Những quyền lợi người mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà nên biết

Ngày 23/02/2022 21:13 PM (GMT+7)

GiadinhNet - Tra từ khóa “điều trị F0 tại nhà” trên google, chỉ trong 0,68 giây có đến 40.400.000 kết quả. Phần lớn những thông tin được quan tâm là các hướng dẫn về những loại thuốc điều trị, thời gian cách ly, cách chăm sóc F0… Tuy nhiên, những quyền lợi sau đây mà người mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà cũng nên biết.

Theo Ts.Ls Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), người mắc COVID-19 điều trị tại nhà được xác định là bệnh nhân nên thời gian điều trị tại nhà được xác định là thời gian nghỉ ốm. Bởi vậy, ngoài các quyền lợi, chế độ riêng mà nhà nước quy định dành cho người mắc COVID-19 thì người mắc COVID-19 điều trị tại nhà còn được áp dụng các chính sách an sinh xã hội, các khoản hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Người mắc COVID-19 có thể được hưởng 4 quyền lợi sau:

Thứ nhất; Được hỗ trợ đến 3.000.000 đồng từ Công đoàn đối với người lao động đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức.

Theo nội dung Quyết định 3749/QĐ-TLĐ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định đoàn viên, người lao động là F0 không vi phạm quy định về phòng, chống dịch được nhận hỗ trợ: Tối đa 03 triệu đồng nếu/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế theo giấy xác nhận của cơ quan y tế;

Tối đa 1,5 triệu đồng/người nếu điều trị tại nhà từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế dưới 21 ngày theo xác nhận của cơ quan y tế.

Căn cứ vào quyết định này thì Công đoàn của từng tỉnh sẽ có hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục để người lao động nhận khoản tiền hỗ trợ này. Về nguyên tắc, theo quy định của văn bản này thì mỗi người chỉ được nhận một lần khi mắc COVID-19.

"Theo quy định hiện nay về việc cách ly y tế tại nhà đối với F0 thì thời gian cách ly là 07 ngày. Bởi vậy trong trường hợp cơ sở y tế không gia hạn thời hạn cách ly tại nhà (bởi trong 7 ngày người mắc F0 đã âm tính) thì những trường hợp cách ly dưới 21 ngày sẽ không được nhận khoản tiền trợ cấp này. Còn trong trường hợp những người phải nghỉ việc để điều trị đủ thời hạn quy định nêu trên thì có thể liên hệ với cán bộ công đoàn của cơ quan hoặc công đoàn cơ sở để được thực hiện thủ tục và nhận hỗ trợ theo quy định pháp luật", luật sư Cường chia sẻ.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định hiện hành, có 4 chế độ cho những F0 đang điều trị tại nhà

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định hiện hành, có 4 chế độ cho những F0 đang điều trị tại nhà

Thứ hai; Tiền bảo hiểm của chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội đối với những người tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với những người lao động có hợp đồng lao động và tham gia đóng bảo hiểm xã hội khi bị nhiễm COVID-19 phải nghỉ việc, có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo Điều 25 (Luật Bảo hiểm xã hội). Thời gian hưởng chế độ ốm đau được quy định tại Điều 26 của Luật này.

Cụ thể: Với những người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì: 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 - dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm. Nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở trở lên.

Trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 (Điều 28, Luật Bảo hiểm xã hội).

Thủ tục người lao động được hưởng khoản trợ cấp này được thực hiện theo Công văn 238/BYT-KCB. Theo đó, F0 cần chuẩn bị bản chính hoặc bản sao giấy ra viện (nếu điều trị nội trú) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (nếu điều trị ngoại trú) sau đó chuyển cho người sử dụng lao động để làm thủ tục hưởng chế độ.

Hiện trên cả nước có hàng chục nghìn ca F0 đang được điều trị tại nhà

Hiện trên cả nước có hàng chục nghìn ca F0 đang được điều trị tại nhà

Thứ ba; Tiền dưỡng sức sau khi điều trị COVID. Theo quy định tại Điều 29 (Luật Bảo hiểm xã hội) thì sau khi điều trị COVID-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày.

Tuy nhiên, người lao động chỉ được hưởng khoản tiền này nếu F0 điều trị từ 30 ngày trở lên trong năm (quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH). Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2,235 triệu đồng.

Thứ tư; Tiền lương do người sử dụng lao động trả. Trong trường hợp người lao động vẫn còn ngày nghỉ phép năm thì thời gian nghỉ việc để điều trị COVID-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, trong những ngày này người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.

Theo khoản 1 (Điều 113, Bộ luật Lao động 2019), người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Có 4 chế độ dành cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà.

1. Tối đa 3 triệu đồng từ Công đoàn

2. Tiền bảo hiểm của chế độ ốm đau

3. Tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid

4. Tiền lương do người sử dụng lao động trả

Thông tin Học sinh TP HCM dừng học trực tiếp là giả mạo
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM khẳng định hiện vẫn tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo đúng kế hoạch của UBND TP đã đề ra

Tin tức 24h

Theo Sơn Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h