COVID-19 20/12: Học sinh, giáo viên mầm non nhiễm SARS-CoV-2, khẩn trương truy vết, cách ly 4.000 người

K.T - Ngày 20/12/2021 12:14 PM (GMT+7)

Ổ dịch tại xã Nghĩa Lộc đã ghi nhận một số học sinh ở 3 cấp gồm mầm non, tiểu học và THCS nhiễm COVID-19. Ngoài ra còn có một số giáo viên, phụ huynh cũng là F0.

14 diễn biến

Nghệ An: Một xã có học sinh nhiễm COVID-19, cách ly gần 4.000 người

Ông Võ Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, Chỉ huy trưởng Trung tâm phòng chống dịch COVID-19 huyện xác nhận, trong 12 giờ (từ 6h đến 18h ngày 18/12), huyện Nghĩa Đàn ghi nhận 15 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 4 ca cộng đồng và đều tại ổ dịch xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn.

Nhiều học sinh mầm non Nghĩa Đàn nhiễm COVID-19.

Nhiều học sinh mầm non Nghĩa Đàn nhiễm COVID-19.

Ca cộng đồng đó là bệnh nhân N.N.K.V. (nữ, sinh 2012, xóm Hải Lào, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn); bệnh nhân B.C.V. (nam, sinh 2007, xóm Đập Đanh, xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn); bệnh nhân P.T.L. (nữ, sinh 1958, xóm Sơn Hải, xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn); bệnh nhân L.T.V. (nữ, sinh 1970, xóm Thọ Đông, xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn).

Cả 4 bệnh nhân này là F1 của bệnh nhân Đ.T.S.. Sau khi nghe tin Đ.T.S. có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính. Ngày 16/12, các bệnh nhân đi đến trung tâm y tế để test nhanh có kết quả dương tính. Sau đó, cả 4 bệnh nhân đều được cách ly, lấy mẫu gửi Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh cho kết quả khẳng định dương tính.

Đặc biệt, tối 17/12, ổ dịch tại xã Nghĩa Lộc đã ghi nhận 29 F0, trong đó có cả học sinh ở 3 cấp gồm mầm non, tiểu học và THCS. Ngoài ra còn có giáo viên, phụ huynh của các học sinh này là F0.

Ông Lại Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc cho biết: “Sau khi phát hiện các ca nhiễm COVID-19 tại xã Nghĩa Lộc, cơ quan chức năng đã truy vết các trường hợp F1, F2 để điều tra dịch tễ, ngăn không cho dịch lây lan rộng”.

Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn người để sớm bóc tách F0 ra, sớm ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, việc trên địa bàn xã đã ghi nhận nhiều ca F0 và hàng trăm em học sinh, giáo viên, nhân viên ở cả 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS đã phải cách ly tập trung tại nhà trường trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Đặc biệt tại trường mầm non xã Nghĩa Lộc có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Hiện lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

“Mấy ngày qua các học sinh trường mầm non Nghĩa Lộc phải ở lại trường. Lớp nào có học sinh là F0 thì học sinh lớp đó phải ở lại. Hiện cơ quan chức năng đang rà soát xem nhà nào đảm bảo thì cho F1 về nhà để cách ly phòng dịch theo quy định vì hiện giờ các trường hợp F1 rất nhiều và vẫn đang tiếp tục truy vết thêm”, ông Dương nói.

Bà Văn Thị Hồng Lam, Trưởng phòng Y tế huyện Nghĩa Đàn cho biết, trước việc các F0 tăng nhanh, xã Nghĩa Lộc đã có quyết định tạm dừng hoạt động của chợ Trung tâm xã tại xóm Thọ Đông, điểm buôn bán chợ xép tại Ngã tư Hải Lào, Cồn Cả, Khe Sài 2 và Vạn Lộc 2.

“Trước việc phát hiện thêm nhiều ca nhiễm COVID-19, huyện Nghĩa Đàn cũng đã thiết lập cách ly y tế đối với 5 xóm và cụm dân cư của xã Nghĩa Lộc, với gần 4.000 nhân khẩu”, bà Lam nói.

Gồm: xóm Sơn Hải (238 hộ, 1131 nhân khẩu); xóm Hải Lào (189 hộ, 898 nhân khẩu); xóm Sông Lim (174 hộ, 662 nhân khẩu); xóm Hải Đồng (243 hộ, 1096 nhân khẩu) và cụm dân cư số 4 gồm 8 hộ, 26 nhân khẩu.

Đồng thời, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cũng chọn trụ sở UBND xã Nghĩa Thắng cũ làm trạm thu dung điều trị người bệnh COVID-19. Với quy mô 100 giường bệnh, nơi đây dùng để cách ly, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ, không có triệu chứng.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-mot-xa-co-hoc-sinh-nhiem-covid-19-cach-ly-gan-4000-n...

Nhiều địa phương đón học sinh trở lại trường từ hôm nay

Thái Nguyên: UBND TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) vừa ban hành văn bản cho phép học sinh từ bậc tiểu học đến THPT đi học trực tiếp trở lại từ ngày 20/12 để tập trung ôn tập và kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2021-2022. Riêng các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, các trường mầm non, trung tâm ngoại ngữ, tin học,… tiếp tục tạm dừng học trực tiếp cho đến khi có thông báo mới.

Để bảo đảm an toàn cho học sinh khi đi học trở lại, UBND TP.Thái Nguyên yêu cầu Phòng GD&ĐT TP hướng dẫn các trường bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh. Hiệu trưởng các nhà trường sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch bệnh. Các trường tiểu học không tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Các phòng, ban chuyên môn của thành phố phối hợp chặt chẽ các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch của các cơ sở giáo dục trên địa bàn khi tổ chức học trực tiếp.

Vĩnh Phúc: BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP. Vĩnh Yên đồng ý về việc cho học sinh trên địa bàn thành phố đi học trở lại. Theo đó:

- Từ 20/12: Học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trực tiếp trở lại.

- Từ ngày 27/12: Học sinh từ lớp 6 trở lên đi học trực tiếp trở lại.

- Từ 3/1: Học sinh toàn thành phố đi học trực tiếp trở lại.

Hải Dương: Trẻ mầm non tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Hải Dương được đi học trở từ 20/12 lại nếu các cơ sở bảo đảm điều kiện phòng chống dịch COVID-19. Riêng trường Mầm non xã Liên Hồng và điểm trường khu dân cư Liễu Tràng (phường Tân Hưng) đang được trưng dụng làm nơi cách ly y tế tập trung tạm thời chưa đón trẻ đến trường cho đến khi có thông báo mới.

Trước đó, do dịch COVID-19, TP. Hải Dương cho trẻ mầm non nghỉ học, học sinh các bậc tiểu học, THCS chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 8/11. Ngày 6/12, học sinh tiểu học, THCS đã đi học trực tiếp trở lại.

COVID-19 20/12: Học sinh, giáo viên mầm non nhiễm SARS-CoV-2, khẩn trương truy vết, cách ly 4.000 người - 2

Long An: Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Long An, từ hôm nay, học sinh khối lớp 7 đến 12 trên địa bàn tỉnh sẽ học trực tiếp tại trường. Theo Sở GD&ĐT Long An, từ 6/12, học sinh các khối 10, 11, 12 đã học trực tiếp tại trường. Đa số các trường đã tổ chức các môn khoa học xã hội, ngoại ngữ bằng hình thức học trực tiếp, các môn còn lại học trực tuyến nhằm kéo giảm tỷ lệ học sinh tại trường để thực hiện tốt 5K.

Chiều tối mỗi ngày, các học sinh sẽ báo cáo với giáo viên chủ nhiệm về tình trạng sức khỏe của mình để giáo viên quyết định có được đi học trực tiếp vào hôm sau hay không. Riêng một số học sinh phát hiện dương tính với COVID-19 tại trường, ngành y tế sẽ đánh giá để quyết định lớp học của học sinh F0 có cần thiết phải chuyển qua học trực tuyến hay không. Do việc tuân thủ 5K khá tốt nên đa phần các lớp có F0 đều đủ điều kiện tiếp tục học trực tiếp tại trường.

Hậu Giang: Thí điểm cho học sinh học trực tiếp tại 3 điểm trường THPT trên địa bàn TP. Vị Thanh, gồm trường THPT Chiêm Thành Tấn, THPT Vị Thanh và THPT chuyên Vị Thanh từ 20/12. Tất cả học sinh, giáo viên phải đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 mới đến trường. Khi học sinh trở lại học trực tiếp, căngtin trong trường học không được hoạt động. Các trường bố trí giãn cách, không tập trung đông; chủ động xây dựng các phương án dạy trực tiếp kết hợp bổ sung trang thiết bị giảng dạy trực tuyến hiệu quả lâu dài.

Trong khi đó, tại Hà Nội, do tình hình dịch phức tạp, từ 20/12, học sinh lớp 12 của các trường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tạm dừng học trực tiếp do tình hình dịch bệnh tại quận này vừa chuyển sang cấp độ 3. Các em sẽ chuyển sang học trực tuyến sau 2 tuần đến trường.

Ngoài ra, theo quy định của thành phố, học sinh ở 25 xã, phường khác có dịch cấp độ 3 đều phải tạm dừng đến lớp. Học sinh mầm non, tiểu học và THCS trên toàn TP. Hà Nội vẫn tiếp tục học trực tuyến từ ngày khai giảng đến nay.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa đề nghị các phòng GD&ĐT, các trường THPT và các trung tâm GDNN-GDTX báo cáo UBND quận, huyện, thị xã xin ý kiến chỉ đạo và thông báo đến các trường THCS, THPT, trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nếu có mức độ dịch cấp độ 3 thì cho học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 tạm dừng đến trường học trực tiếp, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ 20/12 cho đến khi có thông báo mới. Hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc trung tâm GDNN-GDTX thông báo đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh về phương án tổ chức dạy học cụ thể.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-dia-phuong-don-hoc-sinh-tro-lai-truong-tu-hom-nay-16921...

Bộ Y tế đề nghị thanh tra việc mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký ban hành công văn gửi đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ; đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Theo văn bản này, Bộ Y tế thông tin ngày 8/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 127/NQ-CP về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, trong đó yêu cầu Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan thanh tra, các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế (Ảnh minh họa).

Tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế (Ảnh minh họa).

Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiếm soát hiệu quả dịch COVID-19, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, không chủ quan khi dịch đi qua; đảm bảo phương châm "bốn tại chỗ"; thực hiện việc mua sắm để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, phòng, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, khoa học, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các địa phương quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát lại kế hoạch mua sắm đảm bảo đủ số lượng, đúng chủng loại phù hợp với tình hình mới; thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm.

Căn cứ Kế hoạch thanh tra 2022 của tỉnh, thành phố, xem xét bổ sung vào Kế hoạch thanh tra năm 2022 của địa phương có nội dung thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, đề xuất hoặc trao đổi với Bộ Y tế hoặc các Bộ quản lý chuyên ngành để phối hợp giải quyết.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/bo-y-te-de-nghi-thanh-tra-viec-mua-sam-sinh-pham-trang-thiet...

Đắk Lắk vượt mốc 10.000 ca mắc COVID-19, F0 trong cộng đồng còn cao

Tính đến sáng 20/12, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 10.092 ca mắc COVID-19 kể từ đầu đợt dịch thứ 4. Trong đó, 2.234 ca đang điều trị, 58 ca tử vong, còn lại đã khỏi bệnh. Đáng chú ý, số lượng ca mắc COVID-19 trong cộng đồng vẫn cao.

Đơn cử, sáng 20/12, TP. Buôn Ma Thuột ghi nhận 42 ca bệnh thì có tới 41 ca trong cộng đồng. Những ngày trước, thành phố này (đang dẫn đầu các địa phương khác trong tỉnh về số lượng F0) cũng liên tục ghi nhận hàng chục ca bệnh chưa rõ nguồn lây dù đã tổ chức nhiều đợt xét nghiệm diện rộng nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Địa phương có F0 trong cộng đồng cao tiếp theo là huyện Krông Ana (nơi duy nhất của tỉnh thuộc cấp độ dịch 3, vùng nguy cơ dịch bệnh cao) với 27 ca trong cộng đồng ghi nhận chiều 19/12.

Theo Sở Y tế Đắk Lắk, địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 và đang thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, để thích ứng, “sống chung” an toàn với COVID-19, Sở Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Đáng nói, vẫn có một bộ phận người dân chủ quan sau khi đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.

Hiện tỉnh Đắk Lắk đã triển khai rộng việc cách ly F1 tại nhà nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế (gần 13.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú); đồng thời đã triển khai thí điểm quản lý, điều trị F0 tại nhà trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố thành lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm tại cộng đồng... Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 125 trạm y tế lưu động tại các địa phương và 5 trạm y tế lưu động tại cơ sở y tế tư nhân.

Nguồn: https://tienphong.vn/dak-lak-vuot-moc-10-000-ca-mac-covid-19-f0-trong-cong-dong-con-cao...

Thừa Thiên - Huế xem xét việc đi học đối với học sinh từ chối tiêm vắc-xin COVID-19

Sáng 20-12, các học sinh khối THCS ở TP Huế đã trở lại trường học sau một thời gian dài phải học trực tuyến do dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại khu vực này. Học sinh trở lại trường học trực tiếp sau khi được tiêm phòng mũi 1 vắc-xin COVID-19 trên 14 ngày.

Vào hôm qua, 19-12, tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục ghi nhận tới 362 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 227 ca trong cộng đồng và TP Huế là nơi có số ca mắc mới nhiều nhất. Như vậy, đến nay tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ghi nhận 8.861 ca nhiễm COVID-19.

Kết luận cuộc họp công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh công tác tiêm vắc-xin, hoàn thành tiêm mũi 1 vào ngày 31-12; cố gắng test 10.000 mẫu/ngày để duy trì công tác tầm soát, phát hiện F0.

Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành tiêm mũi 1 vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành tiêm mũi 1 vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Đối với ngành giáo dục, ông Phương đề nghị thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ huynh về tác dụng tiêm vắc-xin; xem xét việc đi học đối với các trường hợp không chống chỉ định tiêm vắc-xin nhưng từ chối tiêm theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế.

Liên quan đến vấn đề trên, nhiều phụ huynh ở Thừa Thiên – Huế cũng có thắc mắc gửi đến lãnh đạo tỉnh này đề nghị giải thích lý do.

Nói thêm điều này tại buổi đối thoại "Nắm bắt cơ hội và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức sáng 16-12, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, cho biết ở một số nước trên thế giới, công dân không tiêm vắc-xin thì không được tham gia một số hoạt động. Đó là yêu cầu tất yếu. Chúng ta trên cơ sở một số chỉ đạo và để tăng cường hơn nữa ý thức trách nhiệm người dân trong việc tiêm vắc-xin thì cũng có một số giải pháp. Nếu sau này ai không tiêm vắc-xin thì cũng có một số hạn chế trong điều kiện sinh hoạt, tham gia cộng đồng nhằm tăng cường ý thức cộng đồng.

Ông Bình cho biết quá trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 tại tỉnh Thừa Thiên – Huế chưa ghi nhận trường hợp nào bị ảnh hưởng, đảm bảo an toàn. Với trẻ từ 12-17 tuổi thì việc tiêm vắc-xin cũng đảm an toàn, đúng tiến độ.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/thua-thien-hue-xem-xet-viec-di-hoc-doi-voi-hoc-sinh-tu-choi-...

Quảng Ngãi: Mua kit xét nghiệm cao nhất hơn 500.000 đồng/bộ từ Công ty Việt Á

Ngày 20-12, ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi (CDC Quảng Ngãi), cho biết đơn vị có 3 đợt mua bộ kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. 

"Chúng tôi mua với giá thấp nhất 367.000 đồng/bộ, cao nhất 509.000 đồng/bộ. Thời điểm mua vào là tháng 7 và tháng 8-2021. Tổng giá trị mua hơn 5 tỉ đồng" - ông Nên nói.

Nhân viên y tế Quảng Ngãi lẫy mẫu xét nghiệm. Ảnh: T.Trực

Nhân viên y tế Quảng Ngãi lẫy mẫu xét nghiệm. Ảnh: T.Trực

Theo ông Nên, nguyên nhân CDC Quảng Ngãi mua kit xét nghiệm của Việt Á vì đầu năm 2021, công ty này chủ động cho Bệnh viện TP Quảng Ngãi mượn 1 máy chạy mẫu xét nghiệm PCR và tặng 1.000 bộ kit xét nghiệm nhanh. Sau đó, công ty này lấy lại máy xét nghiệm. 

"Thời điểm đó, dịch bùng phát mạnh ở Quảng Ngãi nên sau khi dùng hết bộ kit tặng, chúng tôi tìm mua nhưng ngoài Công ty Việt Á thì không có đơn vị cung ứng khác. Chúng tôi đã lên cổng thông tin Bộ Y tế xem hướng dẫn về giá tham mưu nên liên hệ Công ty Việt Á mua theo 3 đợt với mức giá mỗi đợt khác nhau… Nói thiệt là mức giá lúc chúng tôi mua Công ty Việt Á cũng thấy quá cao nhưng vì mình quá cần nên phải chấp nhận" - ông Nên thông tin.

Cũng theo ông Nên, sau khi mua từ Công ty Việt Á, CDC Quảng Ngãi đã liên hệ với Viện Pasteur Nha Trang và được giới thiệu mua kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần Giải pháp y tế và khoa học Suran với giá 300.000 đồng/bộ. Tiếp đến, CDC Quảng Ngãi được giới thiệu mua với giá 227.000 đồng/bộ của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Medivision. 

"Hiện chúng tôi đang tìm thêm các đơn vị khác có mức giá rẻ hơn" - ông Nên cho biết.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/quang-ngai-mua-kit-xet-nghiem-cao-nhat-hon-500000-dong-bo-tu...

Kit xét nghiệm của Công ty Việt Á không được WHO chấp thuận cho quy trình sử dụng khẩn cấp

Vào cuối tháng 4-2020, thông tin từ một cuộc họp báo do Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức cho hay bộ kit xét nghiệm Covid-19 LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR KIT do Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận. 

Sản phẩm được đánh giá theo Quy trình Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00.

Trang 2 trong danh sách SARS‐CoV‐2 IVDs: sản phẩm không được chấp thuận cho EUL đang nằm trên website của WHO lại có tên sản phẩm này, gây nhiều thắc mắc (Ảnh chụp màn hình từ who.int)

Trang 2 trong danh sách "SARS‐CoV‐2 IVDs: sản phẩm không được chấp thuận cho EUL" đang nằm trên website của WHO lại có tên sản phẩm này, gây nhiều thắc mắc (Ảnh chụp màn hình từ who.int)

Tuy nhiên, theo bản cập nhật ngày 10-12-2021, sản phẩm này lại nằm trong danh sách mang tên "SARS‐CoV‐2 IVDs: sản phẩm không được chấp thuận cho EUL" đăng tải trên website chính thức của WHO, cũng với mã số EUL 0524-210-00.

Cụ thể, sản phẩm này nằm trong mục "Các ứng dụng đã được đánh giá và không đáp ứng được các bằng chứng, tài liệu cần thiết về độ an toàn, hiệu suất và/hoặc hệ thống quản lý chất lượng - xét nghiệm axit nucleic SARS-CoV-2".

"SARS‐CoV‐2 IVDs" là danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO dành cho các chẩn đoán In vitro SARS-CoV-2; trong khi EUL là quy trình lập danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO. 

EUL dựa trên rủi ro để đánh giá và liệt kê các vắc-xin, phương pháp điều trị và chẩn đoán in vitro chưa được cấp phép, mục đích cuối cùng là xem xét khả năng tạm thời cung cấp các sản phẩm này cho những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

EUL sẽ như một tài liệu tham khảo, hỗ trợ các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên trong việc chấp nhận sử dụng và mua sắm các sản phẩm, dựa trên một bộ dữ liệu cần thiết về chất lượng, an toàn, hiệu quả và hiệu suất có sẵn.

Mục này gồm 12 sản phẩm, còn có tên một số sản phẩm của Công ty Dược phẩm Kinghawk Bắc Kinh, Công ty Công nghệ sinh học HalopX, Công ty Công nghệ y tế Vazyme Nam Kinh, Công ty Công nghệ sinh học UStar Hàng Châu, Tập đoàn QuantuMDx…

Trước đó, báo cáo công khai của WHO-EUL vào tháng 10-2020 về sản phẩm này có ghi rõ: “Kết quả: không được chấp thuận”.

Tổ chức này giải thích thêm rằng sản phẩm “không đủ điều kiện tham gia đấu thầu của WHO”. Theo đó, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á được yêu cầu cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng của hệ thống quản lý chất lượng của họ.

Sau khi xem xét tài liệu do Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đệ trình nhằm hỗ trợ đánh giá bàn về hệ thống quản lý chất lượng của nhà sản xuất, thông tin nộp lên không phải là bằng chứng đầy đủ về việc tuân thủ ISO 13485: 2016 Trang thiết bị y tế - Hệ thống quản lý chất lượng - Yêu cầu đối với các mục đích quy định và các yêu cầu được mô tả trong "hướng dẫn về yêu cầu ohân loại nhỏ: Chẩn đoán trong ống nghiệm (IVDS) Phát hiện axit nucleic SARS-COV-2, PQDX 347".

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/kit-xet-nghiem-cua-cong-ty-viet-a-khong-duoc-who-chap-thuan...

Nghệ An thêm 20 ca COVID-19 cộng đồng, trong đó có nhiều học sinh

Trong 12 giờ qua (từ 18h00 ngày 19/12 đến 6h00 ngày 20/12), Nghệ An ghi nhận 46 ca dương tính mới với COVID-19 tại 10 địa phương (Tx.Hoàng Mai 15 ca, Đô Lương 15 ca, Tx.Thái Hòa 5 ca, Yên Thành 2 ca, Tp.Vinh 2 ca, Quỳnh Lưu 2 ca, Con Cuông 2 ca, Tân Kỳ 1 ca, Diễn Châu 1 ca, Quỳ Châu 1 ca).

Trong đó có 20 ca cộng đồng (Tx.Hoàng Mai 13 ca, Yên Thành 2 ca, Tp.Vinh 2 ca, Diễn Châu 1 ca, Đô Lương 1 ca, Quỳ Châu 1 ca), 26 ca đã được cách ly từ trước (22 ca là F1, 4 ca từ các tỉnh miền Nam về). Ghi nhận 34 ca có triệu chứng, 12 ca không có triệu chứng.

Thông tin cụ thể các học sinh mắc dương tính cộng đồng mới như sau:

Bệnh nhân N.V.K., nam, SN 2008, địa chỉ Khối Yên Trung, phường Quỳnh Dị, Tx.Hoàng Mai. Bệnh nhân học cùng trường với bệnh nhân F0 N.D.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân được cách ly tập trung. Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi.

Bệnh nhân V.H.K., nam, SN 2008, địa chỉ Khối Yên Trung, phường Quỳnh Dị, Tx.Hoàng Mai. Bệnh nhân học cùng trường với bệnh nhân F0 N.D.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân được cách ly tập trung. Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. 

Bệnh nhân V.T.N.N., nữ, SN 2010, địa chỉ Yên Trung, phường Quỳnh Dị, Tx.Hoàng Mai. bệnh nhân là em của bệnh nhân V.H.K. được công bố cùng lúc. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân được cách ly tập trung. Bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, đau họng.

Bệnh nhân N.A.T., nữ, SN 2008, địa chỉ Khối Quang Trung, phường Quỳnh Dị, Tx.Hoàng Mai. Bệnh nhân học cùng trường với bệnh nhân F0 N.D.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân được cách ly tập trung. Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi.

Bệnh nhân L.T.M., nam, SN 2008, địa chỉ Khối Quyết Tiến, phường Quỳnh Phương, Tx.Hoàng Mai. Bệnh nhân học cùng trường với bệnh nhân F0 N.D.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân được cách ly tập trung. Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi.

Bệnh nhân T.M.S., nam, SN 2008, địa chỉ Khối Sỹ Tân, phường Quỳnh Dị, Tx.Hoàng Mai. Bệnh nhân học cùng trường với bệnh nhân F0 N.D.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân được cách ly tập trung. Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi.

Bệnh nhân M.H.T.K., nam, SN 2008, địa chỉ Quang Trung, phường Quỳnh Phương, Tx.Hoàng Mai. Bệnh nhân học cùng trường với bệnh nhân F0 N.D.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân được cách ly tập trung. Bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt.

Bệnh nhân N.H.L., nữ, SN 2008, địa chỉ thôn 12, Quỳnh Vinh, Tx.Hoàng Mai. Bệnh nhân học cùng trường với bệnh nhân F0 N.D.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân được cách ly tập trung. Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi.

Bệnh nhân N.A.Q., nam, SN 2008, địa chỉ thôn 5, xã Quỳnh Lộc, Tx.Hoàng Mai. Bệnh nhân học cùng trường với bệnh nhân F0 N.D.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân được cách ly tập trung. Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi.

Bệnh nhân N.X.T.A., nam, SN 2008, địa chỉ thôn 14 mới, Xã Quỳnh Vinh, Tx.Hoàng Mai. Bệnh nhân học cùng trường với bệnh nhân F0 N.D.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân được cách ly tập trung. Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi.

Bệnh nhân H.H.S., nam, SN 2008, địa chỉ Khối Hồng Hải, phường Quỳnh Phương, Tx.Hoàng Mai. Bệnh nhân học cùng trường với bệnh nhân F0 N.D.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân được cách ly tập trung. Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi.

Bệnh nhân N.H.C., nam, SN 2008, địa chỉ thôn Tân Thành, xã Quỳnh Lập, Tx.Hoàng Mai. Bệnh nhân học cùng trường với bệnh nhân F0 N.D.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân có triệu chứng sốt.

Bệnh nhân N.H.M.Q., nam, SN 2008, địa chỉ thôn 10, xã Quỳnh Vinh, Tx.Hoàng Mai. Bệnh nhân học cùng trường với bệnh nhân F0 N.D.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân được cách ly tập trung. Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi.

Bệnh nhân V.N.H., nữ, SN 2008, địa chỉ thôn Tân Thành, xã Quỳnh Thiện, Tx.Hoàng Mai. Bệnh nhân học cùng trường với bệnh nhân F0 N.D.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi có kết quả khẳng định. Bệnh nhân được cách ly tập trung. Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi.

Bệnh nhân P.Q.Q., nam, SN 2014, địa chỉ xóm Hòa Sơn, Văn Thành, Yên Thành. Ngày 19/12 bệnh nhân học cùng lớp với bệnh nhân F0 N.H.T. được công bố vào bản tin sáng ngày 19/12. Bệnh nhân được lấy mẫu gửi CDC có kết quả khẳng định.

Lũy tích từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 6.489 ca mắc COVID-19 ở 21 địa phương.  Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 5.321 bệnh nhân. Lũy tích số bệnh nhân tử vong 33 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 1.135 bệnh nhân.

Tổng số công dân từ các tỉnh phía nam về từ ngày 1/10 đến nay là 53.738, phát hiện 1.159 ca dương.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-them-20-ca-covid-19-cong-dong-trong-do-co-nhieu-hoc-...

CDC Hà Nội khẳng định không mua kit test COVID-19 của Công ty Việt Á

Chiều 20/12, Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 19/12, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Y tế Hà Nội biết được thông tin Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19.

Về nội dung này, Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Năm 2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) không mua bộ kit test xét nghiệm COVID-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. "Trong năm 2020, CDC Hà Nội được nhận một số bộ kit test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất từ các nhà tài trợ thông qua Mặt trận tổ quốc Thành phố”.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành để rà soát, báo cáo, tổng hợp việc mua sắm hoá chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng vừa ký ban hành công văn gửi Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Đảm bảo phương châm "bốn tại chỗ"; thực hiện việc mua sắm để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, phòng, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, khoa học, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực, Bộ Y tế đề nghị Bí thư Tỉnh, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện tốt các nội dung:

Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát lại kế hoạch mua sắm đảm bảo đủ số lượng, đúng chủng loại phù hợp với tình hình mới; thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm.

Trước đó, tối 18/12, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh “thổi giá” bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 (gọi tắt là Kit xét nghiệm COVID-19) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Nguồn: https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/cdc-ha-noi-khang-dinh-khong-mua-kit-test-covi...

Đà Nẵng dùng kết quả test nhanh xác định người nhiễm và khỏi COVID-19

Xác định người mắc COVID-19, có 3 trường hợp:

Thứ nhất, là người có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR.

Thứ hai, là trường hợp nghi ngờ có kết quả xét nghiệm test nhanh vi rút SARS-CoV-2 dương tính.

Thứ ba, là những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày và có kết quả xét nghiệm test nhanh vi rút SARS-CoV-2 dương tính với 2 loại test nhanh khác nhau. Trong trường hợp chỉ có kết quả dương tính với 1 loại test nhanh, người dân cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

Sở Y tế lưu ý, test nhanh phải do Bộ Y tế cấp phép.

Xác định F0 khỏi bệnh, Sở Y tế cũng hướng dẫn với hai trường hợp:

Thứ nhất, F0 điều trị tại nhà sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà sau 10 ngày. Kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên âm tính do NVYT thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của NVYT.

Thứ hai, với F0 điều trị tập trung, các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên. Có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính vào trước ngày ra viện.

Trước đó, tại cuộc họp BCĐ phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng lưu ý, Hà Nội đã được Bộ Y tế đồng ý dùng kết quả test nhanh để khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Đây cũng là cách để huy động nguồn lực và tính chủ động từ người dân. Vì vậy ngành y tế cần phải xem xét để áp dụng.

Nguồn: https://tienphong.vn/da-nang-dung-ket-qua-test-nhanh-xac-dinh-nguoi-nhiem-va-khoi-covid...

TP.HCM phát hiện 34 F0 sau một tuần thí điểm học trực tiếp

Chiều 20-12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đã tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch trên địa bàn.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM trả lời tại họp báo. Ảnh: TÁ LÂM

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM trả lời tại họp báo. Ảnh: TÁ LÂM

Thông tin tại buổi họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM, cho biết sau 7 ngày thí điểm dạy học trực tiếp khối 9 và 12, TP.HCM đã phát hiện 34 F0 gồm 4 giáo viên, 3 nhân viên của cơ sở giáo dục và 27 học sinh.

“Các trường hợp F0 xuất hiện đều nằm trong dự kiến của nhà trường và đã được các cơ sở giáo dục xử lý an toàn theo kịch bản. Việc dạy và học ở những lớp có F0 vẫn được tiến hành bình thường” - ông Trọng nói.

Trả lời câu hỏi về việc dạy học trực tiếp ở quận 10 thay đổi ra sao khi địa phương này tăng cấp độ dịch từ cấp 2 lên 3, ông Trọng cho biết việc dạy học trực tiếp sẽ thay đổi theo cấp độ dịch của một địa phương cấp huyện hay cả TP.HCM. “Việc này cũng đã có trong kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp trở lại của các cơ sở giáo dục cũng như TP” – ông Trọng nói.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản 3427 ngày 1-12 hướng dẫn thực hiện quyết định 3900 của Bộ Y tế, quy định với những cấp độ dịch thì sẽ có hình thức tương ứng dạy học trực tiếp, từ số tiết môn đến từng cấp bậc học.

“Khi có sự thay đổi cấp độ dịch, các cơ sở giáo dục sẽ căn cứ theo hướng dẫn để áp dụng linh hoạt để vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo chuyên môn dạy học” – ông Trọng nói.

Tại buổi họp báo, phóng viên cũng đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề một số phụ huynh tự xét nghiệm nhanh cho học sinh trước khi đến trường và đã phát hiện vài trường hợp dương tính, Sở Giáo dục và Đào tạo có khuyết khích không?

Trả lời câu hỏi này, ông Trọng cho biết hiện nay một trong những cách xác định F0 là người dân tự xét nghiệm khi có triệu chứng hoặc có yếu tố dịch tễ. “Nếu gia đình có điều kiện, có thể tự xét nghiệm cho học sinh, phát hiện sớm F0, không cho các em di chuyển đến trường, hạn chế việc tiếp xúc với những em khác là rất tốt” – ông Trọng nói.

Theo ông Trọng, trong hướng dẫn xử lý F0 là học sinh, Sở Y tế có chia ra F0 tại trường học và F0 tại nhà. Tất cả những trường hợp này đều nằm trong kịch bản ứng phó của các trường. “Học sinh mắc COVID-19 ở trường xử lý ra sao, mắc ở nhà có khác gì không, các trường đều đã có phương án xử lý riêng” – ông Trọng khẳng định và cho biết trong quá trình thực hiện dạy học trực tiếp đã xảy ra những trường hợp như vậy.

Trước đó, từ ngày 13-12, TP.HCM cho phép các trường THCS và THPT trên địa bàn tổ chức thí điểm dạy học trực tiếp trở lại đối với khối lớp 9 và 12.

Nguồn: https://plo.vn/giao-duc/tphcm-phat-hien-34-f0-sau-mot-tuan-thi-diem-hoc-truc-tiep-10346...

Tăng cấp độ dịch, một quận tại TPHCM cấm bán rượu bia

Tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch bệnh, ông Bùi Thế Hải - Phó chủ tịch UBND Quận 10, TPHCM cho biết, nguyên nhân tăng cấp độ dịch trên địa bàn quận là do đây là địa bàn giao thoa nhiều tuyến giao thông; người lao động từ các nơi về lưu trú trên địa bàn; người dân giao lưu sinh hoạt còn chủ quan trong phòng chống dịch; việc tầm soát người nhóm nguy cơ cao đã phát hiện thêm nhiều ca bệnh.

Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, theo ông Hải quận 10 đang tổ chức các giải pháp để giảm cấp độ dịch trên địa bàn. Hiện nay, 6 phường thuộc cấp độ 3 (vùng cam – nguy cơ cao) đang thực hiện nghiêm quy định, giảm các sự kiện, cấm bán rượu bia tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, tăng cường kiểm soát dịch đối với các khu nhà trọ, nhà cho thuê.

Ông Hải cho biết, quận 10 đang tăng cường nguồn nhân lực và các phương án để đảm bảo người người bệnh phải được phát thuốc kịp thời, nhanh chóng. Các trạm y tế lưu động đã được kích hoạt, tăng cường bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao, tổ chức cho người tiêm vắc xin; vận động nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn tham gia chăm sóc F0; Quận 10 đã hình thành 2 trạm oxy sẵn sàng cung cấp cho các đơn vị.

Bên cạnh đó, các trạm y tế lưu động, các nhà thuốc tư nhân trên địa bàn đang được huy động tham gia hỗ trợ chăm sóc F0. Chính quyền địa phương đang phối hợp với các bác sĩ thuộc Bệnh viện Đại học Y dược; Hội thầy thuốc trẻ, sinh viên đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch… theo dõi SPO2 cho các F0. Những phương án đang thực hiện được kỳ vọng sẽ giúp Quận 10 nhanh chóng kéo giảm được cấp độ dịch.

Nguồn: https://tienphong.vn/tang-cap-do-dich-mot-quan-tai-tphcm-cam-ban-ruou-bia-post1402980.t...

Thanh Hóa: Huyện biên giới Mường Lát thêm 112 ca mắc COVID-19

Chiều 20-12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết  tỉnh tiếp tục ghi nhận số mắc COVID-19 kỷ lục từ trước đến nay.

Theo đó, Thanh Hóa ghi nhận 247 ca mắc COVID-19 mới, có thêm 65 bệnh nhân đang thực hiện cách ly tập trung và bệnh nhân từ cách tỉnh khác về địa phương

Trong số 247 ca mắc COVID-19, có tới 182 ca  phát hiện trong cộng đồng. Đáng chú ý, tại huyện biên giới Mường Lát ghi nhận thêm 112 ca mắc COVID-19, nhiều nhất là xã Nhi Sơn (94), Trung Lý (11), Mường Lý (6), thị trấn Mường Lát (1).

Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng nghi nhận thêm nhiều ca cộng động tại TP Thanh Hóa (10), thị xã Nghi Sơn (10), Thạch Thành (5), Quảng Xương (6), Yên Định (5), thị xã Bỉm Sơn (5)...

Trong ngày, UBND huyện Mường Lát đã ban hành quyết định số 1617 về cập nhật và công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn huyện. Theo đó, đối với cấp huyện là mức độ cấp độ 3 (nguy cơ cao, vùng cam) và cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, vùng đỏ) là xã Nhi Sơn và Pù Nhi. 

Tính từ ngày 27-4 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận 5.365 ca COVID-19 cộng dồn, có 3.099 người điều trị khỏi được ra viện và 13 bệnh nhân tử vong. Trong 24 giờ qua đã thực hiện xét nghiệm bằng RT-PCR 10.668 mẫu tại các đơn vị y tế trong tỉnh Thanh Hóa.

Nguồn: https://plo.vn/suc-khoe/thanh-hoa-huyen-bien-gioi-muong-lat-them-112-ca-mac-covid19-103...

Cần Thơ thành lập Trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19

UBND TP Cần Thơ vừa có quyết định thành lập Trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 (gọi tắt trung tâm).

Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 quy mô 100 giường đặt tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: NN

Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 quy mô 100 giường đặt tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: NN

Cụ thể, Trung tâm điều trị tầng 3 theo phân tầng điều trị, thuộc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, quy mô 100 giường. Trụ sở làm việc của trung tâm đặt tại Bệnh viện Đa khoa TP.

Trung tâm tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy hiểm và hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 trên địa bàn TP và địa bàn các tỉnh trong vùng được phân công.

Cạnh đó, thiết lập mạng lưới, hướng dẫn, hỗ trợ về mặt chuyên môn cho khoa hồi sức tích cực của các bệnh viện trong vùng được giao phụ trách. Trong trường hợp có ca bệnh nặng, nguy kịch vượt quá khả năng chuyên môn, thực hiện chuyển tuyến người bệnh đến Trung tâm hồi sức tích cực Quốc gia được Bộ Y tế phân công phục trách vùng…

Theo thống kê từ ngày 8-7 đến ngày 19-12, TP Cần Thơ đã có 42.655 ca nhiễm, trong đó có 28.003 ca điều trị khỏi, có 15.084 F0 điều trị tại nhà, 2.286 F0 đang điều trị tại cơ sở y tế.

Nguồn: https://plo.vn/suc-khoe/can-tho-thanh-lap-trung-tam-hoi-suc-tich-cuc-dieu-tri-benh-nhan...

COVID-19: Một quốc gia đột ngột phong tỏa toàn quốc vì biến thể Omicron lây lan mạnh
Quán bar và tất cả các cửa hàng không thiết yếu ở Hà Lan sẽ bị đóng cửa từ nay cho đến ngày 14.1.2022, nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron....

Dịch COVID-19

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h