COVID-19 27/8: Lái xe dương tính SARS-CoV-2 khai báo không trung thực, phong toả thêm gần 2.000 dân

HÀ ANH - Ngày 27/08/2021 12:14 PM (GMT+7)

Công tác truy vết đối với các trường hợp liên quan đến các ca bệnh tại ổ dịch ở phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang rất khó khăn do các tài xế khai báo không trung thực.

Các lái xe "luồng xanh" mắc Covid-19 khai báo không trung thực, phong toả thêm gần 2.000 dân

Sáng 27/8, Sở Y tế Hà Nội công bố 6 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 2 ca liên quan đến ổ dịch tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai.

Một chốt kiểm soát dịch tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội - Ảnh: Vũ Lê

Một chốt kiểm soát dịch tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội - Ảnh: Vũ Lê

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát, cho biết đến 18 gờ 26-8, trên địa bàn đã phát sinh thêm 12 ca F0 liên quan đến 4 lái xe đường dài từ TP HCM ra Hà Nội là nhân viên của Công ty Công ty TNHH Hiền Phước có địa chỉ tại số 114, ngõ 24 phố Kim Đồng. Tổng số ca F0 tại ổ dịch này hiện đã là 24 bệnh nhân.

Bà Hoa cho biết công tác truy vết đối với các trường hợp liên quan đến các ca bệnh đang rất khó khăn do các tài xế khai báo không trung thực địa điểm có mặt. Chỉ khi xét nghiệm phát sinh thêm ca F0 thì các tài xế mới thừa nhận là đã từng đến các địa điểm đó.

"Trước thực tế phát sinh nhiều ca F0, phường đã báo cáo đề xuất UBND quận Hoàng Mai ban hành quyết định mở rộng khu vực phong tỏa, thời gian từ ngày 25-8 đến 7-9, đồng thời xét nghiệm thêm để phát hiện các trường hợp liên quan" - lãnh đạo UBND phường Giáp Bát nói.

Theo đó, UBND phường Giáp Bát đề xuất các khu vực phong tỏa như sau: Toàn bộ các ngách và ngõ 24, phố Kim Đồng; toàn bộ ngõ 897 từ đường Giải Phóng đến giáp ngõ 790 phố Trương Định; cuối ngõ 4 phố Kim Đồng (ngách 1, ngõ 4) từ nhà số 2 đến số 88; toàn bộ ngõ 6 phố Kim Đồng; đường Giáp Bát và một số ngõ (dãy lẻ từ số nhà 231 đến số 315, dãy chẵn từ số 194 đến số 286 đường Giáp Bát); đường dọc sông Sét từ cầu Kim Đồng đến cầu Sét - Trương Định (từ số 2 đến số 12). Tổng số hộ dân khoanh vùng cách ly y tế là 492 hộ với 1.903 nhân khẩu.

Trước đó, ngày 25-8, UBND phường Giáp Bát đã tạm thời phong tỏa khu vực từ đầu ngõ 286 đường Giáp Bát đến cuối ngõ 897 Giải Phóng và các ngách thuộc Khu dân cư số 9 để phòng, chống dịch Covid-19. Khu vực phong tỏa gồm 210 hộ dân với 789 nhân khẩu.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021) là 2.842 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.484 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.358 ca.

(Theo Người Lao Động)

Chuyên viên Tổng cục Đường bộ Việt Nam bị tam giam vì cấp trái phép cho hơn 1000 xe “luồng xanh”

Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với Hoàng Thị Thanh Nga (SN 1976, trú tại Tổ dân phố 10 Nhân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Hoàng Thị Thanh Nga là chuyên viên công tác tại Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, được Tổng cục Đường bộ tăng cường hỗ trợ Sở Giao thông vận tải Hà Nội duyệt cấp thẻ “luồng xanh” cho các phương tiện vận tải đủ điều kiện theo các quy định hiện hành.

Đối tượng Hoàng Thị Thanh Nga. Ảnh: Công an TP Hà Nội

Đối tượng Hoàng Thị Thanh Nga. Ảnh: Công an TP Hà Nội

Sau quá trình điều tra, cơ quan an ninh điều tra đã xác định, lợi dụng được giao duyệt, cấp thẻ “luồng xanh” cho các đơn vị vận tải trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Nga đã móc nối, duyệt, cấp trái phép cho khoảng hơn 1.000 hồ sơ xe ô tô và thu tiền hưởng lợi bất chính hơn 200 triệu đồng.

Hành vi của Nga đã ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, gây bức xúc trong dư luận, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Lê Phương

Đồng Nai phát hiện gần 2.900 ca nhiễm qua test nhanh diện rộng

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang hết sức phức tạp, vẫn phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 qua 2 lần xét nghiệm, dự báo xét nghiệm lần 3 số ca dương tính còn cao.

Chiến dịch xét nghiệm test nhanh diện rộng trên toàn tỉnh đã qua 2 vòng. Vòng 1 (từ ngày 18 đến 21-8) có 833.495 người được lấy mẫu test nhanh, trong đó 1.710 mẫu dương tính. Qua xét nghiệm PCR khẳng định có 1.330 ca dương tính.

Vòng 2 (từ ngày 23 đến 26-8) có 848.523 người được lấy mẫu test nhanh, trong đó 1.541 mẫu dương tính. Xét nghiệm PCR khẳng định 1.542 ca dương.

Như vậy, qua 2 vòng test nhanh diện rộng trên toàn tỉnh đã phát hiện 2.872 ca nhiễm bệnh. Hiện còn 379 trường hợp test nhanh dương tính đang chờ kết quả khẳng định bằng phương pháp PCR.

Nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Ảnh: VH

Nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Ảnh: VH

Qua test sàng lọc diện rộng, ngành y tế phát hiện một số ổ dịch ở một số phường có các ổ dịch cũ. Số lượng lớn ca dương vẫn tập trung ở các khu nhà trọ.

Đặc biệt, địa bàn TP Biên Hòa còn phát hiệt những ổ dịch mới như tại phường Long Bình Tân có một doanh nghiệp trong khu vực phong tỏa vẫn hoạt động tuy nhiên lại không thực hiện “3 tại chỗ”, cho công nhân đi về gây lây nhiễm. Hiện có 54 trong tổng số 106 công nhân nhiễm COVID-19 và gây ra các ổ dịch mới trong các khu nhà trọ tại phường Long Bình Tân.

Cũng phát hiện ô dịch mới tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 đã ghi nhận 9 ca nhiễm. Ngoài ra, số ca nhiễm tại Viện Pháp y Tâm thần Biên Hòa là 88 ca nhiễm, trong đó chủ yếu là bệnh nhân, có 2 nhân viên tại khoa Nam 1.

Tại các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và Trảng Bom qua xét nghiệm sàng lọc vẫn phát hiện nhiều ca dương qua 2 lần xét nghiệm, dự báo xét nghiệm lần 3 số ca dương tính còn cao. Tuy nhiên, không có sự gia tăng đột biến về số ca mắc và không phát hiện ổ dịch mới.

Các ca mới vẫn ghi nhận chủ yếu ở các ổ dịch cũ như xã Thiện Tân, Thạnh Phú huyện vĩnh Cửu; xã Hiệp Phước, Phước Thiền, Phú Hội huyện Nhơn trạch; xã Hố Nai 3, Bắc Sơn huyện Trảng Bom. Số lượng lớn ca dương vẫn tập trung ở các khu nhà trọ. Nhiều ổ dịch sau 3 lần xét nghiệm vẫn chưa thể bóc tách hết ca nhiễm.

Theo ngành y tế tỉnh Đồng Nai cần xem xét giải pháp giãn cách, thậm chí giải phóng một số khu nhà trọ ở Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và TP Biên Hòa để khống chế lây nhiễm dây dưa, kéo dài giúp giảm nhanh số ca nhiễm tại các khu vực này.

(Theo Pháp luật TPHCM)

Hà Nội: 6 cô gái đi ô tô, dùng giấy đi đường "rởm" để qua chốt kiểm dịch

Ngày 27/8, Trung tá Nguyễn Văn Hiền, phó Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thuỷ số 2 - Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội, tổ trưởng Chốt số 23 TP.Hà Nội cho biết, đơn vị vừa bàn giao 7 người, trong đó có 6 cô gái sử dụng giấy đi đường giả cho Công an huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội xử lý theo thẩm quyền.

Theo Trung tá Hiền, khoảng 15h30 ngày 26/8, tổ công tác Chốt phòng, chống dịch số 23 TP.Hà Nội làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 18 qua địa bàn xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn. Tại đây, lực lượng chức năng đã dừng xe ô tô mang BKS 98A - 376.55 do tài xế N.Q.P (SN 1988, trú tỉnh Thái Nguyên) điều khiển để kiểm tra, lúc này ngoài tài xế P. có 6 cô gái trên xe. Các cô gái có độ tuổi từ 19 - 24.

7 người trên chiếc xe ô tô sử dụng giấy đi đường giả.

7 người trên chiếc xe ô tô sử dụng giấy đi đường giả.

Quá trình kiểm tra, những người trên có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực, tuy nhiên tài xế P. khai nhận đánh máy cho 6 cô gái trên và lấy dấu của Công ty Fujito Việt Nam và dấu chức danh của Giám đốc, không có chữ ký của Giám đốc. Sau đó, anh P. nhờ người ký tên Giám đốc vào giấy đi đường.

Nhận thấy sự việc có dấu hiệu vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh nên tổ công tác đã lập biên bản sự việc, tạm giữ giấy tờ có liên quan đồng thời bàn giao vụ việc cho Công an huyện Sóc Sơn tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.

(Theo Dân Việt)

Ninh Bình giãn cách xã hội 1 huyện sau khi cô gái bán mắm 18 tuổi mắc Covid-19

Tỉnh Ninh Bình quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn huyện Kim Sơn theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, sau khi huyện này xuất hiện ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng là cô gái bán mắm 18 tuổi.Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, đã ban hành Quyết định số 695/QĐ-UBND về việc thực hiện cách ly vùng có dịch để phòng chống dịch Covid-19, sau khi trên địa bàn xuất hiện 1 trường hợp mắc Covid-19 ngoài cộng đồng.

Theo đó, từ 0 giờ ngày 27-8 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với huyện Kim Sơn.

Ngành chức năng phong tỏa tuyến đường vào xã Cồn Thoi

Ngành chức năng phong tỏa tuyến đường vào xã Cồn Thoi

Cụ thể, thực hiện phong tỏa theo quy định tại Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16-9-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Sổ tay Hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch Covid-19" đối với khu xung quanh phòng khám Đa khoa khu vực Cồn Thoi (huyện Kim Sơn), trong vòng bán kính khoảng 800 m.

Khu vực phong tỏa bao gồm: Tất cả các hộ dân tính từ phòng khám đến ngã ba Bình Minh của các xã Cồn Thoi, Kim Mỹ; tất cả các hộ dân từ ngã ba chợ Cồn Thoi đến Km7+00, Quốc lộ 12B của các xã Cồn Thoi, Kim Mỹ; tất cả các hộ dân xã Cồn Thoi từ Ngã 3 chợ Cồn Thoi về phía trụ sở UBND xã Cồn Thoi đến cống ông Thọ (trên tuyến đường trục xã) và khu vực chợ Cồn Thoi.

Quyết định cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 các địa điểm còn lại của xã Cồn Thoi (huyện Kim Sơn); Xóm 4, xóm Mỹ Hóa, xóm Mỹ Hợp thuộc xã Kim Mỹ (huyện Kim Sơn); Khối 4, Khối 8, Khối 9 thuộc thị trấn Bình Minh (huyện Kim Sơn).

Thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ toàn huyện Kim Sơn (trừ những địa bàn nêu trên). Thời gian thực hiện cách ly là 14 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 27-8.

(Theo Người Lao Động)

Hai học sinh là F1 của cô giáo tiểu học dương tính SARS-CoV-2

Sáng ngày 27-8, tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết địa phương vừa ghi nhận có 2 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.

CDC tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu xét nghiệm tại xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh

CDC tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu xét nghiệm tại xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh

Bệnh nhân là học sinh lớp 1, Trường tiểu học Phú Nhuận (SN 2015; ngụ thôn Khe Sình, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh), được CDC tỉnh Thanh Hóa công bố lúc 0 giờ ngày 26-8.

Hai học sinh này là F1 của cô giáo chủ nhiệm N.T.L (SN 1976; ngụ thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), người được ghi nhận mắc Covid-19 hôm 26-8.

Ngay sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 tại xã Phú Nhuận, ngay trong đêm ngày 27-8, ông Nguyễn Bá Cẩn, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã tới xã chỉ đạo công tác phòng chống dịch, đồng thời đưa 2 học sinh này tới Bệnh viện Phổi Thanh Hóa để cách ly, điều trị.

Trước đó, sáng ngày 26-8, một cô giáo dạy học tại Trường tiểu học Phú Nhuận được ghi nhận mắc Covid-19. Ngay sau đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Phú Nhuận đã khẩn trương truy vết được 44 F1, khoảng 200 F2.

Xét nghiệm hơn 800 người lang thang ở TPHCM, phát hiện 69 F0

Tối 26/8, báo cáo tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch TPHCM, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết từ ngày 23/8, lực lượng Công an đã tập trung thực hiện nhiệm vụ tập trung người lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn TPHCM để chăm sóc, phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tính đến ngày 26/8, lực lượng công an đã phát hiện hơn 800 người sống lang thang và đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc. Kết quả là phát hiện có 69 trường hợp dương tính.

Các F0 đã được đưa đi cách ly, điều trị. Những trường hợp còn lại được đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc.

Những người vô gia cư, sống lang thang được quận 4 tập trung để chăm sóc nhằm tránh dịch bệnh lây lan. Ảnh: LĐO

Những người vô gia cư, sống lang thang được quận 4 tập trung để chăm sóc nhằm tránh dịch bệnh lây lan. Ảnh: LĐO

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, đáng lo ngại là TPHCM có khoảng 100 người nước ngoài đang sống lang thang nhưng việc tập trung để xét nghiệm, chăm sóc còn gặp nhiều khó khăn.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Công an đề nghị, Công an TPHCM xuống tăng cường tại các xã, phường phải nắm chắc người có điều kiện kinh tế, người có thể đứt bữa… để tham mưu cho chính quyền cơ sở thực hiện hỗ trợ kịp thời.

Trước đó vào ngày 23/8, cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn quận 4 (TPHCM), Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý địa phương đặc biệt quan tâm đến nhóm người yếu thế (khoảng 17.262 hộ), đặc biệt là các trường hợp lang thang, cơ nhỡ cần thu dung.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc chia sẻ trên đường đến quận 4, ông quan sát được ít nhất 6 trường hợp người lang thang, cơ nhỡ tá túc nơi gầm cầu, góc phố. Theo ông, đây là các trường hợp có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, cần đưa bà con đến nơi ở chu đáo, lo từng miếng ăn giấc ngủ...

(Theo Tiền Phong)

Đồng Nai phát hiện 2 ổ dịch mới khá phức tạp

Sáng 27-8, báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai cho biết trong ngày hôm qua (26-8), toàn tỉnh ghi nhận 944 ca mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 toàn tỉnh 21.571 ca. Trong ngày có 309 ca khỏi bệnh, lũy kế đã có 9.058 ca xuất viện.

Trong tổng số ca mắc mới, có 7 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, 811 ca trong khu cách ly và 126 ca trong khu phong toả. Cụ thể, huyện Vĩnh Cửu có số ca mắc nhiều nhất là 508 ca, TP Biên Hòa có 359 ca....

Hiện toàn tỉnh còn 1.190 trường hợp test nhanh dương tính đang chờ kết quả khẳng định bằng phương pháp Realtime RT-PCR, bao gồm: Vĩnh Cửu 573, Biên Hòa 539,Trảng Bom 78.

Về công tác xét nghiệm diện rộng trên toàn tỉnh, đã có gần 1,7 triệu người được xét nghiệm diện rộng đợt 1,2 từ ngày 18-8 đến 26-8. Trong đó, ghi nhận có 3.251 ca test nhanh dương tính, 2.872 ca đã có xét nghiệm PCR khẳng định.

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, nhận định qua 2 đợt xét nghiệm diện rộng, các huyện Tân Phú, Xuân Lộc không ghi nhận ca mới. Các huyện Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Long Khánh, Long Thành ghi nhận từ 3 đến 10 ca. Hầu hết là ca bệnh tại các vùng đỏ, vùng cam và liên quan đến các ổ dịch đã phát hiện trước đó nên trong tầm kiểm soát.

Toàn tỉnh có gần 1,7 triệu người được xét nghiệm diện rộng đợt 1,2 từ ngày 18-8 đến 26-8. Trong đó, ghi nhận có 3.251 ca test nhanh dương tính, 2.872 ca đã có xét nghiệm PCR khẳng định.

Toàn tỉnh có gần 1,7 triệu người được xét nghiệm diện rộng đợt 1,2 từ ngày 18-8 đến 26-8. Trong đó, ghi nhận có 3.251 ca test nhanh dương tính, 2.872 ca đã có xét nghiệm PCR khẳng định.

Tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hoà, 1 doanh nghiệp trong khu vực phong tỏa vẫn hoạt động nhưng không thực hiện 3 tại chỗ, cho công nhân đi về. Đã có 54/106 công nhân mắc Covid-19 và gây ra các ổ dịch mới trong các khu nhà trọ tại phường Long Bình Tân, hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục xử lý.

Ngoài ra, TP Biên Hòa còn ghi nhận ổ dịch mới tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hoà) đã ghi nhận 9 ca trong ngày 26-8, đang tiếp tục xử lý.

(Theo Người lao động)

Sau khi thị sát, Thủ tướng chỉ đạo nhiều biện pháp chống dịch tại TP.HCM

Chiều tối 26-8, sau khi đi kiểm tra hàng loạt địa điểm về phòng dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã làm việc trực tuyến với lãnh đạo 312 xã phường và lãnh đạo TP.HCM.

Khắc phục ngay việc dân không biết số điện thoại hỗ trợ

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, thực tiễn kiểm tra và các ý kiến phát biểu tại cuộc họp cho thấy việc tăng cường giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch từ ngày 23-8 đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục rút kinh nghiệm. Thủ tướng dẫn chứng việc người dân vẫn chưa biết số điện thoại liên hệ của cấp xã, phường khi cần hỗ trợ khẩn cấp về an sinh, về y tế... và yêu cầu cần khắc phục ngay điều này, các xã phường phải dán các tờ rơi tại từng khu trọ, từng nhà… để người dân biết các số điện thoại hỗ trợ.

“Nếu tổng đài hỗ trợ 1022 của TP.HCM còn quá tải, còn ách tắc, nghĩa là công việc còn tập trung lên TP” - Thủ tướng nói.

Từ thực tiễn kiểm tra và các ý kiến cũng đều khẳng định các chủ trương, giải pháp đã đề ra là cơ bản đúng hướng, Thủ tướng yêu cầu các xã, phường tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để tiếp tục triển khai công việc, TP tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt theo đúng các nhiệm vụ giải pháp theo các công điện của Thủ tướng.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt phương châm lấy xã phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”.

Cuộc họp này có lãnh đạo toàn bộ 312 xã phường, vì vậy Thủ tướng dành nhiều thời gian để một lần nữa phân tích, làm rõ những điểm căn bản nhất trong Công điện 1099. Ông đề nghị các xã, phường tiếp tục thực hiện nghiêm, thực chất việc giãn cách, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, triệt để khắc phục tình trạng “chặt ngoài lỏng trong”.

Muốn vậy, các xã phường phải làm bằng được một số việc: Bảo đảm cho người dân không thiếu ăn thiếu mặc; đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã phường, thị trấn; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội; kêu gọi, vận động, thuyết phục, đề nghị người dân chia sẻ khó khăn, tích cực, chủ động cộng tác, thực hiện các biện pháp đã đề ra.

“Nếu không quyết tâm làm thì càng kéo dài người dân càng khổ, càng bức bách và càng mất mát. Trong thời gian tăng cường giãn, phải đạt được mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh tại 312 xã, phường. Nếu kiểm soát được dịch bệnh tại 312 xã, phường thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh tại TP” - Thủ tướng nói và cho rằng cả chính quyền và người dân đều không dài sức để “giãn cách tăng cường mãi”.

Đẩy nhanh xét nghiệm, di dời dân để giãn cách

Đối với công tác xét nghiệm, Thủ tướng lưu ý cần phải xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả dưới sự chỉ đạo của TP theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên người cao tuổi, người có bệnh nền…

Cùng với đó, TP.HCM phải kéo giảm tử vong bằng nhiều biện pháp như xét nghiệm thần tốc, phân loại F0, chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả, tăng cường điều trị cấp cứu và bệnh nặng…

“Phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức phát hiện 123 ca F0 qua xét nghiệm những ngày qua, phần lớn đang điều trị tại phường, chỉ có những trường hợp nặng chuyển lên tuyến trên. Thử hình dung 123 người này đều đưa lên tuyến trên, 312 xã phường đều làm vậy thì hệ thống y tế chắc chắn sẽ quá tải” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng lưu ý có thể di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía Bắc, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này.

Thủ tướng yêu cầu lực lượng quân đội, công an, y tế tăng cường nhân lực giúp đỡ các xã phường. TP phải làm việc với các nhà cung cấp, lo các kho dự trữ lương thực, thực phẩm, đồng thời huy động mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội cho việc phòng chống dịch. Tổ chức tiêm vaccine cho nhân dân càng sớm, càng nhanh càng tốt theo tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Cùng với đó, các cấp chính quyền cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên, rà soát các nguồn khác để đề xuất HĐND xem xét, quyết định theo thẩm quyền để ưu tiên kinh phí cho công tác phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội.

Người dân Tp. Buôn Ma Thuột không được đi chợ, siêu thị từ 27/8 - 31/8

Sáng 27/8, UBND Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, hơn 400.000 người dân của thành phố sẽ được xét nghiệm sàng lọc trong thời gian tới để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Trước đó, tối 26/8, UBND Tp. Buôn Ma Thuột đã có văn bản bản về việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Trong đó, trong 5 ngày từ 27/8 - 31/8, toàn bộ người dân trên địa bàn thành phố không được đến chợ, siêu thị, cửa hàng mua lương thực, thực phẩm.

Việc cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu sẽ do chính quyền cơ sở đảm nhận, mang đến từng thôn, buôn, tổ dân phố, liên gia, chi hội và hộ gia đình.

Căng tin trong bệnh viện, cửa hàng cung cấp suất ăn cho bệnh nhân được phép đi chợ mua nhu yếu phẩm nhưng phải có giấy xác nhận của bệnh viện và đảm bảo việc phòng chống dịch.

Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng thiết yếu, chuẩn bị các gói hàng đóng sẵn để người dân lựa chọn. Sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch; khuyến khích mô hình giao hàng trực tuyến. Giao Ban quản lý các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và chủ cửa hàng tạp hóa chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung này.

UBND thành phố cũng yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi được cơ quan chức năng cho phép trong trường hợp thật cần thiết.

Buôn Ma Thuột sẽ xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng để loại bỏ F0.

Buôn Ma Thuột sẽ xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng để loại bỏ F0.

Đối với hoạt động giao thông vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh; xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe ôm tạm dừng hoạt động.

Yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố kể cả lĩnh vực ăn uống, chợ tự phát, buôn bán vỉa hè, kinh doanh hộ gia đình, tạp hóa. Chỉ duy trì hoạt động của siêu thị, chợ, các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu về nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu y tế, xăng dầu, bưu chính, viễn thông, công chứng, ngân hàng, các hoạt động phòng chống dịch và phòng chống thiên tai.

Hoạt động tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp và đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, cơ quan trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

(Theo Người Đưa Tin)

Cháu bé nhiễm COVID-19 từ TP.HCM về Hải Phòng như thế nào?
Gia đình cháu bé đã lên kế hoạch để đưa cháu từ TP.HCM về Hải Phòng, sau đó "qua mặt" cả chốt kiểm dịch.

Dịch COVID-19

HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19