COVID-19 11/3: F0 vô tư lang thang ngoài cộng đồng, nguy cơ dịch bùng, địa phương lo ngại

K.T - Ngày 11/03/2022 14:44 PM (GMT+7)

Bộ Y tế khẳng định, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là “bệnh lưu hành” nên người nhiễm bệnh cần được theo dõi, điều trị theo quy định. Tuy nhiên, tại Đắk Lắk đang xuất hiện mối lo ngại khi có trường hợp dù nhiễm bệnh vẫn sinh

11 diễn biến

Cảnh báo F0 lang thang ngoài cộng đồng, không khai báo y tế

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Đắk Lắk liên tục tăng cao, có ngày trên 3.000 ca mắc mới đã gây quá tải lên hệ thống y tế. Người mắc COVID-19 được hướng dẫn đến các cơ sở y tế khai báo; với F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cho cách ly điều trị tại nhà. Sau 7 ngày điều trị tại nhà, F0 tự mua kit test đến cơ sở y tế để được xét nghiệm, nếu âm tính sẽ được cấp giấy hoàn thành cách ly điều trị bệnh, trường hợp còn dương tính sẽ tiếp tục cách ly, điều trị cho đến khi hết bệnh.

Việt Nam chưa coi dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu nên vẫn cách ly điều trị theo quy định

Việt Nam chưa coi dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu nên vẫn cách ly điều trị theo quy định

Dù đã có hướng dẫn quy trình cách ly, điều trị bệnh tại nhà, tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, đáng lo ngại hiện nay là có trường hợp bị mắc COVID-19 không khai báo y tế, tự điều trị tại nhà. Việc làm này khiến ngành y tế khó quản lý, nắm rõ được số lượng người mắc để có hướng phòng chống dịch bệnh phù hợp, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

Về thông tin có trường hợp F0 tự do đi ra đường, thậm chí buôn bán, ông Nay Phi La cho hay, ngành Y tế rất khó quản lý nếu họ không khai báo y tế và chấp hành quy định cách ly, điều trị tại nhà. Việc quản lý F0 tại nhà do chính quyền địa phương giám sát. Để tránh F0 tự do đi lại khi chưa hết bệnh, chính quyền cần có sự giám sát chặt chẽ, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Ngoài ra, Tiền Phong cũng nhận được phản ánh của nhiều người ngoại tỉnh (đi công tác, du lịch, thăm thân...) khi đến Đắk Lắk thì phát hiện bản thân bị mắc COVID-19. Nhóm người này khai báo với các cơ sở lưu trú và bị từ chối đón tiếp khiến họ lúng túng. Theo ông Nay Phi La, với những trường hợp trên, không cần phải cách ly điều trị bệnh tập trung. Người bệnh sau khi khai báo y tế có thể điều trị tại nơi đăng ký lưu trú (khách sạn, cơ quan nơi đến làm việc….).

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều khách sạn có đến 80% nhân viên mắc Covid không đủ sức đón tiếp, phục vụ những trường hợp F0 dẫn đến sự lúng túng, lo ngại.

Còn bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn có 2 khách sạn đăng ký làm khu cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 tập trung có thu phí gồm: Khách sạn Resort Coffee Tour (số 153 đường Lý Thái Tổ) và Khách sạn Công đoàn Ban Mê (số 9 đường Nguyễn Chí Thành, TP. Buôn Ma Thuột). Với du khách, người ngoại tỉnh khi đến Đắk Lắk phát hiện bị mắc COVID-19 có thể liên hệ 2 khách sạn trên để cách ly, điều trị.

Nguồn: https://tienphong.vn/canh-bao-f0-lang-thang-ngoai-cong-dong-khong-khai-bao-y-te-post142...

Không lợi dụng để tăng giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19

Bộ Y tế vừa ban hành công văn số 1157 đề nghị Sở Y tế, Y tế Bộ ngành, cơ sở y tế công lập và tư nhân trên toàn quốc thực hiện quy định về giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Thông tư 02/2022 ngày 18/2/2022, có hiệu lực từ ngày 21/02/2022 (Thông tư này thay thế Thông tư 16/2021/TT-BYT ngày 8/11/2021của Bộ Y tế).

Trong công văn, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc xét nghiệm theo các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền của địa phương quy định mức giá trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế áp dụng với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc các Bộ, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn địa phương theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2022.

Bộ Y tế đề nghị đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19.

Bộ Y tế đề nghị đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19.

Đối với việc thu và thanh toán chi phí xét nghiệm từng đối tượng thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Các cơ sở y tế lưu ý thực hiện phương pháp xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả. Trường hợp thực hiện xét nghiệm gộp mẫu phải áp dụng mức giá gộp mẫu, không được áp mức giá xét nghiệm theo mẫu đơn hoặc mức giá của mẫu gộp thấp hơn (ví dụ gộp mẫu 10 nhưng áp mức giá gộp mẫu 5) để thu và thanh toán với người bệnh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Cơ sở y tế có trách nhiệm mua sắm vật tư, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Bảo đảm đủ vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm cho người bệnh khi đến khám, chữa bệnh. Cơ sở y tế không được thu thêm của người bệnh hoặc yêu cầu người bệnh tự chi trả các chi phí liên quan đến việc thực hiện xét nghiệm (ví dụ tự mua test xét nghiệm nhanh).

Đối với các cơ sở y tế ngoài công lập đủ điều kiện xét nghiệm COVID-19 theo quy định: không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19, đồng thời phải thực hiện việc quyết định mức giá, kê khai giá, niêm yết giá theo đúng quy định.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (Trường hợp cần thiết báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn). Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các Sở/Ban/Ngành liên quan hoặc báo cáo UBND các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh xin ý kiến chỉ đạo để giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư. Trường hợp quá khả năng báo cáo bằng văn bản về Bộ Y tế để kịp thời hướng dẫn, giải quyết.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khong-loi-dung-de-tang-gia-dich-vu-xet-nghiem-covid-19-a5459...

Hà Nội hướng dẫn chi tiết thủ tục cho người mắc COVID-19 tại nhà

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký ban hành văn bản hướng dẫn các thủ tục hành chính, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà.

Theo đó, để tăng cường công tác quản lý người mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, UBND thành phố ban hành hướng dẫn các thủ tục hành chính, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà, cụ thể là về quyết định cách ly, kết thúc cách ly, xác nhận khỏi bệnh, cấp giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội.

Bước 1: Xác định người mắc COVID-19

Tiếp nhận thông tin từ người nghi nhiễm: Từ các kênh thông tin được thông báo rộng rãi đến người dân: Đường dây nóng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã; đường dây nóng của Trung tâm Y tế, Trạm Y tế; phần mềm chamsocsuckhoe.hanoi.gov.vn; tổng đài 1022; nhóm Zalo của Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà (Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng).

Thông tin được chuyển đến Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng (được phân công phụ trách từng khu vực tổ dân phố, cụm dân cư đến từng hộ gia đình) bao gồm thông tin người nghi nhiễm và nhu cầu cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (nếu có nhu cầu).

Sau khi tiếp nhận thông tin của người nghi ngờ mắc COVID-19, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng tập hợp danh sách người nhiễm, đồng thời thực hiện giám sát bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa cùng với nhân viên y tế được giao phụ trách địa bàn chịu trách nhiệm xác định thông tin về hành chính và xác nhận ca bệnh xác định: Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real-time RT-PCR; là người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2; là người có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc COVID-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2; là người có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với vi rút SARS-CoV-2. Trong trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần thứ 2 âm tính thì cần phải có xét nghiệm Real-time RT-PCR để khẳng định.

Sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Chuyển danh sách người nhiễm COVID-19 đủ thông tin đã được xác nhận của Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, nhân viên y tế đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn.

Bước 2: Quyết định cách ly, quản lý theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã, phường, thị trấn: Ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà (Quyết định cách ly ghi rõ số ngày cách ly từ ngày ra quyết định cho đến ngày có xác nhận khỏi bệnh của cơ quan y tế): Gửi bản chụp qua điện thoại, Zalo đến Tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng để gửi cho người mắc qua nhóm Zalo, bản chính lưu tại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn.

Cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý F0 (do Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, thành viên Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và nhân viên y tế... thực hiện).

Nhân viên y tế tại trạm Y tế xã, phường thị trấn: Phân tầng điều trị, chuyển tuyến với các bệnh nhân tầng 2, 3; Kê đơn điều trị ngoại trú theo Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Ký giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội cho người mắc COVID-19 tại nhà, cho người mắc có nhu cầu đã đăng ký tại Bước 1 trong thời gian 7 ngày.

Cập nhật thông tin người mắc COVID-19 có tham gia bảo hiểm xã hội lên hệ thống thông tin giám định của Bảo hiểm xã hội để cấp Giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định sau khi có đầy đủ chữ ký của nhân viên y tế có thẩm quyền ký theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế Quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng: Liên hệ thường xuyên với người nhiễm để nắm được tình trạng sức khỏe hoặc nhân viên y tế đến trực tiếp nhà người mắc để thăm khám khi có những dấu hiệu bất thường theo quy định.

Bước 3: Xác nhận khỏi bệnh và hoàn thành cách ly

Cụ thể, ngày thứ 7 kể từ ngày có quyết định cách ly y tế và xác nhận ca mắc, người mắc COVID-19 tại nhà làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người mắc COVID-19 thực hiện dưới sự giám sát của Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng và nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa như Bước 1 (ngày xét nghiệm sẽ thực hiện cập nhật hướng dẫn của Bộ Y tế): Nếu kết quả âm tính, trạm Y tế cấp Giấy xác nhận khỏi bệnh và kết thúc cách ly. Nếu kết quả dương tính, người mắc tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (nếu tiêm đủ mũi vắc xin) hoặc 14 ngày (nếu tiêm chưa đủ mũi vắc xin).

Nhân viên y tế tại trạm Y tế cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thêm 3 ngày hoặc 7 ngày đối với người tham gia bảo hiểm xã hội và phối hợp để cập nhật lên cổng giám định bảo hiểm xã hội. Cấp Giấy xác nhận khỏi bệnh, kết thúc cách ly vào ngày thứ 10 (nếu tiêm đủ mũi vắc xin) hoặc ngày thứ 14 (nếu tiêm chưa đủ mũi vắc xin) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nguồn: https://tienphong.vn/ha-noi-huong-dan-chi-tiet-thu-tuc-cho-nguoi-mac-covid-19-tai-nha-p...

Thái Lan dự kiến tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7

Được thông qua tại cuộc họp do Ủy ban Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm (NCDC) tổ chức, mục tiêu của kế hoạch là dần kiểm soát các đợt gia tăng số ca mắc và tử vong do biến thể Omicron gây ra, đồng thời đảm bảo đất nước sẵn sàng coi COVID-19 như một bệnh đặc hữu.

Kế hoạch trên nhằm hỗ trợ nền kinh tế Thái Lan phục hồi sau đại dịch cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phù hợp.

Các quan chức y tế Thái Lan dự báo, số ca mắc COVID-19 ở nước này sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn từ ngày 12/3 đến đầu tháng 4 và sẽ bắt đầu giảm trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 5, dù số ca bệnh vẫn sẽ ở mức cao.

Giai đoạn thứ ba, từ cuối tháng 5 đến tháng 6, số ca mắc mới hàng ngày được dự báo sẽ giảm đáng kể xuống còn khoảng 1.000 đến 2.000 ca trước khi đất nước bước vào giai đoạn xem COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7 trở đi.

Giới chức Thái Lan nhấn mạnh, để đạt được đến giai đoạn xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, tỉ lệ tử vong vì bệnh này phải không được vượt quá 0,1%. Hiện tại, tỉ lệ này là gần 0,2%.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Y tế Thái Lan cũng đã lên kế hoạch bỏ COVID-19 ra khỏi danh sách các bệnh được chương trình Bảo hiểm toàn diện cho bệnh nhân cấp cứu chi trả từ đầu tháng 3.

Thay đổi này có nghĩa là những người có kết quả xét nghiệm dương tính nếu phải tới bệnh viện thì phải tới đúng nơi đã đăng ký theo chương trình phúc lợi thay vì có thể tới bất cứ đâu. Chỉ những người bệnh nặng mới được chương trình bảo hiểm cấp cứu chi trả, nhưng Thái Lan cũng chỉ điều trị miễn phí trong 3 ngày đầu tiên, sau đó họ sẽ được chuyển tới bệnh viện đã đăng ký.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết, sự thay đổi này dựa trên chính sách của ngành Y tế với kế hoạch hạ cấp COVID-19 từ một dịch bệnh thành bệnh dịch đặc hữu.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thai-lan-du-kien-tuyen-bo-covid-19-la-benh-dac-huu-tu-ngay-1...

Chuyển đổi số trong quản lý F0 cách ly tại nhà

Sáng 11/3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, sở đã triển khai thí điểm chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà ở trạm y tế phường 13, quận Tân Bình. Đây là giải pháp đáp ứng với tình hình mới nhằm giảm phiền hà cho nhân viên y tế và người bệnh.

Số liệu thống kê của Sở Y tế TPHCM ngày 10/3 ghi nhận 3.368 ca chẩn đoán xác định (xét nghiệm PCR) dương tính với SARS-CoV-2 và 6.219 ca nghi ngờ (test nhanh). Chỉ trong một ngày toàn thành phố có hơn 9.500 ca cần được cách ly, chăm sóc và điều trị tại nhà. Số ca mắc COVID-19 cộng dồn tại TP.HCM là 557.999 ca.

Công nghệ số được ứng dụng trong quản lý F0 tại nhà là giải pháp đáp ứng với thực tiễn của dịch bệnh.

Công nghệ số được ứng dụng trong quản lý F0 tại nhà là giải pháp đáp ứng với thực tiễn của dịch bệnh.

Đến nay, hầu hết người dân sinh sống trên địa bàn thành phố đã được tiêm vắc xin nên đa số không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đủ điều kiện cách ly tại nhà. Tuy nhiên, theo quy định người dân phải đến trạm y tế để đăng ký và làm xét nghiệm để được xác nhận là F0. Khi khỏi bệnh phải tiếp tục đến trạm y tế để làm xét nghiệm và thủ tục để được xác nhận hoàn thành thời gian cách ly.

Thực tế trên dẫn đến tình trạng ùn ứ người F0 tại các trạm y tế. Điều đó không chỉ khiến nhân viên y tế tại các trạm y tế bị quá tải công việc và gây phiền hà cho người dân mà còn gia tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khi tập trung đông người.

Với phương án chuyển đổi số công tác quản lý F0 tại nhà, người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ chỉ cần ngồi tại nhà khai báo để được xác nhận là F0, ngồi tại nhà khai báo để nhận được giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà. Dịch vụ công cấp độ 4 nêu trên trên người F0 không phải đóng bất kỳ khoản phí dịch vụ nào.

Cùng với việc chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà, Sở Y tế đang tổ chức tập huấn và triển khai việc khai báo để xác nhận là F0 và cấp giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà cho F0 tại tất cả bệnh viện, phòng khám, 22 trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức và 310 Trạm y tế phường, xã trên địa bàn Thành phố.

Sở Y tế đã ban hành Quy trình chuyển đổi số để xác nhận F0 và Quy trình chuyển đổi số cấp Giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà (đính kèm). Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã hướng dẫn các tình huống khi người F0 không thể ứng dụng chuyển đổi số. Sở Y tế yêu cầu tất cả Trung tâm Y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai đến từng trạm y tế phường, xã, thị trấn vận dụng ngay các quy trình và hướng dẫn đã được Sở Y tế ban hành, định kỳ hàng tuần có sơ kết rút kinh nghiệm.

Sự tham gia đồng bộ với tinh thần trách nhiệm cao của người dân, các cơ sở y tế và nhất là sự vào cuộc Ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn chắc chắn quy trình chuyển đổi số quản lý F0 sẽ đạt kết quả như mong đợi.

Nguồn: https://tienphong.vn/chuyen-doi-so-trong-quan-ly-f0-cach-ly-tai-nha-post1422321.tpo

Phú Thọ: Quản lý F0 qua phần mềm, giảm tải y tế cơ sở

Trong 24 giờ qua, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 5.891 ca mắc COVID-19 mới, trong đó TP Việt Trì có số ca mắc cao nhất là 1.227 ca; huyện Thanh Sơn 602 ca; huyện Đoan Hùng 519 ca; huyện Phù Ninh 509 ca; còn lại là các huyện, thị xã khác.

Trong các ca mắc COVID-19 mới có có 2434 trường hợp là F1, hoặc trong vùng cách ly, phong tỏa; 3457 trường hợp mắc mới cộng đồng.  

Hiện Phú Thọ đang có 48.011 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 47.902 (99,8%) ca điều trị tại nhà và 109 (0,2%) ca điều trị tại các cơ sở y tế.

Giao diện “Ứng dụng quản lý F0” của tỉnh Phú Thọ.

Giao diện “Ứng dụng quản lý F0” của tỉnh Phú Thọ.

Trước số ca mắc tăng cao, để việc quản lý F0 tại nhà có hiệu quả, và giảm tải cho y tế cơ sở, tỉnh Phú Thọ đã triển khai phần mềm "Ứng dụng quản lý F0". Đây là ứng dụng hỗ trợ F0 khai báo thông tin gửi đến cơ quan y tế. Thông qua ứng dụng, người bệnh chủ động khai báo, cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày trong quá trình điều trị; cơ quan y tế tiếp nhận thông tin, hướng dẫn, tư vấn F0 điều trị.

Việc triển khai ứng dụng này, giúp người dân sau khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 thực hiện cách ly và tự khai báo y tế trên phần mềm; hàng ngày tự cập nhật thông tin về tình hình sức khỏe và các diễn biến để được hỗ trợ y tế khi cần mà không nhất thiết phải đến Trạm y tế cấp xã hoặc cơ quan Y tế khác để khai báo; góp phần giảm thủ tục hành chính, thuận lợi cho người dân và giảm quá tải cho hệ thống y tế cơ sở.

Bên cạnh hỗ trợ F0 thuận lợi khai báo thông tin gửi đến cơ quan y tế, ứng dụng giúp Trạm y tế cấp xã tăng cường khả năng quản lý F0 trên địa bàn; thường xuyên cập nhật số mắc mới, nắm bắt diễn biến sức khỏe của F0; từ đó kịp thời hỗ trợ y tế đối với các F0 xuất hiện "Tình trạng bất thường về sức khỏe". Ứng dụng còn giúp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19, UBND cấp xã thuận lợi trong việc nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động hỗ trợ người dân về các thủ tục hành chính (QĐ cách ly/hoàn thành cách ly tại nhà/nơi cư trú).

Trước đó, để đáp ứng nhu cầu điều trị các ca bệnh nặng trước tình hình số ca mắc tăng cao, Sở Y tế Phú Thọ yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải chuẩn bị và bố trí khu vực cách ly riêng biệt hoặc khoa điều trị riêng biệt cho các ca bệnh COVID-19, ngăn cách hoàn toàn không cho người không có nhiệm vụ ra, vào khu vực này. 

Các cơ sở phải sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc COVID-19: F0 có chỉ định điều trị tại nhà nhưng mắc các bệnh lý cấp tính bắt buộc phải điều trị nội trú...

Tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi ngay khi nhận được vaccine phòng COVID-19 do Sở y tế phân bổ.

Song song đó là đẩy nhanh triển khai tiêm chủng  vaccine theo phân bổ của Sở Y tế, tập trung rà soát các đối tượng trên 65 tuổi, có nguy cơ cao, chưa được tiêm  vaccine để phổ biến, hướng dẫn tham gia tiêm chủng hoặc tổ chức tiêm chủng tại nhà (nếu đủ điều kiện).

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/phu-tho-quan-ly-f0-qua-phan-mem-giam-tai-y-te-co-so-169220311...

Long An tiên phong cho F0, F1 đi làm, doanh nghiệp có áp dụng ngay?

Đón nhận thông tin trên, ông Phạm Ngọc Huynh, Giám đốc nhân sự Công TNHH giày Chinglul Bến Lức cho biết, công ty có trên 21 nghìn lao động, hiện đang rà soát, thống kê số lượng F0, F1 nhiều hay ít để có hướng xử lý phù hợp.

"Công ty cũng đang cân nhắc, khi F0, F1 vào làm việc liệu có ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động hiện tại.

Do đó, hiện tại công ty chưa thể áp dụng ngay chủ trương này mà phải xem xét cụ thể, sau đó mới đưa ra quyết định. Sớm nhất cũng phải tuần sau”, ông Huynh cho hay.

Doanh nghiệp còn cân nhắc việc cho công nhân, người lao động FO, F1 làm việc

Doanh nghiệp còn cân nhắc việc cho công nhân, người lao động FO, F1 làm việc

Cũng theo ông Huynh, khi áp dụng chủ trương trên, công ty sẽ bố trí những trường hợp F0, F1 làm việc ở mỗi khu vực riêng, có khu nhà ăn, nơi để xe riêng biệt… và luôn đảm bảo tuân thủ theo quy định 5K.

Hiện, công ty không áp dụng test nhanh COVID-19, chỉ khi có trường hợp sốt cao hay nghi ngờ mắc COVID-19 mới test. Công ty đã thành lập trạm y tế lưu động, cán bộ, nhân viên của trạm được tập huấn kỹ các bước xử lý các trường hợp F0.

Tại Công ty Công ty TNHH JIA HSIN, Khu Công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước, với hơn 5.000 công nhân, việc rà soát định kỳ về COVID-19 vẫn tiếp tục thực hiện chặt chẽ.

Đại diện doanh nghiệp cho hay, dù chưa áp dụng chủ trương của tỉnh do số ca COVID-19 ít, song việc được tự quyết định cho F0, F1 làm việc đối với một số tình huống sẽ giúp doanh nghiệp chủ động rất nhiều trong hoạt động sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH JIA HSIN, Khu Công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước, thông tin: “Dù thời điểm này, doanh nghiệp không có F0 nhiều nhưng chúng tôi cũng đắn đo. Đồng ý là bố trí làm riêng, ăn riêng, khu vệ sinh riêng nhưng chắc chắc tâm lý người khỏe mạnh vẫn cảm thấy e dè”.

Còn tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, huyện Bến Lức, 100% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, với 60 doanh nghiệp và gần 6.000 công nhân.

Theo ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu công nghiệp, do nguồn lao động khá ổn định nên chưa cần phải đưa F0, F1 vào tham gia sản xuất.

“Đây là sự đột phá để công nhân lao động là F0 có thể tiếp tục làm việc, có thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Ở góc độ này, tôi hết sức ủng hộ.

Bởi vì hiện nay tình hình cũng bớt nguy hiểm. Khi Nhà nước cho phép thì doanh nghiệp cũng tiếp nhận và xử lý từng tình huống sao cho phù hợp”, ông Ngọc chia sẻ

Theo ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, hiện trên địa bàn tỉnh có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng số 1.563 doanh nghiệp và gần 180.000 công nhân, người lao động, chuyên gia. Giai đoạn cao điểm dịch có trên 360 doanh nghiệp phát sinh F0 với trên 11.500 ca F0. Đến nay hầu hết đã khỏi bệnh.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/long-an-tien-phong-cho-f0-f1-di-lam-doanh-nghiep-co-ap-dung...

Gia Lai ghi nhận 3.696 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2

Tính từ ngày 26/4, đến 10h ngày 11/3, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 43.837 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (đã có 69 ca tử vong, trong đó số trường hợp tử vong do chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin chiếm tỉ lệ 90%, người trên 65 tuổi chiếm tỉ lệ 58%).

Riêng số trường hợp đi từ địa phương khác về tỉnh từ ngày 1/10/2021 đến ngày 11/3/2022 phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 là 2.337 ca (2.201 ca dương tính mới và 136 ca tái dương tính).

Hiện nay, còn 1.273 trường hợp đang điều trị tại các Bệnh viện Dã chiến tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 331, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố.

Tính đến ngày 11/3, có 11 cán bộ tham gia phòng, chống dịch thực hiện cách ly tập trung tại Trạm khách 2 - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai.

Tỉnh Gia Lai đã và đang rất khẩn trương, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đề nghị người dân hạn chế ra ngoài tỉnh nếu không thật sự cần thiết; khi phát hiện người đi từ vùng dịch về, người nhập cảnh vào địa phương... phải kịp thời thông báo cho chính quyền để hướng dẫn, hỗ trợ.

Khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc tự phát hiện nhiễm COVID-19 qua test nhanh... cần liên hệ ngay với cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn hoặc liên hệ theo đường dây nóng (Bác sỹ Trâm: 0397.735.382, Bác sỹ Hiếu: 0983.103.179) để được hỗ trợ.

Khi cần tư vấn về chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đề nghị liên hệ với ông Nguyễn Hữu Tùng (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) theo số điện thoại 0905.387.234 hoặc 0269.3828.511.

Người dân có thể gọi số điện thoại (0269)1022 hoặc gửi nội dung phản ánh, kiến nghị lên Hệ thống thông tin 1022 tỉnh Gia Lai tại địa chỉ https://1022.gialai.gov.vn để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.

Hiện, còn nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, đã có biểu hiện tâm lý chủ quan của người dân, vì vậy rất dễ xảy ra việc lây lan bùng phát dịch. Đề nghị người dân luôn nâng cao cảnh giác nhưng không hoang mang, lo lắng và tự giác thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/gia-lai-ghi-nhan-3696-truong-hop-duong-tinh-moi-voi-sars-cov...

Yêu cầu bộ ngành, địa phương báo cáo thanh tra mua kit xét nghiệm COVID-19

Ngày 11-3, tin cho biết ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, vừa ký văn bản gửi các bộ ngành, UBND các địa phương yêu cầu báo cáo kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng quý I/2022.

Thanh tra Chỉnh phủ yêu cầu bộ ngành, địa phương báo cáo thanh tra mua kit xét nghiệm COVID-19 - Ảnh minh hoạ

Thanh tra Chỉnh phủ yêu cầu bộ ngành, địa phương báo cáo thanh tra mua kit xét nghiệm COVID-19 - Ảnh minh hoạ

Theo đó, Báo cáo thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2021 của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, số liệu nhập vào phần mềm Hệ thống báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Trong đó phải cập nhật tình hình, kết quả rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; quan tâm đến một số chỉ tiêu: Tổng số vụ việc đưa vào danh sách; số vụ việc đã rà soát, giải quyết dứt điểm (trong đó số vụ việc công dân không đồng thuận, tiếp tục khiếu nại), số vụ việc đang tiếp tục rà soát, giải quyết..

Qua theo dõi, Thanh tra Chính phủ nhận thấy một số đơn vị chưa nhập số liệu vào phần mềm theo quy định. Một số đơn vị báo cáo chưa thống nhất giữa số liệu nhập qua phần mềm và số liệu gửi kèm.

Đáng chú ý, cơ quan thanh tra đề nghị báo cáo bổ sung việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó, báo cáo việc triển khai thực hiện định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra năm 2022 của bộ, ngành trung ương và địa phương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diến biến phức tạp; nhất là các cuộc thanh tra về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19.

Theo định hướng chương trình thanh tra năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thanh tra Chính phủ triển khai thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, TP HCM. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cũng phải xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022 về việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/yeu-cau-bo-nganh-dia-phuong-bao-cao-thanh-tra-mua-kit-xet-ng...

Nhiều lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nhận tiền hỗ trợ COVID-19

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa có báo cáo về việc chi hỗ trợ cho các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Sở LĐ-TB&XH TP từ nguồn quỹ vận động phòng chống dịch của đơn vị này.

Theo đó, tính đến ngày 10-8-2021, có 30 đơn vị của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đóng góp kinh phí hỗ trợ chống dịch COVID-19 với tổng số tiền hơn 461 triệu đồng. Trong đó, Công đoàn huy động là hơn 351 triệu đồng, Văn phòng huy động là 60 triệu đồng và Ban Tuyên giáo Đảng ủy huy động là 50 triệu đồng.

Từ số tiền huy động trên, được sự chấp thuận của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM là ông Lê Minh Tấn, Văn phòng Sở đã chi hỗ trợ kinh phí qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản cá nhân với số tiền là hơn 262 triệu đồng.

Trong đó chi cho cho lực lượng tuyến đầu là 125 triệu đồng, chi cho 21 thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM là 97,6 triệu đồng, chi hỗ trợ tổ công tác đi các quận huyện (gồm 51 công chức, viên chức của Sở) là hơn 25 triệu đồng.

Ngoài ra còn chi cho việc mua khẩu trang hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đối tượng đang được chăm sóc, quản lý tại 37 đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM...

Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP.HCM Lê Minh Tấn phát biểu tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khoá X. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn phát biểu tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khoá X. Ảnh: HOÀNG GIANG

Riêng đối với việc chi 97,6 triệu đồng hỗ trợ cho 21 thành viên Ban Chỉ đạo thì ông Lê Minh Tấn nhận 4,6 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều người là phó giám đốc, chánh và phó chánh văn phòng, trưởng phòng, chuyên viên Văn phòng Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng nhận được hỗ trợ với số tiền là 4,6 triệu đồng.

Liên quan đến vụ việc này, hôm 7-3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản chỉ đạo giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM khẩn trương công khai chủ trương, kết quả vận động và chi tiết việc sử dụng số tiền do các cá nhân và đơn vị trực thuộc Sở đã đóng góp, hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa qua.

Việc công khai này nhằm cho toàn thể cán bộ, công chức, người lao động đang công tác tại Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và các đơn vị trực thuộc được biết, giám sát.

Mặt khác, UBND TP.HCM cũng đề nghị ông Lê Minh Tấn tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan trong việc chưa công khai, minh bạch về đối tượng nhận hỗ trợ, kết quả vận động và quá trình sử dụng số tiền hỗ trợ.

Bên cạnh đó còn kiểm điểm trách nhiệm trong việc sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân để tiếp nhận và chuyển tiền hỗ trợ do các đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đóng góp để thực hiện phòng chống dịch tại Sở.

Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM xem xét, xử lý số tiền đã chi cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Sở nhằm bảo đảm số tiền do công đoàn sở đã kêu gọi vận động được sử dụng đúng mục đích.

UBND TP giao Thanh tra TP.HCM theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thực hiện chỉ đạo trên.

Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/nhieu-lanh-dao-so-ldtbxh-tphcm-nhan-tien-ho-tro-covid19-1047848....

Tp.HCM: Khẩn trương triển khai xác nhận F0 và khỏi bệnh qua hình thức trực tuyến

Ngày 11/3, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết: “Cùng với sự hỗ trợ của Sở Thông tin & Truyền thông, Sở Y tế Tp.HCM khẩn trương triển khai giải pháp chuyển đổi số cho cả quy trình xác nhận F0 và quy trình xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà”.

Trung tâm của chuyển đổi số công tác quản lý F0 chính là ứng dụng khai báo F0 trên nền tảng web  tại địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn (dành cho người dân) và “Nền tảng số quản lý Covid-19” dành cho trạm y tế và các cơ sở y tế.

Các bước hiệu chỉnh kỹ thuật sau cùng của quy trình chuyển đổi số công tác quản lý F0 cách ly tại nhà đang được khẩn trương hoàn thành.

Song song đó, Sở Y tế sẽ tổ chức tập huấn và triển khai việc khai báo để xác nhận là F0 và cấp giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà với F0 cho tất cả bệnh viện, phòng khám, 22 trung tâm y tế quận, huyện và Tp.Thủ Đức và 310 trạm y tế phường, xã trên địa bàn thành phố.

Thống kê ngày 10/3 cho thấy, Tp.HCM ghi nhận 3.368 ca chẩn đoán xác định (xét nghiệm PCR) và 6.219 ca nghi ngờ (test nhanh). Như vậy, chỉ trong ngày 10/3, Tp.HCM có hơn 9.500 ca cần được cách ly, chăm sóc và điều trị tại nhà dẫn đến số ca mắc Covid-19 cộng dồn tại Tp.HCM là 557.999 ca.

“Nếu thực hiện theo quy định “cứng” thì người dân phải đến trạm y tế đăng ký, làm xét nghiệm để được xác nhận là F0 và đến trạm y tế để làm xét nghiệm, thủ tục để được xác nhận hoàn thành thời gian cách ly.

Điều này dẫn đến tình trạng ùn ứ người F0 tại các trạm y tế do nhân viên tại các trạm y tế bị quá tải công việc và gây phiền hà cho người dân là điều khó tránh khỏi”, ông Tăng Chí Thượng nói.

Cụ thể, khi người dân có triệu chứng nghi mắc Covid-19, thực hiện xét nghiệm nhanh tại nhà, nếu có kết quả dương tính thì đăng nhập vào địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn trên máy vi tính hoặc điện thoại thông minh để khai báo và được xác nhận là F0.

Khi đủ thời gian cách ly, người F0 thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà, nếu có kết quả âm tính thì gửi hình ảnh xét nghiệm vào “Nền tảng số quản lý Covid-19” để nhận được Giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà được gửi qua email đến người F0.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tphcm-xac-nhan-f0-va-khoi-benh-qua-hinh-thuc-truc-tuyen-a545...

F0 tốn kém khi điều trị tại nhà: Nửa tiền thuốc, nửa sắm đồ bồi bổ, đi vèo chục triệu
Không ít người phải trả hàng triệu đồng cho chi phí xét nghiệm, một nhóm khác lại tốn kém trong việc mua sắm thực phẩm bồi bổ sức khoẻ. Gánh nặng chi...

Tin tức 24h

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h