COVID-19 27/1: Một huyện ở Thanh Hóa phát hiện gần 60% người trở về quê ăn Tết dương tính SARS-CoV-2

K.T - Ngày 27/01/2022 12:14 PM (GMT+7)

Lập chốt kiểm soát, tiến hành test nhanh tầm soát, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) phát hiện gần 60% người dân trở về quê ăn Tết dương tính với COVID-19

10 diễn biến

Thanh Hóa: Một huyện phát hiện gần 60% người trở về quê ăn Tết nhiễm COVID-19

Ngày 26/1, ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát, từ ngày 17/1, huyện Mường Lát đã thành lập điểm chốt kiểm soát dịch bệnh trên Quốc lộ 15C, thuộc xã Trung Lý để người dân về quê ăn Tết khai báo ý tế, test nhanh COVID-19.

Người dân test nhanh COVID-19 tại điểm chốt của huyện sẽ hoàn toàn được miễn phí. Kết quả thống kê kể từ khi lập chốt tới nay phát hiện gần 60% người trở về quê từ các địa phương khác như Hà Nội, các tỉnh phía Nam… dương tính với Covid-19.

Chốt kiểm soát, test nhanh COVID-19 do huyện Mường Lát lập trên Quốc lộ 15C, đoạn qua xã Trung Lý.

Chốt kiểm soát, test nhanh COVID-19 do huyện Mường Lát lập trên Quốc lộ 15C, đoạn qua xã Trung Lý.

“Có xe ô tô chở 5 người trong một gia đình thì 4 người dương tính. Những người dương tính không có triệu chứng, chúng tôi tiến hành cách ly và điều trị tại địa phương. Đến nay, huyện Mường Lát có tới gần 800 người nhiễm COVID-19 đã điều trị khỏi và đang điều trị”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, sở dĩ huyện phải lập chốt, kiểm soát và test nhanh đối với người dân về quê ăn Tết là vì rất đông người dân địa phương ra Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và phía Nam làm ăn, tới dịp Tết mới về thăm nhà và ăn Tết.

Theo quy định, người từ địa phương khác trở về địa phương phải khai báo y tế, nếu không phải là F0, F1, F2 thì không phải cách ly.

Tuy nhiên, tại các địa phương người dân sinh sống và làm việc dịch bệnh rất phức tạp, có thể nhiều người đã bị nhiễm bệnh nhưng không xuất hiện triệu chứng nên không biết.

Khi trở về địa phương, huyện Mường Lát với địa hình hiểm trở, chiều dài từ đầu huyện tới cuối huyện khoảng 100Km, việc đi lại di chuyển khá khó khăn. Một số người dân dù đã bị nhiễm bệnh không xuất hiện triệu chứng, ý thức không tốt hoặc chủ quan, trên đường di chuyển dài có thể sẽ ghé vào các quán hàng dọc đường, vào thăm người thân, tụ tập ăn uống trước khi khai báo y tế nên nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.

Cách đây không lâu, huyện Mường Lát đã bùng phát dịch và chính quyền và các cơ quan chức năng phải rất vất vả để bao vây, khống chế. Nên huyện lập chốt kiểm soát ngay từ đầu con đường dẫn vào địa bàn để người dân thuận tiện khai báo, test nhanh COVID-19 với mục tiêu an toàn để nhân dân đón Tết.

Cũng theo ông Bình, việc lập chốt tạo điều kiện cho người dân khai báo y tế, test nhanh miễn phí nên dân rất đồng thuận. Dự kiến, sau ngày 27 Âm lịch, khi người dân từ xa cơ bản đã về địa phương ăn Tết, chính quyền sẽ xem xét gỡ bỏ chốt kiểm soát.

Một cán bộ trực tại chốt kiểm soát của huyện Mường Lát cho hay, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 xe tô tô và hàng chục xe máy chở người dân về quê ăn Tết đi qua chốt. Khi được yêu cầu khai báo, test nhanh miễn phí COVID-19, người dân rất vui vẻ, hợp tác.

Ông Lương Tiến Thành, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn xác nhận, huyện đang lập một chốt kiểm soát trên Quốc lộ 217, tại Km16, thuộc địa phận xã Trung Hạ để người dân về quê ăn Tết khai báo y tế, test nhanh COVID-19 hoàn toàn miễn phí.

Từ khi lập chốt tới nay, huyện Quan Sơn cũng phát hiện một số trường hợp người dân từ địa phương khác về quê ăn Tết nhiễm COVID-19 và đã tiến hành cách ly, điều trị theo quy định.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/huyen-o-thanh-hoa-phat-hien-gan-60-dan-ve-que-an-tet-nhiem-c...

TP HCM tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 xuyên Tết Nguyên đán 2022

Trung tâm Báo chí TP HCM vừa cho biết TP HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại (hay còn gọi là mũi 3) để tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân.

Việc này nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trước các diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19 cùng sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

Theo đó, mỗi quận, huyện sẽ tổ chức tối thiểu 1 điểm tiêm cố định từ ngày 1-2 và hoạt động xuyên Tết.

TP HCM tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân bằng cách vẫn tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.

TP HCM sẽ tổ chức tiêm vắc-xin xuyên Tết Nguyên đán 2022 để tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân; Ảnh: TL

TP HCM sẽ tổ chức tiêm vắc-xin xuyên Tết Nguyên đán 2022 để tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân; Ảnh: TL

Người dân đang ở tại thành phố, bất kể thường trú hay tạm trú, nếu có nhu cầu tiêm vắc-xin có thể đến bất kỳ địa điểm tiêm nào trên địa bàn để được tiêm chủng (không cần đăng ký danh sách trước). Thành phố sẽ nỗ lực bao phủ vắc-xin phòng COVID-19 trong cộng đồng đến hết tháng 2-2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang cận kề, TP HCM đã ghi nhận 88 ca nhiễm biến chủng Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và người dân trong cộng đồng.

Trong thời gian qua, hầu hết các trường hợp tử vong do COVID-19 trên địa bàn thành phố ghi nhận đa số ở người thuộc nhóm nguy cơ như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều.

Mặt khác, hiệu quả vắc-xin có thể giảm dần theo thời gian, vì vậy việc tiêm mũi 3 sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ của cơ thể trước biến chủng Omicron và các biến thể khác của COVID-19.

Nếu người dân đã từng mắc COVID-19 trước đó thì vẫn nên tiêm vắc-xin, vì thực tế cho thấy vẫn có khả năng tái nhiễm Omicron, vẫn có nguy cơ bị bệnh nặng, nguy cơ truyền vi rút cho người khác.

Khi tiêm đủ liều vắc-xin, cho dù đã bị nhiễm COVID-19 hay chưa, là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể với Omicron để không bị bệnh nặng, không phải nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-to-chuc-tiem-vac-xin-phong-covid-19-xuyen-tet-nguyen-...

Bộ Y tế hỏa tốc đề nghị các tỉnh “không ngăn sông cấm chợ” dịp Tết Nguyên đán

Bộ Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống dịch dịp Tết Nguyên đán.

Theo văn bản, trước diễn biến dịch phức tạp, sự gia tăng đi lại giao lưu của người dân sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo UBND các cấp triển khai các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Công văn số 375/BYT-MT ngày 22/1 của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết, không ngăn sông cấm chợ, tổ chức chăm lo cho người dân đón Tết, vận động người dân trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ, nhất là việc hỗ trợ người lao động trở lại thành phố lớn đảm bảo an toàn, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội”.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quên đón Tết (ảnh minh họa: Báo Giao thông)

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quên đón Tết (ảnh minh họa: Báo Giao thông)

Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế xây dựng trình UBND tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2022 tổ chức triển khai thực hiện sớm nhất có thể, phân công cụ thể các đơn vị liên quan theo từng nội dung và địa bàn phụ trách.

Tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mùa đông –xuân, tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là COVID-19 và biến thể mới, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch phát triển lây lan trong cộng đồng.

Sở Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai “thần tốc” và “thần tốc hơn nữa” trong việc tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Văn bản hỏa tốc nhấn mạnh: “Đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho người có nguy cơ cao, rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc xin để tập trung tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên trong thời gian ngắn nhất”.

Tổ chức công tác thu dung, cấp cứu, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thực hiện phân luồng khám chữa bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Sở Y tế phải tham mưu tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm để phát hiện sớm, chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Giáo dục Đào tạo triển khai quyết liệt các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở giáo dục, phối hợp với ngành y tế tổ chức tốt chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ em tại trường học. Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị kỹ các hoạt động để mở cửa các cơ sở giáo dục, đạo tạo, các trường học trở lại trong thời gian tới đảm bảo an toàn.

Nguồn: http://danviet.vn/bo-y-te-hoa-toc-de-nghi-cac-tinh-khong-ngan-song-cam-cho-dip-tet-nguy...

Bắc Ninh triển khai đường dây nóng tư vấn sức khỏe cho người mắc COVID-19 tại nhà

Theo đó, người dân tỉnh Bắc Ninh có thể quay số từ cố định nội hạt bằng cách trực tiếp bấm 1022, người dân ngoại tỉnh hoặc sử dụng di động có thể gọi trực tiếp số 02221022 để được tư vấn, hỗ trợ điều trị COVID-19 tại nhà.

Tổng đài 1022 có đội ngũ tư vấn viên là bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc điều trị COVID-19, trực 24/24 giờ/ngày, cả thứ bảy và chủ nhật. Đội ngũ tư vấn viên luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các thông tin liên quan đến điều trị COVID-19 cho người mắc hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cùng các đại biểu nhấn nút khai trương Tổng đài tư vấn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cùng các đại biểu nhấn nút khai trương Tổng đài tư vấn.

Để thuận tiện cho người dân trong việc tư vấn, Tổng đài 1022 được chia thành 3 nhánh: Nhánh 1 – Thông tin chung về dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; nhánh 2 – Gặp bác sĩ tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân điều trị COVID-19 tại nhà; nhánh 3 – Kết nối đường dây nóng của các trung tâm Y tế huyện/thành phố.

Đối với các trường hợp thông tin cần trả lời những phản ánh của người dân, tổ chức không nằm trong hệ thống cơ sở dữ liệu có sẵn hoặc vượt qua khả năng thì Bộ phận Thường trực định tuyến kết nối với đội ngũ bác sỹ đồng hành và sàng lọc thông tin, cập nhật trên phần mềm của hệ thống Tổng đài.

Nguồn: https://tienphong.vn/bac-ninh-trien-khai-duong-day-nong-tu-van-suc-khoe-cho-nguoi-mac-c...

Thủ tướng: Việt Nam đã có Omicron nhưng tự tin để mở cửa trở lại!

Sáng nay 27-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cuộc họp nhằm rà soát, đánh giá công tác phòng chống dịch từ cuộc họp lần trước của Ban Chỉ đạo, những vấn đề nổi lên cần lãnh đạo, chỉ đạo, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời, định hướng những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Mục tiêu là vừa phòng chống, kiểm soát dịch hiệu quả, vừa tổ chức cho nhân dân đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các giải pháp để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong dịp Tết.

Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin thần tốc mùa xuân năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ phát động. Theo đó, mục tiêu đến hết tháng 1, hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi, trong quý I, hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ các đối tượng chống chỉ định; tiếp tục nghiên cứu để triển khai các thủ tục và tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

"Biến chủng Omicron đã xâm nhập vào nước ta, nên chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong dịp Tết. Đồng thời chúng ta cũng có cơ sở để tự tin trong công tác phòng chống dịch, với tỷ lệ người dân đã được tiêm vắc-xin và chúng ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm hơn, đúc kết được các phương châm, công thức phòng chống dịch"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, đã chủ trì cuộc họp về lộ trình mở cửa trường học; phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả. Các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội đã nhấn mạnh phải ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ phòng chống dịch, phòng chống dịch hiệu quả thì mới yên tâm mở cửa trở lại tổng thể nền kinh tế.

Tại cuộc họp,  Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 166 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 6 trường hợp phát hiện trong nước tại TP HCM (5), Hà Nội (1) và 160 trường hợp nhập cảnh từ 22 quốc gia trên 49 chuyến bay và qua 1 cửa khẩu đường bộ (Mộc Bài - Tây Ninh). Các hành khách đi cùng đã được cách ly, theo dõi, quản lý ngay khi nhập cảnh, sức khỏe ổn định.

So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm 4,1%, số tử vong giảm 13,8%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 7,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 13,9%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 21,2%, số ca tử vong giảm 7,5%, số ca khỏi bệnh tăng 6,2%, số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 3,4%, số ca nặng, nguy kịch giảm 11,6%. So sánh giữa tháng 1-2022 và tháng 12-2021, số ca tử vong/100.000 dân của tháng 1-2022 ghi nhận là 5 ca (giảm 2 ca so với tháng trước).

Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).

Bộ Y tế thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Nguồn: https://nld.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-viet-nam-da-co-omicron-xam-nhap-nhung-tu-tin-de-...

Kiến nghị F0 nhập cảnh ở TP.HCM cách ly tại nhà, bệnh viện tư

Chiều 27/1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP trong những ngày qua.

Tại họp báo, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin, nhằm ứng phó với biến chủng mới Omicron, Sở Y tế đã có tờ trình xin phép Ban chỉ đạo TP mở rộng hình thức cách ly đối với những trường hợp nhập cảnh dương tính với COVID-19.

Cụ thể, thay vì chỉ cách ly tại bệnh viện dã chiến số 12 theo hướng dẫn của UBND TP, trường hợp nhập cảnh dương tính, có triệu chứng chuyển nặng, sẽ được chuyển đến các bệnh viện dã chiến 3 tầng.

Đối với người nhiễm COVID-19 được đánh giá ở mức độ trung bình, những trường hợp này sẽ được chuyển về bệnh viện dã chiến số 12 hoặc những bệnh viện tư nhân đủ điều kiện (nếu người nhập cảnh có nhu cầu).

Riêng trường hợp nhẹ, không triệu chứng sẽ được cách ly tại nhà nếu người dân có nhu cầu và nơi cách ly đủ điều kiện.

“Đây là những điểm mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất cho những người nước ngoài về Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán này”, lãnh đạo Sở Y tế cho hay.

Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin, Sở Y tế có đề xuất mở rộng hình thức cách ly đối với những trường hợp nhập cảnh dương tính với COVID-19

Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin, Sở Y tế có đề xuất mở rộng hình thức cách ly đối với những trường hợp nhập cảnh dương tính với COVID-19

Thông tin về các trường hợp COVID-19 nhiễm chủng Omicron, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm cho biết, tính đến nay, TPHCM có 92 ca nhiễm Omicron (87 ca nhập cảnh và 5 ca cộng đồng). Trong các ca nhiễm Omicron có 6 trường hợp triệu chứng nhẹ, 1 trường hợp triệu chứng nặng hơn nhưng hiện đã ổn định.

Ngày 14/12/2021, UBND TP ban hành Kế hoạch số 4192 về thế trận ứng phó với biến chủng Omicron. Với thế trận này, TP đã tính toán các tình huống có thể xảy ra. Vì vậy, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và thời gian tới, TP tiếp tục thực hiện các nội dung đã đề ra, tạm thời chưa có thay đổi.

Liên quan đến chế độ chăm lo Tết cho lực lượng y tế, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai chia sẻ, hiện nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; số ca nhiễm đã giảm; một số bệnh viện dã chiến như Bệnh viện dã chiến số 3, 4, 5, 10 tạm thời ngưng hoạt động do không có bệnh nhân.

Tuy vậy, các bệnh viện này vẫn duy trì người trực gác để đáp ứng kịp thời ngay khi có yêu cầu. Lực lượng y bác sĩ tại các bệnh viện này được rút về các bệnh viện khác và tham gia công tác bình thường.

Bên cạnh đó, Ban Giám đốc Sở Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện tổ chức Tết trong đơn vị để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng được vui Xuân đón Tết ấm áp nhất trong điều kiện có thể.

Nguồn: http://danviet.vn/kien-nghi-f0-nhap-canh-o-tphcm-cach-ly-tai-nha-benh-vien-tu-502022271...

Nóng: Bộ Y tế ra hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch Covid-19

Ngày 27/1, Thứ trưởng Bộ Y tế vừa ký quyết định về hướng dẫn tạm thời mới thực hiện Nghị quyết 128 về "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Quyết định này thay thế Quyết 4800 trước đó, vẫn trên 3 tiêu chí cơ bản, tuy nhiên nhiễm chỉ số nâng cao và cách đánh giá để xác định cấp độ dịch có thay đổi.

Cách đánh giá cấp độ dịch có sự thay đổi

Cách đánh giá cấp độ dịch có sự thay đổi

Cụ thể 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian; Độ bao phủ vaccine; Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 2 nhóm để xác định cấp độ dịch gồm: Nhóm chỉ số về mức độ lây nhiễm và Nhóm chỉ số về khả năng đáp ứng.

Bộ Y tế hướng dẫn cách xác định các tiêu chí cụ thể như sau:

Với tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian.

Tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân. Tỷ lệ ca mắc mới được phân theo 4 mức độ từ thấp đến cao (mức 1: <90; mức 2: 90 đến dưới 450; mức 3: 450 đến 600; mức 4: 600).

Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100.000 người. Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy được phân theo 4 mức độ (mức 1: < 1; mức 2: 1 đến dưới 32, mức 3: 32 đến 40, mức 4: 40).

Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy do Trung tâm Y tế cấp huyện tính toán và phân bố đến từng địa bàn cấp xã.

Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân. Yêu cầu chỉ số này không được vượt quá 6/100.000 dân trên địa bàn cấp xã. Chỉ số này là hệ quả của tổng hợp mức độ lây nhiễm và khả năng đáp ứng, đồng thời đây là mục tiêu cần phải khống chế bằng được; do đó chỉ số này được sử dụng để đánh giá điều chỉnh cấp độ dịch trên địa bàn cấp xã.

Tiêu chí 2: Độ bao phủ vaccine phòng Covid-19

Chỉ số tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo tại thời điểm đánh giá của Bộ Y tế của địa bàn cấp xã tính trên toàn bộ dân số trên điạ bàn. Yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi phải đạt tối thiểu 75% tổng dân số tại thời điểm đánh giá. Chỉ số này được sử dụng để điều chỉnh mức độ lây nhiễm trên địa bàn cấp xã.

Chỉ số tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi trở lên ở người thuộc nhóm nguy cơ cao (không chống chỉ định tiêm chủng) trong số đối tượng ở nhóm nguy cơ cao của địa bàn cấp xã. Yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi ở người thuộc nhóm nguy cơ cao phải đạt tối thiểu 90% số đối tượng phải tiêm chủng tại thời điểm đánh giá.

Chỉ số này được sử dụng để điều chỉnh mức độ lây nhiễm trên địa bàn cấp xã.

Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Chỉ số tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10.000 dân: khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa bàn cấp xã. Chỉ số này được chia làm 3 khả năng (cao: 500; trung bình: 200-500; thấp: <200).

Chỉ số tỷ lệ giường bệnh dành cho người bệnh COVID-19 còn trống tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn cấp huyện /100.000 dân tại thời điểm đánh giá. Chỉ số này được chia làm 3 khả năng (cao: 30; trung bình: 10- 30, thấp: < 10). Chỉ số này do Trung tâm Y tế cấp huyện xác định sau đó được dùng chung cho tất cả các xã trên địa bàn thuộc huyện

Chỉ số tỷ lệ giường điều trị tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100.000 dân. Yêu cầu tỷ lệ giường ICU có đủ nhân viên y tế phục vụ trên địa bàn cấp tỉnh phải đạt tối thiểu 4/100.000 dân.

Cách đánh giá cấp độ đáp ứng dịch tại tuyến xã được xác định bằng cách tổng hợp từ kết quả về mức độ lây nhiễm và mức độ đáp ứng của địa bàn cấp xã. 

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nong-bo-y-te-ra-huong-dan-moi-ve-danh-gia-cap-do-dich-covid...

Bệnh viện 199 lập 2 phòng tuyến chống dịch, hỗ trợ Đà Nẵng xử lý F0

Ngày 27/1, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) đóng tại Đà Nẵng phối hợp Ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng triển khai trạm y tế lưu động phòng, chống dịch Covid-19 tại 2 KCN An Đồn, KCN Hòa Khánh (TP Đà Nẵng).

Lãnh đạo Bệnh viện 199 cho hay, 2 trạm y tế lưu động này nhằm mục đích “thần tốc” xử lý dịch, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và chia sẻ gánh nặng với y tế địa phương, bên cạnh đó kịp thời cách ly các F0 được phát hiện khi đang có mặt tại các doanh nghiệp thuộc KCN, ngăn chặn kịp thời việc lây lan ra cộng đồng.

Tại các trạm y tế lưu động, Bệnh viện 199 sẽ phối hợp cung cấp trang thiết bị theo dõi từ xa, thăm khám lưu động như đo huyết áp, đo mạch, nhịp tim, đo Sp02, máy siêu âm, máy xét nghiệm hiện đại...

Đại tá, Bác sĩ Quách Hữu Trung – Giám đốc Bệnh viện 199 cho hay, đơn vị bố trí 8 y bác sĩ, xe cứu thương thường xuyên tại trạm y tế, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

"Với phương châm vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa tổ chức phục hồi, phát triển hoạt động của doanh nghiệp. Bệnh viện 199 cam kết sẽ hỗ trợ tối đa nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19", bác sĩ Trung cho hay.

Ông Trần Văn Tỵ - Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, sự ra đời của trạm y tế tại các khu công nghiệp sẽ là “lá chắn” bảo vệ các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt trong đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi kinh tế của địa phương.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/benh-vien-199-lap-2-phong-tuyen-chong-dich-ho-tro-da-nang-x...

Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 3 trong quý 1 năm 2022

Tối 27/1, tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 (gọi tắt BCĐ) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong 24h qua trên địa bàn ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 14 ca phát hiện ngoài cộng đồng.

Theo đó, Tp.Vũng Tàu ghi nhận 6 ca, gồm 1 ca tại khu cách ly; 2 ca đang cách ly tại nhà và 3 ca ngoài cộng đồng ở các phường 3 và 6.

Thị xã Phú Mỹ ghi nhận 19 ca, trong đó 18 ca đang cách ly tại nhà và 1 ca ngoài cộng đồng ở phường Phước Hòa.

Huyện Châu Đức ghi nhận 2 ca ngoài cộng đồng tại xã Bình Giã.

Huyện Đất Đỏ ghi nhận 3 ca đang cách ly tại nhà.

Huyện Long Điền ghi nhận 6 ca, trong đó 2 ca đang cách ly tại nhà; 1 ca tại khu cách ly và 3 ca ngoài cộng đồng, phát hiện ở xã Phước Hưng.

Huyện Xuyên Mộc ghi nhận 21 ca, gồm 16 ca đang cách ly tại nhà và 5 ca ngoài cộng đồng tại các xã: Xuyên Mộc; Tân Lâm; Hòa Hội.

Tính từ ngày 28/6 đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ghi nhận 30.633 ca mắc Covid-19. Trong ngày, tỉnh này có thêm 60 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi (tỷ lệ F0 khỏi bệnh là 84,9%).

BCĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị các sở ngành, các địa phương trên địa bàn bám sát hướng dẫn của Bộ Y tế, dựa vào các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19 theo hướng dẫn để triển khai, đánh giá cấp độ dịch ở địa bàn quản lý.

Đồng thời, nâng cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chuẩn bị phương án ứng phó với biến thể mới. Rà soát, bảo đảm triển khai tốt công tác phòng, chống dịch trong trường học, duy trì chế độ ứng trực 24/24 đối với các lực lượng tham gia chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trước diễn biến dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần tập trung tối đa nhân lực để điều trị bệnh nhân Covid-19, nhất là kiểm soát được số ca tử vong và chuyển nặng. Tiếp tục đề nghị Bộ Y tế phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 cho tỉnh để tiêm mũi 3 cho người dân đủ điều kiện sau dịp Tết Nguyên đán, phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 3 cho người dân trong quý 1 năm 2022.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ba-ria-vung-tau-phan-dau-hoan-thanh-tiem-mui-3-trong-quy-1-n...

Bệnh viện Dã chiến lớn nhất TPHCM chỉ còn 2 bệnh nhân điều trị COVID-19

Đó là tin mừng được TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 6 chia sẻ cùng phóng viên báo Tiền Phong ngày 27/1. Bác sĩ Hoàng cho biết, kể từ thời điểm thành lập bệnh viện, toàn thể cán bộ y bác sĩ tham gia trong cuộc chiến chống dịch đều kiên định mục tiêu chiến thắng dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

TS.BS Phan Minh Hoàng cho biết, Bệnh viện Dã chiến số 6 chỉ còn 2 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị

TS.BS Phan Minh Hoàng cho biết, Bệnh viện Dã chiến số 6 chỉ còn 2 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị

Có thời điểm bệnh viện hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ để đáp ứng vì số ca bệnh tăng quá cao trong cộng đồng. Tuy nhiên, nỗ lực của ngành y tế trong công tác chống dịch đã từng bước kéo giảm số ca nhiễm, giảm số ca tử vong và đưa cả xã hội về trạng thái bình thường mới.

“Tính đến 7 giờ sáng 27/1, toàn Bệnh viện Dã chiến số 6 chỉ còn 2 bệnh nhân đang điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định. Chúng tôi hy vọng vài ngày tới, bệnh nhân sẽ đủ điều kiện xuất viện, trở về đón Tết bên gia đình, người thân” – TS Phan Minh Hoàng nói.

Bệnh viện đã gần hết bệnh nhân điều trị, tuy nhiên trong bối cảnh biến chủng Omicron đã xuất hiện và xâm nhập cộng đồng, Bệnh viện Dã chiến số 6 tiếp tục nhận nhiệm vụ duy trì hoạt động để sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Bệnh viện đang duy trì 171 y bác sĩ trực chiến trong dịp Tết Nguyên Đán đủ khả năng tiếp nhận, thu dung, điều trị hàng nghìn bệnh nhân, bảo vệ sự bình an cho thành phố trước mọi rủi ro.

Để động viên tinh thần của các y bác sĩ sẽ trực chiến trong những ngày Tết, bệnh viện Dã chiến số 6 đã vận động các mạnh thường quân, chuẩn bị những phần quà ý nghĩa gửi tặng các y bác sĩ. “Tất cả anh chị em đều tham gia trực tết trên tinh thần tự nguyện, ai cũng vui vẻ, tự hào vì đã góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình vào sự bình an chung của toàn thành phố” – TS.BS Phan Minh Hoàng nói.

Nguồn: https://tienphong.vn/benh-vien-da-chien-lon-nhat-tphcm-chi-con-2-benh-nhan-dieu-tri-cov...

COVID-19 26/1: Cận Tết, một ngày phát hiện 500 ca nhiễm trong cộng đồng, địa phương ứng phó khẩn
Trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ghi nhận thêm 687 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, có 500 ca nhiễm có yếu tố dịch tễ cộng đồng.

Dịch COVID-19

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19