COVID-19 3/10: Phát hiện 73 ca nhiễm trong một ngày, địa phương ra thông báo khẩn

HÀ ANH - Ngày 03/10/2021 12:14 PM (GMT+7)

Sau khi phát hiện ca nghi nhiễm Covid-19 tại Tp.Phan Thiết và thị xã La Gi, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận có thông báo khẩn.

Ngày 3/10, ông Nguyễn Bá Tòng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận ký Thông báo khẩn số 140, yêu cầu người dân đến các địa điểm dưới đây liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện khai báo, vì có liên quan đến ca mắc Covid-19, cụ thể: Cảng cá Phú Hài (khu vực địa điểm bán cá tại Nhà lồng số 1), thời gian từ 4h30 đến 8h ngày 1/10.

Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đề nghị, người dân đến địa điểm trên cần liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn, giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Thuận, ngày 3/10, tỉnh này phát hiện 73 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Trong số các ca dương tính mới, có 28 ca là F1 trong khu cách ly tập trung, một ca ở khu phong toả, 26 ca qua sàng lọc cộng đồng, 17 ca F1 cộng đồng, một ca sàng lọc tại bệnh viện.

Các trường hợp nhiễm bệnh theo địa phương gồm: Tp.Phan Thiết 50 ca; thị xã La Gi 3 ca; các huyện Hàm Thuận Nam 16 ca, Hàm Thuận Bắc 4 ca.

Liên quan đến các ca bệnh mới, ngày 3/10, tỉnh Bình Thuận truy vết được 103 người F1, 35 người F2.

Tính từ ngày 27/4 đến 18h ngày 3/10, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 3.414 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. 

Trong đó, thị xã La Gi có số ca nhiễm cao với 1.947 trường hợp; Tp.Phan Thiết 905 trường hợp; các huyện Hàm Thuận Bắc 146 trường hợp, Tánh Linh 134 trường hợp, Hàm Thuận Nam 82 trường hợp, Tuy Phong 72 trường hợp, Hàm Tân 52 trường hợp, Đức Linh 47 trường hợp, Bắc Bình 29 trường hợp.

Toàn tỉnh truy vết 6.862 trường hợp F1, 10.318 trường hợp F2, lấy 14.378 mẫu xét nghiệm PCR.

Về công tác cách ly, tỉnh Bình Thuận đang có 1.111 trường hợp được cách ly. Trong đó, cách ly tại cơ sở y tế có 108 trường hợp, các khu cách ly tập trung của địa phương có 684 trường hợp, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí 20 trường hợp, cách ly tại nhà là 299 trường hợp.

Về công tác điều trị, trong ngày, tỉnh Bình Thuận có thêm 28 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi và xuất viện.

Trong đó, Tp.Phan Thiết 11 trường hợp, thị xã La Gi 10 trường hợp, các huyện Hàm Thuận Bắc 7 trường hợp. Như vậy, số bệnh nhân được xuất viện từ ngày 27/4 đến nay là 2.970 trường hợp.

Về công tác kiểm tra y tế tại các chốt kiểm soát, các chốt đường bộ có 935 lượt xe; tại nhà ga, bến cảng có 3 lượt tàu; tổng số người được kiểm tra, giám sát là 8.504 người.

(Theo Người Đưa Tin)

"Ổ dịch" Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình đã ghi nhận 22 ca mắc Covid-19

Ngày 2-10, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cho biết đã phát đi thông báo về việc tạm dừng việc tiếp nhận khám chữa bệnh thông thường do phát hiện nhiều ca mắc Covid-19.

CDC Quảng Bình phun tiêu độc khử trùng tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình

CDC Quảng Bình phun tiêu độc khử trùng tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình

Hôm 28-9, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, đóng trên địa bàn thị xã Ba Đồn, đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 là 1 nữ điều dưỡng tại Khoa Ngoại Tổng hợp.

Ngay sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, Bệnh viện đã tiến hành phong tỏa Khoa Ngoại tổng hợp, cách ly toàn bộ các trường hợp được xác định F1 là cán bộ, nhân viên bệnh viện và một số bệnh nhân, người nhà liên quan.

Đến ngày 30-9, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình đã phát hiện thêm 5 trường hợp bệnh nhân, người nhà tại Khoa Ngoại Tổng hợp mắc Covid-19. Tiếp đó, ngày 1-10, lại ghi nhận 4 trường hợp khác tại Khoa Phụ sản mắc Covid-19.

Ngoài ra, trong ngày 1-10, qua truy vết những người liên quan, ngành y tế các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa còn phát hiện thêm 7 trường hợp khác là sản phụ, người nhà từng đến Khoa Phụ Sản của bệnh viện này dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó 2 ca ở xã Quảng Tiến, 2 ca ở xã Quảng Phú; 3 ca ở xã Mai Hóa.

Trong ngày hôm nay (2-10), ngành y tế thị xã Ba Đồn lại ghi nhận thêm 5 ca F0 khác liên quan đến "ổ dịch" tại Khoa Phụ Sản của Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình. Trong đó, 2 ca ở phường Quảng Thuận, 2 ca ở xã Quảng Tân, 1 ca ở phường Quảng Phong; đều là sản phụ và những người liên quan.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình đã phối hợp với CDC Quảng Bình để xét nghiệm PCR để khẳng định kết quả, đưa các bệnh nhân vào các Cơ sở điều trị Covid-19. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã thực hiện công tác truy vết các trường hợp liên quan, đặc biệt là đối với bệnh nhân, thân nhân, nhân viên y tế tại bệnh viện.

Bệnh viện cũng đã quyết định phong tỏa tạm thời các khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong khuôn viên bệnh viện. Cụ thể, toàn bộ Khối nhà điều hành; Khối nhà B,C,D; Khối nhà G phong tỏa tầng 2 và 3 (trừ các Khoa đã thực hiện cách ly trước) với thời hạn 14 ngày.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Viết Thái - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, cho biết để thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và ngăn chặn kịp thời mầm bệnh phát tán, bệnh viện đã phối hợp với CDC tỉnh tiến hành phun tiêu độc khử khuẩn môi trường; tiến hành khoanh vùng, phong tỏa và thần tốc truy vết các trường hợp liên quan.

Đồng thời để an toàn cho bệnh nhân và người nhà, đơn vị đã thông báo ngừng tiếp người bệnh đến thăm khám đối với các bệnh lý thông thường và chỉ tiếp nhận và điều trị cho người bệnh cấp cứu; đối với các trường hợp khám chữa bệnh thông thường, người bệnh vui lòng liên hệ các Trạm y tế xã, phường và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

(Theo Người Lao Động)

TT-Huế: Bệnh viện dã chiến 'trắng' ca F0, chỉ còn điều trị 63 bệnh nhân COVID-19

Đến nay, toàn tỉnh TT-Huế ghi nhận có 823 ca mắc COVID-19, ngoài 4 trường hợp tử vong, trên địa bàn hiện chỉ còn 63 ca đang điều trị, số bệnh nhân còn lại đã khỏi bệnh.

Cùng với số lượng ca mắc COVID-19 đang điều trị giảm mạnh, có 2 trong tổng số 3 bệnh viện dã chiến của tỉnh là Bệnh viện Bình Điền và Bệnh viện Chân Mây đã “trắng” ca F0. Trước đó, trong nhiều ngày liên tiếp, tại TT-Huế ghi nhận không có ca mới mắc COVID-19.

Từ ngày 29/4 đến nay, tỉnh TT-Huế đã được phân bổ 277.344 liều vắc-xin phòng COVID-19, bao gồm 4 loại: AstraZeneca (187.910 liều), Pfizer (32.178 liều), Moderna (57.120 liều) và Vero Cell (136 liều). Hiện, đã có hơn 132.800 người tiêm 1 mũi vắc-xin và trên 58.700 người tiêm 2 mũi.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, cũng như thực hiện nhiệm vụ phân công của Bộ Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế đã chuẩn bị các phương án để thành lập Trung tâm Hồi tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại cơ sở 2 (xã Phong An, huyện Phong Điền, TT-Huế).

Đó là một phần của Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng” của Bộ Y tế, nhằm sẵn sàng mọi phương án trong trường hợp dịch bệnh phức tạp, để phục vụ điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 từ Quảng Bình đến Khánh Hòa.

Về nhân lực vận hành Trung tâm, cùng với hơn 410 nhân viên hiện làm việc tại cơ sở 2, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ huy động thêm hơn 220 nhân viên y tế, bao gồm gần 160 chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm, từ cơ sở 1 đến hỗ trợ. Tùy theo tình hình số lượng bệnh nhân COVID-19 được tiếp nhận, Bệnh viện sẽ tiếp tục bổ sung, phân bổ nhân lực từ các cơ sở khác khi cần để hỗ trợ cơ sở 2 thực hiện nhiệm vụ thu dung, điều trị hồi sức các bệnh nhân COVID-19 trong khu vực.

(Theo Tiền Phong)

Trên 16.000 người về quê tự phát, Sóc Trăng “cầu cứu” Thủ tướng

Ngày 3/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 kiến nghị chỉ đạo các tỉnh phía Nam siết chặt kiểm soát không để người dân tự ý ra khỏi địa bàn.

Dòng người đi xe máy về quê rất đông, khiến các tỉnh khu vực ĐBSCL có nguy cơ cao không thể kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.

Dòng người đi xe máy về quê rất đông, khiến các tỉnh khu vực ĐBSCL có nguy cơ cao không thể kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh khu vực ĐBSCL nói chung, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành khu vực phía Nam (đặc biệt là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) không cho người dân rời khỏi địa bàn trở về địa phương bằng các phương tiện cá nhân trong thời gian 15 ngày. Từ đó để các tỉnh ĐBSCL tổ chức cách ly, điều trị đối với công dân đã trở về trong những ngày qua.

“Nếu TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An không siết chặt quản lý người dân thì các tỉnh ĐBSCL sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh. Rất mong, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 quan tâm chỉ đạo giúp cho các tỉnh ĐBSCL”, nội dung văn bản kiến nghị của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng nêu.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 30/9 đến nay, số lượng người dân Sóc Trăng từ các tỉnh, thành phố tự phát trở về địa phương bằng các phương tiện cá nhân quá nhiều (trên 24.000 người).

Chỉ tính riêng trong đêm 2/10 rạng sáng 3/10, tại tỉnh Sóc Trăng đã có trên 16.000 người trở về địa phương, vượt quá khả năng cách ly, điều trị của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - Huỳnh Thị Diễm Ngọc trao Quyết định bổ nhiệm ông Chung Tấn Định, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng đảm nhận chức vụ Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 tỉnh Sóc Trăng.

(Theo Báo Giao Thông)

Cà Mau ứng phó ra sao khi hơn 6.000 người về quê tự phát?

Chiều 3/10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Huỳnh Quốc Việt ký văn bản hỏa tốc về việc chưa áp dụng Quy định các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh này.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, ngày 2/10, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 2048 về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Người dân về quê tự phát được được đưa vào khu cách ly dã chiến ở TP Cà Mau để chờ các địa phương bố trí phương tiện rước về cách ly tập trung.

Người dân về quê tự phát được được đưa vào khu cách ly dã chiến ở TP Cà Mau để chờ các địa phương bố trí phương tiện rước về cách ly tập trung.

Tuy nhiên, trong 2 ngày qua, số lượng người dân tự phát trở về địa phương từ các tỉnh, thành phố rất lớn, với trên 6.000 người.

Trong đó, có nhiều người trở về từ các địa phương là vùng dịch. Kết quả xét nghiệm ngày đầu tiên cho hơn 1.000 người, đã có 25 người dương tính với SARS-Cov-2.

Dự báo, trong những ngày tới người dân sẽ tiếp tục về, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh rất cao.

Do đó, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, được sự thống nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chưa áp dụng Quy định về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Cà Mau ban hành tại Quyết định số 2048 kể từ thời điểm 0h ngày 4/10/2021; thời gian áp dụng sẽ được thông báo sau.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu mọi người dân không ra đường khi không có việc thực sự cần thiết để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Theo quyết định 2048, kể từ 0h ngày 4/10, người dân được đi lại trong nội tỉnh; khi có nhu cầu chính đáng đi ra ngoài tỉnh, phải được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép.

Tất cả các loại phương tiện vận chuyển hàng hóa, người điều khiển và người đi theo phương tiện vào địa bàn tỉnh bằng đường bộ, đường thủy, đường biển phải được kiểm soát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu người dân không tập trung quá 10 người ở nơi công cộng ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp.

Giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại nơi công cộng; khuyến cáo người dân không ra đường nếu không thật sự cần thiết.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo tiếp tục tạm dừng các hoạt động như quán bar, vũ trường, karaoke, rạp chiếu phim, phòng game, cơ sở massage, phòng tập gym, yoga, phòng tập thể hình, thể dục dụng cụ, bi da; loại hình kinh doanh ăn, uống có sử dụng rượu, bia...

Các dịch vụ kinh doanh ăn uống được hoạt động, mỗi bàn không quá 4 người, khoảng cách tối thiểu giữa người bàn này với người bàn khác 2m; các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời và trong nhà (không gian rộng) không tập trung quá 10 người.

Dịch vụ du lịch, lữ hành nội tỉnh được phép hoạt động, nhưng mỗi nhóm hoạt động không quá 10 người.

Đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng và vận tải khách du lịch chỉ được hoạt động trong nội tỉnh, không quá 50% số ghế; hành khách phải thực hiện quét mã QR-Code hoặc khai báo y tế khi lên phương tiện.

(Theo Báo Giao Thông)

Test nhanh phát hiện tài xế đường dài TP HCM - Hà Nội nhiễm SARS-CoV-2

Tối 2-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An, cho biết trong 12 giờ qua (từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 2-10), trên địa bàn Nghệ An ghi nhận 6 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó có 1 trường hợp trong cộng đồng, 5 trường hợp còn lại đã được cách ly từ trước.

Trường hợp thứ nhất là anh C.T.P. (SN 1992), trú xóm Minh Quang, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp. Anh P. là tài xế đường dài (TP HCM - Hà Nội). Ngày 24-9, anh P. lái xe di chuyển từ TP HCM ra Hà Nội. Ngày 30-9, anh P. từ Hà Nội về Nghệ An. 

Đến ngày 1-10, khi đến địa bàn huyện Quỳ Hợp thì anh P. xuống xe và được vợ đón về nhà. Ngày 2-10, anh P. đến Phòng khám Đa khoa Đoàn Kết test nhanh Covid-19 kết quả 2 lần đều dương tính SARS-CoV-2. Ngay sau đó, anh P được lấy mẫu xét nghiệm (XN) gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi, chiều ngày 2-10 có kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng cho người dân.

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng cho người dân.

Các trường hợp còn lại là cháu P.H.A.D. (SN 2017); chị L.T.H.T. (SN 1990), cùng trú khối Bình Quang, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò; anh T.T.Q. (SN 1986), trú khối Hải Giang 2, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò; anh N.H.L. (SN 2003), trú khối 4, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò; bà N.T.T.(SN 1981), trú khối 4, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò. Các trường hợp trên là F1 của các bệnh nhân đã công bố trước đó. Ngày 2-10, những người trên được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Như vậy, tính từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 1.858 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 21 địa phương: TP Vinh: 653, Yên Thành: 199, Diễn Châu: 194, Quỳnh Lưu: 147, Cửa Lò: 113, Nam Đàn: 88, Nghi Lộc: 71, Hưng Nguyên: 64, Kỳ Sơn: 62, Quế Phong: 52, Đô Lương: 43, Tương Dương: 29, Nghĩa Đàn: 27, Tân Kỳ: 24, Hoàng Mai: 22, Thanh Chương: 17, Con Cuông: 16, Anh Sơn: 15, Quỳ Hợp: 15, Thái Hòa: 6, Quỳ Châu: 1... 

Lũy tích số bệnh nhân đang điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 1.778 người, số tử vong: 18 người, bệnh nhân đang điều trị: 56 người.

(Theo Người Lao Động)

Công dân về Đắk Lắk phải trả chi phí cách ly tập trung

Sáng 3-10, UBND tỉnh Đắk Lắk thông báo về việc thống kê nhu cầu người dân từ các tỉnh trở về địa phương.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, để xây dựng kế hoạch tiếp nhận công dân từ các tỉnh, thành trở về Đắk Lắk phù hợp với tình hình thực tế và sát với nhu cầu của người dân, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai bản cam kết phòng chống dịch bệnh Covid-19 đến từng hộ gia đình trên địa bàn. Tổng hợp số lượng công dân đăng ký trở về địa phương gửi về Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk trước ngày 8-10.

Sau đó, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk sẽ tổng hợp nhu cầu, tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch, phương án tiếp nhận cụ thể. Trong đó, lưu ý trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, thành và rà soát khả năng của tỉnh để có các phương án tiếp nhận phù hợp.

Đối với công dân đã tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19 khi về Đắk Lắk thì cách ly tại nhà. Đối với công dân đã tiêm 1 mũi vắc-xin thì cách ly tại khu cách ly tập trung của các huyện, thị xã, thành phố. Công dân chưa tiêm vắc-xin thì cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh.

Đáng chú ý, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu công dân phải trả tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày và 40.000 đồng/người/ngày chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt khi cách ly tập trung.

Như vậy, nếu mỗi công dân về cách ly tập trung 14 ngày phải trả chi phí hơn 1,6 triệu đồng.

Trong ngày 2 rạng sáng 3-10, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận hàng ngàn người dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

(Người Lao Động)

Giám đốc Công an Bình Dương nói về vụ bệnh nhân tử vong vì cơ sở y tế không tiếp nhận

Liên quan đến vụ người đàn ông tử vong sau khi đến các cơ sở y tế nhưng không được tiếp nhận, ngày 3/10, đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã thông tin diễn biến tiếp theo.

Theo đại tá Quyên, tối 13/8, ông N.D (SN 1964, tạm trú tại TP Dĩ An, Bình Dương) đang ăn mì thì có biểu hiện ngất xỉu. Sau đó, người nhà đưa ông đi cấp cứu. Khoảng 20h ngày 13/8, ông D. được đưa đến Trung tâm Y tế (TTYT) TP Dĩ An bằng xe tải. Khi đến trước cổng cơ sở y tế này, người nhà ông D. thấy có biển thông báo không tiếp nhận bệnh thông thường vì đang điều trị COVID-19.

Khoảng 22h30 cùng ngày, người nhà đưa ông D. đến phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng. Tại đây, ông D. được cấp cứu nhưng do bệnh nặng, vượt quá khả năng nên phòng khám này chuyển ông D. đến Bệnh viện Quân Y 4. Tuy nhiên, Bệnh viện Quân y 4 đang cấp cứu ca F0 và phun khử khuẩn nên hướng dẫn đưa người bệnh đến bệnh viện Đa khoa Thủ Đức.

Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương thông tin về vụ việc

Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương thông tin về vụ việc

Người nhà không đưa bệnh nhân đến bệnh viện Đa khoa Thủ Đức mà đến phòng khám Đa khoa Nam Anh. Khi được hỏi có nhận cấp cứu không, bảo vệ phòng khám nói có, nhưng khuyên nếu bệnh nặng nên chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho an toàn. Sau đó, người nhà đưa bệnh nhân về nhà. Bệnh nhân tử vong vào rạng sáng ngày 14/8.

Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, làm rõ. Ngày 19/8, Sở Y tế Bình Dương ra quyết định tạm dừng hoạt động phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng để điều tra.

Vẫn theo đại tá Quyên, quá trình điều tra không xác định dấu hiệu tội phạm hình sự. Do đó, sau khi xác định vi phạm tại phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng, công an đã yêu cầu thanh tra Sở Y tế phối hợp rút giấy phép hoạt động hành nghề của vị bác sĩ trực chính, người trực tiếp thăm khám ban đầu cho bệnh nhân nhưng lại để người nhà tự đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế khác.

Riêng đối với Bệnh viện Quân Y 4, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho biết thuộc thẩm quyền xác minh của cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, đến nay phía công an chưa nhận được thông tin phản hồi nên chưa có ý kiến. Đối với 3 cơ sở y tế còn lại, ngành y tế chỉ nhắc nhở vì không xác định được việc từ chối nhận bệnh.

Trước đó, nhằm đảm bảo không gián đoạn công tác khám chữa bệnh trong thời dịch chống dịch COVID-19, Sở Y tế Bình Dương đã ban hành hàng loạt công văn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn địa bàn đảm bảo tiếp nhận, thu dung người bệnh đến khám chữa bệnh, không được từ chối tiếp nhận người dân có nhu cầu khám chữa bệnh.

(Theo Tiền Phong)

Hà Nội: Xe khách giường nằm lén lút đưa người rời thành phố

Sáng 3/10, thông tin từ đội CSGT số 6, phòng CSGT Công an TP.Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phát hiện, xử lý một xe khách giường nằm hoạt động lén lút với mục đích đưa người ra khỏi thành phố.

Theo đó, khoảng 22h tối 2/10, tổ tuần tra Đội CSGT đường bộ số 6 làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên tuyến Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng. Khi đi đến trước cửa số nhà 12 Phạm Văn Đồng thì tổ công tác phát hiện 10 người đi từ hầm đi bộ lên xe khách BKS 29B – 600.06 đang dừng, đỗ ở lề đường.

Cả 10 hành khách không xuất trình được giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Cả 10 hành khách không xuất trình được giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Qua kiểm tra, xe ô tô giường nằm đang có 10 hành khách. Các hành khách cho biết đã đặt xe của Công ty dịch vụ du lịch giường nằm cao cấp Trần Anh để đi từ TP.Hà Nội về các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Lái xe là Trần Văn Du (SN 1977 trú tại Hoàng Liệt,  quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội). Khi được yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, cả 10 hành khách đều không xuất trình được.

Tổ công tác đã bàn giao người điều khiển, phương tiện cùng toàn bộ hành khách trên xe về Công an phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy để xử lý theo quy định. Được biết đối với các lỗi vi phạm về trật tự an toàn giao thông và vi phạm quy định phòng chống dịch, lái xe sẽ bị xử phạt số tiền gần 30 triệu đồng.

(Theo Dân Việt)

NÓNG: Người dân TP HCM chỉ cần sử dụng Y tế HCM là biết về tiêm vắc-xin, xét nghiệm, F0 khỏi bệnh

Sáng 3-10, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã có hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin để người dân; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; sở, ban, ngành và các quận huyện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại thành phố từ ngày 1-10.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết nhằm phục vụ kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại thành phố từ ngày 1-10, Sở đã phối hợp với Sở Y tế, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành khai thác dữ liệu, tích hợp mã QR với các thông tin về tiêm vắc-xin, xét nghiệm, F0 phục hồi trên ứng dụng Y tế HCM.

Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng an toàn với dịch

Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng an toàn với dịch

Bà Võ Thị Trung Trinh cho hay hiện nay thành phố đã liên thông kết nối các với cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và thành phố (HCM LGSP), phát triển kho dữ liệu dùng chung của thành phố với dữ liệu lớn (big data) về mã QR cá nhân, mã QR địa điểm, khai báo y tế điện tử, tiêm vắc-xin, thông tin về F0 đã phục hồi.

Đồng thời phát triển dữ liệu mở (open data) để chia sẻ cho doanh nghiệp khai thác phục vụ công tác phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cục Hàng không đề nghị Hà Nội mở lại đường bay nội địa

Cục Hàng không vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội xin ý kiến về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ đi, đến Nội Bài trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

Theo nhà chức trách hàng không, dự kiến ngày 5-10 sẽ khôi phục đường bay nội địa, với 385 chuyến bay khứ hồi/ngày. Trong đó, Hà Nội sẽ khai thác 91 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày đi và đến các tỉnh, thành phố gồm: TP.HCM, Kiên Giang (Phú Quốc, Rạch Giá), Nghệ An, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Quảng Nam, Cần Thơ, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Đắk Lắk.

Các đường bay nội địa dự kiến sẽ khôi phục vào ngày 5-10. Ảnh: V.LONG

Các đường bay nội địa dự kiến sẽ khôi phục vào ngày 5-10. Ảnh: V.LONG

Các đường bay trên sẽ do các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines khai thác. Trong đó, đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM có tần suất khai thác nhiều nhất với 28 chuyến khứ hồi mỗi ngày.

Theo Cục Hàng không, sân bay quốc tế Nội Bài là đầu mối giao thông trọng điểm trong mạng bay nội địa và quốc tế, do vậy việc khai thác các chuyến bay nội địa thường lệ đi, đến sân bay này rất quan trọng và thiết yếu.

Trước đó, ngày 27-9, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ GTVT đề nghị không khai thác các đường bay chở khách đi và đến Hà Nội. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đều là sân bay lớn nhất cả nước, việc đóng cửa sân bay Nội Bài ảnh hưởng rất lớn đến việc khôi phục lại mạng bay nội địa và hoạt động giao thương cũng như kế hoạch nới lỏng của các địa phương.

Theo hướng dẫn của Bộ GTVT, hành khách đi máy bay thời gian tới phải khai báo y tế theo quy định, xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.

Người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng không phải xét nghiệm.

(Pháp luật TPHCM)

Đón con trai đang cách ly tập trung về nhà "làm vía", Bí thư xã bị đình chỉ công tác

Tối 2-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, cho biết đơn vị này vừa quyết định tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với ông Xồng Vả Dềnh, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Phòng, chống dịch Covid-19 xã Na Ngoi, do thiếu trách nhiệm, thiếu gương mẫu trong công tác phòng chống dịch.

Trước đó, vào ngày 5-9, anh X.B.T., con trai ông Dềnh là sinh viên Trường Đại học Y khoa Vinh, đi từ TP Vinh về quê xã Na Ngoi. Anh T. sau đó được đưa đi cách ly tập trung ở bản Na Cáng 14 ngày theo quy định. Tuy nhiên, đến ngày 9-9, vợ chồng ông Dềnh đã đến đón T. về "làm vía" và học online dù mới chỉ cách ly được 4 ngày. 

Thấy con trai Bí thư xã được ưu ái về nhà, nhiều người khác đang cách ly tập trung ở đây liền phản đối bằng cách gọi người nhà đến đón về, không tiếp tục cách ly theo quy định. 

Vụ việc được báo cáo lên Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện Kỳ Sơn. Lực lượng chức năng sau đó phong tỏa ngôi nhà ông Dềnh đang sinh sống, đồng thời đưa 7 thành viên trong gia đình ông đi cách ly tập trung.

"Hiện chúng tôi đã tạm đình chỉ công tác đối ông Xồng Vả Dềnh, sau khi ông này hoàn thành cách ly, đơn vị sẽ xử lý kỷ luật theo quy định" - ông Vi Hòe khẳng định.

(Người lao động)

Covid-19: Nhật Bản đưa cuộc sống về "bình thường mới" ra sao?

Người dân tại 13 tỉnh ở Nhật Bản sẽ phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 72 giờ khi tới nhà hàng, quán bar, sân vận động, rạp hát, các địa điểm tổ chức chương trình âm nhạc.

Nhật Bản sẽ thử nghiệm sử dụng chứng nhận tiêm chủng đối với người vào nhà hàng, quán bar và những địa điểm tập trung đông người.

Nhật Bản sẽ thử nghiệm sử dụng chứng nhận tiêm chủng đối với người vào nhà hàng, quán bar và những địa điểm tập trung đông người.

Đây cũng là cách để Nhật Bản xác lập quy trình phản ứng trong trường hợp phát hiện ca nhiễm Covid-19 ở những địa điểm trên. Một trong số các biện pháp bao gồm lưu trữ thông tin của tất cả các vị khách.

Trước mắt, Nhật Bản sẽ thí điểm áp dụng việc kiểm tra chứng nhận tiêm chủng tại 13 tỉnh, gồm Hokkaido, Saitama, Chiba, Kanagawa, Aichi, Ishikawa, Shiga, Kyoto, Osaka, Hyogo, Fukuoka, Kumamoto và Okinawa.

Việc thí điểm nhằm hạn chế áp dụng các biện pháp phòng dịch trên diện rộng, tạo điều kiện nối lại các hoạt động kinh tế và xã hội, kể cả trong trường hợp xảy ra làn sóng dịch mới. Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch áp dụng thử nghiệm trong lĩnh vực du lịch.

Tại nhà hàng, nhóm thực khách gồm 5 người sẽ được dùng bữa cùng nhau. Thời gian mở cửa nhà hàng có thể được kéo dài nếu chính quyền địa phương xác nhận các nhà hàng này đã tuân thủ các biện pháp mới.

Nhật Bản cũng kiểm tra chứng nhận tiêm chủng tại các sự kiện quy mô lớn từ ngày 6.10, bao gồm một trận đấu bóng đá ở giải J-League diễn ra tại tỉnh Aichi.

Hơn 10.000 cổ động viên dự kiến sẽ tới xem trận đấu này. Nhà chức trách cũng áp dụng công nghệ xác định mật độ người tham gia, độ ồn của đám đông và tỉ lệ người đeo khẩu trang,

Hôm 30.9, Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trên phạm vi rộng, khi số ca mắc mới liên tục giảm.

"Trong khi duy trì sự cảnh giác cao độ với dịch bệnh, chúng ta sẽ dần nới lỏng các hạn chế trong dịch vụ ăn uống. Từ bây giờ, cuộc chiến với COVID-19 sẽ bước sang một giai đoạn mới”, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nói.

(Theo Dân Việt)

Trẻ 5 tuổi thuộc “vùng xanh” ở Đắk Lắk được đến trường

Chiều tối 2/10, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk ký văn bản về việc tổ chức dạy học từ ngày 4/10.

Theo đó, đối với các địa phương “vùng xanh”: Mầm non, cho phép trẻ 5 tuổi được đến trường, lớp để học tập với điều kiện giáo viên và trẻ đều đang cư trú tại “vùng xanh”; còn trẻ ở các độ tuổi khác tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.

Từ cấp tiểu học trở lên, học sinh được đến trường học trực tiếp với điều kiện giáo viên, học sinh đều đang cư trú tại “vùng xanh”.

Đối với các địa phương thuộc “vùng vàng”, “vùng cam”, “vùng đỏ”: Mầm non tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo mới. Từ cấp tiểu học trở lên, tiếp tục dạy học bằng hình thức gián tiếp (trực tuyến, truyền hình, hướng dẫn giao bài tại nhà).

Khuyến khích hình thức giao bài ở những nơi điều kiện học trực tuyến, học trên truyền hình gặp khó khăn. Khi học sinh đi học trở lại phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Sở Giáo dục và Đào tạo giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các trường THPT, trường phổ thông nhiều cấp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định hình thức tổ chức dạy học đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Các cơ sở giáo dục tiếp tục quán triệt giáo viên, cán bộ, nhân viên và hướng dẫn phụ huynh, học sinh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành giáo dục và ngành y tế...

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các biện pháp phòng, chống dịch ở đơn vị, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về yêu cầu phòng, chống dịch.

Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục do chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm.

(Theo Người Đưa tin)

Số ca tử vong do COVID-19 tại TP.HCM giảm kỷ lục

Theo Bộ Y tế, cùng với tốc độ giảm mạnh ca mới nhiễm và ca bệnh diễn tiến nặng, số ca tử vong vì COVID-19 trong ngày tại TP.HCM đã giảm xuống mức kỷ lục còn 79 trường hợp (kể từ khi đỉnh dịch bùng phát hồi tháng 8-9/2021).

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM ngày 3/10 cho biết, đến nay tình hình thu dung điều trị COVID-19 đang có chiều hướng giảm nhanh, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 26.345 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 15.695 người.

Số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2 và 3 là 29.352 người. Giai đoạn cao điểm trung bình mỗi ngày có tới hơn 100.000 người thuộc các nhóm trên phải theo dõi, điều trị. Đến ngày 3/10, số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị là 2.788 trường hợp. Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 243 người.

Trong ngày cả nước ghi nhận 114 ca tử vong tại: TP. Hồ Chí Minh (79), Bình Dương (20), Đồng Nai (4), Tiền Giang (4), Kiên Giang (2), Tây Ninh (1), Đồng Tháp (1), Cần Thơ (1), Bình Thuận (1), Bạc Liêu (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 155 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.715 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 136/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, trong ngày, cả nước cũng có 28.859 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi tại Việt Nam lên 693.797 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.498 ca, trong đó, số ca thở ô xy qua mặt nạ là 4.318 ca; Số ca thở ô xy dòng cao HFNC là 1.092; Số ca thở máy không xâm lấn là 248 ca; Số ca thở máy xâm lấn là 814 ca; Số ca can thiệp tim phổi nhân tạo là 26 ca.

(Theo Dân Việt)

Các tỉnh miền Tây kiến nghị tạm ngưng cho người dân về quê tự phát

Trưa ngày 3/10, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Sóc Trăng cùng 12 tỉnh ĐBSCL vừa kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tạm ngưng cho người dân tự phát về quê.

“Một tuần qua, Sóc Trăng tiếp nhận khoảng 30.000 người dân tự phát về quê. Riêng đêm 2/10, có hơn 20.000 người trở về. Nếu như sắp tới người dân trở về ồ ạt như thế này, các khu cách ly không còn sức chứa. Chính vì thế, địa phương kêu gọi người dân không nên trở về trong lúc này”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói.

Tại trạm kiểm soát T2 (cửa ngõ chính vào tỉnh An Giang), lượng người đổ về rất đông.

Tại trạm kiểm soát T2 (cửa ngõ chính vào tỉnh An Giang), lượng người đổ về rất đông.

Theo ghi nhận của phóng viên vào sáng nay (3/10), tại chốt kiểm soát T2-cửa ngõ chính vào tỉnh An Giang, dòng người từ các tỉnh như Bình Dương, TP. HCM, Long An… vẫn tiếp tục nối đuôi nhau đổ về đây. Lực lượng chức năng tỉnh An Giang được tăng cường nhằm kiểm soát tình hình an ninh trật tự và yêu cầu người dân không được tự ý di chuyển sâu vào địa phận TP. Long Xuyên.

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã tổ chức phát cơm, bánh mì, sữa và nước uống miễn phí cho người dân trong thời gian chờ địa phương bố trí vào khu vực tiếp nhận tạm thời, để sàng lọc và đưa về các khu cách ly ở các huyện, thị xã, thành phố theo địa chỉ thường trú.

Ông Thạch Sơn-người dân huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho biết, ông làm thuê cho công ty may mặc ở TP. HCM. Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên hơn 3 tháng nay công ty đóng cửa. Vợ chồng ông Sơn rơi vào cảnh thất nghiệp, trong khi đó tiền ăn uống, điện nước phải chi trả.

“Hai vợ chồng chạy xe máy xuyên đêm mới về đến đây. Trên đường về, chúng tôi được các anh CSGT ở chốt kiểm soát dịch Tiền Giang, Vĩnh Long hỗ trợ đồ ăn, nước uống. Tôi đồng ý làm các thủ tục cách ly y tế theo quy định”, ông Sơn bộc bạch.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Tuyến – ngụ huyện Châu Thành, An Giang chia sẻ: “Gia đình tôi cầm cự ở TP. HCM từ nhiều tháng qua. Thế nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa có việc làm trở lại, trong khi kinh phí sinh hoạt đã hết. Thế nên, chúng tôi tìm cách về quê. Nếu không về, gia đình tôi không còn cách nào khác để bám trụ TP. HCM. Lần trở về quê này, tôi cũng không biết khi nào quay trở lại”.

Lực lượng chức năng An Giang đã hướng dẫn người dân vào các điểm tập trung tạm thời trên địa bàn thành phố Long Xuyên để sàng lọc, phân loại từng đối tượng nhằm bố trí cách ly hợp lý.

Ngoài ra, ngành chức năng An Giang tổ chức xét nghiệm nhanh cho những công dân này. Các trường hợp âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được bàn giao cho các huyện, thị xã, thành phố theo địa chỉ thường trú đón về và thực hiện cách ly theo quy định.

Riêng các trường hợp đã tiêm 2 mũi vắc xin từ đủ 14 ngày trở lên hoặc là F0 đã khỏi bệnh, sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 sẽ thực hiện tự cách ly, theo dõi tại nhà, có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang hiện có khả năng cách ly tập trung khoảng 8.000 người. Thế nhưng số người về quê tự phát hiện đã hơn 20.000.

“Nếu người dân về nữa thì quá tải cho khu cách ly và công tác phòng chống dịch của địa phương. Hai đêm qua, cán bộ từ tỉnh đến xã đều phải căng mình xử lý”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Còn tại Kiên Giang, trên địa bàn huyện Tân Hiệp trong đêm qua có gần 3.000 người dân đổ về gây rất nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác phân luồng, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Thượng tá Huỳnh Văn Hung, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cho biết, trước tình hình trên, tỉnh đã nhanh chóng điều động tăng cường nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng vũ trang tỉnh để phối hợp với Ban CHQS huyện và các lực lượng chức năng tiến hành phân luồng, lập danh sách cũng như quản lý người dân tại khu vực tập trung.

Song song đó, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cũng đã điều động nhiều phương tiện vận tải, tổ cứu thương và xe cấp cứu để hỗ trợ địa phương xét nghiệm nhanh sàng lọc cho người dân. Gần như trắng đêm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đều tập trung hết quân số để hỗ trợ người dân nhanh nhất có thể, giảm tải lưu lượng người trở về đối với huyện Tân Hiệp.

(Theo Dân Việt)

 Bộ Công an: Tích hợp thẻ xanh COVID vào thẻ CCCD gắn chip
Công dân sử dụng duy nhất thẻ CCCD gắn chip sẽ được tích hợp thông tin thẻ xanh, tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe…

Tin tức 24h

HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19