COVID-19 1/11: Hà Nội yêu cầu đóng cửa hàng ăn trước 21h, lễ cưới không chúc tụng tại bàn

H.A - Ngày 01/11/2021 12:14 PM (GMT+7)

Hà Nội vẫn cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ quán rượu, bia, bia hơi) được bán hàng tại chỗ nhưng phải đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký, ban hành Kế hoạch số 243 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" gửi các cơ quan liên quan.

Theo đó, trong tình trạng dịch ở cấp độ 2, Hà Nội yêu cầu khi tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, đối với các hoạt động trên 30 người phải đảm bảo các điều kiện như: Xin phép chính quyền địa phương, 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, ký cam kết tuân thủ quy định và chịu sự giám sát của chính quyền địa phương.

Đối với các hoạt động dưới 30 người vẫn thực hiện các điều kiện như hoạt động trên 30 người nhưng không phải ký cam kết tuân thủ quy định và chịu sự giám sát của chính quyền địa phương.

Hà Nội yêu cầu hàng ăn uống đóng cửa trước 21h

Hà Nội yêu cầu hàng ăn uống đóng cửa trước 21h

Đối với việc tổ chức lễ cưới, thành phố yêu cầu số lượng người tham dự lễ cưới không tập trung quá 30 người cùng một thời điểm, tuân thủ 5K trong quá trình tham dự; luôn giữ khoảng cách giữa các bàn, người giữa các bàn không tiếp xúc gần với nhau; gia đình không thực hiện chúc mừng tại từng bàn…

Hoạt động tang lễ với người tử vong không do mắc/nghi mắc COVID-19 không tập trung quá 30 người/thời điểm, hạn chế các đoàn viếng, mỗi đoàn không quá 5 người; không tổ chức ăn uống tại lễ tang… Đối với người tử vong do mắc/nghi mắc bệnh thì thực hiện theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, Hà Nội cho phép hoạt động tập luyện thể dục, thể thao trong nhà nhưng giảm quy mô phòng tập (công suất tối đa 50% và không quá 30 người trong cùng thời điểm), hằng ngày cơ sở cung ứng dịch vụ phải thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trang thiết bị. Đồng thời, người hướng dẫn, người tham gia hoạt động tập luyện thể dục thể thao đáp ứng điều kiện đã được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh.

Đối với nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) vẫn được bán hàng tại chỗ, không quá 50% công suất chỗ ngồi, đảm bảo giãn cách, chủ nhà hàng và nhân viên được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh. Đặc biệt, phải đóng cửa nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trước 21h hằng ngày.

Ngoài ra, các hoạt động, dịch vụ từng được UBND TP Hà Nội cho phép hoạt động trở lại theo nội dung Công điện số 21 được Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký, ban hành vào ngày 13/10 vừa qua vẫn cơ bản được giữ nguyên và đảm bảo các quy định phòng, chống dịch đã ban hành.

Đối với vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thuỷ nội địa, hàng hải đảm bảo phòng chống dịch COVID-19. Đối với đường hàng không và đường sắt áp dụng theo văn bản quy định riêng.

Bộ GTVT hướng dẫn hoạt động vận tải hành khách công cộng đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Đối với hoạt động cơ quan, công sở có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường làm việc trực tuyến. Hạn chế tiếp khách làm việc trực tiếp tại đơn vị.

Nguồn:

http://danviet.vn/dich-cap-do-2-ha-noi-han-che-hoat-dong-nao-de-thich-ung-5020211112156437.htm

Số ca nhiễm tăng nhanh, Sóc Trăng chuyển từ cấp độ dịch 1 lên cấp độ 2

Chiều tối 31/10, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng vừa có thông báo về việc chuyển cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sóc Trăng sẽ chuyển cấp độ dịch từ cấp độ 1 - “nguy cơ thấp” (xanh) sang cấp độ 2 - “nguy cơ trung bình” (vàng) kể từ 12h ngày 2/11.

Về việc phân loại cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Sóc Trăng có 79 xã có cấp độ 1 (xanh), 20 xã cấp độ 2 (vàng) và 10 xã cấp độ 3 (cam). Đối với cấp huyện có 2 đơn vị vùng xanh, 8 đơn vị vùng vàng và 1 đơn vị vùng cam.

Ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng tổ chức chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 diện rộng.

Ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng tổ chức chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 diện rộng.

Theo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã cố gắng nỗ lực hết sức mình, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn đại dịch Covid-19 và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, từ khi tỉnh triển khai quy định tạm thời các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng.

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận trên 5.500 ca mắc Covid-19; điều trị khỏi bệnh gần 3.600 ca; 49 ca tử vong. Hiện tại, còn trên 1.900 ca đang được cách ly điều trị tại cơ sở y tế.

Riêng trong ngày hôm nay 31/10, tỉnh Sóc Trăng ghi nhận thêm 193 ca mắc mới Covid-19. Trong đó, có đến 98 trường hợp được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng; 88 trường hợp F1; 5 trường hợp về từ vùng dịch; 2 trường hợp phát hiện trong khu phong tỏa.

Nguồn

https://www.baogiaothong.vn/soc-trang-benh-vien-da-chien-600-giuong-tai-ho-nuoc-ngot-sap-hoat-dong-d530621.html

Xuất hiện nhiều F0 trong cộng đồng, Hà Nội nâng cấp độ dịch từ xanh lên vàng

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành thông báo về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Hà Nội chuyển từ cấp độ 1 (màu xanh, tức bình thường mới, theo đánh giá ngày 19/10) lên cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). 30 quận, huyện, thị xã đạt cấp độ 2; 245 xã, phường đạt cấp độ 2, 332 xã, phường đạt cấp độ 1.

Đặc biệt, có 2 địa phương gồm xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) và thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao) sau khi ghi nhận hàng loạt ca COVID-19 cộng đồng trong gần một tuần qua.

Tính đến 18h tối 31/10, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, chùm ca bệnh tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh có tổng 46 F0. Chùm ca bệnh tại thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai có tổng 104 F0. Đây là 2 ổ dịch phức tạp nhất Hà Nội hiện nay.

Ngoài ra, hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố là 98%, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine là 48% (chưa đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).

Trong 14 ngày gần đây, Hà Nội ghi nhận 84 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, đạt tỷ lệ 1 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần.

Nguồn

https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/xuat-hien-nhieu-f0-trong-cong-dong-ha-noi-nang-cap-do-dich-tu-xanh-len-vang-c2a18811.html

Người phát tán tài liệu phản khoa học "đọc số để chữa Covid-19" khai gì?

Chiều tối 31/10, theo thông tin từ Công an tỉnh Cà Mau, cơ quan chức năng đã thu giữ trên 90 quyển tài liệu tại một số khu cách ly tập trung trên địa bàn TP Cà Mau.

Các tài liệu này được in sao mang tên “Chia sẻ kinh nghiệm” trong đó hướng dẫn phương pháp trị bệnh tiểu đường, bệnh gout, hôi nách hay Covid-19… mà không cần khám hay điều trị theo y học.

Theo đó, chỉ cần đọc các dãy số trong thời gian từ vài chục phút đến vài giờ nhiều lần trong ngày. Việc này sẽ khỏi bệnh mà không cần phải khám hay uống thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Số tài liệu được cơ quan công an phát hiện tại một số khu cách ly. Ảnh: Hoàng Giang

Số tài liệu được cơ quan công an phát hiện tại một số khu cách ly. Ảnh: Hoàng Giang

Cụ thể, để điều trị bệnh Covid-19 thì đọc dãy số 1260026… liên tục từ 60-90 phút, ngày đọc vài lần đến khi nào hết bệnh Covid thì thôi (!?).

Qua điều tra bước đầu, Công an tỉnh Cà Mau phát hiện hai phụ nữ (ngụ TP Cà Mau) đã sao chép, phát tán số tài liệu trên.

Làm việc với cơ quan công an, người phụ nữ ngụ phường 4 (TP Cà Mau) khai nhận, khi phát hiện trên mạng xã hội có video clip chia sẻ bài viết chữa bệnh Covid-19 bằng phương pháp mới, chưa nhận thức rõ phương pháp trị bệnh trên là phản khoa học, nên người nữ này đã in ra rồi nhờ người phụ nữ ở phường 9 phát tán vào các khu cách ly tập trung.

BS.CKII Châu Thanh Phong - Giám đốc Bệnh viện Công an tỉnh Cà Mau cho biết: “Khi mắc Covid-19 là phải đến bệnh viện điều trị. Chúng tôi khuyến cáo bà con không nên tin, nghe theo và không chia sẻ những thông tin chữa bệnh sai sự thật, phản khoa học trên”.

Nguồn

https://www.baogiaothong.vn/nguoi-phat-tan-tai-lieu-phan-khoa-hoc-doc-so-de-chua-covid-19-khai-gi-d530616.html

1 xã ở tỉnh Hải Dương cho học sinh tạm dừng đến trường

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, trong ngày hôm nay (31/10), trên địa bàn ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 ở huyện Thanh Hà và Kim Thành đã được Bộ Y tế đánh mã số bệnh nhân. Những trường hợp này đều có yếu tố dịch tễ trở về từ Bình Dương và đã được cách ly từ trước.

Trường hợp thứ nhất: Bệnh nhân 916727 (SN 1991, nam), trú tại xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà) và ở tại tổ 4C, khu phố 1, phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên (Bình Dương).

Theo cơ quan chức năng, hàng ngày bệnh nhân và con gái 6 tuổi ở nhà (Bình Dương) không đi đâu và không tiếp xúc với ai. Vào 11h30 trưa 26/10/2021, công dân và con gái đi xe taxi (không nhớ tên lái xe, biển số) ra sân bay Tân Sơn Nhất để đi chuyến bay VJ 272, ngồi số ghế 28A, 28B về Nội Bài (Hà Nội).

Khi xuống sân bay Nội Bài, công dân cùng con gái đi xe taxi (không nhớ tên lái xe, biển số) từ sân bay về thẳng nhà tại xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà) và không tiếp xúc với ai. Vào sáng qua (30/10), bệnh nhân được lấy mẫu chùm xét nghiệm cho kết quả nghi ngờ. Tiếp đó, trường hợp này được chỉ định lấy lại mẫu đơn xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-COV-2. Cơ quan chức năng tiến hành truy vết được 2 trường hợp F1 tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Liên quan đến ca bệnh nói trên, chiều nay UBND huyện Thanh Hà ban hành công văn về việc tổ chức hoạt động dạy học tại xã Thanh Hồng trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể: Trẻ em mầm non, học sinh lớp 1 tại xã Thanh Hồng dừng đến trường và học sinh từ lớp 2 đến lớp 9 thực hiện học trực tuyến bắt đầu từ ngay mai (01/11/2021) đến khi có thông báo mới...

Trường hợp thứ hai: Bệnh nhân BN916726 (SN 1984, nam), trú tại thôn Minh Thành, xã Lai Vu (huyện Kim Thành). Vào khoảng 13h chiều 28/10, công dân về đến ngã tư Ngô Quyền (TP. Hải Dương) có thuê xe ôm (không biết tên lái xe, không nhớ biển số) chở về quê (xã Lai Vu, huyện Kim Thành). Đến 17h chiều cùng ngày, ca bệnh về đến Trạm Y tế xã Lai Vu khai báo y tế và được hướng dẫn các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Quá trình thực hiện cách ly, công dân được bố đẻ mang đồ ăn đến để ở cửa, sau đó bệnh nhân ra lấy. Trong quá trình này, người bố không vào nhà nói chuyện tiếp xúc với con trai và có đeo khẩu trang.  

Sau đó, công dân được lấy mẫu gộp xét nghiệm có kết quả nghi ngờ và được nhân viên y tế lấy mẫu đơn xét nghiệm cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Qua truy vết, Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã lấy 1 mẫu F1 cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Liên quan đến ca bệnh này, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hải Dương đã ban thành thông báo tìm người lái xe ôm từ ngã tư Ngô Quyền chở bệnh nhân về xã Lai Vu (huyện Kim Thành).

Cũng theo ngành Y tế Hải Dương, đến chiều nay, tại các ổ dịch cũ trên địa bàn không ghi nhận ca mắc mới và toàn tỉnh hiện còn 321 trường hợp F1 đang cách ly tập trung.

Nguồn

https://giadinh.net.vn/tu-ngay-mai-1-xa-o-tinh-hai-duong-cho-hoc-sinh-tam-dung-den-truong-172211031191426119.htm

Bình Định: 2 học sinh tiểu học mắc Covid-19, cách ly 3 giáo viên và 57 bạn cùng lớp

Sáng 1-11, Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước cho biết ngành y tế địa phương đang tiến hành các thủ tục để cách ly 3 giáo viên và 57 học sinh Trường Tiểu học số 2 Phước Hiệp, xã Phước Hiệp.

Ngành y tế Bình Định tiến hành khử khuẩn tại các trường học có học sinh và giáo viên mắc Covid-19

Ngành y tế Bình Định tiến hành khử khuẩn tại các trường học có học sinh và giáo viên mắc Covid-19

Nguyên nhân do các trường hợp trên đã tiếp xúc gần với 2 ca F0 là anh em ruột ở địa phương và cũng là học sinh lớp 3A với lớp 1A của Trường Tiểu học số 2 Phước Hiệp.

Trước đó, ngày 30-10, 2 em học sinh trên cùng mẹ (SN 1986; ngụ thôn Giang Bắc, xã Phước Hiệp) được làm xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, kết quả tất cả đều dương tính nên được cách ly tạm thời để lấy mẫu xét nghiệm lại.

Ngày 31-10, kết quả xét nghiệm RT-PCR cho thấy 3 mẹ con nói trên đều dương tính SARS-CoV-2.

Ngay sau khi phát hiện 2 em học sinh mắc Covid-19, Trường Tiểu học số 2 Phước Hiệp đã tạm thời cho học sinh toàn trường dừng học trực tiếp từ ngày 1 đến 6-11.

Tính đến sáng 1-11, Bình Định đã ghi nhận 1.688 ca Covid-19. Trong đó, có 1.471 ca đã khỏi bệnh, 200 ca đang được điều trị tại các cơ sở y tế và 17 ca tử vong.

Nguồn

https://nld.com.vn/thoi-su/binh-dinh-2-hoc-sinh-tieu-hoc-mac-covid-19-cach-ly-3-giao-vien-va-57-ban-cung-lop-20211101085127051.htm

Đà Nẵng: Bị nghi nhiễm Covid-19, người đàn ông vẫn trốn đi nhậu với bạn

Ngày 31/10, Đà Nẵng ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19. Trong đó có 1 ca cộng đồng, là trường hợp về từ TP.HCM.

Bệnh nhân T.L.N (35 tuổi, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), từ TP.HCM về Đà Nẵng vào ngày 28/10 trên chuyến bay QH172.

Đà Nẵng phát hiện một ca mắc Covid-19 cộng đồng trong ngày 31/10

Đà Nẵng phát hiện một ca mắc Covid-19 cộng đồng trong ngày 31/10

Tối 28/10, T.L.N đến Trạm Y tế phường Khuê Mỹ khai báo y tế và được xác định về từ vùng cấp độ 3, và mới tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19. Theo quy định của thành phố, T.L.N phải cách ly tại nhà 14 ngày (từ 28/10 đến hết ngày 11/11).

Bệnh nhân T.L.N và đại diện gia đình cũng ký bản cam kết với đại diện tổ dân phố, UBND phường Khuê Mỹ về việc chấp hành tự cách ly tại nhà đúng thời gian quy định; không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong thời gian cách ly.

Sáng 29/10, nhân viên Trạm Y tế phường Khuê Mỹ đến lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nhà cho người này, kết quả nghi ngờ với SARS-CoV-2.

Bất chấp đang cách ly tại nhà, khoảng 13h ngày 29/10, T.L.N đến ATM Ngân hàng ACB ở đường Thái Phiên (quận Hải Châu) rút tiền rồi đến công ty nơi mình làm việc (52 Trần Quý Cáp).

Đến 18h chiều cùng ngày, T.L.N đến quán nhậu Ngân Hà (27 Hồ Nghinh, quận Sơn Trà) với một số người bạn.

Ngày 30/10 kết quả xét nghiệm mẫu lẻ bằng phương pháp Realtime RT-PCR của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân sau đó được chuyển lên Bệnh viện Phổi điều trị.

Lãnh đạo UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, đã phong tỏa, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm một số hộ dân xung quanh khu vực nơi bệnh nhân cư trú.

"Qua báo cáo cho thấy bệnh nhân đã không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, địa phương đang tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định”, lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn cho biết.

Nguồn

https://www.baogiaothong.vn/da-nang-bi-nghi-nhiem-covid-19-nguoi-dan-ong-van-tron-di-nhau-voi-ban-d530598.html

Thanh Hóa: Phát hiện 4 ca dương tính trong đó có 2 vợ chồng làm nghề buôn bán

Theo đó, ca bệnh thứ nhất, là bệnh nhân nam (SN 1984), tại phố Quyết, phường Đông Lĩnh, là lao động tự do (buôn bán). Yếu tố dịch tễ là F1 của bệnh nhân L.T.D. ghi nhận ngày 24/10; đã tiêm 1 mũi vắc xin, xác đinh dương tính vào ngày 31/10.

Tối 22/10, bệnh nhân tiếp xúc với F0 L.T.D. (tại nhà F0). Ngày 23/10, bệnh nhân đi ăn sáng tại quán nhà anh Trần Công Thắng (Vĩnh Ngọc, phường Đông Lĩnh) và đi uống cafe cùng 2 người ở Phố Lợi và Phố Thắng, phường Đông Lĩnh. Khoảng 8h, đi cùng 1 người đến xã Khuyến Nông, Triệu Sơn xem xe ô tô, có tiếp xúc với 3 người. Từ 17h đến 19h, đến nhà anh T.X.N. (Phố Quyết, phường Đông Lĩnh) lấy hàng, có tiếp xúc với 4 người. Sau đó có đến nhà anh L.T.X. uống nước, rồi về nhà.

Ngày 24/10, buổi sáng, bệnh nhân cùng vợ là F0 L.T.P., đi giao hàng ở Triệu Sơn, nhưng chưa giao hàng cho ai thì được chính quyền thông báo L.T.D. là F0, bệnh nhân và vợ trở về Đông Lĩnh được đưa đi cách ly tập trung ngày 24/10.

Hiện lực lượng chức năng đang khẩn trương truy vết những người liên quan tới 4 ca bệnh trên

Hiện lực lượng chức năng đang khẩn trương truy vết những người liên quan tới 4 ca bệnh trên

Ca bệnh thứ 2, là bệnh nhân nữ (SN 1988), tại phố Quyết, phường Đông Lĩnh. Là lao động tự do (buôn bán). Yếu tố dịch tễ là F1 của bệnh nhân L.T.D. ghi nhận ngày 24/10; đã tiêm 1 mũi vắc xin, ngày 31/10 xét nghiệm dương tính.

Tối 22/10, bệnh nhân tiếp xúc với F0 L.T.D. (tại nhà F0). Ngày 23/10, khoảng 10h, bệnh nhân tiếp xúc với F0 L.T.D. (tại nhà F0). Buổi chiều, đi chợ Nhưng, có tiếp xúc với 2 người bán hàng ở Phố Quyết và Phố Thắng, Đông Lĩnh). Buổi tối, bệnh nhân có tổ chức họp đồng niên tại nhà, có 10 người tham dự.

Ngày 24/10, buổi sáng, cùng chồng là F0 L.Đ.N. đi giao hàng ở Triệu Sơn; bệnh nhân có vào quán Nẩm Dự (Dân Lực, Triệu Sơn) mua nước. Sau khi được chính quyền thông báo L.T.D. là F0, bệnh nhân và chồng trở về Đông Lĩnh được đưa đi cách ly tập trung ngày 24/10.

Ca bệnh thứ 3, là bệnh nhân nam (SN 1975), tại Phố Quyết, phường Đông Lĩnh. Yếu tố dịch tễ là F1 của bệnh nhân L.T.D. ghi nhận ngày 24/10, ngày 31/10 xét nghiệm dương tính.

Tối 22/10, bệnh nhân tiếp xúc với F0 L.T.D. (tại nhà F0). Ngày 23/10, buổi sáng, bệnh nhân cùng F0 N.T.Đ. đến ăn sáng tại nhà anh Đ.C.H. (là F1 đã đi cách ly tập trung ngày 28/10). Buổi chiều, bệnh nhân ngồi uống rượu với F0 L.T.H. và F0 N.T.Đ.

Ngày 24/10, bệnh nhân đi ăn sáng tại quán Minh Hải ở phố Nguyên Hạnh, Đông Lĩnh (2 vợ chồng quán Minh Hải đã đi cách ly tập trung ngày 28/10). Sau đó bệnh nhân đi đổ xăng tại cây xăng Vĩnh Ngọc, Đông Lĩnh, có tiếp xúc với nhân viên bán hàng. Ngày đi cách ly tập trung: 24/10.

Ca bệnh thứ 4, là bệnh nhân nữ (SN 1971), tại số 401 Duy Tân, tổ dân phố Hưng Hà, phường Nam Ngạn. Là lao động tự do. Nơi cư trú trước khi về địa phương ở số nhà 98 Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP Hồ Chí Minh; trở về địa phương ngày 29/10 bằng tàu hỏa số hiệu SE8 toa số 1, số ghế 15. Kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá thực hiện.

Ngày 28/10, bệnh nhân đến Ga Sài Gòn, đi tàu SE8 toa số 1, số ghế 15 về Thanh Hóa lúc 15h 25’ ngày 29/10. Sau đó, bệnh nhân đi xe taxi biển số 36A-11849, hãng xe Mai Linh, lái xe L.H.L. (Đông Cương), về Trạm Y tế phường Nam Ngạn khai báo y tế. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường Nam Ngạn đã ra quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà 7 kể từ ngày 29/10.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Thanh Hoá thông báo và đề nghị những người tiếp xúc gần với các ca bệnh COVID-19 ở các mốc dịch tễ trên khẩn trương đến Trạm Y tế xã, phường nơi cư trú hoặc cơ sở y tế gần nhất khai báo y tế để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

Nguồn

https://giadinh.net.vn/thanh-hoa-phat-hien-4-ca-duong-tinh-trong-do-co-2-vo-chong-lam-nghe-buon-ban-172211101073802666.htm

Sáng 1/11, Nghệ An thêm 24 ca mắc, có 1 ca cộng đồng

Sáng 1/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, trong 12 giờ qua (từ 18h00 ngày 31/10 đến 06h00 ngày 01/11), Nghệ An ghi nhận 24 ca mắc mới tại 10 địa phương (Yên Thành: 5 ca, Quỳnh Lưu: 4 ca, Nghĩa Đàn: 3 ca, Quỳ Châu: 2 ca, Thanh Chương: 3 ca, TP Vinh: 3 ca, Con Cuông, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Quỳ Hợp: 1 ca). Trong đó, có 1 ca cộng đồng tại huyện Quỳnh Lưu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ca cộng đồng là BN N.T.M (nữ, SN 1957, trú xóm Học Văn, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu). Ngày 30/10, BN được lấy mẫu gộp sàng lọc cộng đồng cho kết quả nghi ngờ. Ngày 31/10, BN được cách ly và lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

23 ca còn lại đã được cách ly từ trước. Trong đó, có 14 ca từ các tỉnh phía Nam về, 5 ca là F1, 4 ca trong khu vực phong tỏa.

Như vậy, từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn Nghệ An ghi nhận 2.466 BN mắc COVID-19 ở 21 địa phương. Số BN điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 2.120 BN. Lũy tích số BN tử vong: 20 BN. Số BN hiện đang điều trị: 326 BN.

Tổng số công dân từ các tỉnh phía nam về từ ngày 1/10 đến nay là 27.151. Phát hiện 379 ca dương tính (376 ca nhiễm mới, 3 ca tái dương tính).

Nguồn

https://giadinh.net.vn/sang-1-11-nghe-an-them-24-ca-mac-co-1-ca-cong-dong-172211101090926526.htm

Hà Nội chính thức ban hành kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em

UBND thành phố Hà Nội vừa có Kế hoạch triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn thành phố năm 2021-2022.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ triển khai tiêm vaccine cho toàn bộ trẻ trong độ tuổi từ 12-17 (bao gồm cả trẻ đi học hoặc không đi học) có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Thành phố triển khai tiêm cho trẻ ngay khi tiếp nhận vaccine và tùy theo tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế.

Với mục tiêu trên 95% trẻ từ 12-17 tuổi sống trên địa bàn thành phố Hà Nội được tiêm chủng đủ mũi vaccine COVID-19 theo từng đợt phân bổ vaccine của Bộ Y tế, thời gian triển khai dự kiến diễn ra trong quý IV/2021 đến hết quý I/2022.

Hà Nội sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ độ tuổi cao xuống thấp, bắt đầu từ trẻ 16-17 tuổi.

Hà Nội sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ độ tuổi cao xuống thấp, bắt đầu từ trẻ 16-17 tuổi.

Việc triển khai theo lứa tuổi từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch của thành phố.

Cũng theo kế hoạch này, phạm vi triển khai sẽ phụ thuộc vào lượng vaccine được cung ứng và theo đề xuất của ngành Y tế. Cụ thể, khi nguồn vaccine chưa đủ, việc phân bổ số lượng vaccine cho các quận, huyện, thị xã được triển khai theo thứ tự ưu tiên, đó là: Có ca F0 mới, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung… Khi có đủ vaccine, việc triển khai được tiến hành đồng loạt trên toàn thành phố.

Ngoài ra, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai chiến dịch sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm bảo đảm tối ưu nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh với nguyên tắc: Ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng trẻ em ở các quận, huyện đang có dịch.

Hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động theo Phương án số 170 của UBND thành phố Hà Nội. Địa điểm triển khai tại cộng đồng hoặc trường học tùy thuộc vào tình hình dịch và thời điểm học sinh quay lại trường học; Tổ chức tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên.

Nguồn

https://giadinh.net.vn/ha-noi-chinh-thuc-ban-hanh-ke-hoach-tiem-vaccine-covid-19-cho-tre-em-172211101103652162.htm

TP.HCM sau 1 tháng “mở cửa”: Hơn 40.300 F0 đang cách ly, điều trị

Trưa 1/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến sáng cùng ngày (1/11), có 432.703 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố.

Hiện tại, thành phố có 24.030 trường hợp F0 đang cách ly điều trị tại nhà, 5.078 người đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung. Số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 624 người. Hiện nay tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 11.230 người.

Số trường hợp xuất viện trong ngày là 473 người, có 25 bệnh nhân tử vong.

Nhiều hoạt động, dịch vụ ở TP.HCM được mở cửa mặc dù dịch được đánh giá còn nguy cơ. Ảnh: Hồng Lam

Nhiều hoạt động, dịch vụ ở TP.HCM được mở cửa mặc dù dịch được đánh giá còn nguy cơ. Ảnh: Hồng Lam

HCDC thông tin, thành phố áp dụng quy trình phát hiện và xử lý người nhiễm COVID-19 mới tại cộng đồng. Với ổ dịch gia đình thì cả hộ gia đình sẽ được làm xét nghiệm vào ngày đầu tiên phát hiện F0, thực hiện cách ly 14 ngày. Nếu là ổ dịch cộng đồng thì tiến hành phong tỏa trong vòng 24 giờ để điều tra, truy vết, đánh giá mức độ nguy cơ. Tùy theo mức độ nguy cơ sẽ có các biện pháp can thiệp phù hợp.

Hoạt động xét nghiệm được tổ chức thích ứng với tình hình dịch bệnh. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp có triệu chứng hô hấp, xét nghiệm điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, giám sát định kỳ các khu vực nguy cơ.

Thành phố đang triển khai kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi đồng loạt trên toàn địa bàn. Tổ chức giám sát hoạt động tiêm chủng,đảm bảo các buổi tiêm được tổ chức an toàn ở mức cao nhất. Cộng dồn từ ngày 27/10 đến ngày 31/10, toàn thành phố đã có 352.001 trẻ được tiêm mũi vắc xin đầu tiên.

Theo HCDC, nguy cơ dịch bệnh gia tăng khi các hoạt động kinh tế, xã hội khôi phục lại. Thực hiện nghiêm các bộ tiêu chí an toàn trong kinh doanh sản xuất. Thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh và không được chủ quan, lơ là. Kiểm soát dịch tốt là tiền đề cơ bản để phát triển kinh tế.

Cơ quan y tế này khuyến nghị người dân nên lau chùi các bề mặt thường tiếp xúc nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng. Hạn chế đưa tay chưa rửa lên mắt, mũi miệng.

Nguồn:

http://danviet.vn/tphcm-sau-1-thang-mo-cua-hon-40300-f0-dang-cach-ly-dieu-tri-50202111115123662.htm

Hơn 11.000 ca COVID-19, An Giang cho F0 không triệu chứng điều trị tại nhà

An Giang vừa thống nhất cho triển khai cách ly, điều trị tại nhà các trường hợp F0 không triệu chứng.

Giai đoạn đầu triển khai thí điểm tại TP Long Xuyên, TP Châu Đốc và thị xã Tân Châu. Ngoài ra, có thể triển khai thí điểm tại các địa phương có bùng phát dịch khi các cơ sở thu dung điều trị F0 không đảm bảo các điều kiện cách ly, điều trị.

Việc cách ly, điều trị tại nhà F0 không triệu chứng nhằm giảm tải tại các cơ sở điều trị COVID-19, tập trung nguồn lực điều trị người mắc COVID-19 mức độ nhẹ, trung bình và nặng có hiệu quả.

Trong ngày 31-10, toàn tỉnh ghi nhận 215 trường hợp nghi mắc COVID-19, đã điều trị khỏi bệnh 118 trường hợp.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh, tuy số ca nghi mắc giảm so với hôm trước nhưng vẫn còn một số địa phương ghi nhận ca mắc trong cộng đồng như TP Long Xuyên (19), huyện Tịnh Biên (11), huyện Châu Thành (10).

Số trường hợp nghi mắc ở huyện Chợ Mới đã giảm, nhưng vẫn còn ghi nhận 28 ca mắc mới, trong đó 24 ca trong khu phong tỏa… Cạnh đó còn phát hiện nghi mắc COVID-19 trong khu cách ly tại huyện Tịnh Biên (48 trường hợp), TP Long Xuyên (42 trường hợp).

Tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 từ ngày 15-4 đến nay là 11.193  (có 19 trường hợp tái dương tính).

Toàn tỉnh đã 91,90% dân số tiêm vaccine mũi 1 và 13,19% dân số tiêm mũi 2.

Nguồn:

https://plo.vn/suc-khoe/hon-11000-ca-covid19-an-giang-cho-f0-khong-trieu-chung-dieu-tri-tai-nha-1025200.html

Thanh Hóa: Không khai báo y tế, trốn về nhà bố mẹ vợ khiến dịch bệnh lây lan

Ngày 01/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hà Trung, Thanh Hóa đã tiến hành khởi tố vụ án liên quan tới nguyên nhân gây ra chùm ca bệnh COVID-19 tại xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung. Đây là người đã đi về từ vùng có dịch nhưng đã không chấp hành quyết định cách ly y tế của chính quyền địa phương, làm lây lan bệnh COVID-19 ra cộng đồng...

Theo tài liệu ban đầu của cơ quan CSĐT Công an huyện Hà Trung: Mặc dù trước khi từ tỉnh Bình Dương về xã Hà Ngọc, V.N.H. đã gọi điện thoại cho anh Hoàng Văn Đông, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hà Ngọc và được anh Đông hướng dẫn là phải khai báo y tế tại Trạm y tế và áp dụng biện pháp cách ly theo quy định, thế nhưng từ ngày 15 - 19/10, sau khi trở về địa phương, V.N. H đã không đến Trạm y tế Hà Ngọc khai báo y tế và cách ly theo qui định mà trốn về nhà bố mẹ vợ tại thôn Kim Phú Na, xã Hà Ngọc. 

Hiện lực lượng chức năng đã phong tỏa tạm thời Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn

Lực lượng chức năng phong tỏa xã Hà Ngọc để phòng chống dịch

Trong thời gian này, H. không tự cách ly mà vẫn ăn uống, tiếp xúc với các thành viên trong gia đình nhà vợ và hậu quả là: bố vợ, mẹ vợ, vợ, con của V.N.H đều bị nhiễm COVID -19.

Xét hành vi của V.N.H. là nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, xâm phạm đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của cộng đồng và xã hội, Công an huyện Hà Trung đã Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo quy định.

Nguồn:

https://giadinh.net.vn/thanh-hoa-khong-khai-bao-y-te-tron-ve-nha-bo-me-vo-gay-dich-benh-lay-lan-172211101181728025.htm

Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế nói gì về việc bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học?

Chiều 1/11, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế và PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng chủ trì buổi làm việc giữa hai bộ về công tác phối hợp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục khi mở cửa hoạt động.

Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế nói gì về việc bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học? - 1GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế và PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Trần Minh)

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe đại diện Bộ GD&ĐT trình bày tóm tắt các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho học sinh, sinh viên khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; đồng thời thảo luận về công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục cũng như kế hoạch về triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh từ 12-17 tuổi, công tác phối hợp đảm bảo an toàn cho học sinh khi thực hiện tiêm chủng, trách nhiệm của cơ sở giáo dục, gia đình học sinh…

Thông tin tại buổi làm việc cho biết hiện có 22 tỉnh, thành phố đang thực hiện dạy học trực tiếp; 16 tỉnh, thành phố kết hợp giữa dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 25 tỉnh, thành phố thực hiện dạy trực tuyến và qua truyền hình. Một số địa phương như TP. HCM, Ninh Bình, Bình Dương đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em… Để triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học.

Về vấn đề tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết tiêm vắc-xin cho trẻ theo hình thức chiến dịch, thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ. Việc tiêm chủng chủ yếu thực hiện tại các trường học, trẻ không đi học thì tiêm tại trạm y tế, trẻ có bệnh nền tổ chức tiêm tại trung tâm y tế, bệnh viện để có những xử trí phù hợp…

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cũng đề nghị ngành giáo dục các địa phương lưu ý các điểm tiêm tại nhà trường tuân thủ theo đúng các hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Y tế liên quan đến tiêm chủng. “Tổ chức tiêm chủng cho trẻ em theo hình thức chiến dịch do đó ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế. Sự phối hợp của các nhà trường với y tế trong công tác tiêm chủng rất quan trọng” - PGS.TS Dương Thị Hồng nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao sự phối hợp của 2 Bộ Y tế - GDĐT trong công tác đào tạo, chăm sóc sức khoẻ học sinh, sinh viên cũng như các hoạt động mang tính cộng đồng thiết thực bảo vệ sức khoẻ của người dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc để học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng, do đó các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường đảm bảo an toàn.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, tại Nghị quyết 128 của Chính phủ đã nêu rõ Bộ GĐĐT phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn để học sinh, sinh viên đến trường. Tuy nhiên, việc triển khai hướng dẫn này phụ thuộc vào tình hình dịch theo các cấp độ tại mỗi địa phương và chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện.

Tại cuộc họp, lãnh đạo hai Bộ đã trao đổi và thống nhất nên sớm rà soát, bổ sung hướng dẫn “Sổ tay về phòng chống COVID-19 trong trường học” để tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học toàn quốc các kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng chống COVID-19 để “mỗi giáo viên trở thành một cán bộ y tế tại trường học”.

Hai Bộ trưởng nhất trí hai Bộ sẽ cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe trong trường học khi học sinh, sinh viên trở lại trường, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128. Đồng thời, thúc đẩy các địa phương ứng xử phù hợp với mở cửa trường học ở từng xã, phường tương đương với các cấp độ kiểm soát dịch bệnh.

Nguồn:

http://danviet.vn/bo-gd-dt-bo-y-te-noi-gi-ve-viec-bao-dam-an-toan-khi-mo-cua-truong-hoc-5020211112013647.htm

Một gia đình tại Quảng Bình có 4 người cùng dương tính với SARS-CoV-2​​​​​​​

Ngày 1/11, ông Cao Sỹ Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) thông tin về các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới trên địa bàn. Trong đó 1 gia đình có 4 người mắc COVID-19.

Theo đó, chị N. T. G (SN 1993) trú thôn Tân Sơn, xã Sơn Hóa vào ngày 24/10 trong lúc giao hàng có tiếp xúc với một người tại xã Thuận Hóa mà sau đó được xác định là F0.

Đến ngày 28/10, chị G. có biểu hiện sốt và tự điều trị ở nhà nhưng không đỡ. Ngày 31/10, chị này đến test nhanh tại Trạm Y tế xã Sơn Hóa và cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. 

Chiều ngày 1/11, chị G. và 3 người trong gia đình gồm: chồng Đ. T. M. D (SN 1984), 2 con là Đ. T. K. L (SN 2015) và Đ. T. B. N (SN 2020) đều có kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. 

Được biết, từ ngày 24 đến 29/10, chị G. có đi lại nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người. Vợ chồng N. T. G đều đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 khoảng 1 tuần. 

Hiện, các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nói trên đã được đưa đi cách ly, điều trị. Sau truy vết, được biết có 43 F1 liên quan. Các trường hợp F1 đã được lấy mẫu test nhanh và đều cho kết quả âm tính.

Tính đến 6h ngày 1/11, trên địa bàn Quảng Bình đã ghi nhận 2010 ca mắc COVID-19, trong đó 1897 trường hợp đã khỏi bệnh. Có 441. 050 liều vaccine phòng COVID-19 với 62. 753 người tiêm đủ 2 mũi.

Nguồn

https://giadinh.net.vn/mot-gia-dinh-tai-quang-binh-co-4-nguoi-cung-duong-tinh-voi-sars-cov-2-172211101202028222.htm

Thanh Hóa: 3 nhân viên dương tính, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn phong tỏa​​​​​​​

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa, tính từ 17h ngày 31/10 đến 17h ngày 1/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 43 bệnh nhân mắc COVID-19 mới; trong đó có 19 bệnh nhân lây nhiễm trong tỉnh, 1 bệnh nhân phát hiện tại chốt kiểm soát; 1 bệnh nhân trở về từ ngước ngoài, những bệnh nhân còn lại là công dân trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam.

Trong số 19 bệnh nhân lây nhiễm trong tỉnh, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn phát hiện 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm sàng lọc và khẳng định bằng RT-PCR.

Hiện lực lượng chức năng đã phong tỏa tạm thời Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn

Hiện lực lượng chức năng đã phong tỏa tạm thời Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch thị xã Nghi Sơn, ca F0 đầu tiên phát hiện sáng 1/11 tại Khoa Đông Y, bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn. Bệnh nhân là nam giới, thường trú tại xã Các Sơn, đi chăm vợ tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn từ ngày 16 – 23/10.

Từ ngày 26/10 chuyển đến Khoa Đông Y. Sáng 1/11 bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19, test nhanh tại bệnh viện cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm RT- PCR tại bệnh viện sau đó tiếp tục dương tính.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn đã lập tức phong tỏa tạm thời Khoa Đông Y, đồng thời yêu cầu toàn bộ cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang ở trong khu vực bệnh viện thực hiện "ai đang ở đâu ở yên đó"; tổ chức test nhanh cho cán bộ, nhân viên và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Hiện đã có 6 trường hợp dương tính, trong đó có 3 nhân viên của Bệnh viện.

Theo thông tin từ bệnh viện, trong số 266 cán bộ, nhân viên của bệnh viện thì có 219 người hiện đang ở bệnh viện, ngoài ra còn có 231 bệnh nhân và khoảng 40 người nhà đi chăm sóc. Đến 16 giờ ngày 1/11 thị xã Nghi Sơn đã truy vết được 56 F1, trong đó có 51 trường hợp tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn và 5 trường hợp ở xã Các Sơn.

Nguồn

https://giadinh.net.vn/thanh-hoa-3-nhan-vien-duong-tinh-benh-vien-da-khoa-khu-vuc-nghi-son-phong-toa-17221110119203001.htm

5 chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 11/2021: Những dịch vụ nào được giảm thuế?
Từ tháng 11/2021, hàng loạt chính sách liên quan về lao động, tiền lương bắt đầu thực hiện và được đánh giá là có nhiều lợi ích cho người lao động.

Tin tức 24h

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19