COVID-19 1/4: Phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2, khả năng lây lan hơn cả Omicron

H.A - Ngày 01/04/2022 14:44 PM (GMT+7)

Biến thể XE thực chất là sự kết hợp giữa 2 chủng của biến thể Omicron là BA.1 và BA.2.

Nghe audio
0:00
0:00

7 diễn biến

Phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2, khả năng lây lan hơn cả Omicron

Sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối năm 2021 đã khiến thế giới tiếp tục trải qua một làn sóng dịch COVID-19 nghiêm trọng. Trong đó, số ca lây nhiễm tại nhiều quốc gia bao gồm Mỹ và Hàn Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục. 

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) mới đây đã đưa ra cảnh báo về dòng biến thế phủ của Omicron là BA.2, theo đó, BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn so với biến thể gốc BA.1 tới 30%. Hiện nay, BA.2 đang là biến thể chiếm ưu thế trong số các ca mắc COVID-19 mới tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.

Theo Deadline, đến nay đã có thêm 3 biến thể mới được phát hiện kể từ Omicron là XD, XF và XE. Theo một báo cáo được công bố gần đây từ Cơ quan Dịch vụ Y tế Vương quốc Anh, hai loại được gọi là XD và XF là sự kết hợp giữa chủng Delta và chủng BA.1 gốc của Omicron, còn được gọi là "Deltacron". Sự kết hợp này đã được nói đến trong nhiều tháng nhưng đến nay không có nhiều trường hợp lây nhiễm biến thể này. 

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Trong khi đó, XE đang là biến thể nhận được sự chú ý của giới khoa học. Giống như XD và XF, XE cũng là một biến thể được tạo ra bởi sự kết hợp. Tuy nhiên, biến thể này lại được kết hợp bởi 2 dòng phụ thể của Omicron là BA.2 và BA.1.

Theo đó, ngày 30/3 (giờ địa phương), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo một số phát hiện ban đầu về biến thể XE.

Cụ thể, báo cáo nêu: "Biến thể tái tổ hợp XE đầu tiên được phát hiện ở Vương quốc Anh vào ngày 19/1 và hơn 600 trình tự gen có liên quan đã được báo cáo và xác nhận tại đây kể từ đó. Các ước tính ban đầu cho thấy lợi thế về tỷ lệ gia tăng về các trường hợp lây nhiễm là khoảng 10% so với BA.2, tuy nhiên, phát hiện này cần được xác nhận thêm".

Theo WHO, việc xác nhận thêm đang ngày càng trở nên khó khăn hơn trong tuần này. WHO cho biết tổ chức đã nhận thấy một vấn đề đáng lo ngại trong tuần này khi có "sự sụt giảm đáng kể gần đây trong việc xét nghiệm SARS-CoV-2 của một số Quốc gia Thành viên". WHO thông tin: "Dữ liệu ngày càng ít tính đại diện, ít kịp thời và kém mạnh mẽ hơn. Điều này đã ngăn cản khả năng tập thể của chúng tôi trong việc theo dõi virus đang ở đâu, lây lan như thế nào và tiến triển ra sao. Thông tin và phân tích vẫn rất quan trọng để chấm dứt hiệu quả giai đoạn cấp tính của đại dịch".

Thông báo tóm tắt của Cơ quan Dịch vụ Y tế Vương quốc Anh vào tuần trước cũng đã củng cố một số khẳng định trong báo cáo WHO về biến thể XE và kêu gọi thận trọng khi đưa ra kết luận.

Cụ thể, cuộc họp báo từ Anh chỉ ra biến thể XE đã cho thấy khả năng lây nhiễm đáng lo ngại tại Anh dù hiện nay, tỷ lệ các ca lây nhiễm biến thể này vẫn dưới mức 1% trong tổng số các trường hợp được giải trình tự gen. Tốc độ lây lan ban đầu của XE không quá khác biệt so với BA.2 nhưng theo dữ liệu gần nhất tính đến ngày 16/3/2022, XE có tốc độ lây lan cao hơn so với BA.2 tới 9,8%. Tuy nhiên, ước tính này vẫn cần được đánh giá thêm. Hiện nay, số ca mắc XE vẫn còn quá ít để được phân tích theo khu vực. 

Một làn sóng lây nhiễm mới từ chủng BA.2 đang chiếm ưu thế hiện nay vẫn chưa xảy ra, ngay cả khi các hạn chế phòng dịch đã được nới lỏng ở một vài nơi trên thế giới. Vì vậy, các chuyên gia hy vọng xu hướng lây nhiễm của XE trong tương lai, nếu nó trở thành biến thể cạnh tranh với BA.2, sẽ tương tự. Tuy nhiên, hiện vẫn cần thêm thời gian và sự quan sát trước khi đi đến kết luận cuối cùng về vấn đề này.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/phat-hien-bien-the-moi-cua-sars-cov-2-kha-nang-lay-lan-...

F0 không khai báo y tế vẫn ‘ép’ bác sĩ cấp giấy xác nhận

Thực tế trên đang xảy ra trên địa bàn TPHCM, y bác sĩ tại các trạm y tế khi làm nhiệm vụ xác nhận F0 và cấp giấy hoàn thành thời gian cách ly đã bị nhiều người dân chưa khai báo F0 khi nhiễm bệnh đến gây áp lực yêu cầu cung cấp giấy xác nhận F0.

Cụ thể, tại Trạm Y tế phường 5, Quận 8, BS Lê Thanh Tuấn – Trưởng trạm cho biết: “Nhiều người dân đã đến ép chúng tôi phải cấp giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly y tế sau khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, khi kiểm tra trên hệ thống thì họ không có tên trong danh sách khai báo F0 nên chúng tôi không có cơ sở để cấp giấy xác nhận đã hoàn thành thời gian cách ly y tế”.

Người dân đến khai báo y tế và nhận giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly sau khi là F0.

Người dân đến khai báo y tế và nhận giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly sau khi là F0.

Theo phân tích của BS Thanh Tuấn, việc khai báo F0 khi nhiễm bệnh và tiếp nhận giấy xác nhận F0 đã hoàn thành thời gian cách ly y tế có liên quan trực tiếp đến quyền lợi được hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động và là cơ sở để người lao động, học sinh, sinh viên trở lại với công việc và học tập. Tất cả thủ tục khai báo và xác nhận đều có phần mềm quản lý chặt chẽ từ Sở Y tế. Nếu cung cấp giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly cho người chưa khai báo F0 thì chính nhân viên y tế sẽ vi phạm quy định.

Hiện nay, Sở Y tế TPHCM đang triển khai thí điểm chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà trên địa bàn (tại địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn). BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, sau 20 ngày triển khai, đến ngày 31/3 đã có 84.799 lượt F0 khai báo. Từ thông tin khai báo, trực tuyến của F0 các trạm y tế đã tiếp nhận thông tin khai báo, đánh giá, sàng lọc và đã xác nhận 61.406 trường hợp là F0 có đầy đủ thông tin được khai báo theo yêu cầu.

Phân tích thời gian khai báo của F0 cho thấy hầu hết đã khai báo trong 48 giờ đầu, tuy nhiên còn khoảng 15% F0 khai báo ở ngày thứ tư hoặc ngày thứ năm. Để phát hiện sớm và kịp thời hỗ trợ cho nhóm F0 có nguy cơ đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các trạm y tế trong giải quyết hồ sơ trực tuyến, sắp tới Sở Y tế sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo Thành phố rút ngắn thời gian khai báo F0 xuống còn 48 giờ đầu.

Ngành y tế TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ đăng ký chữ ký số cho các trạm y tế, UBND phường, xã để thuận lợi hơn trong cấp chứng nhận trực tuyến cho người F0 đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà.

Nguồn: https://tienphong.vn/f0-khong-khai-bao-y-te-van-ep-bac-si-cap-giay-xac-nhan-post1427270...

Bộ Y tế chốt 2 loại vắc-xin Covid-19 được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Chiều 31-3, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tập huấn tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hội nghị kết nối đến 700 điểm cầu trên toàn quốc.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh đến nay cả nước đã tiêm trên 206 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó tỉ lệ tiêm mũi 1 với nhóm trên 18 tuổi là 100%; mũi 2 là 99%; đối với trẻ từ 12-17 tuổi, hiện tỉ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 tương ứng là 99% và 94%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá việc tiêm vắc-xin cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi rất quan trọng - Ảnh: Trần Minh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá việc tiêm vắc-xin cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi rất quan trọng - Ảnh: Trần Minh

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết đối với nhóm đối tượng trên 18 tuổi, việc tiêm liều nhắc lại đã được Bộ Y tế triển khai từ tháng 12-2021, hiện khoảng trên 50% người đã tiêm liều nhắc lại. Riêng nhóm đối tượng nguy cơ, khoảng 64% người từ 18 tuổi trở lên có yếu tố nguy cơ đã được tiêm liều bổ sung.

Về tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 14 về việc mua vắc-xin để tiêm cho nhóm trẻ này. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ quan làm việc rất thận trọng, từng bước, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo chương trình tiêm chủng của các nước; các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để đảm bảo tiêm chủng phải an toàn.

"Dù trẻ ở lứa tuổi này mắc Covid-19 phần lớn đều nhẹ nhưng cũng ảnh hưởng khi các cháu ốm, phụ huynh cũng phải nghỉ chăm sóc, các cháu liên quan cũng phải nghỉ để tiếp tục học trực tuyến… tạo gánh nặng lên xã hội. Ngoài ra, các biến chứng khi mắc Covid-19 ở nhóm này thông qua báo cáo của các chuyên gia nghiên cứu số liệu quốc tế cũng như trong nước cho thấy cũng có ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của các cháu, dù không nhiều nhưng cũng là đáng lo ngại là biến chứng viêm cơ tim, Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Đây là biến chứng hệ thống khám chữa bệnh đã ghi nhận…"- ông Sơn nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, thời gian qua Bộ Y tế đã họp Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin về việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; tham vấn các ý kiến của WHO về khuyến cáo chính thức cho Việt Nam về tiêm chủng cho trẻ trong lứa tuổi này; Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân về việc tiêm cho trẻ…

Để chuẩn bị tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố về việc tiêm vắc-xin cho trẻ ở độ tuổi này, đồng thời đề nghị địa phương, đơn vị khẩn trương sẵn sàng nhân lực và cơ sở vật chất, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể đưa vắc-xin vào sử dụng ngay sau khi tiếp nhận vắc-xin.

"Bộ Y tế xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để bảo vệ sức khỏe trẻ em và giúp trẻ em được đi học, vui chơi, cha mẹ yên tâm làm việc trong điều kiện nước ta mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội"- Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Không tiêm trộn 2 loại vắc-xin cho trẻ

Tại hội nghị tập huấn, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết đầu tháng 4-2022, ngay sau khi vắc-xin Covid-19 được cung ứng, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố cả nước sẽ triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi .

Theo đó, vắc-xin Pfizer chỉ định cho người 5 đến dưới 12 tuổi. Liều lượng đường dùng: tiêm bắp, liều tiêm 0,2 ml. Lịch tiêm: 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Vắc-xin Spikevax (Moderna Covid-19 vắc-xin) được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 . Tiêm liều tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25 ml), giống như tiêm vắc-xin cho người lớn liều nhắc lại. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Cũng theo bà Hồng, về phương thức triển khai, Bộ Y tế yêu cầu chiến dịch tiêm chủng diễn ra tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động.

"Triển khai trước cho nhóm tuổi lớn, từ 11 tuổi, tức trẻ học lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc-xin được cung ứng"- PGS Hồng nhấn mạnh.

Về phản ứng sau tiêm chủng, bà Hồng cho biết theo kinh nghiệm học hỏi từ thế giới và các đồng nghiệp, những phản ứng trầm trọng, bất thường sau tiêm ở trẻ 5 đến dưới 12 tuổi ít hơn so với trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Các phản ứng nặng càng ít gặp hơn, tuy nhiên, lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh các địa phương không được chủ quan. Trong 3 ngày đầu sau khi tiêm, trẻ nhỏ cần có người hỗ trợ suốt 24/24 giờ, tránh vận động mạnh.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-chot-2-loai-vac-xin-covid-19-duoc-tiem-cho-tre-tu-5...

Hà Nội nhiều ngày liền không ghi nhận ca tử vong do Covid-19, số F0 giảm sâu

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết từ 18 giờ ngày 30-3 đến 18 giờ ngày 31-3, TP Hà Nội ghi nhận 8.057 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 2.146 ca cộng đồng, 5.911 ca đã cách ly.

Các bệnh nhân phân bố tại 342 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.191); Sóc Sơn (829); Hoàng Mai (679); Thanh Trì (381); Hoài Đức (338).

Cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4-2021) là 1.475.320 ca.

Tính đến hết ngày 30-3, Hà Nội có 202.271 bệnh nhân đang điều trị, theo dõi (giảm khoảng 10.000 ca so với ngày trước đó). Trong số này, chỉ còn 1.285 người điều trị tại bệnh viện; 156 người điều trị tại cơ sở thu dung quận/huyện/thị xã; số còn lại 200.830 người theo dõi cách ly tại nhà.

Đáng chú ý, tính đến hôm nay 31-3, Hà Nội đã trải qua 4 ngày liên tiếp không ghi nhận bệnh nhân Covid-19 tử vong. Tổng số người tử vong do Covid-19 của TP đến nay là 1.320 người.

Hiện nay, dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đã có dấu hiệu hạ nhiệt và được kiểm soát. Nếu như đầu tháng 3-2022, số ca mắc Covid-19 gia tăng mạnh, thậm chí có ngày ghi nhận số mắc kỷ lục (hơn 32.600 ca trong ngày 8-3) thì nay đã hạ nhiệt còn khoảng gần 9.000 ca/ngày. Cùng với đó, người bệnh được sử dụng thuốc kháng virus sớm, giảm tỉ lệ nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong do Covid-19.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/ha-noi-nhieu-ngay-lien-khong-ghi-nhan-ca-tu-vong-do-covid-1...

Bình Dương: 100% xã, phường thuộc thị xã Bến Cát ở mức độ dịch 3

Ngày 1/4, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh này.

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin với Người Đưa Tin, tính từ ngày 1/1 - 31/3, tỉnh này ghi nhận 85.813 ca mắc Covid-19 (trong đó có 12 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron).

Lũy kế từ khi phát hiện dịch (đầu năm 2021) đến nay, tỉnh này ghi nhận 376.484 ca nhiễm, có 95,6% bệnh nhân đã khỏi bệnh. Hiện, còn 22.858 người bệnh đang được cách ly điều trị (trong đó có 264 F0 điều trị tại bệnh viện và 22.594  F0 cách ly điều trị tại nhà với triệu chứng nhẹ).

Dịch Covid-19 trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương đang giảm.

Dịch Covid-19 trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương đang giảm.

Theo ông Chương, tình hình dịch Covid-19 trong 7 ngày qua được công bố là 11.008 ca (trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 1.573 ca nhiễm). Số ca khỏi bệnh/hoàn thành điều trị là 22.831 ca (trung bình mỗi ngày có 3.262 ca khỏi bệnh).

Sở Y tế cũng đưa ra đánh giá về cấp độ dịch quy mô cấp xã, phường. Kết quả đánh giá cấp độ dịch của tuần hiện tại như sau: Cấp độ 1 có 44 xã/phường. Cấp độ 2 có 16 xã/phường. Cấp độ 3 có 31 xã/phường. Riêng tại thị xã Bến Cát có 100% các xã/phường ở mức cấp độ 3 trong 3 tuần liên tiếp.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Chương, hệ thống báo cáo từ các địa phương cho thấy, hiện nay, các ca bệnh được phát hiện chủ yếu khi người dân tự xét nghiệm test nhanh và khai báo với trạm y tế.

Cụ thể, trong 7 ngày qua, ngành y tế xét nghiệm cho 33.397 trường hợp, phát hiện 17.533 trường hợp dương tính, chiếm 52,5%, trung bình mỗi ngày phát hiện khoảng 2.504 ca xét nghiệm test nhanh dương tính.

Trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 có chiều hướng giảm hơn so với tuần trước. Từ ngày 14/3 đến 20/3 với 17.533 ca, cao nhất ngày 22/3 ghi nhận 3.514 ca dương tính qua xét nghiệm test nhanh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 khu/cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với số giường hiện có là 4.006 giường. Hiện còn 22.858 người bệnh đang được cách ly điều trị (trong đó có 264 F0 điều trị tại bệnh viện và 22.594 F0 cách ly điều trị tại nhà với triệu chứng nhẹ).

Công tác tiêm chủng vắc-xin, hiện tỉnh Bình Dương đã 15.155 liều (mũi 1: 5.556 liều; mũi 2: 9.599  liều) cho trẻ từ 12 -17 tuổi, tổng số liều đã tiêm cho người lớn từ 18 tuổi trở lên: 296.007 liều (mũi 1: 8.672  liều; mũi 2: 30.044 liều; mũi 3: 257.291 liều).

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-duong-100-xa-phuong-thuoc-thi-xa-ben-cat-o-muc-do-dich-...

Giám đốc CIA nhiễm COVID-19, từng tham dự cuộc họp với Tổng thống Biden

Theo hãng tin AP, ngày 31/3 (giờ địa phương), Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ra thông cáo cho biết, Giám đốc William Burns đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau buổi xét nghiệm cùng ngày.

Giám đốc CIA William Burns. Ảnh: Chinanews

Giám đốc CIA William Burns. Ảnh: Chinanews

Thông báo cho biết thêm rằng ông Burns đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 cùng 1 mũi tiêm nhắc lại và hiện đang có các triệu chứng nhẹ. Ông sẽ tiếp tục làm việc tại nhà và dự định sẽ trở lại văn phòng sau 5 ngày nữa nếu xét nghiệm âm tính.

Trước đó một ngày, vị giám đốc CIA đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp nhưng 2 bên đều duy trì khoảng cách xã giao.

CIA khẳng định ông Burns không được coi là người có tiếp xúc gần với ông Biden theo tiêu chuẩn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Báo cáo cũng đề cập rằng trong những tuần gần đây, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Psaki, Phó Thư ký Báo chí Karin Jean-Pierre, Thủ tướng Ireland Michael Martin và những người khác nhiễm COVID-19, đều từng tham gia hoạt động với Tổng thống Biden.

Hôm 30/3, nhà lãnh đạo Mỹ đã có kế hoạch tiêm mũi tăng cường thứ 2 vaccine ngừa COVID-19, sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép thực hiện điều đó với nhóm tuổi của ông.

Cụ thể, FDA đã cho phép tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường thứ 2 cho những người từ 50 tuổi trở lên, nhấn mạnh bất kỳ ai trong độ tuổi này đều có thể làm điều đó 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại đầu tiên.

Tổng thống Joe Biden, 79 tuổi, đã tiêm mũi vaccine tăng cường đầu tiên của hãng Pfizer vào cuối tháng 9/2021.

Nhà Trắng cho biết, ông Biden sẽ tiêm mũi tăng cường thứ 2 sau khi đưa ra những phát biểu về cuộc chiến với đại dịch COVID-19 của chính quyền Mỹ.

Tổng thống Biden cũng được xét nghiệm thường xuyên và có kết quả âm tính vào đầu tuần này.

Gần đây, dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng ở Mỹ. Theo thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca nhiễm được xác nhận ở nước này đã vượt quá 80 triệu.

Theo dữ liệu do CDC Mỹ công bố vào ngày 29/3, chủng phụ BA.2 của biến thể Omicron của SARS-CoV-2, đã trở thành chủng dịch bệnh chính ở nước này. Tính đến tuần kết thúc vào ngày 26/3, các trường hợp nhiễm BA.2 chiếm khoảng 54,9% tổng số các ca nhiễm mới COVID-19 được xác nhận ở Mỹ.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/giam-doc-cia-nhiem-covid-19-tung-tham-du-cuoc-hop-voi-t...

WHO nêu ra 3 kịch bản dịch Covid-19 có thể diễn biến trong năm 2022

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/3 đã đưa ra bản đánh giá cập nhật về tình hình Covid-19 với dự báo 3 kịch bản dịch bệnh có thể diễn biến trong năm nay.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Dựa trên những gì mà chúng tôi đánh giá, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa, nhưng mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm xuống theo thời gian, khi khả năng miễn dịch tăng lên nhờ vắc-xin và lây nhiễm".

COVID-19 1/4: Phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2, khả năng lây lan hơn cả Omicron - 6

Tuy nhiên, ông Tedros cũng thận trọng rằng, số ca nhiễm và ca tử vong do Covid-19 theo giai đoạn có thể xảy ra khi mức độ miễn dịch giảm và điều này đòi hỏi phải tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tăng cường cho các nhóm dân số dễ tổn thương.

Ngoài ra, người đứng đầu WHO cũng cho biết, 2 kịch bản còn lại là các biến thể ít nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện và khi đó các mũi vắc-xin tăng cường hoặc công thức vắc-xin mới có thể sẽ không cần thiết, hoặc một biến chủng mới sẽ xuất hiện và sẽ khiến khả năng chống lây nhiễm của vắc-xin giảm xuống nhanh chóng.

Đây là bản cập nhật thứ ba của Kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó chiến lược được WHO công bố. Ông Tedros thông tin thêm, đây có thể sẽ là bản cập nhật cuối cùng mà WHO đưa ra.

WHO đã công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020. Đây là lần thứ 5 trong lịch sử y tế thế giới, WHO công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Đại dịch được xác định khi căn bệnh lây lan rộng và mạnh, với nguy cơ số ca mắc gia tăng ở một khu vực rộng lớn. Trong khi đó, virus gây bệnh đặc hữu lại tồn tại lâu dài và mang tính lây lan có thể dự đoán được. Đặc điểm có thể dự đoán được này tạo điều kiện để các bác sĩ, hệ thống chăm sóc sức khỏe chuẩn bị và thích nghi, giảm thiểu trường hợp tử vong.

Giữa tháng này, WHO cho biết đang xem xét đưa ra các tiêu chí để kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu do Covid-19. Quyết định sẽ do Tổng Giám đốc WHO Tedros đưa ra sau khi tham vấn kỹ lưỡng với các chuyên gia.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/who-neu-ra-3-kich-ban-dich-covid-19-co-the-dien-bien-trong-n...

8 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2022: Giảm thuế xăng dầu, tăng giờ làm thêm
Tháng 4/2022, hàng loạt các quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực liên quan đến tiền lương, giờ làm thêm, thuế xăng dầu....

Tin tức 24h

H.A (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19