COVID-19 25/3: Ba tỉnh thành có ca dương tính SARS-CoV-2 tăng mạnh, nguy cơ bùng dịch cao

K.T - Ngày 25/03/2022 14:44 PM (GMT+7)

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.599.751 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 87.002 ca nhiễm).

9 diễn biến

3 tỉnh, thành có ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong 24 giờ

COVID-19 25/3: Ba tỉnh thành có ca dương tính SARS-CoV-2 tăng mạnh, nguy cơ bùng dịch cao - 1

Nguồn: https://tienphong.vn/3-tinh-thanh-co-ca-mac-covid-19-tang-manh-trong-24-gio-post1425685...

Lý do TP.HCM chưa cho F0 đi làm trực tiếp

Chiều 24-3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

F1 tiêm vaccine đủ liều sẽ được đi học, đi làm

Trước buổi họp báo này, trong sáng 24-3, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về việc cho phép F1 đi làm, đi học trực tiếp nếu đáp ứng một số điều kiện. Tuy nhiên, trường hợp người là F0 vẫn chưa được đi làm, đi học trực tiếp.

Trả lời câu hỏi vì sao chưa cho F0 đi làm, đi học trực tiếp như một số tỉnh, thành trong cả nước (Long An, Cà Mau), bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho rằng hiện nay, việc tham mưu phương án ứng phó với dịch COVID-19 do Sở Y tế thực hiện nhưng Ban chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng. “Đánh giá tình hình về số ca mắc COVID-19 mới, số ca nặng và tử vong, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND TP cho phép F1 đi làm nếu đáp ứng một số điều kiện” - bà Mai nói.

Tuy nhiên, với trường hợp F0, bà Mai cho rằng đó là những người bệnh cần được điều trị tại nhà hoặc bệnh viện.

Theo bà Mai, mặc dù số ca tử vong do COVID-19 giảm ở mức rất thấp nhưng số ca nặng chưa giảm bền vững mà lên xuống liên tục. “Nếu số ca mắc COVID-19 lại tăng, chắc chắn ca nặng và tử vong sẽ tăng, đó là kinh nghiệm của TP.HCM rút ra từ các đợt dịch trước đây” - bà Mai nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết theo đề xuất trước đó của Bộ Y tế, không phải F0 nào cũng có thể đi làm. Chỉ các F0 đáp ứng điều kiện có thể làm việc trực tuyến tại nhà hoặc khu cách ly, làm việc ở cơ sở chăm sóc F0 khác kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc.

Còn liên quan đến quyết định F1 được đi làm, ông Tâm cho biết tại các cơ sở giáo dục, các trường hợp F1 sẽ được xác định dựa trên hướng dẫn xác định F0, F1 của Bộ Y tế. Từ đó, cơ sở y tế sẽ xác định F1 dựa trên chỗ ngồi trong lớp cùng các hoạt động khác trong quá trình học tập trực tiếp.

Sở Y tế TP.HCM cho rằng F0 là những người bệnh cần được điều trị tại nhà hoặc bệnh viện. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sở Y tế TP.HCM cho rằng F0 là những người bệnh cần được điều trị tại nhà hoặc bệnh viện. Ảnh: HOÀNG GIANG 

Chưa thể xem là bệnh thông thường

Trả lời câu hỏi về việc với tỉ lệ tiêm chủng, số ca khỏi COVID-19 cao, TP.HCM hiện đã đạt miễn dịch cộng đồng hay chưa, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết nhiều chuyên gia trên thế giới đang thảo luận và đề xuất coi dịch COVID-19 là bệnh lưu hành hay bệnh đặc hữu.

Ở Việt Nam (VN), vừa qua Bộ Y tế đã trao đổi cùng các chuyên gia trong và ngoài nước, Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ về nhận định, đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại VN. “Các tổ chức, chuyên gia đã đưa ra bốn đặc điểm về tình hình dịch tại nước ta. Họ cho rằng SARS-CoV-2 đã được ghi nhận ở tất cả tỉnh, thành nhưng vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch và bệnh lưu hành” - bà Mai nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng tỉ lệ ca mắc COVID-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành từng có tỉ lệ mắc cao và những tỉnh, thành mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Số ca tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm khác.

Cùng với đó, hiện nay virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới là Omicron, thậm chí trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ như BA.1, BA.2, BA.3. Các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm, tỉ lệ mắc rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Do vậy, bà Mai cho biết lúc này VN chưa coi dịch COVID-19 là bệnh lưu hành và cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức y tế trên thế giới, các quốc gia khác nhằm theo dõi tình hình dịch, đến thời điểm thích hợp, ngành y tế sẽ tham mưu thay đổi.

Nguồn: https://plo.vn/xa-hoi/ly-do-tphcm-chua-cho-f0-di-lam-truc-tiep-1050380.html

Moderna chuẩn bị xin cấp phép vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ dưới 6 tuổi

Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ cho biết, trong những tuần tới sẽ trình lên Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng này cho trẻ dưới 6 tuổi.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, việc tiêm 2 mũi vắc-xin liều lượng thấp của Moderna cho trẻ dưới 6 tuổi tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, trong đó có cả trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ đã đi học mẫu giáo. Hãng cho biết thêm, liều lượng nhỏ này là an toàn, tác dụng phụ chủ yếu là sốt nhẹ. Dự kiến, Moderna cũng sẽ trình đơn xin cấp phép tương tự lên Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu.

Nếu được phê duyệt, điều này có nghĩa là có thể bắt đầu tiêm vắc-xin cho những trẻ nhỏ tuổi nhất vào mùa hè tới.

Hiện, Mỹ có khoảng 18 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thuộc nhóm đối tượng chưa đủ điều kiện tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Moderna đang cung cấp vắc-xin phòng COVID-19 với liều lượng phù hợp cho trẻ em ở độ tuổi đi học và những người từ 12 tuổi trở lên. Trong khi đó, Mỹ đã cấp phép cho vắc-xin Pfizer đối với trẻ từ 5-12 tuổi và các lứa tuổi lớn hơn. Pfizer cho biết cũng đang thử nghiệm vắc-xin liều thấp cho trẻ dưới 5 tuổi.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/moderna-chuan-bi-xin-cap-phep-vac-xin-phong-covid-cho-tre-du...

Bắc Giang cho phép game online, karaoke hoạt động trở lại

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ký ban hành công văn cho phép một số dịch vụ hoạt động trở lại. Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được kiểm soát tốt, số ca mắc đang giảm dần; tỷ lệ tiêm mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 cho người dân từ 12 tuổi trở lên trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt xấp xỉ 100%, trong đó trên 96% người dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 3. Để đảm bảo thực hiện thành công “mục tiêu kép”, Chủ tịch UBND tỉnh cho phép các hoạt động trở lại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong điều kiện bình thường mới.

Một điểm hát karaoke tại huyện miền núi Sơn Động, Bắc Giang.

Một điểm hát karaoke tại huyện miền núi Sơn Động, Bắc Giang.

Theo đó, cho phép các hoạt động kinh doanh dịch vụ game online, karaoke hoạt động trở lại kể từ 00 giờ ngày 25/3. Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định. Người kinh doanh, phục vụ và tham gia dịch vụ phải được tiêm đủ mũi vắc xin, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức khi tổ chức và tham gia hội nghị, hội thảo, giao lưu, gặp mặt… được tổ chức ăn uống kể ngày 25/3.

Nguồn: https://tienphong.vn/bac-giang-cho-phep-game-online-karaoke-hoat-dong-tro-lai-post14258...

CDC Hải Dương có giám đốc mới sau vụ mua kit test Việt Á

Ngày 24/3, Phó giám đốc Sở Y tế Hải Dương Phạm Hữu Thanh đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm Giám đốc CDC Hải Dương cho ông Nguyễn Văn Hinh. Thời hạn giữ chức vụ 5 năm kể từ ngày 24/3/2022 đến ngày 23/3/2027.

Ông Phạm Hữu Thanh, Phó giám đốc Sở Y tế Hải Dương trao quyết định điều động bổ nhiệm Giám đốc CDC Hải Dương cho ông Nguyễn Văn Hinh. (Ảnh: Sở Y tế Hải Dương cung cấp).

Ông Phạm Hữu Thanh, Phó giám đốc Sở Y tế Hải Dương trao quyết định điều động bổ nhiệm Giám đốc CDC Hải Dương cho ông Nguyễn Văn Hinh. (Ảnh: Sở Y tế Hải Dương cung cấp).

Được biết, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hinh (sinh năm 1969) là người đã từng gắn bó nhiều năm với hoạt động y tế dự phòng.

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc CDC Hải Dương, bác sĩ Nguyễn Văn Hinh từng trải qua nhiều chức vụ như Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương và Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hải Dương.

Trước đó, Giám đốc CDC Hải Dương là ông Phạm Duy Tuyến. Tuy nhiên, tháng 12/2021, ông Tuyến bị khởi tố do có hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ" liên quan đến vụ kit xét nghiệm của Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Sau khi ông Tuyến bị khởi tố, bắt giam, ông Nguyễn Phúc Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm được giao điều hành đơn vị này cho đến nay.

Ngày 17/12/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương để điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến vụ kit xét nghiệm của Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Cơ quan điều tra xác định, Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.

Ngày 31/12/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương về tội Nhận hối lộ với số tiền lên đến 27 tỷ đồng.

Ngày 31/12/2021, tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Duy Tuyến.

Nguồn: https://danviet.vn/cdc-hai-duong-co-giam-doc-moi-sau-vu-mua-kit-test-viet-a-20220324210...

Tỉnh Đắk Lắk có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thuốc điều trị Covid-19.

Chiều 25/3, thông tin từ ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 3.442 trường hợp mắc Covid-19.

Trong đó, có 2.968 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng gồm: Tp.Buôn Ma Thuột 906 trường hợp, huyện Krông Năng 256 ca, huyện Ea Súp 241 ca, huyện Krông Pắk 239 ca, huyện Ea Kar 196 ca, huyện Buôn Đôn 160 ca, huyện Ea H’leo 145 ca, huyện Cư Kuin 141 ca, huyện Krông Bông 131 ca, huyện Krông Ana 122 ca, huyện Krông Búk 62 ca, thị xã Buôn Hồ 46 ca, huyện Lắk 34 ca.

Bên cạnh đó, có 472 trường hợp ghi nhận cách ly tại nhà gồm: Huyện M’Đrắk 129 ca, thị xã Buôn Hồ 72 ca, huyện Lắk 71 ca, huyện Cư Mgar 41 ca, huyện Krông Năng 33 ca, huyện Krông Bông 28 ca, huyện Krông Ana 27 ca, huyện Ea Kar 26 ca, huyện Krông Búk 19 ca, huyện Ea H’leo 8 ca, huyện Cư Kuin 7 ca, Tp.Buôn Ma Thuột 5 ca, huyện Krông Pắk 4 ca, huyện Buôn Đôn 2 ca.

Ngoài ra, còn có 2 trường hợp ghi nhận qua sàng lọc gồm: Huyện Lắk 1 ca, thị xã Buôn Hồ 1 ca.

Như vậy, tính đến chiều 25/3, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 124.350 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, đang điều trị 70.378 trường hợp, 53.801 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh và 171 trường hợp tử vong.

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 124.350 trường hợp mắc Covid-19.

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 124.350 trường hợp mắc Covid-19. 

Trước đó, ngày 24/3, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thuốc điều trị Covid-19.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Y tế về mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19.

Đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng thuốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dược theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Mặt khác, chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật trong mua, bán thuốc nói chung và thuốc điều trị Covid-19 nói riêng; niêm yết giá và bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai; hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, Công an tỉnh, Sở Công Thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong sản xuất, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19...

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dak-lak-yeu-cau-tang-cuong-thanh-tra-quan-ly-thuoc-dieu-tri-...

Số ca mắc Covid-19 mới ở Khánh Hòa giảm còn 657 ca trong ngày 25/3

Ngày 25/3, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ 17h ngày 24/3 đến 17h ngày 25/3, toàn tỉnh ghi nhận thêm 657 ca nhiễm Covid-19 mới.

Các ca bệnh được ghi nhận tại thành phố Nha Trang 217 ca, thị xã Ninh Hòa 175 ca, huyện Vạn Ninh 56 ca, huyện Diên Khánh 64 ca, thành phố Cam Ranh 35 ca, huyện Khánh Vĩnh 22 ca, huyện Khánh Sơn 46 ca, huyện Cam Lâm 42 ca.

Trong đó, có 241 ca ghi nhận trong cộng đồng, 410 ca cách ly tại nhà, 6 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung.

Như vậy, trong 24 giờ qua số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh giảm 73 ca so với ngày 24/3. Số ca nhiễm mới tại thành phố Nha Trang giảm 30 ca, thị xã Ninh Hòa giảm 11 ca, huyện Cam Lâm giảm 37 ca, huyện Vạn Ninh giảm 11 ca, huyện Diên Khánh tăng 2 ca, thành phố Cam Ranh tăng 4 ca, huyện Khánh Vĩnh tăng 6 ca và huyện Khánh Sơn tăng 4 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, tỉnh Khánh Hòa có 113.390 ca nhiễm, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Riêng đợt dịch từ ngày 23/6/2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 113.057 ca. Ba huyện, thị xã, thành phố ghi nhận số mắc cao là thành phố Nha Trang với 55.699 ca, tiếp đến là thị xã Ninh Hòa với 16.211 ca, huyện Diên Khánh 12.897 ca.

Trong ngày 25/3, có 1.257 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi, ra viện là 106.738 ca. Tỉnh này có thêm 2 bệnh nhân tử vong liên quan đến Covid-19. Số ca tử vong cộng dồn từ ngày 20/7/2021 đến nay là 346 trường hợp. Số bệnh nhân đang điều trị là 6.306 người. Số bệnh nhân đang điều trị tại nhà là 5.972 người.

Trong 24 giờ qua, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 2.181 lượt người, xét nghiệm RT-PCR cho 180 lượt người.

Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, tỉnh này đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 6.604.074 lượt người, xét nghiệm RT-PCR cho 1.670.630 lượt người.

Tính đến 23h ngày 11/3, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 2.805.610 liều. Trong đó, mũi 1 là 1.096.381 người, mũi 2 là 1.086.064 người, mũi 3 là 796.946 người.

Trong số này, người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 1 là 977.316 người (tỉ lệ 102,56%); tiêm mũi 2 là 975.259 người (tỉ lệ 102,34%); tiêm mũi 3 là 796.947 người (tỉ lệ 83,63%). Trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, tiêm mũi 1 là 119.065 người (tỉ lệ 104,57%); tiêm mũi 2 là 110.820 người (tỉ lệ 97,33%).

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn trong phòng, chống Covid-19”, tính đến chiều ngày 25/3, trong toàn tỉnh có 649 thôn, tổ dân phố bình thường mới - “vùng xanh”; 113 thôn, tổ dân phố nguy cơ -“vùng vàng”; 87 thôn, tổ dân phố vùng nguy cơ cao - “vùng cam” và 119 thôn, tổ dân phố nguy cơ rất cao - “vùng đỏ”.

Về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 195.000 người với tổng kinh phí hơn 389,690 tỷ đồng.

Trong đó, huyện Vạn Ninh 27.255 người, thị xã Ninh Hòa 41.857 người, Tp.Nha Trang 77.029 người, huyện Diên Khánh 16.656 người, huyện Cam Lâm 9.754 người, Tp.Cam Ranh 19.514 người, huyện Khánh Vĩnh 1.118 người, huyện Khánh Sơn 420 người, Công ty Xổ số kiến thiết 1.397 người.

Trung tâm Cứu trợ Covid-19 tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu, chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tổ tự quản an toàn trong phòng, chống dịch, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, các hộ ở trọ, gia đình chính sách, già làng, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, lao động tự do, cơ sở bảo trợ xã hội, các mái ấm tôn giáo, các bếp ăn khu cách ly tập trung toàn tỉnh, người nước ngoài khó khăn...

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/so-ca-mac-covid-19-moi-o-khanh-hoa-giam-con-657-ca-trong-nga...

Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam thêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em

Chiều ngày 24/3/2022, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne.

Tại cuộc điện đàm, hai Bộ trưởng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Australia bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua. Nổi bật là việc Thủ tướng hai nước thường xuyên điện đàm và có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh COP-26 tháng 11/2021 tại Anh và thông qua hai văn kiện hợp tác quan trọng là Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Australia (EEES) và Tuyên bố chung về cam kết hành động thiết thực về khí hậu.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao việc Australia thông báo sẽ hỗ trợ Việt Nam thêm vắc-xin phòng Covid-19 để triển khai tiêm chủng cho trẻ em, bên cạnh 7,8 triệu liều vắc-xin Australia đã bàn giao trước đây, cho rằng sự giúp đỡ quý báu và kịp thời của Chính phủ Australia sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, góp phần thiết thực vào công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay ở Việt Nam.

Hai Bộ trưởng nhất trí đánh giá cao việc hai nước mở cửa hoàn toàn sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, nhất là trao đổi đoàn, giao lưu nhân dân, kinh tế, nông nghiệp, lao động… góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/australia-se-ho-tro-viet-nam-them-vac-xin-phong-covid-19-cho...

Sơn La thành lập thêm nhiều trạm y tế lưu động để hỗ trợ bệnh nhân F0 điều trị tại nhà

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, từ đầu năm đến nay trên địa bàn ghi nhận 123.532 ca mắc COVID-19. Trong đó có 87.754 ca khỏi bệnh, 9 ca tử vong. Hiện toàn tỉnh còn 35.096 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà.

Theo thông báo về điều chỉnh cấp độ dịch của Sở Y tế, hiện toàn tỉnh Sơn La có 168/204 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 (chiếm 82,3%), chủ yếu tập trung ở các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn…

Tại huyện Mai Sơn, từ ngày 1/1 đến ngày 25/3, trên địa bàn có trên 16.000 trường hợp F0; trong đó, đã có gần 70% ca điều trị khỏi bệnh, còn hơn 4.600 trường hợp đang điều trị. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện bố trí khu điều trị F0 quy mô 200 giường sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.

Để tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, huyện Mai Sơn đã thành lập 22 trạm y tế lưu động tại 22 xã, thị trấn.

Tại huyện Bắc Yên, công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng được tích cực triển khai. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có trên 5.100 trường hợp F0; trong đó, có trên 3.400 trường hợp đã khỏi bệnh, hiện còn trên 1.600 trường hợp đang điều trị tại nhà và tại cơ sở y tế.

Tại 2 khu điều trị F0 của Bệnh viện Đa khoa huyện có gần 30 bệnh nhân đang điều trị. Các xã, thị trấn đã thành lập trạm y tế lưu động theo chỉ đạo của UBND huyện để hỗ trợ các trường hợp F0 điều trị tại nhà.

Trong khi đó, huyện Phù Yên hiện nay còn gần 1.800 trường hợp F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Căn cứ vào biểu đồ điều chỉnh cấp độ dich của địa phương, huyện Phù Yên đã triển khai các biện pháp linh hoạt thích ứng với tình hình dịch bệnh. Từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của người dân trong tình hình mới.

Hiện tỉnh Sơn La còn hơn 35.000 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà.

Hiện tỉnh Sơn La còn hơn 35.000 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà.

Đối với chương trình năm học 2021-2022, UBND huyện Phù Yên đã chỉ đạo các trường tăng số tiết học trên lớp, đảm bảo thời gian dự phòng trong năm học. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Phù Yên có trên 1.330 học sinh và 259 giáo viên mắc COVID-19. Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, các trường sẽ triển khai việc dạy học trực tiếp kết hợp với học trực tuyến, giao bài cho học sinh. Xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đầu vào cho học sinh cuối cấp.

Cùng với việc thành lập thêm các tổ tư vấn hỗ trợ về phòng và điều trị COVID-19, Sở Y tế tỉnh Sơn La cũng bổ sung các điểm cấp phát thuốc để cung ứng thuốc cho các Trạm y tế xã, Y tế lưu động cấp phát thuốc tại nhà cho người bệnh có chỉ định. Quy trình cấp phát được thực hiện theo chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát của Bộ Y tế…

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/son-la-thanh-lap-them-nhieu-tram-y-te-luu-dong-de-ho-tro-benh...

Cập nhật 23/3: Địa phương có nhiều người không đồng ý tiêm vaccine ngừa COVID-19, vì sao?
Nhiều trường hợp không đồng ý tiêm vaccine mắc COVID-19 ở Cà Mau có quan điểm người lớn tuổi, ít ra khỏi nhà, có bệnh nền nên không cần tiêm.

Dịch COVID-19

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19