bập bẹ từng chữ rồi bất ngờ nói tiếng dân tộc khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Lúc này, người phụ nữ ở giường bệnh bên cạnh nhanh nhảu: “Họ là người Khmer, quanh năm ở quê làm lụng kiếm sống, ít giao lưu với người Kinh nên không thành thạo tiếng Việt. Bởi vậy họ lên đây chăm con gái bệnh gặp nhiều khó khăn lắm”.
Cũng theo người phụ nữ này, bệnh của Sóc Kha sẽ tiến triển theo chiều hướng tốt nếu cơ thể đáp ứng thuốc. Ngoài ra, gia đình phải chuẩn bị chi phí để truyền thêm thuốc hóa trị. Số tiền cho mỗi đợt khoảng 8 triệu đồng.
Vừa hết học kì 1 của lớp 3, Sóc Kha bắt đầu sốt liên tục và đại tiện ra máu.
“Với người giàu, 8 triệu chẳng đáng là bao nhưng với vợ chồng họ thì lớn lắm. Họ đang sống trong căn nhà tôn do địa phương hỗ trợ, không có đất đai, tài sản gì cả thì lấy đâu ra chứ.
Chị ấy kể khi con gái chưa bệnh, cả hai vợ chồng đều làm mướn: chồng đi phụ hồ, vợ trồng lạc cho gia đình giàu có. Mỗi tháng cả hai kiếm được khoảng 5-6 triệu đồng, chỉ đủ trang trải sinh hoạt và tiền học hành cho bé Kha”, một người phụ nữ khác cho hay.
Được biết, gia đình chị Quốc rất đông anh em nhưng ở tận Campuchia và rất nghèo khó. Vì thế lúc gặp khó khăn, vợ chồng chị không thể nhờ giúp, chỉ có thể vay mượn hàng xóm dăm ba triệu đồng.
“Tôi bất lực mọi thứ. Kể cả việc bác sĩ giải thích về bệnh của con, tôi cũng chẳng thể hiểu”
Khi Sóc Kha nằm viện điều trị, anh Chau Che dù thương vợ con sống ở nơi xa lạ, không người thân vẫn cố cắn răng chịu đựng. Chị Quốc bảo nhiều lần ông xã muốn lên viện chăm con nhưng bản thân nói tiếng Việt không rành, có lên cũng chẳng phụ giúp được gì nhiều. Vì thế, chị đành bảo chồng chịu khó ở dưới quê làm mướn kiếm đồng ra đồng vào.
“Thấy nhà người ta cả vợ lẫn chồng đều vào viện chăm sóc con bệnh, tôi tủi thân với thương Sóc Kha lắm nhưng phải làm sao bây giờ?
Tôi bất lực mọi thứ. Việc đơn giản nhất là nghe hiểu về bệnh ung thư máu mà tôi cũng không làm được. Mỗi khi bác sĩ dặn dò hay nói về tình trạng sức khỏe của con bé, tôi đều ngơ ngác, phải nhờ người khác giúp đỡ mình. Thực sự vợ chồng tôi gặp khó khăn đủ đường”, chị Quốc nói bằng tiếng Khmer, sau đó một người trong phòng dịch thành tiếng Việt.
Ngoài uống thuốc, em bé Khmer cần phải trải qua những đợt hóa trị.
Sóc Kha vốn là đứa trẻ nhút nhát, từ ngày mắc ung thư máu, càng trở nên lầm lì, ít nói. Chị Loan – phụ huynh có con bệnh nằm cùng phòng với Sóc Kha bày tỏ: “Suốt thời gian ở đây, con bé chưa từng trò chuyện với ai bởi nói tiếng Việt không sõi. Hễ có người hỏi thăm, con chỉ biết cúi đầu đưa ánh mắt buồn rầu nhìn đôi bàn tay gầy trơ xương. Thật xót xa nhưng chúng tôi chẳng biết làm thế nào. Chúng tôi cũng lo sợ con sẽ bị trầm cảm nếu cứ vậy”.
Chị Loan vừa dứt lời, chị Quốc liền bật khóc nức nở. Có lẽ chị hiểu những gì người khác lo lắng về sức khỏe của con gái mình. Hy vọng trong thời gian tới, Sóc Kha sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ từ mọi người để con có thể thực hiện những đợt hóa trị đầu tiên.
Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả đến hoàn cảnh của em bé Sóc kha vui lòng liên hệ chị Nèang Quốc (hoặc anh Chau Che); SĐT: 0966930048. Hoặc địa chỉ: Ấp Phú Cường, xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. |