Lãnh đạo Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ không áp dụng phân vùng và không áp dụng giấy đi đường, duy trì phong tỏa hẹp và linh hoạt các ổ dịch.
Chiều 20/9, Thành ủy Hà Nội và UBND Thành phố tổ chức họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Báo cáo tại cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tp.Hà Nội sau 4 đợt giãn cách xã hội, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y Hà Nội cho biết, trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin vừa rồi, thành phố được cấp hơn 3 triệu liều vắc-xin và tiêm hết trong 7 ngày.
“Đây là nỗ lực của Hà Nội trong công tác tiêm chủng”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói và cho biết, Thành phố đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ nhân dân. Tính đến hết ngày 18/9, toàn thành phố đã có tiêm được hơn 6,4 triệu mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Trong đó, số tiêm mũi một là hơn 5,6 triệu mũi, đạt 94,2% dân số trong độ tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên. Số mũi 2 đã tiêm là hơn 780 nghìn, đạt 12% dân số trong độ tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên.
Cũng tại cuộc họp, thông tin định hướng về các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn thành phố thời gian tới, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho biết, kể từ 6h sáng 21/9, thành phố sẽ điều chỉnh, nới lỏng một số hoạt động nhưng ưu tiên hàng đầu là công tác đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và an toàn cho Thủ đô…
Về một số nguyên tắc chính sẽ áp dụng, theo ông Dũng, Thành phố sẽ không áp dụng phân vùng và không áp dụng cấp giấy đi đường cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Thành phố sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát di biến động của người dân.
Ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội phát biểu tại cuộc họp.
Ông Dũng khẳng định, Thành phố sẽ không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Trung ương.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, thành phố đã phân cấp ủy quyền cho các sở ngành, địa phương nhằm hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp để thực hiện tốt giải pháp phục hồi sản xuất kinh tế, kinh doanh dịch vụ để đảm bảo an toàn với dịch. Hà Nội sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức hậu kiểm về công tác phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cũng cho hay, Thành phố sẽ duy trì phong tỏa hẹp, quản lý chặt và ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh quá trình truy vết khi có F0 phát sinh trên địa bàn thành phố.
Điều chỉnh hoạt động khu vực ổ dịch, khu vực nguy cơ cao và phong tỏa một cách linh hoạt cũng như điều chỉnh các hoạt động trên địa bàn thành phố một cách linh hoạt.
"Đề nghị tất cả người dân và tổ chức doanh nghiệp tiếp tục nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch để giữ kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua" - ông Dũng nhấn mạnh và cho biết các cá nhân, tổ chức khi được nới lỏng hoạt động trong thời gian tới sẽ phải thực hiện các tiêu chí, quy định do Thành phố ban hành liên quan đến công tác phòng, chống dịch.
Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh ở Hà Nội có nhiều dấu hiệu tích cực khi F0 ghi nhận hàng ngày đang có chiều hướng giảm, ít ca mắc trong cộng đồng, hơn 5,6 triệu người trên 18 tuổi được tiêm vắc-xin mũi 1…
Như vậy, 6h sáng mai (21/9), Hà Nội sẽ chính thức kết thúc đợt giãn cách lần thứ 4 để phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, UBND Tp.Hà Nội quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6h ngày 24/7 đến 6h ngày 8/8. Tiếp theo, do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thành phố đã tiếp tục giãn cách xã hội đợt 2 từ 6h ngày 8/8 đến 6h ngày 23/8. Đợt giãn cách xã hội thứ 3 được tính từ 6h ngày 23/8 đến 6h ngày 6/9. Tuy nhiên, chiều 3/9 (trước thời hạn kết thúc giãn cách xã hội đợt 3), Hà Nội quyết định tiếp tục giãn cách xã hội từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9 và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng cụ thể với các mức: Chỉ thị 16 ở mức cao, Chỉ thị 15 ở mức cao và Chỉ thị 15. |