Quảng Nam ghi nhận ca nghi mắc COVID-19, là nhân viên bảo trì của một Cty viễn thông tại TP. Hội An. Bệnh nhân có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người.
Lịch trình dày đặc của nam thanh niên dương tính, tiếp xúc với nhiều người
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương vừa ghi nhận một ca nghi nhiễm COVID-19 trên địa bàn.
Đó là anh Trương Thái B. (SN 1996, quê ở thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước; lưu trú tại 14 Nguyễn Văn Trỗi - Tân Lập, phường Tân An, TP Hội An); là nhân viên bảo trì tại một công ty viễn thông (540 Hai Bà Trưng - TP Hội An).
Thông tin dịch tễ của BN: Đi làm bảo trì tại các hộ gia đình, thỉnh thoảng đến 540 Hai Bà Trưng để nhận vật tư, tiếp xúc với nhân viên cùng công ty.
BN ăn cơm tại quán cơm Phú Quý gần bến xe Lê Hồng Phong (chủ bán mang khẩu trang), buổi tối thường ăn tại quán bún Xuân Thu (đường Hùng Vương, phường Cẩm Phô).
Ngày 9/7/2021, BN làm việc tại 540 Hai Bà Trưng - Hội An. 18h tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Thúy Vi (ở tại 89/3 Thanh Sơn, Thanh Bình, Hải Châu, Đà Nẵng). Đến 8h sáng ngày 10/7/2021, Thúy Vi rời về quê ở tổ 3, Dân Phố, Đồng Tràm, thị trấn Hương An, Quế Sơn.
Ngày 11/7/2021, sáng BN chụp ảnh đám hỏi cho người tên Trang tại xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam, không bịt khẩu trang; 7h30 tiếp xúc với với chủ King studio (đường Bạch Đằng, phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ). Buổi chiều chụp ngoại cảnh cho Vi Thảo - Tam Kỳ. Sau đó về nhà ba mẹ tại Tiên Tráng - Tiên Hà - Tiên Phước). Buổi tối trở lại phòng trọ ở Hội An.
Ngày 12/7/2021, BN đi làm tại công ty có tiếp xúc với khách hàng khi đến nhà bảo trì. Ngày 13/7/2021, buổi sáng ăn sáng tại quán ốp-la cô Xí - Hạnh ở đường Nguyễn Công Trứ, Tân An. Sau đó đến công ty đi làm. Buổi tối có ăn bún tại quán bún Xuân Thu gần bến xe Hùng Vương, Cẩm Phô.
Ngày 14/7/2021, buổi sáng uống cà phê quán chị Hạnh (9 Trần Văn Dư, Tân An). Sau đó ăn bún riêu ở đường Lê Văn Hưu, Tân An. Buổi chiều về thôn Tiên Tráng - Xã Tiên Hà - huyện Tuyên Phước, tiếp xúc ba mẹ.
Ngày 15/7/2021, chụp ảnh cưới cho anh Nguyễn Tấn Linh ở thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, khi chụp ảnh không bịt khẩu trang. Xong đám cưới nhậu cùng anh Linh. 13h30 về lại nhà ba mẹ không đi đâu. 18h bắt đầu mệt, rát cổ, sốt.
Ngày 16/7/2021, 6h30 BN sáng chạy xe máy đi từ nhà ra lại chỗ trọ, có tiếp xúc với ông Nguyễn Ngọc Tiến (chủ nhà trọ) lấy chìa khóa, (8h bắt đầu đi bảo trì mạng hộ nhà dân chưa có thông tin cụ thể), 9h30 về lại phòng trọ sau đó đi xuống Bệnh viện Hội An khám bệnh tại phòng khám số 3 (lý do là bệnh đau dạ dày) sau đó về lại phòng trọ lúc 10h30. Chiều 18h, bạn gái có đem thuốc mua tại tiệm thuốc và cháo để ngoài cổng anh B. tự xuống lấy. Ngày 17/7/2021, ở tại phòng trọ (14 Nguyễn Văn Trỗi – Hội An)
Sáng 18/7/2021, ở tại phòng trọ, sau đó rút tiền ATM Vietcombank (ngã 3 Trần Cao Vân - Hai Bà Trưng) rồi vào Bệnh viện Thái Bình Dương khám. Test nhanh tại Bệnh viện Thái Bình Dương Hội An kết quả dương tính. Sau đó mẫu xét nghiệm được gửi đến CDC Quảng Nam và cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2
Hiện tại bệnh nhân mệt mỏi, không sốt, không ho.
Hiện ngành y tế đưa BV đến điều trị tại Phòng khám đa khoa KCN Điện Nam – Điện Ngọc; đồng thời tổ chức điều tra truy vết F1 và F2 liên quan đến BN…
Hà Nội khẩn tìm người đến nhà thuốc Đức Tâm ở Láng Hạ - nơi có 3 nhân viên dương tính SARS-CoV-2
Tối 19/7, Sở Y tế Hà Nội phát đi thông báo tìm người trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đến: Nhà thuốc Đức Tâm, số 95 Láng Hạ, quận Đống Đa, từ ngày 5 đến ngày 19/7.
Trước đó, theo Sở Y tế Hà Nội, 3 nhân viên của nhà thuốc này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, ở đây còn có thêm trường hợp nghi ngờ đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định. CDC Hà Nội đang phối hợp với Trung tâm Y tế quận Đống Đa điều tra, truy vết.
Người đã đến nhà thuốc trong thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 02435625581 (Trung tâm Y tế quận Đống Đa), 0969082115 hoặc số 0949396115 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội).
Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 470 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó tính riêng từ ngày 5/7 đến nay là 211 trường hợp.
Trong đó có 5 chùm ca bệnh phát sinh từ ngày 16/7 đến nay liên tục ghi nhận các ca bệnh dương tính với 92 trường hợp mắc cho đến thời điểm này là Nguyễn Khuyến – quận Đống Đa (45), Tân Mai – quận Hoàng Mai (18), Bùi Thị Xuân - quận Hai Bà Trưng (21), B6 Trại Găng (4), liên quan đến tỉnh Bắc Ninh (4).
Cần Thơ thí điểm cách ly F1 tại nhà từ ngày 20-7
Ngày 19-7, Sở Y tế TP Cần Thơ có công văn hướng dẫn thực hiện thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà gửi Bộ Chỉ huy Quân sự TP, UBND quận, huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.
Theo đó, Sở Y tế hướng dẫn thí điểm triển khai các biện pháp thực hiện các ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F1 trong giai đoạn hiện nay như sau:
Đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), được áp dụng cách ly F1 tại nhà khi đáp ứng các điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về tạm thời cách ly y tế tại nhà với F1 tại công văn 5599. Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, chung cư, nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.
Trường hợp có đông người là F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa nhu khu nhà trọ, ký túc xá, khu dân cư… thì áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung tại chỗ đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thi xem xét giảm bớt mất độ bằng cách chuyển đến các khu cách ly tập trung.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương bố trí, cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu đến trực tiếp các nhà ở/hộ gia đình và thực hiện việc theo dõi, giám sát hàng ngày.
“Lưu ý đối với các trường hợp F1 ở vùng nguy cơ rất cao không đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế để cách ly y tế tại nhà (có ca F0 tại nhà ở vùng lõi của ổ dịch như khu nhà trọ, khu dân cư chật chội, ký túc xá…) thì chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm RT-PCT ngày 7, nếu kết quả xét nghiệm âm tính xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú. Giao y tế địa phương theo dõi như trường hợp F1 cách ly tại nhà nêu trên” – công văn nêu.
Đối với khu vực nguy cơ cao thì áp dụng cách ly F1 tại nhà khi đáp ứng các điều kiện của Bộ Y tế tại công văn nêu trên. Trường hợp có F0 tại nhà/gia đình thì phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà được xác định là F1 thì có thể xem xét cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thanh viên.
Đối với khu vực khác (gồm khu vực còn lại có nguy cơ thấp hơn) thì dụng cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn nêu trên. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà được xác định F1 thì có thể xem xét cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi người.
Theo Sở Y tế, y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với các trường hợp F1 cách ly tại nhà; Tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp xuất hiện triệu chứng thì khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị.
Trường hợp F1 theo dõi tại nhà và thực hiện xét nghiệm RT-PCR theo quy định như cách ly tập trung. Sau khi F1 hoàn thành cách ly tại nhà, tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo theo quy định.
Thời gian thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà được áp dụng từ ngày 20-7-2021 và chỉ thực hiện cách ly tại nhà sau khi UBND cấp xã đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định của Bộ Y tế. Các trường hợp đã được cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung tiếp tục hoàn thành cách ly theo quyết định cách ly của Ban chỉ đạo các cấp.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Điều kiện mới để F0 không triệu chứng ở TP.HCM xuất viện sau 10 ngày
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản triển khai việc điều chỉnh thời gian xét nghiệm đối với các trường hợp F0 không triệu chứng đang được cách ly điều trị tại các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19.
Điều chỉnh này dựa trên đề xuất của Bộ phận thường thường trực đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 18-7, mục đích nhằm đáp ứng nhanh công tác phòng, chống dịch bệnh, tiết kiệm thời gian, giảm tải cho các phòng xét nghiệm trên địa bàn.
Theo đó, Sở Y tế hướng dẫn đối với F0 không có triệu chứng đang điều trị cách ly tại các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19, thực hiện xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 8. Nếu kết quả là âm tính, hoặc dương tính với giá trị CT lớn hơn hoặc bằng 30 (tải lượng virus thấp hoặc không có khả năng lây lan), tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 10. Nếu kết quả test nhanh ngày thứ 10 âm tính, cho bệnh nhân xuất viện và cách ly theo dõi tại nhà.
Ngoài ra, Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM cũng đề nghị TP không xét nghiệm RT-PCR từng mẫu đơn để sàng lọc đối với F1 tại cộng đồng.
Tại vùng nguy cơ rất cao và vùng nguy cơ cao: Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu bằng test nhanh theo hộ gia đình. Nếu kết quả dương tính, phải tiến hành giải gộp ngay bằng test nhanh.
Những mẫu đơn test nhanh dương tính sẽ được xét nghiệm khẳng định lại bằng phương pháp RT-PCR. Lặp lại test nhanh sau 72 giờ và thực hiện tối thiểu 3 lần. Riêng lần thứ 3, thực hiện mẫu gộp nhiều hộ gia đình.
Đối với vùng nguy cơ: Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu bằng test nhanh đối với từng hộ gia đình, tương tự như vùng nguy cơ cao, trong lần thứ nhất. Các hộ sẽ được xét nghiệm lần 2 bằng phương pháp RT-PCR gộp 10 mẫu sau 5 ngày.
Tiến hành xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10 đại diện hộ gia đình với trường hợp giám sát COVID-19 trong cộng đồng bình thường mới.
Các mẫu đơn cần xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT-PCR gửi mẫu đến các phòng thí nghiệm có chứng nhận xét nghiệm khẳng định theo sự điều phối của Trung tâm điều phối xét nghiệm TP.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Quảng Ninh khuyến cáo người dân chỉ ra khỏi nhà khi thưc sự cần thiết
Theo đó, từ 0h00’ ngày 20/7, tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân nếu không có công việc thực sự cần thiết không nên ra khỏi nhà, nếu ra ngoài phải tuân thủ nghiêm quy định 5K. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến cáo nhân dân không nên đi tới các vùng có dịch, người dân đang ở các vùng có dịch, đặc biệt ở Hà Nội không nên về tỉnh trong thời điểm này. Nếu về, phải chủ động khai báo khách quan, trung thực tới chính quyền cấp xã để nhận được thông tin hướng dẫn, hỗ trợ y tế kịp thời.
Tỉnh cũng yêu cầu chính quyền cấp xã phải kiểm soát, nắm bắt chặt chẽ dân cư trên địa bàn; siết chặt quản lý cư trú, tạm trú, tạm vắng; đặc biệt lưu ý các trường hợp có liên quan tới vùng dịch, tuyệt đối không để bị động bất ngờ.
Đối với kiểm soát hoạt động ở nơi công cộng, thường trực tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất giao các địa phương căn cứ diễn biến tình hình thực tế trên địa bàn, chủ động xem xét hạn chế một số hoạt động có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng cao như: hàng quán vỉa hè, bãi tắm công cộng...
Trước đó tỉnh Quảng Ninh yêu cầu từ 00h00 ngày 18/7/2021, người về Quảng Ninh, người Quảng Ninh khi quay về tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime - PCR, hạn không quá 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu. Đối với trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Bình Thuận giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 20/7
Ngày 19/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương, sở, ngành liên quan đến công tác triển khai phòng chống dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, tính đến ngày 19/7, trên địa bàn ghi nhận 96 trường hợp mắc COVID-19. Trong sáng 19/7, Bình Thuận ghi nhận thêm 17 trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Lực lượng chức năng đã tiến hành truy vết, xác định được 2.027 trường hợp F1 và 5.860 trường hợp F2.
Hiện nay, Bình Thuận đang tiến hành cách ly tập trung 1.204 trường hợp, 15.422 trường hợp đang cách ly tại nhà. Những địa điểm có liên quan đến các ca nhiễm đều được phun khử khuẩn và phong tỏa theo quy định.
“Nguy cơ lây nhiễm dịch ra cộng đồng lớn nhất hiện nay là từ những người ở các tỉnh có dịch về Bình Thuận và từ những tài xế xe vận tải”, đại diện Sở Y tế Bình Thuận nói và đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận áp dụng thực hiện cách ly tập trung đối với tất cả người về từ địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 vào địa phương để phòng chống dịch được hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong lưu ý, từ 0h ngày 19/7, 19 tỉnh khu vực phía Nam sẽ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong 14 ngày. Vì vậy, Bình Thuận cần tận dụng khoảng thời gian này để thực hiện nhanh, mạnh và có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
“Bắt đầu từ 0h ngày 20/7, thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong 14 ngày. Riêng thị xã La Gi vẫn tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, ông Phong nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị các địa phương phải tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn. Với những công ty kinh doanh vận tải thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Giao thông Vận tải phải bố trí chỗ ở riêng biệt cho tài xế, phụ xe. Sau khi đi về tài xế, phụ xe sẽ ăn, ở, sinh hoạt tại khu vực này không được về nhà, đến khu dân cư.
Với những người thực hiện việc giao hàng thì phải có xét nghiệm âm tính trong thời gian 72h mới được đi giao hàng. Rà soát lại các chợ truyền thống và phải đảm bảo được việc phòng chống dịch.
Người về từ các tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 thì tiến hành cách ly tập trung, những trường hợp đang được cách ly tại nhà thì tiến hành dán bảng thông báo, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ theo quy định.
Các chốt kiểm dịch tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào tỉnh. Tiếp tục tăng cường quản lý giám sát xử phạt những trường hợp làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Với những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, tiến hành xử lý hình sự theo quy định.
(Theo Tiền Phong)
Hà Nội liên tiếp phát hiện hàng chục ca dương tính SARS-CoV-2, nguy cơ dịch ở mức nào?
Trong hai ngày 18 và 19/7, Hà Nội phát hiện gần 80 ca dương tính SARS-CoV-2. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội đã có những nhận định về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 18/7, Hà Nội ghi nhận 37 ca dương tính SARS-CoV-2. Ngày 19/7 (đến 17h), thành phố ghi nhận 41 ca dương tính SARS-CoV-2.
Đặc biệt, 5 chùm ca bệnh từ ngày 16/7 đến nay liên tục ghi nhận các ca bệnh dương tính mới với 92 trường hợp mắc cho đến thời điểm này là Nguyễn Khuyến – Đống Đa (45 ca), Tân Mai – Hoàng Mai (18 ca), Bùi Thị Xuân - Hai Bà Trưng (21 ca), B6 Trại Găng (4 ca), liên quan đến Bắc Ninh (4 ca).
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 19/7, đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn đang được kiểm soát.
"Các ca mắc mới thuộc các chùm ca bệnh đều được điều tra, truy vết triệt để", vị này nói, đồng thời cho biết, về cơ bản, nguồn gốc lây nhiễm các chùm ca bệnh cũng đã được điều tra, xử lý.
Thêm một thông tin nữa, theo vị này, Hà Nội đang kiểm soát tốt tình hình qua việc hơn 10.000 mẫu xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao trên địa bàn đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Những trường hợp này gồm công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh); người làm dịch vụ vận tải, lái xe, phụ xe đường dài, nhân viên bán vé, người làm việc thường xuyên tại một số bến xe lớn của thành phố hoặc lái tàu, nhân viên phục vụ, kiểm soát trên tàu hoặc tại nhà ga; tiểu thương, người thường xuyên làm việc tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh; người làm dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp; công nhân vệ sinh tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Như vậy, theo vị này, có thể sơ bộ nhận định nguồn gốc các ca mắc trên địa bàn thành phố đều là xâm nhập từ bên ngoài, không phải ca nội địa của thành phố. "Việc phát sinh các chùm ca bệnh theo dạng "lốm đốm" là một yếu tố giúp việc phòng chống dịch tốt hơn, chứ nếu bùng phát dạng rộng hơn thì rất khó để phòng chống", vị này nhận định.
Cũng theo vị này, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch đang được triển khai của thành phố. Hiện, Hà Nội cũng đang triển khai kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp ho, sốt trên địa bàn, không cần yếu tố dịch tễ để phát hiện nguy cơ trong cộng đồng.
(Theo Tiền Phong)
40 chợ truyền thống tại TP.HCM còn hoạt động là những chợ nào?
Sở Công Thương TP.HCM cho biết, tính đến nay TP.HCM có 197/237 chợ truyền thống tạm ngừng hoạt động, trong đó có ba chợ đầu mối. Như vậy hiện chỉ còn 40/237 chợ truyền thống đang hoạt động. Trong đó có 9 quận tại TP.HCM không còn chợ nào hoạt động là quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và 2 huyện Hóc Môn, Nhà Bè trong khi các quận, huyện đều có chợ hoạt động.
Cũng theo Sở Công Thương, hiện TP đã có chủ trương mở cửa lại chợ truyền thống để đảm bảo cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân.
Theo đó, các chợ đang tạm ngưng hoạt động chỉ được mở khi đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch bệnh là yêu cầu có tính bắt buộc; có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K.
Đồng thời tổ chức mua bán tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua, khuyến khích bán đồng giá các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Nếu không gian chợ chưa đảm bảo thì có thể sử dụng các mặt bằng phù hợp để tiểu thương và người dân họp chợ an toàn...
Việc tạm dừng hoạt động hoặc mở lại do UBND quận, huyện căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế quyết định.
Hiện nay các quận, huyện đã tổ chức mở cửa hoạt động trở lại ba chợ Phú Thọ (quận 11), chợ An Đông (quận 5) và chợ Kiến Thành (quận Bình Tân).
Bên cạnh đó, các quận, huyện đang xây dựng phương án và sẽ sớm tiếp tục tổ chức mở lại thêm nhiều chợ trên địa bàn. Đối với các chợ khác khi đủ điều kiện, các quận huyện và TP Thủ Đức sẽ công bố thông tin cho người dân.
Đối với chợ được tổ chức hoạt động với mô hình điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả, theo Sở Công Thương hiện có chợ Phú Thọ mở ngày 16-7 với sáu tiểu thương kinh doanh chủ yếu là mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống.
Ngoài ra, dự kiến trong tuần này ngay khi có kết quả xét nghiệm của tiểu thương và phương án tổ chức hoạt động chợ được duyệt thì sẽ có 12 chợ ở các quận Bình Tân, quận 5, 6, 8, 10, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè sẽ mở các điểm bán mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả.
"Sở Công Thương đã có hướng dẫn giải pháp thí điểm về sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để đặt lịch và quản lý khách đi chợ, các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch như thực hiện 5K, phân luồng, bán hàng đồng giá, dựng vách ngăn...đảm bảo cho người dân đến mua sắm", Sở Công thương cho hay.
40 chợ truyền thống đang hoạt động tại TP.HCM
1. Chợ Cát Lái, đường Nguyễn Thị Định, Khu phố 3, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức.
2. Chợ Bình Trưng, đường Nguyễn Duy Trinh, Khu phố 1, phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức.
3. Chợ Thạnh Mỹ Lợi, đường Phạm Nhật Duật, dự án 143, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức.
4. Chợ Phú Hữu, đường Nguyễn Duy Trinh, Khu phố Tân Điền B, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức.
5. Chợ An Bình, đường Đoàn Hữu Trưng, Khu phố 4, phường An Phú, TP Thủ Đức.
6. Chợ Linh Xuân, 61 Quốc lộ 1A, khu phố 2, phường Linh xuân, TP Thủ Đức.
7. Chợ Tam Hải, 249 Gò Dưa, khu phố 2, phường Tam Bình, TP Thủ Đức.
8. Chợ Bình Phước, Khu phố 3, Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức.
9. Chợ Hiệp Bình Chánh, đường số 3, khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức.
10. Chợ An Đông, 96 Hùng Vương, quận 5
11. Chợ Nguyễn Tri Phương, 68 Nguyễn Lâm, quận 10.
12. Chợ Phú Thọ, 124 Lãnh Binh Thăng, quận 11.
13. Chợ Bình Thới, 152 Lạc Long Quận, quận 11.
14. Chợ Ba Bầu, Tô Ký, khu phố 3, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12
15. Chợ An Phú Đông, Lô 38, tờ bản đồ số 5, khu phố 1, phường An Phú Đông, quận 12.
16. Chợ Ngã tư Ga, Ngã tư Ga khu phố, phường Thạnh Lộc, quận 12.
17. Chợ Kiến Thành, đường số 19, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.
18. Chợ Bà Chiểu, 40 Diên Hồng, quận Bình Thạnh.
19. Chợ Văn Thánh (mới) 152/17 đường D1, quận Bình Thạnh.
20. Chợ An Hội, 1048 Quang Trung, quận Gò Vấp.
21. Chợ Hạnh Thông Tây, 10/2 Quang Trung, quận Gò Vấp.
22. Chợ Bình Chánh, 20 A Quốc lộ 1 A, ấp 4, huyện Bình Chánh.
23. Chợ Đệm, A 13/2 hương lộ 8, Khu phố 1, xã Tân Túc, huyện Bình Chánh.
24. Chợ Tân Nhựt, Ấp 6 (cống kênh C) xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.
25/ Chợ Thuận Đạt, Ấp 6, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh.
26. Chợ Tam Thôn Hiệp, Ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ.
27. Chợ Đồng Hòa, Ấp Đồng Hòa, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ.
28. Chợ Long Thạnh, Ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ.
29. Chợ An Thới Đông, Ấp An Đông (Tổ 3 Ấp An Bình), xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ.
30. Chợ Bình Khánh, Rừng Sác (Ấp Bình Thuận), xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ
31/ Chợ Cần Giờ, Duyên Hải, khu phố Hưng Thạnh, xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ
32. Chợ Hòa Hiệp, Ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ
33. Chợ Lý Nhơn, Ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ.
34. Chợ Lô 6, Ấp Lô 6, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi.
35. Chợ Phạm Văn Cội, Ấp 3, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi.
36. Chợ Trung An, Ấp Chợ, xã Trung An, huyện Củ Chi.
37. Chợ Trung Lập Hạ, Ấp Xóm Mới, Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi.
38. Chợ Trung Lập Thượng, Ấp Trung Hiệp Thạnh, Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi.
39. Chợ Phú Hòa Đông, Tỉnh lộ 15, ấp Chợ, Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi.
40. Chợ Củ Chi, Quốc lộ 22, khu phố 5, Thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Thông tin mới nhất vụ việc Phó Chủ tịch UBND phường cho giữ xe người đi mua bánh mì vì "không phải thực phẩm thiết yếu"
Ngày hôm nay (19/7), trên một số diễn đàn chia sẻ đoạn clip quay lại hình ảnh đoàn kiểm tra liên ngành tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) xử phạt một thanh niên ra đường trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, tại chốt kiểm trên địa bàn TP Khánh Hòa, một nam thanh niên trong quá trình di chuyển qua tại chốt thì bị lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dừng xe kiểm tra. Tại thời điểm nói trên, thanh niên này có xuất trình "giấy xác nhận yêu cầu công việc" do công ty ký. Tuy nhiên, trên xe máy lại xuất hiện một ổ bánh mì và chai nước.
Cho rằng thanh niên nói trên đã ra đường nhưng không có nhu cầu thiết yếu, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ phương tiện xe máy. Đoạn clip ngay sau khi đăng tải đã thu hút sự quan tâm của dư luận và gây ra không ít tranh luận trái chiều.
Nhiều ý kiến cho rằng chiếc bánh mì là đồ ăn, là lương thực thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu nên không bị cấm. Bên cạnh đó, nam thanh niên cũng đã giải thích là bạn bị sốt ở nhà nên phải ra đường để mua đồ cho bạn. Trong tình huống cụ thể đó, việc giải thích, tuyên truyền từ phía cơ quan chức năng là cần thiết hơn, chứ không phải chỉ có xử phạt hay tạm giữ phương tiện.
Ở phía còn lại, không ít người cho rằng việc xử phạt thanh niên này là đúng. Tuy nhiên, cách xử lý của thành viên trong đoàn (như chuyện xưng hô "mày - tao" vừa đề cập ở trên) là chưa phù hợp.
Liên quan đến vụ việc này, trưa nay (19/7) trên báo Tiền phong, bà Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà, TP. Nha Trang, cho biết, vào sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND phường Vĩnh Hòa đã chỉ đạo trả lại xe và giấy tờ cá nhân cho một công dân bị tổ liên ngành của phường thu giữ.
Theo thông tin trên tờ Lao Động, giải thích từ phía UBND TP Nha Trang cho biết, trong thời gian toàn thành phố áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, toàn bộ người dân buộc phải ở trong nhà và chỉ được ra ngoài khi có nhu cầu thiết yếu.
Đối với việc ra ngoài trong trường hợp mua lương thực thực phẩm, trước đó thành phố đã tiến hành cấp thẻ đi chợ 3 ngày/lần để người dân ra ngoài mau sắm lương thực thực phẩm cho phù hợp với gia đình mình.
Nên theo giải thích từ UBND TP Nha Trang, căn cứ vào các quy định nói trên thì việc thanh niên nói trên ra đường mua bánh mì, nước uống là không đúng quy định. Tuy nhiên, một số thành viên trong đoàn liên ngành cũng chưa giải thích rõ cho người vi phạm hiểu và đã có lời lẽ chưa phù hợp.
Một lãnh đạo UBND TP.Nha Trang, sự việc nói trên là bài học trong công tác kiểm tra, tuyên truyền, giải thích đối với việc người dân ra đường trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16.
"UBND TP.Nha Trang đã chấn chỉnh, quán triệt tư tưởng đối với các anh em trong đoàn liên ngành nói trên. Riêng người vi phạm, thành phố cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng trả lại xe máy cho thanh niên trong đoạn clip", báo Lao động dẫn lời lãnh đạo UBND TP.Nha Trang cho biết.
Trước đó, khoảng 15h30 chiều 18/7, anh T.V.E. (công nhân làm việc trong công trường của một dự án du lịch ở phía Bắc TP. Nha Trang), đã đi ra ngoài mua bánh mì và nước uống. Khi đến đường Bùi Thị Ngọc Oanh (thuộc phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang), anh E. bị lực lượng chức năng dừng xe và kiểm tra, xử lý vi phạm ra đường khi không cần thiết theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Trong clip đăng trên mạng xã hội, anh T.V.E. cho biết mình chưa nắm rõ quy định xử lý về việc thực hiện Chỉ thị 16, đang đi mua bánh mì cho một người bạn bị ốm và xuất trình giấy tờ đi lại làm việc tại một dự án du lịch ở phía Bắc TP. Nha Trang. Tuy nhiên, các cán bộ của tổ liên ngành phường Vĩnh Hòa đã thu giữ giấy tờ, đưa xe anh E. về phường xử lý. Một Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà đã quát tháo anh E., bảo rằng bánh mì không phải là “lương thực, thực phẩm thiết yếu” nên việc anh này đi mua là vi phạm quy định chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Thông báo khẩn của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong về điều phối, tiếp nhận F0
Văn phòng UBND TP HCM vừa có thông báo khẩn kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp về giải pháp điều phối ca mắc Covid-19 (F0) đến bệnh viện.
Nhằm kịp điều chuyển các ca F0 để giảm áp lực cho hệ thống y tế quận, huyện, giảm tử vong với các F0 chuyển nặng, nguy kịch, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong giao Trung tâm cấp cứu 115 TP chịu trách nhiệm điều phối việc chuyển F0 không triệu chứng đến bệnh viện dã chiến thu dung điều trị và F0 đang chuyển nặng, nguy kịch đến bệnh viện điều trị Covid-19.
Trung tâm có thẩm quyền yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan phối hợp để thực hiện tốt nhất việc điều phối, vận chuyển F0; vấn đề phát sinh báo cáo Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.
Về nhân sự tham gia công tác điều phối tại Trung tâm cấp cứu 115, Chủ tịch UBND TP HCM giao Thành đoàn và Sở Y tế khẩn trương bàn giao người tham gia đội hình tình nguyện theo yêu cầu của Trung tâm cấp cứu 115 để phân công, huấn luyện, bố trí công tác.
Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Y tế có trách nhiệm phối hợp để nâng cấp hệ thống điều hành Tổng đài 115.
Chủ tịch UBND TP HCM đồng ý cho Trung tâm cấp cứu 115 TP sử dụng màn hình giám sát cỡ lớn của Sở Giáo dục và Đào tạo để phục vụ công tác điều phối, vận chuyển F0.
Lãnh đạo UBND TP HCM cũng giao các đơn vị xây dựng bản đồ các khu cách ly tạm thời ở quận, huyện; các bệnh viện thu dung, điều trị theo mô hình tháp 4 tầng TP với đầy đủ thông tin về tên, địa chỉ, liên lạc của người chịu trách nhiệm.
Đối với phương tiện vận chuyển, Sở Giao thông vận tải được giao làm việc với các doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu vận chuyển F0 bằng xe khách 30 chỗ, 45 chỗ có gắn hệ thống GPS. Trung tâm cấp cứu 115 là đầu mối quản lý, sử dụng.
Sở Y tế và Trung tâm 115 phải huy động toàn bộ nguồn lực xe cứu thương tại cơ sở y tế công lập; vận động cơ sở ngoài công lập hỗ trợ cho điều động sử dụng tạm thời xe cứu thương (gồm cả lái xe).
Công an TP HCM khẩn trương xét duyệt thủ tục cấp biển số xe và Giấy phép sử dụng tín hiệu ưu tiên cho xe cứu thương do Ủy ban MTTQ TP HCM bàn giao cho Trung tâm 115.
UBND TP HCM cũng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp để đảm bảo cơ sở vật chất (sửa chữa, điện, nước...) nhằm tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho F0 tại các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.
"Yêu cầu giám đốc các bệnh viện nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt trong tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nặng, tuyệt đối không được từ chối nếu vẫn còn khả năng tiếp nhận điều trị" - Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Ông giao Sở Y tế thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tiếp nhận điều trị của các bệnh viện; trường hợp tổ chức, cá nhân có vi phạm thì xem xét xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cuộc họp của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong với các đơn vị điều trị Covid-19 diễn ra trong bối cảnh một số địa phương gặp khó khăn trong việc điều chuyển F0 đến bệnh viện.
(Theo Người Lao Động)
Cảnh báo: Tin giả về hình ảnh xác chết do COVID-19 tại TP. HCM
Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam – VAFC, hình ảnh lan truyền được cho là xác chết của bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh là thông tin giả mạo. Tối 18/7, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam - VAFC (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát đi thông tin cảnh báo “Tin giả về hình ảnh xác chết do COVID-19 tại TP. HCM”.
Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, hiện nay, trên mạng xã hội đang tràn lan hình ảnh xác chết ở Indonesia nhưng bị một số tài khoản facebook tung tin đây là hình ảnh xác chết của bệnh nhân COVID-19 tại TP. HCM, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch COVID-19. VAFC khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả trên. Vụ việc sẽ được VAFC chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hà Nội: Rà soát khẩn, xét nghiệm COVID-19 mọi người dân có ho, sốt từ 10/7
Sáng 19/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết vừa có văn bản khẩn gửi các đơn vị hệ y tế dự phòng yêu cầu tiếp tục rà soát, xét nghiệm sàng lọc cho đối tượng nguy cơ tại cộng đồng trên địa bàn thành phố.
Cụ thể là từ nay đến 25/7, rà soát, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 để đánh giá nguy cơ đối với các trường hợp ho, sốt, chưa có nguyên nhân rõ ràng, nghi ngờ mắc COVID-19, không cần yếu tố dịch tễ, thời gian bắt đầu có triệu chứng từ ngày 10/7.
Phương pháp xét nghiệm sử dụng RT-PCR lấy mẫu gộp thực địa, hoặc xét nghiệm test nhanh kháng nguyên.
Sở Y tế cũng yêu cầu rà soát, xác minh người về từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách xã hội chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR gộp mẫu thực địa, hoặc test nhanh kháng nguyên, cách ly tại nhà đủ 14 ngày kể từ ngày về từ tỉnh, thành phố có dịch.
Thực hiện lấy mẫu giám sát với người làm nghề lái xe, phụ xe buýt, bán vé xe buýt trên địa bàn thành phố.
Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hướng dẫn chuyên môn, tổ chức thực hiện và đôn đốc các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã rà soát và lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá nguy cơ, giám sát trọng điểm tại cộng đồng.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Những khu vực bị phong tỏa vì COVID-19 ở Hà Nội
Người từ Hà Nội về Bắc Giang phải tự cách ly 14 ngày
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bắc Giang vừa có văn bản yêu cầu người từ Hà Nội và các tỉnh có dịch đến Bắc Giang phải khai báo y tế, cách ly tại nhà 14 ngày.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bắc Giang yêu cầu các huyện, thành phố tăng cường vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng, tổ chức rà soát, nắm chắc, không bỏ sót trường hợp nào từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố có dịch về địa phương.
BCĐ phòng chống, dịch Bắc Giang yêu cầu tất cả những người từ vùng có dịch về địa phương phải khai báo y tế, cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm (có thu phí) theo quy định. Trường hợp có yếu tố dịch tễ thì thực hiện cách ly tập trung tự trả chi phí 21 ngày.
Tỉnh Bắc Giang yêu cầu người dân trong tỉnh đề nghị người thân ở lại Hà Nội và các tỉnh, thành phố có dịch không tự di chuyển về quê ở thời điểm này.
Cán bộ, công chức, viên chức và người dân nếu không có việc thật sự cần thiết hoặc lý do công việc thì không đi ra ngoài tỉnh để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 và khi về thì phải khai báo y tế, cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định.
Ngoài ra, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu hạn chế các sự kiện, giao lưu, liên hoan, các hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn.
Các phương tiện vận tải hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác vào Bắc Giang chỉ giao hàng tại nơi đã đăng ký, thông báo với chính quyền cơ sở, khai báo y tế bắt buộc các địa điểm di chuyển từ điểm lấy hàng, quá trình di chuyển, các trạm dừng chân, lái xe và người trên xe phải có xét nghiệm âm tích với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR không quá 3 ngày. Lái xe phải khai báo y tế, có cam kết hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp và chỉ dừng đỗ khi giao hàng, tiếp nhiên liệu.
Hải Dương điều chỉnh thời gian cách ly y tế với người về từ vùng dịch
Tỉnh Hải Dương điều chỉnh thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1, người nhập cảnh và người về từ tâm dịch theo quy định của Bộ Y tế tại Công văn số 5599/BYT-MT ngày 14/7/2021 về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19.
Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 03 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14; tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 14 tính từ ngày kết thúc cách ly tập trung.
Thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly, bàn giao và theo dõi, giám sát y tế sau cách ly đảm bảo không để lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.Đối với các trường hợp cách ly tại nhà cũng áp dụng thời gian 14 ngày, lấy mẫu 02 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ bảy.
Đồng thời, tỉnh Hải Dương yêu cầu tổ chức kiểm soát, giám sát chặt chẽ người từ tỉnh ngoài đến Hải Dương học tập, làm việc và người của tỉnh ở nơi khác trở về, đặc biệt là ở các vùng có dịch.
+ Đối với người từ vùng có dịch vào tỉnh và người Hải Dương ở những vùng có dịch trở về phải có đủ một trong hai điều kiện: hoặc tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng COVID-19 (có giấy chứng nhận) hoặc có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 03 ngày gần nhất kể từ ngày trả kết quả (theo giấy xác nhận). Trường hợp không đảm bảo các điều kiện nêu trên thì từ chối tiếp nhận vào tỉnh đối với người tỉnh ngoài và đưa đi cách ly tập trung đối với người cư trú trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
+ Đối với người đến từ vùng không có dịch, không cư trú trên địa bàn tỉnh: nếu không có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 03 ngày gần nhất kể từ ngày trả kết quả thì phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm test nhanh với SARS-CoV-2 và phải tự chi trả kinh phí xét nghiệm.
+ Đối với người cư trú trên địa bàn tỉnh trở về từ vùng không có dịch, thì chỉ cần khai báo y tế, theo dõi theo quy định.
Các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm bố trí đủ lực lượng theo dõi, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 đối với khách từ tỉnh ngoài đến liên hệ công tác mà không có một trong 3 điều kiện: giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 03 ngày gần nhất hoặc tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc kết quả test nhanh âm tính.
Mở sổ theo dõi khách tỉnh ngoài đến liên hệ công tác, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2. Những trường hợp đã có giấy xét nghiệm âm tính thì không phải làm test nhanh SARS-CoV-2. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không tổ chức ăn uống, tiếp khách...
(Theo Tiền Phong)
Số ca nhiễm COVID-19 mới cao kỷ lục, quốc gia ĐNA siết chặt phong tỏa
Thái Lan ngày 18.7 ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục ngày thứ ba liên tiếp, với 11.397 ca nhiễm mới và 101 ca tử vong, theo Reuters.
Tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Thái Lan là 403.386 và 3.341 ca tử vong. Đợt dịch COVID-19 ở Thái Lan được ghi nhận từ tháng 4, do biến chủng Alpha và Delta.
Các chuyến bay nội địa đến và đi từ Bangkok và các tỉnh lân cận sẽ bị tạm ngừng từ ngày 21.7, cơ quan hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT), cho biết.
Chỉ có ngoại lệ là các chuyến bay y tế, máy bay hạ cánh khẩn cấp. Các chuyến bay đến khu vực khác bị giới hạn 50% chỗ ngồi.
Tướng Nattapon Nakpanich, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan, nói nhà chức trách sẽ ban hành các biện pháp hạn chế mới ở các khu vực có nguy cơ cao, bắt đầu từ ngày 20.7.
Siêu thị, ngân hàng, bệnh viện và các trung tâm y tế sẽ vẫn được mở cửa.
Các trung tâm mua sắm sẽ đóng cửa và lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng sẽ được áp dụng từ ngày 20.7 ở các tỉnh Chonburi, Ayutthaya và Chachoengsao, theo Reuters.
Bangkok và 9 tỉnh khác ở Thái Lan đang áp dụng nhiều biện pháp hạn chế để đối phó với làn sóng lây nhiễm lan rộng. Đây là đợt dịch tồi tệ nhất và kéo dài nhất ở Thái Lan kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào năm ngoái.
Cơ quan y tế Thái Lan đang nỗ lực đẩy mạnh việc mua vaccine. Hợp đồng mua 20 triệu liều vaccine Pfizer sẽ được ký ngày 19.7 và hợp đồng mua thêm 50 triệu liều đang được cân nhắc.
Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đề xuất kế hoạch tạm thời ngừng xuất khẩu vaccine AstraZeneca sản xuất nội địa để đối phó với nguồn cung hạn chế.Thái Lan đã bắt đầu sản xuất vaccine AstraZeneca từ tháng 6 và dự kiến xuất khẩu sang các quốc gia khác trong khu vực.
"Đại sư" Indonesia qua đời sau khi tự hít virus SARS-CoV-2 để chứng minh COVID-19 không tồn tại
Theo Thời báo Hoàn Cầu, Muhammad Mashudin, 47 tuổi, đến từ tỉnh Đông Java, Indonesia, là một bác sĩ chuyên khoa trị liệu thần kinh thính giác nổi tiếng ở địa phương với tuyên bố có thể chữa các bệnh câm điếc bằng "phương pháp thần kỳ".
Tuy nhiên, vị "đại sư" này không tin vào sự tồn tại của đại dịch COVID-19 nên không bao giờ đeo khẩu trang hay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thậm chí, ông còn cùng một người bạn đã đến bệnh viện hít khí thở ra từ bệnh nhân COVID-19 để chứng minh quan điểm của mình.
Trong đoạn video được ghi lại, Mashudin không chỉ dùng tay quạt không khí thở ra từ bệnh nhân vào mũi mình, mà còn há miệng cố gắng hít lấy hít để nhằm chứng minh luồng không khí này hay ở ngoài không có sự tồn tại của virus SARS-CoV-2.
Theo truyền thông địa phương, hôm 13/7 vừa qua, Mashudin đã qua đời vì nghi nhiễm COVID-19. Được biết, Mashudin trước đó đã bị sốt và từ chối đến bệnh viện bởi ông tin chắc rằng mình không bị nhiễm COVID-19.
Hiện người bạn của Mashudin đã được chuyển đến điều trị tại bệnh viện trong tình trạng nhiễm COVID-19 nặng.
Indonesia ghi nhận thêm 44.721 ca nhiễm mới và 1.093 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 18/7, nâng tổng số cả nhiễm lên lần lượt là hơn 2,87 triệu và hơn 73.000 ca.
Trước đó, nước này đã trải qua 4 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức trên 50.000. Các chuyên gia y tế gọi Indonesia là 'tâm chấn" mới của đại dịch.
Bất chấp thực tế nghiêm trọng đó, không ít người vẫn cho rằng đại dịch COVID-19 "không tồn tại".
Hôm 12/7, một nữ bác sĩ Indonesia đã bị bắt vì tuyên bố trong một chương trình truyền hình rằng "đại dịch COVID-19 chỉ là sự lừa dối và những người đã chết là do dùng quá nhiều thuốc điều trị bệnh này".
Trên mạng xã hội, nữ bác sĩ này còn bày tỏ nghi ngờ về sự tồn tại của đại dịch COVID-19 và liên tục đưa ra những ý kiến ngớ ngẩn. Cô tin rằng "không tồn tại đại dịch COVID-19" và phản đối đề xuất đeo khẩu trang. Cô cũng khẳng định rằng "SARS-CoV-2 không phải virus và không có khả năng lây nhiễm".
Phát ngôn viên của cục Cảnh sát Quốc gia Indonesia cho biết, nữ bác sĩ đã bị bắt vì "truyền bá thông tin sai sự thật và vi phạm luật về bệnh truyền nhiễm, có thể gây hỗn loạn trật tự công cộng và cản trở cuộc chiến chống dịch COVID-19".
(Theo Dân Việt)