UBND phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội vừa tiến hành cách ly y tế tạm thời một khu dân cư trên phố Giáp Nhị vì có ca COVID-19.
Người bán hàng rau ở phố Giáp Nhị dương tính, Hà Nội cách ly một khu dân cư
Sáng 19/9, UBND phường Thịnh Liệt cho biết, trên địa bàn phường hiện có công dân N.T.H. (SN 1992) ở tại số nhà 9, ngõ 88/38 phố Giáp Nhị; bán hàng rau củ quả tại số nhà 38 ngõ 88 Giáp Nhị (nhà may Hà Anh) đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Một khu cách ly ở Hoàng Mai (Hà Nội).
Vì vậy, UBND phường Thịnh Liệt thực hiện các biện pháp cách ly y tế tạm thời toàn bộ ngõ 88 phố Giáp Nhị (từ đầu ngõ đến ngã tư giao phố Thịnh Liệt) bắt đầu từ 23h ngày 18/9/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Yêu cầu 100% người dân tại khu vực nêu trên thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm; Tuyệt đối không ra, vào khu vực liên quan.
Đề nghị tất cả các công dân đã đến điểm tiêm vaccine tại trường Tiểu học Thịnh Liệt từ 14h đến 17h ngày 11/9/2021 và điểm xét nghiệm COVID-19 tại ngõ 88/1 Giáp Nhị từ 15 đến 18h ngày 14/9/2021 đến Trạm y tế gần nhất để khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Yêu cầu tất cả các trường hợp tiếp xúc với công dân N.T.H. khẩn trương khai báo với Trạm y tế phường qua SĐT 0243.861.1946 hoặc 0984.200.881
Giao Công an phường, Trạm y tế phường, Cấp ủy chi bộ, Ban công tác mặt trận; tổ dân phố 13, 15, 16; các lực lượng chức năng và nhân dân nghiêm túc thực hiện.
(Theo Báo Giao Thông)
TP.HCM đề nghị không áp dụng giá giao hàng giờ cao điểm
Sở Công thương TP.HCM đã có văn bản gửi các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng giao nhận hàng hóa (dịch vụ shipper công nghệ) về giá dịch vụ giao nhận hàng trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 trên địa bàn thành phố.
Trong đó, Sở Công thương TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp áp dụng mức giá dịch vụ giao nhận hàng hóa ngang bằng với mức giá trong khung giờ bình thường trước thời điểm giãn cách xã hội và không áp dụng mức giá giao hàng theo giờ cao điểm. Đồng thời, Sở nhấn mạnh các đơn vị không được phép lợi dụng việc người dân bị hạn chế đi lại để nâng giá giao hàng nhằm trục lợi.
Báo Người lao động cho biết trong điều kiện thu nhập của người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, Sở Công thương TP.HCM mong muốn các doanh nghiệp thể hiện tinh thần chia sẻ, cùng với người dân vượt qua thời gian khó khăn.
Bên cạnh vấn đề về mức giá giao hàng, Sở cũng đã có văn bản về việc tổ chức xét nghiệm cho lực lượng shipper. Cụ thể, các đơn vị liên quan được đề nghị phối hợp tổ chức xét nghiệm cho 34 doanh nghiệp theo 2 đợt: Đợt 1 áp dụng từ ngày 18/9 với 33.354 shippe và đợt 2 từ ngày 19/9 với 92.000 shipper. Tùy theo tình hình đăng ký của các doanh nghiệp, Sở Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách và thông tin cho các đơn vị liên quan.
Tính đến ngày 19/9, TP,HCM đã cho phép shipper được giao hàng liên quận được 4 ngày. Tuy nhiên, nhiều shipper cho biết việc giao hàng liên quận vẫn gặp nhiều khó khăn, đơn hàng bị huỷ liên tiếp. Trong đó, nhiều shipper phản ánh gặp trục trặc liên quan đến danh sách shipper được phê duyệt.
Công an TP.HCM lý giải vì sao 50 trường hợp F0 được cấp giấy đi đường
Những ngày qua thông tin về các trường hợp F0 lưu thông trên đường và bị phát hiện tại các chốt kiểm soát khiến nhiều người quan tâm.
Cụ thể, theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM tính đến ngày 16/9, Công an TP.HCM đã phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo F0 đi qua các chốt, trạm kiểm soát. Công an thành phố đã xác minh có 33 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, còn lại là 102 trường hợp F0.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu, công an TP.HCM
Trong 102 trường hợp F0, có 26 trường hợp cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà. Cũng trong số 102 trường hợp F0, có 50 trường hợp được cấp giấy đi đường, công an thành phố đã thu hồi 10 giấy, thông báo huỷ 40 trường hợp.
Lý giải vì sao có đến 50 trường hợp F0 được cấp giấy đi đường và lưu thông trên đường? Tại buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid - 19 TP.HCM chiều 19/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết phần lớn các trường hợp này đều thuộc diện được cấp giấy đi đường theo đúng quy định, nhưng sau đó họ bị nhiễm Covid.
"Họ không biết mình nhiễm bệnh nên vẫn lưu thông trên đường, chứ không phải họ cố tình vi phạm hoặc đơn vị chức năng cố tình cấp giấy đi đường cho những người đang bị nhiễm Covid-19", Thượng tá Hà nói và cho biết về quy trình cấp giấy đi đường, Công an thành phố cấp về cho các đơn vị chức năng để cấp cho các cá nhân có nhu cầu.
Tất cả các trường hợp qua rà soát, phát hiện là F0 lưu thông trên đường, công an thành phố chỉ đạo rà soát ngay, kiểm tra xác minh làm rõ việc cấp giấy đi đường của các đơn vị có đúng đối tượng hay không. Hoặc có lỗi của những người F0 cố tình vi phạm về giãn cách xã hội, cách ly đối với người bệnh hay không. Tuy nhiên tất cả các trường hợp khi lưu thông đều không biết mình là F0.
Nguyên nhân là có độ trễ về việc cập nhật thông tin xét nghiệm và thông tin cho bệnh nhân biết. Từ khi một người đi xét nghiệm PCR đến khi có kết quả, có danh sách PCR để cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư có thể mất từ 1 đến 3 ngày. Trong thời gian này, những trường hợp F0 họ vẫn lưu thông trên đường, có thể là đi từ điểm xét nghiệm về nhà, hoặc là đi cách ly… khi đi qua các chốt họ vẫn được quét mã QR để kiểm soát.
Đến khi công an rà soát lại danh sách những người lưu thông trên đường thì phát hiện có những người F0 qua các chốt. Vì vậy theo ông Hà, việc cập nhật danh sách F0 càng kịp thời sẽ giúp các lực lượng công an thành phố kiểm tra phát hiện các F0 sớm hơn.
“Nếu phát hiện các F0 đã có lệnh cách ly điều trị tại nhà mà vẫn cố tình lưu thông ra ngoài đường sẽ bị xử lý nghiêm về hành chính. Nếu trường hợp đưa đến nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ xem xét xử lý trách nhiệm hình sự”, ông Hà nói.
(Theo Báo Giao Thông)
Hà Nội: Quận Hai Bà Trưng đề xuất mở lại tất cả hoạt động, dịch vụ từ 1/10
17/18 phường không còn khu vực cách ly, phong toả
Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vừa có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 20, Công điện 20 của Chủ tịch UBND thành phố và phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ngày 21/9/2021.
Theo báo cáo, từ ngày 24/7 đến 17/9, quận ghi nhận 243 trường hợp F0. Từ ngày 4/9 đến 17/9, quận có 39 ca F0, gồm 22 ca cộng đồng, 17 ca tại khu cách ly.
Đến nay, trên 98% người dân trong độ tuổi quy định trên địa bàn quận được tiêm chủng mũi 1 vắc xin COVID-19. Tổng 6 đợt xét nghiệm diện rộng trên địa bàn, lấy 221.421 mẫu có 1 mẫu RT-PCR dương tính, 3.635 mẫu RT-PCR chưa có kết quả.
Quận cho biết, dự kiến đến 21/9, 17/18 phường thuộc quận không còn khu vực cách ly, phong toả; không có F0 trong cộng đồng. Khu vực Ngõ Hoà Bình 4 phường Minh Khai có ca mắc cuối cùng ngày 12/9, sẽ thu hẹp khu vực phong toả các hộ dân trong ngách 33, đến 8h ngày 25/9.
Tại Ngõ Hoà Bình 1,2,3, ca mắc cuối cùng ngày 9/9. Quận đã dỡ bỏ phong toả ngõ Hoà Bình 1,2 và một phần ngõ Hoà Bình 3, thu hẹp phong toả tại số 3/12 ngõ Hoà Bình 3 đến 8h ngày 25/9.
Quận cho biết, từ ngày 16/9 đến 21/9, trên địa bàn quận tiếp tục thực hiện các nội dung về công tác phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 cho đến khi không phát sinh F0 cộng đồng mới trong vòng 14 ngày.
Sau 8h ngày 21/9, tiếp tục xét nghiệm theo nguyên tắc: Đối với các khu vực vùng đỏ, lấy mẫu xét nghiệm 2 – 3 ngày/lần; với khu vực vùng cao, lấy mẫu xét nghiệm 5 – 7 ngày/lần; khu vực còn lại sẽ lấy mẫu gộp đại diện hộ gia đình, mỗi gia đình lấy 1 – 2 người.
Từ 21/9, cửa hàng ăn uống được bán mang về
Theo kế hoạch của quận, trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, UBND quận đề xuất UBND thành phố phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ngày 21/9 theo quan điểm nhiệm vụ phòng chống dịch là trọng tâm, thường xuyên và gắn với phục hồi sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận.
Đề xuất của quận chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 8h ngày 21/9 đến ngày 30/9, cho phép các doanh nghiệp, các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh được mở cửa hoạt động trở lại với 50% công suất và phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, trừ một số loại hình kinh doanh sau (chờ chỉ đạo của UBND thành phố): Karaoke, vũ trường, quán bar; cơ sở kinh doanh dịch vụ spa; cơ sở làm đẹp, phòng khám thẩm mỹ, thẩm mỹ viện; các cơ sở kinh doanh thể dục, thể thao trong nhà; các khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao ngoài trời; các cơ sở kinh doanh dịch vụ game, internet…
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Tiếp tục đóng cửa các chợ Bách Khoa, Nguyễn Công Trứ, Quỳnh Mai; 3 chợ Hôm – Đức Viên – Mơ và Đồng Tâm chỉ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu tại chợ, đảm bảo tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K; 1005 người ra vào chợ phải quét mã QR; giữ khoảng cách 2m.
Các siêu thị, cửa hàng tiện ích, tiện lợi, các chuỗi cung ứng hàng hoát thiết yếu được phép hoạt động 100% công suất. Tiếp tục hoạt động 19 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn các phường thuộc quận, sắp xếp hợp lý và thuận tiện nhất cho dân.
Các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu vực phong toả tiếp tục dừng hoạt động. Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Giai đoạn 2, từ ngày 1/10, quận xác định là vùng xanh, trạng thái bình thường mới. Cho phép các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn quận được hoạt động 100% công suất trong trạng thái bình thường mới.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép hoạt động trong trạng thái bình thường mới nhưng phải chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh (5K, mã QR…).
Các chợ được mở cửa, hoạt động trở lại khi đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch: tuân thủ nghiêm thông điệp 5K và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các siêu thị, cửa hàng tiện ích, tiện lợi, các chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu được phép hoạt động 100% công suất.
Các loại hình kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn quận trở về hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Hạn chế tụ tập đông người ngoài công sở, bệnh viện, trường học.
(Theo Tiền Phong)
Bị cách ly tại nhà, người đàn ông dùng tên giả đi test COVID-19 làm lây cho nhiều người
Ngày 19/9, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người xảy ra tại xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Theo cơ quan công an, ngày 25/8, UBND xã Yên Phú ra quyết định về việc áp dụng biện pháp cách ly tại nhà từ ngày 26/8 đến hết ngày 1/9 đối với anh Nguyễn Đình Hướng (SN 1979, ở thôn Bình Phú, xã Yên Phú) do có liên quan đến hoạt động bán hoa quả tại chợ Vàng thuộc xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội. Sau khi anh Hướng đã kết thúc thời gian cách ly tập trung và trở về địa phương thực hiện cách ly tại nhà.
Tuy nhiên đến 10h, ngày 1/9, anh Hướng đã ra khỏi nhà và đến phòng khám trên địa bàn huyện Văn Giang để lấy mẫu xét nghiệm Covid test nhanh có kết quả âm tính. Sau đó anh Hướng đi về và có tiếp xúc với một số người khác. Đến 21h cùng ngày, anh Hướng đi đến chợ Đông Tảo để lấy hàng và mang đến chợ Vàng của huyện Gia Lâm để bán.
Ngay sau khi nắm được thông tin trên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã Yên Phú tiếp tục ra quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà đối với anh Hướng từ ngày 3/9 đến hết ngày 16/9. Nhưng đến ngày 7/9, anh Hướng đã tiếp tục tự ý ra khỏi nhà và cùng vợ đến Trung tâm y tế huyện Văn Giang để làm xét nghiệm test nhanh COVID-19.
Tại tờ khai báo làm xét nghiệm, anh Hướng chỉ sử dụng đúng số điện thoại của mình nhưng lại dùng tên khác để kê khai thông tin y tế. Kết quả xét nghiệm là dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau khi có kết quả, Trung tâm Y tế huyện Văn Giang đã liên hệ yêu cầu anh Hướng khai báo lại thông tin chính xác, đồng thời thông báo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 xã Yên Phú để truy vết những người tiếp xúc gần với anh Hướng.
Kết quả đã có 5 người trong gia đình anh Hướng tại xã Yên Phú và 3 người gia đình em gái tại xã Yên Hòa có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do tiếp xúc nguồn lây từ anh Hướng, còn lại 42 trường hợp thuộc diện F1 đang thực hiện cách ly tập trung tại Đại Học Công Đoàn tại địa bàn xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ và 128 trường hợp F2 thực hiện cách ly tại gia đình.
UBND huyện Yên Mỹ đã phong tỏa một phần địa giới hành chính thôn Bình Phú và toàn bộ thôn Khóa Nhu 1, xã Yên Hòa.
Hiện Công an huyện Yên Mỹ đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý.
(Theo Dân Việt)
Công an phát thông báo khẩn truy tìm đối tượng trốn khu cách ly tập trung
Theo Công an TP Tây Ninh, khoảng hơn 3h ngày 18/9, đối tượng Đỗ Nguyễn Trọng Khải (SN 1979, tạm trú tại Khu phố 5, Phường 1, TP Tây Ninh) đã bỏ trốn khỏi Khu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Trường THPT Tây Ninh (Phường 3, TP Tây Ninh).
Công an TP Tây Ninh mong mọi người dân, khi phát hiện đối tượng Đỗ Nguyễn Trọng Khải thì thông báo nhanh về Công an TP Tây Ninh qua số điện thoại 02763.822.105.
Hiện toàn tỉnh Tây Ninh đang cách ly tập trung 1.859 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 4.209 người.
Tính từ đầu mùa dich đến nay, Tây Ninh ghi nhận 8.162 ca mắc COVID-19, trong đó đã điều trị khỏi và cho xuất viện 6.080 người, đang điều trị 1.964 bệnh nhân.
Toàn tỉnh Tây Ninh đã thiết lập 714 vùng phong toả. Trong đó đang phong toả 207 vùng, 507 vùng đã giải toả. Thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Tây Ninh đã chi hỗ trợ cho gần 36.000 người, với số tiền gần 54 tỷ đồng.
(Theo Tiền Phong)
TP Hạ Long mở lại bãi tắm và hoạt động thể thao, một số dịch vụ đông người
UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) vừa có văn bản chỉ đạo về việc cho phép mở lại một số hoạt động dịch vụ trong tình hình mới.
Theo công văn nay, từ 12h ngày 19/9, trên địa bàn TP Hạ Long sẽ cho phép mở lại một số hoạt động trên địa bàn toàn, gồm: Các bãi tắm công cộng; các dịnh vụ, hoạt động thể thao (sân bóng đã, phòng tập gym, fitness, yoga, câu lạc bộ bi-a,...); các hoạt động vui tết trung thu với yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, quy định 5K trong quá trình tổ chức.
Bãi tắm Cột 8 trên đường bao biển Hòn Gai - một trong những địa điểm có đông người bị đóng cửa ngay từ khi bắt đầu đợt dịch lần thứ 4 nay đã được cho hoạt động trở lại từ trưa ngày 19/9.
UBND TP Hạ Long cũng giao cho UBND các xã, phường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đối với các hoạt động được mở lại trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức, người dân biết; đồng thời căn cứ vào điều kiện cụ thể, tổ chức các hoạt động đảm bảo an toàn.
UBND TP Hạ Long yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, phường nghiêm túc triển khai thực hiện.
Được biết, tính đến hết ngày 18/9, TP Hạ Long đã triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho 90% dân số từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm.
(Theo Báo Giao Thông)
Nghệ An: Huyện Nam Đàn và Tx.Cửa Lò áp dụng Chỉ thị 19
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An vừa ký quyết định điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Tx.Cửa Lò và huyện Nam Đàn.
Quyết định nêu rõ chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19 và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới đối với toàn bộ Tx.Cửa Lò và 18/19 xã, thị trấn thuộc huyện Nam Đàn (trừ xã Xuân Hoà). Thời gian bắt đầu từ 0h ngày 19/9.
Ủy quyền Chủ tịch UBND Tx.Cửa Lò và huyện Nam Đàn căn cứ Quyết định 2686/QĐ-BCĐ ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc ban hành quy định đánh giá mức độ, nguy cơ và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để đưa ra các giải pháp bổ sung phù hợp với tình hình thực tế, trong các trường hợp cần thiết đối với từng khu vực cụ thể; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Sáng 19/9, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An, trong 12 giờ qua (từ 18h ngày 18/9 đến 6h ngày 19/9), Nghệ An không ghi nhận ca mắc COVID-19. Tính đến thời điểm này, Nghệ An đã có 36 giờ liên tục không ghi nhận ca nhiễm COVID-19.
Lực lượng ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân địa phương.
Lũy tích từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.808 bệnh nhân mắc COVID-19 ở 21 địa phương, gồm: Tp.Vinh 643 ca, Yên Thành 199 ca, Diễn Châu 191 ca, Quỳnh Lưu 146 ca, Nam Đàn 88 ca, Cửa Lò 81 ca, Nghi Lộc 68 ca, Hưng Nguyên 64 ca, Kỳ Sơn 62 ca, Quế Phong 52 ca, Đô Lương 43 ca, Tương Dương 29 ca, Nghĩa Đàn 27 ca, Tân Kỳ 24 ca, Hoàng Mai 22 ca, Thanh Chương 17, Con Cuông 16 ca, Anh Sơn 15 ca, Quỳ Hợp 14 ca, Thái Hòa 6 ca, Quỳ Châu 1 ca...
Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 1.538 bệnh nhân. Lũy tích số bệnh nhân tử vong 14 ca. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 256 bệnh nhân.
Về công tác xét nghiệm trong 12 giờ qua, CDC Nghệ An đã tiếp nhận 814 mẫu (một mẫu test nhanh dương tính, 270 mẫu F1, 543 mẫu cộng đồng). Trong đó, 794 mẫu có kết quả âm tính, 20 mẫu đang chờ kết quả.
(Theo Người Đưa Tin)
Cà Mau: Chùm ca bệnh COVID-19 liên quan tiệm bánh trung thu đã có 15 người
Ngày 19/9, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, tỉnh này vừa ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính với COVID-19 vào ngày 18/9.
Cả 3 trường hợp này đều là nhân viên tiệm bánh Trung thu M.T.T. (địa chỉ ở phường 4, TP Cà Mau).
Một khu vực phong tỏa trước đó ở phường 4, TP Cà Mau.
Cụ thể 3 bệnh nhân là T.V.U. (nam, SN 1996, ngụ ấp Bào Nhàn, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình); H.M.Đ. (nam, SN 1996) và P.T.M. (nam, SN 1995) - cùng ngụ khóm 5, phường Tân Xuyên, TP Cà Mau).
Qua điều tra dịch tễ từ ngày 23/8 – 13/9/2021, những nhân viên này có đến tiệm bánh M.T.T. làm việc và có tiếp xúc gần với bệnh nhân M.K.X. (33 tuổi, ngụ phường 4, TP Cà Mau, bị dương tính với COVID-19 vào ngày 13/9/2021).
Hiện tại, các trường hợp F0 này đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, Bệnh viện Dã chiến số 2 để cách ly điều trị. Đồng thời, các cơ quan chức năng, đang tiếp tục truy vết F1, F2, F3 những nơi các bệnh nhân đến/đi; khử khuẩn các phòng cách ly hiện tại và nhà bệnh nhân; quản lý chặt khu phong tỏa và lấy mẫu sàng lọc 3 ngày/lần.
Như vậy tính đến nay, liên quan đến chùm ca bệnh tại tiệm bánh Trung thu M.T.T. đã có 15 trường hợp dương tính với COVID-19 đang được cách ly điều trị tại các cơ sở y tế.
(Theo Báo Giao Thông)
Tiền Giang: Cấp giấy đi đường cho 2 người đàn ông đi… khám thai
Từ chiều 18-9, trên mạng xã hội xuất hiện một giấy đi đường được cấp cho 2 người đàn ông đi từ xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đến TP Mỹ Tho (Tiền Giang) để... khám thai.
Theo giấy đi đường này, Phó chủ tịch UBND xã Long Định là ông Đặng Tiến Duẩn ký cấp cho ông Nguyễn Văn Lưu (SN 1936) và ông Trần Thanh Trà được phép tham gia giao thông từ xã Long Định đến Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang để… khám thai.
Giấy đi đường được cấp cho 2 người đàn ông đi ... khám thai.
Ngoài ra, giấy đi đường cũng nói rõ khoảng thời gian được tham gia giao thông từ 13 giờ đến 17 giờ ngày 18-9 và không được ghé điểm nào khác. Khi khám xong về đến địa bàn xã phải có giấy test nhanh và kết quả âm tính thì mới được qua chốt. Khi về nhà phải tự cách ly 14 ngày không được tiếp xúc người khác bên ngoài.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo xã Long Định xác nhận "Giấy đi đường này là có thật. Giấy do ông H. là cán bộ của xã soạn và đánh máy, trình cho Phó chủ tịch xã ký. Nguyên nhân cấp giấy đi đường cho 2 người đàn ông là do giấy này được sửa từ nội dung đã cấp cho một thai phụ trước đó nên đánh máy nhầm".
Riêng về thẩm quyền cấp giấy đi đường liên huyện thì vị này giải thích: "Trường hợp ông Lưu đi khám bệnh là trường hợp đặc biệt (như cấp cứu, chữa bệnh…) nên thẩm quyền cấp xã được cấp phép nhưng phải đúng địa điểm trong giấy đi đường".
(Theo Người Lao Động)
Đà Nẵng chuẩn bị phương án cho mở lại nhiều hoạt động, trừ karaoke, massage
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Đà Nẵng chiều 18/9, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu Văn phòng UBND thành phố tiếp tục đề xuất phương án chống dịch trong giai đoạn tới.
Đà Nẵng chuẩn bị 3 phương án phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Theo ông Chinh, tinh thần sẽ theo với 3 phương án. Phương án 1, trên cơ sở Quyết định 2985 (nới lỏng thêm một số hoạt động từ 8h sáng 16/9), Đà Nẵng tiếp tục mở rộng một số hoạt động kèm với các biện pháp kiểm soát.
Phương án 2, qua thời gian dài không ghi nhận ca mắc COVID-19 cộng đồng, Đà Nẵng chỉ tạm dừng một số hoạt động như karaoke, spa...
Đối với phương án 3, Đà Nẵng sẽ sử dụng thẻ xanh, vàng, trắng theo mức độ tiêm vaccine cho phép người dân đảm bảo các điều kiện để tham gia hoạt động theo nhiều mức độ.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng giao ngành y tế xây dựng phương án xét nghiệm Covid1-9 trong thời gian tới. Giao Công an thành phố chủ trì phối hợp các sở ngành để mở các luồng xanh đối với xa vận chuyển hàng hóa tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, Chủ tịch Đà Nẵng giao bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố lên phương án, chỉ đạo tiếp nhận, cách ly, chế độ chính sách đối với những trường hợp học sinh, giáo viên ở ngoại tỉnh về địa phương.
“Hiện, phương tiện tàu hỏa là biện pháp tiếp nhận tốt nhất khi đón số lượng lớn học sinh, giáo viên trở về. Quan trọng nhất vẫn là khâu quản lý đầu vào - điểm đi ở các địa phương như thế nào, khi về đây chúng ta phân đối tượng để cách ly tại nhà, tập trung ra sao. Bởi rõ ràng ở các tỉnh thành miền Trung, Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề về dịch bệnh nhất", ông Chinh nói.
Cũng theo ông Chinh, quan điểm là thành phố là chỉ hỗ trợ ở mức độ nhất định, phụ huynh cần thông cảm, chia sẻ với chính quyền.
Ngoài ra, Trung thu sắp tới, ông Chinh yêu cầu các sở ngành địa phương cần quan tâm đến các em thiếu nhi nghèo, trong khu chữa bệnh, trung tâm bổ trợ,...
Được biết, trong ngày 18/9, Đà Nẵng không phát hiện ca mắc COVID-19 sau 50 ngày áp dụng các biện pháp mạnh phòng, chống dịch.
Từ ngày 10/7 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 4.604 ca mắc COVID-19.
(Theo Báo Giao Thông)
Quốc gia tâm dịch ĐNA tính mở cửa trở lại
Theo Daily Mail, Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, hôm 17/9, tuyên bố trong cuộc họp báo: "Chúng tôi rất vui khi hệ số lây lan R0 - thể hiện số lượng người trung bình bị lây nhiễm từ một bệnh nhân - nhỏ hơn 1. Điều này đồng nghĩa, dịch bệnh đã suy giảm. Đây là mức thấp nhất ghi nhận kể từ đầu dịch. Nó cho thấy đại dịch đang được kiểm soát".
Tỷ lệ ca dương tính và bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở Indonesia cũng đã giảm xuống. Dưới 5% người Indonesia được lấy mẫu xét nghiệm vài tuần gần đây cho kết quả dương tính.
Ông Luhut cho biết, nếu tình hình vẫn tiếp diễn theo hướng khả quan như vậy, Indonesia có thể mở cửa biên giới trở lại vào tháng 10.
Trước đó, quốc gia Đông Nam Á cho biết có kế hoạch tái mở cửa biên giới cho người nước ngoài vào tháng 11, sau khi 70% dân số Indonesia được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vắc xin COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết đang theo dõi các tín hiệu từ chiến lược được Anh áp dụng: Ưu tiên triển khai tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 và có tỷ lệ nhập viện, tử vong vì COVID-19 thấp hơn.
"Chúng tôi sẽ tập trung hoàn thành tiêm mũi 1 trên diện rộng. Nếu có thể tiêm chủng mũi đầu tiên cho 70% dân số, tương đương hơn 140 triệu dân, Indonesia có thể dần dần mở cửa trở lại. Theo ước tính của tôi thì điều đó sẽ xảy ra vào tháng 11", ông Sadikin nói.
Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng cấp cao của Indonesia đưa ra mốc thời gian để quốc gia Đông Nam Á mở cửa trở lại.
Chỉ những công dân nước ngoài có thị thực ngoại giao, thị thực làm việc hoặc có đủ điều kiện miễn trừ, mới được phép vào Indonesia. Bộ trưởng Y tế Indonesia cho biết, các hạn chế về biên giới sẽ được nới lỏng hơn nữa khi 70% dân số Indonesia hoàn thành tiêm chủng mũi thứ hai.
Chính phủ Indonesia cũng đang xem xét mở cửa trở lại đảo du lịch Bali cho du khách tới từ một số nước có mức độ lây lan COVID-19 ở mức thấp như Singapore, New Zealand hay Nhật Bản.
Bị xem là tâm dịch của khu vực Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận hơn 4,1 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 139.000 người tử vong, tính tới 17/9. Tuy nhiên, tỷ lệ dương tính ở những người được xét nghiệm đã giảm mạnh. Cuối tháng 7, khi tình hình dịch bệnh ở Indonesia diễn biến phức tạp nhất, tỷ lệ dương tính ở nhóm được xét nghiệm là 31%, nhưng tới ngày 14/9, con số này chỉ còn 2%.
Các hạn chế xã hội được áp dụng từ đầu tháng 7, nhưng dần được nới lỏng khi Indonesia cho phép các trung tâm thương mại, nhà hàng, rạp chiếu phim và nhà máy trở lại. Tất cả đều phải đảm bảo các điều kiện an toàn phòng dịch.
Đường phố vắng lặng ở Indonesia do COVID-19. Ảnh: Bali Van Java
Indonesia đã tiêm phòng cho khoảng 25% dân số mục tiêu nhưng Bộ trưởng Y tế nước này cho biết, tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 sẽ cần tăng lên 2 triệu mũi/ngày.
Chương trình tiêm chủng của Indonesia bị cản trở bởi các vấn đề về phân phối và hậu cần, cũng như tâm lý do dự của người dân, nhưng giới chức nước này vẫn kỳ vọng hoàn thành tiêm chủng mũi 2 cho hơn 140 triệu người từ nay cho tới tháng 3 năm sau.
Theo Daily Mail, Indonesia - quốc gia đông dân thứ 4 thế giới - xếp ở vị trí thứ 6 của top các nước hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 mũi một, sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nhật Bản.
(Theo Dân Việt)
Singapore hơn 1.000 ca nhiễm ngày, Bộ trưởng Y tế nói 'không bất ngờ'
Số ca nhiễm mới COVID-19 mỗi 24 giờ tại Singapore đã lần đầu tiên vượt mức 1.000 nhưng điều này có vẻ không bất ngờ đối với giới chức y tế Singapore, kênh tin Channel News Asia cho hay.
Đợt tăng mạnh nhất từ tháng 4-2020
Ngày 18-9, Singapore báo cáo 1.009 ca nhiễm, trong đó 1.004 trường hợp là lây nhiễm trong nước. Đây là ngày thứ tư liên tiếp Singapore báo cáo số ca nhiễm mới tăng, và là đợt tăng mạnh nhất kể từ ngày 23- 4-2020 với 1.037 ca.
Cũng trong ngày 18-9, Singapore báo cáo thêm một trường hợp tử vong vì COVID-19, là một cụ ông 90 tuổi. Người này có bệnh lý nền là ung thư, bệnh tim, viêm phổi và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, đã tử vong chỉ một ngày sau khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế Singapore đề nghị người nhiễm có triệu chứng nhẹ nên tự theo dõi điều trị tại nhà, để dành giường bệnh cho bệnh nhân nặng, tránh để hệ thống y tế quá tải.
Người dân Singapore duy trì việc đeo khẩu trang và dần khôi phục cuộc sống thường nhật khi nước này chọn "sống chung với COVID-19". Ảnh: REUTERS
Tính từ đầu dịch, Singapore đã ghi nhận 76.792 ca nhiễm COVID-19, trong đó 60 bệnh nhân đã không qua khỏi. Tổng cộng 863 bệnh nhân đang được điều trị trong bệnh viện, là những người có triệu chứng nặng hoặc nguy kịch, trong đó 18 trường hợp cần được chăm sóc đặc biệt. Đáng ngại là 100 ca bệnh nặng đã trên 60 tuổi.
Nhờ vaccine, 98,1% ca nhiễm không cần nhập viện
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung hôm 17-9 đã nhận định rằng chiều hướng tăng số ca nhiễm trong nước, tạo thành một làn sóng dịch mới như hiện nay là không bất ngờ.
Ông Ong lưu ý rằng mỗi quốc gia khi chấp nhận sống chung với COVID-19 sẽ phải trải qua một “làn sóng lây nhiễm mạnh” trước khi “con người và virus đạt được trạng thái cân bằng mới” để sau đó “mọi chuyện ổn định”.
Ông Ong nhấn mạnh rằng tỉ lệ tiêm chủng cao đã giúp Singapore giảm tỉ lệ ca bệnh nặng, song vẫn lưu ý người dân “phải tiếp tục cảnh giác”. Trong 28 ngày qua, tới 98,1% người nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.
Tính tới ngày 18-9, chương trình tiêm chủng quốc gia của Singapore đã bao phủ vaccine tới 4,57 triệu người (84% dân số), trong đó 4,44 triệu người (82% dân số) đã được tiêm chủng đầy đủ. Chương trình này sử dụng hai loại vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna.
Ngoài ra, 86.968 người đã tiêm vaccine dịch vụ bằng các loại vaccine khác đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép, là vaccine Vero Cell của hai hãng Sinovac và Sinopharm.
(Theo Pháp luật TP.HCM)