Dù nắng nóng, dịch bệnh nhưng với tình yêu thương chồng vô bờ bến, chị Trang luôn sát cánh, chăm sóc chồng từng giây, từng phút.
Trong căn phòng trọ nhỏ bé ở phố Định Công Thượng (Hoàng Mai, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1981, quê Phú Thọ) đang tất bật, tỉ mỉ chăm sóc chồng là anh Nguyễn Đăng Chung (quê Yên Bái) bị liệt toàn thân. “Năm nay thời tiết nắng nóng quá, tôi phải xin tạm nghỉ việc ở nhà chăm chồng, lỡ không may anh bị làm sao thì tôi không sống nổi”, chị Trang nói.
Chị Trang và anh Chung đã nên nghĩa vợ chồng 12 năm nay, nhưng người vợ này chưa được một phút giây thảnh thơi. Dù khó khăn, vất vả đủ bề nhưng chị Trang vẫn nguyện bên chồng, yêu thương chồng cho đến cuối cuộc đời.
Dọn dẹp xong cho chồng, chị Trang tâm sự rằng suốt 2 năm qua công việc của chị nhiều khi cũng bị gián đoạn do dịch bệnh, may mắn là được các mạnh thường quân giúp đỡ nên vẫn có cái ăn, cái mặc.
Dịch bệnh khiến cuộc sống của vợ chồng chị Trang khó khăn hơn.
“Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến công việc, cuộc sống của vợ chồng tôi. Do chồng tôi bị liệt, sức khỏe yếu, nhiều bệnh tật…vì thế khi đi làm, đi chợ tôi rất lo. Không ai biết trước dịch bệnh thế nào vì thế tôi rất sợ nếu mình không may bị mắc COVID-19 lây cho chồng”, chị Trang lo lắng.
Ngoài dịch bệnh, những ngày nắng như đổ lửa hồi đầu tháng 6 vừa qua, chị Trang lo chồng bị sốt, sợ chồng nằm lâu bị loét người, rồi vệ sinh không tự chủ bị nhiễm khuẩn… vì thế chị phải xin nghỉ việc ở công ty để ở nhà chăm sóc chồng.
Dù thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh phức tạp nhưng những ngày ở nhà chăm chồng, chị cảm nhận được tình yêu mà người chồng tật nguyền dành cho mình là lớn lao đến thế nào. Trước đây, nếu chị phải đi làm, bữa trưa của chồng chị đặt ở quán cơm đầu ngõ, đến trưa nhờ người chuyển vào cho cho ăn hộ.
Tối đi làm về chị mới dọn dẹp và nấu cơm để hai vợ chồng cùng ăn, những bữa cơm đó chị cảm nhận được sắc mặt của chồng không vui, phần cũng do chị đi làm về mệt muốn ăn nhanh để còn nghỉ ngơi, mai lại đi làm.
Thế nhưng khi chị ở nhà, được vợ chăm sóc anh Chung vui vẻ hẳn lên, dù nói chẳng lên tiếng nhưng cũng ú ớ liên tục, rồi anh cười nhiều hơn với chị. “Khi anh cười đó là khi anh đang thể hiện tình yêu với vợ, tôi hiểu điều đó, cũng muốn bên anh cả ngày nhưng không đi làm hai vợ chồng lý gì trang trải”, chị Trang nghẹn ngào tâm sự.
Giờ đây, người phụ nữ vừa bước sang tuổi 40 này chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi, chị lại bắt đầu công việc để kiếm tiền lo cho chồng lúc trái nắng, trở trời phải đi viện.
Theo lời kể của chị Trang, trước đây chồng chị là người to cao, đẹp trai, rất nhanh nhẹn và tháo vát. Hai anh chị lấy nhau vào cuối năm 2009, khi đó đôi vợ chồng trẻ còn ấp ủ bao ước mơ về một thương lai tốt đẹp.
Khi men say hạnh phúc những ngày mới cưới vẫn còn lâng lâng, bỗng tai nạn bất ngờ ập đến. Buổi tối định mệnh đó, anh Chung chạy xe máy đến mới làm việc của vợ để đón chị về nhà. Khi đang chờ chồng tới đón, chị Trang nghe thấy tiếng va chạm giao thông nhưng không chạy ra xem vì sợ chồng tới lại không thấy.
Lúc chờ đợi lòng chị Trang nóng như lửa đốt, chị gọi điện cho chồng không được, khi đó vụ tai nạn lúc trước ngày càng đông người tập trung đến xem và chứng kiến. Một đồng nghiệp làm cùng chị Trang vừa chạy ra xem đã hớt hảy chạy về báo tin: “Chồng chị bị tai nạn rồi”. Chạy ra tới nơi, chị Trang như “chết đứng” khi thấy chồng mình nằm bất tỉnh dưới mặt đường.
Dù được đưa đi cấp cứu nhưng khi tỉnh dậy chồng chị Trang không còn biết gì, di chứng sau vụ tai nạn khiến toàn thân anh Chung bị liệt. Vụ tai nạn đã chấm dứt những tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi của hai vợ chồng.
Chị Trang xác định cả cuộc đời này sẽ bó với người chồng bị liệt vì tình yêu chị dành cho anh quá lớn.
Sự sống của chồng đã được giữ lại nhưng có không ít người khuyên chị Trang nên từ bỏ để xây dựng một cuộc sống mới vì hai vợ chồng chưa có con, chẳng có gì ràng buộc. Đã có lúc chị Trang suy nghĩ, nhưng rồi chị quyết định sẽ ở bên chồng suốt cuộc đời này, để chăm sóc, yêu thương chồng.
“Có người bảo tôi hay là được hứa hẹn cho tiền, cho đất mới ở lại. Tôi chẳng nói gì, khi biết chồng không thể chữa trị được tôi đã cõng chồng đi nơi khác, theo đúng nghĩa là “đi trốn” vì không muốn phiền lụy đến ai, kể cả người thân”, chị Trang chia sẻ.
Đến nay đã 10 năm sống ở Hà Nội, số lần về quê của chị Trang chỉ đếm trên đầu ngón tay, chị làm đủ nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có thời điểm chị đi đứng đường ai thuê gì làm nấy, rồi tối lại về bán ngô, khoai vỉa hè. Vài năm nay khi biết được hoàn cảnh của chị, một công ty ở Thanh Trì đã nhận chị vào làm công nhân, lương khoảng hơn 2 triệu vì không tháng nào chị đi làm đủ ngày.
Nhờ bàn ta chăm sóc của vợ, anh Chung da dẻ hồng hào và căn phòng nhỏ luôn sạch sẽ thơm tho. Thế nhưng là người tật nguyền ít giao tiếp, lại chỉ nằm một chỗ khiến tính cách anh Chung trở nên cáu bẳn. Mỗi khi vợ làm không vừa ý là anh lại hét lên cả xóm đều nghe thấy.
Mỗi khi vệ sinh cá nhân, cắt tóc, cạo râu, thậm chí là cho ăn, chị Trang phải nịnh chồng như nịnh trẻ con. "Trộm vía! Chồng tôi ăn khỏe lắm, ngày vẫn đủ 3 bữa, thấy chồng ăn được tôi cũng mừng, vì không ăn được ốm ra đố tôi khổ trăm bề”, chị Trang nói.
Đã có lúc chị Trang nghĩ đến chuyện tự giải thoát nhưng rồi lại không đành.
Hơn 10 chăm chồng liệt, đã có những lúc chị Trang cùng cực nghĩ đến việc tự giải thoát cho hai vợ chồng, nhưng lương tâm chị lại không nỡ làm việc đó. “Tôi sẵn sàng tự giải thoát cho mình được, nhưng không nỡ “xuống tay” với chồng”, chị chia sẻ.
Trước đây khi còn trẻ, chị cũng đã từng nghĩ đến việc có một đứa con để tuổi già dựa dẫm, nhưng giờ đây khi đã ở tuổi 40 suy nghĩ ấy của chị đã tan biến. Chị nghĩ rằng, khi có con rồi lại không lo được chu toàn cho con, đó cũng là cái tội.
“Cuộc đời tôi gắn liền với anh ấy rồi. Đó cũng là cái duyên nên tôi chẳng nghĩ đến chuyện con cái gì nữa. Hai vợ chồng cứ gắng gượng sống, bên nhau, yêu thương nhau như thế này là tôi cảm thấy mãn nguyện và chẳng có gì hối tiếc cả”, chị Trang chia sẻ.