Nữ công an chính quy đang làm ở xã Cẩm Đông mắc COVID-19 hiện chưa rõ nguồn lây, trước khi mắc bệnh có di chuyển tới một số nơi đông người.
Nữ công an Hải Dương mắc COVID-19 chưa rõ nguồn lây đi ăn nhà hàng, tới Vinmart+ và chợ Bắc Kinh
Chiều 21/5, một lãnh đạo UBND huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cho biết, trên địa bàn huyện mới ghi nhận 1 ca mắc COVID-19, bệnh nhân là chị L.H.H (BN4836 vừa được Bộ Y tế công bố) 33 tuổi, là công an chính quy xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng, điều đáng nói bệnh nhân hiện chưa rõ nguồn lây.
Trước đó, bệnh nhân được lấy mẫu gộp xét nghiệm SARS-CoV-2 nghi dương tính. Sau đó, kết quả xét nghiệm khẳng định ngày 21/5 cho thấy chị H. dương tính với SARS- CoV-2. Được biết, chị H. chỉ làm việc ở xã Cẩm Đông, còn nhà ở phường Hải Tân (TP Hải Dương). Qua điều tra dịch tễ, lịch trình bước đầu của bệnh nhân được xác định như sau:
- Ngày 1/5/2021: Khoảng 11h chị H. cùng những người trong gia đình đến ăn trưa tại nhà hàng hải sản Vân Đồn, đường Trường Chinh, TP Hải Dương. Chị H. và gia đình ăn tại tầng 2 của nhà hàng, trong phòng có một số bàn khách khác.
- Từ ngày 2/5/2021 đến nay:
Khoảng 7h hàng ngày, chị H. đưa con đi học tại Trường mầm non ABC trên đường Nguyễn Bình Khiêm, TP Hải Dương, chỉ đứng ngoài cổng trường, không tiếp xúc với ai. Đến ngày 8/5/2021, con của chị H. được nghỉ học.
Từ 7h30 hàng ngày, chị H. đến làm việc tại trụ sở UBND xã Cẩm Đông, tiếp xúc thường xuyên với những người làm cùng và một số công dân đến làm việc. Buổi trưa chị H. ăn cơm một mình và nghỉ tại phòng làm việc.
Buổi chiều làm việc tại cơ quan đến khoảng 17h. Hết giờ làm việc chị H. về nhà, tiếp xúc với những người trong gia đình và thường xuyên về nhà bố mẹ đẻ ở đại lộ Hồ Chí Minh, phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương.
Trong khoảng thời gian trên chị H. có đến cửa hàng Vinmar+ trên đường Thanh Niên và tới chợ Bắc Kinh và để mua rau của cô Y., mua thịt của cô N. trong khoảng thời gian từ 17h00 đến 18h30 nhưng không nhớ ngày nào.
- Ngày 18/5/2021: chị H. được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
- Ngày 19/5/2021: Khoảng 6h-6h30 chị H. mua phở gà tại quán phở trên đường Minh Khai, TP Hải Dương (cách hiệu sách Minh Khai khoảng 5 nhà dân).
- Ngày 20/5/2021: Kết quả xét nghiệm chùm nghi dương tính.
- Ngày 21/5/2021: Kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính.
Lực lượng chức năng huyện Cẩm Giàng truy vết được 27 F1 là cán bộ tại UBND xã Cẩm Đông, công an huyện Cẩm Giàng, được đưa đi cách ly tập trung; 127 F2 được cách ly tại nhà. Ngoài ra, 6 người thân trong gia đình bệnh nhân cũng được cách ly tập trung.
Ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan, đồng thời phun khử khuẩn trụ sở UBND xã Cẩm Đông.
Lê Phương
Người dân từ Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh và Bắc Giang trở về TP.HCM sau kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 đều phải xét nghiệm SARS-CoV-2
Ngày 21/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) phát thông báo thực hiện xét nghiệm giám sát, đánh giá nguy cơ dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, để giám sát, đánh giá nguy cơ dịch bệnh COVID-19, HCDC thông báo đến tất cả người dân từ Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh và Bắc Giang trở về TP.HCM sau kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 thực hiện ngay các nội dung sau:
- Liên hệ y tế địa phương (Trạm Y tế, Trung tâm Y tế) khai báo để được sắp xếp lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
- Hạn chế tiếp xúc trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.
Trong chiều 21/5, HCDC cũng đã ra thông báo khẩn tìm người đến các địa điểm liên quan đến bệnh nhân mắc COVID-19.
Cụ thể:
- Liên quan đến bệnh nhân 4583: Những người đến thanh toán tại quầy thu ngân tầng trệt ngay bên trái cửa ra vào của Nhà sách Nguyễn Huệ (40 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1) từ 18h30 đến 18h40 ngày 14/05/2021.
- Liên quan đến bệnh nhân 4782: Những người đến Starbucks coffee store New World (tại Góc Phạm Hồng Thái & Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1) từ 21 giờ đến 21 giờ 45 ngày 13/05/2021.
Liên quan đến các bệnh nhân mắc COVID-19 tại quận 3, ngày hôm qua (20/5), HCDC cũng đã ra thông tìm người đến các địa điểm: quán BÁNH CANH CÁ LÓC O THANH có 02 chi nhánh: 287/5 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3, TP.HCM và 289 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3 từ ngày 12/05/2021 đến sáng ngày 20/5 2.
Những người đến khám tại Trung tâm Y khoa MEDIC số 254, Hòa Hảo, phường 4, Quận 10 cùng khung giờ từ 8-14 giờ ngày 19/05/2021.
Những trường hợp đến địa điểm và khung giờ trên, thực hiện khai báo tại y tế địa phương để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.
Hữu Huy
Giáo viên đau tức ngực đi khám phát hiện dương tính, có đến Bệnh viện 105 Sơn Tây
Theo báo cáo, ca dương tính này là giáo viên ở trung tâm huyện Văn Giang, Hưng Yên. Trước khi phát hiện dương tính bệnh nhân có di chuyển một số nơi, sau khi có triệu chứng đau tức ngực thì vào viện khám và được cách ly, ngày 20/5 xét nghiệm cho kết quả dương tính. Qua điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy:
- Từ ngày 21/4-27/4, bệnh nhân về quê tại xã Lai Thượng, Thạch Thất, chỉ ở lại trong làng, trong gia đình.
- Từ 28/4-5/5, bệnh nhân đi thăm bố tại Khoa ngoại, Bệnh viện 105 ở Sơn Tây. Ngày 5/5, bố bệnh nhân ra viện.
- Từ ngày 6/5-14/5, bệnh nhân chỉ ở nhà, trong làng, không đi ra ngoài.
- Ngày 15/5, bệnh nhân đau ngực và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất và theo dõi, chưa xác định được nguyên nhân bệnh nên đưa vào khu cách ly tại Khoa Truyền nhiễm. Xét nghiệm cho kết quả âm tính (BV Sơn Tây xét nghiệm).
- Chiều 15/5 và sáng 16/5, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất tiếp nhận 2 F1 từ khu cách ly tập trung của TP về điều trị tại bệnh viện. Anh bệnh nhân ở cùng khu cách ly tại Khoa Truyền nhiễm với 2 F1 này. 2 F1 này sau đó được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
- Tối 19/5, bệnh nhân xuất hiện ho, sốt được lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC Hà Nội xét nghiệm, ngày 20/5 kết quả cho dương tính với SARS-CoV-2.
Theo đại diện UBND huyện Thạch Thất, sau khi 2 F1 có kết quả dương tính, huyện đã chỉ đạo bệnh viện tạm thời phong toả Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, lấy mẫu xét nghiệm các bác sĩ, nhân viên, lái xe tiếp xúc gần với 2 trường hợp dương tính đều cho kết quả âm tính.
Theo đại diện UBND huyện Thạch Thất, sau khi có kết quả dương tính, lực lượng chức năng đã truy vết 31 F1, kết quả xét nghệm 31 trường hợp này âm tính. Ngoài ra còn có 187 F2 đang cách ly tại nhà.
Lê Phương
TP.HCM: Từ 18 giờ tối nay, quán ăn uống nhỏ chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn uống tại chỗ
Sáng 21/5, TP.HCM đã tổ chức họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19. Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu các hàng quán ăn uống nhỏ và vừa chỉ bán mang đi, không phục vụ tại chỗ.
Bên cạnh đó, nhà hàng, nhà hàng trong khách sạn chỉ phục vụ cùng lúc không quá 20 người.
Đồng thời, tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ, hoạt động tôn giáo có quy mô 20 người trở lên.
Ngoài việc kiểm tra, nhắc nhở trực tiếp, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức tiến hành phạt nguội các cơ sở kinh doanh ăn, uống trên cơ sở hình ảnh thu thập được (nếu cố tình vi phạm).
Các nội dung trên sẽ được áp dụng từ 18h tối nay (21/5) cho đến khi có thông báo mới.Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên hợp đồng (khoảng 123.000 người) đang làm việc tại TP. HCM phải gương mẫu trong việc chấp hành yêu cầu 5K của ngành y tế, đặc biệt nên hạn chế tối đa việc ăn uống, tiếp khách ở bên ngoài trụ sở cơ quan và nơi ở.
Hữu Huy
TP HCM: Phong tỏa tạm thời chợ Phú Nhuận vì liên quan Covid-19
Sáng 21-5, cơ quan chức năng đã phong tỏa một đoạn đường dài tầm 300m trong chợ Phú Nhuận (phường 17, TP HCM) để khoanh vùng lấy mẫu khẩn cấp người có mặt trong chợ vì liên quan đến Covid-19.
Chợ Phú Nhuận bị tạm thời phong tỏa đoạn 300 mét vì liên quan Covid-19
Theo ông Dương Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Phú Nhuận, lực lượng y tế đang tiến hành điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm những người trong chợ Phú Nhuận. Một phần chợ Phú Nhuận được phong tỏa tạm thời để phục vụ công tác điều tra dịch tễ.
Theo UBND phường 17 quận Phú Nhuận, cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm 25 hộ với 96 nhân khẩu và 12 sạp với 26 tiểu thương. Đây là ca nghi nhiễm mới, người này ở một mình và cho 2 người khác thuê bán quán cà phê. Hiện người này đã được đưa đi cách ly.
(Theo Người Lao Động)
Phát hiện F0 ngoài KCN, Bắc Giang khẩn đề nghị "người nhà nào ở yên nhà ấy"
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bắc Giang, ngày 20/5, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận 695 trường hợp nhiễm Covid-19 (tăng thêm 92 trường hợp so với ngày hôm trước).
Trong đó, số ca nhiễm mới chủ yếu là công nhân của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, tại KCN Quang Châu.
Ngoài việc các ổ dịch trong KCN đã dần được kiểm soát, những ngày gần đây, trên địa bàn đã xuất hiện một số trường hợp F0 không phải là công nhân, được phát hiện trong quá trình xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng gồm giáo viên, học sinh, nông dân.
Người lao động ở trọ tại tổ My Điền 2, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm sáng 21/5.
Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bắc Giang dự báo trong những ngày tới số lượng ca F0 vẫn tăng nhưng ít có khả năng tăng đột biến so với những ngày trước do các ổ dịch lớn đã được khoanh vùng, cách ly, các đối tượng nguy cơ cao đã được lấy xét nghiệm và đã có kết quả, mặt khác các khu công nghiệp đã tạm dừng hoạt động, nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội… Tuy nhiên, sẽ xuất hiện các ca nhiễm ngoài cộng đồng do đã tiếp xúc trước đó, nay đến giai đoạn khởi phát.
Do vậy, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản đề nghị người dân thực hiện triệt để việc nhà cách ly với nhà; người nhà nào ở yên nhà ấy; không gặp gỡ tiếp xúc với ai ở bên ngoài; không đến chơi nhà ai; không cho ai vào nhà mình với tinh thần nhà nhà cửa đóng then cài. Chỉ được ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.
"Mỗi người tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, tự đo thân nhiệt, chủ động khai báo y tế ngay bằng điện thoại cho tổ Covid cộng đồng và trạm y tế xã khi trong gia đình có người biểu hiện mất khả năng ngửi, ốm mệt, dấu hiệu cảm cúm, sốt, ho, đau họng, viêm đường hô hấp hoặc các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh; tuyệt đối không được dấu bệnh.
Chủ động, tự giác khai báo y tế ngay nếu bản thân hoặc người trong gia đình có tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc có liên quan với các yếu tố dịch tễ nguy cơ mắc bệnh; thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu 5K của Bộ Y tế, đó là: đeo khẩu trang, không tụ tập, thường xuyên khử khuẩn tay; giữ khoảng cách và khai báo y tế", Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bắc Giang khuyến cáo.
(Theo Báo Giao Thông)
Quảng Bình không tiếp nhận người trở về từ "vùng dịch" Bắc Giang, Bắc Ninh
Ông Hồ An Phong - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa ký công văn gửi các Sở, ban ngành, đoàn thể cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc bổ sung các biện pháp nhằm phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn này.
Ông Hồ An Phong - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kiểm tra hoạt động của chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên tuyến Quốc lộ 1 tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình nhận định, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh; tình trạng người về địa bàn tỉnh từ các vùng có dịch bằng phương tiện giao thông công cộng, xe hợp đồng, xe du lịch, phương tiện cá nhân...
Qua ghi nhận tại các Chốt kiểm soát dịch Covid-19 của tỉnh Quảng Bình, qua khai báo y tế khi trở về địa phương liên tục và ngày càng nhiều nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh cao, khó kiểm soát.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo tạm dừng tiếp nhận người từ các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh vào địa bàn tỉnh từ 18 giờ ngày 21-5 cho đến khi có thông báo mới.
Trừ các phương tiện vận tải nông sản, hàng hóa thiết yếu vào địa bàn tỉnh Quảng Bình rồi quay trở lại ngay và cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Các lái xe thường trú tại tỉnh Quảng Bình vận tải nông sản, hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, lúc trở về phải khai báo y tế để được cách ly y tế phù hợp.
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, công ty từ các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đến làm việc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phải có phương án phòng chống dịch và được Sở Y tế Quảng Bình đồng ý bằng văn bản.
UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường vận động nhân dân tích cực giám sát, phát hiện, đấu tranh với các trường hợp cố tình trốn cách ly, không chịu khai báo hoặc khai báo không trung thực.
(Người Lao Động)
Ấn Độ: Số ca nhiễm COVID-19 giảm nhưng số người tử vong không ngừng tăng
Theo Thời báo Hoàn Cầu, dù số ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày ở Ấn Độ dường như đã qua đỉnh nhưng con số tử vong thì vẫn không ngừng gia tăng khi liên tục ở mức trên 4.000.
Ấn Độ đã báo cáo thêm 259.269 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên hơn 26 triệu, đứng thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ). Tổng số người tử vong hiện hơn 259.269, tăng 4.209 trường, thấp hơn 1 chút so với con số kỷ lục 4.529 ca được ghi nhận 1 ngày trước đó tại nước này.
Theo dữ liệu của Reuters, chỉ có Mỹ đã trải qua số người chết trong một ngày nghiêm trọng hơn Ấn Độ. Ngày 12/ 2, có đến 5.444 người đã chết tại Mỹ do dịch bệnh COVID-19.
Trong vài tháng qua, Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, do biến thể virus mới đầu tiên được phát hiện tại nước này đã khiến số ca nhiễm mới tăng vọt mỗi ngày.
Khi các bệnh viện và cả các lò hỏa táng bị quá tải, quan điểm cho rằng "các số liệu chính thức đánh giá thấp tác động thực tế của dịch bệnh" đã được chấp nhận rộng rãi. Một số chuyên gia thậm chí còn tuyên bố rằng số ca nhiễm và tử vong thực tế có thể cao hơn từ 5 - 10 lần.
Các chuyên gia cũng lo lắng rằng chủng virus đột biến ở Ấn Độ có thể "vượt khỏi tầm kiểm soát" do thiếu khả năng xét nghiệm và nhiều trường hợp không được báo cáo, đặc biệt là ở các vùng nông thôn rộng lớn của Ấn Độ.
Rijo M John, giáo sư tại Trường Khoa học Xã hội Rajagiri ở thành phố Cochin, miền nam Ấn Độ, nói rằng: "Nhiều địa điểm thử nghiệm nằm trong thành phố, nhưng các trường hợp ở đó có thể đã đạt đến đỉnh điểm, vì vậy nó không hữu ích lắm. Đã đến lúc phải di dời chúng đến những vùng nông thôn rộng lớn hơn".
Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới nhưng tỷ lệ tiêm chủng chậm chạp của nước này đang bị chỉ trích do thiếu nguồn cung.
Cuộc khảo sát mới đây của cơ quan thăm dò ý kiến CVOTER cho thấy tỷ lệ ủng hộ với Narendra Modi đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm cầm quyền của ông.
Theo Đời sống & Pháp luật
Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở Đà Nẵng: Tôi không biết nguồn lây của mình!
Sáng 21-5, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhân 2982 (N.T.N, SN 1993, trú TP Hội An, tỉnh Quảng Nam - là nhân viên massage tại khách sạn Phú An, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Đây là ca bệnh được phát hiện đầu tiên trong cộng đồng tại TP Đà Nẵng ở đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.
Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi, cho biết bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng đã khỏi Covid-19, không khó thở, không ho, không sốt, ăn uống tạm; X-quang phổi và các xét nghiệm chức năng gan, thận bình thường.
Bệnh nhân 1982 nhận giấy ra viện sáng ngày 21-5
Bệnh nhân 2982 cho hay khi biết tin bị nhiễm Covid-19 thì bản thân rất suy sụp và stress nặng. "Khi vào viện, tôi đã phải khóa tất cả các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để ổn định tâm lý nhằm điều trị bệnh. Các bác sĩ cũng khuyên tôi như vậy để tránh bất ổn tâm lý" - bệnh nhân 2982 nói.
Trước khi phát hiện mắc bệnh, bệnh nhân cho hay thường xuyên ở nhà, chỉ đi làm trong khoảng 4 ngày trong dịp lễ 30-4 và 1-5 cho tới khi phát hiện triệu chứng nghi ngờ.
"Tôi không biết mình bị nhiễm từ ai. Công việc của tôi là tại khu vực spa của khách sạn, trong thời gian làm việc, tôi tiếp xúc với rất nhiều người từ các nơi đến. Thật sự tới hiện tại tôi cũng đang muốn biết nguồn lây của mình là từ đâu nhưng chưa tìm ra được" - bệnh nhân 2982 nói.
Bệnh nhân 2982 cho hay khi có triệu chứng sốt đã tự vào viện và được Bệnh viện Hoàn Mỹ chẩn đoán sốt siêu vi. "Lúc này, vì lo lắng nên tôi xin bệnh viện cho xét nghiệm SARS-CoV-2 và bất ngờ khi nhận được kết quả dương tính" - bệnh nhân 2982 kể.
(Theo Người Lao Động)
Các trường hợp công nhân là F0, F1 sẽ được hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng
Chiều 19/5, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam ban hành quyết định hỗ trợ khẩn cấp đối với các đoàn viên người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt bùng phát thứ 4 này.
Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến ngày 17/5, cả nước đã ghi nhận 380 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 là công nhân lao động tại các các doanh nghiệp và khu công nghiệp ở các tỉnh, cụ thể Bắc Giang 310 ca, Đà Nẵng 36 ca, Điện Biên 13 ca, Bắc Ninh 11 ca, Hà Nội 7 ca, Hưng Yên 1 ca, Phú Thọ 1 ca và Tuyên Quang 1 ca. Con số này đã tăng lên đáng kể trong 2 ngày sau đó.
Công nhân là F0, F1, F2 sẽ được hỗ trợ trong thời gian điều trị bệnh hoặc cách ly. Ảnh: Báo Thanh Niên
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hàng nghìn công nhân lao động đã phải nghỉ việc, cách ly, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và thu nhập cá nhân. Theo đó, Tổng LĐLĐ đã quyết định hỗ trợ tài chính cho những công nhân là F0 và F1 trong đợt dịch này.
Cụ thể, với những đoàn viên, người lao động là F0 đang điều trị bệnh, có quan hệ lao động và không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người. Trong khi đó, những trường hợp công nhân là F1 cũng sẽ được hưởng khoản tiền hỗ trợ lên tới tối đa 1,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng áp dụng mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người đối với đoàn viên, người lao động có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu, có hoàn cảnh khó khăn, lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang ở trong các khu vực bị phong tỏa.
Đối với những trường hợp đặc biệt khác nếu cần hỗ trợ, Ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố chủ động xem xét, quyết định theo thẩm quyền phù hợp với tình hình thực tế.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã đưa ra mức hỗ trợ với người làm nhiệm vụ trực tiếp đi tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, khu công nghiệp; tham gia hỗ trợ truy vết, xét nghiệm, cưỡng chế cách ly y tế; rà soát, thống kê người lao động trong các khu cách ly, khu phong tỏa. Theo đó, những người này sẽ được nhận khoản tiền từ 100.000 - 150.000 đồng/người/ngày kể cả ngày nghỉ lễ, tết; tổng số tiền 1 người được nhận không quá 2 triệu đồng.
Cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sẽ được hỗ trợ từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/người/ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết; tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người.
(Theo Đời sống & Pháp luật)