COVID-19 20/11: Ca nhiễm tăng chóng mặt, địa phương có nhiều xã phường quá tải, không xử lý F0 kịp

H.A - Ngày 20/11/2021 14:42 PM (GMT+7)

Theo quy định, trong vòng 2 giờ từ khi nhận danh sách F0 ngành y tế địa phương phải xử lý cách ly, nhưng hiện nhiều địa phương đang bị quá tải.

10 diễn biến

Đồng Nai: Nhiều xã phường quá tải, không xử lý F0 kịp trong 2 giờ

Ngày 19-11, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết vừa có văn bản đề nghị giám đốc, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện đúng quy trình xử lý người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Theo văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai về việc điều chỉnh hướng dẫn thời gian tổ chức đưa ca bệnh F0 đến nơi cách ly kể từ khi phát hiện dương tính với COVID-19, trong vòng 2 giờ kể từ khi nhận được danh sách người có kết quả xét nghiệm dương tính, ngành y tế địa phương phối hợp với UBND cấp xã để đưa người có kết quả xét nghiệm dương tính về địa phương cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung.

Thông báo Trạm y tế phường Trảng Dài. Ảnh: AX.

Thông báo Trạm y tế phường Trảng Dài. Ảnh: AX. 

Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, do số ca F0 trên địa bàn tăng nhanh, nhiều phường của TP Biên Hòa và một số xã của huyện Trảng Bom không thể xử lý các F0 trong vòng 2 giờ đồng hồ. Có những người khi phát hiện dương tính, báo với trạm y tế phường cả ngày không được hỗ trợ, hướng dẫn cách ly đảm bảo quy định phòng dịch. 

“Nhà tôi có F0 nhưng gọi điện cho Trung tâm y tế TP Biên Hòa, trạm y tế phường cả một buổi không ai xuống. Khi ra trạm y tế phường thì ở đây báo về khu phố trình báo” - chị Thắm (phường Trảng Dài) cho biết.

Các trạm y tế kiến nghị Sở Y tế, Trung tâm y tế TP Biên Hòa hỗ trợ, bổ sung nhân lực để các trạm y tế thực hiện nhiệm vụ trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản triển khai hướng dẫn tạm thời quy trình xử lý người mắc COVID-19 trong cộng đồng. Cụ thể, F0 cộng đồng là người có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR (1 lần) hoặc test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2 (2 lần). Những trường hợp này được phát hiện qua tầm soát ngẫu nhiên, chưa được quản lý.

Người dân tự test nhanh có kết quả dương tính cần báo ngay cho y tế, chính quyền địa phương. UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo trạm y tế hoặc trạm y tế lưu động tiếp nhận thông tin khai báo của người dân; phối hợp với Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng tiếp cận, khám, ghi nhận thông tin tình hình sức khỏe và các điều kiện cách ly tại nhà của người bệnh.

Sau đó, trạm y tế, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng tổ chức điều tra, truy vết F1, F2 và xét nghiệm test nhanh đối với tất cả F1. Dựa vào các mốc dịch tễ, lực lượng chức năng sẽ xác định mức nguy cơ dịch bệnh; tổ chức cách ly F0 tại nhà theo nguyên tắc đảm bảo an toàn, không làm lây nhiễm thứ phát cho những người xung quanh; quản lý danh sách ca F0, F1; thực hiện xét nghiệm tại khu vực ổ dịch.

Nguồn: https://plo.vn/suc-khoe/dong-nai-nhieu-xa-phuong-qua-tai-khong-xu-ly-f0-kip-trong-2-gio...

Phát hiện ca mắc trong cộng đồng ở Hải Dương có đến đám sang cát, tiếp xúc nhiều người

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, trong ngày hôm nay (19/11), trên địa bàn ghi nhận 14 ca bệnh mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế đánh mã số bệnh nhân thuộc các huyện Ninh Giang, Thanh Hà và Cẩm Giàng. Trong số những ca mắc nói trên có 1 trường hợp được phát hiện qua giám sát cộng đồng tại xã Tân Quang (huyện Ninh Giang).

Cụ thể: Bệnh nhân 1067837 SN 1961 (nữ), trú tại thôn Xuân Trì (xã Tân Quang), bán tạp hóa tại nhà và tiếp xúc với nhiều người. Trong 14 ngày qua, công dân không di chuyển qua vùng có dịch và không ở vùng dịch về. 

Vào chiều 5/11, ca bệnh đến Trạm Y tế xã Tân Quang tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. Từ 8/11 – 10/11, công dân có đến nhà người cùng thôn, đạp xe ra đồng tập thể dục không tiếp xúc với ai.

Chiều 11/11, bệnh nhân đến nhà bà V (đội 3, cùng thôn) có tiếp xúc với một số người xã Ngũ Hùng (huyện Thanh Miện). Đến sáng hôm sau, công dân tiếp tục đến nhà này (bà V) dự đám sang cát, ăn cơm, tiếp xúc với nhiều người tại đây và trong số người tiếp xúc có một số trường hợp F1 tại huyện Thanh Miện. Từ 13/11/2021 đến nay, trường hợp này không đi đâu, thi thoảng tiếp xúc với mấy người hàng xóm.

Vào sáng hôm qua, công dân được test nhanh tại thôn cho kết quả dương tính và được lấy mẫu đơn gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh làm xét nghiệm PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Bốn ngày liên tiếp tại thôn Xuyên Hử, xã Đông Xuyên (huyện Ninh Giang) không ghi nhận thêm ca măc COVID-19. Ảnh: Đ.Tùy

Bốn ngày liên tiếp tại thôn Xuyên Hử, xã Đông Xuyên (huyện Ninh Giang) không ghi nhận thêm ca măc COVID-19. Ảnh: Đ.Tùy

Sau khi nhận được thông tin về ca dương tính, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Tân Quang nhanh chóng thực hiện các biện pháp ứng phó; truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung, quản lý giám sát F2 chặt chẽ tại nhà và phun khử khuẩn nơi gia đình ca bệnh sinh sống. Qua truy vết ban đầu xác định có 32 người tiếp xúc gần với ca bệnh gồm: chồng, con, cháu, hàng xóm và tại đám sang cát.

Riêng ổ dịch tại xã Tân Phong, trong ngày có thêm 3 ca mắc mới là những trường hợp F1. Còn tại thôn Cẩm Bối, xã Ứng Hòe (cùng huyện Ninh Giang) ghi nhận 1 trường hợp mắc COVID-19 là bệnh nhân 1067829 (SN 1996, nữ). Ca bệnh này là đối tượng cùng chồng từ tỉnh Bình Dương về quê. Sau khi xuống sân bay Cát Bi (Hải Phòng), công dân đi taxi về thẳng Trạm Y tế xã khai báo y tế được cách ly tập trung và lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Tại ổ dịch Công ty IRISO- KCN Tân Trường (huyện Cẩm Giàng): Trong ngày ghi nhận 3 ca mắc mới, gồm: Bệnh nhân 1067826 (SN 1988, nữ) trú tại thôn Đông Lai, xã Thanh Hải (huyện Thanh Hà); bệnh nhân 1067839 (SN 1982, nữ), trú tại thôn Thừa Liệt, xã Thanh Hải (huyện Thanh Hà). Hai bệnh nhân này là công nhân bộ phận nhựa đúc, công ty IRISO được xác định là là F1. Ngày 18/11, các trường hợp nói trên được lấy mẫu xét nghiệm và hôm nay cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Đối với bệnh nhân 1067830 (SN 2019, bé gái), trú tại thôn Chí Thành, xã Tân Trường (huyện Cẩm Giàng) được xác định là F1 của ca bệnh N.T.N.A. Ngày hôm qua, bé gái được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm và hôm nay có kết quả khẳng định dương tính.

Tại các ổ dịch TP Hải Dương: Hôm nay ghi nhận 4 ca mới đều là các trường hợp F1 đã được cách ly trước đó tại phường Tứ Minh và Ngọc Châu.

Như vậy từ 12/10/2021 đến 16h chiều nay (18/11), Hải Dương ghi nhận 370 ca bệnh, trong đó có 53 ca bệnh có yếu tố dịch tễ đi từ các tỉnh có dịch, 210 trường hợp là F1 của các bệnh, 13 trường hợp phát hiện qua sàng lọc ho sốt cộng đồng, 2 bệnh nhân phát hiện qua sàng lọc bệnh viện, 5 ca phát hiện qua giám sát cộng đồng nguy cơ và 87 trường hợp khu phong tỏa.

Nguồn: https://giadinh.net.vn/phat-hien-ca-mac-trong-cong-dong-o-hai-duong-co-den-dam-sang-cat...

Nam bảo vệ dương tính SARS-CoV-2, Hà Nội tạm phong toả một toà chung cư Linh Đàm

Ngày 20/11, đạo UBND phường Hoàng Liệt, (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, một cư dân sống tại tầng 38 toà chung cư HH3C Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội dương tính SARS-CoV-2.

Theo lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, ca dương tính SARS-CoV-2 này là nam, người này làm bảo vệ tại quán cà phê ở phố Đ.H, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Thời điểm này khu phố trên đang tạm phong toả diện hẹp để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Sau đó, nam bảo vệ về nhà riêng ở chung cư HH3C. Ngay sau khi có kết quả dương tính lực lượng chức năng đã đưa bệnh nhân đi bệnh viện điều trị.

Toà HH3C chung cư Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) nơi có ca dương tính SARS-CoV-2.

Toà HH3C chung cư Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) nơi có ca dương tính SARS-CoV-2.

Lãnh đạo phường Hoàng Liệt cũng cho hay, lực lượng chức năng đã xác định được 2 F1 liên quan đến nam bảo vệ. Hiện toà nhà đang tạm thời phong toả cách ly để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Trước mắt, toàn bộ hơn 2.000 cư dân sinh sống tại toà nhà HH3C không được rời khỏi nơi cư trú.

“Chúng tôi chỉ tạm thời phong toả toà nhà để truy vết bởi khu chung cư HH Linh Đàm có tổng cộng 12 toà nhà, cư dân quá đông. Nếu không cẩn thận truy vết, khoanh vùng để lây lan dịch bệnh hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Trong trường hợp F1 đều âm tính sẽ tháo dỡ phong toả ngay”, lãnh đạo phường Hoàng Liệt nói.

Hai ngày trước, phường Hoàng Liệt cũng đã phong tỏa tạm thời tòa chung cư HH2A Linh Đàm do phát hiện cô gái 29 tuổi dương tính SARS-CoV-2.

Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm gồm 12 tòa nhà được xây dựng trên bán đảo Linh Đàm, gồm 4 khu, mỗi khu gồm 3 toà nhà, với 9.000 căn hộ. Đây là một trong những khu chung cư đông bậc nhất Hà Nội.

Nguồn: http://danviet.vn/nam-bao-ve-duong-tinh-sars-cov-2-ha-noi-tam-phong-toa-mot-toa-chung-c...

Người đàn ông mù tử vong nghi do COVID-19, sau 2 ngày mới phát hiện

Tối ngày 19-11, tại phường An Lạc A (quận Bình Tân, TP.HCM), người đàn ông tên Nguyễn Mạnh Hùng (bị mù, 65 tuổi) được phát hiện chết trong phòng trọ.

Trước đó, người dân chung dãy trọ phát hiện mùi hôi bốc ra từ phòng của ông Hùng nên trình báo công an phường.

Thi thể người mất được đưa tới lò thiêu Bình Hưng Hòa để hỏa táng. Ảnh: Thảo Phương

Thi thể người mất được đưa tới lò thiêu Bình Hưng Hòa để hỏa táng. Ảnh: Thảo Phương

"Vì trước giờ ông Hùng không ra khỏi phòng trọ nên chúng tôi không để ý, dù có nghe mùi hôi nhưng nghĩ là mùi của rác thải. Ngày thứ hai, tôi ngửi mùi rất lạ nên mới gọi cho người cháu tới", anh Nguyễn Minh Tâm, người giữ xe ở dãy trọ cho hay. 

Sau khi kêu cửa không có tiếng trả lời, cửa khoá trong không mở được nên cháu ông Hùng trình báo cơ quan chức năng. Ngay sau đó, công an phường An Lạc A đã có mặt tại hiện trường để phá cửa. Theo công an, nạn nhân được phát hiện trong tư thế nằm ngửa, một chân co, bụng trương phình, một phần cơ thể tím đen.

Ngay sau đó, đội y tế phường cũng có mặt để xét nghiệm COVID-19, kết quả ông Hùng dương tính với COVID-19 và được cho là đã tử vong khoảng 48 giờ. Nguyên nhân tử vong ban đầu được xác định do COVID-19.

Thi thể người mất được đưa đi hỏa táng, đội y tế tiến hành khử khuẩn cả dãy trọ.

Nguồn: https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/nguoi-dan-ong-mu-tu-vong-nghi-do-covid19-sau-2-ngay-moi-...

Cần Thơ ghi nhận số ca COVID-19 kỷ lục, Sóc Trăng thêm gần 400 trường hợp F0

Tối 19/11, theo báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ, tính đến 17 giờ cùng ngày, TP ghi nhận 939 ca mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca F0 cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP. Trong đó, số phát hiện trong khu cách ly là 89 ca, phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà 429 ca, 421 ca phát hiện trong cộng đồng.

Tính từ ngày 8/7 đến nay, Cần Thơ ghi nhận 15.780 ca mắc COVID-19, đã điều trị khỏi 8.943 trường hợp.

Về công tác tiêm chủng, TP đã tiêm mũi 1 được 913.048 liều vắc-xin phòng COVID-19, mũi 2 là 558.895 liều. Tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm đạt 96,3%, trong đó, tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi đạt 59%.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết với 500.000 liều vắc-xin mới được bổ sung thì trong vòng 3 ngày tới, Cần Thơ sẽ tiêm phủ mũi 2 đạt khoảng 80% số người trên 18 tuổi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Cần Thơ thực hiện tiêm vắc-xin cho tất cả những người trên 18 tuổi, không phân biệt độ tuổi, nhóm đối tượng. Kế hoạch phải cụ thể để từng ngày, gọn từng khu vực, trước hết ở những nơi có nguy cơ cao…

Cùng ngày, tỉnh Sóc Trăng ghi nhận thêm 398 ca mắc COVID-19. Trong đó, 198 trường hợp F1 trở thành F0, 127 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng... Trong 10 huyện, thị, TP có ca mắc mới, TP Sóc Trăng chiếm nhiều nhất với 147 trường hợp.

Số ca F0 cộng dồn đến thời điểm hiện tại ở Sóc Trăng là 11.083 trường hợp, khỏi bệnh là 7.433 ca và tử vong là 67 trường hợp.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/can-tho-ghi-nhan-so-ca-covid-19-ky-luc-soc-trang-them-gan-40...

Covid-19: Người nhiễm đã tiêm và người nhiễm chưa tiêm lây bệnh cho người khác ra sao?

Theo trang The Conversation, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tải lượng virus cao nhất ở người nhiễm đã tiêm chủng (ca nhiễm đột phá) và người nhiễm chưa tiêm chủng là tương tự nhau. Điều này khiến không ít người đặt dấu hỏi về hiệu quả của vắc xin Covid-19 trong phòng bệnh. 

Điều này đáng lo ngại ra sao? Những người nhiễm dù đã tiêm phòng có dễ lây bệnh cho người khác như những người nhiễm chưa tiêm phòng hay không? Điều này có ảnh hưởng tới các kế hoạch mở cửa trở lại trong tương lai hay không? 

Các nghiên cứu này chỉ cho thấy tải lượng virus cao nhất của cơ thể người bệnh trong quá trình nghiên cứu, đồng nghĩa là nó mang tính thời điểm. 

Những người đã tiêm phòng dù bị nhiễm nhưng có khả năng loại bỏ virus SARS- CoV-2 nhanh hơn, có mức độ virus tổng thể thấp hơn và thời gian tải lượng virus trong cơ thể ở mức cao sẽ ngắn hơn. Vì vậy, những người đã tiêm vắc xin Covid-19 dù bị nhiễm nhưng vẫn ít lây lan cho người khác. 

Người đã tiêm phòng dù có nhiễm Covid-19 cũng sẽ ít khả năng lây bệnh cho người khác hơn những người nhiễm chưa tiêm phòng. Ảnh minh họa: PA

Người đã tiêm phòng dù có nhiễm Covid-19 cũng sẽ ít khả năng lây bệnh cho người khác hơn những người nhiễm chưa tiêm phòng. Ảnh minh họa: PA

Tải lượng virus cao nhất tương tự

Một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet theo dõi 602 người tiếp xúc gần với 471 người nhiễm Covid-19 ở Úc. Các nhà khoa học đã ghi lại sự lây truyền và tải lượng virus của những người trong nhóm.

Nhóm nghiên cứu phát hiện không có sự khác biệt về tải lượng virus cao nhất giữa người nhiễm đã tiêm và chưa tiêm vắc xin Covid-19. Nghiên cứu cũng cho thấy, chỉ có một sự chênh lệch nhỏ về số ca nhiễm ở các thành viên trong gia đình của người nhiễm chưa tiêm và đã tiêm. Điều này cho thấy mức độ lây nhiễm là tương tự nhau. 

Một nghiên cứu khác, chưa được các nhà khoa học kiểm chứng, cũng cho thấy sự tương tự về tải lượng virus ở những người nhiễm đã tiêm và chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19. Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) về tình hình dịch bệnh tại bang Massachusetts hồi tháng 7 cho thấy điều tương tự. 

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo lắng về các kết quả nghiên cứu trên, theo The Conversation. Dữ liệu từ các nghiên cứu trên chỉ đại diện cho số ít trong dân số. Ngoài ra, biện pháp xét nghiệm PCR được sử dụng trong các nghiên cứu đó không cung cấp thông tin về tải lượng virus tổng thể toàn thời gian mà chỉ đưa ra tải lượng virus ở một thời điểm nhất định. 

Tải lượng virus là gì?

Tải lượng virus đề cập đến số lượng virus có trong dịch cơ thể của một người nào đó tại một thời điểm nhất định. Các nhà khoa học có thể đo được tải lượng virus bằng cách xét nghiệm máu hay kiểm tra dịch mũi, dịch hầu họng. 

Tóm lại, người có tải lượng virus cao hơn được cho là người dễ lây bệnh hơn cho người khác. 

Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng trong thực tế. Ví dụ, một số người mắc Covid-19 không triệu chứng và có tải lượng virus thấp. Những người này vẫn dễ có khả năng lây bệnh cho người khác vì họ không biết mình nhiễm bệnh nên không tuân thủ các biện pháp giãn cách, đeo khẩu trang hoặc ở nhà. 

Người đã tiêm phòng sẽ loại bỏ virus nhanh hơn

Kết quả của nghiên cứu trên tạp chí Lancet cho thấy sự tương đồng về tải lượng virus giữa người nhiễm đã tiêm và chưa tiêm chủng. Nhưng nghiên cứu đó không cung cấp bằng chứng chắc chắn về việc vắc xin kém hiệu quả trong việc ngăn chặn lây truyền trong cộng đồng. 

Dù tải lượng virus giữa người nhiễm đã tiêm và chưa tiêm có thể tương đương nhau ở một thời điểm, nhưng người nhiễm đã tiêm sẽ có tải lượng virus tổng thể thấp hơn. Vì vậy, họ ít có khả năng lây lan bệnh cho mọi người xung quanh. 

Theo The Conversation, vắc xin Covid-19 đẩy nhanh quá trình đào thải virus khỏi cơ thể. Do đó, người nhiễm đã tiêm có ít nguy cơ lây nhiễm cho người khác hơn. Điều này được cho là đúng với cả biến chủng Delta. 

Dù có các ca nhiễm đột phá, nhưng việc tiêm phòng đầy đủ vẫn làm giảm đáng kể nguy cơ bị nhiễm Covid-19. 

Các nghiên cứu ước tính, tỷ lệ ca nhiễm đột phá chiếm khoảng 0,2 - 4%. Trên thực tế, tỷ lệ này có nghĩa là cứ 100 người được tiêm phòng Covid-19 thì có tối đa 4 người trong số họ bị nhiễm Covid-19. 

Vì vậy, ngay cả khi tải lượng virus tương tự giữa các ca nhiễm đã tiêm với các ca nhiễm chưa tiêm, số lượng người nhiễm đột phá vẫn ít hơn rất nhiều.  

Nguồn: http://danviet.vn/covid-19-nguoi-nhiem-da-tiem-va-nguoi-nhiem-chua-tiem-lay-benh-cho-ng...

Sở Y tế TP HCM yêu cầu 7 vấn đề mới về Covid-19 đối với các bệnh viện

Sáng 20-11, Sở Y tế TP HCM phát thông tin cho hay sẵn sàng thu dung điều trị người bệnh Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới.

Lãnh đạo các bệnh viện chịu trách nhiệm phổ biến, tập huấn, xây dựng những kịch bản và tổ chức diễn tập các tình huống liên quan quy trình xử lý F0, dịch bệnh Covid-19 tại cơ sở y tế.

Tùy theo diễn biến dịch, ngành y tế TP HCM sẽ duy trì hoặc thành lập mới các trạm y tế lưu động ở cơ sở nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà.

Tùy theo diễn biến dịch, ngành y tế TP HCM sẽ duy trì hoặc thành lập mới các trạm y tế lưu động ở cơ sở nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà.

Sở Y tế TP HCM yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tiếp tục động viên nhân viên nỗ lực hơn nữa để phát huy những thành quả đã đạt được, vững tin để đẩy lùi và chiến thắng đại dịch Covid-19. 

Cụ thể, các bệnh viện cần triển khai thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

- Lãnh đạo các bệnh viện cần quán triệt đến từng nhân viên trong bệnh viện có nhận thức đúng về "bệnh viện xanh" trong giai đoạn bình thường mới. Theo đó, "bệnh viện xanh" không phải là "bệnh viện không có Covid-19", mà là bệnh viện được tổ chức và vận hành theo các quy trình an toàn, tuân thủ nghiêm các quy định về sàng lọc, phân luồng, cách ly và có khu vực luôn sẵn sàng thu dung điều trị người bệnh Covid-19, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

- Lãnh đạo các bệnh viện chịu trách nhiệm phổ biến, tập huấn, xây dựng các kịch bản và tổ chức diễn tập các tình huống liên quan đến quy trình xử lý F0 tại cơ sở y tế theo đúng các quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế.

Tất cả bệnh viện cần chủ động rà soát, bổ sung cơ số thuốc, vật tư tiêu hao, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị người bệnh Covid-19.

- Sau khi phát hiện và cách ly người mắc Covid-19, trường hợp cần liên hệ để chuyển người bệnh đến các cơ sở được phân công chuyên trách thu dung điều trị Covid-19 thì liên hệ đến bệnh viện được phân công theo địa bàn quận, huyện.

Trường hợp người bệnh có dấu hiệu nặng cần chuyển tuyến thì liên hệ với bệnh viện tầng trên đã được Sở Y tế phân công theo từng cụm. Lưu ý: Việc phân chia cụm điều trị nhằm giúp cho công tác hội chẩn và chuyển bệnh được thuận lợi hơn và chỉ mang tính tương đối.

- Tất cả bệnh viện tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh. Sở Y tế chính thức kích hoạt lại hoạt động của Tổ điều phối chuyển viện do Thanh tra sở và Phòng Nghiệp vụ y phụ trách. Khi gặp khó khăn liên quan công tác chuyển viện, đề nghị các bệnh viện chủ động liên hệ Tổ điều phối (số điện thoại 0989.40.11.55) để được hỗ trợ.

- Yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn cử bác sĩ, điều dưỡng luân phiên đến các bệnh viện dã chiến 3 tầng theo kế hoạch phân công của Sở Y tế để vừa tham gia công tác chăm sóc người F0, vừa tham gia chương trình đào tạo liên tục về chuyên khoa hồi sức.

Chương trình đào tạo thực hành về hồi sức sẽ do các bệnh viện: Nhân dân Gia Định, Đại học Y Dược TP HCM, Trung ương Huế (cho đến tháng 12-2021) và Nhân dân 115 phụ trách.

- Do mỗi địa phương cần phải duy trì các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 của quận, huyện, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện quận, huyện chủ động tham gia vận hành và cử nhân viên y tế luân phiên đến công tác tại các cơ sở này.

Sở Y tế hoan nghênh và khuyến khích các bệnh viện thành phố, bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn tham gia vận hành và cử nhân viên tham gia các bệnh viện dã chiến của quận, huyện.

- Mỗi bệnh viện luôn sẵn sàng danh sách bác sĩ, điều dưỡng dự bị, tổ chức tập huấn để sẵn sàng tham gia vận hành các trạm y tế lưu động khi được Sở Y tế yêu cầu, cùng với việc sẵn sàng cử lực lượng đi chi viện, hỗ trợ công tác điều trị Covid-19 cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/so-y-te-tp-hcm-yeu-cau-7-van-de-moi-ve-covid-19-doi-voi-cac...

Giám sát hội chứng cúm, viêm phổi nặng để phát hiện sớm ca Covid-19 ở cộng đồng

Bộ Y tế vừa có công văn hoả tốc gửi UBND các y tế các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua đã có một số lượng người dân di chuyển về các địa phương từ vùng dịch sau nới lỏng giãn cách xã hội, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và bùng phát ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào vẫn luôn hiện hữu. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo, quy định, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch Covid-19; không cục bộ, "cát cứ", ban hành quy định vượt quá mức cần thiết.

Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và lấy cấp cơ sở là nền tảng trong phòng, chống dịch...

Chuẩn bị sẵn sàng thiết lập các Trạm Y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn, ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở.

Tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm, viêm phổi nặng, giám sát trọng điểm Covid-19, giám sát dựa vào sự kiện, giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cộng đồng; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19, kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng…

Triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa. Sẵn sàng thiết lập hệ thống điều trị bao gồm các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến, đặc biệt là thành lập các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19 ngay tại nhà để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền) ngay khi được phân bổ vắc-xin, đảm bảo an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

Tăng nhanh độ bao phủ mũi 1, triển khai tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, nắm chắc tình hình công dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc,...) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/giam-sat-hoi-chung-cum-viem-phoi-nang-de-phat-hien-som-ca-c...

F0 tăng nhanh, cơ sở thu dung điều trị ở Hà Nội vẫn "cửa đóng then cài"

Ngày 16/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 23 cho phép thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 (F0) không triệu chứng và triệu chứng nhẹ trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm "4 tại chỗ".

Các điểm thu dung này do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế. Công điện số 23 nêu rõ hiệu lực thi hành từ ngày 17/11.

Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn - nơi dự kiến sẽ thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ

Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn - nơi dự kiến sẽ thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các địa điểm được UBND TP Hà Nội giao thí điểm thu dung, điều trị F0 (trạm y tế lưu động) thực hiện tại Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn (quận Long Biên); Trường THCS Tiền Yên (huyện Hoài Đức); Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (huyện Thanh Trì)... vẫn trong tình trạng "vườn không, nhà trống", chưa có giường bệnh, trang thiết bị để điều trị.

Trao đổi với PV, bà Lương Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Y tế quận Long Biên (nơi dự kiến sẽ thu dung F0 tại Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn với quy mô 150 giường bệnh) cho biết, nhân sự y tế phường, xã đã được tập huấn cho công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

"Tuy nhiên, về trang thiết bị, phải có quyết định của Sở Y tế thành phố mới đầu tư được. Cả cơ chế vận hành cụ thể cũng phải chờ", bà Nguyệt cho hay.

Tại Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn, PV cũng thấy vẫn là những dãy nhà trống, cửa đóng then cài, không thấy các biện pháp y tế được chuẩn bị ở đây.

Nhân viên bảo vệ Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn còn tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết nơi này sẽ trở thành địa điểm thu dung, điều trị F0 Covid-19.

Tại huyện Hoài Đức, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện cho hay, Phòng Y tế huyện đang khảo sát Trường THCS Tiền Yên.

"Dự kiến, chiều 20/11, trang thiết bị y tế như giường bệnh sẽ được chuyển đến địa điểm trường THCS Tiền Yên và đến 20/11 sẽ hoàn thiện cơ sở vất chất. Ngày 21/11, địa điểm thu dung, điều trị F0 này có thể đi vào sử dụng", bà Thanh nói.

Ông Nguyễn Tiến Trung, Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì thì cho biết, cơ sở vật chất như phòng, nhà vệ sinh thì đã có sẵn rồi, chỉ chờ hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội thì sẽ đưa trang thiết bị y tế như giường bệnh vào để vận hành.

"Bây giờ phải có chủ trương hướng dẫn của Sở Y tế về mặt chuyên môn có bộ máy vận hành, thì khi đó mới triển khai đưa trang thiết bị y tế như giường bệnh nơi thu dung"”, ông Trung nói.

Nhận định về việc Hà Nội lựa chọn phương án điều trị F0 không triệu chứng, F0 nhẹ tại trạm y tế lưu động phường, xã thay vì điều trị tại nhà như ở nhiều địa phương, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: "Việc Hà Nội cho F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ điều trị tại các trạm y tế lưu động có thể một phần vì lo ngại khi F0 điều trị ở nhà sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người thân".

PGS Phu lưu ý, với chiến lược điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại trạm y tế lưu động, Hà Nội phải đảm bảo được năng lực về nhân lực và vật lực của các trạm y tế lưu động.

Theo đó, thành phố cần có biện pháp đào tạo đội ngũ cán bộ y tế ở các trạm y tế lưu động, để đáp ứng được nhiệm vụ theo dõi sức khỏe, chăm sóc, quản lý F0 cũng như nhận diện để xử lý kịp thời khi các tình huống xảy ra.

Cùng với đó, các trạm y tế lưu động cũng cần đảm bảo được các yếu tố về cơ sở vật chất, đặc biệt là đủ oxy, bên cạnh đó là điều kiện điều trị và sinh hoạt của bệnh nhân, chứ không đơn thuần chỉ là gom các F0 vào một chỗ.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ca-mac-tang-nhanh-co-so-thu-dung-dieu-tri-f0-o-ha-noi-van-c...

Quảng Trị ghi nhận thêm nhiều ca mắc Covid-19 cộng đồng tại huyện miền núi

Sáng 20/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa ghi nhận thêm 36 trường hợp mắc Covid-19.

Đáng chú ý, trong 36 trường hợp xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 trên, có 24 trường hợp phát hiện tại cộng đồng. Trong đó, ngoài 21 trường hợp tại huyện miền núi Đakrông, còn có 3 trường hợp phát hiện tại cộng đồng ở thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà và huyện Cam Lộ.

Tỉnh Quảng Trị vừa ghi nhận thêm 36 ca mắc Covid-19 tại 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và thị xã Quảng Trị, TP Đông Hà... (Ảnh minh họa)

Tỉnh Quảng Trị vừa ghi nhận thêm 36 ca mắc Covid-19 tại 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và thị xã Quảng Trị, TP Đông Hà... (Ảnh minh họa)

Trong 21 trường hợp vừa ghi nhận thêm tại cộng đồng ở huyện Đakrông, tại “điểm nóng” thị trấn Krông Klang có 10 trường hợp, xã Hướng Hiệp 8 trường hợp và xã Mò Ó 3 trường hợp.

3 trường hợp phát hiện tại cộng đồng còn lại, có 1 trường hợp ở xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ), 1 trường hợp ở phường 2 (TP Đông Hà). Trường hợp còn lại tại phường 3 (thị xã Quảng Trị) và cũng là ca mắc Covid-19 phát hiện tại cộng đồng đầu tiên ở thị xã Quảng Trị trong thời gian qua.

5 trường hợp cách ly tại nhà ở các xã: Triệu Đại, huyện Triệu Phong (trở về từ tỉnh Đồng Nai); Hải Quế, huyện Hải Lăng (trở về từ TP.HCM); Hải Ba, huyện Hải Lăng (trở về từ tỉnh Bình Dương); A Ngo, huyện Đakrông (trở về từ TP.HCM) và Hướng Hiệp, huyện Đakrông (trở về từ tỉnh Bình Dương).

Tại huyện Hướng Hóa, ngoài 1 trường hợp phát hiện qua lấy mẫu giám sát tại cơ sở y tế ở xã Ba Tầng, còn có 2 trường hợp phát hiện tại khu phong tỏa và 4 trường hợp tại khu cách ly tập trung ở thị trấn Lao Bảo.

Trong diễn biến liên quan, ngày 19/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị đã có văn bản về việc giám sát, kiểm soát các trường hợp về từ các địa bàn nguy cơ của huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Thống kê danh sách và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp cho giáo viên và học sinh trở về các địa phương từ thị trấn Krông Klang, xã Mò Ó, xã Hướng Hiệp và xã Đakrông (huyện Đakrông) từ ngày 7/11.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị, từ ngày 7- 19/11 tại huyện Hướng Hóa đã ghi nhận 104 trường hợp mắc Covid-19, còn tại huyện Đakrông từ ngày 13- 19/11 đã ghi nhận 71 trường hợp mắc Covid-19.

Cũng trong ngày 19/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Hướng Hóa đã có văn bản hỏa tốc hướng dẫn tạm thời việc kiểm soát người ra, vào từ thị trấn Lao Bảo.

Trong đó, đối với người trở về hoặc đến từ thị trấn Lao Bảo đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng tính từ thời điểm đến/trở về địa phương: Cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày tiếp theo; xét nghiệm SARS-CoV-2 (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR) vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.

Đối với người trở về hoặc đến từ thị trấn Lao Bảo chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19: Cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày, cách ly tại nhà 7 ngày kể từ ngày trở về địa phương. Trong thời gian cách ly tập trung, xét nghiệm SARS-CoV-2 theo lịch của CDC tỉnh; trong thời gian cách ly tại nhà xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng RT-PCR ngày thứ 7...

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/quang-tri-ghi-nhan-them-nhieu-ca-mac-covid-19-cong-dong-tai...

COVID-19 19/11: 3 học sinh dương tính, 122 bé tiểu học phải đi cách ly tập trung trong đêm lạnh
Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa) ghi nhận 3 ca F0. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng lấy mẫu, đưa 122 học sinh đi cách ly.

Dịch COVID-19

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19