COVID-19 26/8: Lịch trình đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người của 2 sinh viên dương tính SARS-CoV-2

KHAI TÂM - Ngày 26/08/2021 12:10 PM (GMT+7)

Bệnh nhân có lịch trình di chuyển phức tạp và tiếp xúc với nhiều người tại nhiều địa phương, vì thế trở thành chùm ca bệnh phức tạp của tỉnh Nghệ An.

Lịch trình đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người của 2 sinh viên dương tính SARS-CoV-2

Sinh viên nhiễm SARS-CoV-2 đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người

Ngày 25/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An có cuộc họp khẩn cùng huyện Yên Thành khi dịch COVID-19 ở địa phương này tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nguy hiểm. Đặc biệt là chùm ca bệnh từ Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, đóng tại xã Nghi Phú, Tp.Vinh.

Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc trở thành chùm bệnh phức tạp.

Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc trở thành chùm bệnh phức tạp.

Chùm ca bệnh được ghi nhận từ ngày 17/8, 2 sinh viên là anh H.V.T. (SN 2003, xã Phú Thành) và anh L.M.T. (SN 2003, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành) cùng có triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, rát họng.

Một ngày sau, cả hai đến Trung tâm Y tế huyện Yên Thành để test nhanh, phát hiện đã bị nhiễm COVID-19. Ngay sau đó, cả 2 bệnh nhân được cách ly và lấy mẫu gửi CDC, tối ngày 18/8 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Điều đáng nói, qua điều tra dịch tễ, cả 2 bệnh nhân trước đó đều lưu trú ở ký túc xá của Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Sau đó, cả 2 về quê có lịch trình đi lại nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người.

Gần 1.000 sinh viên, giảng viên của trường nhanh chóng được đưa đi cách ly tập trung, hơn 700 người khác bị yêu cầu cách ly tại nhà.

Theo ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, hiện nay rất khó để tìm ra nguồn lây ban đầu của chùm ca bệnh nay.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là trong số các ca bệnh, phần lớn đều quê ở huyện Yên Thành. Trong khi đó, nhà trường chỉ mới bắt đầu học từ ngày 9/8. Đến ngày 15/8, trường cho các em tạm nghỉ học về quê do Tp.Vinh bắt đầu giãn cách xã hội.

“Các em chỉ vào ở ký túc xá của trường được 1 tuần thì phải nghỉ. Về quê được 1 ngày thì có triệu chứng của dịch. Vì thế, cũng không loại trừ khả năng các em đã bị nhiễm bệnh từ trước ngày 9/8, bị nhiễm từ khi còn ở quê. Sau đó, vào trường học, vô tình lây nhiễm cho những người khác”, ông Đàm nêu nhận định.

Hiệu trưởng cho rằng, các cơ quan y tế cần mở rộng truy vết, đặc biệt là lưu ý quãng thời gian trước khi các bệnh nhân ở huyện Yên Thành vào nhập học để tìm ra nguồn lây.

Chùm ca bệnh mất dấu F0 ở Nghệ An

Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho rằng, cả 2 bệnh nhân này có lịch trình học tập, di chuyển phức tạp và tiếp xúc với nhiều người tại nhiều địa phương. Vì thế, có nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng rất cao.

Ngay lập tức, Sở Y tế phải phát thông báo khẩn, tìm người từng đến, trở về từ Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc để triển khai các biện pháp phòng dịch. Đồng thời, huyện Yên Thành cũng lập tức được cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Chỉ hơn 3 ngày sau khi ghi nhận có sinh viên nhiễm COVID-19, Sở Y tế đã ghi nhận 17 ca dương tính liên quan đến chùm ca bệnh này. Trong đó, huyện Yên Thành có đến 12 ca (8 sinh viên, 4 người tiếp xúc gần); Tx.Hoàng Mai: 2 ca (1 sinh viên, 1 tiếp xúc gần); huyện Nghi Lộc: 1 ca (tiếp xúc gần), huyện Đô Lương: 1 ca (sinh viên), Tp.Vinh: 1 ca (giảng viên).

Số lượng người nhiễm COVID-19 không ngừng tăng lên. Đơn cử, chiều 24/8, Nghệ An ghi nhận có 69 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, trong đó có 7 ca là sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.

Điều đáng nói, chùm ca bệnh này mất dấu F0. Hiện cơ quan chức năng đã truy vết được 623 F1 và 2.059 F2 liên quan đến chùm ca bệnh này.

Theo báo cáo của huyện Yên Thành: Từ ngày 13/6 đến chiều 25/8, huyện Yên Thành ghi nhận 130 trường hợp nhiễm COVID-19 tại 21 xã. Trong đó, 35 trường hợp F0 ghi nhận từ chùm ca bệnh từ Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.

Đặc biệt, có 12 trường hợp là sinh viên Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đều ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành. Vì vậy, ngành y tế, huyện Yên Thành sẽ tập trung lấy mẫu xét nghiệm PCR sàng lọc trên diện rộng toàn bộ xã Nhân Thành (trên 9.000 nhân khẩu) và 1 xóm của xã Hoa Thành trong tối 26/8. Ngành y tế điều động 50 cán bộ y tế hỗ trợ huyện Yên Thành lấy mẫu; Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh thực hiện xét nghiệm mẫu sàng lọc cho huyện Yên Thành trong đợt này.

“Huyện Yên Thành cần theo dõi sát tình hình dịch, báo cáo kịp thời; tiếp tục thực hiện nghiêm quy định cách ly xã hội để phòng, chống dịch; tích cực điều tra, truy vết, không bỏ sót người liên quan đến ca nhiễm”, ông Dương Đình Chỉnh – Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ.

(Theo Người Đưa Tin)

Người bệnh tái khám không cần giấy đi đường

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP HCM, chia sẻ thông tin trên tại cuộc họp báo về phòng chống Covid-19 trên địa bàn TP HCM vào chiều 26-8. 

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Công an TP HCM không cấp giấy đi đường cho các phương tiện mà chỉ cung cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng, cá nhân thuộc diện được phép lưu thông.

Đối với các phương tiện vận chuyển thuốc men, vật tư y tế…, Công an TP đã có văn bản chỉ đạo các đối tượng, phương tiện chở bình oxy, thuốc men, vật tư y tế... phục vụ công tác chống dịch khi có đầy đủ giấy tờ chứng minh như giấy đăng ký kinh doanh, hợp đồng chuyên môn vận chuyển... thì được phép lưu thông không cần giấy tờ cá nhân. Với các cá nhân tái khám, có bệnh án, đến hạn lấy thuốc… chỉ cần đưa sổ tái khám thì được di chuyển, không cần giấy đi đường.

Đối với các trường hợp là các nhóm thiện nguyện, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết các tổ chức thiện nguyện cung cấp thức ăn, nhu yếu phẩm cho bà con các khu cách ly, phong toả…, quan điểm là rất quý sự chia sẻ của nhân dân, trân trọng đóng góp của các tổ chức cá nhân.

Tuy nhiên, TP HCM đang thực hiện giãn cách xã hội, giấy đi đường cấp là đi cả ngày, các đội nhóm thiện nguyện mỗi ngày vài trăm suất ăn, quà… nếu di chuyển sẽ gây nguy cơ dịch bệnh cho chính những người làm thiện nguyện lẫn người khác cũng như không đáp ứng đúng yêu cầu giãn cách xã hội.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Phạm Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết lượng xe tham gia giao thông giảm 90% so với những ngày thường chưa có dịch. 

Thời gian qua, công tác cấp mã nhận diện cho các xe ưu tiên “luồng xanh” được Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các đơn vị thực hiện làm hồ sơ và trả hồ sơ qua các đầu mối sở-ngành, đơn vị. Việc giải quyết và trả hồ sơ sau 24 giờ, việc cấp QR code được triển khai nhanh, thuận lợi. 

Đối với các xe chở thiết bị y tế, oxy việc làm hồ sơ cấp QR code vẫn phải qua đầu mối là Sở Y tế và Sở Giao thông Vận tải cố gắng xử lý và cung cấp mã QR tối đa trong vòng 4 tiếng với các xe vận chuyển oxy và 8 tiếng với xe vận chuyển các trang thiết bị y tế. 

(Theo Người Lao Động)

Tất cả người dân ở ‘ổ dịch’ Thanh Xuân Trung phải được coi là F1

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, chùm ca bệnh COVID-19 ở "ổ dịch" Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã xuất hiện trong một thời gian và đã đến vòng lây nhiễm thứ 2, thứ 3.

Tính đến trưa 26/8, khu vực này đã ghi nhận 86 ca dương tính SARS-CoV-2, và dự kiến còn có thể tăng thêm khi có thêm kết quả xét nghiệm người dân trong khu vực.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, qua kết quả điều tra, truy vết tạm thời, đã xác định được 3 nguồn lây trong cùng một thời điểm tại chùm ca bệnh ở phường Thanh Xuân Trung.

Trong đó, qua đánh giá sơ bộ, ở vùng lân cận nơi phát sinh ca bệnh trong ổ dịch này, có thể có nguồn lây là người bán rau thường xuyên đến chợ đêm Ngã Tư Sở.

Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh, việc lây cụ thể ở đâu chưa rõ cần phải truy vết thêm, kỹ càng bởi đang trong thời gian giãn cách xã hội nên người dân "ngại" khai báo đi đâu, ở đâu.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội cũng phân tích, chùm ca bệnh ở Thanh Xuân Trung đã xuất hiện trong một thời gian, đã đến vòng lây nhiễm thứ 2, thứ 3.

Thêm vào đó, khu vực xuất hiện chùm ca bệnh này lại ở một khu tập thể cũ với mật độ dân cư đông, ngõ nhỏ, ngách nhỏ, diện tích chật hẹp nên khả năng tiếp xúc rất lớn.

Vì thế, gần như toàn bộ cả nghìn người dân trong khu vực này được coi là F1 của các F0 được ghi nhận. Theo thống kê, tại khu vực phong tỏa có khoảng 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu.

Bên cạnh đó, chùm ca bệnh này có sự tương đồng như chùm ca bệnh ở hai phường Văn Chương và Văn Miếu.

"Dự báo, khả năng lây nhiễm tại chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung rất cao, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới, có khả năng lên tới 100 ca dương tính", ông Tuấn nêu.

COVID-19 26/8: Lịch trình đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người của 2 sinh viên dương tính SARS-CoV-2 - 2

Về vấn đề thành phố đã triển khai hai lần xét nghiệm diện rộng, lấy và xét nghiệm hơn 1 triệu mẫu, nhưng vẫn chưa bóc tách triệt để được các trường hợp F0, ông Tuấn cho biết, việc lấy mẫu được triển khai ở các khu vực nguy cơ và những trường hợp có nguy cơ trên địa bàn. Nhưng hiện nay, có thể có những khu vực không nằm trong khu vực nguy cơ, nhưng vẫn phát sinh ca bệnh như khu vực phường Thanh Xuân Trung.

“Bây giờ vẫn chưa nắm bắt được hết được khu vực nào có nguy cơ. Như chỗ Thanh Xuân Trung vừa qua không nằm trong khu vực nguy cơ, không thuộc diện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng vì không có yếu tố liên quan đến dịch bệnh. Nó khó ở chỗ đó”, ông Tuấn phân tích.

Còn với các khu vực được xác định là nguy cơ, đã được lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng thì không e ngại.

“Điều lo ngại là việc phát hiện các ổ dịch tiềm tàng ở cộng đồng. Từ một ca có thể phát hiện ra một ổ dịch vài chục ca. Mấu chốt nhất hiện nay vẫn là việc người dân có triệu chứng, hoặc thậm chí không có triệu chứng nhưng cảm thấy sức khoẻ có vấn đề, nghi vấn liên quan đến COVID-19 phải khai báo ngay để được lấy mẫu xét nghiệm. Nếu có ca mắc mà không phát hiện kịp thời, để thành nhiều chu kỳ lây nhiễm thì rất khó xử lý”, ông Tuấn nói thêm.

Về việc phóng viên đặt vấn đề Hà Nội có triển khai xét nghiệm từng người để phát hiện nguy cơ dịch bệnh, ông Tuấn cho biết, điều đó là chưa cần thiết, bởi hiện nay, qua hai đợt xét nghiệm diện rộng, tỷ lệ lây nhiễm ngoài cộng đồng của thành phố rất thấp. Các khu vực đang là ổ dịch như phường Văn Chương hay khu chung cư HH Linh Đàm đã được khoanh vùng, nếu có lây nhiễm chủ yếu là các trường hợp F1, các trường hợp có liên quan.

“Tôi phải nhắc lại là hiện nay vẫn có nguy cơ trong cộng đồng. Nhiều khu vực không có yếu tố dịch bệnh, không thuộc diện lấy mẫu xét nghiệm nhưng lại phát sinh thành ổ dịch như khu vực Thanh Xuân Trung. Nếu người dân phối hợp, khai báo thông tin tốt thì vẫn có thể phát hiện được từ trước. Nhưng nhiều người dân bây giờ ngại khai báo vì đang giãn cách xã hội. Nếu khai báo đi chỗ này, chỗ kia thì là vi phạm quy định cách ly xã hội. Đó cũng là một khó khăn để phát hiện các ca bệnh”, ông Tuấn nêu.

Một cán bộ tiếp xúc F0, cả Chi cục thi hành án TP.Pleiku phải cách ly

Ngày 26/8, Trung tâm Y tế TP.Pleiku đã đưa ông T.N.S (SN 1979, trú đường Nơ Trang Long, tổ 5, phường Trà Bá) đi cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng nghề số 21 (phường Thống Nhất) vì tiếp xúc với một trường hợp F0.

Theo hồ sơ dịch tễ, ngày 18/8, ông P.M.T là F0 đến mua gạo tại nhà ông S. Ông S. không đeo khẩu trang, cùng bê bao gạo và tiếp xúc trực tiếp với ông T. (khi đến nhà ông S., ông T. đang là F2).

Ngày 19/8, ông S. lên cơ quan làm việc, chiều tối đi nhậu tại quán Thiên Đường Xanh (phường Ia Kring), đi cùng cả Chi cục Thi hành án (THA) TP.Pleiku.

Ngày 20/8, sau khi ăn sáng, uống cà phê, ông S. đi tiêm vắc xin COVID-19 tại trường THCS Trưng Vương (phường Diên Hồng), gặp các nhân viên y tế tại đây. Tối, ông S. đến bệnh viện Nhi để thăm và cho tiền hai bệnh nhân nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 21/8, ông S. đến nhà xe Thuận Tiến (TP.Pleiku) để gửi hàng. Ngày 22/8, đi huyện Đắk Đoa tặng quà cho người nghèo, sau đó xuống huyện Chư Sê mua bò, rồi quay về huyện Đắk Đoa tặng bò cho người nghèo.

Ngày 23-24/8, ông S. đến UBND phường Yên Thế và về cơ quan Chi cục THA TP.Pleiku làm việc. Ngày 25/8, ông S. lên cơ quan làm việc, tối đi nhậu tại quán Shock ở bờ kè Hội Phú với một số đồng nghiệp ở Chi cục THA thành phố và Cục THA tỉnh.

Theo báo cáo dịch tễ, hàng ngày tại cơ quan Chi cục THA TP.Pleiku, ông S. tiếp xúc với tất cả cán bộ là 20 người ở đây.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục THA TP.Pleiku cho biết, đã chỉ đạo cho tất cả các cán bộ, công chức khai báo y tế tại phường nơi cư trú để cách ly tại nhà.

Cũng theo ông Vĩnh, việc giải quyết thi hành án không thể ngồi ở nhà làm việc mà phải đi tiếp xúc với dân, đi xác minh, rất nhiều việc. Một khi cán bộ đã F2 thì không ai tiếp xúc với mình.

“Như vậy, việc tổ chức thi hành án của cơ quan phải dừng lại vì điều bất khả kháng này, đây là điều không ai mong muốn. Anh S. hoàn toàn không biết mình tiếp xúc với trường hợp F2 là ông T. (trước khi dương tính - PV)”, ông Vĩnh trao đổi.

Xét nghiệm hơn 350.000 dân ở TP.Buôn Ma Thuột để sàng lọc F0

Ngày 26/8, ông Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, cho biết đơn vị đang lên kế hoạch chuẩn bị làm test nhanh kháng nguyên đối với hơn 350.000 dân ở địa bàn toàn thành phố.

“Chúng tôi sẽ thực hiện làm gộp từng hộ (khoảng hơn 100 nghìn mẫu) để rút thời gian và chi phí, sàng lọc các đối tượng F0 trong cộng đồng. Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện xây dựng dự thảo kế hoạch”, ông Hùng nói.

Để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, Trung tâm Y tế TP.Buôn Ma Thuột còn ưu tiên làm xét nghiệm ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều nguy cơ lây nhiễm cao tại các xã Cư Êbur, Ea Kao, Ea Tu.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP.Buôn Ma Thuột (lần 2) từ 18 giờ ngày 26/8 đến khi có thông báo mới.

Cũng liên quan đến dịch bệnh, ngày 26/8 tại địa bàn xã Cư Né, huyện Krông Búk ghi nhận chùm 30 ca dương tính với SARS-CoV-2 nằm trong khu vực phong tỏa.

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 894 ca mắc COVID-19, trong đó 252 ca xuất viện, 5 người tử vong.

Trường hợp tử vong mới nhất là ông Y.T.M., sinh năm 1947, trú tại phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột. Ông M. được xác định dương tính với SARS –CoV-2 bằng kỹ thuật RT- PCR từ ngày 28/7.

Theo điều tra dịch tễ, ngày 28/7, ông M. được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1. Sau đó, ông M. chuyển qua Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 15/8, ông M. bệnh chuyển biến nặng nên được chuyển vào khu điều trị COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên điều trị.

Sau một thời gian điều trị, bệnh của ông M. diễn tiến nặng nên đã không qua khỏi vào khoảng 16h55 ngày 25/8.

Qua chẩn đoán, bệnh nhân M. bị sốc nhiễm trùng biến chứng suy đa tạng (thận, rối loạn toan kiềm,...)/ARDS mức độ nặng/Viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 ngày thứ 28/ TD Nhiễm nấm phổi/THA/ suy kiệt.

(Theo Tiền Phong)

Hà Nội: Người phụ nữ dùng 2 con dao đe dọa cán bộ chốt kiểm dịch

Ngày 26/8, Công an TP.Hà Nội cho biết, Công an phường Phú Đô đang lập biên bản xử lý chị N.T.T. (SN 1981, ở Ba Đình, Hà Nội) vì có hành vi đe doạ lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch.

Cụ thể, vào khoảng 17h30 ngày 25/8, tại chốt kiểm soát ra vào chợ Phú Đô (phường Phú Đô, Nam Từ Liêm), tổ công tác kiểm tra giấy tờ của chị T. nhưng chị này không có giấy đi đường, không có giấy đi chợ, không trình bày được lý do ra đường chính đáng nên tổ công tác yêu cầu chị T. vào chốt để lập biên bản vi phạm về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thay vì chấp hành, chị T. tranh cãi với tổ công tác rồi chạy ra cửa hàng bán thịt gần đó lấy 2 con dao (1 dao bầu, 1 dao chặt xương) giơ lên hướng về phía tổ công tác dọa sẽ đâm chết nếu ai vào gần.

Sau đó chị T. mang con 2 dao đi bộ về nhà theo hướng ngõ 8 Lê Quang Đạo và bị tổ công tác khống chế, đưa về trụ sở Công an phường Phú Đô.

Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát tại khu vực có ca dương tính SARS-CoV-2.

Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát tại khu vực có ca dương tính SARS-CoV-2.

Theo Công an TP.Hà Nội, từ 15h ngày 25/8 đến 15h 26/8, toàn thành phố xử lý 1.083 vụ vi phạm, với số tiền gần 1,6 tỷ đồng với các hành vi phổ biến như: ra ngoài khi không thực sự cần thiết, không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách khi tiếp xúc, vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định.

Ngoài ra, từ ngày 24/7/2021 đến 15h ngày 25/8/2021, toàn thành phố đã xử lý 32.418 vụ vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, trong đó cảnh cáo 295 vụ, phạt tiền 32.117 vụ với  số tiền trên 50,1 tỷ đồng, chuyển xử lý hình sự 6 vụ.

Cụ thể, các vi phạm bị xử phạt phổ biến gồm: Ra ngoài khi không thực sự cần thiết (27.845 vụ), không đeo khẩu trang nơi công cộng (2.959 vụ), không giữ khoảng cách khi tiếp xúc (572 vụ), vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định (395 vụ), không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19 (194 vụ).

Bên cạnh đó, TP còn xử phạt 453 vụ không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch.

(Theo Dân Việt)

Hà Nội tạm dừng hoạt động chợ Nhân Chính do có F0 thường tới mua hàng

Chiều 26/8, báo Thanh niên đưa tin, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn, UBND phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa có văn bản chỉ đạo tạm dừng hoạt động chợ Nhân Chính từ 5h ngày 26/8 để phòng, chống dịch.

Theo UBND phường Nhân Chính, trong vòng 2 tuần qua, bệnh nhân L.T.B.L. (38 tuổi, trú ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) thường xuyên tới chợ Nhân Chính mua đồ. Chính vì vậy, để đảm bảo phòng, chống dịch, UBND phường Nhân Chính đã quyết định đóng cửa chợ từ 5h sáng 26/8 đến khi có thông báo hoạt động trở lại.

Lực lượng chức năng phun khử khuẩn chợ Nhân Chính.

Lực lượng chức năng phun khử khuẩn chợ Nhân Chính.

Theo báo Hà Nội mới, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 phường Nhân Chính yêu cầu công an, quân sự phường, tổ Covid-19 cộng đồng khu Kiến Thiết tổ chức các chốt trực để bảo đảm an ninh trật tự; tổ chức tuần tra và giám sát việc thực hiện tạm dừng hoạt động kinh doanh tại chợ. Ban Quản lý chợ Nhân Chính bố trí lực lượng bảo vệ để phòng, chống cháy nổ; đồng thời, thực hiện nghiêm việc dừng hoạt động kinh doanh.

Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 phường Nhân Chính cũng đề nghị các đoàn thể chính trị - xã hội phường, khu dân cư, tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng tuyên truyền vận động nhân dân hợp tác, phối hợp với cơ quan chức năng để nghiêm túc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

(Theo Người Đưa Tin)

Hà Nội: Lái xe dương tính SARS-CoV-2 khai báo không trung thực, phường kiến nghị mở rộng vùng phong toả

Theo Sở Y tế Hà Nội đến trưa 26/8, tại ngõ 24 Kim Đồng, phường Giáp Bát, (Hoàng Mai, Hà Nội) đã ghi nhận 23 ca dương tính SARS-CoV-2. Ổ dịch mới này khởi phát từ 4 lái xe "luồng xanh" Công ty TNHH Hiền Phước từ TP.HCM ra Hà Nội xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, đau đầu nên đã đến Bệnh viện Nông nghiệp xét nghiệm, sau đó kết quả PCR của CDC Hà Nội khẳng định dương tính ngày 23/8.

Lãnh đạo UBND phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, 4 lái xe này không khai báo trung thực, gây khó khăn trong việc truy vết. Chỉ khi xét nghiệm diện rộng phát sinh thêm F0 từ nhóm người này, họ mới thừa nhận đã từng di chuyển một số địa điểm.

Khu vực cách ly tại phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội).

Khu vực cách ly tại phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội).

Theo lãnh đạo UBND phường Giáp Bát, kế hoạch ban đầu của địa phương là phong tỏa tạm thời từ đầu ngõ 286 đường Giáp Bát đến cuối ngõ 897 Giải Phóng và các ngách thuộc khu dân cư số 9 để phòng, chống dịch COVID-19. Khu vực phong tỏa gồm 210 hộ với 789 nhân khẩu. Tuy nhiên, do xuất hiện thêm nhiều F0, phường hiện đang xin ý kiến quận Hoàng Mai để mở rộng vùng phong tỏa. Số lượng hộ dân và nhân khẩu được thống kê nhiều hơn kế hoạch ban đầu.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19, không để lây lan ra cộng đồng, UBND phường Giáp Bát đã yêu cầu người dân trên địa bàn phường, trong thời gian từ ngày 10/8 đến nay, từng đến Công ty TNHH Hiền Phước phải tự cách ly tại nhà, đồng thời liên hệ ngay với Trạm Y tế phường Giáp Bát để được hướng dẫn về công tác phòng dịch Covid-19 và lấy mẫu xét nghiệm.

4 lái xe dương tính SARS-CoV-2 đều ngồi trên 1 xe ô tô tải (thuộc Công ty TNHH Hiền Phước) từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội, có giấy tờ "luồng xanh" để lưu thông.

(Theo Dân Việt)

Quảng Ninh nới lỏng điều kiện vào địa bàn đối với một số đối tượng

Ngày 26/8, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động, học sinh, sinh viên, người già, trẻ em từ tỉnh ngoài về Quảng Ninh.

Theo đó, để hỗ trợ người lao động từ tỉnh ngoài về địa bàn, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu đón người lao động từ tỉnh ngoài vào làm việc tại địa phương phải đăng ký danh sách với UBND các huyện, thị xã, thành phố hoặc Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh (không bắt buộc đã tiêm vaccine phòng COVID-19). 

Doanh nghiệp sử dụng lao động chịu trách nhiệm bố trí phương tiện đón người lao động tại nơi cư trú hoặc tại chốt kiểm soát ra vào tỉnh; đưa người lao động về nơi cách ly, tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, quản lý người lao động theo quy định.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải các tỉnh/thành phố để tạo điều kiện cho các phương tiện đưa đón người từ tỉnh ngoài.

Văn bản cũng nếu rõ, người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 18 tuổi đi qua các chốt kiểm soát dịch khi vào tỉnh Quảng Ninh, không yêu cầu bắt buộc phải có chứng nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mà chỉ cần có giấy xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR trong thời hạn 48 giờ. Đây được coi là động thái tích cực, tạo điều kiện cho các học sinh, sinh viên học tập tại Quảng Ninh nhưng đang mắc kẹt ở tỉnh ngoài có cơ hội về theo học tiếp.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Nữ giáo viên nhiễm COVID-19, một xã ở Thanh Hóa phải cách ly

Sáng 26/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa ghi nhận thêm 3 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 1 giáo viên.

Theo đó, 1 bệnh nhân nữ, sinh năm 1975, có địa chỉ tại Tiểu khu Bắc Giang, thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống. Bệnh nhân là giáo viên trường tiểu học Phú Nhuận, huyện Như Thanh. 2 bệnh nhân còn lại là vợ và con của F0 (chủ cửa hàng bán đồ thể thao) có địa chỉ tại Tiểu khu Bắc Giang, thị trấn Nông Cống. Như vậy, tại ổ dịch Thị trấn Nông Cống trong 2 ngày qua đã ghi nhận 8 ca bệnh.

Ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương rà soát, truy vết các trường hợp F1, F2, F3 sau khi ghi nhận thêm trường hợp bị nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương rà soát, truy vết các trường hợp F1, F2, F3 sau khi ghi nhận thêm trường hợp bị nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Riêng đối với nữ bệnh nhân là giáo viên dạy học cấp 1 ở trường tiểu học Phú Nhuận, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh (là vợ của ca mắc COVID-19 ở thị trấn Nông Cống) có tiền sử tiếp xúc với nhiều người. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã Phú Nhuận đã nhanh chóng truy vết được 30 F1 (trong đó có 23 học sinh, 4 giáo viên, 3 phụ huynh); 200 F2 và 53 F3 có liên quan.

Được biết trong sáng nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Như Thanh đã họp, quyết định cách ly xã hội toàn xã Phú Nhuận theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ 9h ngày 26/8; giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn xã Yên Thọ (huyện Như Thanh); cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 các thôn Yên Trung (xã Yên Thọ); thôn Khả La (xã Thanh Tân) do 2 thôn này gần như nằm trọn trên địa bàn huyện Nông Cống.

(Theo Báo Giao Thông)

KHẨN: TP HCM hướng dẫn mới về giấy nhận diện cho xe tải chở hàng

Thông tin được nêu ra trong công văn khẩn của Sở GTVT TP HCM về công tác cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code.

Theo đó, các đơn vị có nhu cầu cấp giấy nhận diện đăng ký thực hiện qua 1 trong 2 hình thức: Qua phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (thông qua địa chỉ: https://vantai.drvn.gov.vn) hoặc gửi văn bản kèm dữ liệu cho Sở GTVT thông qua đơn vị đầu mối.

Đơn vị đầu mối bao gồm các sở, ban ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận-huyện; Ủy ban MTTQ các quận, huyện và TP Thủ Đức; Các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND TP; Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam, Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí - điện thành phố,  Hiệp hội lương thực, thực phẩm thành phố; các doanh nghiệp quản lý cảng trên địa bàn TP.HCM; các cơ sở y tế trên địa bản thành phố; các doanh nghiệp cần vận chuyển chuyên gia, vật tư y tế hỗ trợ công tác phòng chống dịch cho thành phố; Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao; Các doanh nghiệp quản lý cảng.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân.

Đối với phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các tổ chức, cá nhân điền đầy đủ thông tin, trong đó phải có cụ thể lộ trình lưu thông, tuyến đường, địa chỉ điểm đi và điểm đến trên địa bàn TP HCM. Trường hợp không đủ thông tin yêu cầu, Sở GTVT TP sẽ từ chối. Trường hợp đơn vị cần đăng ký nhiều phương tiện có thể gửi hồ sơ thông qua đơn vị đầu mối tổng hợp để chuyển đến Sở GTVT cấp giấy nhận diện.

Đối với các xe bán tải, xe tải van (kể cả xe có khối lượng chuyên chở dưới 950 kg), Sở GTVT lưu ý đơn vị này chỉ cấp giấy với mục đích vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị y tế, có cam kết không chở người.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, chủ phương tiện có thể liên hệ ông Nguyễn Kiên Giang (số điện thoại: 0988.205.533) hoặc ông Nguyễn Xuân Vinh (số điện thoại: 0908.608.956).

Để tìm hiểu, cập nhật các thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác tổ chức giao thông và cấp giấy nhận diện phương tiện, có thể tra cứu tại trang thông tin điện tử của Sở GTVT TP HCM.

(Theo Người Lao Động)

Hà Nội nguy cơ tiềm ẩn các chùm ca bệnh tại cộng đồng

Về các biện pháp phòng, chống dịch tại khu vực nội thành Hà Nội, nơi có nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ với mật độ dân cư đông, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết cơ quan chức năng đang xem xét và xây dựng kế hoạch, chiến lược mới của thành phố trong phòng, chống dịch. Kế hoạch này sẽ sớm được đưa ra.

Trong đợt dịch thứ 4, đến nay Hà Nội ghi nhận 2.770 ca COVID-19, trong đó có 1.425 ca cộng đồng. Từ 1/8 đến nay quận Đống Đa là nơi ghi nhận nhiều ca phát hiện qua sàng lọc người ho, sốt tại cộng đồng nhất (13 ca) và 143 ca là F1 của ca ho, sốt này (ho, sốt thứ phát). Đây cũng là quận phát hiện tới 48 ca F0 qua sàng lọc khu vực phong toả và khu vực nguy cơ cao trong hơn 3 tuần qua.

Huyện Đông Anh có 11 ca ho sốt tại cộng đồng, 199 ca ho, sốt thứ phát; huyện Thanh Trì có 11 ca ho sốt tại cộng đồng, 197 ca ho sốt thứ phát; quận Hoàng Mai có 10 ca ho sốt tại cộng đồng và 69 ca là ho, sốt thứ phát (chủ yếu là ổ dịch tại chung cư HH4C Linh Đàm); quận Hà Đông có 9 ca ho sốt tại cộng đồng và 75 ca ho, sốt thứ phát.

Ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh, do chưa thể bóc tách được hết F0 tại cộng đồng nên nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn các chùm ca bệnh tại cộng đồng như chùm ca ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).

“Nếu người dân phối hợp, khai báo thông tin tốt với cơ quan chức năng thì vẫn có thể phát hiện được từ sớm. Chùm ca bệnh ở phường Thanh Xuân Trung có sự tương đồng như chùm ca bệnh ở hai phường Văn Chương và Văn Miếu. Dự báo, khả năng lây nhiễm tại chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung rất cao, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới", ông Tuấn nhận định.

COVID-19 26/8: Lịch trình đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người của 2 sinh viên dương tính SARS-CoV-2 - 8

Ông Tuấn cho rằng, về mặt tổng thể, hiện nay, tình hình dịch bệnh tại các khu vực ngoại thành của thành phố đã cơ bản được kiểm soát. Còn ở các khu vực được xác định là nguy cơ, đã được lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, trước mắt không lo ngại.

Đơn cử các khu vực như phường Văn Chương (quận Đống Đa) hay khu chung cư HH4C Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đã được khoanh vùng, nếu có lây nhiễm chủ yếu là các trường hợp F1, các trường hợp có liên quan.

Khó khăn hiện nay là có thể có những khu vực không nằm trong vùng nguy cơ nhưng vẫn phát sinh ca bệnh như ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ông Tuấn cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống. Đặc biệt, cần thực hiện tốt công tác xét nghiệm tại cộng đồng. Thành phố sẽ tập trung lấy mẫu tại các địa bàn, các xã, phường tiếp giáp với các ổ dịch phức tạp; khu tập thể cũ tập trung đông người, chật hẹp (mật độ dân số cao, nhà, ngõ chật hẹp, giao lưu đi lại nhiều)...

Đảm bảo ô xy y tế đáp ứng 8.000 giường điều trị

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và đặc biệt là ôxy y tế đáp ứng 8.000 giường điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố là rất cần thiết.

Hôm qua (25/8), đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế Hà Nội và kiểm tra công tác bảo đảm sẵn sàng ô xy y tế tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Sở Y tế Hà Nội đã khảo sát nhanh lượng ô xy cần dự trù cho 10.000 người mắc, gồm: 2.000 người ở tầng 2 và 3 cần khoảng 16 tấn ô xy lỏng/ngày; giai đoạn có 8.000 người mắc, tầng 2 và 3 cần 64 tấn ô xy lỏng/ngày. Hiện nay, về cơ bản các bệnh viện đã triển khai ký hợp đồng nguyên tắc với các công ty cung cấp khí y tế. Các công ty này cũng đã cam kết cung cấp đủ khí y tế trong trường hợp thành phố có 40.000 người mắc COVID-19.

Đối với hệ thống khí y tế, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng của 32 bệnh viện, hiện có 19/32 bệnh viện có hệ thống khí ô xy lỏng trung tâm, trong đó có 1.587 ổ ô xy, cần bổ sung bồn chứa, họng ô xy, nén, hút và các thiết bị phụ trợ khác cho hệ thống khí y tế để đáp ứng 8.000 trường hợp mắc.

Sở Y tế đã yêu cầu 32 bệnh viện được giao điều trị bệnh nhân COVID-19 chủ động phối hợp chủ đầu tư rà soát hệ thống khí y tế, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng, bố trí khu vực nâng cấp, lắp đặt khí nén, bồn ô xy lỏng, bảo đảm đáp ứng công tác điều trị theo các giai đoạn.

Kết luận tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, Hà Nội phải luôn đi sớm một bước, đi trước một bước và cao hơn một bước. Sở Y tế Hà Nội cần chỉ đạo, rà soát, hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng điều trị bệnh nhân COVID-19 theo các tầng điều trị bệnh nhân mức độ vừa, nặng, nguy kịch. Ngoài ra, Sở Y tế cũng cần chủ động theo dõi điều hành, điều phối sử dụng ô xy y tế trong các các đơn vị thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Riêng đối với Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, bệnh viện cần hoàn thiện, có phương án phòng, chống cháy nổ; có phương án tiếp đón, thu dung, phân luồng bệnh nhân; chuẩn bị đầy đủ phương án hậu cần cho cán bộ y tế tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 theo các tầng điều trị. Đặc biệt, bệnh viện phải có phương án dự phòng để sẵn sàng đáp ứng khi có các sự cố xảy ra.

(Theo Tiền Phong)

Hà Nội phát hiện Giấy đi đường của người bán cá mới '8 tháng tuổi'

Sáng 26/8, thông tin từ phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) cho biết, phường vừa phát hiện một trường hợp sử dụng Giấy đi đường không đúng quy định trên địa bàn.

Cụ thể, người này làm nghề bán cá, mua cá tại chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai). Giấy đi đường do chủ hộ bán cá có ki-ốt tại chợ cá Yên Sở cấp, mẫu giấy trắng, về cá nhân tự ghi thông tin.

Giấy đi đường bị phường Tràng Tiền thu giữ.

Giấy đi đường bị phường Tràng Tiền thu giữ.

Qua trao đổi, người sử dụng Giấy đi đường này cho biết, ai mua cá của chủ hộ có ki-ốt sẽ được cấp cho Giấy đi đường có đóng dấu của Ban quản lý chợ cá Yên Sở.

Đáng chú ý, Giấy đi đường của cá nhân này còn ghi ngày tháng năm sinh là 1/1/2021.

Phường Tràng Tiền đã thu lại Giấy đi đường, xử phạt 2 triệu với người sử dụng Giấy đi đường nêu trên.

Theo đại diện lãnh đạo phường Tràng Tiền, việc cấp Giấy đi đường tràn lan như vậy gây khó khăn cho công tác đảm bảo phòng chống dịch, người dân không thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, nguy cơ mang dịch từ địa phương này sang địa phương khác. Phường kiến nghị cần xử lý nghiêm đơn vị cấp Giấy đi đường không đúng để làm gương cho các đơn vị khác.

(Theo Tiền Phong)

F2 thành F0 trong khi F1 âm tính, chủ tịch tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm

Ngày 26-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 (Ban chỉ đạo) tỉnh Bắc Giang cho biết vừa có công văn hỏa tốc gửi Ban chỉ đạo TP Bắc Giang về việc xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm những người liên quan đến một ca F0 trên địa bàn.

Theo đó, hôm 23-8, Ban chỉ đạo TP Bắc Giang có báo cáo nhanh về trường hợp nhiễm COVID-19 là ông PTA (trú trên địa bàn). Trước khi xác định dương tính, ông PTA là F2, thực hiện cách ly tại nhà.

Sau khi nhận báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang cho rằng việc ông PTA là F2 lại trở thành F0, trong khi các F1 mà người này tiếp xúc trước đó đều cho kết quả xét nghiệm âm tính là điều rất vô lý.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhận định trường hợp này có thể do khai báo không thành khẩn và truy vết không triệt để.

Hơn thế, trong thời gian cách ly tại nhà, ông PTA vẫn tiếp xúc với người khác, vẫn có người đến nhà chơi, chứng tỏ công tác quản lý cách ly tại nhà của địa phương không nghiêm và bản thân ông PTA cũng không thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Bắc Giang xem xét trách nhiệm những tập thể, cá nhân có liên quan đến vụ việc trên. Xử lý nghiêm ông PTA đã không thực hiện đúng các quy định về cách ly tại nhà. Nếu trường hợp trên để lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình cách ly tại nhà cần xem xét khởi tố vụ án.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo TP Bắc Giang chấn chỉnh ngay công tác truy vết, cách ly tại nhà.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Thêm 1.000 y bác sĩ, sinh viên chi viện chống dịch tại TP.HCM

Chiều 25-8, Hãng hàng không Vietnam Airlines đã vận chuyển gần 1.000 y bác sĩ, sinh viên, giảng viên ngành y bay khởi hành từ Sân bay Nội Bài vào TP.HCM tham gia chống dịch.

Đây là đoàn y bác sĩ lớn nhất bay cùng một ngày do một hãng vận chuyển kể từ đầu chiến dịch vận chuyển lực lượng y tế vào miền Nam chống dịch COVID-19.

Đoàn mang theo hàng chục tấn hành lý, gồm tư trang và trang thiết bị y tế. Ảnh: VNA

Đoàn mang theo hàng chục tấn hành lý, gồm tư trang và trang thiết bị y tế. Ảnh: VNA

Đại diện hãng cho biết hãng đã bố trí hai máy bay thân rộng Boeing 787-9 và một máy bay Airbus A321 đưa toàn bộ lực lượng y tế vào miền Nam. Toàn đoàn được hỗ trợ thủ tục ưu tiên ở sân bay và hỗ trợ chi phí đối với trang bị y tế.

Lực lượng chi viện gồm các y bác sĩ, sinh viên, giảng viên thuộc các Sở Y tế, bệnh viện, đại học y ở bốn tỉnh thành phía Bắc gồm Hà Nội, Ninh Bình, Hà Giang và Thái Bình.

Để nhanh chóng tham gia công tác chống dịch, đoàn mang theo hàng chục tấn hành lý gồm tư trang và trang thiết bị y tế.

Lực lượng y tế sẽ tham gia phòng chống dịch theo phân công của cơ quan chức năng, như xét nghiệm, điều trị bệnh nhân COVID-19, quản lý khu cách ly, tiêm vaccine. Đáng chú ý, hàng trăm bác sĩ, chuyên gia y tế có năng lực chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thuộc nhiều khoa khác nhau sẽ tham gia vận hành bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Đoàn còn gồm nhiều sinh viên ngành y thuộc các trường đại học ngành y, dược ở Hà Nội, Thái Bình… đã tạm gác lại việc học để tình nguyện lên đường chống dịch.

Đến nay, Vietnam Airlines đã vận chuyển hơn 6.000 y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế, hậu cần và quân y. Cùng đó, hãng đã vận chuyển miễn cước hơn 200 tấn hành lý, hàng hóa y tế, bao gồm hàng triệu liều vaccine, bộ xét nghiệm, trang phục bảo hộ y tế, máy thở, máy X-quang phổi...

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Cô gái trẻ chê đồ cứu trợ ít, thà không cho còn hơn, CĐM bức xúc
Một mạnh thường quân bức xúc cho biết, nhóm của anh trao tặng cô gái trẻ phần quà từ thiện gồm: 5kg gạo, 10 gói mì, 20 quả trứng, một trai dầu ăn, 1 chai nước mắm, 2 lạng ruốc, 1 túi lạc và 1 túi muối. Nhưng thay vì nhận được lời cảm ơm, cô gái lại tỏ thá

Tin tức 24h

KHAI TÂM (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19