Thấy con sốt từng cơn, ho, khó thở, quấy khóc nhiều, mẹ bé H.T.Đ, 10 tháng tuổi tưởng bé bị viêm đường hô hấp. Tuy nhiên, sau khi xem kết quả chụp X-Quang bác sĩ và người nhà đều tá hỏa khi phát hiện thủ phạm gây bệnh là cục pin trong thực quản.
Mẹ bé Đ chia sẻ, cách đây hơn 1 tuần chị thấy con bị sốt từng cơn kèm theo ho, khò khè, quấy khóc nhiều. Nghĩ con bị ốm thông thường như viêm đường hô hấp trên hoặc viêm họng nên chị cũng không lo lắng nhiều. Tuy nhiên, càng ngày bé càng có biểu hiện khó thở, quấy khóc dữ dội mỗi lần ăn, uống. Vợ chồng chị đã đưa bé đi khám tại BV Nhi Trung ương.
Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhi đi chụp Xquang. Sau khi nhìn kết quả chụp, bác sĩ tá hóa khi phát hiện thủ phạm gây bệnh không phải là bệnh viêm đường hô hấp mà là có dị vật trong thực quản của cháu bé.
Trên phim chụp lồng ngực cho thấy một dị vật cản quang tròn đường kính 1,5cm, có hai bờ - có thể là cục pin. Lúc này, sau khi được bác sĩ thông báo, mẹ bé nhớ lại trước đó vài ngày chị có tháo cục pin của máy tính để ra ngoài. Có thể trong lúc chơi đùa, bé Đ vô tình nhặt được và đã nuốt phải.
Mẹ bé Đ không hề biết con mình nuốt phải cục pin này từ bao giờ
Ngay lập tức bác sĩ tiến hành nội soi gắp dị vật. Sau một tiếng phẫu thuật, bác sĩ đã gắp ra từ thực quản của bé Đ một cục pin kim loại, hình tròn, đã hoen gỉ. Rất may, dù thực quản bị khoét sâu do dị vật nhưng sau vài ngày điều trị, sức khỏe của bé Đ đã hoàn toàn hồi phục, bé đã được xuất viện.
PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, trường hợp trẻ hóc dị vật được cấp cứu tại bệnh viện không hề hiếm. Tuy nhiên, việc bệnh nhi nuốt phải dị vật vào thực quản rất nguy hiểm, đặc biệt khi dị vật là pin. Bởi vỏ kim loại của pin đã bong ra có nguy cao gây thủng thực quản. Bên cạnh đó, chất axit ăn mòn trong pin có thể thôi ra ngoài, ngấm vào cơ thể đe dọa tính mạng trẻ. Nguy nhiểm hơn dị vật này có thể chập nổ rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ.
Do đó, bác sĩ Hải khuyến cáo các bậc cha mẹ tuyệt đối không để pin, các đồ nhỏ trong tầm tay của trẻ nhỏ. Bởi với trẻ nhỏ, đang trong giai đoạn tò mò, thích khám phá hay có thói quen đưa vật lạ vào miệng.