Tính đến thời điểm này, tỉnh Hà Nam ghi nhận hơn 10 ca mắc COVID-19 ở TP Phủ Lý, KCN Châu Sơn và huyện Thanh Liêm.
Thêm nhiều F0, Hà Nam buộc cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học
Ngày 21/9, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp và có nguy cơ nhiều F0. Qua truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đến 24h ngày 20/9, đã có thêm hơn 10 ca nghi mắc COVID-19 thuộc địa bàn thành phố Phủ Lý, huyện Thanh Liêm, khu công nghiệp Châu Sơn.
Hiện, tỉnh Hà Nam đã cho dừng khẩn cấp việc tổ chức dạy và học trực tiếp. Học sinh sẽ tạm nghỉ ở nhà dự kiến trong 1 tuần hoặc tới khi có thông báo mới.
Ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chủ trì cuộc họp khẩn trong đêm bàn về các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. (Ảnh BHN)
Trước sự việc này, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế huy động lực lượng tăng tốc xét nghiệm cho công nhân hai Công ty TNHH Dream Plastic và Công ty TNHH Espoir Việt Nam (Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý), nhân dân phường Lê Hồng Phong và xã Phù Vân trong tối và đêm 20/9.
Sau khi ghi nhận các ca nhiễm COVID-19, thành phố Phủ Lý đã tạm thời phong toả 3 khu dân cư, gồm một phần thôn Lê Lợi, xã Phù Vân với 428 hộ, tương đương với 1.856 nhân khẩu; một phần thôn Mễ Nội, phường Liêm Chính với 12 hộ, tương đương với 34 nhân khẩu và một phần khu dân cư tổ 3 phường Hai Bà Trưng với 130 hộ, tương đương 585 nhân khẩu. Đồng thời, các lực lượng chức năng đã điều tra, truy vết, xác định được trên 300 trường hợp F1, hơn 600 trường hợp F2 (riêng phường Liêm Chính có hơn 300 F2).
Lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, trước tình thế cấp bách, thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh, Sở đã chỉ đạo 6 huyện thành phố triển khai thành lập 6 đoàn lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine COVID-19 trong những ngày tới cho khoảng trên 20.000 người.
Bộ Chỉ huy Quân sự đề xuất ngành Y tế nâng cao năng lực xét nghiệm để đẩy nhanh tiến độ và sớm có kết quả, được thông báo kịp thời, giúp các ngành chức năng và các địa phương triển khai nhanh các biện pháp ứng phó với tình hình. Trong trường hợp các F1, F0 tăng cao, công suất hoạt động của các cơ sở cách ly tập trung của tỉnh không thể đáp ứng, tỉnh cần đề nghị Bộ Y tế kích hoạt Bệnh viện Dã chiến Bạch Mai cơ sở II, huy động cơ sở vật chất của khu cách ly Tam Chúc…
Ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân để người dân có ý thức phối hợp tốt với lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng đầy đủ.
Trong 3 ngày tới, các cơ quan đơn vị nghiên cứu, xem xét có thể bố trí cán bộ, công chức, viên chức đang sống và làm việc trên địa bàn thành phố tạm thời làm việc ở nhà theo hình thức online.
Các hàng quán được phép bán cho người dân mang về nhà. Ngành Giáo dục và đào tạo cho học sinh các bậc học nghỉ học một tuần không đến trường do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
(Theo Báo Giao Thông)
Mở rộng tầm soát SARS-CoV-2 liên quan chùm ca bệnh tại chợ Đông Hà
Chiều 21/9, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa có văn bản hỏa tốc gửi Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thị xã, thành phố và Ban Quản lý chợ Đông Hà về việc tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho các đối tượng liên quan chùm ca bệnh tại chợ Đông Hà (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).
Chợ Đông Hà bên QL1 phía Nam cầu Đông Hà, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Đáng chú ý, trước đó, ngày 17/9, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã có văn bản về việc tăng cường công tác xét nghiệm sàng lọc Covid-19, qua đó đã triển khai công tác lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 lần 1 đối với các đối tượng trên địa bàn TP Đông Hà có liên quan đến chùm ca bệnh tại chợ Đông Hà.
Qúa trình kiểm tra và làm việc với Ban Quản lý chợ Đông Hà, để kịp thời đáp ứng công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế yêu cầu TTYT các huyện, thị xã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho tất cả các tiểu thương của chợ Đông Hà nhưng cư trú tại các huyện, thị xã bằng phương pháp gộp mẫu (không thu phí).
Riêng TTYT Đông Hà tiếp tục thực hiện xét nghiệm đợt 2 tại mỗi phường trên địa bàn cho các đối tượng có liên quan đến chùm ca bệnh chợ Đông Hà.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp huyện thông báo và huy động các trường hợp có đến chợ Đông Hà (tại hàng rau, trái cây, thịt, cá) trong khoảng thời gian từ ngày 7/9 đến hết ngày 16/9, TTYT các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho các đối tượng trên theo phương pháp gộp mẫu (không thu phí).
Ban Quản lý chợ Đông Hà cung cấp danh sách các tiểu thương theo địa bàn cư trú cụ thể tại mỗi xã, phường trên địa bàn tỉnh cho các TTYT huyện, thị xã, thành phố để tiến hành rà soát và tổ chức xét nghiệm theo đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu các tiểu thương tại chợ Đông Hà thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khi trở lại hoạt động, đặc biệt lưu ý mỗi tiểu thương bắt buộc phải sử dụng khẩu trang và kính chắn giọt bắn.
Trước đó, liên quan đến 26 ca mắc Covid-19 tại TP Đông Hà từ ngày 15-19/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị phân tích trên cơ sở truy vết các mốc dịch tễ cho thấy, có 3 mốc dịch tễ có tỷ lệ lây nhiễm cao: 19 trường hợp liên quan đến mốc dịch tễ ăn giỗ tại nhà bà T.T.L.; 8 trường hợp liên quan đến chợ Đông Hà; 5 trường hợp liên quan đến lò mổ heo, khu phố Tây Trì, phường 1 (trong đó có một số trường hợp liên quan 2- 3 mốc dịch tễ trên).
Ngày 21/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị đã phát đi 2 thông báo về 5 trường hợp có kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 và các địa điểm có nguy cơ dịch tễ.
Trong các địa điểm này, có hàng rau chợ Đông Hà (16h- 16h15 ngày 6/9), hàng cá và hàng rau khu vực chợ trời chợ Đông Hà (ngày 9/9- 15/9).
(Theo Báo Giao Thông)
Đà Nẵng tìm người đến cây ATM cạnh Công ty Matrix liên quan 2 công nhân mắc Covid-19
Ngày 21-9, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã phát thông báo liên quan đến 2 ca mắc Covid-19 là công nhân Công ty Matrix Việt Nam - đường số 3 KCN Hòa Khánh.
Ngành y tế đề nghị, tất cả người từng đến rút tiền tại cây ATM bên trái cổng Công ty Matrix, thời gian từ 19 đến 20 giờ ngày 15-9, khẩn trương khai báo với y tế địa phương. Thời điểm trên có 2 công nhân của công ty này, đã được xác định mắc Covid-19 từng đến rút tiền.
Trước đó, tối 19-9, trên địa bàn quận Liên Chiểu xuất hiện 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại tổ 64, phường Hòa Khánh Nam. Người này là nữ công nhân làm việc tại Công ty Matrix Việt Nam - dây chuyền sản xuất số 7. Sau đó, 1 F1 - làm cùng dây chuyền với bệnh nhân (trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) cũng được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Công ty Matrix Việt Nam - KCN Hòa Khánh Đà Nẵng đã ghi nhận 3 ca mắc Covid-19
Tiếp đó, đến ngày 20-9, ngành y tế phát hiện thêm 1 nữ công nhân cùng làm việc tại chuyền số 7 nói trên (người này trú đường Phan Văn Định, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) dương tính với SARS-CoV-2.
Như vậy, tính đến hiện tại, Công ty Matrix Việt Nam đã ghi nhận 3 ca mắc Covid-19. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã đề nghị công ty này dừng hoạt động và thu hồi toàn bộ giấy đi đường của tất cả công nhân làm việc tại đây.
(Theo Người Lao Động)
TP.HCM: Doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm cho shipper từ 24/9
UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo khẩn về việc tạo điều kiện thuận lợi công tác xét nghiệm của lực lượng giao hàng (shipper) tiến tới quản lý bằng công nghệ.
Theo đó, nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP từ ngày 16 đến 30/9 và tiến tới quản lý kết quả xét nghiệm của lực lượng shipper bằng công nghệ, UBND TP chỉ đạo việc thực hiện xét nghiệm đối với shipper được tập trung thực hiện tại các trạm y tế lưu động trên địa bàn TP đến hết ngày 21/9. Từ ngày 22 đến 23/9, các doanh nghiệp và shipper tiến hành tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của doanh nghiệp hoặc sử dụng ứng dụng do Sở Thông tin và truyền thông hướng dẫn.
Toàn bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công Thương theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, 3 ngày/lần.
Các doanh nghiệp quản lý shipper nhận bộ xét nghiệm nhanh kháng khuyên tại Sở Công Thương. Thời gian này các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.
Kể từ 24/9 đến 30/9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào kho dữ liệu dùng chung của TP theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để phục vụ công tác phòng chống dịch.
UBND TP giao Sở Công Thương hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức và kết quả xét nghiệm.
Trong trường hợp shipper không đáp ứng các điều kiện như trên sẽ không được tham gia hoạt động.
Trước đó, từ 16/9, shipper được giao hàng liên quận với điều kiện phải xét nghiệm 2 ngày một lần, đã tiêm vắc xin, đăng ký với Sở Công Thương. Những ngày qua, tại các điểm test nhanh SARS-CoV-2 cho shipper rơi vào quá tải khiến hàng trăm shipper xếp thành hàng dài trong nhiều giờ chờ đến lượt test nhanh, không đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
(Theo Dân Việt)
TP HCM: Ai chưa tiêm vắc-xin mũi 1 có thể đăng ký qua Tổng đài tin nhắn 8066
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Võ Thị Trung Trinh vừa ký văn bản gửi UBND TP HCM về triển khai Tổng đài tiếp nhận tin nhắn đăng ký tiêm vắc-xin đối với người dân chưa tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi về việc triển khai Tổng đài tiếp nhận đăng ký tiêm vắc-xin Covid-19 đối với người dân chưa tiêm mũi 1, Sở Thông và Truyền thông đề xuất kế hoạch triển khai Tổng đài tiếp nhận đăng ký tiêm vắc-xin.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho công nhân khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức; Ảnh: Hoàng Triều
Cụ thể: đối tượng sử dụng là người từ 18 tuổi trở lên, chưa tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 và đang ở tại TP HCM.
Đầu số tiếp nhận tin nhắn SMS: 8066
Cú pháp tin nhắn SMS: MUI1 HoTen NamSinh QuanHuyen
Ví dụ 1: MUI1 NguyenVanA 1960 BinhChanh
Thời gian Tổng đài tiếp nhận bắt đầu lúc 10 giờ, ngày 21-9.
Danh sách đăng ký tiêm vắc-xin của người dân sẽ được chuyển qua thư điện tử đến UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Địa chỉ thư điện tử Tổng đài sử dụng để gửi danh sách đăng ký tiêm vắc-xin cho các quận, huyện và TP Thủ Đức là tiemvacxin@tphcm.gov.vn. Tần suất gửi danh sách đăng ký tiêm vắc-xin là 1 giờ/lần.
UBND các quận, huyện và TP HCM tiếp nhận thông tin đăng ký tiêm vắc-xin từ hệ thống Tổng đài và tổ chức tiêm theo Kế hoạch tiêm chủng của TP HCM.
(Theo Người Lao Động)
Những đối tượng nào ở Long An được cấp "thẻ xanh Covid"?
Theo ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, từ ngày 21/9, Long An áp dụng thẻ Covid cho việc đi lại của người dân, công nhân lao động, cán bộ, công chức, sinh viên…
Theo đó, có 2 loại thẻ là “thẻ xanh Covid và thẻ vàng Covid”, mỗi loại sẽ được áp dụng cho từng đối tượng để đi lại phù hợp của các địa phương trong tỉnh.
Cụ thể, “thẻ xanh Covid dành cho cá nhân đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và đủ 14 ngày sau khi tiêm; Đã tiêm 1 mũi vắc xin đối với loại vắc xin tiêm 1 mũi và đủ 14 ngày sau khi tiêm.
Long An áp dụng thẻ Covid trong giai đoạn phục hồi kinh tế
Ngoài ra , "thẻ xanh Covid" còn áp dụng cho F0 được điều trị tại cơ sơ y tế đã khỏi bệnh và đã được cơ sở y tế cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận hoàn thành điều trị nhưng không quá 6 tháng; các F0 điều trị tại nhà đã khỏi bệnh và đã được Trung tâm Y tế cấp giấy chứng nhận hoàn thành điều trị theo đề nghị của Trạm Y tế xã nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày được cấp giấy.
Đối với “thẻ vàng Covid”, dành cho cá nhân đáp ứng một trong các điều kiện; Đã tiêm 1 mũi vắc xin đối với loại vắc xin phải tiêm 2 mũi và đủ 14 ngày sau tiêm.
Theo ông Hòa, cả 2 loại thẻ này, có có giá trị thay thế giấy đi đường. Theo đó, người đáp ứng điều kiện “thẻ xanh Covid” được di chuyển trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, trừ các địa bàn đang áp dụng biện pháp hạn chế sự di chuyển để phòng, chống dịch bệnh. Người Người đáp ứng điều kiện “thẻ vàng Covid” được di chuyển trong phạm vi địa bàn cấp huyện, trừ các địa bàn đang áp dụng biện pháp hạn chế sự di chuyển để phòng, chống dịch bệnh.
Riêng người đáp ứng điều kiện “thẻ vàng Covid” là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước (kể cả các cơ quan, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh), nếu có giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thì được di chuyển trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh để đi làm hoặc đi công tác.
Ngoài ra, Long An cũng có quy định việc đi lại của những người chưa đáp ứng điều kiện “thẻ xanh Covid” và “thẻ vàng Covid” như: học sinh, sinh viên được di chuyển hàng ngày từ nơi ở đến nơi học. Trường hợp nơi ở và nơi học khác địa bàn huyện thì phải có giấy xác nhận của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Người dưới 18 tuổi (không phải là học sinh, sinh viên) và người chống chỉ định tiêm vắc xin được Trung tâm Y tế cấp huyện cấp giấy xác nhận: hạn chế di chuyển ra khỏi địa bàn cấp xã; trường hợp cần thiết phải di chuyển ra khỏi địa bàn cấp xã (trong phạm vi địa bàn cấp huyện) thì phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong thời hạn 72 giờ.
"Thẻ xanh Covid" và "thẻ vàng Covid" được sử dụng dưới dạng điện tử của ứng dụng Bluezone hoặc Sổ sức khỏe điện tử cài trực tiếp trên điện thoại hoặc trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.
(Theo Báo Giao Thông)
Chủ tịch huyện có đơn xin nghỉ việc vì thấy còn thiếu sót trong phòng, chống dịch
Ngày 21-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Điền (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết đã đi làm trở lại và đang ở cơ quan làm việc. "Trong thời gian qua, tôi có vấn đề về sức khoẻ nên có tạm thời xin nghỉ việc. Tuy nhiên, nay sức khoẻ tôi đã ổn định nên đã đi làm trở lại"- ông Nguyễn Bá Hùng thông tin.
Cùng ngày, ông Lê Ngọc Linh, Bí thư huyện ủy huyện Long Điền cũng xác nhận ông Nguyễn Bá Hùng vẫn đang đi làm. Khi nhận được thông tin ông Nguyễn Bá Hùng có đơn xin nghỉ, ông Lê Ngọc Linh cũng đã động viên. "Tôi không có bình luận gì thêm về việc ông Nguyễn Bá Hùng xin nghỉ, chỉ biết trong thời điểm này thì cùng cố gắng động viên để làm tốt công tác phòng, chống dịch", ông Lê Ngọc Linh thông tin thêm.
Huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu
Một nguồn tin cho biết đến nay Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu chưa giải quyết đơn nghỉ việc của ông Nguyễn Bá Hùng. Sau khi nhận được chia sẻ, động viên, ông Nguyễn Bá Hùng đã rút đơn và đi làm lại bình thường. Trong chiều nay, tỉnh sẽ có họp báo thông tin rõ hơn về vụ việc.
Trước đó, ngày 19-9, Thường trực Huyện ủy Long Điền nhận được đơn xin nghỉ việc của ông Nguyễn Bá Hùng. Trong đơn, ông Nguyễn Bá Hùng nêu lý do: "Trong thời gian qua, bản thân đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch. Tuy nhiên, bản thân nhìn nhận vẫn còn những thiếu sót trong chỉ đạo, điều hành, cụ thể một số địa phương trên địa bàn huyện còn thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, dẫn đến hiện nay vẫn còn phát sinh một số ca dương tính trong cộng đồng và tại khu vực phong tỏa".
Sau khi nhận đơn, Bí thư huyện ủy Long Điền đã chia sẻ, động viên ông Nguyễn Bá Hùng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Hùng khẳng định xin nghỉ việc từ ngày 19-9 và đề xuất giao công việc điều hành cho phó chủ tịch.
(Theo Người Lao Động)
Phát hiện nhiều ca COVID-19, Phú Quốc thông báo khẩn tìm người có liên quan
Sáng 21-9, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã phát đi thông báo khẩn truy tìm người tiếp xúc gần với các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trên địa bàn TP.
Theo đó, qua xét nghiệm sàng lọc tại phường An Thới ngày 20-9, lực lượng chức năng đã phát hiện bà HTH (ngụ khu phố 1, bán bún riêu) dương tính với virus SARS-CoV-2. Qua truy vết, lực lượng y tế đã phát hiện thêm chín trường hợp khác dương tính với virus SARS-CoV-2.
Kết quả xét nghiệm sàng lọc, Phú Quốc ghi nhận một người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, qua công tác truy vết ngành chức năng địa phương ghi nhận thêm chín trường hợp khác. Ảnh: TM
Từ tình hình trên, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Phú Quốc yêu cầu những người đã từng đến các khu vực sau trong thời gian từ ngày 7 đến 20-9 liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất đễ được hỗ trợ, hướng dẫn: Cầu cảng An Thới, chợ cá An Thới, trại hòm Sáu Điệp, nhà bà Nguyễn Thị Huệ, nhà thùng nước mắm Hớn Hưng (phường An Thới) và khu vực cảng Vịnh thuộc ấp Suối Lớn (xã Dương Tơ).
Trước đó, tối 20-9, UBND tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định áp dụng Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ tại 10 địa phương là huyện Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Giồng Riềng, Kiên Hải, Tân Hiệp, Giang Thành và TP Phú Quốc.
Cạnh đó, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với huyện Kiên Lương và TP Hà Tiên và phường Vĩnh Quang, phường Vĩnh Thanh (TP Rạch Giá), các xã Mỹ Lâm, Mỹ Phước, Sơn Kiên, Bình Sơn, Bình Giang, thị trấn Hòn Đất (huyện Hòn Đất) và thị trấn Minh Lương (huyện Châu Thành).
Các xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn TP Rạch Giá, huyện Hòn Đất và huyện Châu Thành được nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Hà Nội cách ly khu vực "ổ dịch" ở phường Thanh Xuân Trung đến 28/9
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến sáng 21/9, khu vực 'ổ dịch' phường Thanh Xuân Trung (tập trung chủ yếu ở 328 - 330 Nguyễn Trãi) có tổng cộng 588 ca mắc COVID-19.
Đây là khu vực được đánh giá là "ổ dịch" phức tạp, nguy hiểm nhất ở Thủ đô vì nguy cơ lây nhiễm cao, người dân sinh sống đông đúc, chật chội trong ngõ nhỏ và các khu tập thể cũ.
Quận Thanh Xuân đã phong toả khu vực này từ 23/8, đồng thời, thực hiện di dời gần 1.200 người dân thuộc khu vực này đi cách ly tập trung tại huyện Thạch Thất.
Theo báo cáo của UBND quận Thanh Xuân, đến nay, quận đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn, hoàn thành xét nghiệm tầm soát diện rộng và tiêm vắc xin phòng COVID-19 (mũi 1) cho người dân từ 18 tuổi trở lên (đối với các trường hợp đủ điều kiện); đã triển khai và đưa vào hoạt động trạm y tế lưu động tại 11 phường.
Thời gian tới, quận tiếp tục phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 1 cho đối tượng là người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai (trên 13 tuần) và người dân chưa đủ điều kiện tiêm tại tuyến cơ sở.
Tiếp tục tổ chức tiêm cho người dân là F1, F0 (đã khỏi bệnh) hoặc các đối tượng khác được trở về nhà sau thời điểm ngày 15/9. Tiếp tục phối hợp với cơ sở y tế huyện Thạch Thất rà soát, vận động tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân còn lại của phường Thanh Xuân Trung đang thực hiện cách ly tại đây.
(Theo Tiền Phong)
Quảng Ninh mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh
Tỉnh Quảng Ninh chính thức mở lại một số hoạt động du lịch nội tỉnh từ ngày 21/9/2021 với mục tiêu phấn đấu thu hút khách du lịch đến trong các tháng, quý còn lại của năm nay, đón 1,9 - 2,0 triệu lượt khách du lịch.
Quảng Ninh mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh từ 21/9/2021.
Theo đóm trong khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 10/2021, tỉnh Quảng Ninh tập trung kích cầu du lịch nội tỉnh. Tiếp đến, từ tháng 11 và 12/2021, tỉnh Quảng Ninh sẽ kết hợp kích cầu nội tỉnh với thu hút khách du lịch ngoại tỉnh, trong đó tập trung khai thác ở các địa phương phía Bắc. Cụ thể; chỉ đón khách từ các địa phương đã qua 14 ngày không xuất hiện các ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Khách du lịch bắt buộc phải tiêm 2 mũi vaccine và có xét nghiệm PCR trong vòng 48 tiếng.
Tỉnh Quảng Ninh ưu tiên áp dụng các mô hình du lịch không gây rủi ro về dịch bệnh cho cộng đồng dân cư, các sản phẩm du lịch giá trị gia tăng cao; khuyến khích các tour du lịch lưu trú dài ngày, khép kín. Nhân viên phục vụ các tour du lịch ngoại tỉnh phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, thực hiện xét nghiệm định kỳ và làm việc theo mô hình "3 tại chỗ". Việc giám sát quy định phòng dịch đối với các hoạt động du lịch phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư.
Đến thời điểm hiện tại, sau TP Hạ Long, nhiều địa phương khác của Quảng Ninh như TP Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, huyện Vân Đồn… đã cho phép hoạt động lại một số dịch vụ, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Thông tin mới nhất về việc cô giáo tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 cách nhau 10 phút
Ngày 21/9, Sở Y tế Quảng Bình đã thông tin về trường hợp cô giáo N.T.K (tên đã được thay đổi) tiêm cùng một lúc 2 mũi vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19 tại huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình vào ngày 18/9 vừa qua.
Theo báo cáo của sở Y tế Quảng Bình, vào ngày 18/9, điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy đã tổ chức triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng theo Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 16/9/2021 của Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 huyện Lệ Thủy.
Từ 7h30 đến 8h30 tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca cho các đơn vị Tiểu học, Trung học cơ sở tại các xã: Trường Thủy, Hồng Thủy, Thanh Thủy thuộc huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình.
Lúc 7h30 ngày 18/9, chị N.T.K đã tiến hành khai báo y tế, được cán bộ tại bàn hướng dẫn phát phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng và phiếu xác nhận đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại điểm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy.
Tiếp theo chị N.T.K được khám sàng lọc trước tiêm chủng và tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca mũi thứ nhất lúc 7h40 phút tại bàn tiêm số 1. Sau đó, chị N.T.K không theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm chủng theo quy định mà tiếp tục đến bàn tiêm chủng số 2 để tiêm tiếp mũi 2 vào lúc 7h45 phút.
Tại đây, cán bộ y tế tại điểm tiêm đã phát hiện và tiến hành theo dõi 40 phút sau tiêm chủng đối với trường hợp trên rồi điểm tiêm đã phát phiếu xác nhận tiêm chủng và cho trường hợp trên về nhà để tiếp tục theo dõi. Hiện tại, sức khỏe của chị N.T.K bình thường.
Về nguyên nhân của sự cố trên, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Bình khẳng định chị N.T.K đã không tìm hiểu kỹ về các loại vắc xin phòng COVID-19, nhất là loại vắc xin AstraZeneca mình đang được tiêm.
Chị N.T.K không thực hiện đúng quy trình tiêm chủng đã được hướng dẫn là đợi theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm chủng mà lại đến bàn tiêm số 2 để tiến hành tiêm tiếp mũi thứ 2 vắc xin AstraZeneca.
Còn đối với điểm tiêm chủng Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy đã không kiểm tra kỹ lưỡng thông tin tiêm chủng của chị N.T.K các bước trong quá trình thực hiện tiêm chủng chưa được kiểm soát chặt chẽ nên mới để xảy ra trường hợp nói trên.
Hiện nay, ngành Y tế Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi sức khỏe trường hợp nói trên 28 ngày, nhất là trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng theo quyết định của Bộ Y tế và thông báo với chị N.T.K có trách nhiệm báo cáo tình trạng sức khỏe 2 lần/ngày cho điểm tiêm vắc xin phòng Covid -19 Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy.
Đối với việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 sau sự việc trên, Sở Y tế Quảng Bình yêu cầu các đơn vị để chấn chỉnh các bước trong quá trình thực hiện tiêm chủng, từ khâu khám sàng lọc, tiêm chủng và theo dõi sau tiêm cần được kiểm soát nghiêm ngặt.
Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thuỷ, Trung tâm Y tế huyện Lệ Thuỷ nói riêng và tại các điểm tiêm trên địa bàn tỉnh rút kinh nghiệm, thực hiện nghiêm túc các khâu trong quá trình tiêm vắc xin COVID-19, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh các trường hợp không đáng có xảy ra.
(Theo Tiền Phong)
Số ca nhiễm Covid-19 ở ổ dịch Delta mới của TQ tăng trở lại sau một ngày
Các tình nguyện viên Trung Quốc được phun khử khuẩn ở Hạ Môn, một trong 3 thành phố là điểm nóng lây nhiễm ở tỉnh Phúc Kiến.
Trung Quốc thông báo có thêm 72 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 20.9, bao gồm 42 ca nhiễm trong cộng đồng và 30 ca nhập cảnh.
Toàn bộ các ca nhiễm cộng đồng mới đều ở tỉnh Phúc Kiến, với 36 ca tại thành phố Hạ Môn, 5 tại Phủ Điền và một tại Tuyền Châu.
Một ngày trước, tỉnh Phúc Kiến chỉ ghi nhận 28 ca nhiễm mới trong cộng đồng, thấp nhất trong 7 ngày. Đợt dịch do biến thể Delta lây lan mạnh bắt đầu từ Tuyền Châu vào ngày 10.9, đến nay có tổng cộng 408 ca nhiễm.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan, người đứng đầu ban chỉ đạo chống dịch Covid-19, ngày 21.9 có chuyến thăm đến Hạ Môn và thành phố Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, theo truyền thông địa phương.
“Trong khi cuộc chiến chống ổ dịch Covid-19 mới đã đạt được một số thành công, vẫn nhiều điều chưa chắc chắn”, bà Tôn nói. “Chúng ta không thể lạc quan một cách mù quáng, lơ là cảnh giác”.
Bà Tôn kêu gọi các địa phương ở tỉnh Phúc Kiến xét nghiệm Covid-19 nhanh hơn, toàn diện hơn, mở đợt điều tra dịch tễ học chi tiết hơn để kiểm soát sự lây lan của virus.
Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng kêu gọi quản lý chặt chẽ các khu vực cách ly, tăng cường kiểm tra và đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực này.
Bà Tôn đến kiểm tra tình hình chống dịch Covid-19 ở tỉnh Phúc Kiến từ ngày 18.9, đã tới nhiều thành phố xuất hiện ca nhiễm mới.
21.9 cũng là ngày nghỉ cuối cùng trong dịp Tết Trung thu ở Trung Quốc, là ngày các gia đình thường quây quần bên nhau. Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc trên phạm vi cả nước đã tích cực thực hiện các biện pháp hạn chế sự lây lan của virus.
Các cơ quan nhà nước phải cử người thường xuyên túc trực trong kỳ nghỉ để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Tỉnh Phúc Kiến cũng công bố những thay đổi đối với mã sức khỏe y tế, áp dụng hệ thống ba màu phân loại theo nguy cơ lây nhiễm, gồm xanh lá cây, vàng và đỏ.
Người dân có mã sức khỏe xanh không bị giới hạn khi ra ngoài, trong khi người có mã màu vàng bị cấm tới các địa điểm công cộng, phải xét nghiệm Covid-19 và giám sát sức khỏe.
Người có mã sức khỏe màu đỏ phải tự cách ly tại nhà hoặc tại nơi được chỉ định. Những trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm sẽ bị chuyển mã sức khỏe sang màu vàng.
Người đến các cơ sở y tế trong tình trạng sốt cũng có mã sức khỏe màu vàng. Sau khi giai đoạn lây nhiễm tiềm tàng đã qua, người có mã sức khỏe vàng cần làm xét nghiệm Covid-19 để được chuyển về màu xanh.
Giới chức Trung Quốc tiếp tục khuyến cáo người dân trên toàn quốc hạn chế tới các điểm du lịch đông người, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ vận tải thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus.
Ủy ban Y tế Trung Quốc kêu gọi người dân không di chuyển tới các vùng có nguy cơ cao và vừa nếu không thực sự cần thiết. Người dân cũng nên tránh nơi đông người, không tập trung quá 10 người tại các bữa tối gia đình.
(Theo Dân Việt)