Các F0, F1 chia sẻ điều gì trước đề xuất của Bộ Y tế cho đi làm trở lại?

Kiều Linh - Ngày 07/03/2022 16:29 PM (GMT+7)

Việc Bộ Y tế đề xuất cho F0, F1 đi làm hiện đang nhận được nhiều ý kiến từ dư luận, đa số mọi người đồng tình nhưng vẫn còn khá nhiều băn khoăn cần tháo gỡ.

Mới đây, Bộ Y tế đã có đề xuất, xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến...

Trước đề xuất của Bộ Y tế về việc cho F0 và F1 được làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp, hiện đang có những ý kiến trái chiều xung quang vấn đề này. Đa số những người được hỏi đều ủng hộ phương án được làm việc, nhưng phải đảm bảo điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, một số người do tính chất công việc phải làm việc trực tiếp thì còn rất nhiều băng khoăn, lo nghĩ.

Hai mẹ con chị Lê Kiều Minh (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều là F0 và được cách ly, điều trị tại nhà. Thời gian là F0, cả hai chỉ có triệu chứng gì nhẹ sau đó hết và nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế.

Cả hai mẹ con chị Kiều Minh đều là F0, hàng ngày cùng nhau xông mũi xông họng, động viên ăn nhiều ngủ tốt, cùng tập thể dục, cùng chăm sóc hoa... Một trải nghiệm COVID-19 khá nhẹ nhàng do có sự chuẩn bị chu đáo để ứng phó với bệnh từ trước. Ảnh: NVCC.

Cả hai mẹ con chị Kiều Minh đều là F0, hàng ngày cùng nhau xông mũi xông họng, động viên ăn nhiều ngủ tốt, cùng tập thể dục, cùng chăm sóc hoa... Một trải nghiệm COVID-19 khá nhẹ nhàng do có sự chuẩn bị chu đáo để ứng phó với bệnh từ trước. Ảnh: NVCC.

Đối với đề xuất cho F0 quay trở lại làm việc trên tinh thần tự nguyện, cũng như việc cho F1 đi làm trực tiếp hoặc trực tuyến, chị Kiều Minh nêu quan điểm: “Việc cho F0 hay F1 quay lại làm việc là cần thiết. Vì trường hợp F0 không triệu chứng, nếu chỉ ngồi nhà cách ly, theo dõi thì vừa không kiếm được tiền, trong khi mọi khoản chi tiêu như tiền điện, nước, mạng internet…đến hẹn lại lên, chứ không có ai hỗ trợ”.

Chị Kiều Minh cho rằng, hiện rất nhiều nguồn thông tin khác nhau về tình hình dịch COVID-19, chính vì thế khiến người dân hoang mang, lo lắng. Do vậy, ngành y tế cần phải có những nghiên cứu chính thống, chỉ dẫn thông tin chính xác để người dân yên tâm, kể cả khi bản thân và gia đình là F0.

“Thực tế hiện nay có người rất cẩn thận, giữ gìn, ngồi trong nhà vẫn mắc COVID-19, mà một người mắc là cả gia đình bị theo. Đôi khi rất muốn tránh cũng không tránh được, do vậy việc có đi làm hay ở nhà giờ không còn là biện pháp để tránh COVID-19 nữa”, chị Minh chia sẻ.

Điều chị Kiều Minh cũng như nhiều gia đình khác hiện nay lo lắng đôi khi không phải là bản thân mình, vì họ luôn sẵn sàng tinh thần COVID-19 sẽ “gọi tên” và chuẩn bị kỹ mọi thứ từ trước đó.

Hàng ngày con trai giúp chị Kiều Minh chăm sóc hoa, tìm niềm vui thư giãn trong không gian cách ly, vận động cũng giúp người bị COVID-19 xua tan cảm giác làm người bệnh.

Hàng ngày con trai giúp chị Kiều Minh chăm sóc hoa, tìm niềm vui thư giãn trong không gian cách ly, vận động cũng giúp người bị COVID-19 xua tan cảm giác làm người bệnh.

“Mối lo duy nhất chưa tìm ra “lối thoát” đó chính là những cháu chưa được tiêm vắc xin. Trong bối cảnh chung ai cũng có thể mắc COVID-19, thì nhóm trẻ này làm nhiều gia đình mất ăn mất ngủ. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến phần lớn muốn ở nhà để tránh cho đối tượng yếu thế này mắc bệnh”, chị Minh cho hay.

Là một công nhân đang làm việc trong nhà máy bị mắc COVID-19, anh Minh Tân (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, bản thân anh mắc bệnh đã 8 ngày nhưng chưa về âm tính. Từ khi xác định là F0 sức khỏe anh hoàn toàn bình thường, đủ khả năng làm việc nhưng buộc phải cách ly vì công việc anh không thể làm việc được trực tuyến.

Do vậy, anh đề xuất Bộ Y tế nên có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về từng nhóm đối tượng nghề nghiệp khi trở thành F0, vì đâu phải công việc nào cũng làm được online.

Không phải F0 nào cũng có điều kiện làm việc trực tuyến, vì thế cần có quy định cụ thể với từng ngành nghề khác nhau.

Không phải F0 nào cũng có điều kiện làm việc trực tuyến, vì thế cần có quy định cụ thể với từng ngành nghề khác nhau.

“Tôi làm ở công ty tư nhân, nghỉ ngày nào là không tính tiền ngày đó. Do vậy, nếu cho F0 đi làm việc trực tiếp là tôi đồng ý ngay, vì công nhân chúng tôi nghỉ việc một tuần coi như cả tháng đói. Đó là chưa kể nguy cơ mất việc, vì họ phải tìm người thay thế, chứ dây chuyền sản xuất không thể đợi mình hết F0 mới đi làm lại”, anh Tân nói.

Còn đối với trường hợp là F1 được đi làm trực tiếp, chị P.H (nhân viên một công ty dược ở Trung tâm thuốc Hapulico – Hà Nội) cho biết, cá nhân chị cũng đang là F1 và không cần chờ tới đề xuất, tại đây hầu hết F1 đều đi làm trực tiếp. Ngay tại cửa kiểm soát trung tâm, các nhân viên cứ có giấy xét nghiệm âm tính là được vào làm việc, vì thế F1 cũng như những người bình thường.

“Bản thân tôi luôn là đối tượng F1, vì công ty lúc nào cũng có F0 xuất hiện, thế nhưng tôi có được nghỉ ngày nào đâu, vẫn đi làm bình thường bao giờ là F0 thì mới ở nhà”, chị H nói.

Theo chị H, đề xuất của Bộ Y tế chỉ nên áp dụng với F0, vì không phải nơi chị làm việc mà hầu hết các công ty, doanh nghiệp hiện nay F1 đều đã đi làm. Do vậy, đề xuất cho đối tượng F1 thời điểm này là lỗi thời.

Trước đề xuất của Bộ Y tế, GS.AHLĐ, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã có những ý kiến, quan điểm về vấn đề này, cụ thể:

Theo GS Nguyễn Anh Trí, đại dịch COVID-19 là mới và phức tạp, khó lường nên các quyết định đưa ra cần thận trọng là đúng. Thậm chí, nếu sự điều chỉnh, thậm chí là thay đổi khác hẳn cũng không có gì là lạ.

GS Trí đồng ý với đề xuất là: “Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm”. Và cần lưu ý chỉ áp dụng cho những F0 không có triệu chứng.

GS Trí cho rằng, Bộ Y tế cần có sự phân nhóm các ca F0 (nên là 3 nhóm: Nhóm không có triệu chứng, hiện nay chiếm khoảng 95% các trường hợp có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính; nhóm có triệu chứng thông thường nhẹ, chiếm khoảng 3-4%; và nhóm có triệu chứng nặng, chiếm khoảng trên dưới 1%) và truyền thông để bỏ cho được quan niệm cứ xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính là mặc nhiên coi đã bị COVID-19 như hiện nay.

Việc phân nhóm mạch lạc và rõ như vậy rất quan trọng:

1. Để nhân dân hiểu, không hoang mang, không chủ quan;

2. Để mỗi người quyết định được việc có đi làm hay ở nhà tự theo dõi hoặc phải nhập viện để điều trị;

3. Để cơ quan/đơn vị biết mà quản lý người lao động. Đây là vấn đề này ngày càng trở nên phức tạp.

Cuối cùng xin GS Trí nhấn mạnh: Tiêm chủng Vắc xin là rất quan trọng, rất mong Chính phủ tìm mọi cách để có đủ vắc - xin tốt cho nhân dân. Và rất mong mọi người tích cực hưởng ứng chiến dịch tiêm vắc xin như quy định của Bộ y tế.

 Bộ Y tế đề xuất cho F0, F1 đang trong thời gian cách ly được đi làm
Ngày 5/3 Bộ Y tế đề xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia giảm thời gian cách ly y tế và cho trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được đi làm.

Dịch COVID-19

Kiều Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19