COVID-19 20/7: Hà Nội có 8 chùm ca bệnh, 154 điểm phong toả

HÀ ANH - Ngày 20/07/2021 12:14 PM (GMT+7)

Thành phố Hà Nội có tất cả 154 điểm phong toả và 8 chùm ca bệnh trên các quận, huyện.

Nguy cơ dịch bệnh ở mức cao và khó lường

Sáng 20/7,  báo cáo tai cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, từ ngày 5/7 đến sáng nay, thành phố ghi nhận tổng cộng 227 ca dương tính SARS-CoV-2. Đặc biệt xuất hiện 8 chùm ca bệnh có số lượng ca mắc lớn.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 20/7

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 20/7

Chùm ca bệnh tại huyện Đông Anh (liên quan đến Bắc Giang)

Nguồn lây từ nhân viên bảo vệ có tiếp xúc với các F0 tại Bắc Giang, đến nay đã có 61 ca mắc (chủ yếu tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long). Cơ quan chức năng xác định được 345 F1 và 3.882 người liên quan. Tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả 60 người dương tính. Các F1 đã được chuyển cách ly tập trung các trường hợp liên quan được cách ly ngay tại công ty và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch nhằm vừa đảm bảo chống dịch vừa tiếp tục sản xuất và sẽ được lấy mẫu định kỳ.

Chùm ca bệnh tại 90 Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa

Tại đây, ngày 16/7 ghi nhận trường hợp bệnh nhân 46373, là nữ nhân viên ngân hàng tại số 25 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, lưu trú tại Chung cư Sushine, quận Hoàng Mai.

Qua quá trình điều tra xác định ngày 10/7, gia đình bệnh nhân cùng người thân về thăm người ốm (bà) tại 90 Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa. Hiện tại, đã ghi nhận 50 ca mắc tại ổ dịch này, yếu tố dịch tễ của chùm ca bệnh này đang được khẩn trương điều tra làm rõ.

Chùm ca bệnh tại Tân Mai, quận Hoàng Mai

Ngày 16/7, chuỗi lây nhiễm này ghi nhận ca bệnh khởi phát là bệnh nhân 46347, lái xe dịch vụ và chủ cửa hàng bán Vietlott tại 58 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Trong 2 tuần gần đây, bệnh nhân không đi đâu khỏi thành phố. Cộng dồn đến nay đã ghi nhận 22 ca mắc.

Chùm ca bệnh tại Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - 565 Nguyễn Trãi (liên quan Bắc Ninh)

Ngày 15/7, ổ dịch này ghi nhận bệnh nhân 42319, là F1 của 6 bệnh nhân dương tính tại Bắc Ninh (tiếp xúc lần cuối ngày 11/7). Cộng dồn đến nay đã ghi nhận 7 ca mắc tại chùm ca bệnh này.

Chùm ca bệnh tại Bùi Thị Xuân, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng

Ngày 17/7, ghi nhận ca bệnh đầu tiên là bệnh nhân 48651, trú tại 132 Bùi Thị Xuân. Đến nay đã có 23 ca mắc. Hiện tại, yếu tố dịch tễ của chùm ca bệnh này đang được khẩn trương điều tra, làm rõ.

Chùm ca bệnh tại B8 Trại Găng, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng

Ngày 18/7, 2 ca mắc đầu tiên là 2 mẹ con, sinh sống tại đây. Cả 2 người thường xuyên ở nhà, không đi xa trong vòng 1 tháng nay. Hiện tại, đã ghi nhận 6 ca mắc tại chùm ca bệnh này, yếu tố dịch tễ liên quan đang được xác minh.

Chùm ca bệnh liên quan đến Nhà thuốc Đức Tâm, phường Láng Hạ, quận Đống Đa

Ngày 19/7, 3 nữ nhân viên làm việc tại đây được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Các yếu tố dịch tễ liên quan các ca bệnh này đang được xác minh, làm rõ.

Chùm ca bệnh tại An Mỹ, Mỹ Đức (liên quan đến tỉnh Nghệ An)

Khởi phát từ bệnh nhân 21331, là lái xe đường dài, từng đi qua tỉnh Nghệ An. Người này đã lây cho 9 thành viên khác trong gia đình. Ổ dịch này đã được khống chế, từ ngày 14/7 đến nay không phát sinh thêm ca mắc mới.

Bên cạnh đó, qua công tác chủ động rà soát, xét nghiệm cho người về từ TP.HCM, Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện 19 ca dương tính SARS-CoV-2. Họ lây nhiễm cho 26 người khác trên địa bàn thành phố.

Như vậy, đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 486 ca dương tính, trong đó 190 ca đã được cách ly, 296 người ngoài cộng đồng tại 24 quận, huyện, 198 ca mắc trong bệnh viện tuyến Trung ương, 9 nhân viên y tế và 32 ca mắc là người nhập cảnh đã được cách ly.

Ông Cương nhận định, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội "vẫn trong tầm kiểm soát", tuy nhiên nguy cơ đang ở mức rất cao và khó lường. Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi đó Hà Nội là đầu mối giao thông, có sự giao lưu rất lớn với các tỉnh, thành phố. Do đó, nguy cơ xuất hiện các ca bệnh xâm nhập từ các địa phương có dịch vào Hà Nội là rất cao.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, có thể có các ca bệnh ngoài cộng đồng chưa được phát hiện. Đặc biệt, đã xuất hiện chùm ca bệnh liên quan đến khu công nghiệp.

Từ đó, Sở Y tế đánh giá thời gian tới, tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh, chùm ca bệnh ngoài cộng đồng. Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với số ca mắc lớn.

Hà Nội có 154 điểm phong toả

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đến sáng nay (20/7), tổng số điểm phong toả tích luỹ của TP là 154 điểm. Trong đó, sáng nay phát sinh thêm 46 điểm trên 18 quận, huyện.

Theo ông Ngọc Anh, những ngày gần đây số ca bệnh tại TP tăng lên theo từng ngày, (19 ca ngày 17/7, 44 ca ngày 18/7…ngay sáng nay 20/7 có 19 ca). Trong 19 ca sáng nay thì 16 ca F1 thuộc chùm ca bệnh, còn 3 ca dương tính SARS-CoV-2 mới là các dược sĩ bán thuốc của nhà thuốc Đức Tâm ở 95 Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội).

Ông Ngọc Anh cho rằng, để xảy ra 3 ca dương tính SARS-CoV-2 tại nhà thuốc là việc thực hiện không nghiêm túc. Các nhà thuốc khi có khách hàng đến mua hàng phải kiểm soát, yêu cầu xét nghiệm nhưng đây không kiểm soát. Khi quay trở lại 900 nhân viên của nhà thuốc có người có dấu hiệu bộc lộ rõ ràng mới xét nghiệm.

Về phía đường hàng không, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, chúng ta đã chủ động từ ngày 16/6 sàng lọc tất cả các chuyến bay về sân bay Nội Bài. Trên đường hàng không mặc dù giảm tần xuất về sân bay Nội Bài nhưng lưu lượng theo dõi vẫn di biến động.

Ngày 18/7 là 3834 khách, trong đó người về từ TP.Hồ Chí Minh là 1330 người. Ngày 19/7 là 2696 khách, người về từ TP.Hồ Chí Minh là 1377 người. Đường bộ trên 3190 hành khách đi từ tất cả tuyến đường bộ từ Đà Nẵng trở về Hà Nội. Trong đó, từ Tây Nguyên cho đến Huế 790 người, đường sắt 154 người, ngoài ra còn rất nhiều phương tiện giao thông cá nhân.

Ông Ngọc Anh cho biết, đây là tất cả những mầm bệnh tạo nguy cơ từ những vùng các tỉnh có dịch về TP, với tình hình cụ thể đó, chúng ta cần kiểm soát nhanh nhất, truy vết thần tốc.

“Chúng ta chỉ chết ở chỗ là 1 đến 2 ngày người từ vùng dịch về mới đến khai báo phường thì lúc đấy đã lây lan dịch. Những chùm ca bệnh gần đây cho đến hôm nay là số F0 tích luỹ, 1 F0 gây ra cho 50 F0 khác của chùm ca bệnh”, ông Ngọc Anh nói.

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, TP tăng cường biện pháp mạnh, công điện 15 của thành phố gần như Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ thiếu nhà cách nhà, quận cách quận, phố cách phố. Đây là ngày thứ 2 thực hiện công điện, tuy nhiên, các chợ dân sinh, chợ đầu mối, các cơ quan giảm 50% người đi làm nhưng ra đường vẫn thấy rất đông người. Ông Ngọc Anh nhắc nhở các cơ sở phải chủ động, nghiêm túc thực hiện công điện, các quận, huyện địa phương phải phối hợp để tuyên truyền người dân.

COVID-19 20/7: Hà Nội có 8 chùm ca bệnh, 154 điểm phong toả - 2

F1 ở TP.HCM muốn cách ly y tế tại nhà cần làm những thủ tục gì?

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết hôm nay (20/7), đơn vị này đã chủ trì buổi họp trực tuyến triển khai cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 tại TP.HCM. Cuộc họp diễn ra có sự tham gia của các phòng y tế, ban giám đốc Trung tâm y tế và khoa Kiểm soát bệnh tật - trung tâm y tế của TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

BS. CKII. Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành HCDC cho hay, việc cách ly y tế tại nhà cho F1 là một chiến lược phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Điều này giúp giảm tải và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có tại các khu cách ly tập trung, đồng thời tạo được tâm lý thoải mái cho người được cách ly.

Giám sát đột xuất việc người dân thực hiện cách ly y tế tại nhà trên địa bàn quận 5.

Giám sát đột xuất việc người dân thực hiện cách ly y tế tại nhà trên địa bàn quận 5.

Bác sỹ Tâm cho biết thêm, trước tình hình cấp bách như hiện nay, việc cách ly y tế tại nhà cho F1 và theo dõi bằng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD (VietNam Health Declaration) cần triển khai đồng loạt tại TP Thủ Đức và các quận, huyện thay vì chỉ thí điểm ở một vài phường, xã như kế hoạch cũ.

Tại buổi họp, BS. CKI. Nguyễn Ngọc Thùy Dương - Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ HCDC cũng đã có những hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện việc cách ly tại nhà cho F1.

Theo đó, khi F1 có nguyện vọng được cách ly tại nhà sẽ đăng ký hồ sơ tại Trạm y tế phường, xã nơi mình cư trú. Các trạm y tế sau khi tiếp nhận sẽ gửi danh sách này về Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã. Ban chỉ đạo nơi tiếp nhận sẽ cử Tổ thẩm định xuống đánh giá yêu cầu cơ sở vật chất nơi cách ly mà F1 đăng ký. Thủ tục này sẽ được hoàn thành trong vòng 24 giờ. Hồ sơ đạt điều kiện được cách ly tại nhà sẽ được tổ thẩm định gửi về Phòng y tế, văn phòng ủy ban nhân dân phường, xã để tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện và ra quyết định cách ly tại nhà cho F1. Trong thời gian chờ ra quyết định, F1 sẽ được khuyến khích, hướng dẫn cài đặt phần mềm VHD.

Việc giám sát cách ly tại nhà sẽ gồm lực lượng dân quân, công an, y tế và Tổ COVID cộng đồng phối hợp thực hiện. Lực lượng dân quân, công an sẽ đảm nhận việc tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự, giám sát sự tuân thủ cách ly.

Lực lượng y tế sẽ đảm trách việc hướng dẫn người cách ly khai báo, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe trên ứng dụng VHD; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-COV-2 cho người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ và người nhà theo quy định; hướng dẫn các trường hợp cách ly tự thu gom chất thải đúng cách; nếu người cách ly có kết quả xét nghiệm dương tính thì báo trung tâm y tế xử lý theo quy định.

Theo HCDC, việc giám sát F1 cách ly tại nhà, vai trò của Tổ COVID cộng đồng vô cùng quan trọng, là cầu nối giữa người cách y, người ở cùng nhà với người cách ly với nhân viên y tế và chính quyền địa phương. Hàng ngày Tổ COVID cộng đồng sẽ tiếp nhận thông tin và kiểm tra sức khỏe người cách ly, người chăm sóc hỗ trợ, người cách ly; hỗ trợ đo thân nhiệt nếu họ không tự đo được.

Bên cạnh đó, Tổ COVID cộng đồng còn nhận trách nhiệm quản lý, giám sát, thực hiện nghiêm việc tổ chức cách ly y tế tại nhà, giám sát y tế cho F1 trong và sau khi kết thúc cách ly thông qua các phương tiện giám sát. Yêu cầu người ở cùng nhà với người cách ly không được tiếp xúc với những người xung quanh, không đi ra ngoài khi không cần thiết và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc.

Trước đó, ngày 27/6, Bộ Y tế đã có văn bản cho biết Bộ đã xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 cho các đối tượng thuộc diện F1 để UBND TP.HCM xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn thành phố.

Theo HCDC, tổng số người hiện đang thực hiện cách ly tại TP.HCM là 47.916, trong đó 10.553 người đang cách ly tập trung, 37.408 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

Hôm nay là ngày thứ 12 TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 kể từ 0h ngày 9/7. Hiện, thành phố ghi nhận 35.984 ca COVID-19, kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 27/4, cao nhất cả nước.

(Theo Dân Việt)

Tiền Giang: 6 nhân viên ngân hàng nghi mắc COVID-19

Ngày 20/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Mỹ Tho cho biết, thành phố đã thực hiện phong tỏa Chi nhánh Ngân hàng VP Bank tại tòa nhà trên đường Hùng Vương, phường 1 do 6 nhân viên chi nhánh ngân hàng này dương tính với SARS-CoV-2.

Theo đó, vào lúc 15h30 ngày 19/7, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang ghi nhận kết quả test nhanh kháng nguyên COVID-19 dương tính của 5 nhân viên VP Bank đến test nhanh tại bệnh viện.

Ngay lập tức, Bệnh viện Phụ sản đã chuyển 5 nhân viên ngân hàng đến buồng cách ly tạm thời; xịt khử khuẩn môi trường, vệ sinh bề mặt khu vực phân luồng mà 5 nhân viên ngân hàng đã ngồi; lấy mẫu lần 2 test nhanh kháng nguyên COVID-19 và cho kết quả dương tính.

Ngân hàng VP Bank bị phong tỏa.

Ngân hàng VP Bank bị phong tỏa.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của bệnh viện báo cáo nhanh Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; lấy mẫu lần 3 làm xét nghiệm Real time RT-PCR  gửi Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang thực hiện. Vào lúc 1h ngày 20/7, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cho biết kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR của cả 5 nhân viên ngân hàng trên dương tính.

Bệnh viện Phụ sản đã chuyển 5 nhân viên ngân hàng về trụ sở VP Bank lúc 1 giờ 30 phút để chuẩn bị đưa đi điều trị tại bệnh viện dã chiến.

Sau khi nhận thông tin từ Bệnh viện Phụ sản, cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch cần thiết. Trong đó, đã truy vết F1, F2 và thực hiện xét nghiệm, kết quả ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ngoài 5 trường hợp nêu trên.

(Theo Dân Việt)

TP HCM: Phản hồi thông tin sai sự thật về việc người dân tự thiêu ở TP Thủ Đức

Tối 20-7, Trung tâm Báo chí TP HCM cho biết UBND phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP HCM vừa có báo cáo nhanh về trường hợp nam thanh niên tự đốt cháy thân thể đối diện địa chỉ số 56 đường 2, khu phố 8.

Thông tin sai sự thật về một trường hợp tự thiêu ở TP Thủ Đức

Thông tin sai sự thật về một trường hợp tự thiêu ở TP Thủ Đức

Trước đó, ngày 19-7, trên mạng xã hội lan truyền thông tin "Một người dân phẫn uất, ngay giữa đường bức bách… tự thiêu" tại đường số 2, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Đi kèm với lời bình là hình ảnh một người bị bốc cháy giữa đường.

Liên quan đến nội dung này, UBND phường Trường Thọ (TP Thủ Đức) cho biết vào lúc 14 giờ 50 ngày 19-7, UBND phường nhận được tin có vụ việc một thanh niên dùng chất lỏng tự đốt thân thế giữa đường đối diện địa chỉ số 56 đường số 2, khu phố 8, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức.

Khi đó có một đoàn xe tang đi qua đã hỗ trợ dập lửa trên thân thể của nam thanh niên và dập tắt lửa dưới lòng đường. Nam thanh niên trên đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Qua xác minh được biết nam thanh niên tên N.M.H, sinh năm 1975, sống cùng gia đình chị gái có hộ khẩu thường trú tại đường 11, khu phố 8, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Gia đình cho biết anh N.M.H có giấy chứng nhận khuyết tật thần kinh – tâm thần 2, thời gian qua anh N.M.H không có mâu thuẫn với gia đình và hàng xóm.

Theo gia đình, hiện tại anh N.M.H đang nằm trị tại Phòng hồi sức cấp cứu Khoa Bỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị vết bỏng ở đùi và ngực, bệnh lý thần kinh tái phát.

Hiện UBND phường Trường Thọ tiếp tục theo dõi, liên hệ với gia đình anh N.M.H nắm tình hình để có biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.

(Theo Người Lao Động)

TP HCM: Chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16

Chiều 20-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống dịch Covid-19 đã có buổi làm việc trực tiếp với TP HCM về kế hoạch tiêm vắc-xin đợt 5 cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP.

Tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã cảm ơn các lãnh đạo trung ương, bộ ngành đã cùng nhau chia sẻ khó khăn và hỗ trợ để TP vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp với TP HCM chiều 20-7

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp với TP HCM chiều 20-7

"TP HCM đang lấy ý kiến các chuyên gia, bộ, ngành liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16 nhằm thực hiện cho bằng được là mục tiêu đề ra là ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan trong cộng đồng. Vì thời gian qua mục tiêu này chưa đạt" – Bí thư Thành ủy TP HCM thông tin. 

Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết TP mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ từ trung ương, nhất là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia. Hiện nay, Thủ tướng đã phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch ở TP HCM; nhóm công tác đặc biệt gồm các bộ ngành… 

"Rất mong các đồng chí đi sâu, nghiên cứu, chia sẻ, bàn bạc kịp thời với TP HCM để thống nhất phương án, giải pháp có hiệu quả hơn để cùng chung tay thực hiện các biện pháp thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 có nâng cao, siết chặt, tăng cường để đem lại kết quả như mục tiêu đã đề ra" – Bí thư Thành ủy TP HCM nói. 

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế cùng các bộ, ngành khác luôn theo dõi và đánh giá tình hình tổ chức tại TP. Ngành y tế đánh giá cao nỗ lực trong các biện pháp phòng, chống dịch trong triển khai Chỉ thị 16 và các biện pháp như giám sát dịch tễ, khoanh vùng, phong tỏa để kiểm soát dịch của TP HCM.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường. Đỉnh dịch của TP cách đây 3 ngày lên đến khoảng hơn 4.500 ca bệnh nhưng 3 ngày qua đã xuống con số hơn 3.000. Trong 10 ngày tới phải áp dụng quyết liệt các biện pháp. Đỉnh dịch có đạt được hay không phục thuộc rất lớn vào năng lực của ngành y tế.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn hy vọng dịch sẽ giảm xuống 7-10 ngày tới khi áp dụng tối đa giãn cách theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Hải Phòng: Thêm một số dịch vụ phải dừng họat động để phòng dịch COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước, UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục triển khai tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, từ 0h00’ngày 21 tháng 7 năm 2021, thành phố Hải Phòng sẽ dừng hoạt động các cơ sở, điểm kinh doanh dịch vụ thể dục thẩm mỹ, thể dục thể hình (GYM), yoga, bi-a, tẩm quất, vật lý trị liệu, các cơ sở chăm sóc sắc đẹp (trừ dịch vụ cắt tóc), game, internet, casino, rạp chiếu phim, bể bơi, các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, phòng khám Răng hàm mặt, phòng khám Tai mũi họng.

Các tuyến xe khách cố định, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch từ Hải Phòng đi Hà Nội và ngược lại cũng phải tạm dừng khai thác, hoạt động.

Đối với nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà, TP Hải Phòng yêu cầu chủ cơ sở thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, sát khuẩn tay, thực hiện giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà. Trường hợp không đáp ứng đầy đủ các điều kiện về công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch sẽ bị xử lý nghiêm, đặc biệt việc không tuân thủ đeo khẩu trang nơi công cộng.

Thành phố cũng yêu cầu người dân, các đơn vị, tổ chức... dừng hoạt động các hội nghị, hội thảo, hoạt động tập trung đông người không cần thiết, nếu tổ chức không được quá 20 người tham dự.

Đề nghị người dân tạm hoãn tổ chức đám hỷ, các hoạt động tập trung đông người tại gia đình (tiệc liên hoan, sinh nhật, tân gia...); đám hiếu tổ chức không quá 30 người, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; giao UBND các quận, huyện chỉ đạo giám sát việc thực hiện.

Yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược phẩm, hiệu thuốc, nhà thuốc trên địa bàn thành phố lập danh sách những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở đến mua thuốc (đầy đủ thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại… ); hướng dẫn các trường hợp này đến cơ sở làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 và thông báo ngay đến trạm y tế gần nhất để quản lý, giám sát; rút giấy phép hoạt động nếu không tuân thủ thực hiện.

Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị lớn thường tập trung đông người phải tuân thủ nghiêm về phòng chống dịch bệnh. Vào dịp cuối tuần lượng khách đông yêu cầu BQL chỉ cho phép hoạt động 50% công suất bên trong và lượng xe gửi tại bãi; bố trí khai báo y tế bằng QR Code tại cửa ra vào.

Thành phố yêu cầu chính quyền quận, huyện phối hợp với công an thành phố chỉ đạo quản lý chặt chẽ cư trú, tạm trú, tạm vắng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có liên quan tới vùng dịch, tuyệt đối không để bị động bất ngờ. Tăng cường kiểm soát người và phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh ngoài, đặc biệt các địa phương đang bùng phát vào chợ đầu mối, chợ dân sinh.

Đối với các trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung ở địa phương khác khi trở về Hải Phòng nếu được các cơ quan chức năng đưa từ nơi cách ly ra thẳng sân bay hoặc nơi tập kết về thành phố thì tiếp tục cách ly tại nhà 07 ngày và làm xét nghiệm theo quy định; đối với các trường hợp không thuộc diện trên thì thực hiện cách ly tập trung theo hướng dẫn cách ly hàng ngày của Sở Y tế Hải Phòng cập nhật trên Cổng thông tin điện tử thành phố và Sở Y tế.

(Theo Gia đình & Xã hội)

Hà Nội khẩn tìm người đến nhà thuốc Đức Tâm ở Láng Hạ - nơi có 3 nhân viên dương tính SARS-CoV-2

Tối 19/7, Sở Y tế Hà Nội phát đi thông báo tìm người trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đến: Nhà thuốc Đức Tâm, số 95 Láng Hạ, quận Đống Đa, từ ngày 5 đến ngày 19/7. 

Trước đó, theo Sở Y tế Hà Nội, 3 nhân viên của nhà thuốc này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, ở đây còn có thêm trường hợp nghi ngờ đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định. CDC Hà Nội đang phối hợp với Trung tâm Y tế quận Đống Đa điều tra, truy vết.

COVID-19 20/7: Hà Nội có 8 chùm ca bệnh, 154 điểm phong toả - 7

Người đã đến nhà thuốc trong thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 02435625581 (Trung tâm Y tế quận Đống Đa), 0969082115 hoặc số 0949396115 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội).

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 470 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó tính riêng từ ngày 5/7 đến nay là 211 trường hợp. 

Trong đó có 5 chùm ca bệnh phát sinh từ ngày 16/7 đến nay liên tục ghi nhận các ca bệnh dương tính với 92 trường hợp mắc cho đến thời điểm này là Nguyễn Khuyến – quận Đống Đa (45), Tân Mai – quận Hoàng Mai (18), Bùi Thị Xuân - quận Hai Bà Trưng (21), B6 Trại Găng (4), liên quan đến tỉnh Bắc Ninh (4).

(Theo Gia đình & Xã hội)

Nhiều F0 chuyển biến nặng, TP.HCM lập tổ công tác đặc biệt

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM ngày 20/7 cho biết, Sở Y tế đã thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch. Tổ công tác này gồm 15 thành viên, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 làm tổ trưởng, với sự hỗ trợ của lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế và lãnh đạo phòng Nghiệp Vụ Y.

Sở Y tế cho biết, toàn Thành phố hiện có 38 bệnh viện thuộc 4 tầng điều trị khác nhau và hầu hết các bệnh viện đã sử dụng gần hết công suất. Việc có thêm một tổ công tác làm cầu nối và hỗ trợ cho công tác chuyển viện giữa các bệnh viện được thuận lợi và nhanh chóng là một nhu cầu rất cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM vận chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch. Ảnh: Sở Y tế

Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM vận chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch. Ảnh: Sở Y tế

Một trong những nhiệm vụ chính của tổ công tác là kịp thời nắm bắt nhu cầu chuyển người bệnh của các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 và các bệnh viện điều trị COVID-19. Đồng thời làm cầu nối giữa các bệnh viện cần chuyển và các bệnh viện tiếp nhận người bệnh.

Ngoài ra, tổ công tác còn được giao nhiệm vụ kiểm tra chế độ thường trực, tính sẵn sàng tiếp nhận người bệnh COVID-19 nặng để kịp thời chấn chỉnh các cơ sở chưa thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu (nếu có). Những cá nhân và tập thể có cách làm hiệu quả, thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu được ghi nhận.

Được biết, việc thành lập tổ công tác đặc biệt này xuất phát từ số trường hợp COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM đã vượt qua con số 30.000 và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đội ngũ y bác sĩ đã nỗ lực hết mình cứu chữa người bệnh. Bên cạnh số lượt người khỏi bệnh và ra viện tăng dần thì số trường hợp chuyển nặng là nỗi lo của các y, bác sĩ. Ngành y tế mong muốn người bệnh sớm được chuyển đến các bệnh viện có năng lực chuyên môn cao hơn để điều trị.

(Theo Gia đình & Xã hội)

Số ca nhiễm tại Đồng Nai tiếp tục tăng, xuất hiện ổ dịch mới ở chợ

Ngày 20/7, tỉnh Đồng Nai tiếp tục ghi nhận 161 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới. Trong đó, TP Biên Hòa có 102 ca; Huyện Vĩnh Cửu 26 ca. Tổng số ca mắc mới trong đợt dịch thứ tư là 1.351, trong đó, TP Biên Hòa nhiều nhất với 650 ca, kế đến là huyện Vĩnh Cửu 181ca , huyện Nhơn Trạch 15 ca, huyện Thống Nhất 145 ca. Theo Sở Y tế Đồng Nai, nhiều ca mới liên quan đến ổ dịch tại công ty ChangShin.

COVID-19 20/7: Hà Nội có 8 chùm ca bệnh, 154 điểm phong toả - 9

Ngoài ra, sở này cho biết, số ca mắc chủ yếu là người buôn bán xung quanh công ty, các F1 và công nhân ở các khu nhà trọ tại xã Thạnh Phú, phường Trảng Dài và một số xã, phường khác ở TP Biên Hoà. Dự báo số ca liên quan đến ổ dịch này tăng cao, khả năng đã có sự xâm nhập vào các doanh nghiệp trong khu vực thông qua công nhân ở trọ tại khu vực này.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, một ổ dịch mới xuất hiện tại chợ Long Khánh (TP Long Khánh) khi ghi nhận một số ca là người buôn bán, vận chuyển hàng hóa. "Như vậy nguồn lây nhiễm trong cộng đồng đã khá phức tạp, dịch sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng lan rộng, khó kiểm soát"- sở này đánh giá và thông tin thêm, hiện ngoài trên 20 nhân viên y tế nhiễm bệnh, thì một số lực lượng khác tham gia phòng chống dịch cũng đã bị nhiễm.

(Theo Tiền Phong)

Hai tài xế đường dài đi ngang qua Nghệ An dương tính với SARS-CoV-2

Sáng 20/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, trong 12 giờ qua (từ 19h00 ngày 19/7 đến 7h00 ngày 20/7), Nghệ An ghi nhận 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Cả 2 đều là lái xe đường dài đi ngang qua địa bàn Nghệ An.Trường hợp thứ nhất là H.V.Đ, nam, sinh năm 1985. Nghề nghiệp: Lái xe. Địa chỉ: Xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 18/7, anh Đ. lái xe chở hàng từ tỉnh Tiền Giang đi Lạng Sơn.

Lúc 14h29 ngày 19/7, anh Đ. đến Bệnh viện Đa khoa Minh An, huyện Quỳnh Lưu làm test nhanh COVID-19, kết quả dương tính 2 lần. Anh Đ. được cách ly ngay sau đó tại Bệnh viện Đa khoa Minh An và lấy mẫu gửi CDC Nghệ An. Sáng 20/7, cho kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS- CoV-2.

Trường hợp thứ hai là Đ.H.M, nam, sinh năm 1993. Nghề nghiệp: Lái xe. Địa chỉ: Tổ 5, phường Trần Hưng Đạo, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Anh M. đi cùng xe đường dài và là F1 của bệnh nhân N.N.H đã được công bố trước đó. Ngày 17/7, anh M. được cách ly tại Trung tâm Y tế Quỳnh Lưu, được làm xét nghiệm RT-PCR lần 1 cho kết quả âm tính.

Ngày 19/7, anh M. có dấu hiệu ho, đau rát họng, sốt nhẹ và được Trung tâm Y tế Quỳnh Lưu lấy mẫu gửi CDC Nghệ An làm xét nghiệm lần 2. Sáng 20/7, cho kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS- CoV-2.

Tính đến nay, Nghệ An đã ghi nhận 167 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở 12 địa phương. Số BN điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 72. Số BN chuyển tuyến Trung ương điều trị: 02. Số BN hiện đang điều trị trên địa bàn tỉnh: 92. Số bệnh nhân tử vong: 01.

(Theo Tiền Phong)

TP HCM: Thêm 4 chuỗi lây nhiễm tại khu dân cư phong tỏa

Sáng 20-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết tính hết ngày 19-7 có 34.825 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TP HCM được Bộ Y tế công bố, trong đó 34.533 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 292 trường hợp nhập cảnh.

Trong ngày 19-7, có thêm 587 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 3.658. Đang điều trị 33.838 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính), trong đó có 433 bệnh nhân nặng phải thở máy và 70 bệnh nhân can thiệp ECMO. Có 274 bệnh nhân tử vong.

Phun thuốc khử khuẩn khu vực có ca dương tính Covid-19 tại TP Thủ Đức

Phun thuốc khử khuẩn khu vực có ca dương tính Covid-19 tại TP Thủ Đức

Theo HCDC, các chuỗi lây nhiễm ghi nhận gần đây như chợ Tân Định (quận 1), chợ Bình Điền, chợ Phùng Hưng (quận 5), chợ Cầu Muối (quận 1), chuỗi lây nhiễm liên quan đến các công ty trong khu chế xuất, khu công nghệ cao, các khu dân cư… đã được khoanh vùng, giám sát chặt. Phát hiện thêm 4 chuỗi lây nhiễm tại khu dân cư, đều thuộc khu vực phong tỏa. Tiến hành điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, xử lý chuỗi lây nhiễm mới phát hiện.

Kết quả xét nghiệm từ 26-5 đến ngày 18-7 đã lấy 2.027.218 mẫu xét nghiệm tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao..., trong đó 1.753.120 mẫu có kết quả, 274.098 mẫu chờ kết quả.

TP thực hiện giám sát người sau cách ly, bệnh nhân sau xuất viện theo quy định. Tăng cường giám sát hoạt động tại các khu cách ly tập trung. Giám sát các trường hợp F1 cách ly tại nhà. Tổ chức thực hiện cách ly F1, F0 không triệu chứng đủ điều kiện xuất viện tại nơi cư trú.

TP đang cách ly kiểm dịch 47.916 người, trong đó 10.553 người đang cách ly tập trung, 37.408 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

(Theo Người Lao Động)

Số lượng ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ tăng cao đột biến, nguyên nhân do đâu?

Mỹ từng là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 600.000 ca tử vong. Tuy nhiên, ngày 15/6, Mỹ đã mở cửa hoàn toàn trở lại sau khi hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trưởng thành với ít nhất một liều vắc-xin COVID-19. Theo đó, các nhà hàng, quán rượu và nhiều địa điểm khác ở California có thể hoạt động trở lại 100% công suất, cả trong không gian kín và ngoài trời. Những người đã tiêm vắc-xin đủ liều không còn phải đeo khẩu trang nơi công cộng.

Tuy nhiên, thời gian qua, Mỹ lại là nước có ca dương tính với COVID-19 tăng đột biến. Theo số liệu của tờ Reuters, số ca mắc COVID-19 mới trung bình hàng ngày ở Mỹ đã tăng gấp ba lần trong 30 ngày qua. Cụ thể, từ ngày 18/6 đến ngày 18/7, con số này tăng từ 12.004 ca/ngày lên 32.136 ca/ngày.

Tiêm vắc-xin COVID-19 đang được chính phủ Mỹ kêu gọi người dân tham gia đầy đủ.

Tiêm vắc-xin COVID-19 đang được chính phủ Mỹ kêu gọi người dân tham gia đầy đủ.

Trong khi đó, trung bình số người nhập viện vì COVID-19 trong 30 ngày qua tăng 21%, từ 16.000 người lên hơn 19.000 người. Số người chết vì đại dịch ở Mỹ tuần trước cũng tăng 25% so với tuần trước đó, trung bình 250 người tử vong mỗi ngày.

Trước những con số đáng báo động này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu người dân phải tiêm vắc-xin để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và cộng đồng. Ông kêu gọi: "Xin quý vị vui lòng, xin vui lòng đi tiêm phòng và đi tiêm ngay".

Chung lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ, một tòa án liên bang ở Indiana cho phép trường đại học được yêu cầu sinh viên và nhân viên phải tiêm vắc-xin.

Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky cho biết số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày đã tăng 70% chỉ trong một tuần cũng nói về tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin.

Ông Walensky nói: "Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự bùng phát ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vì những người không được tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh cao. Trong khi những cộng đồng được tiêm chủng đầy đủ thường được miễn dịch khá tốt".

Được biết, lý do khiến số ca dương tính COVID-19 tăng cao là do biến chủng do sự lây lan của biến chủng Delta. Và hiện tại, theo các chuyên gia, việc tiêm vắc-xin là vô cùng cần thiết.

(Theo Gia đình & Xã hội)

Nhiễm, chết ở Myanmar tăng cao, tình nguyện viên đi từng nhà thu thập thi thể

Trước tình trạng thiếu hụt các nhân viên y tế tại các bệnh viện ở Myanmar trong khi số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở mức báo động trên toàn quốc, nhiều tình nguyện viên ở nước này đang phải gồng mình đi từng nhà để thu thập thi thể những nạn nhân qua đời vì dịch tại nhà của họ.

Tình nguyện viên đi từng nhà thu thập từng thi thể

Mỗi sáng sớm, Than Than Soe, một trong các tình nguyện viên ở Myanmar, lại nhận được những cuộc gọi từ các gia đình của những bệnh nhân đã thiệt mạng ở TP Yangon, theo hãng tin AFP.

Than Soe sau đó phải nhanh chóng ghi chú lại những thông tin cần thiết như tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của gia đình nạn nhân vào một cuốn sổ và cử một nhóm tình nguyện viên khác đến nhà của họ.

“Chúng tôi đang thực hiện công việc của mình mà không cần nghỉ ngơi. Mỗi ngày, đội của tôi thu thập từ 30 đến 40 xác chết. Tôi nghĩ các đội tình nguyện khác cũng sẽ giống như chúng tôi" - cô chia sẻ trong lúc tập trung tại văn phòng đầy các tình nguyện viên.

"Đôi khi, chúng tôi sẽ tìm thấy gia đình có tới hai xác chết trong ngôi nhà” - Than Soe nói thêm.

Các tình nguyện viên mang đồ bảo hộ cá nhân khiêng thi thể một nạn nhân nhiễm COVID-19 đến nghĩa trang ở thị trấn Hlegu, Yangon vào ngày 10-7. Ảnh: AFP

Các tình nguyện viên mang đồ bảo hộ cá nhân khiêng thi thể một nạn nhân nhiễm COVID-19 đến nghĩa trang ở thị trấn Hlegu, Yangon vào ngày 10-7. Ảnh: AFP

Than Soe cho biết hai người trong nhóm tình nguyện của cô đã có kết quả dương tính kể từ đợt dịch gần đây, và một người đã chết. "Mọi thứ tôi nghe được mỗi ngày chỉ toàn tin xấu" - cô nói thêm.

Theo Than Soe, một thành viên khác trong đội của cô đã gọi điện cho anh trai mình trong lúc cả gia đình anh đang có mặt tại nghĩa trang Kyi Su, nơi mẹ anh ấy sắp được hỏa táng, và yêu cầu cả gia đình đợi xe cấp cứu đưa cha của anh, người vừa qua đời, đến để được hỏa táng cùng.

“Tôi muốn họ gặp nhau lần cuối”  - tình nguyện viên này nức nở nói vào điện thoại.

Đối với Than Soe, những cảnh như vậy đã trở nên quen thuộc đến sợ.

"Đôi khi tôi không nhấc máy và không muốn trả lời các cuộc gọi. Không phải vì tôi không muốn làm nhiệm vụ của mình, mà là vì tôi đang phải chịu rất nhiều đau đớn” - Than Soe chia sẻ.

Hiện các bệnh viện trên khắp đất nước Myanmar đang đối mặt với sự vắng bóng cả bác sĩ và bệnh nhân vì cuộc đình công kéo dài chống lại chính quyền quân sự sau cuộc chính biến hồi đầu tháng 2.

Nhiều nhân viên y tế tuyến đầu của Myanmar trước cuộc đảo chính cũng đã bị bắt giữ vì làm trái lại lệnh của chính quyền quân sự, trong khi hàng trăm người khác đã chạy trốn để tránh bị bắt.

Các cuộc biểu tình và giao tranh lan rộng cũng khiến nhiều người tránh xa các bệnh viện do quân đội điều hành, trong khi các tình nguyện viên phải tìm cách cung cấp những bình oxy quý giá cho các nạn nhân nhiễm COVID-19 và đưa người chết đi hỏa táng.

Anh Sann Oo, người giữ nhiệm vụ lái xe chở các nhóm tình nguyện đi đến nhà các bệnh nhân kể từ đợt dịch đầu tiên tấn công Myanmar vào năm ngoái, cho biết một ngày làm việc điển hình của những nhóm tình nguyện ở thời điểm hiện tại kéo dài ít nhất 13 giờ.

“Chúng tôi từng đưa các bệnh nhân đến bệnh viện. Chúng tôi sẽ hỏi bệnh nhân 'bạn muốn đến bệnh viện nào?. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Khi nhận được cuộc gọi đến, chúng tôi sẽ hỏi địa điểm nghĩa trang mà họ muốn đến” - anh buồn bã chia sẻ.

Lái xe đến ngôi nhà của một nạn nhân COVID-19, Sann Oo và các tình nguyện viên khác buộc xác lên cáng, trùm chăn và di chuyển xuống một chiếc cầu thang gỗ hẹp để xuống đường.

Đội tình nguyện mang thi thể lên xe tải trong khi một tình nguyện viên khác đánh một chiếc chiêng được sử dụng trong các nghi thức tang lễ của Phật giáo. Khi họ đến lò hỏa táng Kyi Su, có ít nhất tám xe cứu thương khác đã đậu sẵn bên ngoài.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

 Cả gia đình mắc COVID-19, 3 người mất trong nửa tháng
Liên tục hơn nửa tháng qua, tang thương đổ xuống gia đình anh L.V.T và chị N.N.H.T ngụ tại đường Trần Thiện Chánh, phường 12, quận 10 (TP.HCM).

Dịch COVID-19

HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19