COVID-19 28/10: 10 học sinh cùng một trường mắc COVID-19, toàn thành phố nghỉ học, dừng nhiều dịch vụ

H.A - Ngày 28/10/2021 12:14 PM (GMT+7)

Theo thông tin từ Sở Y tế Nam Định, trong ngày 27/10, địa phương này đã ghi nhận thêm 28 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 10 học sinh cùng một trường.

12 học sinh dương tính SARS-CoV-2, TP Nam Định tạm dừng một số dịch vụ

Cụ thể  trong số 28 ca mắc có:  4 trường hợp thuộc chùm ca bệnh ở huyện Ý Yên, 16 trường hợp ở TP. Nam Định (trong đó có 10 em học sinh Trường THCS Phùng Chí Kiên, 01 học sinh trường THCS Trần Bích San và 01 học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo), 3 trường hợp ở huyện Mỹ Lộc, 3 trường hợp ở huyện  Vụ Bản, 2 trường hợp ở huyện Hải Hậu.

Lực lượng chức năng phong tỏa ngõ 587 Trần Nhân Tông, phường Vị Hoàng (thành phố Nam Định). Ảnh: PV

Lực lượng chức năng phong tỏa ngõ 587 Trần Nhân Tông, phường Vị Hoàng (thành phố Nam Định). Ảnh: PV

Như vậy, từ ngày 25/10 (kể từ khi ghi nhận ca mắc ở phường Lộc Hạ, là nhân viên Chi nhánh Ngân hàng SHB tại tỉnh Hà Nam) đến 16 giờ ngày 27/10, TP. Nam Định đã ghi nhận 28 ca nhiễm COVID-19 với các ca bệnh xuất hiện tại cộng đồng, trong trường học, CCN An Xá. 

Để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, trong 2 ngày 26 và 27/10 TP. Nam Định đã triển khai lấy 8.520 mẫu xét nghiệm test nhanh COVID-19 toàn bộ công dân và học sinh trên địa bàn 5 phường Thống Nhất, Hạ Long, Lộc Hạ, Nguyễn Du, Lộc Vượng, Trường THCS Trần Bích San, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định và các trường hợp liên quan đến ổ dịch. Và đã ghi nhận nhiều em học sinh dương tính với SARS-COV-2.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Nam Định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cao hơn cấp độ 2 (vùng vàng) đối với toàn bộ TP. Nam Định và cấp độ 4 (vùng đỏ) đối với toàn bộ phường Lộc Hạ. 

Các cấp học phổ thông công lập và ngoài công lập, các cơ sở giáo dục (trung tâm ngoại ngữ, tin học…) trên địa bàn TP. Nam Định tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến từ chiều ngày 27/10 (trừ các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học).

Tiếp tục tạm dừng một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch... theo các chỉ đạo của UBND tỉnh đã ban hành đang có hiệu lực.

Xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường để đáp ứng khi dịch bệnh diễn biến ở cấp độ 3, 4. 

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân, hoàn thành tiêm mũi 1 trước 7/11 và mũi 2 trước 31/12 cho người dân thành phố từ 18 tuổi trở lên.

Nguồn:

https://suckhoedoisong.vn/12-hoc-sinh-duong-tinh-sars-cov-2-tp-nam-dinh-tam-dung-mot-so-dich-vu-169211027232401454.htm

Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất dạy học trực tiếp với địa bàn dịch cấp 1,2

Đây là một trong những nội dung trong tờ trình dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn của Sở GD&ĐT TP.HCM gửi UBND TP.HCM.

Theo đánh giá của sở giáo dục, để hồi phục kinh tế, TP phải tính toán cho học sinh tới trường. Đây là điều kiện rất quan trọng để TP sớm ổn định, phụ huynh yên tâm đi làm. Việc tận dụng khoảng thời gian đi học trực tiếp là điều kiện rất cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục, đồng thời là điều kiện cơ bản để ổn định xã hội.

Học sinh tại TP.HCM tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 27-10. Ảnh: NGUYỆT NHI

Học sinh tại TP.HCM tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 27-10. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trong tờ trình, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất mở cửa trường học, dạy học trực tiếp, không tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường với địa bàn có dịch bệnh ở cấp độ 1 và 2.

Những trường ngoài công lập nếu đảm bảo các điều kiện an toàn, có thể bố trí nội trú, bán trú, xe đưa rước học sinh.

Trường học phải đảm bảo giãn cách, đánh giá theo bộ tiêu chí an toàn trong ngành giáo dục. Nhà trường cũng chuẩn bị hạ tầng công nghệ, trang thiết bị, phương tiện để chuyển sang hình thức dạy trực tuyến khi dịch bệnh phức tạp.

Ở các địa bàn này, trường đại học được tổ chức dạy học trực tiếp nếu đáp ứng bộ tiêu chí an toàn, giảng viên và sinh viên được tiêm đủ liều vaccine.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao) sẽ tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp.

Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9, 12.

Để tổ chức học trực tiếp cho học sinh, học viên, sinh viên phải bố trí lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người học theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong ngành giáo dục do UBND TP ban hành.

Đối với địa bàn được xác định cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tự học.

Về công tác tổ chức, sở GD&ĐT đề xuất trong thời gian đầu, các trường mầm non chỉ nhận giữ trẻ 1 buổi, không ăn sáng, không bán trú. Các lớp được chia đôi số lượng học sinh và bố trí lệch buổi. Sau mỗi tuần, phòng GD&ĐT đánh giá lại độ an toàn, các điều kiện để tham mưu UBND quận/huyện/ thành phố điều chỉnh nới rộng các điều kiện như cho tổ chức ăn sáng, bán trú, bỏ tách lớp.

Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các trường chủ động xây dựng phương án tổ chức hoạt động để phù hợp với quy định cấp độ dịch tại địa phương.

Dự thảo được đưa ra trong bối cảnh, tính đến ngày 24-10, TP.HCM đang ở cấp độ 2. Trong 22 địa phương (cấp quận, huyện và TP Thủ Đức) có 9 địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh), 12 địa phương đạt cấp độ 2 (vùng vàng) và 1 địa phương cấp độ 3 (vùng cam). 

TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, Tân Bình, 1, 7, 8, 10, huyện Cần Giờ, Củ Chi đạt cấp độ 1.

Cấp độ 2 gồm có các quận huyện sau: 3, 4, 5, 6, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè. Chỉ còn riêng quận Bình Tân thuộc cấp độ 3.

Tại buổi tiêm vaccine cho học sinh vào sáng 27-10, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho rằng, vaccine là một trong những điều kiện cần thiết để học sinh đi học trở lại.

Việc trở lại trường còn phụ thuộc nhiều yếu tố, không nhất thiết phải là toàn TP mà theo tinh thần an toàn đến đâu, mở cửa tới đó. Các trường cũng đang xây dựng, chuẩn bị kế hoạch trở lại theo bộ tiêu chí an toàn. Khi các đơn vị chứng minh an toàn sẽ được xem xét, mở lại", ông nói.

Hiện hơn 1,4 triệu học sinh từ tiểu học đến THPT, kể cả giáo dục thường xuyên bắt đầu năm học mới từ đầu tháng 9. Trong khi đó, trẻ mầm non chưa được đến trường.

Nguồn:

https://plo.vn/giao-duc/so-gddt-tphcm-de-xuat-day-hoc-truc-tiep-voi-dia-ban-dich-cap-12-1024408.html

Hà Nội: Những ổ dịch mới nguy hiểm đến mức nào?

Trong những ngày gần đây, Hà Nội xuất hiện nhiều ca mắc cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Đầu tiên là hai vợ chồng ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, anh chồng là nhân viên hành chính của Khoa Khám bệnh đa khoa (C1.1A) – một trong 3 khoa thuộc Trung tâm Khám bệnh đa khoa và Điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108); vợ là nhân viên một nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội.

Sau khi nam nhân viên y tế trở thành F0, bệnh viện đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cho 370 trường hợp là F1, F2, tất cả đều âm tính. Sau khi cách ly, bệnh viện tiếp tục làm xét nghiệm cho các trường hợp F1 tại Khu cách ly đã phát hiện 4 trường hợp F0, đều là nhân viên y tế làm cùng Khoa Khám bệnh đa khoa.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, đại diện Bệnh viện 108 cho biết, đến ngày 27/10, đã ghi nhận 5 trường hợp mắc COVID-19 đều là nhân viên y tế, đã được cách ly tại Khu cách ly của bệnh viện, nên không có khả năng lây lan ra ngoài. Các trường hợp F1, F2 của các ca bệnh này cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly theo quy định.

Ngay sau khi phát hiện các ca dương tính, Bệnh viện 108 đã khẩn trương tổ chức truy vết, cách ly, phong tỏa, phun khử khuẩn toàn bộ khu vực nơi làm việc và di chuyển các F0 đến nơi theo dõi và điều trị riêng COVID-19.

Hiện nay, đã phong tỏa nơi làm việc của Khoa C1.1A, người bệnh đến khám được thực hiện tại khu vực khác, các bộ phận khác của Trung tâm Khám bệnh đa khoa và Điều trị theo yêu cầu vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Đến nay Bệnh viện 108 đã lấy 5.131 mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính. Riêng nhân viên Trung tâm Khám bệnh đa khoa và Điều trị theo yêu cầu đã có 3 lần xét nghiệm âm tính.

Như vậy, sau ổ dịch tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thì đến Bệnh viện 108, hiện vẫn chưa rõ nguồn lây cho nam nhân viên y tế trên. Để đảm bảo an toàn cho các bệnh viện, Bộ Y tế cũng như Sở Y tế Hà Nội đã có nhiều văn bản nhắc nhở các cơ sở y tế phải luôn “cảnh giác”, không bỏ lọt các ca nghi nhiễm.

Tại Công điện mới nhất ngày 25/10, Bộ Y tế gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, đề nghị chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý điều trị chặt chẽ ngay tại khu điều trị COVID-19, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Phong tỏa khu vực có F0 ở đường Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.

Phong tỏa khu vực có F0 ở đường Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.

Ổ dịch cộng đồng ở Quốc Oai khả năng lây lan ra sao?

Sau bệnh viện thì ổ dịch Quốc Oai được coi là phức tạp nhất tại Hà Nội hiện nay. Xuất hiện ngày 24/10 với 7 ca nhiễm, đến chiều 27/10, ổ dịch này ghi nhận 37 ca mắc, trong đó có nhiều F1 ở địa bàn khác trở thành F0 (có cả trẻ em).

Theo đại diện CDC Hà Nội, bước đầu xác định nguồn lây ổ dịch này là từ người đàn ông có địa chỉ tại Kim Bài, huyện Thanh Oai, công tác tại huyện Quốc Oai. Trong số các ca dương tính ở ổ dịch này, đa số đã tiêm từ 1-2 mũi vaccine, số chưa tiêm chủ yếu do chưa đến tuổi.

Chính quyền huyện Quốc Oai đã lấy mẫu xét nghiệm 100% cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Theo nhận định của BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, trong những ngày tới, ổ dịch này sẽ ghi nhận thêm các ca bệnh lẻ tẻ nhưng khó bùng phát mạnh vì đã rà soát, khoanh vùng, điều tra được gần như hết các trường hợp F1 và người có liên quan.

Còn theo chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), ổ dịch ở huyện Quốc Oai không lo ngại lắm, bởi các F0 đa số đã tiêm phủ vaccine nên triệu chứng nhẹ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Hà Nội không được để bùng phát dịch ở ổ này, lây lan sang các đối tượng chưa được tiêm chủng nên vẫn phải cách ly, phong tỏa những điểm có xuất hiện người nhiễm. Hà Nội hiện chưa thể buông lỏng được do nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp, những người này nhập cư về Hà Nội, nhất là trẻ em thì dễ dàng lây nhiễm.

Hiện nay, chuỗi lây nhiễm ở ổ dịch tiệm cắt tóc Mẹ Ớt, đường Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa xuất hiện từ ngày 22/10, đến nay đã ghi nhận 10 ca mắc. Ngày 27/10, Hà Nội ghi nhận ổ dịch mới ở huyện Mê Linh với 7 ca nhiễm cộng đồng, có liên quan đến một F0 ở Hà Giang về đây ăn cưới.

Ngoài các ca cộng đồng, lây nhiễm đáng lo ngại nữa còn phải kể đến việc người dân về từ vùng dịch nhưng không tuân thủ cách ly, hoặc khai báo không đầy đủ. Tính đến ngày 27/10, Hà Nội đã rà soát, quản lý và giám sát sức khỏe 5.996 người từ các tỉnh phía Nam về, qua đó phát hiện 42 ca dương tính, trong số đó có 27 người tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây với 63 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định, sau khi nới lỏng giãn cách, nhiều địa phương có lượng người về từ các vùng dịch rất lớn, đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch.

Mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch nhưng các tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch.

Để làm được điều này, Hà Nội cũng như các tỉnh phải rà soát lại, kiểm soát người về từ 4 địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai để phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Các trường hợp này phải giám sát chặt chẽ, tiến hành xét nghiệm, cách ly… theo đúng hướng dẫn.

Người dân về từ các tỉnh, thành phố có dịch, dù đã tiêm đủ mũi vaccine, vẫn cần nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Đặc biệt, trong trạng thái bình thường mới, người dân càng không được chủ quan, thực hiện tốt thông điệp 5K.

Nguồn:

https://cand.com.vn/y-te/ha-noi-nhung-o-dich-moi-nguy-hiem-den-muc-nao--i632915/

Thông báo khẩn tìm người đi xe khách từ TP.HCM ra Hà Nội

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo tìm người đi xe khách Hoàng Long, chuyến xe đi từ bến xe miền Đông TP.HCM khoảng 17h30 ngày 22/10, đến bến xe Nước Ngầm, Hà Nội khoảng 7h ngày 24/10/2021.

CDC Hà Nội đề nghị người đi trên xe khách trên tự cách ly, hạn chế tiếp xúc và liên hệ ngay trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc CDC Hà Nội theo số điện thoại 0969082115/094936155.

Thông báo này liên quan đến một trường hợp F0 là người ở Tuyên Quang, đã được xác định dương tính với SARS-CoV-2 tại Tuyên Quang. Trường hợp này có đi trên chuyến xe từ bến xe miền Đông (TP.HCM) khoảng 17h30 ngày 22/10, đến bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) khoảng 7h ngày 24/10/2021.

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021 đến chiều 27/10) là 4.231 ca, trong đó 1.658 ca ghi nhận ngoài cộng đồng, 2.573 ca là đối tượng đã được cách ly.

Nguồn:

http://danviet.vn/thong-bao-khan-tim-nguoi-di-xe-khach-tu-tphcm-ra-ha-noi-502021281010482651.htm

"Bất thường" ở Singapore

Đây là lần đầu tiên Singapore ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm trong một ngày, theo SCMP.

Trong thông điệp mới nhất về tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế Singapore cho biết “số ca nhiễm cao kỷ lục bất thường, đặc biệt là số ca được xác nhận dương tính tại phòng thí nghiệm trong vài giờ vào buổi chiều”.

“Bộ Y tế Singapore đang xem xét sự gia tăng ca nhiễm bất thường trong một khoảng thời gian tương đối ngắn và theo dõi chặt chẽ các xu hướng trong vài ngày tới”, tuyên bố cho biết.

Singapore ngày 27.10 ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục.

Singapore ngày 27.10 ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục.

Singapore hiện có 76 bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng rất nghiêm trọng, đang được điều trị tại phòng chăm sóc tích cực (ICU), giảm so với con số 79 của một ngày trước đó. Trong số này, có 66 bệnh nhân bị ốm nặng cần đặt nội khí quản.

Số bệnh nhân đang được hỗ trợ thở oxy ở Singapore tăng từ 289 lên 308 vào ngày 27.10.

Singapore có 357 giường ICU, trong số này có 285 giường đang được sử dụng, 142 giường điều trị bệnh nhân Covid-19. Tỉ lệ sử dụng giường ICU hiện là 79,8%.

“Bộ Y tế Singapore đang gấp rút bổ sung thêm giường ICU”, tuyên bố tối ngày 27.10 cho biết.

Trong số các ca nhiễm mới, 4.651 được ghi nhận trong cộng đồng, 661 ca ghi nhận tại ký túc xá cho công nhân và 12 ca nhập cảnh.

Theo ghi nhận, 728 ca cộng đồng tại Sinagpore nằm ở người trên 60 tuổi. 10 người tử vong nằm trong độ tuổi từ 54 đến 96.

“Các trường hợp tử vong vì Covid-19 có tình trạng bệnh lý khác nhau”, Bộ Y tế Singapore cho biết.

Singapore hiện ghi nhận tổng cộng 349 ca tử vong vì Covid-19, riêng tháng 10 là 248 ca. Tổng số ca nhiễm kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở Singapore là 184.419.

Nguồn:

http://danviet.vn/covid-19-bat-thuong-o-singapore-5020212810839277.htm

Quảng Ninh phát hiện trường hợp dương tính với SARS-C0V-2 từng tiếp xúc gần với F0

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (CDC Quảng Ninh) cho biết, địa phương vừa nghi nhận thêm một trường hợp dương SARS-CoV-2 trường hợp này là F1 của công dân L.V.N (F0)  từ Tây Ninh di chuyển về TP Móng Cái, Quảng Ninh mắc COVID-19.

Trường hợp F1 chuyển thành F0 ở Quảng Ninh từng tiếp xúc gần với F0 đi từ ngoại tỉnh về

Trường hợp F1 chuyển thành F0 ở Quảng Ninh từng tiếp xúc gần với F0 đi từ ngoại tỉnh về

Cụ thể, trường hợp F1 chuyển thành F0 này là chị N.T.T SN 1981 làm nghề lao động tự do (mua bán chuyển tiền qua mạng) trú tại Khu 3, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, (Quảng Ninh). Chị N.T.T đã tiêm 2 mũi vaccine (mũi cuối ngày 12/10/2021), chưa có tiền sử mắc COVID-19. 

Theo dịch tễ, khoảng 19h30 ngày 24/10/2021, chị N.T.T có ra đầu ngõ đón L.V.N (F0) về nhà ăn tối và ở tại nhà.

Đến 16h30 ngày 25/10, chị N.T.T đưa L. V. N ra trạm Y tế Hải Hòa khai báo y tế và quay về nhà. Sau đó đến nhà chị Đinh Thị D, SN 1974 (đường 102 Tuệ Tĩnh, phường Ninh Dương, Móng Cái) chơi và ăn cơm tối ở đó.

Khoảng 09h30 ngày 26/10/2021, chị N.T.T đi mua bánh cuốn tại ngõ 1 đối diện cổng nhà văn hóa Khu Hải Hòa (có đeo khẩu trang, chủ quán không đeo khẩu trang). Trên đường về, chị N.T.T ghé quán tạp hóa ở đầu ngõ đường Trần Quốc Tảng mua rau, mua hoa quả cạnh đó.

Đến 15h30 ngày 26/10/2021, chị T đưa anh F0 lên Bệnh viện số 1 lấy mẫu xét nghiệm xong quay về nhà. Đến chiều tối đi mua rau đối diện sân bóng nhân tạo gần khu Hải Quan, mua rau của người trên 40 tuổi bán trên xe đạp và mua quả gần hàng rau.

Sau khi nhận thông tin anh L. V. N có kết quả xét nghiệm dương tính, chị N.T.T cũng  được lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC Quảng Ninh và khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Qua điều tra, truy vết của các cơ quan chức năng có 5 trường hợp là F1 hiện đang chờ kết quả xét nghiệm.

Nguồn:

https://giadinh.net.vn/quang-ninh-phat-hien-truong-hop-duong-tinh-voi-sars-c0v-2-tung-tiep-xuc-gan-voi-f0-172211027185044357.htm

Thừa Thiên Huế ghi nhận 14 ca mắc mới, 3 ca cộng đồng

Tối 27/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa ghi nhận thêm 14 ca mắc COVID-19.

Theo đó, trong 14 ca mắc có 3 ca được phát hiện trong quá trình giám sát y tế tại nhà, 8 ca phát hiện ở khu cách ly (hầu hết trở về từ các tỉnh phía Nam). 3 ca mắc trong cộng đồng gồm BN 897277 (SN 1997, ở Hương Văn, TX Hương Trà), BN 897278 (SN 1994 ở Phong Hiền, huyện Phong Điền) và BN 897279 (SN 1985, ở Quảng Vinh, huyện Quảng Điền).

Thừa Thiên Huế ghi nhận 14 ca mắc mới, 3 ca cộng đồng. Ảnh minh họa

Thừa Thiên Huế ghi nhận 14 ca mắc mới, 3 ca cộng đồng. Ảnh minh họa

Theo lãnh đạo UBND thị xã Hương Trà, qua truy vết bước đầu lực lượng chức năng đã xác định được 8 F1 và 166 F2 của BN 897277. Hiện các lực lượng liên quan vẫn đang khẩn trương truy vết và tầm soát những người liên quan đến ca bệnh.

Trong khi đó, liên quan đến BN 897279, BS.CKII. Nguyễn Phương Tuấn – Giám đốc TTYT huyện Quảng Điền cho biết, hiện chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh này. Địa phương nơi bệnh nhân này ở thưa dân cư và đang mùa mưa lũ nên họ cũng ít đi lại. Hiện tại, chúng tôi đã xác định được 38 F1, các F1 cứng đều âm tính.

Như vậy, tính đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1055 ca F0 (trong đó, từ tỉnh/thành phố khác chuyển đến 7 ca). Hiện đang điều trị 189 ca, được điều trị khỏi 862 ca và tử vong 4 ca.

Nguồn:

https://giadinh.net.vn/thua-thien-hue-ghi-nhan-14-ca-mac-moi-3-ca-cong-dong-17221102719392306.htm

Hà Nam phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 qua sàng lọc y tế

Tối 27 và sáng 28/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam công bố thêm 19 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (9 F0 ghi nhận qua sàng lọc y tế).

Luỹ kế từ chiều 19/9 khi bùng phát dịch đến sáng 28/10, toàn tỉnh Hà Nam ghi nhận 886 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã. 

Trong số đó, có 56 ca dương tính được phát hiện thông qua sàng lọc tại cơ sở y tế; 54 ca cộng đồng, còn lại được phát hiện ở các khu cách ly, khu phong tỏa và tại nhà.

Lực lượng công an kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định trong phòng chống dịch COVID-19 ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Lực lượng công an kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định trong phòng chống dịch COVID-19 ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Hà Nam, tình hình dịch bệnh trên địa bàn trong một tháng qua diễn biến phức tạp, khó lường, lây lan nhanh (cả 6/6 huyện, thị, thành phố), tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, đã có 635 bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được điều trị khỏi bệnh và ra viện. Số còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh và các cơ sở y tế trên địa bàn. 

Hiện, toàn tỉnh còn 359 F1 đang cách ly tập trung và 1.213 F1 cách ly tại nhà.

Nguồn:

https://suckhoedoisong.vn/ha-nam-phat-hien-nhieu-ca-mac-covid-19-qua-sang-loc-y-te-169211028104335264.htm

TPHCM cho phép nhà hàng tiệc cưới được phục vụ rượu bia

Chiều ngày 28/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM đã họp báo cung cấp thông tin định kỳ về tình hình dịch bệnh TPHCM.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, từ ngày 28/10, Thành phố cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được buôn bán, phục vụ tại chỗ với thời gian tới 21 giờ hàng ngày.

Về hệ thống nhà hàng tổ chức tiệc cưới, ông Tú cho biết việc sử dụng thức uống có cồn là được phép, kể cả sau 21 giờ. Tuy nhiên, số lượng người tham dự phải tuân thủ theo Chỉ thị 18.

Được kinh doanh trở lại nhưng không được bán rượu bia cho khách khiến nhiều chủ quán lo ê khách

Được kinh doanh trở lại nhưng không được bán rượu bia cho khách khiến nhiều chủ quán lo "ê khách"

“Việc thí điểm bán thức uống có cồn ở TP Thủ Đức và quận 7 nhưng không đồng nghĩa tất cả hàng quán ở 2 địa phương được mở bán, mà tùy theo tình hình thực tế, chính quyền địa phương quyết định nơi nào trong địa phương mình được kinh doanh dịch vụ này” – ông Tú cho biết.

Lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM thông tin thêm, nguồn hàng của Thành phố hiện ổn định, không biến động, khoảng 1.800 tấn/đêm về tại 3 điểm trung chuyển ở chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức. Đến nay, Thành phố đã mở lại 129/234 chợ truyền thống. Dự kiến, từ nay đến hết 31/10, TPHCM mở thêm 16 chợ truyền thống.

Liên quan đến việc chuẩn bị hàng tết, lãnh đạo Sở Công thương thông tin, thông thường như mọi năm, thời gian này Sở đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng tết. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh, đi lại khó khăn nên Sở Công thương đang phối hợp với Sở Công thương các tỉnh để rà soát lại nguồn hàng.

“Dù xảy ra bất cứ trường hợp nào, thì việc cung ứng hàng tết vẫn sẽ đảm bảo đầy đủ như mọi năm – lãnh đạo Sở Công thương khẳng định.

Liên quan đến việc chi trả gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH TP.CM cho biết, tốc độ chi trả hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn đợt thứ 3 là hơn 5,6 triệu người.

“Việc chi trả này sẽ được tiếp tục thực hiện đến cuối tháng, riêng 3 quận huyện đến ngày 7/11 sẽ xong” – ông Lâm nói.

Liên quan đến việc chi trả nhầm gói hỗ trợ tại huyện Hóc Môn, ông Lâm cho biết, lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn đang tiến hành rà soát để có giải pháp phù hợp và kêu gọi người dân tự giác, sử dụng phần mềm CNTT để có những biện pháp tiếp theo.

Chủ quán một cửa hàng buffet lau dọn quán chuẩn bị khai trương trở lại

“Bắt đầu từ tuần sau, 3 đoàn kiểm tra của TP.HCM sẽ kiểm tra tại 21 quận huyện, TP Thủ Đức và có báo cáo cho HĐND TP.HCM” - ông Lâm cho hay.

Về việc người lao động quay trở lại làm việc, ông Lâm cho biết, hiện có 121.321 doanh nghiệp hoạt động trở lại, với số lượng lao động tham gia là 1.897.295 người, trong đó khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao là 1.321 doanh nghiệp hoạt động trở lại với số lượng lao động là hơn 201.000 người.

Về các giải pháp triển khai tiếp theo để đáp ứng nhu cầu tìm việc làm và nhu cầu cần tuyển lao động của các doanh nghiệp TPHCM, ông Lâm cho hay, Sở sẽ phối hợp với Thành đoàn, Liên đoàn lao động quận huyện phối hợp rà soát, lập danh sách người lao động chưa có việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kết nối thông tin, hỗ trợ cho người lao động có việc làm.

Đồng thời, Sở phối hợp với các tỉnh ĐBSCL tổ chức các sàn giao dịch trực tuyến. Dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 29/10 nhằm tư vấn, giao lưu gặp gỡ trực tiếp giữa người lao động đã làm việc ở TPHCM nhưng chưa lên được để trao đổi trực tiếp, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin trực tiếp với các doanh nghiệp, cũng qua đó để doanh nghiệp có cơ hội mời người lao động trở lại làm việc.

“Bên cạnh đó, tiếp tục tư vấn người lao động tham gia tìm kiếm việc làm trên địa bàn TPHCM bằng các giải pháp phù hợp mà từ trước đến nay ngành Lao động thương binh và xã hội đã triển khai” – lãnh đạo Sở LĐ-TB & XH TPHCM nói.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong ngày 27/10, Thành phố có 1.272 bệnh nhân nhập viện, 869 bệnh nhân xuất viện, 25 trường hợp tử vong trong ngày.

Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 27/10: tổng số mũi 1 là 7.163.189; mũi 2 là 5.672.114.

Nguồn

https://tienphong.vn/tphcm-cho-phep-nha-hang-tiec-cuoi-duoc-phuc-vu-ruou-bia-post1388607.tpo

TP HCM chính thức công khai chi phí xét nghiệm Covid-19

Ngày 28-10, Sở Y tế TP HCM đã công khai danh sách các cơ sở y tế được cung ứng dịch vụ xét nghiệm và giá thu xét nghiệm Covid-19.

Sở Y tế TP HCM cho biết tính đến nay, đã có 59 cơ sở y tế trên địa bàn đã được Bộ Y tế thẩm định cho phép thực hiện dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR. Theo quy định, kỹ thuật này được chỉ định để chẩn đoán xác định các ca lâm sàng tại các cơ sở điều trị. 

Ngoài ra, có thể chỉ định để tầm soát các trường hợp mắc Côvid-19 trong cộng đồng và điều tra dịch tễ, các trường hợp này người bệnh không phải đóng phí (do BHYT hoặc ngân sách nhà nước - NSNN chi trả). 

Trường hợp các cơ sở y tế có thực hiện kỹ thuật này (hoặc có hợp đồng với cơ sở được phép thực hiện) nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân (không triệu chứng, xuất cảnh…) thì thu phí xét nghiệm đúng giá theo quy định nếu là cơ sở y tế công lập, theo giá kê khai nếu là cơ sở y tế tư nhân.

Đối với kỹ thuật xét nghiệm kháng nguyên nhanh, tính đến ngày 26-10 đã có 169 cơ sở y tế nộp hồ sơ và đã được Sở Y tế thẩm định cho phép cung ứng dịch vụ kỹ thuật này. Kỹ thuật xét nghiệm kháng nguyên nhanh không thay thế cho xét nghiệm RT-PCR mà chỉ dùng để hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc Covid-19. 

Trường hợp cơ sở y tế công lập thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho các đối tượng ngoài phạm vi chi trả của BHYT và NSNN thì thu theo giá test mua vào. Đối với các trường hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh theo yêu cầu, các cơ sở y tế tư nhân thu theo giá kê khai.

Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tham gia cung ứng dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tiếp tục công khai giá và kê khai giá theo quy định, nộp hồ sơ về Sở Y tế. 

Theo Sở Y tế, Thanh tra của đơn vị tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, thanh tra nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cơ sở y tế cung ứng dịch vụ xét nghiệm COVID-19 không đúng theo quy định.

Nguồn

https://nld.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-chinh-thuc-cong-khai-chi-phi-xet-nghiem-covid-19-20211028143902407.htm

Thừa Thiên Huế ghi nhận 31 ca mắc mới, có 13 ca cộng đồng

Tối 28/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa ghi nhận thêm 31 ca mắc COVID-19.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, trong 31 ca mắc mới này có 9 ca được phát hiện trong khu cách ly tập trung, 9 ca được phát hiện trong quá trình giám sát y tế tại nhà và 13 ca được phát hiện ở cộng đồng.

Trong 13 ca mắc COVID-19 được phát hiện ở cộng đồng: Tại huyện Phong Điền có 1 ca quê quán ở xã Phong Mỹ, 1 ca quê quán ở thị trấn Phong Điền, 2 ca quê quán ở xã Phong Sơn (có 1 ca là F1 của BN 902366).

Tại huyện Quảng Điền có 5 ca quê quán ở xã Quảng Vinh, 1 ca quê quán ở xã Quảng Phú, 1 ca quê quán ở xã Quảng Thành (F1 của BN 897281) và 1 ca quê quán ở xã Quảng Ngạn (F1 của BN 902367). Tại huyện Phú Lộc có 1 ca có quê quán ở thị trấn Lăng Cô (F1 của BN 902373, 902374, 902376).

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến nay tỉnh có 1086 ca F0 (trong đó từ tỉnh/thành phố khác chuyển đến 7 ca). Hiện đang điều trị 220 ca, đã được điều trị khỏi 862 ca, tử vong 4 ca.

Nguồn

https://giadinh.net.vn/thua-thien-hue-ghi-nhan-31-ca-mac-moi-co-13-ca-cong-dong-172211028195746883.htm

5 ca dương tính vừa được ghi nhận ở Quảng Ninh chiều nay là ai?

Chiều nay (28/10), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Những công dân này liên quan đến khu vực cách ly tập trung tại một khách sạn trên địa bàn TP Hạ Long và là F1 của ca dương tính trước đó.

Cụ thể 5 ca dương tính gồm: 1 công dân trong nhóm nhập cảnh từ Nga về Việt Nam ngày 17/10 trên chuyến bay VN62; 4 trường hợp còn lại là nhân viên phục vụ buồng phòng trong khu cách ly, được xác định là F1 của nhân viên phục vụ có kết quả dương tính vào 23/10.

Trường hợp thứ nhất: Công dân Đ.V.C (trú tại tỉnh Nghệ An), trở về Việt Nam trên chuyến bay VN62 ngày 17/10. Từ 17/10 đến 23/10, công dân được cách ly tại khách sạn (phường Hồng Hải, TP Hạ Long).

Từ 24/10 đến 27/10, ca dương tính được chuyển đến cách ly tại phòng 16, Tiểu đoàn 471, Lữ đoàn 147 (phường Đại Yên, TP Hạ Long). Trong quá trình cách ly, công dân được nhân viên lấy mẫu 3 lần, trong đó có 2 lần cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, đến lần lấy mẫu xét nghiệm ngày 27/10 thì cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Trước khi nhập cảnh về Việt Nam, công dân chưa mắc COVID-19 và đã tiêm 1 mũi vaccine vào 6/9/2021.

Trường hợp thứ hai: Gồm 4 công dân đều thường trú trên địa bàn TP Hạ Long; cùng là nhân viên phục vụ buồng phòng tại khách sạn và làm nhiệm vụ trực tiếp phục vụ đoàn công dân trở về từ Nga trên chuyến bay VN62.

Bốn công dân này chưa từng mắc COVID-19, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và trong lần lấy mẫu hôm qua (27/10), những nhân viên phục vụ buồng phòng đều cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. HIện tại 5 ca dương tính đã được chuyển đến Bệnh viện số 2 cách ly, điều trị.

Qua điều tra truy vết của cơ quan chức năng xác định, có 9 trường hợp tiếp xúc, liên quan đến những ca dương tính. Những trường hợp này đang được theo dõi chặt chẽ sức khỏe và được lấy mẫu xét nghiệm.

Được biết, sau khi xác định có sự lây nhiễm từ người cách ly sang nhân viên phục vụ khu cách ly. Ngày 24/10 Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hạ Long đã rà soát, sàng lọc và tiếp tục giữ lại cách ly 14 ngày tại khách sạn cho 13 khách, 75 nhân viên phục vụ. Bao gồm: nhân viên khách sạn, cán bộ y tế, lực lượng an ninh, cán bộ y tế Công ty Hà Thành và chuyển 66 người đi cách ly tại Tiểu đoàn 471 (phường Đại Yên).

Nguồn

https://giadinh.net.vn/5-ca-duong-tinh-vua-duoc-ghi-nhan-o-quang-ninh-chieu-nay-la-ai-172211028170656543.htm

COVID-19 27/10: Test nhanh phát hiện hàng trăm học sinh dương tính COVID-19 tại 3 trường học
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My đã có 159 mẫu test nhanh dương tính COVID-19, 2 điểm trường khác cũng có học sinh dương tính, Sở Y tế tỉnh...

Dịch COVID-19

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19