COVID-19 26/12: Ổ dịch mới có 40 công nhân dương tính COVID-19, địa phương ứng phó khẩn cấp

H.A - Ngày 26/12/2021 12:14 PM (GMT+7)

Qua công tác lấy mẫu, sàng lọc y tế tại các công ty trên địa bàn, ngành y tế tỉnh Hà Nam liên tiếp phát hiện nhiều ổ dịch mới…

8 diễn biến

Thêm nhiều công nhân ở Hà Nam dương tính với SARS-CoV-2

Tối 25/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam công bố thêm 40 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 24 F0 được phát hiện thông qua sàng lọc y tế tại ổ dịch của Công Honda Việt Nam (thị xã Duy Tiên) và 10 F0 Công ty JY huyện Bình Lục.

Vào sáng cùng ngày, CDC Hà Nam cũng ghi nhận 14 trường hợp F0 tại ổ dịch của Công ty JY huyện Bình Lục và 11 trường hợp F0 tại ổ dịch của Công ty Hon da Việt Nam (thị xã Duy Tiên).

BS. Trương Mạnh Sức, Giám đốc CDC Hà Nam cho biết, qua lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại các công ty ngày 25/12, ngành y tế đã phát hiện ổ dịch mới ở Khu công nghiệp Đồng Văn IV (huyện Kim Bảng) với 40 công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện các lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai công tác phòng chống dịch để ngăn chặn sự lây lan.

Luỹ kế trong đợt dịch mới từ ngày 19/9 đến nay, tỉnh Hà Nam ghi nhận 1.842 ca mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp mã. Trong số đó, 237 ca phát hiện tại các khu công nghiệp và 205 ca phát hiện tại các công ty, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

Theo Sở Y tế tỉnh Hà Nam, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng trong những ngày gần đây. Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân được phát hiện qua sàng lọc y tế khi có biểu hiện ho, sốt tại các khu dân cư, doanh nghiệp.

Sở Y tế tỉnh Hà Nam yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tham mưu UBND huyện, thành phố, thị xã rà soát, hoàn chỉnh kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng để đáp ứng khi có dịch xảy ra, số lượng mắc lớn.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/them-nhieu-cong-nhan-o-ha-nam-duong-tinh-voi-sars-cov-2-16921...

Phát hiện 44 người tại một bản miền núi dương tính SARS-CoV-2

Sáng 26-12, thông tin từ Sở Y tế Nghệ An cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 25-12 đến 6 giờ ngày 26-12), Nghệ An ghi nhận 117 ca dương tính mới SARS-CoV-2 tại 12 địa phương (Quỳ Châu: 49, Quế Phong: 20, Con Cuông: 12, thị xã Hoàng Mai: 9, TP Vinh: 7, Nghĩa Đàn: 5, Thanh Chương: 4, Quỳnh Lưu: 4, Đô Lương: 3, Hưng Nguyên: 2, Diễn Châu: 1, Nam Đàn: 1).

Trong đó có 51 ca cộng đồng (Quỳ Châu: 44 ca trong 1 bản, TP Vinh: 3 ca là đồng nghiệp, Quỳnh Lưu: 3, Nam Đàn: 1. 66 ca đã được cách ly từ trước (30 ca là F1, 32 ca trong khu vực phong tỏa, 2 ca từ các tỉnh phía Nam về, 2 ca từ các tỉnh khác về). Ghi nhận 37 ca có triệu chứng, 80 ca không có triệu chứng.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng cho người dân.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng cho người dân.

Đặc biệt tại bản Xẹt 2, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu, Nghệ An, qua lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, lực lượng chức năng đã phát hiện 44 trường hợp có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Hiện tại cơ quan chức năng đã tiến hành phong tỏa bản này, đồng thời tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp liên quan.

Như vậy, tính từ đầu mùa dịch tới nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 7.279 ca mắc Covid-19 ở 21 địa phương: TP Vinh: 1.112, Quỳnh Lưu: 631, Nghi Lộc: 561, Yên Thành: 530, Diễn Châu: 424, Quỳ Châu: 415, Con Cuông: 361, Quế Phong: 357, Tân Kỳ: 312, Hoàng Mai: 298, Đô Lương: 295, Hưng Nguyên: 284, Nghĩa Đàn: 280, Nam Đàn: 259, Quỳ Hợp: 228, Thanh Chương: 231, Cửa Lò: 189, Kỳ Sơn: 187, Tương Dương: 146, Anh Sơn: 93, Thái Hòa: 86... Lũy tích số bệnh nhân (BN) điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 5.875 BN. Lũy tích số BN tử vong: 33 BN. Số BN hiện đang điều trị: 1.371 BN

Tổng số công dân từ các tỉnh phía Nam về Nghệ An từ ngày 1-10 đến nay là 56.355 người, qua lấy mẫu xét nghiệm đã phát hiện 1.207 ca mắc Covid-19.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/phat-hien-44-nguoi-tai-mot-ban-mien-nui-duong-tinh-sars-cov-...

Cần Thơ: Các vùng liên tục "đổi màu", hàng quán bị xoay như chong chóng

Bị "xoay" theo cấp độ dịch

Anh Nam, người kinh doanh quán nhậu lâu năm ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết, dạo trước, khi Cần Thơ bắt đầu cho mở cửa tái sản xuất theo Nghị quyết 128, anh đã mạnh dạn thuê mặt bằng và khai trương quán mới: Dê Số Z. ở đường Trần Hoàng Na, thuộc phường Hưng Lợi. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, phường này đã “đổi màu”, chuyển từ vùng xanh xuống vùng cam; kéo theo đó, quán không được kinh doanh bia rượu tại chỗ.

“Mấy bữa đầu kinh doanh khấm khá, quán thuê gần 20 nhân viên. Khi cấm bán bia rượu, tui buộc lòng phải cho nghỉ hơn một nửa. Bởi khi không có bia rượu, khách chỉ mua đồ ăn mang về, không cần phục vụ”, anh Nam nói.

Ngoài quán Dê Số Z., anh Nam còn mở một quán nhậu cùng tên ở hồ Búng Xáng, thuộc phường An Khánh. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 liên tục biến động, các phường phải thay đổi cấp độ dịch liên tục. Quán xá bữa thì được bán bia rượu, mấy ngày sau lại không. Nhân viên làm được ít ngày phải cho nghỉ, rồi lại trở vô làm khi quán về “màu xanh”.

Bạn Trần Thị Bích Tuyền (26 tuổi) chia sẻ, quê bạn ở Hậu Giang, lên Cần Thơ đã 4 năm đi làm nhân viên 1 quán nhậu lớn ở Ninh Kiều.

“Hơn 3 tháng giãn cách, em về quê sinh sống. Khi dịch bệnh tạm ổn, chủ quán gọi em lên Cần Thơ làm việc. Làm được mấy bữa lại phải nghỉ vì dịch bùng phát, chuyển qua cấp 4.

Rồi mấy tuần sau, quán được phép mở cửa trở lại, em lại đi làm, bị xoay như chong chóng. Biết là khó khăn, mệt mỏi, nhưng phải cố gắng, vì dịch bệnh không lường trước được”, Tuyền nói.

Nhân viên các quán nhậu đều được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ, và thực hiện nghiêm quy định 5K để phòng dịch.

Nhân viên các quán nhậu đều được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ, và thực hiện nghiêm quy định 5K để phòng dịch.

Còn bạn Nguyễn Thanh Dũng (24 tuổi, nhân viên 1 quán nhậu) cho biết: “Trong 2 tháng trở lại đây, em đã 8 lần đi làm, và cũng chừng ấy lần nghỉ việc, do quán mở cửa rồi lại đóng để phòng dịch. Cũng may, em đã làm lâu năm, được chủ quán thương tình không trừ tiền lương, nên mới đủ trả tiền thuê trọ và trang trải cuộc sống. Em mong muốn dịch bệnh sẽ sớm qua, để mọi thứ bình thường trở lại”.

Vẫn lén bán bia rượu

Qua khảo sát và tìm hiểu của PV, chủ các quán nhậu đều thừa nhận: có bán bia rượu dù có những lúc quy định không cho phép. “Chúng tui thực hiện tối đa quy định 5k để phòng dịch, đồng thời nhận khách rất giới hạn, bố trí bán giãn cách…

Nhưng bia rượu thì phải bán, bởi chẳng có ai đến quán nhậu chỉ để ngồi ăn. Bây giờ nếu đóng cửa cũng chết vì kiệt quệ, bán được ngày nào hay ngày đó để trang trãi chi phí mặt bằng và trả lương cho nhân viên”, chủ 1 quán nhậu ở quận Cái Răng nói.

Tính từ 0h ngày 13/12, toàn Cần Thơ áp dụng cấp độ dịch mới theo Công văn 5568 của UBND TP. Theo đó, ở cấp thành phố sẽ áp dụng cấp độ 3 (vùng cam), ở cấp quận/huyện có 2 quận/huyện thuộc cấp độ 3 là quận Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh; 7 quận/huyện còn lại của thành phố đều áp dụng cấp độ 4.

Đáng chú ý là ở đơn vị cấp phường, xã, thị trấn đã có sự thay đổi rất lớn, trong số 83 phường, xã, thị trấn có 2 đơn vị xác định cấp độ 2; 30 đơn vị cấp độ 3 và có 51 đơn vị cấp độ 4…

Ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: "Nếu 1 bàn ở quán cà phê thì ít khi ngồi quá 4 người, nhưng ở quán nhậu thì khác, có thể gấp đôi hoặc cả chục người. Và quan trọng nhất, lúc ăn nhậu, gần như không ai có thể thực hiện quy định 5k. Đó là chưa kể bạn bè gặp nhau, cụng ly xã giao, rồi hàn huyên tâm sự, dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh rất lớn.

Quận rất chia sẻ với những khó khăn cũng như sự kiệt quệ của các hàng quán, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính vì vậy, trong đợt kiểm tra, quận chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền vận động các cơ sở thực hiện đúng quy định phòng dịch. Quận kêu gọi người dân cố gắng vượt qua khó khăn, ngay lúc này, an toàn trước dịch bệnh là trên hết".

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/can-tho-cac-vung-lien-tuc-doi-mau-hang-quan-bi-xoay-nhu-cho...

Vượt 6.000 ca mắc Covid-19, Hải Phòng chuyển sang cấp độ 3 quy mô toàn thành phố, 2 huyện chuyển cấp độ 4

Số ca F0 tăng liên tiếp sau 3 ngày, TP.Hải Phòng đã vượt mốc 6.000 ca mắc Covid-19. Theo thông tin từ CDC Hải Phòng, trong ngày 25/12, Hải Phòng đã ghi nhận thêm 500 ca dương tính mới, 2 ca tử vong. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã có 13 ca tử vong do Covid-19 và 6.287 ca F0.

Hai huyện ở Hải Phòng chuyển cấp độ 4 - nguy cơ rất cao. Ảnh Nguyễn Đại

Hai huyện ở Hải Phòng chuyển cấp độ 4 - nguy cơ rất cao. Ảnh Nguyễn Đại

Trong số 500 ca F0 ghi nhận ngày 25/12, quận Dương Kinh lần đầu ghi nhận số F0 tăng vọt với 101 ca, trong đó 84 trường hợp được phát hiện qua khám sàng lọc tại công ty Lucky, còn lại là các trường hợp F1.

Quận Lê Chân hôm nay tiếp tục ghi nhận 68 ca F0, trong đó 36 trường hợp tự đi làm xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, còn lại là diện F1.

Trong ngày, huyện An Dương có thêm 57 F0, huyện Vĩnh Bảo 46 F0, huyện Kiến Thụy 40 F0, trong đó có 31 ca sàng lọc tại công ty Lucky.

Huyện Tiên Lãng cũng ghi nhận 36 F0 trong đó 32 F0 ở ổ dịch Lucky, quận Ngô Quyền 32 F0 (3 F0 ở công ty Lucky), huyện Kiến Thụy 40 F0 (31 F0 ở công ty Lucky).

Quận Hồng Bàng cũng ghi nhận 28 F0 trong đó 14 trường hợp phát hiện qua tự nguyện đi xét nghiệm, huyện Thủy Nguyên 26 F0 chủ yếu là các trường hợp tự đi làm xét nghiệm. Quận Kiến An có 25 F0, quận Hải An phát hiện 18 F0, quận Đồ Sơn phát hiện 13 F0, huyện Cát Hải phát hiện 8 F0, huyện An Lão phát hiện 2 F0 (1 F0 liên quan công ty Lucky).

Như vậy, tính đến thời điểm này, Hải Phòng ghi nhận thêm một ổ dịch mới là công ty Lucky (quận Dương Kinh) với hơn trăm ca mắc Covid-19.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hải Phòng cũng thông tin về cấp độ dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, trong đó, có 2 huyện chuyển "vùng đỏ". 

Theo đó, toàn thành phố chuyển cấp độ dịch số 3 (nguy cơ cao), trong đó, 2 huyện chuyển trạng thái nguy cơ rất cao cấp độ 4- vùng đỏ gồm huyện An Dương và huyện Cát Hải. 

8 quận, huyện cấp độ dịch số 3 - nguy cơ cao gồm: Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, Hồng Bàng, Dương Kinh, Đồ Sơn, huyện Vĩnh Bảo, Thuỷ Nguyên. 

Các quận, huyện cấp độ dịch số 2 gồm quận Kiến An, Kiến Thuỵ, An Lão, Tiên Lãng; duy nhất huyện đảo Bạch Long Vĩ là vùng xanh do chưa ghi nhận ca mắc Covid-19.

Về cấp độ xã, phường, Hải Phòng hiện có 57/218 xã, phường cấp độ 1 - vùng xanh, 49 xã phường cấp độ 2 - vùng vàng,  84 xã, phường cấp độ 3 và 28 xã, phường cấp độ dịch cao nhất - nguy cơ rất cao.

Theo chỉ đạo của UBND TP.Hải Phòng, các xã, phường thuộc vùng đỏ không tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời; ngừng vận chuyển hành khách bằng phương tiện đường bộ (trừ xe chở bệnh nhân cấp cứu, xe công vụ); ngừng hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, cưới, hỏi.

Người dân không tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. 

Ngoài ra, những địa phương này phải ngừng hoạt động các cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như trò chơi điện tử, bi-a, làm tóc (bao gồm cả cắt tóc), làm đẹp, bán hàng rong. Đồng thời, ngừng các hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch, lễ hội, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; hạn chế tối đa đi lại của người dân đến từ các địa bàn. 

Chợ tiểu thương, chợ đầu mối hạn chế số lượng người mua, bán cùng một thời điểm; thực hiện 50% công suất người bán, các tiểu thương kinh doanh luân phiên trong tuần; 50% công suất người mua, phát thẻ đi chợ. 

Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, giới hạn số lượng khách vào (50% công suất). Cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống trong cơ sở kinh doanh du lịch (không áp dụng cho các cơ sở phục vụ cách ly) hoạt động không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; trường hợp cơ sở lưu trú đang phục vụ khách trên 50% thì không đón khách mới.

Nguồn: https://danviet.vn/vuot-6000-ca-mac-covid-19-hai-phong-chuyen-sang-cap-do-3-quy-mo-toan...

Thêm một quận ở Hà Nội chỉ được bán hàng mang về, học sinh chuyển học trực tuyến

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số trường hợp F0 liên tục tăng nhanh trên địa bàn, từ ngày 25/12 quận Hoàng Mai áp dụng thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 về phòng, chống dịch Covid-19 đối với 13 phường trên địa bàn quận.

Không phục vụ tại chỗ, chỉ được bán hàng mang về

Theo đó, UBND quận Hoàng Mai yêu cầu 13 phường thuộc địa bàn quận từ 12 giờ ngày 25/12 thực hiện nghiêm các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 của dịch Covid-19 được quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Cụ thể, hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Tạm dừng hoạt động đối với một số dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: Karaoke, quán bar, massage, cơ sở cung cấp dịch vụ Internet, trò chơi điện tử, phòng tập gym, câu lạc bộ bi-a...

Đối với dịch vụ nhà hàng, quán ăn, uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán hàng mang về, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

Lực lượng Công an quận Hoàng Mai tuyên truyền người dân thực hiện chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: KTDT

Lực lượng Công an quận Hoàng Mai tuyên truyền người dân thực hiện chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: KTDT

Học sinh chuyển học trực tuyến

UBND quận Hoàng Mai cũng cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm. Các cơ sở lưu trú hoạt động được phép hoạt động không quá 50% công suất.

Các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Yêu cầu người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời.

Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh... trên địa bàn quận hạn chế tiếp khách làm việc trực tiếp tại đơn vị, tăng cường hoạt động làm việc trực tuyến.

Quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người đến giao dịch, khách hàng... thực hiện khai báo y tế điện tử thông qua mã QR, sử dụng phần mềm PC-Covid (khai báo y tế, check in). Sử dụng mã QRCode cho cơ quan, đơn vị. Kịp thời thông báo ngay đếncơ quan y tế địa phương khi có trường họp nghi mắc Covid-19: sốt, ho, đau họng, cảm cúm, ốm mệt, viêm đường hô hấp... để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

UBND quận Hoàng Mai yêu cầu 13 phường tăng cường tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành các quy định trên. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong công tác phòng chống dịch.

Theo Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai Nguyễn Xuân Trung, ngay sau khi thông báo điều chỉnh các biện pháp cấp độ 3 để phòng chống dịch Covid-19 của UBND quận được ban hành, 13 phường thuộc cấp độ 3 đã khẩn trương triển khai các nội dung tới các đơn vị, cơ sở, khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn phường.

Riêng phường Hoàng Liệt sẵn sàng các biện pháp chuyển cấp độ dịch khi có thông báo mới. Phòng Y tế quận cũng đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các cơ sở kinh doanh trên địa bàn hỏi về thời gian thực hiện điều chỉnh trạng thái và đã được giải thích, hướng dẫn thực hiện và chấp hành.

Trước đó, sau khi xác định dịch ở cấp độ 3 (vùng cam), các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ của Hà Nội cũng đã áp dụng thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 về phòng, chống dịch Covid-19 đối với 13 phường trên địa bàn quận.

Cụ thể, từ 12 giờ ngày 26/12, UBND quận Tây Hồ yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

Tại quận Hoàn Kiếm, UBND quận này cũng lập tức điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng các biện pháp này kể từ 12 giờ ngày 26/12.

Riêng quận Ba Đình, các biện pháp hành chính tương ứng dịch cấp độ 3 được áp dụng từ 12 giờ ngày 27/12.

Nguồn: https://danviet.vn/them-mot-quan-o-ha-noi-chi-duoc-ban-hang-mang-ve-hoc-sinh-chuyen-hoc...

Đồng Nai: Tìm phương án kéo giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19

Ngày 26/12, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho biết thời gian gần đây tại Đồng Nai số ca tử vong do Covid-19 đang tăng cao. Hiện tại số F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế là 1.607 ca, còn F0 đang theo dõi, điều trị tại nhà là 45.018 ca. Trong ngày 25/12, theo thống kê có đến 42 ca tử vong.

Điều trị bệnh nhân nặng tại cơ sở y tế ở Đồng Nai. Ảnh: Tuệ Mẫn

Điều trị bệnh nhân nặng tại cơ sở y tế ở Đồng Nai. Ảnh: Tuệ Mẫn

Như vậy theo thống kê, từ đầu tháng 12 đến nay, Đồng Nai có khoảng trên 300 ca bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong. Trung bình mỗi ngày dao động 18 đến gần 30 ca tử vong.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai, độ tuổi trung bình các bệnh nhân tử vong do Covid-19 trên địa bàn là 65 tuổi, phần lớn bệnh nhân là người có bệnh nền nặng như suy thận, suy tim, cao huyết áp, ung thư… Trong đó, một số trường hợp chưa được tiêm vaccine Covid-19 hoặc tiêm chưa đủ liều.

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, từ khi Đồng Nai "mở cửa" để khôi phục kinh tế thì số ca dương tính với SARS- CoV-2 tăng nhanh. Đồng thời số bệnh nhân tử vong có thể sẽ tăng cao trong một thời điểm nhất định, rồi sau đó sẽ giảm nhanh. 

Trước việc số ca bệnh nặng, nguy kịch và tử vong cao, ngành y tế đang triển khai mở rộng quy mô các giường hồi sức tích cực tại các cơ sở y tế có giường bệnh tuyến huyện trên toàn tỉnh để giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh.

Liên quan đến tỷ lệ người tử vong do Covid-19 tăng, ông Võ Văn Chánh, Bí thư thành ủy Biên Hoà mong muốn tỉnh Đồng Nai cho thành lập Bệnh viện dã chiến tại Trường cao đẳng nghề số 8 để thành phố tiến hành thu dung, điều trị những bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình, nặng. Bởi thời gian qua, có một số trường hợp bệnh nhân tử vong do chưa được chuyển tuyến kịp thời vì cơ sở điều trị tầng 3 quá tải. 

Ông Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng cho rằng số ca tử vong do Covid-19 tăng cao đặt trong tình trạng đáng báo động, không thể chủ quan. Trung bình mỗi ngày có hàng chục ca tử vong do Covid-19 là mất mát quá lớn. Tính mạng con người là quan trọng. Do đó, ngành y tế phải tập trung công tác điều trị để cứu bệnh nhân, phân tích kỹ nguyên nhân để khắc phục, kéo lùi ngay tỷ lệ tử vong.

Ông Cường cũng đề nghị Sở Y tế tìm giải pháp chủ động, linh hoạt, tính toán bằng nhiều cách, sử dụng nhiều kênh để có thêm nhân lực, thuốc đáp ứng công tác điều trị Covid-19, không chỉ bị động ngồi trông chờ Bộ Y tế điều động, cung cấp.

Nguồn: https://danviet.vn/dong-nai-tim-phuong-an-keo-giam-ty-le-tu-vong-do-covid-19-2021122607...

F0 ngoài cộng đồng giảm mạnh, Bà Rịa-Vũng Tàu linh hoạt ứng phó dịch

Theo đó, Tp.Vũng Tàu ghi nhận 159 ca, gồm 18 ca tại khu cách ly tập trung và 141 ca đang cách ly tại nhà.

Tp.Bà Rịa ghi nhận 22 ca, trong đó 8 ca tại khu cách ly tập trung và 14 ca ngoài cộng đồng, phát hiện nhiều nhất tại phường Long Tâm, phường Kim Dinh cùng xã Hòa Long.

Thị xã Phú Mỹ ghi nhận 95 ca, gồm 85 ca đang cách ly tại nhà và 10 ca ngoài cộng đồng chủ yếu ở phường Mỹ Xuân, phường Phú Mỹ.

Huyện Châu Đức ghi nhận 10 ca, trong đó 4 ca tại khu cách ly tập trung; 4 ca đang cách ly tại nhà và 2 ca ngoài cộng đồng.

Huyện Đất Đỏ ghi nhận 4 ca, trong đó 1 ca tại khu cách ly tập trung và 3 ca đang cách ly tại nhà.

Huyện Long Điền ghi nhận 12 ca, gồm 3 ca tại khu cách ly tập trung và 9 ca ngoài cộng đồng, phát hiện chủ yếu ở xã Phước Tỉnh.

Huyện Xuyên Mộc ghi nhận 4 ca, trong đó 1 ca đang cách ly tại nhà và 3 ca ngoài cộng đồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều bổ sung cho người dân.

Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều bổ sung cho người dân.

Như vậy, tính từ ngày 28/6 đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ghi nhận 25.549 ca mắc Covid-19. Trong ngày, tỉnh này có thêm 239 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi (tỷ lệ F0 khỏi bệnh là 55,3%).

Theo BCĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong thời gian qua địa phương đã nghiêm túc tổ chức triển khai đầy đủ Nghị quyết số 128 của Chính phủ, nhận thức của người dân, các cấp các ngành về dịch bệnh Covid-19 và kịch bản ứng phó với dịch đã nâng cao rất nhiều so với trước đây.

Để đạt kết quả tốt hơn nữa, BCĐ tỉnh này đề nghị các Sở ngành, chính quyền các cấp tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác mà phải dự báo đúng tình hình để có kế hoạch, phương án ứng phó phù hợp theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, giảm áp lực cho bệnh viện và cơ sở cách ly tập trung.

Đối với những quy định “cứng” của Bộ Y tế, các địa phương cần tuân thủ nghiêm.

Tuy nhiên, đối với những quy định Bộ Y tế cho phép linh hoạt xử lý thì các địa phương tùy theo tình hình cụ thể có thể xử lý linh hoạt các trường hợp F0, F1 điều trị, cách ly tại nhà một cách phù hợp, bảo đảm an toàn gắn trách nhiệm với cơ quan liên quan.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/f0-ngoai-cong-dong-giam-manh-ba-ria-vung-tau-linh-hoat-ung-p...

Thụy Sĩ: Cố tình nhiễm COVID-19 có thể bị phạt tù tới 5 năm

RT đưa tin, gần đây một số người Thụy Sĩ không tin tưởng vào việc tiêm vắc xin đã tổ chức những bữa tiệc để lây nhiễm virus, từ đó có được chứng nhận đã mắc COVID-19 và phục hồi tự nhiên.

Tuy nhiên, Văn phòng Y tế công cộng liên bang của Thụy Sĩ (FOPH) cho biết, việc cố tình để mắc COVID-19 là một hành vi phạm tội, có thể bị phạt tù tới 5 năm. Việc tổ chức tiệc kiểu như vậy không chỉ làm tăng nguy cơ lây lan virus cho người khác, mà còn có thể khiến số người phải nhập viện, tử vong tăng lên.

Người dân trên đường phố Geneva, Thụy Sĩ, hồi tháng 11/2020. Ảnh: Reuters.

Người dân trên đường phố Geneva, Thụy Sĩ, hồi tháng 11/2020. Ảnh: Reuters.

Bác sĩ Claude-Francois Robert ở Neuchatel tuần này đã cảnh báo người dân về việc "không nên tự lây nhiễm" COVID-19. Ông cho rằng động thái này có thể dẫn tới nguy cơ mất kiểm soát dịch bệnh, ngoài ra "nguy cơ viêm cơ tim do mắc COVID-19 tự nhiên cao hơn gấp 10 lần so với khi tiêm vaccine". Ông đảm bảo với những người hoài nghi rằng, vaccine là "sản phẩm an toàn".

Tuần trước, Thụy Sĩ tuyên bố rằng chỉ những người đã tiêm vaccine hoặc đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 gần đây mới có thể đến các nhà hàng, quán bar và các cơ sở cộng đồng khác kể từ ngày 20/12.

Các nhà chức trách cho biết, các biện pháp hạn chế được đưa ra "nhằm giảm nguy cơ nhiễm bệnh đối với những người chưa được tiêm chủng vì họ có nhiều khả năng bị lây nhiễm và bị bệnh nặng nếu mắc COVID-19”.

Tuy nhiên, động thái này dường như đã phản tác dụng với những người phản đối vaccine. Các biện pháp hạn chế của chính quyền được cho là khiến số "bữa tiệc COVID-19" tăng lên, khi những người chưa tiêm vaccine muốn dự các bữa tiệc này để được lây nhiễm và khỏi bệnh, từ đó trở lại cuộc sống bình thường.

Những người hoài nghi vaccine nhưng cần giấy chứng nhận lây nhiễm gần đây đã kêu gọi trên các nền tảng mạng xã hội để "tìm kiếm những người mắc COVID-19 truyền virus cho họ".

Nhiều người Thụy Sĩ đã tổ chức các cuộc biểu tình để phản ứng gay gắt trước các biện pháp hạn chế phòng chống dịch và yêu cầu tiêm chủng bắt buộc. Nhiều người cho rằng, việc yêu cầu phải xuất trình chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc từng khỏi COVID-19 khi vào nhà hàng, địa điểm công cộng và khu vui chơi giải trí tạo ra sự phân biệt đối xử.

T hụy Sĩ hiện ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm và hơn 12.000 ca tử vong do nCoV. Nước này đã tiêm vaccine COVID-19 cho hơn 68% dân số.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/thuy-si-co-tinh-nhiem-covid-19-co-the-bi-phat-tu-toi-5-...

Cận cảnh diện mạo 4 người con kín tiếng của đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ
Trung Nguyên, Bình Nguyên, Thảo Nguyên, Tây Nguyên - con chung của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo sở hữu vẻ khôi ngô, thừa hưởng nét...

Đại gia tỷ phú

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19