COVID-19 11/6: Hai công nhân dương tính, đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người

K.T - Ngày 11/06/2021 12:10 PM (GMT+7)

Hai ca mắc COVID -19 ở Tiền Giang là nhân viên kỹ thuật làm việc tại công trình cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS- CoV-2, hai bệnh nhân này đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người.

Hai công nhân dương tính, đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người

Ngày 11/6, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang có thông tin về 2 trường hợp mắc COVID -19. Đó là bệnh nhân (BN) mang mã số BN 9754, nam giới, 29 tuổi, ngụ tại Phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và bệnh nhân mang mã số BN 9756, nam giới, 41 tuổi, ngụ tại xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Hai BN này là nhân viên kỹ thuật của Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả, làm việc tại Văn phòng điều hành công trình cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Cả 2 BN này từ quê nhà đến công trình xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào ngày 2/6 và đã đến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

COVID-19 11/6: Hai công nhân dương tính, đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người - 1

Ngày 7/6, BN 9754 có biểu hiện ho nhẹ, sau đó, ho có đàm, sốt, đau mình, mệt mỏi toàn thân, đau rát họng và mua thuốc uống không khỏi. Đến ngày 9/6, BN đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy khám, được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả dương tính nên được đưa vào khu cách ly của bệnh viện. Sau đó, Bệnh viện lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang xét nghiệm khẳng định Realtime RT PCR, kết quả dương tính với SARS- CoV-2.

BN 9756 có biểu hiện mệt mỏi, đau mình, đau họng vào ngày 8/6, mua thuốc uống không khỏi. Ngày 9/6, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy khám (cùng với BN 9754), được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện 2 bệnh nhân này được chuyển đến cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Long Định (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Theo Sở Y tế Tiền Giang, do đặc thù công việc, hai bệnh nhân này di chuyển khá nhiều nơi trên tuyến đường thi công, tiếp xúc và tạm trú cùng với nhiều công nhân tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho nên việc truy vết khá khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, ngành y tế tỉnh đã khẩn trương truy vết được 74 F1 (trong đó, có 3 ở Đồng Tháp, 3 ở địa bàn khác) được đưa vào cách ly tập trung ngay và lấy mẫu xét nghiệm; 217 F2 được yêu cầu cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe và tiếp tục truy vết F3.

(Theo Tiền Phong)

TP.HCM: Bệnh viện Triều An và Bệnh viện quận 12 tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân vì có ca nhiễm COVID-19 từng đến khám

Ngày 11/6, Bệnh viện Triều An (quận Bình Tân) và Bệnh viện quận 12, TP.HCM đã ra thông báo đã tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân đến khám bệnh sau khi có ca mắc Covid-19 từng đến đây khám bệnh. Hiện tại 2 bệnh viện này đã tiến hành khử khuẩn và truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19.

Trước đó, vào ngày 7/6, một bệnh nhân đến bệnh viện Triều An (quận Bình Tân) để khám bệnh. Qua khám sàng lọc, bệnh nhân có triệu chứng mắc Covid-19 nên được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin này, Bệnh viện Triều An đã phong tỏa Khoa Khám bệnh và tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám từ ngày 10/6.

Theo thông tin dịch tễ, bệnh nhân này có liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân). Trong khi đó, tại Bệnh viện quận 12, vào ngày 7/6, có một bệnh nhân đến bệnh viện này khám bệnh. Do bệnh nhân có các triệu chứng của Covid-19 nên được đưa vào khu vực cách ly để lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngay sau khi phát hiện bệnh nhân nhiễm bệnh, Bệnh viện quận 12 đã tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân đến khám từ ngày 10/6, để điều tra truy vết những người có tiếp xúc với ca bệnh, đồng thời phun khử khuẩn. Bước đầu xác định, có hai nhân viên y tế của bệnh viện có tiếp xúc với bệnh nhân này.

Phát hiện hai người lội ruộng trốn chốt kiểm soát để vào khu cách ly

Trước đó, khoảng 8h40 ngày 10/6, quá trình kiểm soát tại chốt tại điểm giao nhau giữa TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà, ngành chức năng phát hiện bà Nguyễn Thị T. (SN 1973, trú tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) cố tình lội qua ruộng trốn chốt kiểm soát dịch để vào thành phố Hà Tĩnh đưa đồ cho người dân.

Cũng trong ngày (10/6), Công an thành phố Hà Tĩnh phát hiện thêm anh Thái Văn H. (SN 1988, quê xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc, tạm trú tại thành phố Hà Tĩnh - thuộc vùng đang cách ly) đi xe đạp ra ngoài vùng cách ly tập thể dục.

COVID-19 11/6: Hai công nhân dương tính, đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người - 2

Khi thấy lực lượng chức năng, anh H. vội vàng xuống vác xe lên vai rồi lội qua ruộng bỏ trốn.

Ngay sau đó, công an đã lập biên bản hai trường hợp trốn chốt kiểm soát trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp để xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Từ ngày 8/6, thành phố Hà Tĩnh bắt đầu triển khai cách ly y tế theo chỉ thị 16 để phòng chống dịch. Để kiểm soát dịch bệnh, ngành chức năng đã lập 27 chốt tại các điểm cửa ngõ của Hà Tĩnh ngăn chặn người ra vào vùng cách ly.

(Theo Tiền Phong)

Mẹ mất đột ngột, nữ điều dưỡng không thể về chịu tang

Khi đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bắc Ninh, nữ điều dưỡng Hà Thị Trinh (điều dưỡng của Bệnh viện sản nhi Bắc Ninh được điều động tăng cường cho BVĐK tỉnh Bắc Ninh) nhận được điện thoại báo tin mẹ mất đột ngột tại Hà Nội khi mới ngoài 50 tuổi.

COVID-19 11/6: Hai công nhân dương tính, đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người - 3

Ngay trong khu cách ly, Bênh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã lập bàn thờ để điều dưỡng viên Hà Thị Trinh có thể bái vọng mẹ

Không thể nhìn mặt mẹ lần cuối vì dịch Covid-19, lại đang là cán bộ y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nên chị Trinh không thể rời khỏi bệnh viện, không thể đến Hà Nội tiễn mẹ lần cuối và đưa mẹ về quê nhà Nam Định yên nghỉ. Bên cạnh nữ điều dưỡng trẻ chỉ còn những người đồng nghiệp - những cán bộ y tế cũng đang ngày đêm phải chiến đấu với dịch bệnh Covid-19, giành giật sự sống cho những bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch.

Ngày 9-6 vừa qua, ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Sở Y tế, Công đoàn ngành y tế Bắc Ninh đã chỉ đạo BVĐK tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi quan tâm, động viên, chia sẻ với nỗi đau đớn, mất mát này của nữ điều dưỡng khi mất đi người thân yêu. Bệnh viện đã tổ chức thăm hỏi, động viên, phân công cán bộ thường trực để chăm sóc, động viên tinh thần cho nữ điều dưỡng Hà Thị Trinh. Đồng thời, lập một ban thờ ngay tại khu cách ly để điều dưỡng chị Hà Thị Trinh có thể bái vọng người mẹ qua đời đột ngột.

Nữ điều dưỡng Hà Thị Trinh sinh năm 1993, hiện chưa lập gia đình, quê xã Yên Tân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Từ khi vừa ra trường, với tấm bằng cử nhân điều dưỡng loại giỏi, chị Trinh được tuyển thẳng theo chế độ thu hút nhân tài vào làm việc tại Bệnh viện sản nhi Bắc Ninh, hiện đang làm việc tại Khoa Bệnh Nhiệt đới - Tiêu hóa.

Đầu tháng 5-2021, khi dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh Bắc Ninh, điều dưỡng Trinh cùng các đồng nghiệp trong khoa thực hiện tiếp nhận điều trị và chăm sóc bệnh nhân sản khoa và nhi khoa mắc Covid-19 và những người thuộc diện F1 có triệu chứng ngay từ những ngày đầu có dịch. Sau khi được điều động tăng cường cho BVĐK tỉnh Bắc Ninh, thực hiện công tác điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, chị Trinh ở lại bệnh viện, không về nhà trọ, cũng không về quê.

"Từ khi dịch bùng phát đến nay, điều dưỡng Hà Thị Trinh luôn xung phong nhận việc khó về mình, cô cùng với tập thể các thầy thuốc trong khoa tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19. Do dịch bệnh phức tạp, lại là người trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 nên cũng khá lâu rồi, điều dưỡng Trinh chưa được về nhà thăm mẹ…" - một bác sĩ chia sẻ.

(Theo Người Lao Động)

Hà Nội thu hồi thêm một văn bản "tiêm vaccine Covid-19 phải trả tiền"

Chiều 11/6, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Tản, Chánh Văn phòng UBND huyện Thường Tín xác nhận có sai sót khi ban hành văn công văn số 709 về việc yêu cầu đăng ký tiêm vaccine và ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19.

Theo đó, công văn số 709/UBND-KT do ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín ký ngày 9/6/2021 nêu rõ: “Rà soát, lập danh sách nhân viên, người lao động thuộc doanh nghiệp đăng ký tiêm vaccine phòng dịch bệnh Covid-19 (nguồn kinh phí do tổ chức, doanh nghiệp, người lao động tự chi trả, dự kiến 350.000 đồng/người).

Theo ông Nguyễn Văn Tản, công văn số 709 là chưa chính xác, lỗi này là do "sơ xuất của bộ phận tham mưu soạn thảo văn bản".

"Hiện nay chúng tôi đã thu hồi vản bản này rồi. Cơ quan tham mưu về mặt nội dung đã hiểu không đúng. Trên cơ sở đó chúng tôi cũng đã yêu cầu bộ phận này chấn chỉnh nội dung theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP Hà Nội", ông Nguyễn Văn Tản nêu.

Ông Nguyễn Văn Tản cũng khẳng định, chủ trương của huyện Thường Tín cũng giống như của TP Hà Nội và Chính phủ là không thu tiền tiêm vaccine Covid-19 của người dân.

Trước đó vào ngày 10/6, UBND thị trấn Đông Anh cũng đã phải ra Công văn số 186/UBND thu hồi Công văn số 178/UBND ngày 3/6, khi ban hành sai nội dung "kinh phí tiêm vaccine sẽ do người sử dụng tự chi trả". Đây là lần thứ hai trong tuần qua, 2 địa phương tại Hà Nội đã phải điều chỉnh văn bản do sai sót về nội dung kinh phí tiêm vaccine Covid-19.

(Theo Báo Giao Thông)

Chiều 11/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã thông tin thêm về 1 trường hợp nhiễm COVID-19 cư ngụ tại block tòa nhà W1, chung cư SunRise City Central trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7.

Theo đó, tối 9/6, ngay khi nhận được thông tin từ Bệnh viện quận 7 về 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2, cư ngụ tại block tòa nhà W1, chung cư SunRise City Central trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7. Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường Tân Hưng (quận 7) đã lập tức đến hiện trường, thực hiện phong tỏa và phun khử khuẩn 2 block tòa nhà W1 và W2, tiến hành điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc.

Trường hợp này sau đó đã có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 và được Bộ Y tế công bố là BN9900. Được biết, BN9900 từng tiếp xúc với BN9827 vào ngày ngày 5/6. BN9827 cư ngụ tại phường Trung Mỹ Tây, Quận 12. BN9827 đi khám sàng lọc do có triệu chứng sốt, ho, khó thở tại bệnh viện và được phát hiện nhiễm COVID-19. BN9900 khi được thông tin về BN9827 nhiễm COVID-19 nên đã cùng vợ đi đến Bệnh viện Quận 7 để khai báo và được thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Kết quả dương tính với SARS-CoV-2, còn người vợ thì âm tính. Trong tối cùng ngày, Trung tâm Y tế quận 7 đã tiến hành lấy mẫu đơn xét nghiệm cho 66 người sống tại tầng 11, tầng 12 và tầng 13 của block tòa nhà W1. Đến sáng ngày 10/6, tiếp tục thực hiện lấy mẫu gộp xét nghiệm tầm soát cho 815 người (163 mẫu gộp), bao gồm cư dân sống tại 2 block tòa nhà W1, W2 và Ban quản lý điều hành tòa nhà.

Về bệnh nhân BN9827, sau khi điều tra truy vết đã phát hiện thêm 3 trường hợp tiếp xúc gần có kết quả xét nghiệm dương tính đã được Bộ Y tế công bố là BN9900 (đã thông tin ở trên), BN9901 cư trú tại Hóc Môn và BN9902 cư trú tại Quận 12. Cơ quan chức năng TP.HCM đã tiến hành điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch, điều tra dịch tễ xác minh nguồn lây các trường hợp này. Hiện tại, Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường Tân Hưng cùng với Trung tâm Y tế quận 7 vẫn đang tiếp tục rà soát truy vết các trường hợp tiếp xúc và phân công lực lượng đảm bảo trực chốt tại khu vực 2 block tòa nhà phong tỏa W1 và W2 chung cư SunRise City Central.

Hà Tĩnh tìm người đến quán bia, siêu thị và đám tang liên quan ca mắc COVID-19

Ngày 11/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh thông báo tìm người đến các địa điểm ca mắc COVID-19 từng đến.

Cụ thể, quán nước chè ở đường Trần Phú, Tp. Hà Tĩnh (gần Bảo hiểm Xã hội tỉnh) từ 20h đến 21h, ngày 1/6.

Quán 5G, thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, khoảng từ 18h40 đến 20h ngày 2/6.

Quán Ngọc Phát, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, từ 19h đến 21h, ngày 3/6.

Quán Tít, số 160, đường Lê Duẩn, Tp. Hà Tĩnh từ 16h đến 16h30, ngày 4/6.

Siêu thị Mini Vinmax, số 191 đường Nguyễn Du, Tp. Hà Tĩnh từ 10h đến 10h20, ngày 6/6.

Đại lý Thủy Thùy, 190 Nguyễn Công Trứ, Tp. Hà Tĩnh khoảng 10h30, ngày 6/6.

Nhà thuốc Sỹ Ngọ, đường Nguyễn Công Trứ, Tp. Hà Tĩnh khoảng 21h, ngày 07/6 và khoảng 8h sáng, ngày 10/6.

Đại lý chị Xuân Liên, 353 đường Nguyễn Du, Tp. Hà Tĩnh khoảng 9h30 phút, ngày 8/6.

Quầy hoa qủa 126 đường Nguyễn Du, Tp. Hà Tĩnh (phía sau chợ Vườn Ươm), khoảng 10h, ngày 8/6.

Quầy thuốc tây 29 đường Hàm Nghi, từ 19h - 19h10, ngày 9/6.

Khu vực lấy mẫu xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa TTH, khoảng 10h30 phút, sáng ngày 10/6.

Quầy hoa quả 2 Tuyết Hùng, số 26 ngõ 15, đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, khoảng 9h45, ngày 10/6.

Cửa hàng Điện máy Thành Nguyên 555 Trần Phú, Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh, khoảng 8h đến 9h, ngày 1/6.

Cửa hàng xe đạp Hiếu Viện, 27 đường Nguyễn Chí Thanh, Thành phố Hà Tĩnh, khoảng 10h, ngày 1/6.

Quán bia hơi Trường Tín đối diện cây xăng cuối đường Nguyễn Du, Thành phố Hà Tĩnh khoảng 16h, ngày 2/6.

Quán bia Hiền Phượng 476 đường QL 1A, thôn Tân Phú, Thạch Trung, TP Hà Tĩnh, từ 17h30 đến 18h, ngày 3/6.

Đám tang ở ngõ 3, đường Mai Thúc Loan, TP. Hà Tĩnh khoảng 10 giờ, ngày 4/6.

Nhà hàng Bến Xưa, xã Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh, từ 19h15 đến 20h00, ngày 3/6.

Đề nghị những người đến các địa điểm và thời gian trên liên hệ ngay với cơ quan y tế địa phương hoặc gọi đường dây nóng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh: 0961.202.026 để được tư vấn hỗ trợ.

(Theo Dân Việt)

Người từng đến 1 phòng giao dịch ngân hàng ở Gò Vấp, khẩn trương khai báo y tế

Chiều 11-6, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp phát thông báo truy tìm những người liên quan 1 địa chỉ ngân hàng trên địa bàn quận cần khẩn trương thực hiện biện pháp y tế phòng dịch Covid-19.

Cụ thể, những người từng đến Phòng giao dịch Xóm Mới - Ngân hàng Sacombank (địa chỉ 415-417 Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp) từ 15 giờ 40 phút đến 16 giờ ngày 7-6, cần liên hệ ngay cơ sở y tế địa phương để khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng dịch.

(Theo Người Lao Động)

Nhà hàng, quán ăn ở Hải Dương được mở cửa trở lại từ 12/6

Ngày 11/6, ông Nguyễn Dương Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, trước diễn biến dịch bệnh tại các tỉnh còn phức tạp, nguy cơ dịch xâm nhập còn hiện hữu. Do đó địa phương tiếp tục áp dụng một số biện pháp phòng chống COVID-19, trừ 10 phường nội thành TP Hải Dương.

Theo đó, kể từ ngày 12/6, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc. Người dân thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, quán game…

Các cơ sở này thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt, khai báo y tế cho khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc... Nhà hàng, quán ăn không phục vụ tại chỗ.

Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại và cũng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.

Đối với 10 phường nội thành, TP Hải Dương rà soát và có quy định áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch phù hợp đảm bảo an toàn, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

(Theo Tiền Phong)

TP.HCM: Chuỗi lây nhiễm 21 ca COVID-19 liên quan đến chung cư Ehome 3 hình thành như thế nào?

Sáng 11/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã cập nhật tình hình về chuỗi lây nhiễm ở chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân) và khu tái định cư ở phường 16, quận 8. Theo HCDC, qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng ghi nhận chuỗi lây nhiễm liên quan đến chung cư Ehome 3 tại quận Bình Tân và khu tái định cư tại phường 16, quận 8.  Chung cư này có quy mô 14 block và mỗi block cao 9 tầng.

Tính đến ngày 11/6, Chung cư Ehome 3 đã ghi nhận chuỗi lây nhiễm với 8 ca bệnh sống tại chung cư và 13 ca bệnh liên quan. Ngày 30/5/2021, quận Bình Tân ghi nhận ca bệnh COVID-19 đầu tiên tại chung cư Ehome 3 đường Hồ Học Lãm, Phường An Lạc là BN7409 sống tại tầng 4, block A6.

COVID-19 11/6: Hai công nhân dương tính, đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người - 4

Theo đó, BN7409 làm chung với bệnh nhân là hội viên nhóm truyền giáo Phục Hưng tại công ty Thiên Tú FN. Tiếp theo, Thành phố ghi nhận thêm BN7418, sống cùng phòng với BN7409. Lúc này Block A6 được phong toả. Tiếp đến vào sáng 5/6, BN8737 ở tầng 9, block A3 cảm thấy mệt mỏi, uể oải kéo dài nên đi khám tại bệnh viện và cho kết quả dương tính. Các lực lượng chức năng đã phong tỏa Block A3, A4 chung cư và lấy mẫu tầm soát COVID-19 cho toàn bộ cư dân trong khu vực.

Kết quả tầm soát phát hiện thêm 5 ca bệnh trong đó: BN8946, BN8947 (hai bệnh nhân này sống chung với BN8737); BN9096 và BN9496 sống cùng tầng 9 và BN9486 sống tại tầng 2. Điều tra dịch tễ cho biết, trước đó vào ngày 1/6, BN9096 dọn nhà từ phường Tam Phú, TP. Thủ Đức về chung cư Ehome 3. Nhóm chuyển nhà gồm 5 người, qua lấy mẫu phát hiện 3 trường hợp nhiễm bệnh BN9495, BN9496, BN9497.

Các trường hợp nhiễm bệnh khác liên quan đến nhóm này bao gồm BN9499 làm việc tại công ty Pouyuen (quận Bình Tân) là vợ của BN9497. Ngày 11/6 ghi nhận 3 trường hợp liên quan cư trú ở Bình Chánh là bạn của nhóm chuyển nhà, vợ, con của người bạn này và 1 người lao công ở khu A3 sống tại Quận 8 (đang chờ Bộ Y tế công bố).

Bên cạnh đó, nhóm chuyển nhà 5 người này là bạn bè thường xuyên ghé quán bán nước của một người trước block A9, A10 chung cư Ehome 3. Người này sau đó cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính và trở thành BN9498. Ngoài ra, BN9498 còn 1 quán nước khác tại Khu tái định cư ở Phường 16, Quận 8. Đây là địa điểm mà nhóm tài xế xe cấp cứu gồm 4 người của một bệnh viện thường xuyên ghé tới cũng đã có kết quả dương tính (BN9547, BN9548, BN9549, BN9550).

Chủ tịch quận Gò Vấp đề xuất thôi thực hiện Chỉ thị 16 sau 15 ngày giãn cách

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, sáng 11-6, Chủ tịch UBDN TP Nguyễn Thành Phong đề nghị lãnh đạo quận Gò Vấp đánh giá tình hình sau các ngày áp dụng Chỉ thị 16. Từ đó, ông yêu cầu đưa ra các dự báo và đề xuất có tiếp tục giãn cách nữa hay không.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch quận Gò Vấp cho biết đến nay, quận ghi nhận 106 ca, trong đó 101 ca đã được Bộ Y tế công bố và 5 ca nghi nhiễm COVID-19. Trong ngày 10-6, quận Gò Vấp cũng phát sinh 3 ca F0.

Quận Gò Vấp cũng có 593 trường hợp F1 cách ly tập trung, 2.057 trường hợp F2 hiện cách ly tại nhà. Có 14/16 phường có ca nhiễm. Số mẫu xét nghiệm đã lấy từ ngày 26-5 đến nay là trên 163.000.

COVID-19 11/6: Hai công nhân dương tính, đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người - 5

Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

“Quận đã ban hành quyết định trưng dụng, khẩn trương sửa chữa Trung tâm chính trị của quận để làm khu cách ly tập trung dự phòng và triển khai khu cách ly tại khách sạn trong quận” – ông Dũng nói.

Về ổ dịch tại khu nhà trọ hẻm 80/59/80A Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp với 23 ca mắc, ông Dũng cho biết chuỗi lây nhiễm này đã cắt đứt 1-2 tuần, không đáng lo.

Mặc dù vậy, quận Gò Vấp còn ghi nhận 1-2 ca dương tính tại phường 9, liên quan Công ty Nàng Khô. Ngoài ra, một khu vực ở phường 15 đang được theo dõi. “Các ngày gần đây, quận phát sinh 2-3 ca/ngày và đang khẩn trương truy vết dập dịch” – ông Dũng nói.

Tình hình dịch chuyển biến tốt, ông Nguyễn Trí Dũng cho rằng nguyên nhân là do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. “Chúng tôi đánh giá Gò Vấp chỉ cần thực hiện đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 này trong 15 ngày là đủ. Vì thứ nhất, hiệu quả có chuyển biến tốt. Thứ hai là người dân cũng khó khăn lắm rồi” – ông Dũng nói.

Một địa bàn khác cũng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng là phường Thạnh Lộc, quận 12. Ông Lê Trương Hải Hiếu cho biết, sau 10 ngày thực hiện chỉ thị 16, tình hình dịch được kiểm soát.

Chính vì thế, ông Hiếu cũng đề xuất từ ngày 12-6 sẽ giảm một mức giãn cách xã hội, thay vì thực hiện theo Chỉ thị 16 thì quận thực hiện Chỉ thị 15 trên toàn địa bàn.

Sau khi nghe báo cáo tình hình thực tế tại hai địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã giao Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đầu tuần tới làm việc với Gò Vấp để đánh giá tình hình, từ đó sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Với đề xuất của chủ tịch UBND quận 12, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM đang xem xét tình hình và sẽ có phương án cụ thể sau 15 ngày giãn cách xã hội.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Hàng chục ngàn công nhân ở tâm dịch Bắc Giang sắp về các địa phương

Tỉnh Bắc Giang cho biết hiện nay áp lực về các khu cách ly tập trung và mật độ trong các khu phong tỏa của tỉnh rất lớn trong khi các nhà máy trong các khu công nghiệp của tỉnh mới khởi động trở lại, nhu cầu sử dụng lao động còn thấp. Để đảm bảo an toàn cho người lao động, hạn chế nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, cũng như giúp công tác chăm lo đời sống cho người lao động trong các vùng cách ly xã hội được tốt hơn, UBND tỉnh Bắc Giang đã triển khai kế hoạch đưa người lao động của các tỉnh, thành phố từ tỉnh Bắc Giang tạm thời trở về địa phương nơi thường trú.

COVID-19 11/6: Hai công nhân dương tính, đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người - 6

Tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức bàn giao công nhân cho các tỉnh, thành phố từ 12-6 đến 15-6 - Ảnh: CTV

Hiện 2 huyện Việt Yên và Yên Dũng (Bắc Giang) đang có trên 60.000 người lao động ngoại tỉnh. Một số tỉnh có nhiều công nhân như: Cao Bằng, Thái Nguyên (trên 3.000 công nhân); Nghệ An, Thanh Hoá, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang (từ 2.000 đến gần 3.000 công nhân).

Mục đích đưa người lao động tạm thời trở về địa phương nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; giảm tải 50% số lượng lao động ngoài tỉnh ở địa bàn các huyện, thành phố (chủ yếu tại huyện Việt Yên, Yên Dũng) để bảo đảm công tác phòng chống dịch, an sinh xã hội. Đồng thời giúp tỉnh Bắc Giang giảm bớt những khó khăn khi phải vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa phải đảm bảo hậu cần phục vụ hàng vạn người lao động chưa trở lại làm việc, đang ở trong các khu phong tỏa, cách ly (trên 60.000 người ngoài tỉnh).

Đối tượng là công nhân lao động thuộc các tỉnh, thành phố hiện đang ở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong đó, đối tượng ưu tiên là phụ nữ đang có thai; phụ nữ có con nhỏ dưới 6 tháng tuổi; người cao tuổi có bệnh lý nền; các trường hợp F0 đã khỏi bệnh; các trường hợp F1 đã hoàn thành cách ly tập trung, có xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện trở về cách ly tại nhà; người lao động đang ở trong các vùng cách ly, giãn cách xã hội, cách ly y tế đã được sàng lọc, xét nghiệm RT-PCR âm tính nhiều lần và có nguyện vọng trở về địa phương.

Trong trường hợp chưa giảm tải được 50% số lượng lao động ngoài tỉnh, tiếp tục ưu tiên đưa lao động thuộc các tỉnh, thành phố về địa phương như: Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, Sơn La, Yên Bái.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp đến đón người lao động chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang xây dựng phương án đón người lao động về địa phương đảm bảo, an toàn. Chuẩn bị phương tiện và các điều kiện cần thiết khác trong thời gian di chuyển từ tỉnh Bắc Giang về địa phương. Chuẩn bị các điều kiện phòng chống dịch theo quy định khi đến đón người lao động về địa phương.

Ngày 10-6, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức đón hơn 300 công nhân làm việc tại Bắc Giang về địa phương và đón thêm các công nhân trong các đợt tiếp theo để "chia lửa" với tỉnh Bắc Giang.

(Theo Người Lao Động)

TP.HCM phát hiện các chuỗi lây nhiễm cộng đồng từ 48 ca COVID-19 khám sàng lọc tại bệnh viện, phòng khám

Sáng 11/6, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính từ ngày 18/5 đến ngày 10/6, TP.HCM có 595 ca mắc COVID-19, hiện đang điều trị cho 566 ca bệnh, tương ứng 62,9 ca/1 triệu dân. Hiện có 9 bệnh nhân rất nặng, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Riêng ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng từ ngày 26/5 đến nay có 441 trường hợp dương tính. Các chuỗi khách sạn Sheraton, cà phê Trung Nguyên, ổ dịch Phường 15, quận Bình Thạnh, trường mầm non song ngữ KID TOWN, Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS, ổ dịch khu nhà trọ hẻm 80/59/80A Dương Quảng Hàm, Phường 5, quận Gò Vấp, Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN về cơ bản đã được kiểm soát.

Trong chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng, phát hiện 4 ca bệnh là người làm việc trong 4 khu công nghiệp riêng biệt. Tuy nhiên nhờ phát hiện sớm, xử lý dập dịch triệt để nên đến nay chưa ghi nhận có lây lan dịch bệnh trong các khu công nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, về chuỗi dịch phát sinh từ nhóm truyền giáo Phục Hưng, với biện pháp truy vết, cách ly tập trung và nhất là phong tỏa những phường đang lây lan dịch, đến nay cơ bản thành phố đã kiểm soát được. Hiện chỉ còn đang tiếp tục truy vết dập dịch đối với những người liên quan tòa nhà SAMCO và giám sát các trường hợp phát sinh khác trong cộng đồng (nếu có).

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định chùm ca bệnh liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng bùng phát mạnh, lây lan nhanh trong thời gian qua do các yếu tố đặc thù. Đó là phát tán, lây lan nhanh từ sinh hoạt tôn giáo tổ chức trong môi trường chật hẹp, tập trung nhiều người và tiếp xúc gần nhưng không có biện pháp phòng hộ cá nhân. Đồng thời dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài, tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ và lây lan nhanh trong cộng đồng do nhiều ca bệnh làm việc trong văn phòng, tòa nhà công ty, là môi trường kín, thông khí kém, mật độ tập trung cao. Trong khi đó, chủng virus gây bệnh là chủng Ấn Độ có đặc tính lây lan mạnh.

Công tác điều tra dịch tễ để khoanh vùng dập dịch gặp khó khăn, kéo dài do thành viên nhóm truyền giáo nhiều, khó tiếp xúc và khai báo chưa đầy đủ từ ban đầu; lượng ca bệnh bị lây nhiễm nhiều và nhanh, trải rộng 21/22 quận, huyện (ngoại trừ huyện Cần Giờ).

Ngoài chuỗi lây nhiễm trên, thành phố còn phát hiện 48 bệnh nhân COVID-19 qua khám sàng lọc tại các bệnh viện, phòng khám. Trừ bệnh viện Tân Phú có lây nhiễm trong bệnh viện (nhiều khả năng liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng), các bệnh viện khác đều đã thực hiện tốt khâu sàng lọc bệnh nhân có nghi ngờ, bệnh nhân có yếu tố dịch tễ nên không dẫn đến lây nhiễm.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay, chính từ những ca chỉ điểm đến sàng lọc tại các bệnh viện, qua điều tra truy vết thành phố đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm ra cộng đồng. Gồm ổ dịch Xưởng cơ khí Hóc Môn vào tối 8/6 ghi nhận 6 bệnh nhân đến khám sàng lọc tại 3 bệnh viện Thống Nhất, Trưng Vương và Bình Chánh (2 bệnh nhân/bệnh viện). Qua truy vết đã phát hiện các bệnh nhân này đều có đến 1 xưởng cơ khí ở Hóc Môn, sau đó đã phát hiện thêm 25 ca bệnh, người làm việc tại Công ty SAMHO (Củ Chi). Tất cả những trường hợp bệnh nhân hiện sau này đều có quan hệ trong cùng gia đình, hàng xóm có tiếp xúc gần với các bệnh nhân.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Tiền Giang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 12/6

Ngày 11/6, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã kí công văn khẩn, gửi đến Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Người đứng đầu UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhằm chủ động kiểm soát có hiệu quả và ngăn chặn dịch bệnh, từ 0h ngày 12/6, tỉnh Tiền Giang sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, cho đến khi có thông báo mới.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức, đoàn thể tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền vận động nhân dân tự giác tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh.

Căn cứ vào tình hình, diễn biến dịch, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP có thể quyết định việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn quản lý ở mức độ cao hơn, để đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nhân dân bình tĩnh, yên tâm, tin tường và ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch, tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Trước mắt, thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thực sự cần thiết, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường bảo vệ sức khỏe, hạn chế đến cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, người có bệnh nền.

Trước đó chiều 10/6, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang có thông tin về 2 trường hợp mắc COVID -19. Đó là bệnh nhân mang mã số BN 9754, nam giới, 29 tuổi, ngụ tại Phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và bệnh nhân mang mã số BN 9756, nam giới, 41 tuổi, ngụ tại xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Hai BN này là nhân viên kỹ thuật của Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả, làm việc tại Văn phòng điều hành công trình cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo Sở Y tế Tiền Giang, do đặc thù công việc, hai bệnh nhân này di chuyển khá nhiều nơi trên tuyến đường thi công, tiếp xúc và tạm trú cùng với nhiều công nhân tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho nên việc truy vết khá khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, ngành y tế tỉnh đã khẩn trương truy vết được 74 F1 (trong đó, có 3 ở Đồng Tháp, 3 ở địa bàn khác) được đưa vào cách ly tập trung ngay và lấy mẫu xét nghiệm; 217 F2 được yêu cầu cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe và tiếp tục truy vết F3.

(Theo Tiền Phong)

Nhân viên nghi mắc Covid-19: Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn hoạt động bình thường

Đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết vào khoảng 13 giờ ngày 10-6, Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận được thông tin từ Bệnh viện Xuyên Á về trường hợp chị ruột của chị P.T.M (nhân viên bảo mẫu khoa Sơ sinh, bệnh viện Nhi Đồng 1) có kết quả test nhanh dương tính.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 chủ động yêu cầu chị P.T.M đến bệnh viện Xuyên Á (gần nhà) để thực hiện xét nghiệm và kết quả test nhanh SARS-CoV-2 của chị M. cũng dương tính.

COVID-19 11/6: Hai công nhân dương tính, đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người - 7

Ngoài Khu chuyên sâu sơ sinh liên quan đến ca nghi mắc Covid-19, các khu vực khác của bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn hoạt động bình thường.

Qua điều tra, bệnh viện ghi nhận lịch trình tiếp xúc và làm việc của chị P.T.M (sinh năm 1972, ngụ xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), TP.HCM như sau:

Ngày 6-6, chị P.T.M có đến nhà chị ruột nói trên, lúc này người chị đã có triệu chứng sốt, mệt mỏi.

Từ 6 giờ 7-6 đến 7 giờ ngày 8-6: chị P.T.M làm việc tại khoa Sơ sinh. Trong quá trình làm việc tại bệnh viện, chị P.T.M tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng chống dịch: khai báo y tế, đeo khẩu trang, vệ sinh tay...

Từ 7 giờ, ngày 8-6 đến nay chị P.T.M ở nhà và không vào bệnh viện.

Sáng 10-6, chị ruột chị P.T.M có triệu chứng sốt, mất vị giác đến khám ở Bệnh viện Xuyên Á và được làm test nhanh 2 lần đều dương tính, đang chờ kết quả RT-PCR. Sau đó, chị P.T.M cũng đến bệnh viện Xuyên Á thực hiện test nhanh và được cách ly tập trung sau khi kết quả dương tính.

Sau khi nhận thông tin, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã nhanh chóng triển khai quy trình xử lý khi có ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 đã được bệnh viện chuẩn bị, diễn tập từ trước,đồng thời báo cáo nhanh Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) triển khai ngay các hoạt động:

- Cách ly toàn bộ Khu chuyên sâu sơ sinh (gồm khoa Sơ sinh và khoa Hồi sức sơ sinh). Tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân sơ sinh từ các bệnh viện khác.

- Trích xuất camera, truy vết các đối tượng tiếp xúc liên quan đến chị P.T.M và nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên, thân nhân, bệnh nhân có làm việc tại Khu chuyên sâu sơ sinh. Kết quả bước đầu xét nghiệm test nhanh và RT-PCR của các nhân viên, thân nhân, bệnh nhân tại Khu chuyên sâu sơ sinh đều âm tính.

- Các trường hợp tiếp xúc gần (F1) được chuyển cách ly tập trung, các trường hợp F2 được cách ly tại nhà theo quy định.

- Triển khai lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên, thân nhân, bệnh nhân ở các khoa, phòng còn lại của bệnh viện.

- Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ Khu chuyên sâu sơ sinh.

Do vậy hiện nay, ngoại trừ Khu chuyên sâu sơ sinh, các khoa phòng khác của bệnh viện vẫn hoạt động bình thường, tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân nội - ngoại trú.

(Người Lao Động)

Bắc Ninh cơ bản khống chế được dịch, giảm giãn cách xã hội 3 huyện

Ngày 10/6, Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Ninh đã họp với Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh về phương án giảm mức độ giãn cách xã hội và dỡ bỏ khoanh vùng cách ly trên địa bàn tỉnh.

Ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng cục Y tế Dự phòng, bộ Y tế cho biết, phương án giảm mức độ giãn cách xã hội và dỡ bỏ khoanh vùng cách ly trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được các chuyên gia của bộ Y tế xây dựng và đề xuất trên nguyên tắc đáp ứng các yêu cầu về: Yếu tố dịch tễ, kết quả sàng lọc xét nghiệm, công tác giãn cách. Như vậy sẽ không đề xuất giảm mức độ giãn cách đối với các huyện, thị có nguy cơ rất cao; các xã, các thôn thuộc xã có mức độ nguy cơ cao, nguy cơ rất cao

Dựa trên các tiêu chí này, chuyên gia bộ Y tế đánh giá, phân tích và xây dựng phương án gỡ bỏ phong toả và thay đổi hình thức cách ly, giãn cách xã hội đối với một số thôn, xã, tiến tới gỡ bỏ phong toả ở cấp độ rộng hơn…

Trên cơ sở nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tại cộng đồng và trong các khu công nghiệp, các chuyên gia kiến nghị với tỉnh Bắc Ninh các biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn tiếp theo như: Triển khai xét nghiệm diện rộng cho người dân tại một số xã, phường, thị trấn của TP Bắc Ninh, các huyện Thuận Thành, Quế Võ và Tiên Du theo kế hoạch xét nghiệm đã được phê duyệt; bảo đảm hoạt động lấy mẫu xét nghiệm F1 trong các khu cách ly tập trung theo đúng hướng dẫn, quy trình đã ban hành. Tại các địa phương khác, triển khai lấy mẫu theo Hướng dẫn ưu tiên chọn mẫu xét nghiệm tại cộng đồng.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh dù có dỡ bỏ phong tỏa, cách ly, song tỉnh cần đặc biệt quan tâm tới 5 vấn đề. Đó là công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống dịch Covid-19. Các địa phương tiếp tục triển khai nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo từng cấp độ. Ngành y tế thần tốc cả lấy mẫu và xét nghiệm, dứt điểm cuốn chiếu từng thôn. Bên cạnh việc chủ động theo phương châm 4 tại chỗ, ban Chỉ đạo tỉnh tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan khẳng định, thời điểm này về cơ bản Bắc Ninh đã khống chế được dịch bệnh. Và phương án bộ phận thường trực của bộ Y tế hỗ trợ tại Bắc Ninh đưa ra, trên cơ sở thực tiễn của địa phương có ý nghĩa khoa học hết sức quý báu giúp Bắc Ninh chủ động triển khai các bước tiếp theo trong công tác phòng chống dịch.

Trên tinh thần này, bà Đào Hồng Lan đề nghị sở Y tế và các địa phương quán triệt đầy đủ các nguyên tắc để thực hiện hiệu quả biện pháp giãn cách phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm theo kế hoạch đã đề ra đảm bố số lượng, chất lượng tiến độ. Đối với các thôn, xã đáp ứng các điều kiện phòng chống dịch, ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Bắc Ninh sớm ra quyết định dỡ bỏ phong toả, giãn cách.

Ban chỉ đạo các địa phương, dù ở trạng thái nào, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân chấp hành đẩy đủ các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là quy định 5k của bộ Y tế .

Từ 00h, ngày 11/6/2021, Bắc Ninh điều chỉnh áp dụng biện pháp cách ly xã hội huyện Yên Phong từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15; đối với huyện Lương Tài, huyện Tiên Du điều chỉnh thực hiện giãn cách xã hội từ Chỉ thị 15 sang Chỉ thị 19; Huyện Thuận Thành sẽ chuyển trạng thái từ thực hiện Chỉ thị 16 sang thực hiện Chỉ thị 19 đối với 14 thôn, khu phố thuộc 5 xã, thị trấn với dân số 7.541 người.

(Theo Người Đưa Tin)

Ấn độ ghi nhận ngày nhiều ca COVID-19 tử vong nhất

Reuters đưa tin con số tử vong trong 1 ngày qua tại Ấn Độ tăng vọt, sau khi các bang lớn ở miền đông nước này công bố lại các số liệu về dịch COVID-19, theo đó rất nhiều bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 tử vong tại nhà hoặc trong các bệnh viện tư nhân. Số nạn nhân tử vong này trước đó đã không được thống kê.

Bilhar, một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ, nhà chức trách ngày 10/6 đã điều chỉnh lại số ca tử vong vì COVID-19 từ 5.400 ca lên trên 9.400 ca.

Theo yêu cầu của Tòa án Cấp cao Patna, chính quyền bang Bihar đã kiểm lại số liệu ca tử vong và mắc mới COVID-19 tại bang này. Kết quả là số ca tử vong tăng tới 72,84%.

Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) thông báo tính đến ngày 10/6, Ấn Độ đã tiến hành tổng cộng 372,2 triệu lượt xét nghiệm COVID-19, tăng thêm 2 triệu lượt so với một ngày trước đó. Đến nay, nước này đã tiêm tổng cộng 242,72 triệu lượt vaccine phòng COVID-19, trong đó có 3,37 triệu liều trong ngày 9/6.

Các chuyên gia cảnh báo các biến thể của virus SARS CoV-2 là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng cao tại Ấn Độ nên chính phủ nước này cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để ngăn ngừa nguy cơ virus đột biến liên tục.

Chính phủ Ấn Độ trước đó đã đặt mua 250 triệu liều vaccine Covishield và 190 triệu liều vaccine Covaxin, và số vaccine phòng COVID-19 này sẽ được cung cấp bắt đầu từ nay cho đến tháng 12/2021. Đây là tuyên bố ngày 8/6 của ông V.K. Paul, thành viên Ủy ban cải cách thể chế quốc gia (Niti Ayog), cơ quan tư vấn chính sách công của Chính phủ Ấn Độ.

Ông V.K. Paul cho biết, chính phủ đã tạm ứng 30% cho Viện Huyết thanh Ấn Độ và công ty dược phẩm Bharat Biotech để mua hai loại vaccine ngừa COVID-19 nói trên. Ngoài ra, chính phủ cũng đã đặt mua 300 triệu liều vaccine của Biological E, dự kiến được cung cấp vào tháng 9 tới. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ đặt hàng với một nhà sản xuất vaccine trước khi sản phẩm được cơ quan quản lý cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA).

(Theo Báo Giao Thông)

Điều bất thường trong đợt lây lan Covid-19 mới ở Trung Quốc

Thời báo Hoàn cầu hôm 10/6 dẫn lời Guan Xiangdong, một chuyên gia thuộc đội y tế Covid-19 Quảng Đông, cho hay, khoảng 10 - 12% số bệnh nhân Covid-19 ghi nhận ở đợt lây lan mới nhất tại thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đang ở trong tình trạng rất nghiêm trọng. 

Tỷ lệ này cao hơn so với đợt bùng phát dịch ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, và 20 ổ dịch lây lan sau đó trên khắp Trung Quốc. Thời điểm đó, tỷ lệ bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng chỉ chiếm "2-3%, 5-8%, thậm chí chỉ 8-10% ở một vài khu vực", ông Guan chia sẻ trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV). 

Theo chuyên gia thuộc đội y tế Covid-19 Quảng Đông, tỷ lệ tương đối cao các trường hợp bị bệnh nặng và nguy kịch có thể là do các biến thể virus SARS-CoV-2 có độc lực cao hơn lây lan tại Quảng Châu. 

Zhang Zhongde, một chuyện gia trong đội y tế địa phương, chia sẻ với CCTV hôm 10/6 rằng, nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Quảng Châu là người cao tuổi và tình trạng của họ diễn biến xấu rất nhanh. "Một số bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn bệnh nặng hoặc nghiêm trọng chỉ trong vòng 3-4 ngày sau khi có triệu chứng", ông Zhang nói. 

Ngoài ra, các bệnh nhân Covid-19 ở Quảng Châu lần này có các triệu chứng rõ ràng hơn, với 80% số bệnh nhân Covid-19 bị sốt, ông Zhang cho hay. Các bệnh nhân Covid-19 có tải lượng virus trong người "rất cao" và mức độ suy giảm tải lượng virus "rất chậm".

Quảng Châu đã ghi nhận 119 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trong khoảng thời gian từ 21/5 tới 9/6. Trong số các ca nhiễm này, 113 ca xuất hiện triệu chứng, 7 ca nhiễm không triệu chứng, theo giới chức địa phương. 

(Theo Dân Việt)

TP.HCM: Chuỗi lây nhiễm 28 ca COVID-19 ở xưởng cơ khí và khách sạn hình thành như thế nào?
Từ các ca mắc COVID-19 được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện, TP.HCM phát hiện chuỗi lây nhiễm với số bệnh nhân là 28 trường hợp.
K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h