Kiệt quệ vì dịch bệnh, nhiều người bán vé số ở TP. HCM chỉ có thể trông chờ vào khoản tiền hỗ trợ và sự giúp đỡ đến từ cộng đồng.
Gian nhà nằm khuất trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1, (TP.HCM) hiện đang là nơi trú thân của hàng chục người mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngô Văn Tiến (57 tuổi, quê Phú Yên) cho biết, ngôi nhà này được ông đứng ra thuê từ ngày 24/5/2010 đến nay đã được 11 năm.
“Tôi làm nghề xe ôm, cũng hay chở các cụ đi bán vé số. Trước kia, tôi có người em kết nghĩa cũng thuê nhà dưới đường Nguyễn Trãi rồi gọi các cụ già cùng quê, cùng chung cảnh nghèo ở chung rất thuận tiện, sẽ giúp đỡ qua lại được. Thấy việc này ý nghĩa nên tôi làm theo. Tuy nhiên, mình chỉ nhận người đồng hương Phú Yên cho dễ gắn bó, tin tưởng nhau hơn. Có thời điểm, căn nhà nhỏ này là nơi trú ngụ của gần 30 mảnh đời”- ông Tiến chia sẻ.
Phía bên ngoài xóm vé số, những chiếc xe lăn, xe đạp... vốn là công cụ mưu sinh được treo lên và khóa gọn gàng.
Từ ngày 9/7 đến nay, TP. HCM thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính Phủ, hoạt động bán vé số được yêu cầu tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng dịch bệnh.
Bà Lương Thị Như Mai (59 tuổi, quê Phú Yên) - cư dân của xóm vé tâm sự: “Dịch bệnh phức tạp, thành phố bắt đầu giãn cách xã hội, hàng quán đóng cửa, người đi đường thưa dần, công việc bán vé số khó khăn hơn, tiền kiếm được cũng giảm dần trong mấy tháng qua. Gần 10 ngày nay thì không được đi bán nữa. Không còn nguồn thu nào khác, chúng tôi đang dần kiệt quệ”.
Nhịp sống lặng lẽ những ngày giãn cách xã hội bên trong nơi trú thân của những người bán vé số xa quê.
Từ ngày TP.HCM tạm dừng hoạt động bán vé số, không còn được ra đường, những người ở “xóm vé số” ai cũng ở nhà. Mỗi người một chân một tay lo công việc ăn uống, dọn dẹp. Trong nhà có một số người ở tuổi trung niên, nên mọi người phân công mỗi người làm một việc giúp đỡ cho các cụ già có bệnh trong người.
Chị Đào Thị Lơ từ vùng quê nghèo Phú Yên vào TP. HCM đi bán vé số và cư ngụ tại ngôi nhà chung với những người đồng hương. Tuy nhiên, do không bán được nhiều nên mọi người khuyên chị ở trông nhà và nấu ăn. Chị Lơ tâm sự: “Dịch khiến nguồn thu nhập không còn nữa, nên bữa cơm hiện nay cũng giản đơn hơn. Một món ăn nấu lên cũng chia đôi để dành cho 2 bữa”.
Bữa ăn những ngày dịch bệnh cũng đơn giản hơn.
Những ngày dịch bệnh, không thể đi ra ngoài, mọi người lại ngồi quây quần lại trong không gian để xem tin tức và nói chuyện. Tuy có mệt mỏi khó khăn, nhưng cuộc sống ở trong căn nhà này vẫn đầy ắp sự ấm áp, thân thương giữa những con người vốn dĩ xa lạ.
“Dân quê vào Sài Gòn mưu sinh cũng chẳng có gì, chỉ có tình đồng hương thôi. Ở đây nghèo tiền bạc nhưng nghĩa tình không nghèo. Tất cả cùng quê hương, cùng cảnh ngộ. Mấy tuần qua, ở quê dịch bệnh cũng căng thẳng, ai ai cũng lo lắng, gọi điện về cho gia đình, xong rồi mọi người tỉ tê, chia sẻ, động viên nhau”- ông Tiến chia sẻ.
Ngày 14/7, cán bộ UBND phường Cầu Kho, quận 1 đến trao tiền hỗ trợ cho những hoàn cảnh sống tại đây. Nhận được số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng mỗi người, ai cũng rưng rưng vui mừng vì đỡ được phần nào những khó khăn trong những ngày sắp tới khi không thể đi bán kiếm tiền.
Chia sẻ với chúng tôi, những người lao động tại đây cho biết với số tiền được hỗ trợ từ nhà nước, họ sẽ tiết kiệm và dùng vào việc mua gạo, thức ăn và lo thuốc thang chữa bệnh.
Nhiều người không giấu được sự xúc động khi nhận được tiền hỗ trợ từ cơ quan chức năng.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Đỗ Thị Lan (72 tuổi, quê Phú Yên) không giấu được niềm vui khi nhận được số tiền hỗ trợ. Bà Lan tâm sự: “Tôi bị đau chân từ lâu lắm rồi, trước đây đi bán kiếm được bao nhiêu tiền tôi đi mua thuốc rồi chữa trị hết từng đó mà vẫn không đỡ chút nào. Nay có tiền hỗ trợ, tôi có thể mua thuốc uống cho đỡ đau”.
Bà Lan không giấu được sự vui mừng khi nhận được tiền hỗ trợ.
Dẫu vui vì có tiền hỗ trợ, nhưng khi tâm sự với chúng tôi, cư dân ở "xóm vé số" tỏ ra lo lắng vì viễn cảnh tương lai. Bởi theo họ, dịch bệnh còn khả năng kéo dài, thành phố sẽ còn giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa. Và như vậy, họ còn phải ở nhà và vẫn phải trông chờ sự giúp đỡ.
"Mấy ngày qua, ngoài nhận được tiền hỗ trợ của chính quyền, chúng tôi còn được các cô chú hảo tâm hỗ trợ suất ăn cùng với lương thực và thực phẩm. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế theo kiểu tới đâu tính tới đó. Ai trong số chúng tôi cũng mong dịch bệnh mau qua nhanh để có thể yên ổn mưu sinh mà không phải làm phiền đến mọi người", bà Lương Thị Như Mai (59 tuổi, quê Phú Yên) - cư dân của xóm vé tâm sự.
Cư dân "xóm vé số" mong sớm kiểm soát được dịch bệnh để có thể yên ổn mưu sinh.