COVID-19 18/7: Lịch trình dày đặc của 3 ca dương tính, liên tục đi qua các tỉnh miền Trung

K.T - Ngày 18/07/2021 12:10 PM (GMT+7)

Có 19 trường hợp ở Quảng Bình được xác định là F1 liên quan đến 3 ca F0 mắc COVID-19, hiện đã có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 và cách ly y tế theo quy định.

Lịch trình dày đặc của 3 ca dương tính, liên tục đi qua các tỉnh miền Trung

Ngày 18-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình cho biết những mẫu xét nghiệm lấy từ 19 trường hợp F1 liên quan đến 3 ca mắc COVID-19 từng về trên địa bàn tỉnh đều cho kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Ngành y tế Quảng Bình truy vết các F1 liên quan đến 3 ca F0 mắc COVID-19 từng về địa bàn.

Ngành y tế Quảng Bình truy vết các F1 liên quan đến 3 ca F0 mắc COVID-19 từng về địa bàn.

Trước đó, qua điều tra dịch tễ, 3 ca bệnh COVID-19 được ghi nhận lần lượt với các bệnh nhân số 46376, 46378 và 46522 đã từng về trên địa bàn huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn.

Theo khai báo, 2 trường hợp là H.Tr.Tr. (BN 46378, địa chỉ ở phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP HCM) và Ng.D.H (BN 46376, có địa chỉ ở huyện Giá Rai, Bạc Liêu) đều chạy xe container chở hàng từ TP Vũng Tàu về các tỉnh dọc miền Trung.

Ngày 15-7, các trường hợp trên đến trả hàng tại Công ty cổ phần Logirties Tân Thế Giới ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch và tiếp xúc trực tiếp với 2 người, sau đó có ghé vào một quán ăn cơm trưa trên địa bàn xã Quảng Đông.

Sau khi ăn cơm, Tr. và H. về Hải Phòng, được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và có kết quả dương tính. Hiện tại, Tr. và H. đang được cách ly điều trị tại một bệnh viện của TP Hải Phòng.

Trường hợp BN46522 là M.V.H (địa chỉ ở phường Hoà An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Từ ngày 1 đến ngày 14-7, người này có lịch trình ra vào từ Đà Nẵng về Quảng Bình khá liên tục.

Tại Quảng Bình, M.V.H. làm việc và ở lại nhà nghỉ Dũng Hồng thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Trong quá trình làm việc tại đây, H. có tiếp xúc gần với nhiều người trên địa bàn. Ngày 14-7, H. về lại Đà Nẵng, sau đó được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Sau khi nhận được thông tin của 3 trường hợp F0 từng về trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị y tế, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, truy vết các trường hợp F1, F2… của các ca bệnh trên.

Đến chiều ngày 17-7, lực lượng chức năng đã ghi nhận được 19 trường hợp F1 ở xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch); phường Quảng Thọ, phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) có tiếp xúc gần với các ca bệnh trên và được đưa đi cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh cũ.

Với kết quả âm tính với SARS-CoV-2, các F1 nói trên vẫn đang tiếp tục thực hiện cách ly y tế theo đúng quy định. Tính đến thời điểm này, Quảng Bình chưa ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

(Theo Người Lao Động)

Sở Y tế TP.HCM chấn chỉnh việc đưa thông tin mạng xã hội gây hoang mang

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện điều trị COVID-19, các khu cách ly y tế trên địa bàn TP, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế nhắc nhở, chấn chỉnh việc chụp hình, quay phim và đưa tin trên các trang mạng xã hội.

Theo Sở Y tế, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại TP,HCM, ngành y tế TP đang tập trung toàn bộ nguồn lực, nhân sự để thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều thông tin từ các trang mạng xã hội không chính thức, không rõ nguồn cung cấp và chưa được thẩm định từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền có nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 không đúng, gây hoang mang dư luận xã hội.

Trên cơ sở đó, Sở Y tế đề nghị Ban Quản lý các khu cách ly y tế, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở thực hiện tuyên truyền, quán triệt, nhắc nhở người dân và cán bộ, nhân viên ngành y tế không thực hiện phát tán hình ảnh, bài viết không đúng sự thật, không rõ nguồn cung cấp gây bức xúc, hoang mang dư luận xã hội.

Trong đó, cần lưu ý, khuyến cáo người dân và cán bộ, nhân viên y tế chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền được tôn trọng bí mật riêng tư của người bệnh và các quy định về cung cấp, đăng tải thông tin trên mạng xã hội để tạo ổn định tình hình an ninh trật tự, tránh tâm lý bất an cho đội ngũ nhân viên y tế đang đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch và phát huy tinh thần đoàn kết phòng, chống dịch của người dân TP trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Đà Nẵng còn hai chuỗi lây nhiễm nguy cơ rất cao và chưa kiểm soát được

Tối nay (18/7), Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng (BCĐ) ghi nhận trên địa bàn có thêm 47 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Chuỗi lây nhiễm từ Công ty điện điện tử Việt Hoa có thêm 22 trường hợp. Như vậy chuỗi lây nhiễm này đã có 62 ca mắc, riêng Công ty điện tử Việt Hoa 27 người. BCĐ đánh giá đây là chuỗi lây nhiễm có nguy cơ rất cao.

Chuỗi lây nhiễm từ BN 38488 (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cũng có thêm 5 trường hợp, hiện vẫn chưa kiểm soát được.

Trong những ngày tới đây, ngành y tế Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. “Nếu tình hình kiểm soát tốt thì tiến tới dỡ bỏ các khu vực dãn cách theo Chỉ thị 16. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn thì sẽ phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn để kiểm soát dịch bệnh”, BCĐ cho hay.

Tính từ khi dịch bùng phát đến nay, Đà Nẵng đã có 282 ca mắc. Hiện thành phố đang cách ly, giám sát gần 1800 F1 và gần 2700 F2.

(Theo Tiền Phong)

Phong tỏa thêm 2 phường hơn 59.000 người ở TP Thủ Đức

Chiều 18-7, UBND TP Thủ Đức (TP HCM) ra thông báo phong tỏa, cách ly y tế vùng có dịch đối với phường Long Trường và phường Tăng Nhơn Phú B (không bao gồm phần diện tích Khu Công nghệ cao TP HCM) để đảm bảo công tác phong, chống dịch Covid-19.

Thời gian phong toả 2 phường trên bắt đầu từ 0 giờ ngày 19-7 đến khi có thông báo mới.

Phường Long Trường gồm 5 khu phố, 36 tổ dân phố với diện tích 1.261,9 ha, dân số 5.536 hộ, 20.299 nhân khẩu.

Phường Tăng Nhơn Phú B (không bao gồm diện tích Khu Công an nghệ cao TP HCM) gồm 5 khu phố, 53 tổ dân phố với diện tích 228,9 ha, dân số 12.508 hộ, 38.962 nhân khẩu.

Trong thời gia áp dụng phong tỏa, cách ly y tế, người dân không được ra khỏi khu vực phong tỏa trừ nhân viên y tế, thực hiện công vụ, các trường hợp cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.

Đồng thời, bảo đảm giãn cách xã hội giữa người với người, cách ly giữa nhà với nhà, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở. 

Cá nhân không tuân thủ yêu cầu cách ly, phong tỏa sẽ bị cưỡng chế theo quy định.

(Theo Người Lao Động)

TP Vinh sẽ áp dụng Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 19/7

Ngày 18/7, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 2487/QĐ-UBND tỉnh về việc dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg chuyển sang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới đối với địa bàn TP Vinh (Nghệ An).

Bên cạnh đó, tiếp tục tạm dừng một số dịch vụ không thiết yếu theo quy định tại công văn số 2732/UBND-VX ngày 6/5/2021 của UBND tỉnh.

Trước đó, ngày 17/7, UBND TP. Vinh có Tờ trình số 4688/TTr-UBND gửi UBND tỉnh về việc đề nghị dừng thực hiện Chỉ thị 15 chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố.

UBND TP. Vinh cho rằng, cho đến thời điểm này dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát. Kể từ ngày 5/7 đến nay, thành phố không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. 

Việc chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19 để từng bước nới lỏng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là từng bước ổn định việc làm, thu nhập, đời sống cho nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các cơ sở, doanh nghiệp.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Quảng Ninh không chấp nhận kết quả test nhanh Covid-19 được vào tỉnh

Để đảm bảo các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu từ 0 giờ ngày 18-7, người đến/về Quảng Ninh phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR kết quả âm tính không quá 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu (người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 vẫn phải có kết quả xét nghiệm âm tính).

Trong tình hình phức tạp này, tạm thời không vào tỉnh với người dùng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên.

Riêng đối với công nhân, người lao động trong tỉnh, ngoại tỉnh đi làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương có xe đưa đón hàng ngày của doanh nghiệp đã đăng ký với UBND các địa phương cấp huyện, hoặc Sở Giao thông vận tải theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 4481/UBND- DL1 ngày 13-7) thì không yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, nhưng yêu cầu các doanh nghiệp của 3 tỉnh, thành phố phải thực hiện nghiêm túc việc xét nghiệm sàng lọc tối thiểu 20% hàng tuần đối với người lao động của doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế. 

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có người lao động ngoại tỉnh vào làm việc theo xe đưa đón cố định chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và của tỉnh. Trường hợp không thực hiện nghiêm, báo cáo UBND tỉnh để trao đổi trong chương trình phối hợp với TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương, đồng thời chủ động các giải pháp nghiêm khắc theo qui định.

Đối với xe tải, xe container chở hàng hóa liên tỉnh, đặc biệt là từ các tỉnh miền Nam, miền Trung, phải tuân thủ nghiêm các quy trình phòng chống dịch khi vào tỉnh, khai báo y tế bắt buộc, có xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR âm tính không quá 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu; thông báo rõ hành trình dự kiến di chuyển tại Quảng Ninh; có cam kết chỉ dừng, đỗ khi giao hàng, tiếp nhiên liệu.

Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải thực hiện tuần tra, kiểm soát dọc các tuyến đường, xử lý nghiêm các trường hợp dừng đỗ dọc đường, không tuân thủ cam kết dừng đỗ xe và quy trình phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và của tỉnh.

(Theo Người Lao Động)

Bình Định thuê máy bay chở 1.000 người dân từ TP.HCM về quê

Ông Nguyễn Phi Long, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết như vậy tại cuộc họp của UBND tỉnh này vào sáng 18/7 về việc hỗ trợ người dân Bình Định đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại TP.HCM có nhu cầu trở về quê.

“Trong 2 tuần tới tỉnh sẽ thuê máy bay để đón khoảng 1.000 người dân Bình Định đang gặp khó khăn tại TP.HCM về. Riêng việc thuê máy bay, tỉnh sẽ huy động xã hội hóa mà không sử dụng ngân sách nhà nước. Chúng tôi nghĩ rằng đây là cách nhanh nhất để bà con được về”, ông Nguyễn Phi Long nói.

Dự kiến, vào chiều thứ 3 tới (ngày 20.7) chuyến bay đầu tiên sẽ đón 200 người dân trở về, tiếp đó là chuyến vào sáng thứ 6.

Về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, ông Long cho biết, năng lực điều trị F0 của tỉnh hiện tại là khoảng 600 bệnh nhân. Khả năng chuẩn bị chỗ ở cách ly là 10.000 chỗ, trong đó có thể đưa vào sử dụng ngay là 4.000 chỗ bao gồm 20 điểm cách ly tập trung ở các địa phương và 7 điểm cách ly quân sự.

Tính đến ngày 18/7, toàn tỉnh có 43 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 21 trường hợp mắc tại tỉnh, 22 trường hợp còn lại là nhập cảnh, trong đó có 25% ca bệnh là người từ TP.HCM về. Tại thị xã Hoài Nhơn, nơi đầu tiên xảy ra dịch bệnh đã qua 14 ngày không có ca nhiễm mới, toàn thị xã chuyển sang giãn cách theo Chỉ thị 15. Đặc biệt, 6 bệnh nhân đang được điều trị tại BVĐK khu vực Bồng Sơn đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, nếu tiếp tục âm tính thì có thể xuất viện.

Về hỗ trợ dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, tỉnh đã chọn ra 6 đối tượng có sự ảnh hưởng nhiều nhất để có cơ chế chính sách hỗ trợ và được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Ngày 17/7 các địa phương đã bắt đầu triển khai hỗ trợ. Dự kiến có khoảng 28.000 lao động tự do với mức hỗ trợ gần 43 tỷ đồng. Tỉnh cũng giao cho các địa phương trong vòng 20 ngày phải thực hiện xong hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự.

(Theo Dân Việt)

TP HCM: Phát hiện chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2 ở quận Tân Bình liên quan chợ đầu mối Bình Điền

Trưa 18-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết hôm nay là ngày thứ 10 thực hiện giãn cách xã hội toàn TP, đây là thời gian then chốt để triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh với mục tiêu tách cơ bản F0 ra khỏi cộng đồng, khoanh vùng, chặn đứng chuỗi lây lan, giảm số ca mắc tiến tới kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Theo HCDC, tính hết ngày 17-7, có 27.668 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP HCM được Bộ Y tế công bố, trong đó 27.393 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 275 trường hợp nhập cảnh.

Trong ngày 17-7, có thêm 64 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi là 1.006. Có 189 bệnh nhân tử vong, trong đó Bộ Y tế đã công bố 117 ca. TP đang điều trị 26.873 bệnh nhân dương tính mới.

TP phát hiện thêm 1 chuỗi lây nhiễm tại đường Ni Sư Huỳnh Liên ở quận Tân Bình có liên quan đến chợ đầu mối Bình Điền, từ ca chỉ điểm đến nay phát hiện thêm các trường hợp nhiễm trong thời gian phong toả. 

Kết quả xét nghiệm phục vụ công tác điều tra, truy vết, mở rộng xét nghiệm từ ngày 26-5 đến ngày 17-7 đã lấy 1.996.876 mẫu xét nghiệm tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao..., trong đó 1.727.603 mẫu có kết quả, 269.273 mẫu chờ kết quả.

Hiện TP cách ly kiểm dịch 49.314 người, trong đó 11.906 người đang cách ly tập trung, 37.408 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

"Tuân thủ các quy định tại khu vực phong tỏa để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và gia đình. Bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của địa phương. Không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang cho dư luận", HCDC khyến cáo.

(Theo Người Lao Động)

Nhiều địa phương áp dụng hình thức phiếu đi chợ để phòng, chống dịch COVID-19

Từ ngày 18/7,  UBND các phường, xã trên địa bàn TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) đã áp dụng hình thức “phiếu đi chợ”, “phiếu vào chợ mua sắm lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu” trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mỗi địa phương sẽ ban hành mẫu phiếu phù hợp tình hình thực tế địa bàn, đảm bảo kiểm soát chặt người dân lưu thông, mua sắm tại các chợ, hạn chế tối đa lượng người ra ngoài khi không cần thiết.

Phiếu được phân chia  theo địa điểm chợ; theo ngày chẵn (thứ hai, thứ tư, thứ sáu), ngày lẻ (thứ ba, thứ năm, thứ bảy), riêng ngày chủ nhật có thể tạm ngưng hoạt động để khử khuẩn toàn bộ chợ.

COVID-19 18/7: Lịch trình dày đặc của 3 ca dương tính, liên tục đi qua các tỉnh miền Trung - 2

Phiếu chỉ sử dụng cho 1 người/hộ gia đình, có ô dành cho lực lượng quản lý đánh dấu kiểm soát… Đồng thời, triển khai quét mã QR Code, cho người dân khai báo y tế khi vào chợ.

Tại TP.Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) cũng áp dụng hình thức này. Cụ thể, trong thời gian 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mỗi hộ dân sẽ được phát bốn phiếu để vào chợ, trong một tuần người dân có thể đi chợ hai lần luân phiên theo các ngày chẵn hoặc lẻ.

Tương tự, từ ngày 16/7, TP. Tuy Hòa (Phú Yên) cũng áp dụng việc đi chợ bằng phiếu trong thời gian giãn cách xã hội.

Chợ Phường 7 là chợ đầu tiên ở TP. Tuy Hòa áp dụng hình thức đi chợ bằng phiếu. Chợ này được mở bán để phục vụ nhu cầu mua lương thực, thực phẩm của người dân 4 phường (5, 6, 7, 9). Mỗi hộ sẽ được phát 5 thẻ vào chợ trong 15 ngày. Theo đó, cứ 3 ngày người dân đi chợ 1 lần luân phiên theo ngày chẵn, lẻ.

Các tiểu thương chỉ được bán hàng trong chợ khi đảm bảo đủ các yêu cầu kinh doanh và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Người dân khi đến chợ phải đo nhiệt độ, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Bên trong chợ, người mua và người bán giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Cả tiểu thương và người đi chợ đều đồng tình với cách tổ chức đi chợ bằng hình thức này.

Trong điều kiện phòng, chống dịch cấp bách do chủng virus mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường... với tinh thần vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng  Phạm Minh Chính  kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường; chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện chỉ thị 16, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K.

Thủ tướng nhấn mạnh: việc thực hiện chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - trực tiếp chỉ đạo thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, thay mặt Thủ tướng giải quyết các vấn đề cấp bách, phát sinh mới theo thẩm quyền. Các phó thủ tướng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo và phân công của Thủ tướng trong công tác phòng, chống dịch.

(Theo Người Đưa Tin)

Huế tìm người liên quan đến ca mắc COVID-19 trở về từ TP HCM bằng tàu hỏa

Sáng 18-7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế đã công bố lịch trình và tìm người liên quan đến ca bệnh có mã BN51019 là anh H.D.K. (SN 1994; ngụ thôn Sơn Tùng, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Anh K. là thợ nhôm kính tại TP HCM và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào tối 17-7 khi đang thực hiện cách ly tập trung tại Huế.

Cụ thể, từ ngày 30-6 đến ngày 4-7, anh K. sinh sống nhà trọ tại huyện Nhà Bè, TP HCM; đi làm ở quận 4, TP HCM.

Thông báo tìm người liên quan đến BN 51.019.

Thông báo tìm người liên quan đến BN 51.019.

Từ ngày 5-7 đến ngày 9-7, anh K. ở nhà trọ tại TP HCM và trở lại làm việc tại chung cư Vĩnh Hội. Ngày 10-7, được làm test nhanh COVID-19 tại TP HCM, cho kết quả âm tính. Ngày 11-7, anh K. ở nhà trọ, không tiếp xúc với ai, không đi ra khỏi nhà trọ. Ngày 12-7: Lúc 6 giờ 30 phút, anh K. đi xe ôm rời nhà trọ tới ga tàu lửa ở Đồng Nai, lên tàu SE8 và ngồi ở ghế số 2, toa 3 để về Huế. Ngày 13-7, anh K. đến ga Huế vào lúc 4-5h sáng và được xe Trung tâm Y tế TP Huế chở về khu cách ly T3 cách ly tập trung.

Như vậy, đến nay tỉnh Thừa Thiên – Huế có 6 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đang được điều trị, trong đó có 5 ca cùng ở xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc.

Liên quan đến việc đón người Huế từ TP HCM có nhu cầu trở về, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết đến nay, tỉnh này đã nhận được số lượng lớn đăng ký của người dân thông qua hệ thống trực tuyến hoặc Hội đồng hương Thừa Thiên – Huế tại TP HCM. Sở này đang rà soát và kiểm duyệt cho đợt trở về đầu tiên bằng tàu hỏa dự kiến triển khai từ ngày 20-7 đến 25-7 đảm bảo đúng đối tượng ưu tiên.

(Theo Người Lao Động)

Dừng toàn bộ đường bay nội địa tới các tỉnh phía Nam

Cục Hàng không Việt Nam có công văn hỏa tốc yêu cầu các hãng hàng không trong nước dừng tất cả các chuyến bay đi, đến các cảng hàng không thuộc các tỉnh thành phía Nam áp dụng giãn cách xã hội kể từ 19/7.

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương để thực hiện mục tiêu kép và yêu cầu của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không dừng tất cả các chuyến bay đi, đến các cảng hàng không thuộc các tỉnh thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16.

Theo đó, các chuyến bay đến Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cà Mau, Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) dừng bay từ 0h ngày 19/7.

Một số chuyến bay được khai thác ở tần suất tối thiểu như đường bay Phú Quốc - Hà Nội 1 chuyến/ngày, giao Vietnam Airlines khai thác; riêng ngày 19/7, Vietnam Airlines không có kế hoạch, giao Bamboo Airways khai thác. Đường bay Cần Thơ - Hà Nội, 1 chuyến/ngày, do Vietnam Airlines khai thác; riêng ngày 19/7, Vietnam Airlines không có kế hoạch, giao Bamboo Airways khai thác.

Đường bay TP.HCM - Hà Nội, các hãng tổ chức khai thác với tần suất và tải cung ứng như nêu tại văn bản số 2973/CHK-VTHK ngày 8/7.

Đường bay TP.HCM - Đà Nẵng/Quy Nhơn/Cam Ranh/Buôn Ma Thuột, các hãng tổ chức khai thác với tần suất và tải cung ứng như văn bản 2973 của Cục Hàng không ngày 8/7.

Với các chuyến bay chở hàng, các hãng được phép bay không hạn chế.

Ngoài ra, theo Cục Hàng không, với các chuyến bay ngoài kế hoạch trên, các chuyến bay phục vụ mục đích y tế sẽ được xme xét trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố liên quan.

Tất cả hành khách trên các chuyến bay nội địa nêu tại điểm 2 bắt buộc phải có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong phòng, chống dịch COVID-19 của ngành giao thông vận tải và các quy định cập nhật khác về phòng chống COVID-19.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Hà Nội tạm dừng xe khách đến 37 tỉnh, thành phố

Ngày 18/7 Sở GTVT Hà Nội đã ban hành văn bản về việc tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng từ các tỉnh/TP.Hà Nội và ngược lại.

Theo đó, kể từ ngày 18/7, tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ (bao gồm: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch và xe tuyến cố định) từ Hà Nội đến 37 tỉnh/thành phố và ngược lại.

Các địa phương gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam và 33 tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế trở vào phía Nam (trừ xe hợp đồng chở chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, người lao động của các cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất).

Sở GTVT Hà Nội chỉ cho phép hoạt động trở lại nếu sau 14 ngày liên tiếp, các địa phương nêu trên không ghi nhận ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng (theo công bố của Bộ Y tế) hoặc đến khi có thông báo mới.

(Theo Dân Việt)

KHẨN: Những ai đến 5 địa điểm sau tại Hải Phòng nhanh chóng khai báo y tế

Như đã đưa tin, tối qua Bộ Y tế đã công bố 3 ca mắc tại TP. Hải Phòng trở thành bệnh nhân COVID-19 được đánh mã số: 46377, 46378, 46379. Đây là những bệnh nhân có tiền sử di chuyển qua nhiều tỉnh, thành phố trước khi về  Hải Phòng và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào 17/7. Hiện tại các ca bệnh đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp.

Liên quan 3 ca bệnh nói trên, Sở Y tế TP. Hải Phòng vừa ban hành Thông báo khẩn đề nghị người dân đến 5 địa điểm sau chủ động khai báo y tế với Trạm Y tế nơi cư trú, lưu trú để được hướng dẫn, hoặc liên hệ qua số điện thoại đường dây nóng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hải Phòng: 0225.3603.686 để được tư vấn, hỗ trợ.

Cụ thể:

1. Hành khách đi xe khách Ngọc Tín từ Hà Tĩnh về Hải Phòng (điểm cuối khu vực Bến xe Cầu Rào) ngày 12/7/2021;

2. Quán cơm tám đối diện cổng Cảng Đình Vũ; thời gian 12h - 13h ngày 16/7;

3. Chợ Xâm Bồ - phường Nam Hải; trong khoảng thời gian 14h30 -17h, ngày 16/7;

4. Nhà nghỉ Ngọc Sơn, số 101 Hạ Đoạn 2, phường Đông Hải 2, từ 18h-19h ngày 16/7;

5. Nhà nghỉ Sơn Ca, số 58 Hạ Đoạn 2, phường Đằng Hải, từ 18h - 20h ngày 16/7.

Cũng trong chiều tối qua, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu bắt buộc các phương tiện vận tải hàng hóa phải dán logo theo quy định như sau: Nhóm nguy cơ cao các phương tiện đi từ TP. Vinh trở vào các tỉnh phía Nam về thành phố (logo màu đỏ); Nhóm nguy cơ từ TP. Thanh Hóa trở ra các tỉnh phía Bắc về thành phố (logo màu vàng); Nhóm nguy cơ thấp các phương tiện chỉ hoạt động trong địa bàn thành phố (logo màu xanh).

Đối với các chốt cửa ngõ thành phố: Các phương tiện thuộc Nhóm nguy cơ cao sẽ dừng để kiểm tra kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, test nhanh/RT-PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày từ thời điểm xét nghiệm), thực hiện khai báo y tế, làm xét nghiệm test nhanh đối với các trường hợp chưa làm xét nghiệm. Dán bổ sung logo màu đỏ, màu vàng cho các phương tiện vận tải hàng hóa về thành phố theo quy định. Không thực hiện dừng để kiểm tra đối với các phương tiện dán logo màu vàng.

Các kho hàng, bến bãi đỗ xe: Không cho các trường hợp chưa làm xét nghiệm SARS-CoV-2 test nhanh/RT-PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày từ thời điểm xét nghiệm) và phương tiện không gắn logo vào kho hàng, bến bãi. Không thực hiện dừng để kiểm tra đối với các phương tiện dán logo màu xanh và đồng ý hỗ trợ 100 nghìn đồng/1 test nhanh đối với lái xe và phụ xe trên địa bàn thành phố…

Trước đó, vào tối 16/7, trên địa bàn TP. Hải Phòng ghi nhận 3 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, trường hợp sinh năm 1985 và trường hợp sinh năm 1973, có cùng địa chỉ tại Phú Mỹ, Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) đều làm nghề lái xe container. Hai trường hợp nói trên lái xe container từ Bà Rịa -Vũng Tàu ra TP. Hải Phòng vào đêm 15/7.

Đối với trường hợp thứ 3: Sinh năm 1992, địa chỉ tại Kỳ Tân (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) làm công nhân, có đi xe khách Ngọc Tín từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ra bến xe Cầu Rào (TP. Hải Phòng) lúc 4h30 sáng 13/7. Đến tối 16/7, nam công nhân thấy ốm mệt và đến Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng làm xét nghiệm cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Thiết lập cách ly y tế một bản vùng cao ở Nghệ An vì ca nhiễm COVID-19

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 2485/QĐ-UBND, thiết lập vùng cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 đối với bản La Ngan, xã Chiêu Lưu, huyện biến giới Kỳ Sơn.

Ngay sau khi xuất hiện 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở huyện biên giới Kỳ Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An quyết định thiết lập vùng cách ly y tế theo Quyết định số 3968/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch Covid-19" đối với khu vực bản La Ngan, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn.

Ngoài ra, 3 bản gần đó là Tạt Thong, Lưu Hòa, Lưu Thắng phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. 7 bản còn lại của xã Chiêu Lưu là: Xiêng Thù, Lăn, Piêng Cù, Khe Nằn, Hồng Tiến, Lưu Tiến, Khe Tang sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 0h ngày 18/7.

Hai ca nhiễm COVID-19 ở bản La Ngan, xã Chiêu Lưu là trường hợp mẹ chồng và con dâu, là F1 của bệnh nhân ở bản Chăm Puông (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương), được cách ly tập trung từ ngày 16/7.

Tính đến nay, Nghệ An đã có 157 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở 12 địa phương. Số bệnh nhân tái dương tính đã phát hiện: 7, trong đó 01 bệnh nhân đã ra viện; Số bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, ra viện: 52; Số bệnh nhân hiện tại đang điều trị: 102; Số bệnh nhân tử vong: 01.

Trong 12h qua, CDC Nghệ An đã nhận 1.448 mẫu (61 F1, 1.387 mẫu cộng đồng); đã có kết quả xét nghiệm âm tính 923 mẫu (61 F1, 862 cộng đồng). Số mẫu đang chạy xét nghiệm, chờ kết quả là 525 mẫu. 

(Theo Tiền Phong)

TP.HCM có thêm 1 bệnh viện dã chiến 5.000 giường

Sáng 18-7, Sở Y tế TP.HCM cho biết TP có thêm bệnh viện (BV) dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 9 tại khu R4 New City (TP Thủ Đức) với quy mô 5.000 giường.

Trước mắt, 500 giường được đưa vào sử dụng ngay chiều 17-7. Sau đó, tiếp tục bổ sung cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để tăng quy mô đến 5.000 giường trong những ngày tiếp theo.

Theo Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ, điều dưỡng của BV Nhi đồng 2 sẽ được điều động luân phiên đến công tác tại  BV dã chiến nói trên. Thời gian mỗi đợt luân phiên là bốn tuần. Trong thời gian luân phiên, bác sĩ, điều dưỡng sẽ lưu trú hẳn tại BV dã chiến.

Bên cạnh đó, Trung tâm Cấp cứu 115 cũng được huy động và chịu trách nhiệm bố trí các kíp cấp cứu, xe cấp cứu thường trực 24/7 tại BV để kịp thời vận chuyển người bệnh trở nặng đến các BV chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19.

Tới thời điểm hiện tại, ngành y tế TP.HCM đã thiết lập 12 BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 với hơn 34.500  giường.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Bộ Y tế chuẩn bị thế nào khi 19 tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội chống dịch Covid-19?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 16 tỉnh thành phía Nam từ 0 giờ ngày 19-7-2021, thời hạn 14 ngày để chống dịch. Trước đó, 3 tỉnh, thành đang áp dụng Chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19 là TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Trước diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ngành y tế đã đưa ra tất cả các chỉ đạo, kịch bản cho việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú ý việc xét nghiệm để phát hiện sớm các ca bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Hiện Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phải tăng công suất xét nghiệm, thay đổi chiến lược xét nghiệm sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để có thể tầm soát phát hiện những trường hợp lây nhiễm COVID-19 ở cộng đồng để tách ra ngay khỏi cộng đồng nhằm giảm lây nhiễm tại cộng đồng.

Về điều trị được chia làm 3 tầng. Theo đó, với bệnh nhân không có triệu chứng được điều trị tại cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ban đầu, những đòi hỏi về mặt y tế ở mức độ trung bình. Với các bệnh nhân có triệu chứng và có thể tiến triển thành bệnh nhân nặng thì điều trị các cơ sở y tế, các cơ sở này từ bệnh tuyến huyện trở lên. 

Với bệnh nhân nặng, nguy kịch, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các địa phương thành lập đơn nguyên hay trung tâm hồi sức tích cực để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng. Song song với việc đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tại các khu vực hình thành các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch để có thể thực hiện tất cả các biện pháp chuyên môn kỹ thuật điều trị, cấp cứu bệnh nhân.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, thời gian qua Bộ Y tế đã chuẩn bị tích vực về trang thiết bị. Bộ Y tế đã giao bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP HCM có nhiệm vụ cấp phát trang thiết bị, vật tư tiêu hao cũng như các địa phương. Ngoài ra, ngày 17-7, Bộ Y tế cũng đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP HCM và sẽ điều phối 2.000 máy thở chức năng cao cũng như máy thở thông thường cho kho dự trữ này.

Bộ Y tế cũng đang tích cực huy động các nguồn lực, vận động các nhà tài trợ để có thể đảm bảo trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch khu vực này. Đồng thời các địa phương đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và chuẩn bị trang thiết bị y tế trong thời gian qua. 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết một trong những nguyên tắc cơ bản của Chỉ thị 16 là người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố, xã cách ly với xã, cũng như huyện cách ly với huyện. 

"Như vậy, chúng tôi khuyến cáo với người dân là ở tại nhà, chỉ khi thật sự cần thiết mới ra khỏi nhà, hạn chế mọi sự tiếp xúc của mình với người ngoài xã hội, không tụ tập đông người và theo Chỉ thị 16 là không quá 2 người tại các khu ngoài công sở, bệnh viện, trường học" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Đối với các cơ sở như cơ sở y tế hoạt động 100% công suất. Với tất cả các cơ sở chuyển sang trạng thái làm việc online hoặc có biện pháp giãn cách để làm sao đảm bảo tất cả các biện pháp phòng chống dịch.

(Theo Người Lao Động)

Xóm vé số Sài Gòn khắc khoải nhưng đầy tình thân giữa những con người vốn xa lạ
Kiệt quệ vì dịch bệnh, nhiều người bán vé số ở TP. HCM chỉ có thể trông chờ vào khoản tiền hỗ trợ và sự giúp đỡ đến từ cộng đồng.

Chuyện Sài Gòn

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h