Trong 24 giờ qua, địa phương này ghi nhận 404 trường hợp có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Đáng lưu ý, đây là số ca mắc COVID-19 cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày của tỉnh Bạc Liêu trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4.
Số ca nhiễm cộng đồng tăng cao kỷ lục, 1 địa phương nâng cấp độ dịch
Theo bản tin cập nhật lúc 06 giờ sáng ngày 30/10/2021 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, trong 24 giờ qua, địa phương này ghi nhận 404 trường hợp có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trong đó, 149 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng, 185 trường hợp ghi nhận tại các khu cách ly tập trung, 50 trường hợp ghi nhận tại các khu phong toả, 20 trường hợp về từ các tỉnh/thành phố.
Ảnh minh hoạ.
Đáng lưu ý, đây là số ca mắc COVID-19 cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày của tỉnh Bạc Liêu trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Trong đó, 149 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng ở hầu hết các địa phương như huyện Phước Long, Vĩnh Lợi, Hồng Dân Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai. Đặc biệt, thị xã Giá Rai có số ca nhiễm trong cộng đồng cao nhất với 70 ca, phát hiện qua truy vết các trường hợp có liên quan đến chuỗi lây nhiễm của Công ty TNHH Tấn Khởi, Công ty TNHH thủy sản Châu Bá Thảo và tầm soát cộng đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều đã ký quyết định nâng cấp độ dịch Covid-19 từ cấp độ 2 (vàng) lên cấp độ 4 (đỏ) đối với địa bàn thị trấn Gành Hào thuộc huyện Đông Hải và xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu). Thời gian áp dụng từ 0h ngày 31/10/2021.
TP.HCM dự kiến tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu
Tuổi Trẻ đưa tin, chiều ngày 30/10, Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 của ngành y tế TP.HCM trong đợt dịch thứ 4 đã được tổ chức tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).
Thông tin tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc sở Y tế TP.HCM cho biết Sở đang đề xuất với UBND TP.HCM tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tháng 11/2021 và 12/2021, tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên năm 2022.
Theo đề xuất, kế hoạch dự kiến 2 tháng cuối năm 2021 của ngành y tế TP.HCM là tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi; tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và tiêm nhắc mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Sang năm 2022, ngành y tế TP.HCM dự kiến sẽ triển khai tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, bên cạnh đó tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 3 và mũi 4 cho người đủ thời gian theo quy định của bộ Y tế.
Theo Lao Động, tính đến ngày 28/10, TP.HCM có hơn 7,1 triệu người được tiêm mũi 1 và hơn 5,6 triệu người được tiêm mũi 2.
Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn đang được TP.HCM tích cực triển khai trên tinh thần nhanh chóng, tận dụng mọi thời điểm để tiêm.
TP.HCM hiện đang trong thời gian triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12 – 17 tuổi trên diện rộng. Để trẻ sớm được tiếp cận vaccine, sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở tiêm chủng phải có kết luận đúng trẻ nào đủ điều kiện tiêm, chống chỉ định, trì hoãn, thận trọng tiêm hoặc cần tiêm tại bệnh viện; không tự ý chỉ định tạm hoãn tiêm trẻ.
Theo kế hoạch tiêm chủng diễn ra trong vòng 7 ngày, TP.HCM có 780.000 trẻ được tiêm. Nguồn vaccine Pfizer của bộ Y tế phân bổ trước đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên còn tồn kho gần 700.000 liều, khả năng sẽ đủ khi tiêm cho trẻ em.
Nguyên nhân là do trên thực tế, có nhiều trẻ nơi ở và nơi theo học không chung quận huyện, khi lên danh sách sẽ bị trùng, từ đó có một số điểm tiêm dư vaccine ngừa COVID-19. Số vaccine dư này sẽ được chuyển về điểm tiêm còn thiếu nên số vaccine tồn kho cơ bản sẽ đủ.
Nguồn:
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tp-hcm-du-kien-tiem-vaccine-ngua-covid-19-mui-3-cho-nhom-nguy-co-cao-luc-luong-tuyen-dau-a517739.html
Bình Dương tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ 15-17 tuổi từ ngày 31-10
Ngày 30-10, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh này đã chuẩn bị sẵn sàng để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ trên địa bàn từ ngày 31-10 đến 2-11.
Đối tượng trong đợt tiêm này là trẻ từ 15-17 tuổi trong các trường học công lập, ngoài công lập, các cơ sở bảo trợ xã hội, các địa phương. Dự kiến, tổng số liều vắc-xin tiêm cho trẻ trong đợt này là 58.500 liều Pfizer.
Theo thống kê từ các địa phương, ước tính trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 180.000 trẻ từ 12-17 tuổi. Sở Y tế Bình Dương cũng đã có công văn gửi Bộ Y tế dự trù nhu cầu vắc-xin Pfizer mũi 1 cho trẻ 12 -17 tuổi là khoảng 180.000 liều.
Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã triển khai tiêm hơn 3,7 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong tổng số hơn 5,3 triệu liều được Bộ Y tế phân bổ. Theo thống kê, hơn 2,3 triệu người được tiêm mũi 1, đạt 96% dân số từ 18 tuổi trở lên ở Bình Dương.
Nguồn:
https://nld.com.vn/thoi-su/binh-duong-tiem-vac-xin-covid-19-cho-tre-15-17-tuoi-tu-ngay-31-10-20211030121953352.htm
Hậu Giang tái lập các điểm khai báo y tế với người vào tỉnh
Chiều 30-10, trao đổi qua điện thoại với PV PLO, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Hậu Giang xác nhận trong cuộc họp sáng cùng ngày ông đã chỉ đạo các địa phương tái lập các điểm khai báo y tế ra vào địa bàn.
Theo người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang, trước đây do tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, từ đó tỉnh triển khai nới lỏng đi lại theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo dỡ bỏ các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên quốc lộ, thay vào đó, giao cho UBND các địa phương xem xét thành lập các điểm khai báo y tế đối với người ra, vào địa phương.
“Ngay trong cuộc họp sáng nay, tôi đã nghiêm khắc phê bình các địa phương đã buông lỏng không lập điểm kiểm soát. Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh tùy tình hình thực tế triển khai ngay các điểm khai báo dành cho người vào tỉnh” - ông Đồng Văn Thanh cho biết.
Đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh từ sau khi thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho hay gần đây tỉnh liên tiếp ghi nhận nhiều ca mắc mới. Trong đó, hầu hết là người từ tỉnh ngoài về; người địa phương ra ngoài tỉnh làm ăn, thăm thân trở về. Mặt khắc, có một số trường hợp là người đã tiêm đủ liều vaccine, thực hiện cách ly tại nhà nhưng không chấp hành đúng đủ thời gian theo quy định của ngành y tế làm dịch bệnh trở nên phức tạp.
“Qua đánh giá tại cuộc hợp sáng nay, bên cạnh việc chỉ đạo tái lập các điểm khai báo y tế khi vào địa phương, tôi đã chỉ đạo tiếp tục phát huy thế mạnh của Tổ COVID cộng đồng trong rà soát, phát hiện ca mắc cũng như kiểm soát việc thực hiện cách ly tại nhà đối với người dân” - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin thêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng khuyến cáo người dân địa phương khi chưa tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19, hoặc không có công việc thật sự cần thiết thì nên hạn chế đi lại các vùng dịch, đến các nơi tập trung đông người để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thống kê đến sáng 30-10, Hậu Giang đã ghi nhận 1.375 ca mắc COVID-19, trong đó, từ tối 29-10 đến sáng 30-10, tỉnh này phát hiện 55 ca mắc mới. Trong số những ca mắc COVID-19 mới, có tám trường hợp là người về từ ngoài tỉnh, 12 trường hợp là ca mắc cộng đồng mới ghi nhận tại xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A), ba trường hợp là nhân viên làm nhiệm vụ tại BV Dã chiến Châu Thành A, còn lại là mắc mới liên quan ổ dịch đã phát hiện trước đây.
Nguồn:
https://plo.vn/thoi-su/hau-giang-tai-lap-cac-diem-khai-bao-y-te-voi-nguoi-vao-tinh-1024957.html
Lợi dụng dịch COVID-19, tiểu thương bán công khai gần 300 hộp "thuốc chữa COVID-19" nhập lậu
Ngày 30/10, Tổng cục QLTT cho biết, đội QLTT số 3 (Cục QLTT Hà Nội) vừa phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện, thu giữ gần 272 hộp thuốc nhãn hiệu "ABIDOL" tại cơ sở kinh doanh sản phẩm phục vụ trẻ em BabyFamily (phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý), do Nguyễn Thị T (SN 1985) làm chủ.
Cận cảnh sản phẩm "ABIDOL" nhập lậu vừa bị quản lý thị trường thu giữ tại Hà Nam.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở, sản phẩm trên là thuốc hỗ trợ phòng, chống COVID-19 với các thông tin trên bao bì do nước ngoài sản xuất. Tuy nhiên, chủ cơ sở không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến lô thuốc trên.
Cục QLTT Hà Nam đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số thuốc trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, lực lượng QLTT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp với các lực lượng chức năng trong tỉnh để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vi phạm về tân dược và thiết bị y tế.
Nguồn:
https://giadinh.net.vn/loi-dung-dich-covid-19-tieu-thuong-ban-cong-khai-gan-300-hop-thuoc-chua-covid-19-nhap-lau-172211030110603632.htm
Nghệ An ghi nhận 3 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng ở 2 địa phương
Sáng 30/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An, trong 12 giờ qua (từ 18h00 ngày 29/10 đến 06h00 ngày 30/10), tỉnh ghi nhận 10 ca dương tính mới với Covid-19 tại 6 địa phương (Quỳnh Lưu 3 ca, Hưng Nguyên 2 ca, Thái Hòa 2 ca, Diễn Châu 1 ca, Tương Dương 1 ca, Tp.Vinh 1 ca). Trong đó, có 3 ca cộng đồng (Tx.Thái Hòa 2 ca, Tp.Vinh 1 ca), 7 ca đã được cách ly từ trước.
Thông tin cụ thể bệnh nhân mắc Covid-9 mới như sau:
Bệnh nhân T.Đ.H., nam, SN 1986, trú tại khối Quang Minh, phường Quang Phong, Tx.Thái Hoà. Người này từ tỉnh Bình Phước về Tx.Thái Hòa ngày 22/10. Ngày 22/10, anh H. được test nhanh cho kết quả âm tính. Ngày 29/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi, sáng 30/10 cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân C.T.B., nữ, SN 1988, là vợ của bệnh nhân T.Đ.H. đã được công bố cùng lúc. Ngày 29/10, chị B. được lấy mẫu gửi Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi, sáng 30/10 cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân L.H.H., nữ, SN 1965, trú tại khối 12, phường Trung Đô, Tp.Vinh. Ngày 29/10, bà H. có triệu chứng sốt, đau họng, mệt mỏi nên đến trạm y tế để khám và được làm test nhanh cho kết quả nghi ngờ. Ngay sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu gửi CDC, sáng 30/10 cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Liên quan đến 5 ca nhiễm là thành viên trong một gia đình, gồm bố mẹ và 3 người con, trú tại xóm Văn Học, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu được công bố vào sáng 29/10, chính quyền địa phương đã tiến hành phong tỏa và xét nghiệm sàng lọc cho người dân trong khu vực.
Theo điều tra dịch tễ ban đầu, trong 5 ca nhiễm Covid-19 mới này có 3 học sinh ở 3 lớp, do đó, số F1 là học sinh cùng lớp, giáo viên tương đối lớn. Đến nay, địa phương đã xác định được 257 trường hợp F1 của 5 F0 nói trên, trong đó hơn 100 F1 là học sinh, giáo viên của trường.
Địa phương cũng đã bố trí các điểm cách ly tập trung bao gồm Trường Mầm non Quỳnh Bảng và một nhà nghỉ trên địa bàn. Tùy theo số lượng các trường hợp tiếp xúc được phát hiện mới sau khi truy vết, xã Quỳnh Bảng sẽ bố trí thêm 2 khách sạn và trường Tiểu học làm điểm cách ly để đảm bảo an toàn.
Lũy tích từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2.411 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 21 địa phương. Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 2.058 bệnh nhân. Lũy tích số bệnh nhân tử vong 20 ca. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 333 ca.
Tổng số công dân từ các tỉnh phía Nam về từ ngày 1/10 đến nay là 25.829; phát hiện 350 ca dương tính (347 ca nhiễm mới, 3 ca tái dương tính).
Nguồn:
https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-ghi-nhan-3-ca-nhiem-covid-19-cong-dong-o-2-dia-phuong-a532160.html
Thống nhất sử dụng ứng dụng PC-COVID trên cả nước
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, các địa phương phải xây dựng và ban hành quy định phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo Nghị quyết 128 và Hướng dẫn 4800. Đối với người trở về từ vùng có dịch, ngoài xét nghiệm theo hướng dẫn vẫn cần được theo dõi sức khỏe và sàng lọc, tránh lây nhiễm dịch ra ngoài cộng đồng.
Một vấn đề khác cũng được hội nghị quan tâm là việc thống nhất sử dụng ứng dụng thống nhất để quét mã QR trong bối cảnh quá nhiều ứng dụng khác nhau như Sổ sức khỏe điện tử, VN-eID hay của từng địa phương như HCDC App, Y tế HCM.
Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa Bộ TT&TT, cho biết Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia thuộc Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Công an để hoàn thiện ứng dụng PC-COVID. Đến ngày 1-11, ứng dụng này sẽ chính thức được sử dụng thống nhất trên cả nước.
Theo đó, PC-COVID sẽ được liên thông để thực hiện đối soát, xác thực với bốn nguồn dữ liệu lớn, quan trọng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do BHXH Việt Nam quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 (do Bộ Y tế quản lý) và cơ sở dữ liệu về xét nghiệm COVID-19.
Vào chiều tối 28-10, Bộ TT&TT thông báo nâng cấp tính năng “khai báo di chuyển nội địa” của ứng dụng PC-COVID theo hướng phù hợp với quy định của Bộ GTVT và phát triển thêm tính năng trích xuất thông tin cho các đơn vị được chỉ định của Bộ GTVT. Dữ liệu sẵn sàng được cung cấp từ ngày 29-10.
Nguồn:
https://plo.vn/xa-hoi/thong-nhat-su-dung-ung-dung-pccovid-tren-ca-nuoc-1024870.html
Hà Nội ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn đón học sinh trở lại trường
UBND TP Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn liên ngành, chuẩn bị cho việc đón học sinh quay trở lại trường học tập khi đủ điều kiện an toàn chống dịch tại các cơ sở giáo dục.
Hướng dẫn liên ngành gồm nhiều quy định những việc cần làm của nhà trường, giáo viên và học sinh trước, trong, sau khi các em đến trường học.
Theo đó, cụ thể như sau:
Trước khi học sinh trở lại trường học: Nhà trường cần đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học, khử khuẩn phương tiện đưa đón học sinh (nếu có); đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trường học, mỗi học sinh phải có một cốc nước và một khăn mặt hoặc khăn lau tay riêng…; thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại nhà trường để có phân công cụ thể trong các hoạt động chống dịch.
Đối với giáo viên, cần phối hợp với gia đình theo dõi tình hình sức khỏe học sinh thông qua các phương tiện liên lạc.
Khi học sinh trở lại trường học: Nhà trường cần bố trí người đón và giao nhận học sinh tại cổng trường; không tổ chức các hoạt động tập thể hay tham quan, dã ngoại; các lớp tổ chức chào cờ tại lớp học; bố trí giờ vào lớp, giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp.
Sau giờ học: Nhà trường lau, khử khuẩn bàn ghế, phòng học, dụng cụ học tập và khu vệ sinh, xe đưa đón học sinh (nếu có)… mỗi ngày một lần.
Ngoài ra, trong suốt thời gian học sinh có mặt ở trường, các nhân viên y tế thường xuyên trực phòng chống dịch; Ban chỉ đạo phòng chống dịch của các nhà trường thường xuyên kiểm tra, giám sát để báo cáo lãnh đạo nhà trường kịp thời.
Ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, trước khi vào tiết học đầu tiên, giáo viên cần hướng dẫn học sinh những việc cần và không được làm để phòng chống dịch COVID-19.
Trước khi vào mỗi tiết học, giáo viên điểm danh và rà soát xem có học sinh nào có các dấu hiệu của COVID-19; nếu có thì phải báo ngay cho cơ quan y tế.
Khi đến trường, học sinh phải tuân thủ các quy định vệ sinh, không vứt rác bừa bãi để đảm bảo an toàn chống dịch.
Đặc biệt, đối với các cơ sở giáo dục có khu kí túc xá học sinh, không tổ chức nấu ăn trong phòng, thường xuyên vệ sinh và khử khuẩn.
Đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở tại trường học, cần tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định của cơ quan y tế.
16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trường học
Theo hướng dẫn, có tổng số 16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học. Mỗi tiêu chí được đánh giá ở 2 mức: Đạt và không đạt. Số tiêu chí đạt càng nhiều thì mức độ an toàn càng cao, trường học càng an toàn; ngược lại, số tiêu chí không đạt càng nhiều thì mức độ an toàn càng thấp, trường học càng không an toàn.
Nếu đạt từ 12 tiêu chí trở lên, trong đó phải có các tiêu chí 4, 5, 8, 11, 12 được đánh giá mức đạt: Trường học được đánh giá đạt mức độ thực hiện tốt, trường học an toàn.
Đạt từ 8 đến 11 tiêu chí, trong đó phải có các tiêu chí 4, 5, 8, 11, 12 được đánh giá mức đạt: Trường học được đánh giá đạt mức độ thực hiện khá, trường học an toàn, được phép hoạt động và cho học sinh đi học trở lại, nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục các hạn chế ở các tiêu chí không đạt.
Nếu đạt từ 7 tiêu chí trở xuống: Trường học được đánh giá đạt mức độ thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.
Bộ 16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học:
Nguồn:
https://tienphong.vn/ha-noi-ban-hanh-bo-tieu-chi-huong-dan-don-hoc-sinh-tro-lai-truong-post1388969.tpo
Sở Y tế TP.HCM giải đáp về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em
Tối 29/10, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng đã trả lời nhiều câu hỏi, thắc mắc của người dân Thành phố xung quanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.
Ông Hưng cho biết, trong những ngày đầu tiên việc tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em đã được thực hiện tốt, các trường hợp trẻ đến tiêm vui vẻ và phấn khởi. Với những trẻ đang đi học sẽ tổ chức các điểm tiêm tại trường học; còn với trẻ không đi học sẽ tiến hành tiêm trong cộng đồng (trạm y tế, bệnh viện quận, huyện…); riêng trẻ có bệnh nền sẽ được tiêm tại các điểm tiêm ở bệnh viện.
Ngoài ra, Thành phố còn triển khai tiêm vaccine cho trẻ tạm trú trên địa bàn, trẻ đang điều trị tại bệnh viện có chuyên khoa nhi, kể cả những trẻ ở tỉnh về TP.HCM điều trị nếu trong quá trình thăm khám, điều trị, đủ điều kiện vẫn được các bác sĩ khám sàng lọc và chỉ định tiêm.
Theo ông Hưng, khi trẻ đến điểm tiêm, các điểm tiêm sẽ có đội ngũ bác sĩ khám sàng lọc để xác định trẻ có đủ điều kiện tiêm chủng không. Nếu trẻ đủ điều kiện để tiêm có thể được tiêm tại điểm tiêm; trong trường hợp có thể tiêm được nhưng phải hoãn tiêm (đang mắc bệnh cấp tính, giai đoạn cấp bệnh mạn tính), trẻ có thể tiêm ở giai đoạn sau.
Đối với trường hợp thận trọng là những trường hợp có thể tiêm nhưng nên được tiêm tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn thì điểm tiêm sẽ có giấy chuyển trẻ đến tiêm tại bệnh viện.
Phụ huynh cần chú ý khi đưa trẻ đi tiêm cần thực hiện tốt việc giữ khoảng cách, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
Về quan sát, chăm sóc, theo dõi sau tiêm, Phó Giám đốc Sở Y tế tư vấn, trẻ sau tiêm nên có chế độ dinh dưỡng bình thường, uống nhiều nước. Các phản ứng có thể xảy ra ở mức độ nghiêm trọng thì rất thấp nhưng một số phản ứng thường gặp như sốt, đau chỗ tiêm… phụ huynh cũng cần lưu ý.
Với một số triệu chứng thường gặp như đau đầu, đau cơ, đau khớp, sốt (thường sốt nhẹ, sốt vừa, hiếm trường hợp sốt cao) cần có những xử lý phù hợp theo các lưu ý, hướng dẫn đã được nhân viên y tế dặn dò ngay tại điểm tiêm. Khi thấy các triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế để được hỗ trợ.
Ông Hưng cũng khuyến cáo, ngoài việc theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm, phụ huynh cần theo dõi các cháu trong vòng 28 ngày, đặc biệt là trong 7 ngày đầu - nhất là 3 ngày đầu tiên sau tiêm phải quan sát, theo dõi kỹ sức khỏe của trẻ, khi có bất kỳ biểu hiện nào cần được phát hiện ngay...
Nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/so-y-te-tphcm-giai-dap-ve-tiem-vaccine-phong-covid-19-cho-tre-em-169211030062312643.htm
Quảng Nam cho quán bar, karaoke, rạp chiếu phim hoạt động lại kèm điều kiện
Ngày 30-10, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã có quyết định về việc cho phép hoạt động trở lại một số dịch vụ trên địa bàn tỉnh này.
Theo quyết định, các dịch vụ quán bar, karaoke, vũ trường, game, rạp chiếu phim, cơ sở massage ở vùng xanh, vùng vàng trên địa bàn được phép hoạt động trở lại nhưng kèm điều kiện phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Cụ thể, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các dịch vụ nêu trên chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định và đảm bảo các điều kiện hoạt động theo hướng dẫn của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Người tham gia dịch vụ, người quản lý và nhân viên tại phải đảm bảo điều kiện tiêm đủ liều vaccine (đối với vùng vàng) và tiêm ít nhất một liều vaccine (đối với vùng xanh) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng gần đây.
Đối với vùng cam (cấp 3) và vùng đỏ (cấp 4), các dịch vụ nêu trên tiếp tục tạm dừng cho đến khi có thông báo mới.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã, TP chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của các chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các dịch vụ nêu trên đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định hiện hành.
Được biết, thời điểm này các huyện miền núi như Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang đang trải qua giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 mới. Những ngày qua, các huyện nêu trên tiếp tục ghi nhận hàng chục ca nhiễm mỗi ngày.
Nguồn:
https://plo.vn/kinh-te/quang-nam-cho-quan-bar-karaoke-rap-chieu-phim-hoat-dong-lai-kem-dieu-kien-1024881.html
Hà Tĩnh ghi nhận thêm 4 ca mắc COVID-19, 1 ca trong cộng đồng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh vừa phát thông báo ghi nhận thêm 4 trường hợp mắc COVID-19.
Trong đó có 1 ca mắc trong cộng đồng là bệnh nhân nam T.V.T (SN 1977) có địa chỉ tại thôn Nam Bình, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà. Trường hợp này là tài xế xe khách mang BKS 51B-25569 chạy tuyến Hà Tĩnh - Sài Gòn.
Ngày 25/10, anh T.V.T xuất phát từ Hà Tĩnh đi Sài Gòn và trở về địa phương vào trưa ngày 28/10. Trước đó, cứ 3 ngày một lần anh T.V.T làm xét nghiệm test nhanh COVID-19 đều cho kết quả âm tính.
Khi về đến Hà Tĩnh, Anh T.V.T cùng với 2 người của nhà xe ăn trưa tại phòng vé của nhà xe ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà.
Khoảng 11h - 11h30 ngày 28/10, anh T.V.T đi thay nhớt xe ở Gara Bình Định (gần bến xe Hà Tĩnh). Đến 15h cùng ngày, anh này đến quán rửa xe ở bến xe Hà Tĩnh, sau đó về cây xăng xã Thạch Đài.
Khoảng 5h đến 5h30 sáng 29/10, anh T.V.T đi ăn sáng tại quán Thao Lê ở ngã tư Quán Gạc (xã Thạch Đài), lúc đó tại quán có 4 người, tiếp xúc với người thu tiền và người phục vụ. Sau đó, anh này xuất phát từ Thạch Đài đi vào Sài Gòn.
Khi lái xe đến Trạm Y tế xã Kỳ Nam - thị xã Kỳ Anh, anh T.V.T vào làm xét nghiệm test nhanh (vì kết quả test nhanh đã hết hạn) cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, anh T.V.T được lực lượng chức năng tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, kết quả khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2.
Sau khi phát hiện ca bệnh, CDC Hà Tĩnh cùng lực lượng chức năng địa phương tiến hành điều tra truy vết được 17 trường hợp F1, đồng thời triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Đến 6h sáng nay, 17 trường hợp F1 của ca bệnh T.V.T đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
3 ca ghi nhận trong khu cách ly, đây là 3 mẹ con đi tàu từ tỉnh Bình Dương về đến Hà Tĩnh ngày 28/10.
Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, ngành chức năng Hà Tĩnh đã tiến hành điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh, đồng thời triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và làm các thủ tục cần thiết để đưa các bệnh nhân đi cách ly, điều trị.
Nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/ha-tinh-ghi-nhan-them-4-ca-mac-covid-19-1-ca-trong-cong-dong-169211030090328103.htm
Gỡ bỏ phong tỏa TTYT huyện Lâm Thao, đón người dân đến khám bệnh trở lại
Trước đó, ngày 14/10 sau khi ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 là người nhà chăm sóc bệnh nhân, Sở Y tế Phú Thọ đã yêu cầu phong tỏa toàn bộ TTYT huyện Lâm Thao để tiến hành khoanh vùng dập dịch.
Cách ly, phong tỏa nhưng không "cách lòng"
Tính từ ngày 14/10 đến nay, tại khu vực phong tỏa Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà đã được thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho kết quả âm tính.
TTYT huyện Lâm Thao được tháo dỡ trong niềm vui của cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà. Sau khi hàng rào phong toả được dỡ bỏ, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh đã được trở về nhà sau nhiều ngày cách ly. Người dân tại 2 hộ dân đường Nguyễn Mẫn Đốc, khu Lâm Thao, thị trấn Lâm Thao cũng được ra ngoài.
TTYT huyện Lâm Thao triển khai khám chữa bệnh trở lại sau dỡ bỏ phong tỏa. Ảnh: Hiền Nguyễn
Chị Phạm Thị Mai Trang - Khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao không khỏi xúc động trong thời khắc Trung tâm được gỡ phong tỏa. Chị cho biết: "14 ngày qua là những ngày không thể quên đối với tôi, dù có những khó khăn nhưng cán bộ nhân viên y tế chúng tôi cũng như người bệnh, người nhà người bệnh đã đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh. Tôi rất vui khi được trở về nhà".
Trong thời gian thực hiện phong tỏa tạm thời, mặc dù gặp nhiều khó khăn khi phải căng sức chống dịch, TTYT Lâm Thao vẫn dành sự chăm sóc tốt nhất, bảo đảm sinh hoạt cho tất cả người bệnh, người nhà bệnh nhân cùng cán bộ y tế. Đặc biệt, việc điều trị cho người bệnh vẫn diễn ra hằng ngày.
Mỗi ngày, các điều dưỡng Trung tâm và tình nguyện viên chế biến gần 1.000 suất ăn miễn phí đảm bảo dinh dưỡng cho trên 300 người bệnh, người chăm nuôi và cán bộ y tế. Bên cạnh đó, người bệnh được miễn phí tiền giường bệnh, chi phí khám chữa bệnh trong thời gian cách ly.
Để triển khai hoạt động khám chữa bệnh trở lại, TTYT huyện Lâm Thao thực hiện khử khuẩn lại toàn bộ các khu vực bên trong và xung quanh đơn vị, trước khi triển khai các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Ngay sau khi mở cửa trở lại, đã có nhiều lượt người đến thăm khám, người dân khi đến khám bệnh, chữa bệnh được yêu cầu tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19…
TTYT huyện Lâm Thao có quy mô 280 giường bệnh và có tổng 188 cán bộ, nhân viên y tế. Trung bình mỗi ngày có gần 400 lượt người đến khám chữa bệnh. Lâm Thao là huyện đầu tiên của tỉnh Phú Thọ có 100% trạm y tế xã, thị trấn đạt Chuẩn quốc gia về Y tế.
Cở sở y tế của Phú Thọ phải siết chặt người vào khu điều trị
Qua sự việc của TTYT huyện Lâm Thao, các TTYT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được yêu cầu tăng cường sát sao hơn nữa các quy định của Bộ Y tế về công tác phân luồng phòng dịch ngay từ cổng vào, đảm bảo sàng lọc, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế cho 100% người bệnh, người nhà người bệnh, người đến liên hệ công tác và nhân viên y tế.
Sở Y tế Phú Thọ yêu cầu không để bất cứ trường hợp nào có yếu tố dịch tễ hoặc biểu hiện nghi ngờ nhiễm COVID-19 được vào khu khám bệnh, điều trị.
Ngoài ra, các TTYT cần bố trí khu vực cách ly riêng biệt cho người có yếu tố dịch tễ nghi nhiễm COVID-19 với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế đối với cán bộ viên chức, người lao động, người bệnh, người nhà, người đến liên hệ công tác.
Đồng thời, trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay nhanh tại các vị trí đông người qua lại trong bệnh viện. Thường xuyên lau bề mặt khử khuẩn tại các phòng làm việc, khu khám bệnh và điều trị… Để đảm bảo an toàn người cho người dân và nhân viên y tế khi đến khám, điều trị và làm việc.
Nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/go-bo-phong-toa-ttyt-huyen-lam-thao-don-nguoi-dan-den-kham-benh-tro-lai-169211030093756565.htm