COVID-19 24/9: Một địa phương hỏa tốc đưa 500 học sinh, cả bé mầm non đi cách ly tập trung

HÀ ANH - Ngày 24/09/2021 12:11 PM (GMT+7)

Các F1 đi cách ly tập trung có trên 500 người là học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố Phủ Lý (Hà Nam).

Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Phủ Lý (Hà Nam) đã quyết định chọn 8 cơ sở giáo dục trên địa bàn làm nơi cách ly tập trung cho gần 650 người dân thuộc diện F1, gồm: trường mầm non Hoa Sen (116 người), trường mầm non Hai Bà Trưng (74 người), trường mầm non Trần Hưng Đạo (130 người), trường mầm non Lam Hạ (43 người), trường mầm non Lương Khánh Thiện (66 người), trường mầm non Liêm Chính (90 người), trường mầm non Lê Hồng Phong (120 người).

Lực lượng chức năng chốt chặn tại khu vực phong toả.

Lực lượng chức năng chốt chặn tại khu vực phong toả.

Trong số các F1 đi cách ly tập trung có trên 500 người là học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Các trường được chọn làm điểm cách ly tập trung đã sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ các phòng học, phòng bộ môn để chuẩn bị đón công dân. Mỗi điểm trường (khu cách ly) cử từ 3 đến 5 giáo viên không liên quan đến các ca COVID-19 phối hợp với các nhân viên y tế và quân đội tham gia công tác hậu cần.

Phía thành phố Phủ Lý đã giao ngành giáo dục tổ chức việc nuôi ăn tại các khu cách ly, tổng số giáo viên, nhân viên các trường học tham gia công tác hậu cần là 34 người. Đúng 22h tối 23/9, các khu cách ly sẽ đón tiếp công dân vào cách ly tập trung.

Tính đến 18h chiều 23/9, Hà Nam đã ghi nhận 56 trường hợp F0, 973 trường hợp F1, khoảng 3.400 trường hợp F2. Từ 18h ngày 23/9, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian áp dụng là 14 ngày.

(Theo Dân Việt)

Từ 1/10: Vào TP.HCM làm việc cần điều kiện gì? Người dân đi lại thế nào?

Ngày 24/9, Sở GTVT TP.HCM đã gửi văn bản tới các sở ngành liên quan lấy ý kiến góp ý cho dự thảo phương án tổ chức giao thông từ ngày 1/10.

Trong dự thảo cũng đưa ra phương án đi lại của người dân trong TP.HCM và các tỉnh vào TP.HCM.

Tất cả người ra vào TP.HCM đều phải xét nghiệm âm tính

Tất cả người ra vào TP.HCM đều phải xét nghiệm âm tính

Theo đó, nhằm tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc để khôi phục hoạt động kinh tế, các sở ngành sẽ xây dựng phương án vận chuyển cho từng nhóm đối tượng lao động, bao gồm người lao động làm việc tại các doanh nghiệp TP.HCM, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn TP, công nhân, chuyên gia...

Để trở lại, người lao động phải đáp ứng các điều kiện như được xác nhận bởi doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, đã được tiêm vắc xin mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 có xác nhận của cơ quan y tế.

Trước khi vào TP.HCM tất cả người lao đông đều phải có giấy xét nghiệm âm tính.

Tương tự như vậy, dự thảo cũng nêu rõ quy định đối với đối tượng thường xuyên đi lại giữa TP.HCM như chuyên gia, xe đưa rước công nhân, và các tỉnh phải có tối thiểu 1 mũi vaccine, có xét nghiệm âm tính.

TP.HCM sẽ tạo điều kiện hết sức cho xe chở hàng hóa (có mã QR) đi lại.

Đối với hoạt động vận tải khách: xe buýt, xe taxi, xe xe công nghệ, xe hợp đồng và xe du lịch phục vụ hoạt động du lịch được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên hoạt động với số lượng, tần suất hoạt động phù hợp với thực tế theo công bố của Sở Giao thông vận tải và được kiểm soát thông qua mã QR.

Như vậy trong dự thảo này, chỉ duy nhất xe khách chưa có phương án được hoạt động trở lại.

Hoạt động đi lại được chia thành 3 khu vực

Việc đi lại của người dân trong TP.HCM sẽ được quy định cụ thể cho ba khu vực: phong tỏa, nguy cơ và bình thường mới.

Đối với khu phong tỏa: chỉ cho phép các loại xe sau được hoạt động: xe công vụ, xe chống dịch, xe chở hàng hóa (lương thực; thực phẩm, gas; dược phẩm, thiết bị y tế, thiết bị hỗ trợ ngành y tế; điện, nước; xe xử lý sự cố hệ thống hạ tầng đô thị; xe tang lễ; xe vận chuyển (có giấy phép), nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, người kết thúc thời gian cách ly, người bệnh Covid-19, người xuất viện về nơi cư trú.

Trường hợp khu vực phong tỏa có những tuyến đường liên quận lưu thông cắt ngang, bắt buộc có lộ trình cho tất cả các loại xe quá cảnh đi ngang qua và không được dừng đỗ xe trên đoạn đường qua khu phong tỏa.

Đối với khu vực nguy cơ: ngoài các xe được phép hoạt động tại khu vực phong tỏa, bổ sung thêm: shipper, xe chở hàng hóa, dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán; bưu chính; viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa; khám chữa bệnh.

Xe chở thiết bị, vật liệu phục vụ xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật được phép thi công; dịch vụ bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư…; xe taxi được cấp phép hoạt động (có mã QR).

Xe đưa người dân TP về quê và xe đón người dân trở lại TP theo kế hoạch; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia được cấp phép hoạt động. Trường hợp khu vực nguy cơ có những tuyến đường liên quận cắt ngang, bắt buộc có lộ trình cho tất cả các loại xe quá cảnh đi qua.

Khu vực bình thường mới: Ngoài các loại xe được phép đi lại tại khu vực nguy cơ, bổ sung thêm xe buýt và xe khách hợp đồng; bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến du lịch đường thủy.

Đối với xe khách hợp đồng sẽ được cấp phép hoạt động (có mã QR) để kiểm soát số lượng. Đối với xe buýt sẽ được hoạt động trên từng tuyến cụ thể qua các thông báo của Sở Giao thông vận tải TP.

Về hoạt động hàng hóa, đối với khu vực nguy cơ, bình thường mới: xe tải nhẹ chở hàng hóa được phép hoạt động 24/24h cho đến khi có thông báo mới.

TP HCM: Từ 1-10, đề xuất cho xe buýt, taxi, ôtô công nghệ hoạt động lại

Ngày 24-9, Sở GTVT TP HCM có công văn khẩn gửi đến các Sở, ngành và đơn vị liên quan ở TP HCM lấy ý kiến về dự thảo phương án tổ chức giao thông trong tình hình mới.

Theo đó, việc tổ chức giao thông được chia theo 3 khu vực gồm phong tỏa, nguy cơ và bình thường mới.

- Đối với khu vực phong tỏa, các loại phương tiện gồm xe công vụ, xe chống dịch, xe chở hàng hóa (lương thực, thực phẩm, gas, dược phẩm, thiết bị y tế, thiết bị hỗ trợ ngành y tế, điện, nước), xe xử lý sự cố hệ thống hạ tầng đô thị, xe tang lễ được phép hoạt động.

Ngoài ra, xe chở nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, người kết thúc thời gian cách ly, người bệnh Covid-19, người xuất viện về nơi cư trú cũng được phép hoạt động tại khu vực này.

Xe buýt sắp được hoạt động lại từ 1-10

Xe buýt sắp được hoạt động lại từ 1-10

Đối với khu vực nguy cơ, ngoài các loại xe được phép lưu thông tại khu vực phong tỏa, các loại phương tiện khác được di chuyển gồm môtô công nghệ giao nhận hàng hóa (shipper); xe vận chuyển hàng hoá, dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp; xe chở thiết bị, vật liệu phục vụ xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật được phép thi công; taxi được Sở GTVT cấp phép hoạt động (có mã QR); xe đưa người dân TP HCM về quê và xe đón người dân từ quê trở lại TP HCM theo kế hoạch; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia được Sở GTVT cấp phép hoạt động (có mã QR).

Đối với khu vực bình thường mới: Ngoài các loại xe được phép lưu thông tại khu vực nguy cơ, bổ sung thêm xe buýt và xe khách hợp đồng; bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến du lịch đường thủy. Đối với xe khách hợp đồng sẽ được Sở GTVT cấp phép hoạt động có mã QR để kiểm soát số lượng. Riêng xe buýt chỉ được hoạt động trên từng tuyến cụ thể.

Đối với hoạt động vận tải hàng hóa, tại khu vực nguy cơ, khu vực bình thường mới cho phép xe tải nhẹ (có khối lượng chuyên chở đến 2.500 kg) chở hàng hóa được phép hoạt động 24/24 giờ. Các xe tải nặng (có khối lượng chuyên chở trên 2.500 kg, máy kéo, xe máy chuyên dùng, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô) hoạt động tuân thủ theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND của UBND TPHCM.

Đối với hoạt động vận tải hành khách, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ (sử dụng hợp đồng điện tử), xe hợp đồng và xe du lịch phục vụ hoạt động du lịch được phép hoạt động với số lượng, tần suất hoạt động phù hợp với thực tế.

Xe vận chuyển công nhân, chuyên gia vẫn được Sở GTVT cấp giấy nhận diện có mã QR.

Trường hợp người dân các tỉnh được đến TP HCM khám chữa bệnh cần phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu và bảo đảm 1 trong các điều kiện sau: 

Có giấy chuyển viện của các bệnh viện từ các tỉnh, TP đến bệnh viện TP HCM hoặc giấy hẹn tái khám của bệnh viện tại TP HCM; có xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) về cho phép di chuyển đến TP HCM để khám chữa bệnh.

Cũng tại dự thảo này, TP HCM sẽ tiếp tục duy trì hoạt động chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra vào thành phố gồm 12 chốt chính và 49 chốt phụ. Các chốt này kiểm tra mục đích vận chuyển hàng hóa đối với xe tải chở hàng, kiểm tra giấy nhận diện có mã QR của xe vận chuyển công nhân, chuyên gia, xe khách hợp đồng phục vụ du lịch, xe taxi….

(Theo Người Lao Động)

Hà Nội khẩn tìm người đến cửa hàng bánh liên quan ca tử vong nhiễm COVID-19 chưa rõ nguồn lây

UBND phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng đề nghị người đã đến địa điểm và trong thời gian trên tự cách ly tại nhà, thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc trên ứng dụng Ncovi, Bluezone và liên hệ ngay với Trạm y tế gần nhất hoặc Trung tâm y tế Quận Hai Bà Trưng (0243.9713337) hoặc CDC Hà Nội (0969.082.115/0949.396.115) để được hướng dẫn và tư vấn.

Lực lượng chức năng đang tập trung truy vết, lập danh sách người tiếp xúc gần với ca dương tính chưa rõ nguồn lây ở phố Trần Nhân Tông.

Lực lượng chức năng đang tập trung truy vết, lập danh sách người tiếp xúc gần với ca dương tính chưa rõ nguồn lây ở phố Trần Nhân Tông.

Trước đó, như Giadinh.net.vn đã đưa tin, trưa nay Sở Y tế Hà Nội công bố 4 ca mắc COVID-19 mới trong đó có 1 ca tại cộng đồng là anh L.T.T, 48 tuổi ở 21 Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng. Anh được lấy mẫu ngày 23/9, xét nghiệm dương tính.

Báo cáo của UBND quận Hai Bà Trưng cho thấy người đàn ông 48 tuổi đã tử vong đêm qua, hiện chưa xác định được nguồn lây virus cho trường hợp này. Sau khi phát hiện ca tử vong này, cơ quan chuyên môn tiến hành xét nghiệm COVID-19 phát hiện dương tính.

Bà Phan Thị Thanh Hiền - Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du - cho biết hiện lực lượng chức năng đang tập trung truy vết, lập danh sách người tiếp xúc gần với trường hợp này.

Phường đã yêu cầu từ số nhà 11 đến số nhà 21 Trần Nhân Tông và số nhà 41 A Triệu Việt Vương đóng cửa các cơ sở kinh doanh; không ra khỏi nhà kể từ 11h30 ngày 24/9 đến khi có thông báo mới.

Phường cũng cung cấp số điện thoại đầu mối để người dân liên hệ khi có nhu cầu mua các nhu yếu phẩm cần thiết. BCĐ phòng chống dịch của phường sẽ phân công lực lượng hỗ trợ vận chuyển đến tận nơi.

(Theo Gia Đình & Xã Hội)

Đà Nẵng sẽ điều chỉnh quy định để người ra/vào thành phố dễ dàng hơn

Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, công bố chiến lược phòng chống dịch Covid-19 và kế hoạch khôi phục kinh tế giai đoạn tới của UBND TP.Đà Nẵng diễn ra ngày 24/9, nhiều doanh nghiệp mong muốn Đà Nẵng sớm ban hành kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế, tạo điều kiện để người lao động được ra, vào thành phố.

Doanh nghiệp mong nới lỏng việc đi lại

Theo ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam- Đà Nẵng, mô hình “3 tại chỗ” cũng như các biện pháp hạn chế đi lại như hiện nay gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đơn vị thực hiện "3 tại chỗ" với gần 1.000 nhân viên tại 6 nhà máy để hỗ trợ các hoạt động sản xuất. Dù đã đáp ứng rất nhiều điều kiện cho người lao động nhưng việc sống xa nhà nhiều tháng qua đã ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, tâm lý của người lao động.

“Chi phí cho việc 3 tại chỗ rất cao, dự báo nếu tiếp tục đến cuối năm, công ty sẽ phải chi ra 100 tỷ đồng", ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, trong tình hình mới, công ty bắt đầu nhận thấy một số cơ hội và dấu hiệu phục hồi nhưng không thể làm được do việc hạn chế đi lại.

“Chuỗi công việc tại nhà máy bia ngoài kỹ sư làm việc trực tiếp thì có một công đoạn về vệ sinh và phải thuê công ty bên ngoài. Công ty này nằm ngoài khu công nghiệp, và suốt tuần nay không thể xin giấy đi đường. Bộ phận này không vào làm việc được thì toàn bộ công đoạn tại nhà máy sẽ bị ách tắc”, ông Phúc cho hay.

Mong “mở cửa” ra/vào thành phố, thông thương hàng hóa

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho biết, các doanh nghiệp taxi chưa kịp phục hồi sau dịch năm 2020 thì đợt dịch 2021 ập đến, giáng thêm đòn chí mạng vào ngành dịch vụ vốn đã khó khăn, đang đứng trên bờ phá sản. Hàng ngàn xe taxi nằm bãi hơn 4 tháng nay, muốn hoạt động lại mỗi xe phải bảo dưỡng, thay thế rất nhiều tiền.

Theo ông Hiền, đặc thù của ngành vận tải taxi ngoài hoạt động tại địa bàn là hoạt động liên tỉnh theo yêu cầu vận chuyển của khách hàng. Trong khi đó, vấn đề ra vào thành phố hiện nay rất khó khăn. Phía Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đề nghị TP.Đà Nẵng có chính sách mở cửa giao thương với các tỉnh lân cận vì thực tế nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động liên tỉnh, liên vùng, không chỉ riêng tại Đà Nẵng.

Ông Dương Tiến Lâm, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam – TP.Đà Nẵng cũng cho rằng, việc xin phép ra vào thành phố rất phức tạp. “Công văn mới Sở Y tế ban hành về việc hướng dẫn đi lại làm doanh nghiệp rất lúng túng khi xin phép ra vào thành phố”, ông Lâm cho biết.

Ông Lâm chia sẻ, có nhân viên của chính công ty mình đến UBND phường nộp đơn xin xác nhận của địa phương, để xin công văn cho phép đi lại của chủ tịch UBND thành phố theo như hướng dẫn, nhưng cán bộ phường không ký.

“Đề nghị thành phố cho phép các doanh nghiệp, cá nhân làm thủ tục ra vào TP qua kênh online để đơn giản thủ tục, tránh chồng chéo các quy định khác”, ông Lâm nói.

(Theo Báo Giao Thông)

Số ca tử vong vì COVID-19 ở TPHCM giảm sâu

Nỗ lực thực hiện các biện pháp tổng hợp trong điều trị bệnh nhân COVID-19 đang mang lại kết quả khả quan khi số ca tử vong ở TPHCM giảm xuống mức kỷ lục trong hơn 1 tháng qua.Đỉnh điểm của tình trạng tử vong do dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 xảy ra vào ngày 22/8 với 340 người. Tại thời điểm trên, Thành phố đã nhanh chóng triển khai các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường với những phương án quyết liệt theo phương châm người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố - ấp cách ly với tổ dân phố - ấp…

Ở lĩnh vực điều trị, Bộ Y tế đã nhanh chóng tăng cường lực lượng chuyên môn, trang thiết bị y tế mở thêm nhiều bệnh viện dã chiến và các Trung tâm Hồi sức COVID-19 do các bệnh viện tuyến Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm chuyên môn.

Thuốc kháng virus với hai nhóm truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân thể vừa đến nặng và dạng uống cho bệnh nhân mới nhiễm chưa có biểu hiện triệu chứng theo dõi, điều trị tại nhà nhanh chóng được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, với sự tăng cường của lực lượng Quân y hơn 500 trạm y tế lưu động đã được thành lập trực tiếp hỗ trợ và chăm sóc F0 tại cộng đồng.

Xác định vắc xin là “xương sống” bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trước đại dịch, các chiến dịch tiêm chủng vắc xin liên tiếp được đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu sớm bao phủ vắc xin cho toàn dân trên 18 tuổi, đạt miễn dịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, Thành phố đang chủ trương duy trì các biện pháp xét nghiệm trên diện rộng, nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng ở cả vùng xanh, vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ. Chiến dịch xét nghiệm đang phát huy tính hiệu quả khi phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng.

Nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ý thức tuân thủ các quy định chống dịch của toàn dân đang mang lại những tín hiệu tích cực. Số ca mới mắc COVID-19 tuần trước còn ở mức khoảng 5.000 trường hợp mỗi ngày thì đến 24/9 đã giảm xuống còn 3.786 trường hợp. Điều đặc biệt hơn cả là số ca tử vong vì COVID-19 đã giảm xuống rất sâu, trong ngày ghi nhận 140 trường hợp. So với ngày cao điểm nhất của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (ngày 22/8 ghi nhận 340 ca tử vong), số ca tử vong đã giảm 200 người.

(Theo Tiền Phong)

Thông tin mới nhất về người phụ nữ bán hàng ăn ở Hải Dương mắc COVID-19

Như GiadinhNet đã đưa tin, hôm qua trên địa bàn tỉnh Hải Dương ghi nhận 1 bệnh nhân mắc COVID-19 được Bộ Y tế đánh mã số 719433. Ca bệnh này sinh năm 1971 (nữ), trú tại thôn Vân Am, xã Yết Kiêu (huyện Gia Lộc) làm nghề bán hàng ăn ở thôn Nghiên Phấn, xã Gia Xuyên (TP. Hải Dương).

Ngay khi nhận được thông tin, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hải Dương và đơn vị sở tại tiến hành nhiều biện pháp để ứng phó. Ngoài việc truy vết, xác minh các trường hợp F1, F2, cơ quan chức năng phong tỏa chợ đầu mối nông sản, khu vực quán bán hàng của bệnh nhân, phun khử khuẩn những nơi có nguy cơ cao và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.

Liên quan đến ca bệnh nói trên, tính đến 17h chiều nay (24/9) các đơn vị đã tổ chức điều tra, lấy mẫu cho 1.023 đối tượng (40F1, 369F2, 93 người khu phong tỏa chợ đầu mối và 872 người vùng nguy cơ cao). Kết quả xét nghiệm có 39/40 F1, 369F2, 91 người khu phong tỏa và 872 người vùng nguy cơ cao âm tính với SARS-CoV-2.

Trước đó vào tối 22/9, sau khi nhận được thông tin 4 ca dương tính là tài xế đường dài chở hàng đến chợ đầu mối nông sản Hải Dương, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP. Hải Dương tổ chức điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho 17F1, 334F2, kết quả xét nghiệm xác định nữ công dân sinh năm 1971 dương tính với SARS-CoV-2.

Trước khi có kết quả dương tính, nữ bệnh nhân 719433 có lịch trình di chuyển cụ thể như sau: Vào khoảng 5h30 đến 21h, công dân bán hàng ăn tại quán Thanh Hải (thôn Nghiên Phấn, xã Gia Xuyên, TP. Hải Dương) và thực phẩm hằng ngày chủ yếu do chị N.T.Ch. là phục vụ quán đi mua. Thời gian còn lại, công dân ăn nghỉ tại quán, không thường xuyên về nhà tại xã Yết Kiêu.

Ngày 16/9 và 17/9 trường hợp này có tiếp xúc với 4 ca dương tính (lái xe) đến mua hàng tại quán ăn và các tài xế chỉ mua mang về, không ăn tại quán. Từ 19/9 đến 21/9 công dân có đi lấy thịt tại chợ Hui (phường Thạch Khôi, TP. Hải Dương); về nhà thắp hương Rằm tại thôn Vân Am, xã Yết Kiêu (huyện Gia Lộc), có mua hoa tại chợ Buộm (xã Yết Kiêu); mua hàng tạp hóa của chị Đ.T.D, thôn Vân Am, xã Yết Kiêu và đến ăn tân gia tại nhà chị N.T.B (SN 1980), trú tại thôn Lãng Xuyên, xã Gia Tân (huyện Gia Lộc).

(Theo Gia Đình & Xã hội)

Tình tiết bất ngờ vụ người đàn ông xưng "Ngọc hoàng đại đế" trấn yểm SARS CoV-2

Theo tin tức báo Dân Trí đăng tải, sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa thông tin ban đầu liên quan việc chủ tài khoản Youtube tự xưng là "Thầy Long" có những hành vi xúc phạm tín ngưỡng thờ Mẫu và Đức Thánh Trần.

Cụ thể, qua rà soát trên Internet, sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phát hiện tài khoản mạng xã hội Youtube có tên "Thầy Long 098413xxxx"; Tài khoản Facebook cá nhân có tên "Luong Gia Long", đăng tải đăng tải khoảng 200 clip do ông Lương Chính Khang (SN 1979, trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) thể hiện.

Ông Lương Chính Khang. Ảnh: Dân Việt

Ông Lương Chính Khang. Ảnh: Dân Việt

Đặc biệt, thời gian gần đây tài khoản này còn đăng tải video thờ cúng, trấn yểm để tiêu diệt dịch bệnh COVID-19. Đây là những thông tin không được cơ quan chức năng thẩm định, lợi dụng tín ngưỡng để truyền đưa thông tin có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật.

Ngày 22/9, sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội mời chủ tài khoản Youtube tự xưng là "Thầy Long" đến làm việc, xác minh thông tin truyền đưa trên mạng Internet.

Tuy nhiên, UBND Phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thông báo đang áp dụng biện pháp cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với Youtuber "Thầy Long". Lý do, ông này vừa di chuyển từ TP.HCM về Hà Nội.

Vì vậy, ngày 23/9, sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có thông báo thay đổi gian làm việc với Youtuber "Thầy Long" đến 9 giờ ngày 6/10.

Liên quan đến vụ việc, theo báo Tuổi Trẻ, ngày 21 và 22/9, Thanh tra sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cũng đã làm việc cùng nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh - Phó chủ nhiệm Trung tâm Bảo tồn đạo Mẫu Việt Nam, người đã làm đơn tố cáo các hành vi xúc phạm đạo Mẫu của "Thầy Long" gửi tới nhiều cơ quan.

(Theo Người Đưa Tin)

Nhiều diễn biến lạc quan trong tình hình COVID-19 toàn cầu

Hãng tin AP ngày 22-9 dẫn báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trên toàn cầu trong tuần qua (từ ngày 13 đến 19-9) khoảng 3,6 triệu ca, thấp hơn 400.000 ca so với mốc 4 triệu ca ghi nhận vào tuần trước đó (từ ngày 6 đến 12-9).

Mức giảm này đánh dấu lần đầu tiên số ca nhiễm giảm đáng kể trong hai tháng qua.

Đà giảm diễn ra ở toàn bộ các khu vực trên thế giới. Báo cáo ghi nhận hai khu vực giảm mạnh tuần trước là Trung Đông (giảm 22%) và Đông Nam Á (giảm 16%). Phần lớn ca nhiễm mới trong tuần qua xảy ra nhiều nhất ở Mỹ, Ấn Độ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines. Biến thể Delta đã xuất hiện trên 185 nước và vùng lãnh thổ.

Người dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh kiểm tra mã sức khỏe trước khi lên tàu điện hồi tháng 8. Ảnh: AP

Người dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh kiểm tra mã sức khỏe trước khi lên tàu điện hồi tháng 8. Ảnh: AP

Về số ca tử vong, thế giới tuần qua ghi nhận dưới 60.000 ca, giảm 7% so với tuần trước đó. Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á thì mức giảm là 30%, trong khi khu vực Tây Thái Bình Dương số ca tử vong tăng 7%.

Trong bối cảnh này, lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã đồng loạt cam kết sẽ tăng viện trợ vaccine cho các nước đang phát triển.

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 21-9, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ vừa chi 15 tỉ USD để mua và viện trợ 160 triệu liều vaccine cho hơn 100 nước. Washington trong thời gian tới sẽ mua thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech để viện trợ cho các nước thông qua cơ chế COVAX của WHO.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình khi phát biểu trước Đại hội đồng LHQ cùng ngày đã cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu cung cấp cho thế giới 2 tỉ liều vaccine trong năm 2021. Theo tờ South China Morning Post, hiện TQ đã viện trợ cho quốc tế 1 tỉ liều và còn khoảng ba tháng để viện trợ nốt 1 tỉ liều còn lại.

Liên quan đến vấn đề vaccine, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa cho biết nước này sẽ nối lại hoạt động sản xuất và xuất khẩu vaccine trên toàn cầu sau nhiều tháng đình trệ vì dịch bùng phát nghiêm trọng, theo tờ The Nikkei. Đây là một dấu hiệu tích cực bởi Ấn Độ là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Trước khi ngừng xuất khẩu, nước này đã cung cấp khoảng 66,4 triệu liều vaccine, chủ yếu là Covishield (một phiên bản của vaccine AstraZeneca) và Covaxin, cho hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

(Theo Dân Việt)

TPHCM chấn chỉnh tình trạng đưa F0 đi cách ly tập trung

Thuật ngữ “bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng” đã có những cách hiểu chưa đúng từ các quận, huyện dẫn tới việc thực hiện thiếu chính xác. Thời gian qua, nhiều quận huyện đã đưa các trường hợp mới mắc COVID-19 vào khu cách ly tập trung cho dù F0 đáp ứng các tiêu chí về điều kiện cách ly, điều trị tại nhà hay không.

Sau khi báo chí phản ánh thực trạng trên, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định: “Các địa bàn đã hiểu nhầm việc này dẫn đến có tình trạng đưa các F0 vào khu cách ly tập trung. Một số nơi hiểu để tách F0 ra khỏi cộng đồng thì phải đưa vào khu cách ly”.

Thuật ngữ bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng đã có những cách hiểu chưa đúng dẫn tới tình trạng quận huyện gom tất cả F0 đi cách ly tập trung

Thuật ngữ "bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng" đã có những cách hiểu chưa đúng dẫn tới tình trạng quận huyện gom tất cả F0 đi cách ly tập trung

Từ thực tế trên, sáng 24/9, Sở Y tế đã chỉ đạo y tế địa phương kịp thời chấn chỉnh. Thông tin từ đơn vị này cho thấy, qua giám sát thực tế, đã ghi nhận một số quận, huyện có số lượng người F0 cách ly và chăm sóc tại nhà khá cao như: Quận 6, Quận Gò Vấp, Quận 11, Huyện Hóc Môn, Quận Tân Phú, Quận 12.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, một số quận, huyện có số người F0 cách ly tại nhà chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với tổng số trường hợp F0 đang được cách ly tập trung, như: Huyện Cần Giờ, Huyện Củ Chi, Huyện Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, Huyện Nhà Bè.

Ngoài ra, đã có những phản ánh lên đường dây nóng của Sở Y tế khi người F0 hội đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà nhưng vẫn bị yêu cầu phải đi cách ly tập trung.

Sau gần 2 tháng triển khai thí điểm, mô hình chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người mắc COVID-19 đã có những hiệu quả thiết thực, trong đó, mô hình này đã giúp F0 an tâm hơn.

Những trường hợp mắc COVID-19 không bị rơi vào trạng thái quá lo lắng về việc phải đi cách ly tập trung. Điều này giúp F0 nhanh chóng phục hồi sức khỏe, đồng thời góp phần giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung của phường, xã, thị trấn và quận, huyện.

Tính đến ngày 23/9, thành phố có 35.342 trường hợp F0 đang được cách ly tại nhà, chiếm khoảng 40% tổng số người F0 đang được quản lý trên địa bàn thành phố. Trước đó, đã có 129.179 trường hợp F0 đã kết thúc thời gian cách ly tại nhà.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình chăm sóc, quản lý người F0 cách ly tại nhà, Sở Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện và thành phố Thủ Đức yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình chăm sóc, quản lý người F0 tại nhà.

Sở Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát công chức, viên chức việc tuân thủ hướng dẫn của Sở Y tế về mô hình chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0 tại nhà.

Khi tầm soát phát hiện một trường hợp F0, sau khi hướng dẫn và cung cấp gói thuốc điều trị, cần lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của người F0 nếu hội đủ điều kiện cách ly và chăm sóc tại nhà theo quy định.

(Theo Tiền Phong)

Từ 1/10, Đà Nẵng tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch

Ông Minh cho biết: TP dự kiến áp dụng biện pháp phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 2 (theo Chỉ thị 19) từ 1/10/2021 đến 15/10/2021 để đảm bảo đủ thời gian tạo kháng thể đối với người dân đã tiêm mũi 1. Sau đó sẽ chuyển sang áp dụng cấp độ 1 khi hướng dẫn được ban hành chính thức.

Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn so với dự kiến của ngành Y tế, tùy vào đánh giá mức độ nguy cơ, TP sẽ chuyển sang áp dụng trạng thái phòng chống dịch ở cấp độ cao hơn, theo từng khu vực và phù hợp với thực tiễn.

Kiểm soát người và phương tiện ra vào cửa ngõ TP Đà Nẵng.

Kiểm soát người và phương tiện ra vào cửa ngõ TP Đà Nẵng.

Theo kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, UBND TP Đà Nẵng đưa ra dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Trong đó, phấn đấu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn năm 2021 (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 1,59% so với năm 2020; các khu vực nông-lâm-thủy sản, công nghiệp-xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,86%, 1,74% và 0,98%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2021 ước đạt 89,8% so dự toán HĐND TP giao.

Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng cũng đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022 ở 3 cấp độ: thấp, trung bình và cao. Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng có tốc độ phục hồi và tăng nhanh hơn khu vực dịch vụ; khu vực nông, lâm, thủy sản cơ bản duy trì như những năm trước.

Cụ thể, kịch bản thấp tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 4,47% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp-xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,85%, 5,4% và 3,87%.

Kịch bản trung bình: Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 5,75% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp-xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 2,5%; 6,8% và 5,4%.

Kịch bản cao: Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp-xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,01%, 8,40% và 6,63%.

Cũng theo ông Minh, dự kiến TP đạt tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 đạt trên 95% vào cuối tháng 9/2021, 100% mũi 1 và 22,1% mũi 2 vào cuối tháng 10/2021; khả năng kiểm soát dịch bệnh ở cấp độ 1 (trạng thái bình thường mới) thì khả năng TP sẽ đạt được các chỉ tiêu năm 2022 theo kịch bản trung bình. Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế quốc tế sớm phục hồi trở lại thì các ngành kinh tế cấp 1 chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của TP như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng; Vận tải kho bãi; Dịch vụ lưu trú và ăn uống… sẽ được phục hồi nhanh, trở lại mức tương đương hoặc cao hơn năm 2019 thì khả năng TP sẽ đạt được tăng trưởng ở mức kịch bản cao.

(Theo Tiền phong)

18 ngày không có ca mắc, người dân 'vùng vàng' ở Khánh Hoà được đi cắt tóc, gội đầu

Sáng 23/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa cho biết: Tính từ 17h ngày 22/9 đến 7h sáng nay, tỉnh này có thêm 55 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh, nâng số ca đã khỏi bệnh từ ngày 22/7 đến nay lên 6.980 ca và chiếm hơn 91% tổng số ca mắc.

Trong khoảng thời gian trên, toàn tỉnh Khánh Hoà ghi nhận 3 ca mắc COVID - 19 mới tại TP. Nha Trang (2 ca) và huyện Vạn Ninh (1 ca). Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 7.572 ca mắc COVID - 19, đứng thứ 7 trên cả nước. Theo CDC Khánh Hoà, hiện tỉnh đã qua 18 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng.

Một khu phố vùng xanh ở TP. Nha Trang - Khánh Hoà. Ảnh C.H

Một khu phố "vùng xanh" ở TP. Nha Trang - Khánh Hoà. Ảnh C.H

Trong ngày 22/9, có 29.118 người dân Khánh Hoà được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Toàn tỉnh hiện có 802 thôn, tổ dân phố “vùng xanh”, 62 thôn, tổ dân phố “vùng vàng”, 58 thôn, tổ dân phố “vùng cam”, 46 thôn, tổ dân phố “vùng đỏ”.

Chiều 23/9, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đã có công văn khẩn về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mới đối với người dân ở các thôn, tổ dân phố “vùng xanh, vùng vàng” trên địa bàn tỉnh kể từ 0h ngày 24/9 cho đến khi có thông báo mới.

Theo đó, người dân “vùng xanh, vùng vàng” trên địa bàn các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hoà, TP. Nha Trang và Cam Ranh được tập thể dục ngoài trời tại các công viên, được đi đánh tennis, chơi golf và đi chợ, siêu thị trong khu vực địa phương sinh sống nhưng phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K.

Các cơ sở kinh doanh, sửa chữa điện nước, viễn thông, xe máy, ô tô, dịch vụ cắt tóc gội đầu, cửa hàng tạp hoá ở “vùng xanh, vùng vàng” tại các địa phương nói trên được hoạt động, nhưng phải đăng ký và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Trong đó, người bán hàng và người làm việc tại các cơ sở, cửa hàng phải đeo khẩu trang, tấm kính chắn giọt bắn, bố trí ngăn cách, vạch kẻ luồng ra/vào, có bàn trung gian giao/nhận hàng, có giấy xác nhận của chủ cơ sở/cửa hàng, giấy chứng nhận xét nghiệm kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ hoặc đã tiêm vắc xin mũi thứ 2 sau 14 ngày và người đã điều trị khỏi bệnh COVID-19.

(Theo Tiền Phong)

Khởi tố, khám xét nhiều nơi liên quan nữ giám đốc bị tố lây lan dịch Covid-19

Ngày 24-9, Cơ quan CSĐT Công an TP Bạc Liêu đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người" phát hiện vào ngày 9-9 tại Công ty Mỹ phẩm Đông Anh, phường 7, TP Bạc Liêu.

Cùng ngày, cơ quan điều tra tiến hành khám xét nhiều nơi ở, nơi làm việc của Công ty Mỹ phẩm Đông Anh do bà Nguyễn Huỳnh Như (SN 1997) làm chủ, gồm: Số 233 đường Võ Thị Sáu, phường 7; số 45 đường Phạm Ngọc Thạch, phường 1; số 35 đường Trần Đại Nghĩa, phường 1.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng thực hiện lệnh khám xét nơi làm việc tại số 10, đường Trần Huỳnh, phường 7 đối với ông Nguyễn Chí Thiện (SN 1990).

Trước đó, vào ngày 13-9, Cơ quan CSĐT Công an TP Bạc Liêu đã ra quyết định phân công phó thủ trưởng, điều tra viên thụ lý xác minh nguồn tin về tội phạm "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" và "Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người", theo Điều 240 và 295 Bộ luật Hình sự đối với bà Như.

Liên quan đến chuỗi lây nhiễm của bà Như, công an xác định có 7 F0, 31 F1 và 68 F2 đang điều trị, cách ly.

(Theo Người Lao Động)

Phát hiện nam công nhân mắc Covid-19 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây

Chiều 24-9, TP Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 1 ca tại công đồng và 1 ca tại khu phong tỏa.

Một khu vực đang bị phong toả do liên quan đến ca Covid-19 mới phát hiện ở Hà Nội - Ảnh: Ngô Nhung

Một khu vực đang bị phong toả do liên quan đến ca Covid-19 mới phát hiện ở Hà Nội - Ảnh: Ngô Nhung

Chùm sàng lọc ho sốt có 1 bệnh nhân là L.D. (nam, SN 1956), địa chỉ: Cao Viên, Thanh Oai. Bệnh nhân là công nhân xây dựng tại công trường MB Nam An Khánh, Hoài Đức. Ngày 23-9, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt có 1 bệnh nhân Â.T.T. (nữ, SN 1942), địa chỉ: Việt Hưng, Long Biên. Bệnh nhân sống tại khu vực phong tỏa đã được xét nghiệm 1 lần âm tính. Ngày 23-9, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Như vậy, trong ngày 24-9, TP Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc Covid-19, trong đó có 2 ca tại cộng đồng (1 ca tử vong trong tư thế treo cổ, sau đó được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính SASR-CoV-2).

Cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021) là 3.961 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.360 ca.

(Theo Người Lao Động)

Cần Thơ thu hẹp khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16

Theo đó, kể từ ngày hôm nay (24/9), áp dụng thực hiện giãn cách theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu tiếp tục tầm soát, xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm trong cộng đồng. Ảnh: Lê An

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu tiếp tục tầm soát, xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm trong cộng đồng. Ảnh: Lê An

Trừ các các phường An Hòa, An Khánh, Cái Khế, Hưng Lợi, Tân An, Xuân Khánh của quận Ninh Kiều; các phường Hưng Phú, Phú Thứ, Tân Phú của quận Cái Răng tiếp tục áp dụng thực hiện Chỉ thị số 16 cho đến ngày 1/10.

Tại các địa phương được nới lỏng giãn cách, Chủ tịch UBND TP đề nghị người dân tuyệt đối không được tự ý di chuyển ra khỏi thành phố hoặc đến địa bàn có nguy cơ rất cao về tình hình dịch bệnh Covid-19.

Trừ các trường hợp cấp cứu về y tế và trường hợp đặc biệt khác được Chủ tịch UBND TP cho phép.

Trong thời gian này, người dân được phép di chuyển giữa các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 15, không được di chuyển vào địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16. Trừ trường lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, người đi thực hiện nhiệm vụ công vụ, nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí đang tác nghiệp liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp tục tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ tự phát, các sự kiện, lễ hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao, giải trí, tham quan, du lịch,…

Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích được phép hoạt động nhưng hạn chế số người vào mua không quá 10 người, bảo đảm nguyên tắc 5K. Riêng các cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn, uống chỉ được phép bán hàng mang đi.

Đối với các phường tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 10 của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Người đứng đầu TP Cần Thơ yêu cầu các quận, huyện căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, quyết định thực hiện các biện pháp bổ sung hoặc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức tăng, giảm đối với phường, xã, thị trấn, ấp, khu vực.

Tiếp tục tầm soát, xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm trong cộng đồng đối với vùng, đối tượng có nguy cơ cao. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả.

Đồng thời duy trì các chốt kiểm soát liên quận, huyện để kiểm tra di biến động của người dân khi di chuyển giữa địa bàn các quận, huyện.

“Chủ tịch UBND quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và xử lý ngay các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để phường, xã, thị trấn buông lỏng quản lý dẫn đến dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng”, công văn nêu.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng giao Sở GTVT phối hợp với Công an TP và các địa phương kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải hàng hóa ra, vào thành phố, tuyệt đối không để người điều khiển và người đi cùng trên các phương tiện vận chuyển hàng hóa mang nguồn lây bệnh từ bên ngoài vào thành phố.

Ưu tiên bố trí luồng xanh cho phương tiện vận chuyển dụng cụ, trang thiết bị y tế, hàng hóa, nhân sự phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là ô xy y tế; phương tiện vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thiết bị, vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án, công trình trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố.

Theo Báo Giao Thông)

Tin tức 24h: Vợ mất vì COVID-19 trước mặt 2 con nhỏ, 2 ngày sau chồng cũng qua đời
Ngọc Tuyền kể lại những ngày đau đớn khi mất đi cha mẹ, bắt đầu từ giữa tháng 7. Cơn bão COVID-19 kéo tới gia đình khiến cả 4 người đều trở thành bệnh...

Tin tức 24h

HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19