COVID-19 23/11: Họp khẩn trong đêm khi xuất hiện 3 ổ dịch cộng đồng liên quan đến nhiều học sinh

H.A - Ngày 23/11/2021 12:14 PM (GMT+7)

Sau khi phát hiện 3 ổ dịch Covid-19 chưa rõ nguồn lây tại huyện Tân Kỳ, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc họp khẩn để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch.

8 diễn biến

Họp khẩn trong đêm khi xuất hiện ổ dịch Covid-19 liên quan đến nhiều học sinh, giáo viên

Tối 22-11, PGS-TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, đã có buổi làm việc với Ban chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 huyện Tân Kỳ để bàn các giải pháp khống chế dịch tại địa phương này.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chủ trì cuộc họp khẩn trong đêm khi xuất hiện nhiều ổ dịch Covid-19 tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Sở Y tế cung cấp

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chủ trì cuộc họp khẩn trong đêm khi xuất hiện nhiều ổ dịch Covid-19 tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Sở Y tế cung cấp

Theo báo cáo, huyện Tân Kỳ vừa xuất hiện 3 ổ dịch Covid-19 chưa rõ nguồn lây. Cụ thể, ổ thứ nhất tại Trung tâm Y tế Tân Kỳ, F0 là bệnh nhân V.Đ.T. (SN 1983), trú xóm Thuận Yên, Nghĩa Hoàn. Sau khi xuất hiện ca bệnh, đã tiến hành điều tra truy vết 13 F1 trong Trung tâm Y tế. Tổ chức lẫy mẫu xét nghiệm các thành viên gia đình bệnh nhân thì phát hiện bố, mẹ và vợ đều nhiễm SARS-CoV-2.

Ổ dịch Covid-19 thứ 2 tại Trường THCS Nghĩa Đồng khi có 32 học sinh, 2 giáo viên và 3 phụ huynh có kết quả test nhanh nghi ngờ, đến nay đã phát hiện 2 F0. 

Ổ dịch thứ 3 là tại Trường cấp 3 Lê Lợi khi có 3 học sinh và 1 phụ huynh có kết quả test nhanh nghi ngờ, 1 trường hợp bán hoa trước cổng trường này đã có kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Phát biểu tại cuộc họp, PGS-TS Dương Đình Chỉnh cho biết tình hình dịch Covid-19 tại huyện Tân Kỳ đang có chiều hướng rất phức tạp, đặc biệt tại xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Hoàn dịch đã lây lan vào trường học. Đây là điều đáng lo lắng nhất hiện nay.

Ông Chỉnh đề nghị cần tiếp tục điều tra, truy vết nhanh nhất các trường hợp F1 liên quan đến các ca bệnh, tránh bị bỏ sót. Cần khoanh vùng rộng để nhận diện tình hình dịch, ngoài 3 xã Nghĩa Hoàn, Nghĩa Thái, Nghĩa Đồng, cần nhận diện thêm: Thị trấn, Giai Xuân, Tân Phú để xem xét, đưa ra các giải pháp chống dịch phù hợp. 

Tổ chức cách ly xét nghiệm theo quy định, các trường hợp học sinh THCS được thực hiện tầm soát như F1. Đối với Trường cấp 3 Lê Lợi, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho các học sinh liên quan đến F0. Các xã Nghĩa Hoàn, Nghĩa Đồng xem xét làm test nhanh cho người dân toàn xã ít nhất 2 lần/1 tuần. Các xã Giai Xuân, Tân Phú tiến hành lấy mẫu thăm dò hộ gia đình. Đối với những người dân có triệu chứng ho, sốt, khó thở… thì được xét nghiệm miễn phí.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/hop-khan-trong-dem-khi-xuat-hien-o-dich-covid-19-lien-quan-...

TP.HCM: 75% F0 tử vong là người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều

Chiều 22/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại thành phố.

Trước tình trạng số ca nhiễm, F0 nhập viện, tử vong có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, theo thống kê, từ ngày 19-21/11, TPHCM có 151 trường hợp tử vong, trong đó có 18 ca mắc bệnh nền, 75% trường hợp chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều.

Đối với một số trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn tử vong, bà Mai cho rằng, xét đến yếu tố cộng đồng, khi số F0 tăng cao, khoảng 15% - 20% ca nhiễm sẽ có diễn tiến nặng, chủ yếu tập trung ở người cao tuổi hoặc có bệnh nền, trong đó 5% có nguy cơ tử vong.

Sở Y tế khuyến cáo, để giảm số ca tử vong, chúng ta cần giảm số ca F0 nhập viện. Do đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch, chú trọng 5K+vắc xin, không được lơ là dù đã tiêm đủ 2 mũi.

Sở Y tế khuyến cáo người dân cần chú trọng 5K+vắc xin, không được lơ là dù đã tiêm đủ 2 mũi.

Sở Y tế khuyến cáo người dân cần chú trọng 5K+vắc xin, không được lơ là dù đã tiêm đủ 2 mũi.

Liên quan đến kiến nghị của TP.HCM về rút ngắn thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày xuống còn 7 ngày với người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, đã tiêm 2 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7, Chánh văn phòng Sở Y tế thông tin, đề xuất này dựa trên cơ sở hơn 81% trường hợp tiêm đủ liều vắc xin đều không có triệu chứng khi nhiễm COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính sau 7 ngày và những ngày tiếp theo. Việc rút ngắn thời gian cách ly sẽ góp phần gia tăng hiệu quả chăm sóc, điều trị F0, đặc biệt là giảm quá tải khu cách ly trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 của TPHCM còn cao.

Về túi thuốc B - kháng đông, kháng viêm, được áp dụng khi F0 có triệu chứng nhẹ hoặc chớm bắt đầu. Theo tập huấn đối với các lực lượng y tế địa phương, gói thuốc B và C được các trạm y tế địa phương quản lý chặt chẽ, không phát đại trà, rộng rãi. Tùy theo mức độ bệnh nặng, bác sĩ sẽ khám và quyết định cấp phát thuốc phù hợp. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ rà soát lại và ban hành hướng dẫn sử dụng túi thuốc cho F0 tại nhà.

Trước tình trạng F0 trên địa bàn gia tăng, Sở Y tế TPHCM đã có công văn gửi Bộ Y tế xin cấp thêm 100.000 liều Molnupiravir. Sáng 22/11, Bộ Y tế đã cấp cho Sở Y tế TP trước 5.000 liều thuốc nêu trên để kịp hỗ trợ F0 trên địa bàn. Theo Chánh văn phòng Sở Y tế, hiện TP vẫn còn 2.000 liều Molnupiravir trong kho, một số cơ sở y tế tại địa phương vẫn còn dư số thuốc trên trong đơn vị. ). Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chuyển thuốc theo nhu cầu của TPHCM.

Về tình trạng người dân tự xét nghiệm cho kết quả dương tính nhưng không thông báo cho ngành y tế vì cho rằng có thông báo thì cũng không được tiếp nhận và cấp thuốc, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm lý giải, do một số trạm y tế phường, xã và trạm y tế lưu động không đủ nhân sự; đường dây nóng hoạt động chưa được thông suốt nên đã có tình trạng này xảy ra.

Sở Y tế đã chấn chỉnh kịp thời và hỗ trợ các địa phương tăng cường nhân lực cho các trạm y tế lưu động để tiếp cận F0 nhanh nhất có thể.

Theo ông Tâm, khi người dân tự xét nghiệm và phát hiện dương tính nên gọi điện đến trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc trạm y tế lưu động. Trong vòng 24 giờ, nhân viên y tế sẽ tiếp cận, kiểm tra xét nghiệm, sau đó đánh giá tình trạng bệnh cũng như điều kiện cách ly, điều trị đối với F0 và F1 để có sự hướng dẫn, chăm sóc phù hợp.

“Thực tế có một số người dân khi phát hiện dương tính không thông báo cho cơ sở y tế hoặc không được ghi nhận, không được cấp thuốc không những tạo nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng mà còn thiệt hại cho chính F0 và gia đình", ông Tâm chia sẻ.

Đại diện HCDC cũng cho biết, không phải tất cả F0 đều được cấp phát các túi thuốc, chỉ người có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ thì được cấp túi thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu không được cấp thuốc thì F0 vẫn có quyền lợi khác nếu khai báo cho ngành y tế, ví dụ như người bệnh được chăm sóc và can thiệp kịp thời khi có triệu chứng trở nặng, chuyển viện sớm; F1 trong gia đình cũng được theo dõi, quản lý và bảo vệ, đặc biệt với gia đình có người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền...

Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/tphcm-75-f0-tu-vong-la-nguoi-chua-tiem-vac-xin-hoa...

Sau một tháng, Bắc Giang ghi nhận thêm gần 1.000 ca mắc mới COVID-19

Theo tổng hợp của Trung tâm Chỉ huy Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang, đối tượng mắc trong đợt dịch này chủ yếu là công nhân, làm nghề tự do và ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Trong những ngày qua, số ca mắc của chùm ca bệnh ở doanh nghiệp trong khu công nghiệp Vân Trung có xu hướng giảm song vẫn ở mức cao, số ca mắc tập trung trong các khu cách ly. 

Ngoài ra, vẫn xuất hiện một số ca F0 ở nơi cách ly liên quan đến chùm ca bệnh ở huyện Yên Thế, các chùm ca bệnh khác và người từ vùng dịch về. Khả năng sẽ xuất hiện các ca mắc mới trong cộng đồng liên quan đến chùm ca bệnh tại doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Nội Hoàng (Yên Dũng).

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động tại Khu Công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Ảnh: Minh Thu

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động tại Khu Công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Ảnh: Minh Thu

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhận định, tình hình dịch trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, có ca bệnh trong khu, cụm công nghiệp, cộng đồng, bên ngoài xâm nhập, thậm chí có ca bệnh không rõ nguồn lây.

Do vậy, toàn tỉnh cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã và đang thực hiện. Khi chưa có dịch phải phòng thật chặt, không để các nguồn lây xâm nhập vào địa bàn; khi phát hiện có dịch cần nhanh chóng điều tra, truy vết, khoanh vùng rộng để tầm soát. Sau đó xác định được nguy cơ sẽ thu hẹp lại để phong tỏa, cách ly; xét nghiệm, khoanh vùng rộng rồi thu hẹp dần để dập dịch.

Theo thống kê từ ngày 26/10/2021 đến nay, tỉnh Bắc Giang ghi nhận 986 ca mắc COVID-19 mới. Cụ thể:

Số ca liên quan đến CCB công ty Luxshare - Vân Trung: 374 trường hợp

Số ca liên quan ổ dịch mới ở Công ty Bao Bì An Mỹ (Yên Dũng): 9 trường hợp

Chưa rõ nguồn lây: 7 trường hợp

Số ca đi từ vùng dịch về: 66 trường hợp

Số ca liên quan đến CCB huyện Yên Thế là: 254 trường hợp

Số ca liên quan đến CCB công ty Luxshare - Quang Châu là: 153 trường hợp

Số ca liên quan đến chùm ca bệnh (CCB) huyện Lạng Giang là: 54 trường hợp

Số ca liên quan đến CCB huyện Tân Yên Là: 28 trường hợp

Số ca liên quan CCB chợ Ninh Hiệp - Hà Nội: 14 trường hợp

Số ca liên quan CCB thôn Hạ xã Thượng Lan huyện Việt Yên là: 25 trường hợp

Số ca bị lây nhiễm liên quan từ lấy mẫu F0: 2 trường hợp.

Trung tâm Chỉ huy Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung cao, khống chế và xử lý dứt điểm ổ dịch ở doanh nghiệp trong khu công nghiệp Vân Trung; các địa phương quản chặt lực lượng công nhân của doanh nghiệp trong khu công nghiệp Vân Trung đang cách ly tại nhà. Hai huyện Việt Yên, Yên Dũng quản lý tốt khu cách ly tập trung, không để lây nhiễm chéo, không để bố trí mật độ dầy trong một phòng.

Đối với ổ dịch mới phát sinh, huyện Yên Dũng chỉ đạo truy vết, không để sót các trường hợp liên quan đến các trường hợp F0 ở cụm công nghiệp Nội Hoàng, đồng thời thực hiện các biện pháp không để dịch lây lan sang các công ty trong khu công nghiệp cũng như lây lan ra cộng đồng. Một số địa phương có công nhân làm việc tại các công ty này thực hiện nghiêm theo dõi cách ly tại nhà, sớm tìm ra nguồn lây.

Các ổ dịch hiện hữu, nhiều ngày nay không phát sinh thêm các ca F0 như huyện: Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên, thành phố Bắc Giang, các địa phương tiếp tục theo dõi, không được chủ quan để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Còn một số trường hợp chưa xác định nguồn lây như xã Tân Tiến, thành phố Bắc Giang cần áp dụng biện pháp mạnh để cách ly, phong tỏa địa bàn dân cư có đối tượng chưa rõ nguồn lây. Thực hiện nghiêm các biện pháp không để dịch lây lan ra cộng đồng, tập trung nguồn lực điều tra, truy vết sớm tìm ra nguồn lây.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/sau-mot-thang-bac-giang-ghi-nhan-them-gan-1000-ca-mac-moi-cov...

Quảng Ninh: Các trường hợp liên quan đến đoàn xiếc có kết quả xét nghiệm Covid-19 ra sao?

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, ngày 22/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 28 ca mắc Covid-19.

Cụ thể, tại huyện Hải Hà ghi nhận 13 ca mắc Covid-19. Trong đó, 4 ca đã được quản lý và cách ly, là công nhân Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Hà; 1 ca đã được quản lý và cách ly, là công nhân Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt; 8 ca ghi nhận trong cộng đồng, đều có tiếp xúc gần với các ca mắc Covid-19.

Tại TX Đông Triều ghi nhận 5 ca mắc Covid-19, đều là F1, đã được giám sát và cách ly.

Tại huyện Đầm Hà ghi nhận 3 ca mắc Covid-19, đều là F1, đã được giám sát và cách ly.

Tại TX Quảng Yên ghi nhận 2 ca mắc Covid-19, đều là F1, đã được giám sát và cách ly.

Tại huyện Tiên Yên ghi nhận 1 ca mắc Covid-19, trường hợp này là F1, đã được giám sát và cách ly.

Tại TP Cẩm Phả ghi nhận 1 ca mắc Covid-19, trường hợp này là F1, trở về từ TP.Hồ Chí Minh, đã được giám sát và cách ly.

Tại huyện Ba Chẽ ghi nhận 1 ca mắc Covid-19, là nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ. Trường hợp này là F1, có tiếp xúc với 2 ca F0 ghi nhận tại huyện Tiên Yên.

Lấy mẫu xét nghiệm tại quán cà phê Old Town, địa điểm có liên quan đến ca mắc Covid-19. Ảnh: QMG

Lấy mẫu xét nghiệm tại quán cà phê Old Town, địa điểm có liên quan đến ca mắc Covid-19. Ảnh: QMG

Tại TP Hạ Long ghi nhận 2 ca mắc Covid-19. Trong đó, 1 ca là nhân viên đoàn xiếc từ TP Hà Nội về Quảng Ninh, có tiền sử tiếp xúc với người nhà là F0 tại Hà Nội; 1 ca là F1 của nhân viên đoàn xiếc trên.

Đây là các trường hợp trong mẫu gộp 5 được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh phát hiện nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày 21/11. Ngay sau đó, các trường hợp trên được lấy mẫu đơn gửi CDC Quảng Ninh để thực hiện xét nghiệm khẳng định.

Các địa điểm có liên quan đến các mốc dịch tễ của những người này đã được phong tỏa, nhân viên làm việc tại khách sạn, nhà hàng được yêu cầu cách ly tại chỗ, lấy mẫu xét nghiệm.

Trong đêm 21/11, TP Hạ Long truy vết toàn bộ những trường hợp liên quan đến buổi biểu diễn xiếc tối 20/11 và sử dụng các dịch vụ tại các địa điểm liên quan.

Đến sáng 22/11, CDC Quảng Ninh khẳng định 2/5 mẫu có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. 

Theo Giám đốc CDC Quảng Ninh, 2 ca mắc Covid-19 này có tải lượng virus thấp, khó có khả năng lây.

Cũng theo CDC Quảng Ninh, đến 16h ngày 22/11, kết quả xét nghiệm sàng lọc các trường hợp liên quan đến đoàn xiếc đều âm tính với SARS-CoV-2.

Nguồn: https://danviet.vn/quang-ninh-cac-truong-hop-lien-quan-den-doan-xiec-co-ket-qua-xet-ngh...

Covid-19: Châu Phi nhận cảnh báo đáng sợ

Giới chuyên gia cảnh báo châu Phi có thể đối mặt với nhiều làn sóng lây nhiễm mới, bởi đến giờ chỉ có khoảng 7% trên tổng số 1,3 tỉ dân của châu lục này được tiêm phòng đầy đủ.

Phần lớn các nước châu Phi phụ thuộc vào nguồn cung vắc-xin từ nước ngoài và trong bối cảnh tình hình Covid-19 đang diễn biến xấu tại châu Âu, nguồn vắc-xin san sẻ cho châu Phi nhiều khả năng bị ảnh hưởng.

Theo đài Deutsche Welle (Đức), quốc gia của họ đã quyết định giữ lại những mũi vắc-xin mà trước đây dự định chuyển cho các quốc gia thu nhập thấp. 

"Chúng tôi phải hoãn một phần kế hoạch đóng góp cho COVAX (Cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu), đóng góp BioNTech quốc tế, từ tháng 12 năm nay đến tháng 1 và tháng 2 năm sau để đảm bảo Đức có đủ vắc-xin" – Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố vào tuần rồi.

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 nhiều khả năng đột biến nếu các nước không đạt được miễn dịch cộng đồng. Ảnh: DW

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 nhiều khả năng đột biến nếu các nước không đạt được miễn dịch cộng đồng. Ảnh: DW

Tuyên bố trên được đưa ra vài ngày sau khi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ trích một số quốc gia dự trữ vắc-xin Covid-19.

Tổ chức phi lợi nhuận ONE Campaign (trụ sở Washington) đã kêu gọi chính phủ Đức đảo ngược quyết định nêu trên để tiếp tục san sẻ vắc-xin cho COVAX.

"Nếu chúng ta không hành động nhanh để đảm bảo người dân trên toàn thế giới được tiêm chủng, đại dịch sẽ còn kéo dài" – Giám đốc ONE Campaign ở Đức Stephan Exo-Kreischer nhấn mạnh, trước khi mô tả quyết định của Bộ trưởng Spahn là "một sai lầm nghiêm trọng".

"Lượng người được tiêm liều 3 ở các nước giàu hiện đã cao hơn so với lượng người được tiêm liều đầu tiên ở các nước nghèo. Đây là hệ quả của các quyết định chính trị tồi tệ" – ông Exo-Kreischer nói thêm.

Châu Phi đang chứng kiến xu hướng giảm trong số ca nhiễm hằng ngày, bất chấp tỉ lệ tiêm chủng thấp. Tuy nhiên, ông Exo-Kreischer khẳng định WHO ước tính số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn gấp 7 lần.

"Châu Phi có tỉ lệ lây nhiễm thấp do xét nghiệm và báo cáo rất ít" – chuyên gia Wolfgang Preiser của Trường ĐH Stellenbosch (Nam Phi) nói.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-chau-phi-nhan-canh-bao-dang-so-202111230910...

Vũng Tàu phong tỏa 1 xã 33.000 người vì ổ dịch phức tạp

Ngày 22-11, UBND xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản về việc thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo cấp độ 4. Đây là địa phương có số ca mắc Covid-19 tăng cao trong những ngày qua và là ổ dịch phức tạp của tỉnh.

Người dân Long Sơn được tiêm mũi 2 vắc-xin trong thời điểm dịch đang bùng phát tại đây

Người dân Long Sơn được tiêm mũi 2 vắc-xin trong thời điểm dịch đang bùng phát tại đây

Xã Long Sơn là địa phương đầu tiên của Bà Rịa- Vũng Tàu nâng cấp độ dịch lên cấp 4, sau khi tỉnh này thực hiện các hoạt động nới lỏng, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Theo đó, UBND xã Long Sơn sẽ thực hiện phong tỏa toàn địa bàn để phòng chống dịch Covid-19 theo cấp độ 4, bắt đầu từ 0 giờ ngày 23-11.

Địa phương này sẽ tạm dừng một số hoạt động ngoài trời, hoạt động trong nhà như: hội họp, tập huấn, hội thảo...; tạm dừng các hoạt động kinh doanh mặt hàng không thiết yếu, các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: cắt tóc, gội đầu, làm đẹp, karaoke, internet, trò chơi điện tử, bán hàng rong, vé số dạo; tạm ngừng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; các hoạt động nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, tham quan du lịch, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao...

Chính quyền địa phương bố trí 2 chốt cửa ngõ vào xã Long Sơn để kiểm soát người ra vào địa bàn trong thời gian phong tỏa.

Người dân chỉ được ra khỏi địa bàn xã khi đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, được đi đến các vùng khác khi có giấy xét nghiệm kháng nguyên hoặc PCR âm tính có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu; khi đến nơi đến phải tự theo dõi sức khỏe 7 ngày.

Người mới tiêm 1 mũi vắc-xin chỉ được ra khỏi xã trong trường hợp thực sự cần thiết như khám chữa bệnh theo giấy chuyển viện của bệnh viện, đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai và một số trường hợp cấp bách khác… và phải có giấy xác nhận của địa phương.

Người dân được vào địa bàn xã, người đang sinh sống ở các khu vực cấp 1, cấp 2 thì không cần giấy xét nghiệm âm tính; trường hợp không chứng minh được đang sinh sống ở khu vực cấp 1, cấp 2 thì phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/vung-tau-phong-toa-1-xa-33000-nguoi-vi-o-dich-phuc-tap-20211...

Lâm Đồng phát hiện hơn 100 ca mắc COVID-19 cộng đồng trong một ngày, ca mắc cộng đồng tại Hậu Giang tiếp tục tăng

Sáng 23/11, Sở Y tế Lâm Đồng ghi nhận 171 ca mắc mới COVID-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó Đức Trọng dẫn đầu với 72 ca, Đơn Dương 28 ca, Lâm Hà 19 ca, Đà Lạt 17 ca…

Trong số 72 ca mắc mới ở Đức Trọng, có tới 70 trường hợp phát hiện tại cộng đồng. Nghiêm trọng nhất là ổ dịch mới ở thôn R’Chai 1 (xã Phú Hội) với 36 bệnh nhân vừa phát hiện qua sàng lọc trong cộng đồng. Xã Phú Hội trở thành vùng nguy cơ cao (vùng cam, cấp độ 3). Kế đến là ổ dịch mới đường Hoàng Văn Thụ (thị trấn Liên Nghĩa) với 26 bệnh nhân vừa phát hiện trong cộng đồng.

Lấy mẫu xét nghiệm để truy vết F0 tại cộng đồng

Lấy mẫu xét nghiệm để truy vết F0 tại cộng đồng

Ở huyện Đơn Dương có 28 ca mắc mới ở 5 xã, thị trấn đều phát hiện trong cộng đồng. Tại TP Đà Lạt có 17 ca mới, trong đó chùm ca phát hiện từ nhà phân phối Thái Hưng (lô 13B, phân khu D, Khu Liên hiệp thể thao, phường 7) tuy mới truy vết bước đầu đã có 12 bệnh nhân phát hiện trong cộng đồng. Thành phố này còn có 2 bệnh nhân phát hiện trong cộng đồng tại phường 9 và phường 3, đều chưa rõ nguồn lây.

Như vậy, đến nay Lâm Đồng có tổng số 2.154 ca COVID-19; trong đó, đang cách ly điều trị 1.515 ca, ra viện 628 ca, tử vong 8 ca.

Trước tình hình số ca mắc mới tăng cao, nhiều ca trong cộng đồng, đồng thời thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Y tế đã lên phương án cho F0 không triệu chứng điều trị tại nhà.

Theo Sở Y tế, hiện sức chứa của các khu điều trị có giới hạn. Bệnh viện Nhi Lâm Đồng (nơi được trưng dụng điều trị COVID-19) chỉ có 300 giường bệnh và đang điều trị cho 263 bệnh nhân.

Tại huyện Đức Trọng, do các khu điều trị COVID-19 đã quá tải nên ngày 19/11 vừa qua, tỉnh Lâm Đồng kích hoạt bệnh viện dã chiến tại Trung đoàn 994 với quy mô từ 300-500 giường bệnh. Hiện nơi này đã tiếp nhận 169 người vào điều trị. Ở các huyện thành khác như Bảo Lộc, Đơn Dương, Đạ Tẻh, Di Linh và Lâm Hà, số bệnh nhân cũng tăng cao.

Các chuyên gia y tế ở địa phương nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Lâm Đồng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, việc cho bệnh nhân không triệu chứng điều trị tại nhà sẽ giảm áp lực cho các khu điều trị; giảm áp lực về tâm lý cho bệnh nhân cũng như người nhà của họ.

Lâm Đồng đang gấp rút phải củng cố trạm y tế cơ sở và lập thêm các trạm y tế di động để theo dõi, thăm khám hằng ngày cho các bệnh nhân COVID-19 tại nhà, nếu có diễn biến nặng sẽ chuyển đến bệnh viện ngay.

Số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại Hậu Giang tiếp tục tăng cao

Theo Sở Y tế Hậu Giang, trong 24 giờ (từ 18 giờ ngày 21/11 đến 18 giờ ngày 22/11), tỉnh Hậu Giang ghi nhận 193 ca mắc COVID-19 mới, trong đó số ca mắc cộng đồng tăng gần gấp đôi ngày trước đó.

Cụ thể, trong 193 ca mắc mới, có 1 trường hợp là người về từ tỉnh Bình Dương; 43 trường hợp là F1 được cách ly tập trung; 12 trường hợp ghi nhận trong khu phong tỏa tại huyện Phụng Hiệp.

Riêng số ca mắc trong cộng đồng là 137 trường hợp (tăng 64 ca so với ngày trước đó). Trong đó, nhiều nhất là huyện Châu Thành có 71 ca, huyện Phụng Hiệp 19 ca, huyện Vị Thủy 16 ca, TP Vị Thanh 15 ca, huyện Châu Thành A 14 ca và huyện Long Mỹ 2 ca.

Tính từ đầu đợt dịch (ngày 8/7/2021) đến nay tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận tổng số 3.942 ca mắc COVID-19; điều trị khỏi 1.992 ca; Tử vong 7 ca; chuyển tuyến điều trị 3 ca (đã tử vong 1 ca; 2 ca đã điều trị khỏi). Toàn tỉnh hiện có 9 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, đang điều trị cho 1.940 ca; 169 ca đang chờ phân tầng điều trị.

Toàn tỉnh đã có 581.369 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (333.900 người đã tiêm đủ 2 mũi; 247.469 người mới tiêm 1 mũi), đạt tỷ lệ 95,84% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 12 tuổi trở lên (606.586 người). Trong đó, đã tiêm 70.270/70.423 liều cho trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo kế hoạch, ngày hôm nay (23/11), tỉnh Hậu Giang tổ chức tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 cho các đối tượng là người bệnh lý nền, phụ nữ mang thai trên 13 tuần và phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ, với tổng số 11.333 liều.

Nguồn: http://tienphong.vn/lam-dong-phat-hien-hon-100-ca-mac-covid-19-cong-dong-trong-mot-ngay...

Kiên Giang chấn chỉnh tình trạng chậm trễ, đùn đẩy điều trị bệnh nhân COVID-19

Ngày 22/11, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang ra công văn hỏa tốc chấn chỉnh công tác tiếp nhận, quản lý, điều trị người bệnh COVID-19 sau khi nhận được phản ánh có tình trạng trạm y tế chậm khi tiếp nhận thông tin người dân test nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2, thậm chí để người bệnh chờ đợi rất lâu.Bên cạnh đó, một số cơ sở điều trị COVID-19 còn chậm trễ, đùn đẩy trong việc tiếp nhận điều trị người bệnh.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, ông Hà Văn Phúc - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế TP Rạch Giá và hai huyện Châu Thành, Hòn Đất chỉ đạo các cơ sở thu dung, điều trị tiếp nhận ngay người bệnh COVID-19 của khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành) chuyển đến, không được đùn đẩy.

Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cũng yêu cầu trạm y tế địa phương và các trạm y tế lưu động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cử nhân viên y tế, lực lượng hỗ trợ đến ngay nhà, nơi tạm trú của người dân khi tiếp nhận thông tin người dân test nhanh kháng nguyên có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh cách ly, điều trị tại nhà theo quy định.

Cơ sở điều trị COVID-19 phải nhanh chóng tiếp nhận ngay người bệnh từ các đơn vị khác chuyển đến theo kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng chậm trễ, đùn đẩy.

Ngoài ra, tổ chức quản lý chặt chẽ các F0 điều trị tại nhà. Phải phân công nhiệm vụ cho mỗi nhân viên y tế quản lý từ 20 – 50 F0, hàng ngày phải nắm rõ tình trạng sức khoẻ, kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu nguy hiểm để đưa vào cơ sở thu dung, điều trị.

Người đứng đầu ngành y tế tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu thiết lập ngay số điện thoại đường dây nóng của các trạm y tế, trạm y tế lưu động. Đồng thời, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân trên địa bàn biết và liên lạc khi cần thiết và hoàn thành trước ngày 24/11.

"Kích hoạt đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 tại trung tâm Y tế để tiếp nhận và xử lý kịp thời các tin báo của người dân liên quan các trường hợp F0 do người dân tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên, các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà xuất hiện các triệu chứng cảnh báo", công văn nêu rõ.

Nguồn: http://tienphong.vn/kien-giang-chan-chinh-tinh-trang-cham-tre-dun-day-dieu-tri-benh-nha...

COVID-19 22/11: Địa phương có F0 tăng kỷ lục trong đợt dịch mới, nhiều ổ lây nhiễm ở trường học
Trong đợt dịch mới này, tỉnh Quảng Nam ghi nhận số ca dương tính COVID-19 "kỷ lục" với 143 ca chỉ trong ngày 21/11, trong đó có 89 ca cộng đồng.

Dịch COVID-19

H.A (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19