Ngày 13/9, thông tin từ UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận 2 ca mắc COVID-19, trong đó có học sinh lớp 2.
Học sinh dương tính Sars-CoV-2, 41 cô trò đi cách ly sau khai giảng năm học mới
Theo đó, hai trường hợp bị nhiễm là N.N.M.Đ (SN 2014, là học sinh lớp 2 Trường tiểu học Quảng Chính) và Đ.T.G (SN 1962, bà ngoại cháu N.N.M.Đ) đều ngụ ở xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa). Cả 2 bà cháu được xác định dương tính với Sars-CoV-2 vào tối ngày 12/9, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 vào ngày 9/9.
Huyện Quảng Xương đã bố trí nhiều chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên các cung đường để kiểm tra người và phương tiện ra vào.
Theo điều tra dịch tễ, bà Đ.T.G là F1 của bệnh nhân P.M.T (SN 1974, ngụ ở xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương có kết quả xét nghiệm dương tính với Sars-CoV-2 hôm 9/9). Trước đó, ngày 7/9, P.M.T đến nhà bà G. và tiếp xúc với 4 người trong gia đình (trong đó có cháu gái N.N.M.A 10 tháng tuổi).
Ngày 12/9, cháu bà G. là N.N.M.Đ có biểu hiện mệt mỏi, sốt nên đã test nhanh COVID-19, kết quả dương tính đồng thời đã được lấy mẫu PCR và gửi CDC Thanh Hóa. Đến 20h30 cùng ngày, CDC Thanh Hóa thông báo kết quả dương tính với Sars-CoV- 2.
Còn bệnh nhân N.N.M.Đ trước đó được xác định là F1 của em gái (N.N.M.A 10 tháng tuổi được xác định là dương tính với Sars-CoV-2 hôm 10/9) và cũng là F2 của bệnh nhân P.M.T. Cháu Đ. hiện sống cùng bà ngoại Đ.T.G, đang học tại lớp 2 thuộc Trường tiểu học Quảng Chính.
Từ ngày 7/9 đến ngày 9/9, cháu Đ.được mẹ đưa đi học hàng ngày. Tại lớp học, cháu có tiếp xúc với 39 bạn trong lớp cùng cô giáo chủ nhiệm và cô giáo dạy tiếng Anh.
Ngay trong tối ngày 12/9, sau khi có thông tin từ CDC tỉnh Thanh Hóa về 2 ca bệnh trên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Quảng Xương đã tiến hành truy vết và đưa đi cách ly 41 cô trò của lớp cháu Đ. cùng các F1 có liên quan.
Tính đến thời điểm này, huyện Quảng Xương đã truy vết được 49F1 và 94F2. Các trường hợp này đã được lấy mẫu test nhanh kháng nguyên cho kết quả âm tính lần 1.
Trước đó, ngày 9/9, CDC Thanh Hóa ch biết có 3 trường hợp nhiễm COVID-19 tại huyện Quảng Xương. Trong đó, có 2 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây là vợ chồng anh P.M.T (SN 1974, làm nghề xây dựng) vợ là L.T.L. (SN 1975, làm nghề cắt tóc, gội đầu) ở thôn Đại Đồng, xã Quảng Chính). Ca bệnh còn lại được xác định ở trong khu cách ly tập trung.
Sau khi xuất hiện 2 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, huyện Quảng Xương đã áp dụng giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn 4 xã: Quảng Chính, TiênTrang, Quảng Thạch, Quảng Khê và phong tỏa ,cách ly các thôn có bệnh nhân mắc COVID-19 theo Chỉ thị số 16.
Đà Nẵng tiếp tục nới lỏng, mở thêm một số hoạt động
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng chiều 13/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, ngày mai (14/9), sẽ triển khai đợt xét nghiệm đại diện hộ gia đình toàn thành phố lần thứ 7.
Đà Nẵng dự kiến mở thêm một số hoạt động sau khi khống chế được các chuỗi lây nhiễm phức tạp
Theo ông Quảng, căn cứ tình hình dịch trong 7 ngày vừa qua, đến thời điểm này đã có cơ sở quyết định việc nới lỏng, mở thêm các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, các hoạt động bình thường cho các cơ quan, tổ chức.
Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh, về nguyên tắc, khi mở ra hoạt động nào thì phải kèm theo các biện pháp kiểm soát, kiểm tra và xử lý. Vì thế, cần phải có biện pháp kiểm soát và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, thành phố sẽ hoàn chỉnh văn bản chỉ đạo các biện pháp mới và sẽ ban hành trong ngày mai (14/9), theo tinh thần của quyết định 2905.
“Ví dụ, học sinh sắp tới đây đi học thì ngành giáo dục có biện pháp nào; chợ mở thì ngành Công thương làm gì; cảng cá mở thì Sở NN&PTNT làm gì. Các ngành phải chủ động”, ông Chinh nói.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, trong ngày, thành phố ghi nhận 13 ca mắc Covid-19 mới, tất cả đều đã được cách ly trước đó.
Từ 10/9 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 4.574 ca mắc Covid-19.
Trước đó, từ ngày 7/9, Đà Nẵng đã nới lỏng một số hoạt động. Nhiều người dân được ra đường để đi làm, sinh hoạt, đặc biệt một số địa phương vùng xanh còn được đi lại, mua sắm, tập thể dục.
Dù các hoạt động này phải kèm với nhiều điều kiện nghiêm ngặt để phòng dịch nhưng người dân đã rất phấn khởi và an tâm.
(Theo Báo Giao Thông)
Từ ngày 16-9, shipper ở TP HCM được chạy liên quận
Tối 13-9, Chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" do do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức đã diễn ra với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình.
Tại Chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình đã trực tiếp giải đáp thắc mắc về kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế của TP HCM sau ngày 15-9.
Câu hỏi đầu tiên người dân TP HCM gửi đến Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình là sau ngày 15-9 sẽ giãn cách như thế nào.
Trả lời, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết TP đã có dự thảo kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15-9 và các giai đoạn tiếp theo. "Từ ngày 16 đến ngày 30-9 là giai đoạn bước đệm cho các biện pháp phục hồi kinh tế" - ông Lê Hòa Bình nói.
Theo ông, di chuyển như thế nào, hàng hóa như thế nào... là những vấn đề được người dân rất quan tâm. Về hoạt động của shipper, TP HCM đã có kế hoạch, chuẩn bị, lộ trình, báo cáo với lãnh đạo của Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho hay từ ngày 16-9, TP HCM sẽ cho lực lượng shipper chạy liên quận với điều kiện là phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. TP HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho lực lượng shipper.
Kiểm điểm những người liên quan vụ bé gái 13 tuổi được tiêm vắc-xin
Chiều 13-9, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP đã yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 quận Thốt Nốt chỉ đạo kiểm tra và kiểm điểm những người vi phạm liên quan việc bé gái 13 tuổi tại phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt) được tiêm 2 mũi vắc-xin Pfizer phòng bệnh Covid-19.
Trước đó, mẹ bé gái này khoe trên mạng xã hội Facebook giấy xác nhận tiêm chủng 2 mũi vắc-xin Pfizer của con gái 13 tuổi với nội dung: "Dùng quan hệ xin tổ trưởng nên được tiêm hết rồi. Được lựa chọn vắc-xin Pfizer. Con chị cũng tiêm 2 mũi luôn rồi…".
Theo lý giải của lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt với báo chí, trường hợp bé gái 13 tuổi là con em của cán bộ y tế, người nhà của nhân viên tham gia chống dịch Covid-19.
Do sợ lây nhiễm nên gia đình đã xin tiêm vắc-xin, quận sử dụng vắc-xin Pfizer để tiêm cho trường hợp này vì trong hướng dẫn của nhà sản xuất, vắc-xin Pfizer có phần chỉ dẫn dành cho đối tượng trên 12 tuổi. Được người trong gia đình bé gái đồng ý nên đã cho tiêm.
Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, hiện nay Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn nào cho phép các địa phương tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi, dù có thể có khuyến cáo của nhà sản xuất vắc-xin.
(Theo Người Lao Động)
Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì họp báo nói về kế hoạch sau 15-9
Chiều 13-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.
Buổi họp báo do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì. Tại cuộc họp báo này, ông Phan Văn Mãi sẽ cung cấp thông tin về những công việc dự kiến sau ngày 15-9.
Chủ tịch Phan Văn Mãi phát biểu tại họp báo. Ảnh: TÁ LÂM
Phát biểu mở đầu họp báo, ông Phan Văn Mãi cho biết trong suốt thời gian qua, TP.HCM đã nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt trong đợt cao điểm từ 23-8 đến nay.
Theo ông Mãi, thời gian qua, TP.HCM nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, chia sẻ, tạo điều kiện của Trung ương, các địa phương bạn, người dân trong TP và người dân TP ở nước ngoài. TP.HCM cũng nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của hệ thống chính trị cơ sở giúp pháp đài xã phường thị trấn, doanh nghiệp phòng chống dịch tốt hơn. Đây là những kết quả quan trọng, có tính chất nền tảng.
Kết quả thứ hai, ông Mãi cho biết việc giãn cách đã thực hiện nghiêm túc và đạt được kết quả rõ nét. Tỉ lệ "vùng đỏ" đã được thu hẹp, "vùng xanh" được mở rộng; tỉ lệ ca dương tính giảm rõ rệt sau ba đợt tổng xét nghiệm.
Đặc biệt, ba địa phương gồm quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ cơ bản kiểm soát được dịch. Những địa phương còn lại như quận Phú Nhuận, quận 5, 11 và huyện Nhà Bè cũng có những kết quả tốt và đến ngày 15-9 này sẽ công bố cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19.
Đối với tiêm vaccine, đến giờ này đã tiêm được 6,5 triệu mũi 1 đối với người trên 18 tuổi, mũi 2 đã tiêm được 1,3 triệu. Đó là kết quả đáng mừng và là điều kiện để mở lại các dịch vụ, khôi phục lại phát triển kinh tế - xã hội.
Buổi họp diễn ra trong bối cảnh chỉ còn hai ngày nữa, TP.HCM sẽ kết thúc hơn ba tuần siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 11 của UBND TP.HCM và Công điện 1099 của Chính phủ.
Trước đó, vào tối 12-9, tham dự tọa đàm Kiểm soát dịch bệnh trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết tinh thần là từ 15-9 đến cuối tháng 9, cơ bản TP.HCM vẫn giãn cách theo Chỉ thị 16.
Ông Đức cho biết dựa trên nền của Chỉ thị 16, có những nơi vẫn duy trì Chỉ thị 16+ và một số nơi có tình hình tương đối ổn định như huyện Cần Giờ, Củ Chi thì sẽ có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+.
Hiện nay, TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam đang nghiên cứu cơ chế cấp ‘thẻ xanh, thẻ vàng’ COVID-19 hoặc hình thức tương tự để tạo điều kiện cho những đối tượng an toàn sẽ được mở rộng các hoạt động theo tinh thần ‘an toàn đến đâu thì mở đến đó’.
Bên lề buổi làm việc với Huyện ủy Cần Giờ sáng 12-9, trả lời về câu hỏi nếu được thêm hai tuần nữa, TP.HCM có tự tin sẽ kiểm soát được dịch bệnh hay không, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết sự chờ đợi thêm hai tuần nữa cực kỳ quan trọng.
Theo ông, đến giờ này, số F0 mà TP.HCM đang quản lý và điều trị khoảng 100.000 người. Sau hai tuần, số F0 trên sẽ được kéo giảm đến mức thấp nhất, đồng nghĩa với việc TP sẽ ngăn chặn được nguồn lây lan.
Ngoài ra, TP đang có tốc độ, tỉ lệ người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở mức cao. Sau hai tuần, kháng thể của người được tiêm chủng sẽ được nâng lên, tạo những hiệu quả về mặt dịch tễ.
Với hai lý do đó, cùng với những biện pháp khác như củng cố, tăng cường và nâng cao chất lượng điều trị để giảm ca tử vong, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng chắc chắn TP.HCM sẽ có kết quả khả quan hơn bây giờ rất nhiều.
Trả lời câu hỏi sau ngày 15-9, TP.HCM sẽ có những định hướng ra sao trong việc thực hiện giãn cách xã hội, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng tùy vào hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh, nhiều khả năng Chỉ thị 16 sẽ được thu hẹp lại, mở rộng giãn cách theo Chỉ thị 15.
“Đến một lúc nào đó, dựa vào hiệu quả kiểm soát dịch, có nơi sẽ xuống Chỉ thị 19, thậm chí sẽ xuống mức bình thường hơn nữa” - ông Nên nói và cho biết cách đi của TP.HCM là từng bước chắn chắn chứ không dám phiêu lưu. Bởi nếu dịch bệnh bùng phát trở lại thì TP không đủ sức để khống chế.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Lãnh đạo xã lên tiếng việc "mời trẻ sơ sinh đến xét nghiệm Covid-19"
Chiều nay (13/9), trao đổi với PV Báo Giao thông, Chủ tịch UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), ông Bùi Quang Ất khẳng định, đã yêu cầu toàn xã dừng việc mời trẻ sơ sinh đi xét nghiệm.
"Thành phố yêu cầu xét nghiệm tất cả người dân nên trong giấy mời chúng tôi mới ghi vậy. Thực tế mời như thế, nhưng đến nay thì các gia đình chưa đưa trẻ sơ sinh đến để xét nghiệm. Sáng nay, có chỉ đạo của Sở Y tế TP Hà Nội về việc này nên chúng tôi đã dừng việc mời trẻ sơ sinh đến xét nghiệm Covid-19", ông Ất thông tin.
Trước đó, người dân xã An Khánh phản ánh, trong giấy mời người dân đi xét nghiệm Covid-19 có ghi đối tượng xét nghiệm là "tất cả những người dân (bao gồm cả trẻ sơ sinh)".
Tuy nhiên, không chỉ xã An Khánh, những ngày qua, khi Hà Nội triển khai xét nghiệm trên diện rộng, khá nhiều xã/phường yêu cầu 100% người dân, bao gồm cả trẻ nhỏ đi xét nghiệm, như xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), xã Tân Lập (huyện Đan Phượng), một số phường trên địa bàn quận Thanh Xuân...
Việc yêu cầu cả trẻ nhỏ đi xét nghiệm khiến nhiều bậc phụ huynh băn khoăn, bởi các em đã ở trong nhà gần 2 tháng qua, còn những người lớn trong gia đình đã test Covid-19.
Nếu tất cả người lớn trong gia đình đã âm tính thì có cần test đến trẻ nhỏ? Các phụ huynh đều lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho trẻ tại các điểm lấy mẫu test Covid-19.
Về nội dung này, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng, việc xét nghiệm trẻ sơ sinh là không cần thiết.
"Trẻ sơ sinh không đi đến đâu, chỉ có bố mẹ, người thân tiếp xúc thì chỉ cần xét nghiệm bố mẹ và người thân trong gia đình của trẻ là được", ông Tuấn nói.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thì cho biết, đối với trẻ em dưới 12 tuổi, không bắt buộc xét nghiệm (trừ những trường hợp có biểu hiện nghi mắc Covid-19) hoặc đang ở trong khu cách ly.
"Những trường hợp dưới 12 tuổi chỉ phải xét nghiệm trong trường hợp có biểu hiện nghi mắc Covid-19 hoặc là những khu cách ly, phong tỏa như "ổ dịch" Thanh Xuân Trung...", bà Hà nói.
Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết thêm khi Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh, vào thời điểm thành phố cho phép học sinh quay lại trường học, Sở sẽ có kế hoạch tiến hành xét nghiệm với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, đau họng...
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, ngay sau khi Sở Y tế Hà Nội có ý kiến chỉ đạo "không bắt buộc phải xét nghiệm Covid-19 trẻ em dưới 12 tuổi" vào sáng 13/9, nhiều xã, phường trên địa bàn Thủ đô đã không còn thực hiện xét nghiệm Covid-19 với trẻ em.
Bạc Liêu: Trung tâm y tế có 4 ca mắc, cả huyện giãn cách XH theo Chỉ thị 16
Ngày 13/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều đã ký quyết định áp dụng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đối với toàn địa bàn huyện Hòa Bình. Thời gian thực hiện từ 19h ngày 13/9/2021 đến khi có thông báo mới.
Nguyên tắc là tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định 1397 ngày 5/9/2021 và các văn bản quy định, hướng dẫn khác có liên quan của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình khẩn trương truy vết, khoanh vùng, xác định đối tượng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.
Thực hiện kịp thời đối với việc phong tỏa cách ly y tế cục bộ các khu vực, các địa điểm có nhiều F0 hoặc có nguy cơ rất cao.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm tầm soát Covid-19 trong cộng đồng, trước tiên là tại các khu vực phong tỏa, các khóm, ấp, xã, phường, thị trấn có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao; hoàn thành công tác xét nghiệm trước ngày 20/9.
Trước đó, vào ngày 10/9, qua công tác xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu phát hiện tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Bình (ấp Thị Trấn B, thị trấn Hòa Bình) có 4 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1 nhân viên y tế và 3 bệnh nhân đang điều trị.
Sau đó, huyện Hòa Bình đã thiết lập vùng cách ly y tế khu vực Trung tâm Y tế huyện Hòa Bình trong đó có 34 bác sỹ, nhân viên y tế và 106 bệnh nhân và thân nhân người bệnh.
Trước khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, huyện Hòa Bình đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ (thời gian áp dụng từ ngày 13/9 đến hết ngày 19/9/2021).
(Theo Báo Giao Thông)
Bình Thuận sẽ đưa 15 người bị "nhét" trong xe đông lạnh về quê
Trưa 13-9, liên quan đến vụ 15 người trong đó có trẻ em bị nhét trong thùng xe đông lạnh để "thông chốt" về quê, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc.
Theo đó, Bình Thuận không buộc 15 người nói trên quay về nơi xuất phát mà yêu cầu UBND huyện Hàm Tân bố trí một cơ sở cách ly để tất cả những người này được ăn, nghỉ miễn phí.
“Chậm nhất trong chiều nay, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ có văn bản gởi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Quảng Trị đề nghị phối hợp đón công dân về quê”, ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, những người nói trên đang gặp hoạn nạn, họ muốn về quê tránh dịch nhưng không còn chọn lựa nào khác nên việc buộc họ quay về nơi xuất phát vô tình sẽ đẩy họ vào khó khăn chồng chất hơn.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Thành phố Vinh dỡ bỏ chốt kiểm soát trên địa bàn
Ngày 13/9, trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Đức Đồng - Bí thư Thành ủy Vinh (Nghệ An) cho biết, thành phố sẽ bỏ các chốt nội thành và giữ nguyên các chốt liên tỉnh ở cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2. Thời gian thực hiện trong chiều hôm nay (ngày 13/9).
Theo Bí thư Thành ủy Vinh, dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố cơ bản được khống chế, số ca dương tính đều được cách ly từ trước. Từ 0h ngày 13/9, thành phố Vinh áp dụng Chỉ thị 15. Sau khi xem xét, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Vinh quyết định, dỡ bỏ các chốt cửa ngõ của thành phố còn những chốt kiểm soát liên tỉnh vẫn được giữ nguyên. Người dân nghiêm chỉnh chấp hành 5K của Bộ Y tế.
Thành phố Vinh dỡ bỏ các chốt cửa ngõ, chỉ giữ chốt liên tỉnh.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 1.789 bệnh nhân (BN) mắc COVID-19 ở 21 địa phương. Trong đó thành phố Vinh ghi nhận 632 BN.
Lũy tích số BN điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 1.171 BN. Lũy tích số BN tử vong: 10 BN. Số BN hiện đang điều trị: 608 BN.
Trong 12 giờ qua, ngành y tế Nghệ An đã tiếp nhận 869 mẫu (trong đó có 1 mẫu test nhanh nghi ngờ, 340 mẫu F1, 528 mẫu cộng đồng), đã có kết quả 862 mẫu, phát hiện 2 ca dương tính, đang chờ kết quả 07 mẫu.
(Theo Tiền Phong)
Nhét 15 người, cả trẻ em trong thùng xe đông lạnh để "thông chốt" về quê
Ngày 13/9, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, đang phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân tiếp tục lấy lời khai, củng cố hồ sơ để xử lý những lái xe liên quan vụ vận chuyển 15 người về quê trong xe đông lạnh.
Theo đó, lúc 22g ngày 12/9, Tổ tuần tra Trạm CSGT Hàm Tân trên quốc lộ 1A phát hiện xe đông lạnh 51D-38214 đang đậu trong sân một quán cơm thuộc xã Tân Đức, Hàm Tân có dấu hiệu nghi vấn.
Làm việc với lái xe đông lạnh Lê Văn Tuấn thấy biểu hiện đáng ngờ nên lực lượng CSGT yêu cầu tài xế mở khóa thùng xe đông lạnh và phát hiện trong thùng xe có 14 người lớn và 1 trẻ em.
Khi đó, một số người trong thùng xe đã vã mồ hơi, có dấu hiệu khó thở, lực lượng CSGT yêu cầu lái xe đông lạnh mở cửa hông và đưa tất cả về Chốt kiểm soát dịch COVID-19 số 2 Bình Thuận (ở xã Tân Đức, Hàm Tân) để làm việc.
Tài xế Lê Văn Tuấn khai, đã đón 15 người trên từ một xe khách chở từ Bến xe Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) qua Chốt kiểm soát dịch COVID-19 số 2 Bình Thuận với giá 700 ngàn đồng/người nhưng không nhớ biển số xe khách.
Xe đông lạnh mang biển số 51D-38214 chở 15 người "thông" chốt kiểm soát dịch COVID-19.
Sau đó, Trạm CSGT Hàm Tân triển khai truy tìm xe khách liên quan. Đến 22g30 cùng ngày, CSGT phát hiện xe 7 chỗ 61A-31027 đang đậu trong một cây xăng ở km1764, Hàm Tân nên kiểm tra. Lái xe này sau đó thừa nhận đang chờ đón khách từ xe đông lạnh.
Lái xe này khai, còn 1 xe 7 chỗ khác cũng đang chờ đón người từ xe đông lạnh. Trạm CSGT Hàm Tân tiếp tục phát hiện xe 75A-17078 đang đậu trong một cây xăng khác ven QL1A cách đó 6 cây số.
Lái xe này cũng thừa nhận cả 2 xe 7 chỗ chở 15 người từ Đồng Nai về Huế và Quảng Trị. Khi đến Long Khánh, cả 2 đã móc nối thuê lái xe đông lạnh chở từ Long Khánh “thông chốt” qua Bình Thuận để tiếp tục đón số người trên tiếp tục đưa về quê.
Hiện Trạm CSGT Hàm Tân đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân tiến hành điều tra, làm rõ có hay không đường dây đưa người “thông chốt”. Hồ sơ cũng được CSGT bàn giao cho Thanh tra giao thông tỉnh Bình Thuận lập biên bản vi phạm hành chính xử phạt và yêu cầu cả 3 lái xe đưa người quay về nơi xuất phát.
(Theo Tiền Phong)
Hà Nội không bắt buộc xét nghiệm COVID-19 đối với trẻ em dưới 12 tuổi
Sáng 13/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thời gian gần đây, TP Hà Nội tiến hành xét nghiệm "thần tốc" diện rộng nhằm sàng lọc, phát hiện người mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương áp dụng tùy tiện, hiểu một cách khác nhau về chủ trương của thành phố, đã tiến hành xét nghiệm cho trẻ em dưới 12 tuổi, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Hà Nội không bắt buộc xét nghiệm COVID-19 đối với trẻ em dưới 12 tuổi.
Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các địa phương rà soát lại các đối tượng cần xét nghiệm, bảo đảm không bỏ sót F0 trong cộng đồng, nhưng cũng không tạo ra bức xúc trong dư luận.
Đối với trẻ em dưới 12 tuổi, không bắt buộc xét nghiệm (trừ những trường hợp có biểu hiện nghi mắc COVID-19) hoặc đang ở trong khu cách ly.
"Những trường hợp dưới 12 tuổi chỉ phải xét nghiệm trong trường hợp có biểu hiện nghi mắc COVID-19 hoặc là những khu cách ly, phong tỏa như "ổ dịch" Thanh Xuân Trung...", bà Hà nói.
Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết thêm khi Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh, vào thời điểm thành phố cho phép học sinh quay lại trường học, Sở sẽ có kế hoạch tiến hành xét nghiệm với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, đau họng...
Những ngày qua, việc một số quận huyện, xã, phường hiểu sai, đã gửi thông báo tới các khu dân cư, cư dân các tòa nhà để thông báo về việc xét nghiệm diện rộng, trong đó có nơi thông báo xét nghiệm cho trẻ em dưới 12 tuổi, đặc biệt có nơi thông báo xét nghiệm bắt buộc cho trẻ em từ 1 tuổi trở lên, làm xôn xao dư luận.
(Theo Báo Giao Thông)
Thưởng 1-5 triệu đồng cho việc tố giác người vi phạm chống dịch COVID-19
Sáng 13-9, thông tin từ UBND TP Vinh (Nghệ An) cho biết ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP Vinh, vừa ký công văn số 207 về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Vinh.
Theo đó, từ 0 giờ ngày 13-9, TP Vinh chuyển thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 sang giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, TP Vinh yêu cầu tất cả người dân thành phố, cũng như công dân nơi khác đến thành phố phải thực hiện triệt để khuyến cáo 5K. Khuyến cáo người dân không tụ tập đông người, chỉ ra đường khi đảm bảo an toàn và thực sự cần thiết; không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra những trường hợp ra vào TP Vinh.
Yêu cầu mọi người dân từ các huyện, thị trong tỉnh Nghệ An, ngoại tỉnh, từ nước ngoài đến, trở về TP Vinh phải có xét nghiệm PCR, hoặc Test nhanh, khai báo y tế một cách trung thực và trách nhiệm.
UBND TP Vinh khuyến khích người dân phát hiện, tố giác các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đến chính quyền phường, xã hoặc TP Vinh bằng hình thức điện thoại, nhắn tin, hoặc đơn thư phản ánh số từ vùng dịch đến, trở về TP Vinh mà trốn tránh khai báo hoặc khai man làm lây lan dịch bệnh. Tùy theo tính chất tin báo phát hiện, tố giác, TP Vinh sẽ thưởng từ 100.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Thực hiện Chỉ thị số 15, nhưng TP Vinh tiếp tục duy trì 14 chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh do UBND TP Vinh thành lập và 29 chốt chặn do UBND các phường, xã thành lập. UBND TP Vinh quy định:
Thứ nhất, hạn chế ra vào Thành phố, trừ khi có việc thiết yếu;
Thứ hai, trừ các trường hợp được quy định cụ thể, người vào TP Vinh phải xuất trình giấy báo kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực. Với người chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi: Trong vòng 72 giờ kể từ khi xét nghiệm và chưa có hoạt động giao tiếp công cộng tại vùng dịch (nếu có thì phải xét nghiệm lại tại chỗ). Đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19, trong đó mũi 2 đã trên 14 ngày hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19: Trong vòng 7 ngày kể từ khi xét nghiệm và chưa có hoạt động giao tiếp tại vùng dịch;
Thứ ba: Người đến hoặc trở về TP Vinh từ các vùng dịch phải khai báo với Trạm y tế phường, xã nơi cư trú để xét nghiệm, cách ly y tế đúng quy định tại công văn số 6386 của Bộ Y tế.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 1.787 bệnh nhân (BN) mắc COVID-19 ở 21 địa phương, trong đó chỉ riêng TP Vinh đã có 632 trường hợp. Lũy tích số BN điều trị tại Nghệ An đã khỏi bệnh, ra viện: 1.171 BN, số BN tử vong: 10. Số BN hiện đang điều trị là 606 người.
(Theo Người Lao Động)
Quảng Trị siết chặt phòng dịch COVID-19 sau chùm 12 ca nghi nhiễm ở Huế
Sáng 13/9, UBND tỉnh Quảng Trị đã Quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đối với các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn huyện Hải Lăng.
Các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị chỉ đạo triển khai sau khi trên địa bàn xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) xuất hiện chùm ca nghi nhiễm COVID-19 liên quan đến 2 BN 550992 và BN 550993 trên địa bàn xã Phong Hòa. Một số ca nghi nhiễm nói trên tại Phong Điền đã đến chợ Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng).
Khu vực phong tỏa tạm thời tại ngã 3 QL1 và QL49B phía Nam cầu Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng trong đợt phòng chống dịch tháng 5/2021.
Cụ thể, tỉnh Quảng Trị quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ khu vực chợ Mỹ Chánh (xã Hải Chánh).
Áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với khu vực các hộ dân thuộc từ tổ 1 đến tổ 7, thôn Mỹ Chánh (xã Hải Chánh) và khu vực Lương Hải, thôn Đông Sơn (xã Hải Sơn) thuộc huyện Hải Lăng.
Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với các xã Hải Chánh, Hải Sơn và Hải Phong thuộc huyện Hải Lăng.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Trị cũng quyết định nâng cao mức độ phòng chống dịch bệnh trên toàn tuyến giáp ranh giữa huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) và huyện Phong Điều (tỉnh Thừa Thiên Huế); cán bộ và nhân dân hạn chế di chuyển đến huyện Phong Điền nếu không có việc thực sự cần thiết (trừ lý do công vụ).
Áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung đối với tất cả người đến, về tỉnh Quảng Trị từ xã Phong Hòa, huyện Phong Điền; đối với người từ huyện Phong Điền về Quảng Trị (trừ xã Phong Hòa) phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực và áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà.
Tạm dừng đến trường đối với học sinh trường THPT Bùi Dục Tài và các trường mầm non, TH&THCS tại 3 xã: Hải Chánh, Hải Phong và Hải Sơn, huyện Hải Lăng.
Thời gian thực hiện từ 6h ngày 13/9 cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 12/9, UBND huyện Hải Lăng đã chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đối với các trường hợp liên quan ca nghi nhiễm COVID-19 ở huyện Phong Điền.
(Theo Báo Giao Thông)
Bắc Ninh cho phép mở lại dịch vụ cắt tóc, hàng ăn, chợ đầu mối từ hôm nay (13/9)
Tối 12/9, đại diện Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cho phép hoạt động trở lại một số loại hình kinh doanh dịch vụ đối với các địa bàn đang thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg và trạng thái bình thường mới trên địa bàn tỉnh từ 6h ngày 13/9.
Ảnh minh họa.
Theo đó, cơ sở cắt tóc, gội đầu không tập trung quá 10 người trong cùng một thời điểm. Dịch vụ ăn uống trong nhà phải đảm bảo khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, khách ngồi không quá 50% chỗ.
Nhà hàng rượu, quán rượu, quán bia, hàng bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về, không được tổ chức xem bóng đá tập trung.
Tuy nhiên, tất cả các cơ sở kinh doanh các loại hình nêu trên sẽ không được hoạt động quá 21h hàng ngày.
Chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải yêu cầu khách hàng khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin khách hàng hàng ngày, đồng thời phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Chợ đầu mối phải được kiểm soát chặt chẽ, tất cả người trên xe ở địa bàn phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.
Nghiêm cấm kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè, bán hàng rong, không tổ chức hoạt động chợ cóc. Chợ tạm được hoạt động nhưng chỉ cho phép người bán hàng ở địa bàn sinh sống ở nơi đó.
Bên cạnh đó, các trung tâm ngoại ngữ đảm bảo các điều kiện phòng dịch, chia lớp thành nhiều ca học, mỗi ca không quá 10 người học. Những hoạt động thể dục thể thao trong nhà tổ chức không quá 10 người và ngoài trời không quá 20 người.
Xe taxi được phép hoạt động trong nội bộ tỉnh (trừ địa bàn đang thực hiện cách ly y tế vùng và Chỉ thị 16/CT-TTg).
Đối với các lĩnh vực hoạt động trở lại phải thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế” và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Người dân không ra ngoài từ 21h đến 5h sáng hôm sau, trừ các trường hợp thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về,... (phải có giấy tờ liên quan như: thẻ, giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh khác).
Các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định phòng, chống COVID-19 địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong công tác phòng, chống dịch.
Các Sở, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong công tác phòng, chống dịch.
(Theo Người Đưa Tin)
Vĩnh Phúc cho phép mở lại nhà hàng nhưng không được phục vụ rượu, bia
Tối 12-9, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các quy định phòng, chống dịch COVID- 19 trong tình hình mới.
Vĩnh Phúc nới lỏng có điều kiện một số hoạt động sản xuất, vận tải và lưu thông hàng hóa. Ảnh: vinhphuc.gov.vn
Theo đó, từ 00 giờ ngày 13-9 cho đến khi có thông báo mới, Vĩnh Phúc sẽ nới lỏng có điều kiện một số hoạt động sản xuất, vận tải và lưu thông hàng hóa, cho phép dạy học trực tiếp tại các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống nhưng phải bảo đảm các quy định, yêu cầu phòng chống dịch.
Tỉnh cho phép cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh, chuyên gia, cán bộ quản lý và các chuyên gia, người lao động có giao kết hợp đồng lao động với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sinh sống tại những khu vực đang áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng hằng ngày được phép đi/đến tỉnh làm việc.
Cùng với đó, tỉnh cho phép mở cửa trở lại các khu, điểm du lịch nhưng hoạt động không quá 50% công suất và chỉ đón, phục vụ khách trong tỉnh. Các sân golf, cơ sở kinh doanh luyện tập thể dục thể thao trong nhà được hoạt động trở lại; các nhà hàng, quán ăn được phép hoạt động trở lại nhưng không phục vụ đồ uống có cồn, không quá 50% công suất, không quá 20 người/1 phòng và đóng cửa trước 22 giờ hằng ngày.
Các cơ sở lưu trú được mở cửa nhưng không được cung cấp dịch vụ karaoke, massage; dịch vụ spa, gội đầu, chăm sóc sức khỏe được phép mở cửa nhưng không được phép hoạt động quá 50% công suất và phải thực hiện xét nghiệm tầm soát nguy cơ trên diện rộng tối thiểu 14 ngày/lần đối với người trực tiếp phục vụ khách.
Xe buýt, taxi, xe hợp đồng và xe khách nội địa chỉ được phép sử dụng không quá 50% số ghế ngồi và phải có sổ ghi chép lịch trình của hành khách. Lái xe, phụ xe thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày/1 lần...
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục cho dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng liên tỉnh, các cơ sở karaoke, massage, internet, trò chơi điện tử, vũ trường, bể bơi, quán bar, các hoạt động lễ hội, nghi lễ, tôn giáo, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, sự kiện tập trung đông người, các quán bia, rượu phục vụ tại chỗ.
(Theo Pháp luật TP.HCM)