COVID-19 24/12: 144 công nhân trở thành F0, một địa phương ra thông báo khẩn

K.T - Ngày 24/12/2021 12:14 PM (GMT+7)

Tỉnh Thanh Hóa vừa thành lập mới hàng loạt cơ sở thu dung, điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, sau khi địa phương này những ngày qua ghi nhận hàng trăm công nhân trong các khu công nghiệp mắc bệnh.

13 diễn biến

Dịch bùng phát trong các khu công nghiệp ở Thanh Hóa, 144 công nhân mắc COVID-19

Tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết tính từ 16 giờ ngày 22-12 đến 16 giờ ngày 23-12, địa phương này ghi nhận có 302 bệnh nhân mắc COVID-19 mới. Trong đó có 162 ca cộng đồng.

Ngành y tế tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19.

Ngành y tế tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19.

Trong số 162 ca cộng đồng, có tới 144 ca là công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp. Cụ thể, tại Khu công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hóa) ghi nhận 112 ca; Khu kinh tế Nghi Sơn 21 ca.

Đáng lo ngại, tại Nhà máy giày Roll Sport 1 (Khu công nghiệp Hoàng Long), nơi có hơn 8.000 công nhân đang làm việc, dịch bệnh đang bùng phát rất mạnh. Tới thời điểm này, tại nhà máy này đã có 125 ca mắc COVID-19 (riêng 24 giờ qua đã có 112 ca mắc mới).

Để khống chế ổ dịch tại Nhà máy giày Roll Sport 1, trước mắt, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Thanh Hóa đã cho tạm dừng hoạt động sản xuất tại các xưởng D, E; khẩn trương truy vết các F1 tại các xưởng A, B, F (có 7 ca F0) để cách ly.

Các xưởng còn lại vẫn hoạt động sản xuất và phải tuân thủ nghiêm túc các quy trình về phòng, chống dịch theo quy định; công nhân vào nhà máy làm việc phải được phân luồng theo hướng đi riêng; nhà máy tổ chức ăn tại chỗ, bố trí khu vệ sinh riêng, thực hiện nghiêm quy định 5K và thực hiện test định kỳ tuần 2 lần để kiểm soát dịch.

UBND TP Thanh Hóa giao cho Trung tâm Y tế TP cử cán bộ tập huấn cho công nhân Nhà máy giày Roll Sport 1, Nhà máy giày Roll Sport 2 và Nhà máy giày Aleron Việt Nam trong việc lấy mẫu test nhanh. Việc làm này hoàn thành trước ngày 26-12, đảm bảo an toàn sản xuất và sức khỏe cho người lao động.

TP Thanh Hóa cũng tạm dừng hoạt động đối với chợ khu công nghiệp Hoàng Long từ ngày 23-12.

Trước tình hình dịch đang có những diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định thành lập hàng loạt cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, các huyện Mường Lát, Thạch Thành và Như Thanh.

Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 trên chịu trách nhiệm thu dung, điều trị cho người nhiễm SARS-COV-2 trên địa bàn theo Quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng và các quy định của pháp luật hiện hành.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/dich-bung-phat-trong-cac-khu-cong-nghiep-o-thanh-hoa-144-co...

Đình chỉ Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Mường Lát vì lơ là chống dịch

Chủ tịch UBND huyện Mường Lát vừa ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lữ Tiến Phương, Giám đốc Trung tâm VH,TT,TT&DL huyện Mường Lát trong thời gian 15 ngày (kể từ ngày 23/12) để tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan đến việc không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy và của Chủ tịch UBND huyện trong thời điểm khẩn cấp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Chủ tịch UBND huyện Mường Lát giao ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách, điều hành mọi hoạt động của Trung tâm VH,TT,TT&DL trong thời gian nêu trên.

Lực lượng chức năng đang nỗ lực khoanh vùng, khống chế ổ dịch tại Mường Lát.

Lực lượng chức năng đang nỗ lực khoanh vùng, khống chế ổ dịch tại Mường Lát.

Ông Lữ Tiến Phương có trách nhiệm báo cáo, giải trình, làm rõ trách nhiệm trong việc không chấp hành chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; không báo cáo khi đi công tác; giao nhiệm vụ nhưng không thực hiện mà không có báo cáo, xin phép. Báo cáo giải trình gửi về Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chậm nhất ngày 28/12 để xem xét, xử lý.

Cập nhật thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Mường Lát cho biết, qua điều tra, truy vết phát hiện thấy ổ dịch tập trung tại xã Nhi Sơn, đã xâm nhập vào trường tiểu học, THCS, với số người mắc nhiều, lây ra một số địa bàn dân cư trong huyện, người mắc chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và có lịch trình di chuyển rất phức tạp. Tính đến chiều 23/12, trên địa bàn huyện đã có 427 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch, huyện Mường Lát đã nâng cấp độ phòng chống dịch trên địa bàn, đối với cấp huyện: Cấp độ 3, nguy cơ cao (vùng cam).

Đối với cấp xã, thị trấn ở cấp độ 3: Nguy cơ cao (vùng cam) 6/8 đơn vị gồm: Thị trấn Mường Lát; xã Mường Chanh; Quang Chiểu; Tam Chung; Mường Lý và Trung Lý; Cấp độ 4: Nguy cơ rất cao (vùng đỏ) 2/8 đơn vị gồm: xã Nhi Sơn; xã Pù Nhi. Thời gian áp dụng từ 12h ngày 20/12 đến 12h ngày 27/12 .

Từ ngày 21/12 tạm dừng hoạt động vận tải hành khách, gồm: xe tuyến cố định nội tỉnh, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi đi/đến huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa (Trừ trường hợp xe đưa đón công nhân, chuyên gia nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19...)

Liên quan tới tình hình dịch trên địa bàn, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa, tính từ 16h, ngày 22/12 đến 16h, ngày 23/12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 302 bệnh nhân mắc COVID-19 mới, trong đó có 162 bệnh nhân phát hiện trong cộng đồng và 140 bệnh nhân từ các địa phương khác trở về và bệnh nhân đang cách ly theo quy định .

Trong số 162 ca cộng đồng có tới 144 bệnh nhân từ các khu công nghiệp trong tỉnh nhiều nhất là Khu công nghiệp Hoàng Long Thành Phố Thanh Hóa (112 bệnh nhân) và Công ty giày Annora thị xã Nghi Sơn (21 bệnh nhân), bệnh nhân từ các công ty này có địa chỉ ở nhiều huyện trong tỉnh. Hiện các biện pháp khoanh vùng, khống chế các ổ dịch trong các công ty đang được lực lượng chức năng khẩn trương triển khai.

Nguồn: https://giadinh.net.vn/dinh-chi-giam-doc-trung-tam-van-hoa-huyen-muong-lat-vi-lo-la-cho...

Bình Thuận phát hiện 4 ca nghi nhiễm COVID-19, khẩn tìm người

Sáng 24/12, UBND Tp.Phan Thiết vừa có Thông báo khẩn số 1423 liên quan đến địa điểm có ca nghi nhiễm COVID-19. 

Trước đó, trên địa bàn Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ghi nhận một số ca nghi nhiễm gồm: N.T.N.P, năm sinh 1997, nữ, khu phố 11, phường Phú Thủy; H.T.A.N, năm sinh 1984, nữ, khu phố 6, phường Phú Tài; N.K.L.D, năm sinh 1997, nữ, khu phố C, phường Thanh Hải; H.T.H.T, năm sinh 1991, nữ, khu phố 6, phường Phú Thủy.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Tp.Phan Thiết được triển khai có hiệu quả, UBND Tp.Phan Thiết yêu cầu người dân đến các địa điểm dưới đây liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện khai báo vì có liên quan đến ca nghi nhiễm COVID-19, cụ thể:

Phòng Kinh doanh Khu vực Bình Thuận – Công ty Bảo hiểm Bưu điện Vũng Tàu, số 134 đường Từ Văn Tư, phường Phú Trinh từ 8h-12h và từ 13h30-18h các ngày 9, 10, 20, 21, 22/12.

Tổ phục vụ số 3, Xưởng hoàn thành ủi quần áo của Công ty TNHH May Thuận Tiến, lô 2/15 Khu công nghiệp Phan Thiết, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc từ 7h30-17h30 ngày 8/12-21/12.

Bộ phận may, Tổ số 5, Xưởng số 1, 2 của Công ty TNHH May Thuận Tiến, lô 2/15 Khu công nghiệp Phan Thiết, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc từ 7h30-17h30 ngày 10/12-23/12.

Cửa hàng Xăng dầu số 9, Chi nhánh Xăng dầu Bình Thuận, đường Trường Chinh, phường Xuân An từ 17h45-17h55 ngày 20/12.

Bộ phận giao nhận gỗ, Tổ máy số 1 của Công ty TNHH Kim Đô, lô 2/5 Khu công nghiệp Phan Thiết, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc từ 7h-16h30 ngày 9/12-18/12.

UBND Tp.Phan Thiết đề nghị UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, các cơ quan truyền thông, các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã trên địa bàn Tp.Phan Thiết thông báo thông tin trên qua các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.

Đồng thời, yêu cầu những người đến địa điểm và thời gian nêu trên liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở tỉnh Bình Thuận.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở tỉnh Bình Thuận.

Theo số liệu thống kê của UBND Tp.Phan Thiết, ngày 23/12, Thành phố này có 23 ca mắc COVID-19. Trong đó, có 12 ca tại khu cách ly, 11 ca cộng đồng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Thuận cho biết, tính từ ngày 27/4 đến 18h ngày 23/12, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 24.234 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đó, Tp.Phan Thiết có số ca nhiễm cao với 7.681 trường hợp, thị xã La Gi 2.654 trường hợp; các huyện Tuy Phong 3.881 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 2.316 trường hợp, Đức Linh 1.908 trường hợp, Bắc Bình 1.756 trường hợp, Hàm Thuận Nam 1.540 trường hợp, Tánh Linh 1.262 trường hợp, Hàm Tân 744 trường hợp, Phú Quý 492 trường hợp.

Số trường hợp cách ly là 58.125 trường hợp, trong đó cách ly tại cơ sở y tế có 23.362 trường hợp (đang cách ly 2.020 trường hợp, hoàn thành cách ly 21.342 trường hợp), cách ly tập trung của địa phương có 34.446 trường hợp (đang cách ly 31 trường hợp, hoàn thành cách ly 34.415 trường hợp), cách ly tập trung có thu phí có 317 trường hợp.

Ngoài ra, có 81.539 trường hợp cách ly tại nhà, trong đó đang cách ly có 8.398 trường hợp, hoàn thành cách ly 73.141 trường hợp.

Số người đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh từ 14h ngày 22/12 đến 14h ngày 23/12 là 15.849 người. Trong đó, tiêm mũi 1 có 641 người, tiêm mũi 2 có 13.050 người, tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi có 2.158 người.

Tổng số người tiêm mũi 1 có 898.535, đạt tỉ lệ 99,6% (dân số ≥18 tuổi), số người tiêm mũi 2 có 771.486, đạt tỉ lệ 85,5% (dân số ≥18 tuổi). Tổng số trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi tiêm mũi 1 có 67.339, đạt tỉ lệ 49,6%.

Về tình hình xét nghiệm, số mẫu đã lấy là 5.459 mẫu, số mẫu đã thực hiện xét nghiệm 5.395 mẫu.

Riêng số mẫu đã lấy đối với người dân tại khu vực cách ly y tế, "vùng đỏ", "vùng cam" theo Công văn 4048/UBND-KGVXNV ngày 25/10/2021 của UBND tỉnh là 1.614 mẫu.

Số ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi và xuất viện là 203 trường hợp.

Trong đó, các huyện Đức Linh 39 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 39 trường hợp, Bắc Bình 30 trường hợp, Tuy Phong 16 trường hợp, Hàm Thuận Nam 15 trường hợp, Tánh Linh 13 trường hợp, Hàm Tân 8 trường hợp, thị xã La Gi 4 trường hợp, Tp.Phan Thiết 39 trường hợp nâng tổng số ca điều trị khỏi và xuất viện lên 18.591 trường hợp.

Tử vong trong tỉnh là 4 ca, trong đó huyện Tánh Linh 1 ca là bệnh nhân nữ, 83 tuổi, thị trấn Lạc Tánh; huyện Đức Linh 1 ca là bệnh nhân nữ, 86 tuổi, xã Mê Pu; huyện Hàm Thuận Nam 1 ca là bệnh nhân nam, 48 tuổi, xã Hàm Kiệm; Thành phố Phan Thiết 1 ca là bệnh nhân nữ, 94 tuổi, phường Bình Hưng.

Tính từ 27/4 đến 23/12, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 257 ca tử vong trong đó có 17 ca tử vong tại Tp.Hồ Chí Minh.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-phat-hien-4-ca-nghi-nhiem-covid-19-khan-tim-nguoi...

Dịch lan rộng ở miền núi ở Huế, Hậu Giang nỗ lực tiêm vét vắc xin

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh TT-Huế, tính đến sáng hôm nay, trên địa bàn đã có 10.204 ca COVID-19 được Bộ Y tế cấp mã bệnh; trong đó, số mắc mới là 394 ca; điều trị khỏi 8.228 ca, 36 ca tử vong (do lão suy, bệnh nền, mắc bệnh mạn tính giai đoạn cuối).

Đáng chú ý, số ca mắc trong ngày tại cộng đồng tại TT-Huế vẫn ở mức cao, với 274 ca; trong đó, phát hiện tại huyện miền núi A Lưới chiếm tỷ lệ cao nhất với 120 ca (cùng với hơn 30 ca phát hiện tại khu phong tỏa).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại huyện vùng cao A Lưới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh TT-Huế đã cử đoàn cán bộ, y, bác sĩ có chuyên môn cao của các cơ quan, đơn vị trực thuộc lên đường phối hợp với ngành y tế hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch.

Lực lượng Quân y của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh TT-Huế chia thành 4 tổ để phối hợp với lực lượng y tế địa phương tổ chức tầm soát với mức nhanh nhất có thể, nhằm kịp thời ngăn chặn dịch lan rộng thêm ra cộng đồng.

Hậu Giang thêm 307 ca mắc COVID-19 cộng đồng, nỗ lực tiêm vét vắc xin

Theo Sở Y tế Hậu Giang, từ 18 giờ ngày 22/12 đến 18 giờ ngày 23/12, tỉnh Hậu Giang ghi nhận 409 ca mắc COVID-19 mới trong đó có 307 ca mắc cộng đồng.

Hiện toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 598.164 người (560.651 người đã tiêm đủ 2 mũi; 37.513 người mới tiêm 1 mũi), đạt tỷ lệ 98,61% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 12 tuổi trở lên (606.586 người). Ngoài ra, tỉnh đã tiêm vắc xin mũi 3 phòng COVID-19 được 4.762 liều.

Các địa phương đang nỗ lực triển khai tiêm vét vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, đảm bảo đến cuối tháng 12 sẽ có 100% người từ 12 tuổi trở lên đều được tiêm vắc xin.

Để đảm bảo quá trình tiêm vét đạt hiệu quả, sớm bao phủ vắc xin, đạt miễn dịch cộng đồng, ngay sau khi nhận được kế hoạch từ Sở Y tế, CDC Hậu Giang đã lên phương án, phân bổ vắc xin cho các địa phương. Các đại phương lập danh sách người dân chưa tiêm vắc xin trên địa bàn, liên hệ mời đến điểm tiêm. Nhờ vậy, việc triển khai được diễn ra nhanh chóng, không bỏ sót quyền lợi của người dân.

Trong số khoảng 20.000 người chưa tiêm vắc xin của tỉnh, có khoảng 7.000 người e ngại tiêm vắc xin vì nhiều lý do. CDC Hậu Giang phối hợp địa phương đẩy mạnh truyền thông, tiêm vắc xin giúp giảm nguy cơ chuyển nặng nếu mắc bệnh. Tới đây, nếu người dân nào không tiêm vắc xin đủ 2 mũi mà mắc COVID-19 thì vào bệnh viện điều trị sẽ phải tự trả phí.

Ngoài những điểm tiêm cố định, toàn tỉnh còn có 9 đội tiêm vắc xin lưu động (1 đội của CDC Hậu Giang và 8 đội của các huyện/thị xã/thành phố) sẽ đảm nhiệm việc hỗ trợ người dân già yếu, đi lại khó khăn tiêm vắc xin.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến ngày 31/12/2021 phải hoàn thành 100% người từ đủ 12 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Cũng trong chiều 23/12, đoàn công tác của Bệnh viện 74 Trung ương (Vĩnh Phúc) đã có mặt tại Hậu Giang để hỗ trợ tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đoàn công tác gồm 28 người (8 bác sĩ và 20 điều dưỡng), là những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác chống dịch và công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.

Theo kế hoạch, đoàn công tác của Bệnh viện 74 Trung ương sẽ hỗ trợ Hậu Giang trong công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 “Tầng 2” và “Tầng 3”; chia sẻ những kinh nghiệm chống dịch với lực lượng y tế của tỉnh… Thời gian hỗ trợ của đoàn là 1 tháng.

Nguồn: https://tienphong.vn/dich-lan-rong-o-mien-nui-o-hue-hau-giang-no-luc-tiem-vet-vac-xin-p...

Bắc Ninh yêu cầu không liên hoan, tổng kết và gặp mặt đầu năm để phòng dịch

Theo báo cáo của Sở Y tế Bắc Ninh, tính từ ngày 04/10/2021 đến 6h ngày 23/12/2021, toàn tỉnh ghi nhận 7.378 ca mắc COVID-19. Tính riêng từ 6h ngày 22/12 đến 6h ngày 23/12, toàn tỉnh ghi nhận 329 ca mắc mới, trong đó, 277 ca mắc có nguy cơ cộng đồng.

Kiểm soát người dân ra đường vào ban đêm tại Bắc Ninh.

Kiểm soát người dân ra đường vào ban đêm tại Bắc Ninh.

Hiện toàn tỉnh có 259 ổ dịch đang hoạt động tại 8/8 huyện, thành phố, 1 ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 1 ổ dịch tại Bệnh viện Sản – Nhi; đang thực hiện cách ly y tế cho gần 17.000 trường hợp.

Ngành Y tế đã triển khai 15 cơ sở quản lý, thu dung, điều trị COVID-19 theo phân tầng điều trị, trong đó, 06 cơ sở quản lý người nhiễm tại cộng đồng và đã bắt đầu triển khai được 12 trường hợp F0 cách ly tại nhà thuộc huyện Tiên Du. Đồng thời, thành lập các kíp cấp cứu hỗ trợ điều trị, cấp cứu bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 các tuyến.

Để ứng phó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang yêu cầu Sở Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra.Các huyện, thành phố không được chủ quan, lơ là, tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng tâm thế trước biến chủng mới Omicron.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị không tổ chức liên hoan, gặp mặt trong dịp cuối năm và đầu năm mới để tránh lây nhiễm COVID-19, quyết tâm cùng tỉnh giữ vững thành quả vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch.

Tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu từ nay đến hết 3/1/2022, người dân không ra ngoài từ 22h đến 4h sáng hôm sau, trừ các trường hợp: thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về,… (phải có giấy tờ liên quan như: thẻ, giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh khác).

Tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu bắt đầu từ ngày mai, 25/12, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai quản lý người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà.

Nguồn: https://tienphong.vn/bac-ninh-yeu-cau-khong-lien-hoan-tong-ket-va-gap-mat-dau-nam-de-ph...

TPHCM bao phủ vắc xin mũi 3 trước Tết Nguyên đán

Nội dung trên được bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết tại buổi họp báo diễn ra chiều 23/12. Theo bà Mai, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm chủng, dự kiến hoàn tất các đợt tiêm vào quý 1/2022. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh thời gian tiêm chủng giãn cách từ 6 tháng xuống còn 3 tháng để chích mũi 3, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn việc chích ngừa cho các nhóm đối tượng khác như người hoàn thành thời gian cách ly y tế, người suy giảm miễn dịch.

Hiện nay, Sở Y tế đã ban hành văn bản gửi tới các sở ngành hướng dẫn các hoạt động tiêm tại địa phương. Các đơn vị liên quan ở địa phương phải gửi danh sách về quận huyện để được hỗ trợ tiêm.

Chiến dịch tiêm chủng mũi 3 trên toàn thành phố giai đoạn đầu sẽ ưu tiên cho nhóm nguy cơ.

Chiến dịch tiêm chủng mũi 3 trên toàn thành phố giai đoạn đầu sẽ ưu tiên cho nhóm nguy cơ.

Trong chiến dịch chích ngừa lần này sẽ ưu tiên hàng đầu cho nhóm đối tượng nguy cơ. Tất cả những người chưa tiêm sẽ được tìm hiểu rõ nguyên nhân và vận động tiêm chủng. Một số người có chống chỉ định tiêm, lực lượng y tế sẽ đến từng nhà kiểm tra và tiêm bổ sung khi đáp ứng được các điều kiện an toàn tiêm chủng.

Ngành y tế thành phố đặt mục tiêu, từ nay đến trước Tết Nguyên Đán sẽ hoàn thành xong chiến dịch tiêm chủng mũi 3 (mũi bổ sung, mũi nhắc lại và F0 đã khỏi bệnh) cho toàn dân trong nhóm có chỉ định chủng ngừa.

Hiện nay, thành phố đang lập danh sách chích ngừa mũi 3, các đơn vị, sở, ngành đóng ở địa phương nào thì gửi danh sách về địa phương đó để được hỗ trợ tiêm chủng các mũi phù hợp. Nhóm công nhân, học sinh, người dân đã hoàn thành hai mũi cơ bản sẽ được lập danh sách để tiêm nhắc toàn dân.

Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-bao-phu-vac-xin-mui-3-truoc-tet-nguyen-dan-post1403940.tpo

Vụ "thổi giá" kit test của Công ty Việt Á: Nhiều địa phương xác nhận mua số lượng lớn

Chiều 23-12, tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) có tham gia xét nghiệm Covid-19 tại TP HCM.

Nhiều nơi mua với số lượng lớn

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết vào thời điểm TP HCM đang ở đỉnh dịch, số ca F0 tại quận Bình Tân, quận 8, quận 12... tăng nhanh, nhiều cơ sở xét nghiệm của TP HCM quá tải. Vì vậy, những nơi nào quá tải sẽ chuyển mẫu về cho Công ty Việt Á xử lý.

Qua rà soát, TP HCM có 2 bệnh viện mua sắm các kit test, sinh phẩm của Công ty Việt Á. Cụ thể, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mua 1.250 kit test (tổng số tiền là 636.562.500 đồng) và Bệnh viện TP Thủ Đức mua 65.870 kit test (tổng số tiền 32.022.967.500 đồng). Cơ quan chức năng đang làm rõ các thông tin liên quan.

Liên quan đến vụ việc, ông Trần Vĩnh An, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bạc Liêu, cũng xác nhận đơn vị này từng sử dụng kit test của Công ty Việt Á nhưng với giá rẻ hơn giá chào hàng, thấp hơn giá do Bộ Y tế công bố.

"Ban đầu, Công ty Việt Á chào giá khá cao, khoảng 500.000 đồng/bộ nhưng chúng tôi chỉ đồng ý ký hợp đồng giá 350.000 đồng/bộ và tỉnh đã chi hơn 2 tỉ đồng để mua theo hình thức chỉ định thầu. Sau đó Sở Y tế chuyển sang mua của đơn vị khác bằng hình thức đấu thầu rộng rãi. Việc mua sắm này chúng tôi làm rất chặt chẽ, chọn giá thấp nhất để mua" - ông An nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cho biết trong các giai đoạn đầu khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành y tế Cà Mau mua gần 20.000 bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á.

"Lần đầu là 7.000 bộ, thông qua chỉ định thầu rút gọn do tình hình khẩn cấp và thời điểm đó Công ty Việt Á là đơn vị duy nhất cung cấp bộ kit. Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Công ty Việt Á trúng thầu 1 lần tại Cà Mau qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Số lượng trúng thầu hơn 10.000 bộ. Tổng giá trị 2 lần mua khoảng 7-8 tỉ đồng. Trước khi mua, chúng tôi đã tham khảo giá của Bộ Y tế công bố và các tỉnh bạn nên mua được với giá thấp hơn" - ông Dũng nói.

Đại diện Sở Y tế TP HCM thông tin về việc mua kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á vào ngày 23-12 Ảnh: HẢI YẾN

Đại diện Sở Y tế TP HCM thông tin về việc mua kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á vào ngày 23-12 Ảnh: HẢI YẾN

Cơ quan điều tra triệu tập

Ngày 23-12, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đã triệu tập 8 cán bộ ở CDC Nghệ An ra Hà Nội làm việc.

Những người tại CDC Nghệ An bị triệu tập ngoài ông Nguyễn Văn Định, giám đốc CDC Nghệ An, còn có kế toán, thủ quỹ, cán bộ ở phòng kế hoạch, tổ đấu thầu và 3 người khác có liên quan.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, CDC Nghệ An có mua vật tư, sinh phẩm của Công ty Việt Á với số tiền khoảng 28 tỉ đồng. Theo CDC Nghệ An, quá trình mua sắm vật tư, sinh phẩm của Công ty Việt Á cũng như các công ty khác đơn vị này đều thực hiện đúng quy trình, đúng trình tự, thủ tục.

Vào ngày 15-7, CDC Nghệ An mua của công ty này với giá 470.000 đồng/bộ test PCR. Kế tiếp, vào ngày 31-10 mua với giá chỉ 367.000 đồng/bộ. Làm việc với cơ quan điều tra, bà Phan Tôn Noel Thảo, trợ lý tài chính Công ty Việt Á, đã khai nhận trong quá trình mua bán có chi tiền "hoa hồng" cho đơn vị này.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/vu-thoi-gia-kit-test-cua-cong-ty-viet-a-nhieu-dia-phuong-xac...

Vĩnh Phúc yêu cầu người vào tỉnh phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra công văn về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong dịp cuối năm, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán.

Tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, một tháng qua, trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận khoảng 51 ca nhiễm, nhiều ca tại cộng đồng và khu công nghiệp. Vĩnh Phúc - nơi có 8 khu công nghiệp, hàng trăm nghìn lao động, chuyên gia nước ngoài làm việc đứng trước nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập rất cao.

Do đó, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu cán bộ công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân hạn chế di chuyển khi không cần thiết trong 2 kỳ nghỉ lễ. Tuyên truyền, thông tin đến người thân trong gia đình đang ở tỉnh khác hạn chế đi/về tỉnh.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc yêu cầu người đến, về tỉnh này phải có xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh, khai báo y tế và thông báo với chính quyền.

Các lễ hội, sự kiện, liên hoan, tiệc cuối năm tập trung đông người tiếp tục tạm dừng, trừ các hội nghị được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Tỉnh nghiêm cấm tổ chức ăn uống linh đình; hạn chế tối đa người tại đám cưới, đám hiếu, giỗ chạp, mừng thọ. Gia đình nếu tổ chức phải ký cam kết phòng dịch với chính quyền.

Các huyện, thành phố được yêu cầu đóng các lối mở ra vào vùng có dịch; nâng tỷ lệ xét nghiệm tầm soát lên 10 - 20% và thực hiện ngẫu nhiên hằng ngày, luân phiên hằng tuần tại hộ gia đình, khu dân cư. Các doanh nghiệp chủ động nâng tỷ lệ xét nghiệm tầm soát lên tối đa khi cấp độ dịch tăng. Chính quyền cũng huy động hệ thống y tế tư nhân sẵn sàng tham gia chống dịch khi có yêu cầu, từ ngày 25/12.

Nguồn: https://tienphong.vn/vinh-phuc-yeu-cau-nguoi-vao-tinh-phai-co-xet-nghiem-covid-19-am-ti...

Giám đốc BV tỉnh Bình Định: “Mặt mũi TGĐ Công ty Việt Á tôi còn không biết...”

Ngày 24-12, UBND tỉnh Bình Định cho biết vừa có văn bản về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế, trang thiết bị y tế.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã mua 2 gói sinh phẩm PCR của Công ty Việt Á.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã mua 2 gói sinh phẩm PCR của Công ty Việt Á.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các Sở Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế thực hiện nghiêm túc các quy định, văn bản chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và của UBND tỉnh; kiên quyết không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về đấu thầu, mua sắm.

UBND tỉnh Bình Định giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các cơ quan đơn vị liên quan rà soát lại kế hoạch mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế, trang thiết bị y tế đảm bảo đủ số lượng, đúng chủng loại, phù hợp với tình hình mới. Thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế, trang thiết bị y tế. Đặc biệt là các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác đúng quy định, đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch.

Thanh tra tỉnh xem xét, đề xuất bổ sung vào Kế hoạch thanh tra năm 2022 của tỉnh nội dung thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế, trang thiết bị y tế.

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế chỉ đạo thanh tra chuyên ngành tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, các địa phương trong việc đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.

Liên quan đến công tác mua vật tư, hóa chất, sinh phẩm để xét nghiệm Covid-19 tại địa phương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định Lê Quang Hùng xác nhận địa phương có mua 2 gói sinh phẩm PCR của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Cả 2 gói thầu đều mua bằng hình thức chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt (dịch bệnh) với giá 509.000 đồng/test.

Tuy nhiên, thời điểm đó tình hình dịch bệnh trên địa bàn còn thấp nên số lượng mua ít. Đơn vị mua là Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Định và được thực hiện theo đúng quy trình, được UBND tỉnh phê duyệt.

"Giá mua kit test do Bộ Y tế công bố trên cổng thông tin điện tử. Thời điểm tháng 5, tháng 6-2021, giá kit test của Công ty Việt Á do Bộ Y tế công bố chỉ có một giá là 509.000 đồng. Việc mua sắm được thực hiện đúng quy định, quy trình, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. " - ông Hùng nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tổng số tiền BVĐK tỉnh Bình Định mua sinh phẩm PCR của Công ty Việt Á khoảng 5 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên về việc có hay không chuyện "lại quả" trong việc mua sinh phẩm PCR của Công ty Việt Á, ông Nguyễn Hoành Cường – Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định – khẳng định bản thân ông không hề dính dáng gì đến tiêu cực trong thương vụ này.

"Chúng tôi làm đúng quy trình, rất chặt chẽ, bài bản và có tham khảo về giá trên cổng thông tin Bộ Y tế. Nói thật, mặt mũi của ông tổng giám đốc Công ty Việt Á ra sao tôi còn không biết, nói gì đến chuyện được "lại quả", ông Cường khẳng định.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/giam-doc-benh-vien-tinh-binh-dinh-mat-mui-tong-giam-doc-cong...

Bạc Liêu cho phép hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ ngày 25/12

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chấp thuận cho phép hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (bao gồm cả đường bộ và đường thủy nội địa) được hoạt động trở lại từ 0h ngày 25/12, nhưng phải đảm bảo cao nhất các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, đối với đường bộ, Tỉnh này cho phép hoạt động không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện, đối với đường thủy cho phép hoạt động đảm bảo theo nguyên tắc không vượt quá 50% số người được phép chở trên phương tiện.

Chủ tịch tỉnh cũng giao Sở GTVT chịu trách nhiệm hướng dẫn cho các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời, phải đảm bảo cao nhất các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Giao Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa và đảm bảo an ninh trật tự.

Trước đó, ngày 10/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Công văn 5453 về việc cho phép hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Văn bản trên cho phép hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (bao gồm cả đường bộ và đường thủy nội địa) được hoạt động trở lại, thời gian hoạt động trở lại kể từ 0h ngày 15/12. Tuy nhiên, do tình hình bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa mở lại các tuyến vận chuyển hành khách cố định như dự kiến.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/bac-lieu-cho-phep-hoat-dong-van-tai-hanh-khach-lien-tinh-tu-...

Cà Mau: Chấn chỉnh quản lý tại bệnh viện dã chiến và cơ sở điều trị F0

Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, bệnh viện dã chiến và cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các huyện, Tp.Cà Mau thực hiện khá tốt các nhiệm vụ được giao, được người bệnh và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.  

“Bên cạnh mặt tích cực, ưu điểm, vẫn còn những ý kiến phản ảnh về chất lượng chăm sóc, điều trị, công tác quản lý, bố trí ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh,... chưa được đảm bảo”, văn bản của UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ.

Để khắc phục hạn chế, yếu kém nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, Tp.Cà Mau chỉ đạo các bệnh viện dã chiến, các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc 3 vấn đề như: Các điều kiện ăn uống, sinh hoạt; công tác chăm sóc, điều trị và thuốc uống, thiết bị y tế.

Cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát, cải thiện chất lượng bữa ăn cho bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến, các cơ sở thu dung, điều trị F0 tuyến huyện; bữa ăn của bệnh nhân Covid-19 phải đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh, xử lý ngay khi phát hiện sai phạm (nếu có).

Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người bệnh có ý thức phân loại rác sinh hoạt, rác y tế và để rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, có ý thức giữ vệ sinh chung. Phát huy nhân tố tích cực từ các bệnh nhân, nhất là khâu dọn dẹp, tạo thông thoáng nhà vệ sinh, vật dụng sinh hoạt, vệ sinh cá nhân.

Thường xuyên theo dõi, chăm sóc, động viên, nắm chắc tình hình diễn biến của từng bệnh nhân F0 đang điều trị; có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ chuyển tầng, tăng nặng và tử vong của bệnh nhân F0.

Vận động người bệnh tăng cường luyện tập, cải thiện sức khỏe; áp dụng các biện pháp dân gian hỗ trợ điều trị, nâng cao sức khỏe. Rà soát, đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để điều trị F0, đặc biệt là không để thiếu oxy trong điều trị.

Trường hợp thiếu, cung ứng không kịp thời hoặc có phát sinh thì khẩn trương báo cáo về Ban Chỉ đạo và Sở Chỉ huy để có chỉ đạo, bổ sung, tránh trường hợp thiếu thông tin, thông tin không đầy đủ hoặc không báo cáo kịp thời như thời gian đã qua.

Trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 trong tỉnh đang ở mức cao, diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất chủ trương cho sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 (sử dụng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép) để xác định người nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh.

Cụ thể, bệnh nhân test nhanh lần một dương tính thì sử dụng một loại test nhanh khác để test lần hai, nếu vẫn dương tính thì khẳng định trường hợp đó là F0 (không chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR).

Khi xác định là F0, các trạm y tế thực hiện ngay việc phân loại bệnh nhân, đồng thời cử người khảo sát nơi ở, nếu đủ điều kiện thì trình Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định, cho cách ly tại nhà và cấp ngay cấp túi thuốc điều trị cho F0.

Việc xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR chỉ thực hiện đối với F0 điều trị tại nhà, nơi cư trú. Xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 10, nếu có kết quả âm tính hoặc chỉ số Ct>30 thì kết thúc liệu trình điều trị; nếu chỉ số Ct<=30 thì kéo dài thời gian điều trị đến ngày thứ 14, sau đó theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú thêm 7 ngày.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ca-mau-chan-chinh-quan-ly-tai-benh-vien-da-chien-va-co-so-di...

Mới: Bộ Y tế ban hành quy định với người nhập cảnh ngắn ngày

Ngày 24/12, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn y tế phòng chống dịch COVID-19 đối với người được cấp phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày). Người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, đối tượng áp dụng của hướng dẫn này là những người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày bao gồm: Người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; Người nhập cảnh không phải mục đích ngoại giao công vụ (Nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lí doanh nghiệp, kinh doanh, thương mại, nghiên cứu thị trường cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng quốc gia); Những người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày trong quá trình làm việc tại Việt Nam.

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt, không tiếp xúc với cộng đồng, đảm bảo an toàn cho người nhập cảnh ngắn ngày và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng.

Trong trường hợp người nhập cảnh dự kiến làm việc, hoạt động tại nhiều địa phương, cần phải có kế hoạch, phương án di chuyển rõ ràng và được địa phương liên quan chấp thuận.

Người nhập cảnh ngắn ngày và người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày phải thực hiện đầy đủ quy định 5K, tự theo dõi sức khỏe, khi có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng hoặc khó thở thì thông báo cho cơ quan quản lí và y tế địa phương để xử lí theo quy định.

Đặc biệt lưu ý việc lập danh sách toàn bộ những người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày trong quá trình làm việc, đi thực địa. Nơi lưu trú (khách sạn, nơi lưu trú do doanh nghiệp thu xếp, cơ sở lưu trú khác) được UBND cấp tỉnh phê duyệt đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Bố trí riêng khu vực lưu trú cho người nhập cảnh ngắn ngày. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo tại nơi lưu trú và lây nhiễm ra cộng đồng. Đối với người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì được miễn chi trả (trừ chi phí lưu trú tại khách sạn theo nguyện vọng).

Bộ Y tế cũng đưa ra các quy định với trường hợp sau thời gian làm việc ngắn ngày mà người nhập cảnh tiếp tục có nhu cầu ở lại Việt Nam làm việc. Theo đó phải thực hiện các quy định hiện hành về nhập, xuất cảnh và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với người đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19. Kết thúc thời gian làm việc trước 3 ngày kể từ ngày nhập cảnh phải tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú đến hết ngày thứ 3, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Thực hiện xét nghiệm SARS- CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng... phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lí theo quy định.

Trường hợp kết thúc thời gian làm việc sau 3 ngày và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính vào ngày thứ 3 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng thì phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lí theo quy định.

Đối với người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin COVID-19: kết thúc thời gian làm việc trước 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh phải tự cách li tại nơi lưu trú đến hết ngày thứ 7. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 tính từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng.thì phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lí theo quy định.

Trường hợp kết thúc thời gian làm việc sau 7 ngày và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính vào ngày thứ 7 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng thì phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lí theo quy định. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lí theo quy định.

Đối với người nhập cảnh không phải mục đích ngoại giao công vụ, Bộ Y tế nêu rõ trước khi nhập cảnh, đơn vị, tổ chức mời lập danh sách người dự kiến nhập cảnh vào Việt Nam, cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi mời người nhập cảnh vào Việt Nam và cam kết chi trả chi phí điều trị trong trường hợp bị mắc COVID-19.

Người nhập cảnh phải có: Kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh; Giấy chứng nhận bảo hiểm y tế quốc tế còn hiệu lực hoặc cam kết chi trả chi phí điều trị của đơn vị, tổ chức mời trong trường hợp người nhập cảnh bị mắc COVID-19; Trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 cần có các giấy tờ xác nhận theo quy định.

Đối với người nhập cảnh chỉ tham gia họp, thực hiện kí kết các hợp đồng, thỏa thuận, hợp tác thì ưu tiên lựa chọn địa điểm họp, kí kết, lưu trú tại các tỉnh, thành phố có hoặc gần các cửa khẩu xuất, nhập cảnh để hạn chế người nhập cảnh vào sâu nội địa, di chuyển qua nhiều địa phương không đảm bảo được các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Nguồn: https://tienphong.vn/moi-bo-y-te-ban-hanh-quy-dinh-voi-nguoi-nhap-canh-ngan-ngay-post14...

3 vấn đề cần chấn chỉnh tại các bệnh viện dã chiến ở Cà Mau

Ngày 24-12, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân vừa có công văn chấn chỉnh một số việc tồn tại ở các Bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị trong toàn tỉnh.

Rác thải y tế từng là vấn đề rắc rối ở các Bệnh viện dã chiến tỉnh Cà Mau nay đã được giải quyết. Ảnh: TRẦN VŨ

Rác thải y tế từng là vấn đề rắc rối ở các Bệnh viện dã chiến tỉnh Cà Mau nay đã được giải quyết. Ảnh: TRẦN VŨ

Theo đó, Chủ tịch tỉnh Cà Mau nhận định, bênh cạnh những mặt tích cực thì các Bệnh viện dã chiến, các cơ sở thu dung điều trị F0 tỉnh vẫn còn những hạn chế cần phải chấn chỉnh ngay. 

Thứ nhất, cần chấn chỉnh việc ăn uống sinh hoạt theo hướng cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân đầy đủ dưỡng chất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đảm bảo nước uống, nước sinh hoạt cho bệnh nhân. Hướng dẫn bệnh nhân cách phân loại rác sinh hoạt, rác thải y tế riêng, để đúng nơi quy định...

Thứ hai, thường xuyên theo dõi, chăm sóc, động viên, nắm chắc tình hình diễn biến của bệnh nhân, hạn chế thấp nhất số lượng bệnh nhân chuyển tầng, tăng nặng, tử vong.

Cuối cùng là vấn đề thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị bệnh nhân. Phải thường xuyên rà soát, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, để công tác điều trị đạt hiệu quả cao nhất. 

Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/3-van-de-can-chan-chinh-tai-cac-benh-vien-da-chien-o-ca-mau-1035...

COVID-19 22/12: Ca F0 tăng không ngừng, một tỉnh thành đề nghị hỗ trợ khẩn cấp
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số F0 chuyển nặng và nguy cơ tử vong tăng nhanh, Hậu Giang đề nghị hỗ trợ gấp bác sĩ và điều dưỡng.

Dịch COVID-19

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h