Một công nhân đang làm việc trong dự án Formosa hé lộ những nguyên nhân có thể gây ra vụ sập giàn giáo.
Một công nhân kỹ thuật giấu tên làm trong Dự án Formosa đã cho Báo Giao thôngbiết một số nguyên nhân có thể đã dẫn đến vụ sập giàn giáo ngày 25/3 vừa qua khiến 13 người thiệt mạng, 29 người bị thương.
Theo quy trình công nghệ Thụy Điển thì phía trên công trình bị sập giàn giáo phải có mái che
Người công nhân này cho biết, theo quy trình công nghệ của Thụy Điển thì phía trên công trình đang thi công phải có mái che để che khi có trời mưa.
"Ở giàn giáo bị sập không có mái che. Những hôm trời không mưa thì trước khi hạ giàn xuống phải mài đường ray, vì khi kéo giàn lên để đổ bê tông thì phải mất 3 ngày, khi đó phía dưới cục sắt đã han gỉ rồi. Hơn nữa do trời mưa nên má phanh bị trơn trượt", công nhân này nói.
Tại công trình xảy ra tai nạn ở Formosa không có mái che mưa
Cũng theo người này, theo quy trình, công nhân chỉ được phép lên giàn làm việc ở một độ cao nhất định, bắt công nhân lên giàn làm việc ở độ cao 18m có thể đã sai quy trình.
"Khi giàn giáo chưa hạ xuống thì tuyệt đối không được cẩu sắt lên trên giàn quá nhiều. Chỉ khi cục đế giếng chìm tiếp theo được cho vào vị trí để đổ bê tông thì mới được cẩu sắt lên giàn. Nhưng ở công trình gặp nạn nhà thầu đã cho cẩu sắt lên trước, và cục đế giếng chìm tiếp theo vẫn chưa vào vị trí như quy trình", công nhân Formosa đánh giá.
Nhiều ốc vịt của khung giàn giáo hoen gỉ, có dấu hiệu không đảm bảo kỹ thuật
Mặt khác, cũng có thể do công nhân sắp xếp sắt thép đã cẩu lên giàn giáo không đúng quy trình, sắp xếp không đều nên trọng lượng không cân bằng, nơi nặng nơi nhẹ, cũng có thể là nguyên nhân gây sập giàn giáo.
"Ngoài ra, với hệ thống hạ thủy lực, khi mở hạ áp thì nơi nào nặng hơn thì pít-tông sẽ hạ xuống trước, chỗ nào nhẹ thì pít-tông xuống từ từ, do đó giàn giáo sẽ bị lệch gây nên đổ sập", công nhân Formosa đánh giá.