COVID-19 23/8: Nữ shipper dương tính SARS-CoV-2 có lịch trình dày đặc, tiếp xúc nhiều người

HÀ ANH - Ngày 23/08/2021 12:12 PM (GMT+7)

Trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng tại TP Vinh, Nghệ An đã phát hiện nhiều ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có trường hợp của một nữ shipper đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người.

Nữ shipper dương tính SARS-CoV-2, đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người 

Tối 22/8, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An, cho biết trong 12 giờ qua (từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 22-8), Nghệ An ghi nhận 44 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, có 13 ca cộng đồng, 2 ca trong khu phong tỏa và 29 ca đã được cách ly tập trung trước đó.

Các ca dương tính SARS-CoV-2 chủ yếu liên quan đến các chùm ca bệnh như: Chợ đầu mối Vinh, chợ Quang Trung, Trường cao đẳng Việt - Hàn và lao động từ các tỉnh phía Nam về.

Lực lượng chức năng phong tỏa một tuyến đường tại TP Vinh khi có ca mắc Covid-19.

Lực lượng chức năng phong tỏa một tuyến đường tại TP Vinh khi có ca mắc Covid-19.

Đáng lo ngại, trong số các ca dương tính SARS-CoV-2 mới phát hiện có trường hợp của chị N.T.M. (SN 1985), trú phường Quang Trung, TP Vinh. Bệnh nhân làm nghề shipper (giao hàng) khu vực chợ Quang Trung, hàng ngày đi lại nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều người.

Ngày 18-8, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông làm xét nghiệm cho kết quả âm tính. Ngày 19-8, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi nên đến Bệnh viện Đa khoa TP Vinh làm test nhanh 2 lần đều dương tính SARS-CoV-2, sau đó bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC tỉnh. Ngày 22-8, cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Như vậy, tính từ ngày 13-6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 920 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 21 địa phương: TP Vinh: 240, Quỳnh Lưu: 139, Yên Thành: 101, Kỳ Sơn: 55, Diễn Châu: 65, Tương Dương: 29, Nghi Lộc: 45, Hưng Nguyên: 34, Quế Phong: 34, Nam Đàn: 37, thị xã Hoàng Mai: 20, Cửa Lò: 21, Tân Kỳ: 19, Anh Sơn: 13, Đô Lương: 17, Con Cuông: 12, Quỳ Hợp: 11, Thanh Chương: 13, thị xã Thái Hòa: 6, Nghĩa Đàn: 8, Quỳ Châu: 1.

Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện, chuyển tuyến trên: 314 bệnh nhân. Lũy tích số bệnh nhân tử vong: 1. Số bệnh nhân hiện đang điều trị: 605 bệnh nhân.

Chiều 22-8, thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Nghệ An đã họp để nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt tại địa bàn TP Vinh.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã thống nhất nâng cao biện pháp cách ly xã hội đối với địa bàn TP Vinh trên một mức so với Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu ở yên đó". Thời gian thực hiện trước mắt là 7 ngày, tính từ 0 giờ ngày 23-8.

Trong thời gian thực hiện biện pháp nâng cao hơn Chỉ thị 16, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội phải được đảm bảo. Công an tỉnh tổ chức thêm các chốt kiểm soát, tăng cường thực hiện công tác tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

(Theo Người Lao Động)

Điều tra vụ đón bé trai từ Nghệ An trở về Hải Phòng dương tính SARS-CoV-2

 Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, yêu cầu Công an thành phố điều tra, xác minh, xem xét khởi tố vụ án nếu đủ căn cứ về việc đón bệnh nhi từ Nghệ An về địa phương có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.Ca bệnh này là cháu N.Đ.M (SN 2013, trú phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân). Theo dịch tễ, cháu N.Đ.M vào quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) chơi từ dịp 30/4-1/5. Gần đây, bé trai được chú đưa về Nghệ An và gặp mẹ là chị N.T.T.H ngày 21/8.

Rạng sáng 22/8, bé trai được gia đình đón từ Nghệ An, qua chốt kiểm soát COVID-19 tại Cầu Nghìn sau đó di chuyển về nhà tại đường Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân).

Chiều cùng ngày, cháu N.Đ.M được người thân đưa tới Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng xét nghiệm cho kết quả nghi ngờ. Ngày 23/8, lực lượng y tế Hải Phòng xét nghiệm lại xác định cháu bé dương tính SARS-CoV-2. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đưa cháu N.Đ.M vào Bệnh viện trẻ em Hải Phòng cách ly, điều trị.

Qua rà soát truy vết, quận Lê Chân bước đầu xác định có 5 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhi này, gồm: bố, mẹ, ông, chị gái và lái xe. Trong đó, mẹ cháu bé là chị N.T.T.H cùng được cách ly tại Bệnh viện trẻ em Hải Phòng. 4 người thân còn lại được cách ly tập trung tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.

Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 quận Lê Chân đã phong tỏa 26 hộ dân, lấy mẫu xét nghiệm cho 61 trường hợp tại khu dân cư nơi bệnh nhi cư trú.

Liên quan bệnh nhi này, tối 23/8 ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu UBND quận Lê Chân làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan trong việc để gia đình tổ chức đón cháu N.Đ.M mà không phát hiện để đưa đi cách ly tập trung ngay khi về địa phương.

Ông Tùng giao Công an thành phố Hải Phòng điều tra, xác minh, xem xét khởi tố vụ án nếu đủ căn cứ trong việc đưa cháu N.Đ.M trở về và mang nguồn dịch COVID-19 về thành phố.

Đồng thời, khẩn trương kết luận 3 vụ việc trước đó thành phố giao điều tra, xác minh, khởi tố vụ án về việc mang nguồn dịch bệnh về địa phương. Cụ thể, vụ 2 điều dưỡng Bệnh viện GTVT Hải Phòng; 2 bệnh nhân từ Campuchia về Phú Quốc (Kiên Giang) sau đó đi máy bay về Nội Bài và sử dụng taxi về Hải Phòng và vụ ô tô khách mang BKS 15B-036.84 chạu tuyến Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh chở khách về thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu Công an thành phố làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân chốt kiểm soát COVID-19 Cầu Nghìn để lọt bệnh nhi vào thành phố.

(Theo Tiền Phong)

TP.HCM tiếp tục bổ sung đối tượng được ra đường từ ngày 23-8

Ngày 23-8, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình đã ký ban hành công văn khẩn 2850 về việc điều chỉnh, bổ sung một số nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó, các nhóm đối tượng được phép ra đường vẫn áp dụng theo 17 nhóm tại Công văn 2800 ngày 22-8-2021 của UBND TP HCM. Ngoài 17 nhóm trên, TP HCM điều chỉnh 3 lực lượng được ưu tiên, không yêu cầu giấy đi đường khi qua chốt. Đó là:

- Lực lượng cán bộ, nhân viên y tế có thẻ ngành y tế hoặc giấy đi đường do Sở Y tế, thủ trưởng các cơ sở y tế cấp.

- Người dân đi tiêm vắc-xin có tin nhắn báo lịch tiêm hoặc giấy báo mời tiêm, kèm theo chứng minh nhân dân/căn cước công dân để trình cho chốt kiểm soát.

- Nhân viên hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm) có thẻ nhân viên và giấy xác nhận công tác của đơn vị; chỉ áp dụng cho đến khi có giấy đi đường do Công an TP HCM cấp.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc người dân ra đường trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Lực lượng chức năng kiểm tra việc người dân ra đường trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Bên cạnh đó, TP HCM bổ sung thêm một số nhóm đối tượng được ra đường từ ngày 23-8. Thứ nhất là trường cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp (mỗi trường 10 giấy); giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp danh sách, báo số lượng về Công an TP HCM (mã 1A).

Thứ hai là nhân viên giao hàng bằng phương tiện vận tải của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn thuộc các doanh nghiệp đang sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp sẽ tổng hợp danh sách này, báo số lượng về Công an TP HCM (mã 12).

Thứ ba là đối với các phương tiện vận tải hàng hóa (gồm tài xế và 1 phụ xế) đã được ngành giao thông vận tải cấp thẻ QR Code, lực lượng chức năng không kiểm tra thẻ đi đường cá nhân.

Công an TP HCM là đơn vị được giao in và ký cấp giấy, hoặc ủy quyền cho PC08, công an địa phương các cấp ký. Các đơn vị nêu trên phải cung cấp số lượng và danh sách về Công an TP HCM trước 21 giờ ngày 23-8.

Khi chưa có giấy đi đường nêu trên, đến 0 giờ ngày 25-8, Công an TP HCM vẫn áp dụng các loại giấy đi đường đã quy định tại 2 công văn: 2800 và 2796 của UBND TP HCM.

Trước đó, ngày 21 và 22-8, UBND TP HCM đã ban hành 2 công văn trên về việc tăng cường, kiểm soát nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội. Công văn thứ nhất là 2796, công văn thứ hai là 2800 ban hành sau để điều chỉnh một số nội dung của công văn 2796.

Như vậy, trong 3 ngày, TP HCM đã ban hành 3 văn bản để điều chỉnh nhóm đối tượng được ra đường trong 2 tuần tăng cường giãn cách xã hội từ ngày 23-8 đến ngày 6-9.

(Theo Người lao động)

Hà Nội: Tạm giữ người đàn ông không có giấy đi đường, vung tay vào mặt cán bộ trực chốt

Ngày 23/8, Công an TP Hà Nội cho biết, Công an huyện Thanh Trì đang tạm giữ và lập hồ sơ xử lý P.N.L. (SN 1982, ở Thanh Trì, Hà Nội) vì có lời lẽ xúc phạm, dùng tay đẩy vào mặt cán bộ chốt kiểm dịch.

Cụ thể, vào khoảng 9h ngày 22/8, P.N.L. và N.Đ.T (SN 1981, ở Thanh Trì) đi xe máy qua chốt kiểm soát dịch ở đường Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Do 2 người không xuất trình được giấy ra đường nên tổ công tác lập biên bản xử lý vi phạm. Lúc này, anh P.N.L đã có lời lẽ xúc phạm, dùng tay đẩy vào mặt một cán bộ tại chốt.

Theo Công an TP.Hà Nội, 6 tổ công tác liên ngành về tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác đã kiểm soát 1.824 trường hợp. Trong đó, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 27 trường hợp (13 trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, 14 trường hợp không có giấy đi dường) với số tiền hơn 54 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân

Từ 11h ngày 22/8 đến 11h ngày 23/8, lực lượng chức năng xử phạt 713 trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch với số tiền gần 1,1 tỷ đồng.

Trong đó, 48 người bị xử phạt về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền 61 triệu đồng; 1 cơ sở không chấp hành việc tạm dừng hoạt động kinh doanh bị xử phạt 33 triệu đồng; 664 người bị xử phạt hơn 1 tỷ đồng do các vi phạm khác liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 (không thực hiện cách ly, tập trung đông người nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng quy cách...).

(Theo Dân Việt)

TP HCM: Tổ phản ứng nhanh sẽ giúp người dân mua thuốc trị bệnh

Tối 23-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết TP vừa ghi nhận thêm 4.251 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Tính từ 18g ngày 22-8 đến 18g30 ngày 23-8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.251 trường hợp nhiễm mới tại TP HCM. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP đã có tổng cộng 180.245 trường hợp mắc Covid-19 được công bố.

Đội ngũ tình nguyện viên vừa đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để cùng chung sức chống dịch với y bác sĩ

Đội ngũ tình nguyện viên vừa đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để cùng chung sức chống dịch với y bác sĩ

Sáng 23-8, sau khi làm việc với UBND quận 4, nhận thấy còn nhiều trường hợp người lang thang, cơ nhỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị công an tuần tra, phát hiện và đưa người lang thang, cơ nhỡ ở TP HCM vào các cơ sở thu dung do quân đội quản lý; đồng thời tiến hành xét nghiệm, phân loại để chăm sóc. Trong ngày 23-8, phải quản lý được toàn bộ người lang thang, cơ nhỡ.

Theo HCDC, hiện nay các tiệm thuốc tây vẫn mở nhưng người dân không tự đi mua, Tổ công tác đặc biệt của mỗi phường, xã sẽ giúp người dân đi mua thuốc. Riêng đối với người mắc Covid-19 thì liên hệ với Tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động hoặc Trung tâm cấp cứu 115 để được hướng dẫn, tư vấn.

(Theo Người Lao Động)

Đề nghị kiểm điểm chủ tịch phường vì để người dân khám sàng lọc Covid-19 thấp

Ngày 23-8, ông Phan Nguyễn Hoàng Tân – Chủ tịch UBND TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), ký công văn đề nghị kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với Chủ tich UBND phường Lạc Đạo vì không đảm bảo theo Kế hoạch xét nghiệm sàng lọc Covid-19.

Theo đó, để sớm bóc tách F0 kịp thời ra khỏi cộng đồng, bắt đầu từ ngày 17-8, tỉnh Bình Thuận triển khai xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trên diện rộng. Qua thực tế sàng lọc cộng đồng, chỉ riêng tại TP Phan Thiết thời gian qua đã phát hiện 3 ca bệnh ở phường Đức Thắng và 2 ca ở phường Phú Tài.

Tuy nhiên, qua theo dõi việc thực hiện xét nghiệm vào ngày 22-8 tại phường Lạc Đạo mới chỉ thực hiện được 1.770/12.176 người (chỉ đạt 9,6%). Việc này làm ảnh hưởng đến tiến độ sàng lọc chung của toàn thành phố, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường Lạc Đạo; đồng thời gây nguy cơ bỏ sót ca bệnh trong cộng đồng.

Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại phường Lạc Đạo. Ảnh: NDCC.

Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại phường Lạc Đạo. Ảnh: NDCC.

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết đã yêu cầu UBND phường Lạc Đạo tổ chức kiểm điểm, đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm cụ thể đối với Chủ tịch UBND phường trong công tác chỉ đạo tổ chức triển khai việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 không đảm bảo theo kế hoạch đề ra, gây nguy cơ bỏ sót F0 trong cộng đồng và lây lan dịch bệnh. Chủ tịch UBND TP Phan Thiết ủy quyền cho Trưởng Phòng Nội vụ chủ trì kiểm điểm đối với Chủ tịch UBND phường Lạc Đạo theo quy định.

(Theo Người Lao Động)

TP HCM: Một số người cố ý vi phạm trong ngày đầu siết chặt giãn cách

Chiều 23-8, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo PC08 cho biết tính từ 18 giờ ngày 22-8 đến 11 giờ hôm nay (23-8), lực lượng CSGT TP đã thực hiện tổng kiểm soát 19.129 người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường. Qua đó, lập biên bản xử lý 317 trường hợp, tạm giữ 48 phương tiện.

Riêng trong ngày đầu thực hiện siết chặt giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó", lực lượng CSGT TP đã xử lý 245 trường hợp vi phạm quy định theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có 119 trường hợp là shipper; tạm giữ 39 môtô và tuyên truyền, nhắc nhở 13 trường hợp.

Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường trong ngày 23-8. (Ảnh: PC08)

Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường trong ngày 23-8. (Ảnh: PC08)

Qua đó, lãnh đạo PC08 đánh giá phần lớn người dân đều đã nắm được thông tin về chủ trương siết chặt giãn cách xã hội của TP nên chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, vẫn còn một số người chưa nắm rõ thông tin hoặc cố ý vi phạm nên bị lực lượng CSGT xử lý theo quy định.

"Sắp tới, PC08 sẽ chủ động triển khai cho lực lượng CSGT toàn TP nhiều nội dung, đặc biệt là tăng cường nắm tình hình trên địa bàn đảm trách, tập trung kiểm soát các nhóm đối tượng tham gia giao thông trên đường. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát shipper ở khu vực TP Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn. Đối với các quận, huyện còn lại, tập trung kiểm soát các tuyến đường, khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện đảm bảo shipper không được hoạt động liên quận, huyện" - lãnh đạo PC08 nhấn mạnh.

(Theo Người Lao Động)

Hơn 1.000 cán bộ, học viên quân y tiếp tục lên đường "vì miền Nam ruột thịt"

Sáng 23/8, Học viện Quân y tiếp tục tổ chức lễ xuất quân tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Phát biểu giao nhiệm vụ cho đoàn, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y khẳng định, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Học viện Quân y luôn xác định chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.

Đến nay, Học viện đã tăng cường tổng số 1.391 quân nhân, trong đó có 1 phó giáo sư, tiến sĩ; 4 tiến sĩ, 25 bác sĩ chuyên khoa cấp 2, 79 bác sĩ chuyên khoa cấp 1; 38 thạc sĩ, 25 bác sĩ, 68 bác sĩ nội trú và 140 học viên sau đại học của các chuyên ngành; 72 điều dưỡng, 939 học viên quân y từ năm thứ ba đến thứ sáu.

Toàn bộ lực lượng này đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi lên đường và được tập huấn kiến thức chuyên môn liên quan công tác phòng, chống dịch bài bản.

Trung tướng Đỗ Quyết phát biểu giao nhiệm vụ cho đoàn công tác

Trung tướng Đỗ Quyết phát biểu giao nhiệm vụ cho đoàn công tác

Theo Trung tướng Đỗ Quyết, lực lượng của Học viện Quân y tăng cường tại phía Nam đã và sẽ triển khai thành khoảng 450 tổ quân y cơ động, phối hợp hoạt động với các trạm y tế xã, phường để thực hiện các nhiệm vụ theo phân công, thực hiện cùng ăn, cùng ở với nhân dân.

Mỗi tổ sẽ được trang bị túi y tá, bộ huyết áp kế, ống nghe, nhiệt kế hồng ngoại, máy đo nồng độ oxy và 1 thùng hàng thiết yếu gồm cơ số thuốc thông thường, khẩu trang N95, quần áo bảo hộ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tùy theo tình hình thực tế, các tổ quân y sẽ được Cục Quân y (Tổng cục Hậu) cần tiếp tục bổ sung trang thiết bị thiết yếu.

Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, có nhiều điểm mới so với những đoàn công tác trước đây, Trung tướng Đỗ Quyết yêu cầu các thành viên trong đoàn công tác lần này chấp hành nghiêm kỷ luật, tuân thủ sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên.

Đoàn công tác nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ, hết mực thương yêu, quan tâm, chia sẻ, động viên người bệnh an tâm điều trị. Đồng thời, giữa các thành viên và các tổ phải có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, thường xuyên trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm.

“Chúng ta sẽ cùng ăn, cùng ở với người dân, tôi kêu gọi chúng ta hãy cùng chia sẻ những đau thương, mất mát của người bệnh, kể cả những ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh của người dân và những khó khăn khác. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân, do dân và vì dân”, Trung tướng Đỗ Quyết nhấn mạnh.

Thay mặt Học viện Quân y, Trung tướng Đỗ Quyết cũng gửi lời cảm ơn những sự hỗ trợ quý báu từ các tổ chức, cá nhân cho lực lượng quân y tham gia chống dịch ở miền Nam. Trong đó, có người dân ở phường Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội) đã tặng cho đoàn công tác 10 nghìn khẩu trang N95, 150 kg muối vừng, ruốc thịt. Số lương thực, thực phẩm trên sẽ được chia về các tổ để sử dụng đồng thời chia sẻ với nhân dân miền Nam...

(Theo Tiền Phong)

Ổ dịch rất phức tạp mất dấu F0, thêm nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Sơn La cho biết vừa ghi nhận thêm 21 ca dương tính SARS-CoV-2 mới, đều liên quan đến các khu cách ly y tế tập trung và vùng phong tỏa trên địa bàn huyện Phù Yên. Có 7 bệnh nhân cộng đồng tại bản Úm 2, xã Huy Thượng; 14 trường hợp là công nhân trở về từ tỉnh Bình Dương.

Lực lượng chức năng kiểm tra người đi đường ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La - Ảnh: Trường Sơn

Lực lượng chức năng kiểm tra người đi đường ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La - Ảnh: Trường Sơn

21 bệnh nhân mới ghi nhận không sốt, không khó thở, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phù Yên và khu điều trị F0 của huyện Phù Yên. Trong số này có 14 bệnh nhân được phát hiện trong khu vực cách ly tập trung của huyện Phù Yên có tiền sử đi từ Bình Dương về, khi đến chốt và được đưa thẳng vào khu cách ly tập trung huyện Phù Yên (các bệnh nhân đều liên quan đến các phòng có ca F0 trước đó). Có 7 bệnh nhân phát hiện tại cộng đồng đều trong vùng phong tỏa, các bệnh nhân đều cư trú tại Bản Úm 2, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên tỉnh Sơn La và gần nhà với 2 ca F0 phát hiện ngày 21-8.

CDC tỉnh Sơn La nhận định hiện diễn biến tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Phù Yên rất phức tạp, nhiều trường hợp F0 lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt tại Bản Úm 2, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên. Một số khu vực khác như thị trấn Phù Yên, xã Mường Lang, xã Mường Cơi là những địa điểm liên quan đến các trường hợp F0 đã phát hiện.

"Đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng xác minh trường hợp F0 đầu tiên trong cộng đồng tại huyện Phù Yên tỉnh Sơn La nên rất khó khăn trong việc khoanh vùng, truy vết, đánh giá nguy cơ phơi nhiễm" - lãnh đạo CDC tỉnh Sơn La cho biết.

Như vậy, tính từ ngày 21-7 đến nay, tỉnh Sơn La đã ghi nhận 152 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 131 trường hợp phát hiện trong khu cách ly tập trung và 21 trường hợp phát hiện tại cộng đồng có liên quan đến các trường F0 đã phát hiện tại cộng đồng trước đó.

Hiện tại 13 bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện (2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, 11 bệnh nhân tại khu điều trị F0 của huyện Phù Yên), 2 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên và 137 trường hợp đang điều trị tại khu điều trị F0 của huyện Phù Yên.

(Theo Người Lao Động)

2 ổ dịch mới ở Bắc Giang đã có 33 ca mắc Covid-19

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang cho biết ngày 22-8, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phát sinh 5 trường hợp mắc Covid-19 trong khu vực cách ly, trong đó có 4 ca F1 của các ca F0 trước đó, 1 trường hợp là người từ TP HCM về.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chủ trì buổi họp công tác phòng chống dịch - Ảnh: Dương Thuỷ

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chủ trì buổi họp công tác phòng chống dịch - Ảnh: Dương Thuỷ

Tổng số trường hợp F0 cộng dồn đến nay ở Bắc Giang là 5.812 trường hợp (đợt dịch phát sinh từ ngày 18-8-2021 đến nay có 33 trường hợp).

Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có 5.775 trường hợp F0 được điều trị khỏi bệnh và ra viện, hiện còn 37 bệnh nhân tại cơ sở điều trị; có 2.293 người đang thực hiện cách ly tập trung tại 65 cơ sở cách ly tập trung. Thực hiện khoanh vùng, phong toả một phần hoặc toàn bộ 48 thôn, tổ dân phố tại các khu vực có nguy cơ cao.

Đến nay, 2 ổ dịch (ở huyện Lục Ngạn và TP Bắc Giang) mới phát sinh có xu hướng giảm rõ rệt, 2 ngày gần đây chỉ xuất hiện 3 đến 4 ca/ngày, các ca mới phát hiện đều là các F1 đã được cách ly tập trung, không phát hiện ca mới trong cộng đồng. Dự báo, trong những ngày tới có thể xuất hiện các ca F0 liên quan đến ổ dịch nhưng số lượng không lớn, các ổ dịch đang dần được khống chế.

Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được 379.743 liều vắc-xin (đạt 20,6% dân số toàn tỉnh) trong đó tiêm cho công nhân trong khu công nghiệp là 147.286 liều; công nhân tại các cụm công nghiệp là 86.262 liều; đối tượng theo Nghị quyết 21 là 138.923 liều; người trên 65 tuổi là 4.889 liều; đối tượng khác là 2.383 liều.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đánh giá trong đợt dịch này, toàn tỉnh ứng phó nhanh, kịp thời đúng hướng, hành động của các địa phương quyết liệt hiệu quả, 2 ổ dịch cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, các cấp, các ngành không được chủ quan bởi vì lần này có rất nhiều F1, F2 liên quan đến F0 là cán bộ, công chức, viên chức, các chiến sĩ, trong đó có cả lực lượng tuyến đầu chống dịch và theo đánh giá của các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, người đã tiêm vắc-xin vẫn có thể mang mầm bệnh nhưng không phát bệnh mà vẫn lây sang người xung quanh.

Do đó, các địa phương không được chủ quan, tập trung để dập tắt ổ dịch này một cách nhanh nhất. Từ 2 ổ dịch này, cần chấn chỉnh lại ý thức, tinh thần cảnh giác, rèn luyện kỹ năng phối hợp phòng, chống dịch của các sở, ngành, địa phương.

Ông Lê Ánh Dương nhận định thời gian tới có 2 nguy cơ có thể xuất hiện các trường hợp F0, đó là từ ổ dịch ở TP Bắc Giang, huyện Lục Ngạn và từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Để ứng phó với nguy cơ trên và giữ vững thành quả phòng chống dịch, xây dựng tỉnh có năng lực chống đỡ dịch trên mọi tình huống, giảm tổn thất về nhân lực và vật lực, yêu cầu các huyện, TP, các cấp, ngành triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, các văn bản, kết luận của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã có từ trước đến nay.

(Theo Người Lao Động)

Đồng Nai có hơn 1.200 trường hợp test nhanh dương tính đang chờ kết quả khẳng định

Sáng 23-8, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết trong ngày hôm qua, toàn tỉnh ghi nhận thêm 501 ca dương tính mới. Trong đó, có 9 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc, 275 ca trong khu cách ly và 217 ca trong khu phong tỏa.

Cụ thể, số ca mắc cao nhất ở TP Biên Hoà với 134 ca, trong đó phường Tân Phong có 70 ca mắc. Tiếp đó, huyện Trảng Bom 129 ca, nhiều nhất ở xã Bắc Sơn có 78 ca, Hố Nai 3 có 51 ca. Huyện Nhơn Trạch có 120 ca, nhiều nhất ở thị trấn Hiệp Phước là 33 ca, xã Phước Thiền là 31 ca.

Ngoài ra, huyện Vĩnh Cửu có 82 ca mắc, huyện Long Thành 18 ca, huyện Thống Nhất 5 ca, huyện Cẩm Mỹ 2 ca và TP Long Khánh 5 ca. Có 3 huyện Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú không ghi nhận ca dương tính mới.

Trong ngày có thêm 542 bệnh nhân xuất viện. Ngoài ra,  toàn tỉnh còn 1.248 trường hợp test nhanh dương tính đang chờ kết quả khẳng định bao gồm: Nhơn Trạch (800), Vĩnh Cửu (403), Long Thành (25), Trảng Bom (15), Biên Hòa (5). Trong đó có 66 trường hợp trong các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.

Ổ dịch tại Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà ghi nhận 69 ca dương tính

Ổ dịch tại Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà ghi nhận 69 ca dương tính

Về xử lý ổ dịch tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà, trong viện có 585 bệnh nhân ở 7 khoa thực hiện xét nghiệm PCR có 69/99 bệnh nhân tại khoa Nam 1 dương tính. Số còn lại thuộc 6 khoa khác có kết quả PCR âm tính.

Phía CDC Đồng Nai tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm với những nhân viên ở nhà; lấy mẫu xét nghiệm các F1 là bệnh nhân và nhân viên vào ngày thứ 3 và thứ 7.

(Theo Người Lao Động)

Thêm hơn 700 người dân Phú Yên từ TP HCM được gấp rút đón về quê

Sáng nay (23-8), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên và Hội Đồng hương tỉnh này tại TP HCM đã thống nhất danh sách 710 người dân được đón về quê trong đợt 12. Trong số này, 110 người dự phòng sẽ không lên kịp xe vì công việc đột xuất.

Công ty Vân tải hành khách Phương Trang đã bố trí sẵn 25 xe giường nằm để phục vụ đưa số người dân Phú Yên nói trên về quê. Số bà con này sẽ được đón tại Bến xe Miền Đông (cũ) lúc 16 giờ 30 phút ngày 24-8 và sẽ đưa đến Sân Vận động tỉnh Phú Yên lúc 5 giờ sáng hôm sau (25-8).

Tại đây, người dân sẽ được xét nghiệm PCR miễn phí rồi sẽ đưa về cách ly tập trung tại địa phương 7 ngày, nếu âm tính sẽ được đưa về nhà.

Người dân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm PCR miễn phí ngay sau khi xuống xe

Người dân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm PCR miễn phí ngay sau khi xuống xe

Đến nay, Phú Yên đã đưa gần 7.000 công dân tỉnh này đang sinh sống, học tập, làm việc tại TP HCM, Đồng Nai về quê. Hiện vẫn còn khoảng 5.500 người dân Phú Yên đã đăng ký về quê nhưng chưa đón kịp. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết sẽ cố gắng đưa hết người dân tỉnh này có nhu cầu về quê trong thời gian sớm nhất có thể. Hiện Phú Yên đã nâng tần suất đón người dân lên 3 đợt/tuần.

(Theo Người Lao Động)

Từ TPHCM về, hai tài xế đường dài ở Sóc Trăng dương tính SARS-CoV-2

Sáng ngày 23/8, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, đơn vị này đã có thông tin về kết quả xét nghiệm khẳng định PCR đối với 2 tài xế lái xe đường dài liên quan đến một chành xe trên địa bàn TP. Sóc Trăng đều dương tính với SARS-CoV-2.

Theo báo cáo, vào lúc 2 giờ 25 phút ngày 22/8, ông N.T.H (SN 1965) là tài xế Cty TNHH vận tải Anh Năm, địa chỉ số 217a, Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, TP. Sóc Trăng đến trạm y tế xã An Hiệp khai báo y tế và được làm test nhanh kết quả (dương tính). Ngay sau đó, Trung tâm Y tế TP. Sóc Trăng phối hợp với hợp với Công an TP. Sóc Trăng, BCĐ phòng chống COVID – 19 phường 4, tiến hành điều tra, xác minh.

COVID-19 23/8: Nữ shipper dương tính SARS-CoV-2 có lịch trình dày đặc, tiếp xúc nhiều người - 12

Thông tin dịch tễ của ông H thể hiện: Khoảng 22 giờ ngày 21/8, Công an xã An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) phát hiện xe tải biển số 54Z- 4378 đậu trước nhà 343, ấp An Trạch, xã An Hiệp. Qua điều tra phát hiện tài xế N.T.H đi từ TP. HCM về nhà không khai báo y tế nên mời lên Trung tâm y tế xã An Hiệp khai báo y tế và được thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính (sau 2 lần test nhanh).

Qua thông tin điều tra dịch tễ của Trạm y tế xã An Hiệp và điều tra thêm qua điện thoại ông H. thông tin lịch trình di chuyển của ông này từ chành xe Anh Năm về nhà, sau đó đi đến số 888, đường Võ Văn Kiệt, phường 10, Quận 8 (TP.HCM); Chành xe Anh Năm rồi chạy về địa chỉ số 343, ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành; khi có hàng thì đến chành xe Anh Năm để chở theo lịch trình trên (từ ngày 7/8 đến 21/8). Người này chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID – 19.

Điều tra tiếp xúc tại nơi làm việc có 9 trường hợp có tiếp xúc gần, test nhanh tìm kháng nguyên SARS-CoV-2 với các trường hợp trên, cơ quan chức năng phát hiện ông N.H.Đ (SN 1988) ngụ tại ấp Đông An A, xã Đại Thành, TP. Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) dương tính qua xét nghiệm PCR khẳng định vào chiều ngày 22/8. Ông Đ. cũng là tài xế chở hàng từ chành xe Anh Năm ở Sóc Trăng lên TP. HCM và ngược lại.

Qua truy vết, xác định có 10 trường hợp F1 đã đưa vào cách ly tập trung tại trung tâm chính trị TP. Sóc Trăng; 82 trường hợp F2 cho cách ly tại nhà (test nhanh kháng nguyên âm tính); có 54 trường hợp F3 được theo dõi sức khỏe tại tại nhà.

(Theo Tiền Phong)

Dịch phức tạp, thêm 3.000 nhân lực y tế chi viện TPHCM và 3 tỉnh phía Nam

Tối 22/8, ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết đến tối nay đã có 1.800 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của một số Trường khối ngành Y Dược đăng ký tình nguyện vào TPHCM.Số này, gồm 750 học viên, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã có mặt tại TPHCM trong đêm nay để sáng mai 23/8 tham gia cùng lực lượng lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ của Thành phố triển khai các tổ lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.

Cùng đó, Trường Đại học Y Hà Nội cử thêm 250 người; Trường Đại học Dược Hà Nội sẽ cử 200 người; Học viện Y Dược học cổ truyền cử 150 người; Trường Đại học Y Dược Thái Bình cử thêm 250 người; Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cử 200 người.

Vụ trưởng Nguyễn Hồng Sơn cũng thông tin, 8 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã lên danh sách cử 450-500 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… vào TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai để đồng hành cùng các đồng nghiệp chống dịch.

“Như vậy, sau 1 ngày từ khi Bộ Y tế gửi công văn đến các cơ sở đã huy động được khoảng 2.250- 2.300 cán bộ, chuyên gia, y bác sĩ và học sinh, sinh viên thuộc các đơn vị của Bộ Y tế tình nguyện vào TPHCM và 3 địa phương trên phục vụ các hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm và điều trị”, Vụ trưởng Nguyễn Hồng Sơn nói.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, đến thời điểm này, báo cáo từ một số tỉnh, thành phố gửi về Bộ Y tế cho biết có thêm 750 nhân lực y tế sẽ vào TPHCM và Bình Dương, Long An, Đồng Nai tham gia phòng chống dịch. “Chúng tôi đang tiếp tục làm việc, huy động thêm nhân lực y tế từ các đơn vị trực thuộc Bộ và các địa phương để đảm bảo nguồn lực cho TPHCM và 3 địa phương trên chống dịch”, ông Sơn cho biết.

Như vậy, cùng với số nhân lực y tế đã huy động cập nhật đến trưa ngày 21/8 là 14.543 cán bộ, chuyên gia, y bác sĩ, giảng viên, sinh viên khối ngành y đã đến TPHCM và nhiều địa phương phía Nam, sẽ có thêm 3.000 các lực lượng y tế đã và sẽ đến các điểm nóng về dịch trong đầu tuần tới để đồng hành phòng chống dịch.

Để hỗ trợ TPHCM thần tốc xét nghiệm, ngoài hỗ trợ Thành phố về nhân lực, Bộ Y tế đã huy động trước mắt 10 xe xét nghiệm đầy đủ với máy PCR, máy tách chiết và nhân sự vận hành với công suất 3000 mẫu đơn/ngày và 3,5 triệu test.

(Theo Tiền Phong)

Ai ở đâu ở yên đó, bác tổ trưởng choáng với đơn mua hộ 43 món
"30 năm làm tổ phó, 15 năm làm tổ trưởng, 73 tuổi rồi chưa thấy lần nào khó khăn như đợt dịch Covid-19 này" – ông Nguyễn Văn Hoanh (tổ trưởng tổ dân...

Tin tức 24h

HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19