COVID-19 24/2: Hàng nghìn công nhân nhiễm Covid-19, lãnh đạo địa phương chỉ đạo khẩn

H.A - Ngày 24/02/2022 12:14 PM (GMT+7)

Sau Tết, khu công nghiệp VSIP Nghệ An chỉ có 7.000 người quay lại làm việc, nhưng có đến 3.255 lao động được ghi nhận dương tính với Covid-19.

8 diễn biến

Hàng nghìn công nhân nhiễm Covid-19, nhiều công ty thiếu hụt lao động

Tỷ lệ công nhân đi làm chỉ đạt 66%

Từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (đóng tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) chỉ có 7.000 lao động quay lại làm việc, và đáng lo hơn, trong số này có đến 3.255 lao động được ghi nhận dương tính với Covid-19 và hơn 1.100 lao động là F1 đang cách ly.

Phun phòng dịch ở Khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Trân Châu

Phun phòng dịch ở Khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Trân Châu

Theo báo cáo ngày 22/2, khu công nghiệp VSIP có 1.252 ca F0, 1.109 ca F1. Số ca F0 đang có dấu hiệu tăng lên sau khi địa phương xét nghiệm. Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn phải duy trì sản xuất dựa theo số lao động đi làm hiện tại để đảm bảo đơn hàng.

Do số lao động là F0 và F1 phải thực hiện cách ly quá lớn nên hiện các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng, tỷ lệ công nhân đi làm chỉ đạt 66%. Một số doanh nghiệp như VN Post, Sangwoo thì chia ca ra để làm việc và tuyển thêm lao động để bù vào lượng F0, F1 nghỉ.

Đơn cử như Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An đã có 2.034 công nhân bị nhiễm Covid-19. Ngày 22/2, chỉ có 35,37% công nhân đi làm. Trong khi đơn vị này công ty cần khoảng 3.000 - 4.000 lao động.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 dẫn đến thiếu lao động nghiêm trọng, đại diện khu công nghiệp VSIP Nghệ An kiến nghị với UBND tỉnh Nghệ An một số vấn đề liên quan trong quản lý, phòng chống dịch như: xem xét mức phí để hỗ trợ F0, F1 khi về địa phương cách ly.

Ông Lê Phạm Hùng, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: “Hiện nay, UBND huyện Hưng Nguyên đã thành lập ê-kíp bác sỹ riêng để hỗ trợ điều trị, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho các F0 tại khu công nghiệp. Để kiểm soát và chủ động phòng chống dịch bệnh, chính quyền địa phương cũng tăng cường kiểm soát nơi đông người lao động ở trọ, các địa điểm ăn uống…”.

Bên cạnh đó, Ban kinh tế Đông Nam, sở Y tế, Trung tâm y tế huyện cũng phối hợp chặt chẽ và phân bổ nguồn vắc-xin để kịp thời tiêm mũi bổ sung/mũi nhắc lại cho người lao động đã đủ điều kiện tiêm nhắc lại. Các cơ quan chức năng cũng hỗ trợ giải đáp và thắc mắc cho chuyên gia nước ngoài về việc tiêm vắc-xin bổ sung, nhắc lại cho cán bộ, công nhân người lao động.

Yêu cầu tiêm mũi 3 cho công nhân

Trước tình hình dịch phức tạp, ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức buổi làm việc để bàn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ lao động trở lại làm việc.

Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND Nghệ An cầu ngành y tế bố trí đủ vắc xin để tiêm mũi 3 cho công nhân và thống nhất hướng dẫn trong việc cách ly F1 trên toàn địa bàn đúng quy định của bộ Y tế.

Nghiên cứu, bố trí điểm thu dung điều trị F0 ngay tại khu công nghiệp VSIP để kịp thời điều trị, giảm tỉ lệ lây lan F0 ra cộng đồng; nghiên cứu phương án hỗ trợ test Covid-19 cho lao động tại khu công nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cần phối hợp với cơ quan báo chí của tỉnh xây dựng kịch bản, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công nhân trong phòng chống dịch và quay lại nơi làm việc đúng quy định.

Đối với việc hỗ trợ huy động công nhân quay lại nơi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan vào cuộc quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó cần khảo sát về cơ sở vật chất, nơi lưu trú, mức lương của công nhân để có phương án phù hợp thu hút lao động vào làm việc tại khu công nghiệp.

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An và Khu Kinh tế Đông Nam cũng cần phối hợp khảo sát, có điều tiết mặt bằng chung về thu nhập cho người lao động tại các khu công nghiệp.

Phó Chủ tịch đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng trong điều kiện mới để duy trì sản xuất phục hồi phát triển kinh tế. Đặc biệt điều quan trọng nhất hiện nay là phải tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả trong các nhà máy, Khu công nghiệp, giải quyết việc làm, góp phần ổn định môi trường đầu tư của tỉnh.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/hang-nghin-cong-nhan-nhiem-covid-19-nhieu-cong-ty-thieu-hut-...

TPHCM: Phụ huynh, học sinh mệt mỏi khi F0 tăng mạnh trong trường học

Nghỉ học vì F0

Anh Hoàng Ngọc Bảo có con đang học lớp 3 Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Gò Vấp). Sáng đầu tuần vừa rồi, trong lúc đang làm việc, anh Bảo được giáo viên chủ nhiệm thông báo đến đón con về vì trong lớp có học sinh F0. "Nhận được tin nhắn, tôi lập tức xin phép nghỉ làm để “phi” ngay về trường đón con. Đến nơi, anh Bảo thấy con cùng các bạn đã mang đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập và ngồi đợi", anh Bảo cho hay.

Giáo viên hướng dẫn học sinh mầm non rửa tay sát khuẩn trong ngày đầu đến trường

Giáo viên hướng dẫn học sinh mầm non rửa tay sát khuẩn trong ngày đầu đến trường

Theo anh Bảo, việc đang học trực tiếp nay bỗng nhiên chuyển sang học trực tiếp, ngoài ảnh hưởng đến công việc chung của anh thì còn ảnh hưởng đến việc học của con. “Việc học trực tiếp là rất cần thiết với sự phát triển về năng lực cũng như kiến thức của con. Chỉ mới 1 tuần học trực tiếp nhưng nhận thấy con rất vui và tiến bộ trong học tập".

Cũng cảnh ngộ, ngày 22/2, nhiều phụ huynh có con đang học lớp Lá 2 tại Trường mầm non Tuổi Thơ (TP Thủ Đức, TPHCM) cũng xôn xao khi nhận được thông báo con nghỉ học một giáo viên bị nhiễm COVID-19. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, Ban giám hiệu cho các bé lớp Lá 2 tạm ngưng đến trường và cách ly tại nhà 14 ngày. Trong thời gian này, phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của trẻ, test nhanh khi có triệu chứng để thông tin kịp thời đến nhà trường và cơ sở y tế tại địa phương.

Ngay khi nhận được thông báo, một số phụ huynh tỏ rõ sự băn khoăn, lo lắng vì thời gian nghỉ quá nhiều trong khi thời gian con học ở trường thời gian tới không lâu, như vậy sẽ thiệt thòi cho trẻ vì tuổi này các con chuẩn bị vào lớp 1 cũng như ảnh hưởng đến công việc.

Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, việc cho học sinh nghỉ học khi có F0 của Trường mầm non Tuổi Thơ cũng là tình thế chung của các trường, ngành giáo dục hiện nay, nhất là với khối mầm non và tiểu học khi có giáo viên bị nhiễm. Cũng theo ông Nguyên, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, khi lớp học có học sinh F0, cán bộ y tế trường học và tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó. Chỉ những học sinh có tiếp xúc gần F0 mới nghỉ học trực tiếp để theo dõi 5 ngày, những em khác vẫn học bình thường.

Hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết, hướng dẫn mới của Bộ Y tế về xử lý F0, F1 trong trường học cơ bản đã gỡ rối được cho các trường trong việc thực hiện dạy học khi có F0. “Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn là ngày khi có F0 thì cả lớp phải test nhanh COVID-19 liệu có hiệu quả và phát sinh kinh phí. Ngoài ra, trong một lớp nhưng vừa dạy trực tuyến vừa dạy trực tiếp thì thì kết quả sẽ không được đồng đều và gây khó cho giáo viên”, vị hiệu trưởng này nói.

F0 trong trường học tăng mạnh

Chiều 22/2, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, từ ngày 14/2 đến nay, số ca trẻ em tăng cao hơn gấp 3 lần so với tuần trước (từ 7/2 đến 13/2). Cụ thể, trong tuần qua có 201 trường ghi nhận có F0 với tổng số 7.505 ca, trong đó bao gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh ở tất cả các cấp học.

Ông Thượng cũng cho hay, hiện 3 bệnh viện nhi thành phố (Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng TPHCM) đang điều trị nội trú cho 100 em, trong đó có 84% trẻ có triệu chứng sốt, 77% có triệu chứng đường hô hấp (ho, sổ mũi, đau họng), 11% trẻ em phải hỗ trợ hô hấp, 89% có triệu chứng trung bình hoặc nhẹ. Báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cũng cho thấy số trẻ em dưới 12 tuổi chiếm 93% ca bệnh, đây là lứa tuổi chưa được tiêm vắc xin, trong đó 65% là trẻ dưới 5 tuổi.

Ông Thượng cho biết các chuyên gia đã xây dựng kịch bản khi số trẻ em mắc COVID-19 gia tăng sẽ mở rộng thêm số giường tại các bệnh viện nhi, huy động các bệnh viện quận, huyện có khoa nhi. “Ngành y tế sẽ tham mưu UBND TPHCM xem xét ngưng việc học trực tiếp khi số trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca/ngày. Hiện nay mỗi ngày chỉ có 5 ca trẻ em cần hỗ trợ hô hấp”, ông Thượng nói.

Trước thông tin này, chiều 23/2, trên mạng xã hội lan truyền thông tin "Học sinh TPHCM chuẩn bị dừng học trực tiếp. Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức họp khẩn để đưa ra quyết định?".

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP, đây là thông tin giả mạo vì hiện tại ngành giáo dục TP vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo đúng kế hoạch của UBND TP đề ra.

Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-phu-huynh-hoc-sinh-met-moi-khi-f0-tang-manh-trong-truong-hoc...

Gia Lai ghi nhận 862 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2

Ngày 24/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Gia Lai thông tin, tính từ ngày 23/2 đến 9h ngày 24/2, Tỉnh này ghi nhận 862 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2.

Tính từ ngày 26/4 đến 9h ngày 24/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 17.773 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (đã có 46 ca tử vong, trong đó hơn 65% số tử vong là do bệnh nền nặng và chưa tiêm vắc-xin).

Riêng số trường hợp đi từ vùng dịch về từ ngày 1/10 đến ngày 24/2 phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 là 2.095 ca (1.959 ca dương tính mới và 136 ca tái dương tính).

Hiện nay, còn 1.472 trường hợp đang điều trị tại các Bệnh viện Dã chiến tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 331, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố.

Ngoài ra, liên quan đến trường hợp tử vong thứ 46, Ban Chỉ đạo thông tin, người tử vong tên Đ.T.N, SN1944, ngụ phường Ngô Mây, thị xã An Khê. Ngày 12/2, bệnh nhân vào Trung tâm Y tế thị xã An Khê, test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Khoảng 20h10 ngày 13/2, bệnh nhân chuyển vào Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khoảng 10h5 ngày 23/2, bệnh nhân tử vong. Chẩn đoán tử vong: Ngừng tuần hoàn hô hấp/Viêm phổi nặng do Covid-19/Đột quỵ não cũ/ suy kiệt tuổi già. 

Tính đến 6h ngày 24/2, không có công dân thực hiện cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý, không có công dân thực hiện cách ly tại khách sạn.

Theo Ban Chỉ đạo, tỉnh Gia Lai đã và đang rất khẩn trương, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đề nghị người dân hạn chế ra ngoài tỉnh nếu không thật sự cần thiết; khi phát hiện người đi từ vùng dịch về, người nhập cảnh vào địa phương... phải kịp thời thông báo cho chính quyền để hướng dẫn, hỗ trợ.

Khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở cần liên hệ ngay với cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn hoặc liên hệ theo đường dây nóng (Bác sĩ Trâm: 0397.735.382; Bác sĩ Hiếu: 0983.103.179) để được hỗ trợ.

Khi cần tư vấn về chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đề nghị liên hệ với ông Nguyễn Hữu Tùng (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) theo số điện thoại 0905.387.234 hoặc 0269.3828.511.

Người dân có thể gọi số điện thoại (0269)1022 hoặc gửi nội dung phản ánh, kiến nghị lên Hệ thống thông tin 1022 tỉnh Gia Lai tại địa chỉ https://1022.gialai.gov.vn để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.

Hiện, vẫn còn nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây; đã có biểu hiện tâm lý chủ quan của người dân, có người không tuân thủ quy định 5K nên rất dễ xảy ra việc lây lan bùng phát dịch. Đề nghị người dân luôn nâng cao cảnh giác nhưng không hoang mang, lo lắng; tự giác thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/gia-lai-ghi-nhan-862-truong-hop-duong-tinh-voi-sars-cov-2-a5...

TP HCM: Ca bệnh Covid-19 cộng đồng tăng, Sở Y tế ra văn bản khẩn

Ngày 23-2, Sở Y tế TP HCM vừa ra văn bản khẩn gửi đến các bệnh viện trên địa bàn TP về việc đảm bảo cung cấp oxy cho người bệnh Covid-19 khi số ca bệnh tăng trong thời gian gần đây.

Theo đó, Sở Y tế cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng có chiều hướng tăng nhanh.

Công ty Nippon Sanso VietNam JSC là một trong những đơn vị đã cung cấp oxy cho TP HCM cứu chữa bệnh nhân Covid-19

Công ty Nippon Sanso VietNam JSC là một trong những đơn vị đã cung cấp oxy cho TP HCM cứu chữa bệnh nhân Covid-19

Để đảm bảo việc cung cấp nhu cầu oxy cho người bệnh được kịp thời, hiệu quả. Sở Y tế đề nghị các bệnh viện quận, huyện; bệnh viện dã chiến; các đơn vị y tế ngoài công lập trên địa bàn TP khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng kịch bản theo số ca nhập viện tại đơn vị. Đồng thời, rà soát các hợp đồng với nhà cung cấp oxy để đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời và có cơ số dự trữ ít nhất 1 tuần cho nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, kiểm tra các bồn oxy lỏng, đường dẫn oxy, các chai oxy... đảm bảo tính an toàn tuyệt đối khi vận hành.

Trước đó, chiều 22-2, tại buổi họp giao ban của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP HCM, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết từ ngày 7 đến 13-2, TP ghi nhận 449 trẻ mắc Covid-19 tại 117 trường. Tuy nhiên, trong tuần qua, khi học sinh đi học trở lại, số trẻ mắc bệnh tăng lên 6.000 tại 201 trường học.

Đáng chú ý ngành y tế đã thực hiện khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên để giám sát sự lưu hành biến thể Omicron trong cộng đồng. Kết quả ghi nhận từ ngày 10 đến 17-2, trong số 92 mẫu bệnh phẩm được giải mã trình tự gien, 70 mẫu có kết quả dương tính với biến chủng Omicron, chiếm tỉ lệ 76%.

Lấy ngẫu nhiên 26/70 mẫu sàng lọc dương tính này để thực hiện giải trình tự gien thì xác định 100% là biến chủng Omicron.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-ca-benh-cong-dong-tang-so-y-te-ra-van-ban-khan-20220...

Qua xét nghiệm nhanh phát hiện 2.590 ca mắc Covid-19, hơn 700 ca cộng đồng

Sáng 24-2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 23-2 đến 6 giờ ngày 24-2), tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.259 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 411 ca cộng đồng, 848 ca đã được cách ly từ trước (844 ca là F1, 4 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).

Số địa phương có số bệnh nhân cao nhất trong 12 giờ qua là: Huyện Quỳnh Lưu, huyện Diễn Châu, TP Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc…

Lực lượng chức năng lấy mẫu test nhanh cho người dân.

Lực lượng chức năng lấy mẫu test nhanh cho người dân.

Trước đó, vào tối 23-2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An thông tin trong 12 giờ (từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 23-2-2022), tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.331 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 293 ca cộng đồng, 1038 ca đã được cách ly từ trước (1.030 ca là F1, 8 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).

Như vậy, trong 24 giờ qua, Nghệ An ghi nhận 2.590 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 704 ca cộng đồng; 4 bệnh nhân tử vong do Covid-19.

Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 58.323 ca mắc Covid-19. Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 31.367 người, số bệnh nhân tử vong: 88 người, bệnh nhân hiện đang điều trị: 26.868 người.

Được biết, trước diễn biến dịch phức tạp của dịch, tỉnh Nghệ An đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị kiểm soát việc tập trung đông người trái quy định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch. Ngoài ra, để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân hạn chế tập trung đông người, thực hiện tốt "5K" và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/qua-xet-nghiem-nhanh-phat-hien-2590-ca-mac-covid-19-hon-700...

F0 tăng cao, Hải Phòng tạm dừng lấy mẫu xét nghiệm F1

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Phòng thông tin, trong ngày 23/2 địa phương ghi nhận thêm 1.816 ca mắc COVID-19. Trong đó, 1.779 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, 24 trường hợp xét nghiệm sàng lọc nhân viên y tế.

TP Hải Phòng hiện đang điều trị cho hơn 129.000 ca bệnh, trong đó 121 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Thành phố đã triển khai tiêm hơn 4,17 triệu liều vắc xin cho người dân, học sinh.

Sáng 24/2, Sở Y tế TP Hải Phòng đã chỉ đạo CDC cấp vắc xin cho các đơn vị trực thuộc để tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho người dân trên địa bàn.

Đồng thời, đề nghị Sở Công thương, Ban quản lý Khu kinh tế chỉ đạo các khu, cụm công nghiệp rà soát, thống kê lao động đến lịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 bổ sung.

Các quận, huyện chỉ đạo lực lượng rà soát danh sách quản lý đối tượng tiêm liều bổ sung và liều vắc xin nhắc lại, cập nhật trên phần mềm tiêm chủng.

Bà Phạm Thu Xanh – Tổ trưởng phản ứng nhanh phòng chống COVID-19 TP Hải Phòng cho biết, thành phố cũng vừa yêu cầu CDC chỉ cấp phát test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho địa phương để làm xét nghiệm cho F0 cách ly điều trị tại nhà đủ 7 ngày, kể từ 24/2.

BCĐ Phòng chống dịch thành phố yêu cầu, các địa phương căn cứ số F0 và dự báo tình hình, dự trù lĩnh test nhanh để đảm bảo công tác xét nghiệm cho bệnh nhân.

Tạm dừng việc lấy mẫu xét nghiệm F1 cách ly tại nhà. Hướng dẫn F1 và gia đình có F1 chủ động tự làm xét nghiệm tại nhà và khai báo trung thực với y tế địa phương để được tư vấn, hướng dẫn.

Tại Hải Dương, trong ngày 23/2 địa phương này ghi nhận thêm 2.944 ca mắc COVID-19, số F0 cao kỷ lục ghi nhận trong một ngày. Trong đó, 1.258 trường hợp F1, 1.602 trường hợp ho sốt và sàng lọc cộng đồng…

Trong ngày, tại Hải Dương có gần 3.000 bệnh nhân khỏi bệnh, được xuất viện. Tính từ tháng 10/2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 25.200 bệnh nhân khỏi bệnh, hiện có hơn 15.700 F0 đang được điều trị.

Cũng trong ngày 23/2, đoàn kiểm tra phòng chống COVID-19 của UBND TP Hải Dương kiểm tra đột xuất hàng loạt cơ sở kinh doanh thuốc, vật tư y tế trên địa bàn.

Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện hai tiệm thuốc tại phường Trần Phú không niêm yết giá kit test nhanh COVID-19. Ngay sau đó, UBND phường Trần Phú (TP Hải Dương) đã quyết định phạt 2 triệu đồng đối với chị Phạm Thị Thu Hà (SN 1982) và anh Trần Đình Vĩnh (SN 1986), là chủ hai tiệm thuốc trên.

Nguồn: https://tienphong.vn/f0-tang-cao-hai-phong-tam-dung-lay-mau-xet-nghiem-f1-post1418589.t...

Hải Phòng: Một ngày gần 500 trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh mắc COVID-19

Đơn vị đang tiếp nhận, điều trị cho hơn 400 F0 là trẻ em, trong đó có nhiều trẻ sơ sinh. Tất cả các bệnh nhi đều phải có phụ huynh, người thân chăm sóc hằng ngày, do đó, số F0 trong bệnh viện dao động từ 800-1.000 trường hợp.

Bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng thăm khám, điều trị cho bệnh nhi F0. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng thăm khám, điều trị cho bệnh nhi F0. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Trẻ sơ sinh mắc COVID-19 thường có triệu chứng điển hình là sốt rất cao, li bì. Nhiều trẻ nhỏ được phát hiện, đưa vào viện muộn còn có biểu hiện co giật, tinh thần hoảng loạn. Nhiều trường hợp sử dụng thuốc hạ sốt thông thường không có hiệu quả, các bác sĩ phải kết hợp các thuốc hạ sốt, thậm chí có trường hợp phải dùng thuốc an thần chống co giật. Trong số bệnh nhi nhập viện, có hơn 50 trường hợp phải thở ô xy, 5 trường hợp phải thở máy. Bệnh viện ghi nhận một ca nặng, phải chuyển lên tuyến trung ương điều trị do mắc COVID-19 kèm theo bệnh nan y bạch cầu cấp.

“Có thời điểm, một ngày bệnh viện tiếp nhận gần 500 F0 là bệnh nhi, trẻ sơ sinh. Trước tình hình đó, đơn vị vận động nhân viên y tế khi có kết quả âm tính và không có triệu chứng ho sốt, sớm trở lại bệnh viện để hỗ trợ điều trị, chăm sóc F0. Đồng thời, phân công lịch trực luân phiên, linh hoạt nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế, tránh tình trạng quá tải sức lao động”, bác sĩ Yến nói.

Theo Sở Y tế TP Hải Phòng, sau Tết Nguyên đán số ca mắc COVID-19 tại địa phương tăng cao, hàng nghìn ca mỗi ngày, nhiều F0 là học sinh, trẻ em. Thậm chí, số nhân viên y tế cơ sở, các trạm y tế lưu động mắc COVID-19 tăng cao, do đó việc hỗ trợ F0 điều trị tại nhà gặp nhiều khó khăn. Nhiều xã, phường số F0 tăng cao, trong khi đó chỉ có vài nhân viên y tế dẫn đến tình trạng quá tải. Vừa qua, Sở đã đề nghị và được TP Hải Phòng huy động khoảng 1.000 sinh viên tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại một số quận huyện là điểm nóng.

Nguồn: https://tienphong.vn/hai-phong-mot-ngay-gan-500-tre-nho-tre-so-sinh-mac-covid-19-post14...

"Đau ví" vì xét nghiệm, gia đình có F0 tốn cả chục triệu đồng

Ngày 22/2, cả nước có 55.879 ca nhiễm, riêng Hà Nội là 6.868 ca nhiễm COVID-19. Số ca nhiễm tại Hà Nội tăng cao kỷ lục sau Tết Nguyên đán, kéo theo nhu cầu lớn của người dân về xét nghiệm COVID-19. Trong khi F0 liên tục tự test nhanh trong thời gian điều trị, thì F1, gia đình, những người có tiếp xúc với người nghi nhiễm cũng đổ xô mua kit test, làm PCR để tầm soát.

Hiệu thuốc tấp nập người ra vào, kit test bán ngay trên vỉa hè để kịp phục vụ khách hàng

Hiệu thuốc tấp nập người ra vào, kit test bán ngay trên vỉa hè để kịp phục vụ khách hàng

Người dân xếp hàng mua kit test nhanh COVID-19 trên vỉa hè

Người dân xếp hàng mua kit test nhanh COVID-19 trên vỉa hè

Một gia đình 4 người F0 (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết vừa trải qua 1 tuần tự cách ly, điều trị, dù thuốc được phát miễn phí nhưng chi phí xét nghiệm ngốn tới cả chục triệu đồng. Cụ thể, mỗi thành viên xét nghiệm PCR 2 lần (phát hiện bệnh – khỏi bệnh), 700.000 đồng/người/lần. Riêng tiền xét nghiệm PCR hết 5,6 triệu đồng cho cả gia đình.

Với kit test nhanh, gia đình mua tổng cộng 40 bộ, các lần mua giá khác nhau, từ 63.000 – 80.000 – 90.000 đồng/bộ. Số tiền mua test nhanh cũng hơn 3 triệu đồng. Như vậy, mỗi F0 trong gia đình tốn khoảng 2,5 triệu đồng cho việc xét nghiệm. Trong khi thuốc được tặng miễn phí nên không tốn kém.

F0 liên tục test nhanh trong thời gian tự điều trị tại nhà

F0 liên tục test nhanh trong thời gian tự điều trị tại nhà

Không chỉ F0 tốn tiền triệu xét nghiệm, mà trong bối cảnh số ca nhiễm Hà Nội tăng cao, hầu như các gia đình, cá nhân đều tự trang bị kit test nhanh để tầm soát. Chị Hà Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, 2 tuần qua đã tiêu tốn 3,5 triệu đồng cho xét nghiệm PCR và mua kit test nhanh COVID-19. “Đi làm trở lại sau Tết Nguyên đán, đồng nghiệp tiếp xúc gần liên tục báo F0 khiến tôi lo lắng, đi xét nghiệm PCR 2 lần, còn xét nghiệm nhanh đã dùng tới hộp thứ 2”, chị Linh cho biết.

Mỗi lần xét nghiệm PCR, chị Linh phải trả 948.000 đồng (bao gồm phí 20% xét nghiệm sau giờ hành chính). Số tiền mua test nhanh cũng lên tới 1,5 triệu đồng (25 bộ). Tổng cộng, chị Linh tiêu tốn 3,5 triệu đồng.

“Xét nghiệm PCR cũng trong tình trạng quá tải, tôi nhiều lần gọi các dịch vụ lấy mẫu tại nhà, phí 700.000 đồng/lần (gồm 200.000 phí đi lại) nhưng đều báo bận, chưa sắp xếp được kỹ thuật viên. Nhiều người quen của tôi cũng gặp tình trạng tương tự”, chị Linh cho hay.

Nhiều người khác được hỏi cũng cho biết, đã tiêu tiền triệu để mua các bộ xét nghiệm nhanh ở nhà thuốc, chợ mạng. Hộp 20 bộ dùng hết chỉ trong 10 ngày, nếu gia đình có con nhỏ đi học, bố mẹ đi làm phải xét nghiệm thường xuyên để tầm soát, báo cáo trường học, cơ quan. "Đến viêm màng túi vì xét nghiệm và test COVID", một F1 trải qua vài lần phấp phỏng chuyển F0 cho hay.

Hiệu thuốc chỉ bán không quá 20 que/ lần/ khách hàng

Hiệu thuốc chỉ bán không quá 20 que/ lần/ khách hàng

Tại các hiệu thuốc, kit test nhanh sốt hàng, giá cũng tăng đáng kể sau Tết Nguyên đán. Khảo sát tại nhiều nhà thuốc, chợ mạng trong buổi chiều nay, giá kit test nhanh COVID-19 bán lẻ thấp nhất khoảng 65.000 đồng/bộ, và cao nhất khoảng 100.000 đồng/bộ.

Test nhanh phổ biến dưới 2 dạng, lấy dịch tỵ hầu, hoặc nước bọt, trong đó, dịch tỵ hầu được khuyến nghị cho kết quả chính xác cao hơn, cũng đắt hàng hơn. Thậm chí, có loại được người bán quảng cáo xét nghiệm được chủng mới Omircon, dù không có dẫn chứng, hướng dẫn cụ thể nào liên quan.

Kit test nhanh quảng cáo xét nghiệm được Omicron

Kit test nhanh quảng cáo xét nghiệm được Omicron

Nguồn: https://tienphong.vn/dau-vi-vi-xet-nghiem-gia-dinh-co-f0-ton-ca-chuc-trieu-dong-post141...

F0 âm thầm điều trị, không khai báo y tế sẽ phải đối mặt với những nguy cơ gì?
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu F0 không khai báo sẽ gây hại cho bản thân F0, người thân và cả cộng đồng. Ngoài ra, F0 không khai báo có nguy cơ bị phạt...

Tin tức 24h

H.A (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19