Sau khi phát hiện một cụ bà 104 tuổi mắc COVID-19, lực lượng chức năng TP Vinh, Nghệ An đã tiến hành phong tỏa khẩn cấp tòa nhà chung cư cao 25 tầng, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trên 310 hộ dân.
Phong tỏa chung cư 25 tầng với 800 cư dân khi phát hiện cụ bà 104 tuổi mắc COVID-19
Sáng 27-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An, cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 26-9 đến 6 giờ ngày 27-9), tại Nghệ An ghi nhận 1 ca cộng đồng dương tính SARS-CoV-2.
Cụ thể đó là trường hợp cụ bà H.T.M. (SN 1917), trú khối 15, phường Bến Thủy, TP Vinh. Cụ M. là F1 và là bà cố của bệnh nhân B.V.M. đã được công bố trước đó. Ngày 25-9, cụ M. được cách ly tại nhà và lấy mẫu gộp xét nghiệm cho kết quả nghi ngờ dương tính. Ngày 26-9, cụ M. được lấy lại mẫu đơn gửi CDC, tối ngày 26-9 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Lực lượng chức năng phong tỏa chung cư nơi cụ M. sinh sống. Ảnh: Facebook
Liên quan đến trường hợp cụ M. mắc COVID-19, ngay sau khi có thông tin, ngay trong đêm 26-9, lực lượng chức năng TP Vinh đã phong tỏa chung cư Gia Thịnh Phát, nơi cụ M. sinh sống. Được biết, chung cư này có tổng số 314 hộ đang sinh sống với khoảng 800 nhân khẩu.
"Sau khi phát hiện ca bệnh, chúng tôi đã cho phong tỏa toàn bộ chung cư, cho lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân sống trong khu vực chung cư. Tiến hành truy vết những người có tiếp xúc với bệnh nhân cũng như người nhà để tiến hành cách ly theo quy định"- ông Nguyễn Xuân Huân, Chủ tịch UBND phường Bến Thủy, thông tin.
Như vậy, tính từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 1.823 bệnh nhân mắc COVID-19 ở 21 địa phương: TP Vinh: 653, Yên Thành: 199, Diễn Châu: 194, Quỳnh Lưu: 146, Nam Đàn: 88, Cửa Lò: 83, Nghi Lộc: 68, Hưng Nguyên: 64, Kỳ Sơn: 62, Quế Phong: 52, Đô Lương: 43, Tương Dương: 29, Nghĩa Đàn: 27, Tân Kỳ: 24, Hoàng Mai: 22, Thanh Chương: 17, Con Cuông: 16, Anh Sơn: 15, Quỳ Hợp: 14, Thái Hòa: 6, Quỳ Châu: 1.
Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 1.734 người. Lũy tích số bệnh nhân tử vong: 17 người, số bệnh nhân hiện đang điều trị: 71 người.
(Theo Người Lao Động)
TPHCM: Chỉ chuyển cách ly tập trung nếu F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà
Sở Y tế TPHCM yêu cầu các quận, huyện trên tạo điều kiện cho F0 được cách ly tại nhà; chỉ chuyển cách ly tập trung nếu F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà như nhà đông người và diện tích chật hẹp hoặc có bệnh nền chưa ổn định.
Theo Sở Y tế TPHCM, trong những ngày qua, người dân phản ánh việc phường, xã, thị trấn tại các địa bàn trên đã yêu cầu F0 phải đi cách ly tập trung mặc dù đủ điều kiện và có nguyện vọng cách ly tại nhà. "Việc này không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho F0", trích công văn của Sở Y tế TPHCM.
Sở Y tế TPHCM đề nghị UBND các quận 7, 12, Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện công văn 6881 của Sở Y tế về thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà.
Sở Y tế cũng sẽ kiến nghị Bộ Y tế cho phép TPHCM mở rộng điều kiện cách ly tại nhà để phù hợp với tình hình dịch bệnh và mong muốn của người dân.
Tại TPHCM, mô hình chăm sóc F0 tại nhà đang phát huy hiệu quả. Bằng hình thức chăm sóc trực tuyến và trực tiếp, các bác sĩ không chỉ nắm bắt được diễn biến của người bệnh mà còn hỗ trợ nâng đỡ tinh thần cho các F0.
Những trường hợp trở nặng được ngành y tế địa phương phối hợp chuyển viện kịp thời, đúng tuyến làm tăng thêm khả năng cứu chữa cho bệnh nhân, ngăn chặn hiệu quả tử vong ngoài cộng đồng.
Ngoài ra, các F0 điều trị tại nhà đã được Sở Y tế TPHCM phát 3 túi thuốc A, B và gói thuốc C có thuốc kháng virus Molnupiravir nên việc điều trị F0 tại nhà đã có những tín hiệu tích cực.
(Theo Tiền Phong)
Liên quan đến F1, gần 60 học sinh phải ngủ lại trường
Cụ thể, trường hợp này là ông L.P.T (trú tại thôn Lâm Lang 2, xã Cam Thủy, Cam Lộ).
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Cam Lộ, ông T. khai báo quanh co. Khi lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, trích xuất camera tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) thì phát hiện người này xuất cảnh qua Lào vào ngày 15/6. Tuy nhiên, không tìm được hình ảnh của ngày về.
Sau đó, ông T. được đưa đi điều trị tại khu cách ly điều trị Covid-19 tập trung ở TP. Đông Hà. Hiện 7 người trong gia đình của ông T. cũng đã được đưa đi cách ly tập trung, trong đó có 6 người có kết quả test nhanh dương tính với Covid-19.
Liên quan đến ca dương tính này, có 2 F1 là học sinh của Trường TH&THCS Cam Thủy và Trường mầm non Hoa Sen (xã Cam Thủy). Vì vậy, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Cam Lộ đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho 58 học sinh và 6 giáo viên xuyên trưa ngày 27/9.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, những học sinh và giáo viên này phải ngủ lại trường tối ngày 27/9 để chờ kết quả xét nghiệm.
Thừa Thiên Huế: Lĩnh vực nào được hoạt động có điều kiện từ 0h ngày 28/9?
Tối 27/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND vừa quyết định một số lĩnh vực được hoạt động có điều kiện và tiếp tục tạm dừng hoạt động từ 0h ngày mai (28/9).
Vận tải hành khách nội tỉnh Thừa Thiên Huế được phép hoạt động từ 0h ngày 28/9 động (trừ các khu vực thực hiện Chỉ thị 16 và15 của Thủ tướng Chính phủ) nhưng phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Đáng chú ý, đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán cafe...) được phép hoạt động, thực hiện đồng thời các biện pháp an toàn phòng dịch: giãn cách tối thiểu 2m giữa các bàn, quét mã QR code, phục vụ không quá 50% công suất.
Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên phải đăng ký số lượng và cam kết với chính quyền địa phương cấp xã về thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm thẩm định, xác nhận số lượng khách trong một lần phục vụ của cơ sở kinh doanh bảo đảm các điều kiện nêu trên; thường xuyên kiểm tra, giám sát các điều kiện an toàn phòng, chống dịch.
Đối với tiệc cưới, hỏi, liên hoan, tiệc mừng được tổ chức nhưng phải đảm bảo thực hiện theo quy định phòng chống dịch: giãn cách tối thiểu 2m giữa các bàn, quét mã QR code, phục vụ không quá 50% công suất và chỉ mời khách trong tỉnh. Việc tổ chức đám tang, việc hiếu phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, hạn chế tập trung đông người và vận động người dân tổ chức theo hình thức đơn giản.
“Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống và hộ gia đình khi tổ chức tiệc cưới, tiệc hỏi, liên hoan, tiệc mừng, đám tang, việc hiếu phải đăng ký và cam kết với chính quyền địa phương cấp xã về thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm xác nhận, cho phép tổ chức tiệc cưới, tiệc hỏi, liên hoan, tiệc mừng, đám tang, việc hiếu theo quy định; tiến hành kiểm tra, giám sát các điều kiện an toàn phòng chống dịch”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lưu ý.
Các hoạt động sinh hoạt tôn giáo được phép tổ chức, nhưng không quá 50 người và không quá 50% công suất tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh được phép hoạt động (trừ các khu vực thực hiện Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ) nhưng phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Bộ GTVT.
Hoạt động thể dục, thể thao trong nhà, ngoài trời được hoạt động nhưng phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và quét mã QR code. Riêng các hoạt động thể thao trong nhà không được hoạt động quá 50% công suất. Hoạt động GD&ĐT và dạy nghề được hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định phòng dịch. Các di tích lịch sử, văn hóa; các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh được hoạt động khu vực ngoài trời, không tổ chức tham quan, hoạt động trong nhà; đảm bảo quy định về phòng, chống dịch.
Tiếp tục tạm dừng các hoạt động từ 0h ngày 28/9 gồm: Các hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Các nhà hàng, quán ăn, trạm dừng, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm, điểm rửa xe dọc tuyến QL1 (hầm Hải Vân - cầu vượt Thuỷ Phù tại Km 842 - đường tránh Huế - vòng xuyến vào phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà - địa giới tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị).
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, xông hơi, cơ sở thẩm mỹ/spa, game online, rạp chiếu phim, Pub beer; hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; các giải thi đấu thể thao.
(Theo Báo Giao Thông)
Nghệ An: Người có biểu hiện ho, sốt, khó thở sẽ được xét nghiệm COVID-19 miễn phí
Ngày 27/9, GS,TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID - 19 tỉnh vừa có chỉ đạo về việc tăng cường công tác xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trong tình hình mới.
Theo đó, thời gian vừa qua, với chiến lược khoanh vùng, xét nghiệm rộng, tỉnh Nghệ An đã cơ bản khống chế được tình hình dịch bệnh; cho thấy rõ vai trò quan trọng của công tác xét nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19.
Để tiếp tục duy trì, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các nguy cơ lây lan dịch bệnh, Trung tâm Chỉ huy Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm sàng lọc phát hiện F0.
Cụ thể, đối với khu vực phong tỏa, phải tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ người dân trong khu vực với tần suất 03 lần trong 7 ngày, ưu tiên xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên (có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT - PCR) để bóc tách ngay các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn nguồn lây và điều trị kịp thời. Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Triển khai xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn và đảm bảo không để lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu. Kết quả xét nghiệm RT-PCR yêu cầu trả lời trong thời gian 12 giờ.
Nghệ An tăng cường công tác xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trong tình hình mới.
Tại các địa bàn nguy cơ (vùng vàng) và bình thường mới (vùng xanh) thường xuyên triển khai thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (theo hình thức mẫu gộp bằng test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR) định kỳ, ngẫu nhiên và luân phiên giữa các khu vực khác nhau. Chú trọng các khu vực đã từng xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng, trung tâm thương mại, chợ, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị vận tải...
Tăng cường công tác truyền thông kịp thời, bảo đảm thống nhất chính xác thông tin với nhiều hình thức, đa phương tiện nhằm nâng cao ý thức của người dân; khuyến khích người dân thường xuyên tự đi xét nghiệm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đối với người có biểu hiện bất thường như sốt, ho, khó thở... đến ngay Trạm Y tế xã để khai báo y tế và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trạm Y tế bằng test nhanh kháng nguyên miễn phí và lấy mẫu RT-PCR để gửi các cơ sở xét nghiệm (theo hình thức gộp mẫu) nhằm góp phần phát hiện sớm, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, Trung tâm Chỉ huy Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án, bố trí kinh phí xét nghiệm định kỳ theo hướng dẫn. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo và là đầu mối tổng hợp kết quả tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên địa bàn. Định kỳ 2 tuần/lần gửi báo cáo kết quả về Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh.
Tính đến sáng 27/9, tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 1.823 BN mắc COVID-19 ở 21 địa phương. Lũy tích số BN điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 1.739 BN. Lũy tích số BN tử vong: 17 BN. Số BN hiện đang điều trị: 67 BN.
(Theo Tiền Phong)
Hà Nam phạt 9 người ra ngoài không có giấy đi đường, đưa tin sai sự thật
Ngày 27/9, thông tin từ Công an TP Phủ Lý (Hà Nam) cho biết, Đội CSGT-TT, trong quá trình TTKS trên các tuyến đường để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về việc thực hiện giãn cách xã hội, như: ra đường trong trường hợp không cần thiết, không trình bày được lý do và giấy tờ hợp lệ, không đeo khẩu trang...
Lực lượng CSGT -TT Công an TP Phủ Lý xử lý các trường hợp vi phạm về quy định phòng, chống dịch Covid-19
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt 6 trường hợp ra ngoài không có giấy đi đường vi phạm quy định phòng, chống dịch theo công văn số 1358/UBND-VP, ngày 24/9/2021 về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Phủ Lý với số tiền từ 1 - 3 triệu đồng/trường hợp.
Trên một diễn biến khác, Phòng Cảnh sát hình sự; Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Thanh tra Sở TTTT đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 trường hợp về hành vi thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội Facebook.
Được biết, theo CDC tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 26/9/2021, trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 179 ca bệnh được Bộ Y tế cấp mã ( kể từ ca bệnh BN687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều ngày 19/9/2021).
(Theo Báo Giao Thông)
Quảng Ngãi: Thay đổi biện pháp cách ly từ 14 lên 21 ngày đối với F1
Sáng 27-9, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp để cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Trong tuần qua, Quảng Ngãi ghi nhận 45 ca Covid-19, giảm 107 ca so với tuần trước. Tổng số xét nghiệm được thực hiện trong 7 ngày qua hơn 34.700 mẫu. Tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát.
Theo đánh giá UBND tỉnh, Quảng Ngãi đang ở mức "nguy cơ" do số F0 xác định được nguồn lây nhiễm trong 14 ngày qua vượt tỉ lệ 1/100.000 người. Trên địa bàn tỉnh, có 10/13 địa phương đang ở trạng thái "bình thường mới". Thị xã Đức Phổ và huyện Bình Sơn là địa phương có "nguy cơ". Riêng TP Quảng Ngãi là địa phương "nguy cơ cao" với nhiều xã, phường xuất hiện ca bệnh trong 14 ngày qua.
Quảng Ngãi sẽ cách ly 21 ngày đối với trường hợp F1 và sẽ không cách ly tập trung đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin về từ vùng dịch. Ảnh: T.Trực
Đến nay, Quảng Ngãi đã nhận được 262.164 liều vắc xin phòng Covid-19 và hoàn thành tiêm mũi 1 cho hơn 151.500 người, mũi 2 cho hơn 83.300 người. Trong đó, đã có hơn 90% giáo viên và hơn 80% công nhân trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo quy định.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng Quảng Ngãi đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Có được kết quả này là nhờ vào sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua.
Theo ông Minh, trong thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và theo tình hình diễn biến dịch. Đó là sống chung an toàn với dịch Covid-19, khống chế dịch ở mức độ ít nhất để bắt đầu mở cửa, phục hồi kinh doanh, sản xuất. Khi phát hiện ca bệnh, tỉnh sẽ khoanh vùng rộng nhưng phong tỏa hẹp, tập trung xét nghiệm để bóc tách F0 và tiến hành cách ly, điều trị một cách hiệu quả. Thay đổi biện pháp giãn cách xã hội, điều chỉnh theo hướng mở cửa nhưng phải có lộ trình phù hợp, tránh tâm lý chủ quan của người dân… UBND tỉnh thống nhất cách ly y tế tập trung đủ 21 ngày đối với các F1 liên quan tới các ca Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có quyết định cho phép cách ly tại nhà 14 ngày thay vì phải cách ly tập trung đối với người về từ vùng dịch đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin (trong đó mũi thứ 2 đã được tiêm ít nhất 14 ngày). Ngoài ra, trường hợp người khỏi bệnh Covid-19 có giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương, và có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc giấy ra viện cũng không phải cách ly tập trung.
(Theo Người Lao Động)
Trong 2 ngày, Hà Nam ghi nhận 115 trường hợp mắc COVID-19
Ngày 27-9, tin từ Trung tâm Kiểm soát (CDC) tỉnh Hà Nam cho biết trong ngày 26-9, địa phương này ghi nhận thêm 49 ca mắc COVID-19. Trong đó, riêng TP Phủ Lý có 45 ca mắc, 4 ca còn lại ở các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm và Bình Lục.
CDC tỉnh Hà Nam thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch bệnh.
Trước đó, ngày 25-9, Hà Nam ghi nhận có 66 ca mắc. Tính từ ngày 19-9 đến nay, tỉnh này đã ghi nhận gần 179 ca bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Hà Nam đã đưa bệnh viện dã chiến COVID-19 số 1 vào hoạt động với quy mô 300 giường, bệnh viện hoạt động theo mô hình điều trị tháp 3 tầng theo quy định của Bộ Y tế.
Bệnh viện có chức năng thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Hiện bệnh nhân đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân vào điều trị từ ngày 26-9.
Theo CDC tỉnh Hà Nam, song song với việc chống dịch, tỉnh Hà Nam cũng đang huy động lực lượng tiêm vắc-xin cho người dân, trong đó tập trung ở TP Phủ Lý. Đến trưa ngày 26-9, trên địa bàn TP, số người đã được tiêm vắc-xin mũi 1 là 35.066 người, tiêm đủ 2 mũi là 5.458 người.
(Theo Người Lao Động)
NÓNG: UBND TP HCM đề nghị địa phương góp ý khẩn cho việc "mở cửa"
UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức góp ý dự thảo Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế- xã hội TP từ 0 giờ ngày 1-10, UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Chủ tịch UBND TP HCM về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch và phục hồi kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố.
Đường phố TP HCM vắng vẻ trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.
Theo dự thảo Chỉ thị này, từ 0 giờ ngày 1-10, TP HCM sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo Hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19" của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Dự thảo này có 2 mục tiêu chính là kiểm soát dịch Covid-19, khống chế số ca mắc và tử vong do Covid-19 đến mức thấp nhất để người dân sớm quay lại với cuộc sống trong bối cảnh bình thường mới; từng bước khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội.
Người dân được yêu cầu thực hiện 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người với người tại nơi công cộng và cả trong không gian làm việc.
Hai nhóm đủ điều kiện lưu thông gồm:
- F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày
- Đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với vắc-xin yêu cầu tiêm 2 mũi và sau 14 ngày).
Người dân quét mã QR hoặc xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông khi được cơ quan chức năng yêu cầu kiểm soát hoặc tại các địa điểm đến (cơ quan, công sở, cơ sở khám chữa bệnh, quán ăn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, phương tiện công cộng, công ty, nhà máy...).
Người dân tự lấy mẫu xét nghiệm bằng test kháng nguyên nhanh khi có yêu cầu của cơ quan y tế hoặc khi có triệu chứng (ho, sốt, khó thở...).
Khi người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở,...) hoặc cần cấp cứu y tế, liên hệ ngay với số điện thoại đường dây nóng của Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương hoặc tổng đài cấp cứu 115.
Trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ ngay các Tổ An sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban MTTQ TP HCM.
Nhiều hoạt động được mở cửa trở lại
Theo dự thảo Chỉ thị, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được tổ chức hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo,...) tập trung tối đa 10 người; trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, được tập trung tối đa 50 người trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp có Thẻ Xanh Covid-19 được tham gia các hoạt động với điều kiện đảm bảo chấp hành toàn bộ quy định an toàn phòng, chống dịch của ngành y tế và các Bộ Tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên các lĩnh vực.
Cụ thể, 7 nhóm được hoạt động gồm:
- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung và trên địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức
- Hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y.
- Công trình giao thông, xây dựng.
- Hoạt động kinh doanh thương mại: 11 nhóm hoạt động.
- Các địa điểm hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa nghệ thuật:
+ Sự kiện, thi đấu thể dục, thể thao tổ chức quy mô tối đa 30% công suất và điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức...
+ Hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động tối đa 10 người. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, được hoạt động tối đa 50 người.
- Tổ chức đám cưới tối đa 50 người tham dự cùng một thời điểm và có sự giám sát của nhân viên y tế địa phương.
- Tổ chức đám tang tối đa 20 người tham dự cùng một thời điểm và có sự giám sát của nhân viên y tế địa phương.
Với hoạt động giáo dục, TP HCM tiếp tục dạy học trực tuyến. Các loại hình đào tạo cho nhóm 18 tuổi trở lên, đã được tiêm đủ liều vắc-xin, có thể dạy- học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.
Các hoạt động tiếp tục tạm dừng gồm:
- Hoạt động kinh doanh có khả năng lây nhiễm cao gồm: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.
- Các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động.
- Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
- Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.
- Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác trừ các trường hợp được cho phép hoạt động.
Với hoạt động giao thông vận tải, kiểm soát lưu thông: TP HCM tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát ra/vào thành phố và 39 chốt tại địa bàn các cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh.
Các chốt kiểm soát tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. TP HCM bố trí các chốt kiểm soát lưu động và tăng cường kiểm soát lưu động tại các điểm giao thông mật độ cao.
Hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường sắt đường thủy tối đa 50% công suất. Lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được hoạt động, phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch và phải được cấp mã QR đi vào luồng xanh.
Người cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe máy, có sử dụng công nghệ (shipper), đã đăng ký với Sở Giao thông Vận tải hoặc Sở Công Thương và người vận chuyển hàng hóa bằng xe máy của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức: nhóm này được hoạt động với điều kiện tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc được xét nghiệm định kỳ.
Bên cạnh đó, TP HCM phối hợp với các địa phương tổ chức việc đi lại cho các đối tượng ưu tiên gồm công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh...
TP HCM cũng kiến nghị mở một số đường bay quốc tế và trong nước đến, đi từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
(Theo Người Lao Động)
Những ai được phép trở lại TP.HCM từ 1/10?
TP.HCM đã xây dựng bộ tiêu chí và kế hoạch mở cửa trở lại từng ngành nghề để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đi lại của người dân.
Trong đó, lĩnh vực vận tải cũng có lộ trình mở cửa, ưu tiên những đối tượng cấp thiết trước.
Ưu tiên người đến khám chữa bệnh
Trong kế hoạch từng bước mở cửa lại lĩnh vực vận tải, Sở GTVT TP.HCM đặc biệt ưu tiên cho những đối tượng có nhu cầu thường xuyên lưu thông giữa các tỉnh và TP.HCM một cách cấp thiết.
Cụ thể là những người đi khám chữa bệnh. Số lượng này dự kiến đến hàng ngàn người mỗi ngày.
Thời gian qua, khi các bệnh viện ở TP.HCM tập trung cho công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19, đồng thời phương tiện giao thông liên tỉnh cũng ngừng hoạt động khiến nhiều bệnh nhân ở các tỉnh không thể đến điều trị, khám bệnh định kỳ.
Chị Nguyễn Thị Bê (Long An) cho biết bị hen suyễn nên mỗi tháng phải đi khám một lần để bác sĩ theo dõi, kê thuốc. Từ khi bùng phát dịch đến nay không thể khám thường xuyên được mà chỉ gọi điện thoại để bác sĩ tư vấn.
Vì vậy khi nghe tin thành phố sắp mở cửa cho hoạt động giao thông trở lại, chị rất mừng. “Quê tôi giờ đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 nhưng tại TP.HCM vẫn theo Chỉ thị 16 nên chưa có phương tiện đi lại giữa hai địa phương”, chị Bê nói.
Vừa qua, Sở GTVT TP.HCM đã xây dựng một kế hoạch riêng cho nhóm đối tượng có nhu cầu đi lại thường xuyên giữa TP.HCM và các tỉnh trong điều kiện có giãn cách xã hội.
Thời gian qua Công ty Phương Trang đã phối hợp rất tốt trong việc đưa người dân từ TP.HCM về quê, sắp tới tiếp tục đưa công nhân từ các tỉnh trở lại TP.HCM.
Cụ thể, người dân từ các tỉnh vào TP.HCM để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu).
Đồng thời khi đi khám bệnh phải có giấy chuyển viện (của các bệnh viện) từ các tỉnh, thành phố đến bệnh viện tại TP.HCM, giấy hẹn tái khám của các bệnh viện tại TP.HCM; Hoặc người đi khám bệnh phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) về cho phép di chuyển đến TP.HCM, giấy này phải có thể hiện đầy đủ thông tin về: người đi khám bệnh, người điều khiển phương tiện và phương tiện.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, việc lưu thông của người dân từ các tỉnh đến TP.HCM để khám chữa bệnh trong giai đoạn hiện nay nếu có các giấy tờ phù hợp theo quy định sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất khi qua các chốt kiểm soát.
“Tuy vậy, hiện TP.HCM đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, khi người dân đến thành phố khám bệnh, nếu quay trở về lại địa phương đã áp dụng Chỉ thị 15 có thể phải áp dụng các biện pháp cách ly y tế theo quy định nên người dân cần cân nhắc”, ông Hà nói.
Tổ chức đón công nhân trở lại làm việc
Sở GTVT TP cũng cho biết, đối với hoạt động vận tải hàng hoá quá cảnh qua TP.HCM, chẳng hạn vận chuyển hàng từ Long An đến Đồng Nai phải đi qua nhiều tuyến đường ở TP.HCM, phương tiện phải có mã QR.
Đồng thời trong quá trình lưu thông không được dừng, đỗ phương tiện, trừ trường hợp bất khả kháng như: Phương tiện bị hư hỏng, sự cố kỹ thuật, về sức khỏe của người trên phương tiện...
Liên quan việc vận chuyển hàng hoá, hành khách trong phạm vi TP.HCM, Sở GTVT đã xây dựng một bộ tiêu chí riêng về an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện có dịch.
Trong đó, đơn vị này sẽ giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ việc tổ chức xét nghiệm cho tài xế, nhân viên, đến quản lý an toàn trong quá trình hoạt động.
Việc giao quyền tự quản cho doanh nghiệp sẽ rất thuận tiện trong quá trình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy vậy, theo ông N.V.B, chủ một doanh nghiệp vận tải hành khách, việc này cần giám sát chặt và có chế tài xử lý nghiêm, bởi ý thức tự quản của nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự cao.
“Một số người còn lợi dụng xe luồng xanh để chở người qua các chốt kiểm soát rất nguy hiểm”, ông B nói.
Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, sẽ tổ chức các đoàn để hậu kiểm, những doanh nghiệp nào không chấp hành sẽ bị xử lý theo các quy định phòng, chống dịch của thành phố.
Cùng với đó, Sở GTVT cũng xây dựng kế hoạch đón công nhân, người lao động từ các địa phương trở lại TP.HCM làm việc từ sau ngày 1/10.
Trong đó, giai đoạn đầu trong tháng 10, các đơn vị, doanh nghiệp phải tổ chức phương tiện,
Sở sẽ cấp giấy có nhận diện mã QR và thông báo đến các tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức.
Xe sẽ trả khách tại bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, sau đó người lao động từ bến xe về nơi cư trú bằng xe taxi đã được Sở GTVT cấp phép hoặc xe trung chuyển đã được doanh nghiệp đăng ký.
Giai đoạn thứ 2 dự kiến trong tháng 11, các Ban quản lý Khu chế xuất, Ban quản lý Khu công nghệ cao... làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị mà mình quản lý để phối hợp với Công ty CP Xe khách Phương Trang xây dựng kế hoạch vận chuyển.
Sau thời gian này, Sở GTVT sẽ tổ chức tuyến xe khách cố định đi từ bến xe khách ở các địa phương đến TP.HCM. Tần suất hoạt động của xe khách chỉ tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến.
Người dân ở Đà Nẵng về Quảng Nam phải tuân thủ những gì?
Sáng 27/9, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi UBND TP. Đà Nẵng có văn bản về việc công dân từ khu vực không có dịch tại Đà Nẵng đến/trở về các tỉnh/ thành phố, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản quy định những đối tượng công dân được trở về quê.
Quảng Nam tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trở về quê từ Đà Nẵng.
Cụ thể, đối với người từ Đà Nẵng đến/về Quảng Nam đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19 có giấy xác nhận hoặc giấy ra viện phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày.
Còn đối với người từ Đà Nẵng đến/về Quảng Nam là học sinh, sinh viên đang ở Đà Nẵng trở về Quảng Nam nhập học; người già trên 60 tuổi; phụ nữ có thai trên 32 tuần; người Quảng Nam đi điều trị bệnh tại Đà Nẵng đã khỏi bệnh, có giấy ra viện không thuộc trường hợp nêu trên và những trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 nhưng liều cuối cùng được tiêm chưa đủ 14 ngày tính đến thời điểm đến/về Quảng Nam, phải:
Cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày; tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo (lấy mẫu xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 7 trong thời gian cách ly tại nhà/nơi lưu trú và tự chi trả chi phí xét nghiệm này).
Để đảm bảo kết quả phòng chống dịch Covid-19, UBND Quảng Nam yêu cầu đối với người về Quảng Nam phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính do cơ quan có thẩm quyền cấp trong vòng 72 giờ; có giấy xác nhận đang lưu trú tại khu vực vùng xanh (không có ca bệnh cộng đồng trong vòng 14 ngày) của UBND xã, phường có liên quan cấp; cam kết tuân thủ nghiêm các quy định cách ly tại nhà/nơi lưu trú và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
"Đối với tất cả các trường hợp còn lại, sau khi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chính thức ban hành quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; UBND tỉnh sẽ áp dụng phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Quảng Nam", UBND tỉnh Quảng Nam thông tin.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND Đà Nẵng tạo điều kiện cho người dân Quảng Nam ở khu vực vùng xanh (không có ca bệnh cộng đồng trong vòng 14 ngày) được ra Đà Nẵng thuận lợi.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng có chỉ đạo yêu cầu chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng, chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trở về quê.
Tính đến sáng ngày hôm nay, Quảng Nam trải qua 4 ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 ở cộng đồng. Tình hình dịch COVID-19 ở Quảng Nam cơ bản chuyển biến tích cực.
(Theo Báo Giao Thông)
Công nhận “Hộ chiếu vaccine” giữa Việt Nam với các quốc gia là đặc biệt cần thiết
Ngày 25/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 6891/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công nhận "Hộ chiếu vaccine".
Theo đó, trên thế giới hiện có nhiều quốc gia áp dụng "Hộ chiếu vaccine" để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Việc công nhận "Hộ chiếu vaccine" lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về "Hộ chiếu vaccine".
(Theo Phụ nữ Việt Nam)
Điều gì khiến số ca nhiễm Covid-19 giảm đáng kể ở Tokyo?
Theo Japan Times, kể từ đợt đỉnh lây nhiễm Covid-19 ở Tokyo vào tháng trước, nhiều người chưa tiêm chủng đã tránh tới những nơi dễ lây nhiễm virus như quán bar và quán rượu, một nghiên cứu mới cho biết.
Viện Khoa học Y tế Tokyo đã phân tích dữ liệu GPS để theo dõi xu hướng di chuyển của người dân tại 7 khu vực giải trí lớn của thành phố, bao gồm khu đèn đỏ Kabukicho, khu mua sắm nổi tiếng trên Phố Shibuya và Roppongi.
Kết quả phân tích cho thấy, số người đến các địa điểm tập trung đông người, dễ lây nhiễm Covid-19 này đã giảm đáng kể, ngay cả trong dịp nghỉ lễ, Atsushi Nishida, giám đốc viện nghiên cứu, nói.
Theo Atsushi, đại đa số người dân Tokyo, bao gồm cả người trẻ, cũng tránh đi ăn theo nhóm, khi số ca nhiễm mới ở thành phố đã giảm liên tiếp trong vài tuần qua.
“Sự hợp tác của người dân là nguyên nhân đứng sau số ca nhiễm giảm mạnh”, Atsushi nói.
Số ca nhiễm Covid-19 trong ngày ở Tokyo đã giảm xuống còn 235, mức thấp nhất trong 3 tháng qua, so với mức đỉnh là hơn 5.700 ca vào ngày 13.8.
Số ca nhiễm mới ở Tokyo đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng.
Ước tính khoảng 1 triệu người dân Tokyo đã dành thời gian tới các khu vui chơi giải trí từ 6 giờ tối cho đến nửa đêm, trong tuần tính đến ngày 18.9, giảm 23,1% so với tuần trước đó. Tokyo đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19 từ ngày 12.7. Mức độ suy giảm số người đến khu vui chơi giải trí từ trưa đến 6 giờ chiều là 16%.
Hệ số lây nhiễm Covid-19 cũng giảm còn 0,66, nghĩa là cứ một ca nhiễm mới thì có chưa tới 1 ca nhiễm khác liên quan, giảm mạnh so với mức 1,7 vào tháng 7.
Atsushi cũng cho biết, nhóm người chưa tiêm chủng đóng vai trò quan trọng, khi họ tránh ra ngoài tụ tập đông người tại các địa điểm giải trí kể từ kì nghỉ lễ Obon vào giữa tháng 8, góp phần vào sự sụt giảm đáng kể số ca nhiễm.
Nghiên cứu của Atsushi và các cộng sự cũng củng cố kết luận của các nhà khoa học Mỹ, rằng chỉ một số địa điểm tập trung đông người chiếm đa số ca nhiễm Covid-19 và tầm quan trọng của việc tránh đến các địa điểm này.
Trong nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Stanford, 10% khu vực công cộng ở thành phố Chicago như nhà hàng, quán bar, khách sạn, chiếm tới 85% số ca nhiễm.
(Theo Dân Việt)
Thái Lan dỡ bỏ quy định cách ly với du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi đến Bangkok
Ngày 27/9, Thái Lan cho biết, kể từ ngày 1/11, sẽ bỏ yêu cầu cách ly bắt buộc đối với du khách đã tiêm vaccine phòng COVID-19 tại thủ đô Bangkok và 9 khu vực khác, trong bối cảnh quốc gia này đang đẩy mạnh tiêm chủng và hồi sinh ngành du lịch bị dịch làm ảnh hưởng nặng nề.
Ngoài những địa phương nói trên, nhà chức trách Thái Lan cũng giảm thời gian cách ly bắt buộc trên toàn quốc cho du khách đến nước này từ 1/10. Cụ thể, thời gian cách ly với người đã tiêm đủ liều vaccine là 7 ngày, người chưa tiêm đủ liều là 10 ngày.
Tại những địa phương thuộc vùng "đỏ đậm"-tức có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất, các biện pháp hạn chế được nới lỏng để tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế mở cửa trở lại như spa, thư viện, rạp phim, cơ sở thể thao trong nhà.
Tuy nhiên, theo báo Bangkok Post, các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vẫn được duy trì tại các tỉnh trong danh sách "các vùng đỏ đậm" - bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nhất tại Thái Lan. Giới chức Thái Lan sẽ xem xét tình hình dịch bệnh tại các khu vực này mỗi 14 ngày để có điều chỉnh phù hợp.
Thái Lan nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong khi cố tăng tỉ lệ tiêm chủng lên, sau những khó khăn ban đầu do thiếu hụt nguồn cung vaccine phòng COVID-19. Cho tới nay, Thái Lan chỉ mới tiêm chủng cho chưa đầy 1/3 dân số.
Thái Lan đã vượt qua năm 2020 tương đối không bị tổn thương bởi dịch COVID-19 khi ghi nhận số lượng ca nhiễm thấp, nhưng kể từ tháng 4 năm nay, biến thể Delta đã khiến các trường hợp nhiễm bệnh tăng lên hơn 1,3 triệu người, với gần 14.000 trường hợp tử vong.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết gần 60 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 dự kiến sẽ được sử dụng vào cuối tháng 10, với số lượng trung bình 700.000-800.000 mũi được tiêm mỗi ngày.
Ông Anutin tin rằng nếu chiến dịch tiêm chủng của đất nước diễn ra đúng kế hoạch, virus gây bệnh sẽ trở nên ít nghiêm trọng hơn đối với phần lớn dân số và cuối cùng sẽ trở thành một bệnh đặc hữu có thể kiểm soát được giống như bệnh cúm thông thường.
(Theo Người Lao Động)