Chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng nên thận trọng, tìm hiểu kỹ về người bán, sản phẩm và những phản ánh của người tiêu dùng khác nếu có để tránh bị lừa.
“Ôm” tiền tỷ trục lợi trong mùa dịch Covid-19
Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều kẻ cơ hội xuất hiện với những chiêu lừa mua khẩu trang y tế với số tiền lớn, sau đó chiếm đoạt, sử dụng chi tiêu cá nhân.
Đơn cử vụ Đỗ Thị Trúc Linh (SN 1999, trú tại phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bị TAND Tp.Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015.
Chỉ với vài thao tác cơ bản, song cô gái sinh năm 1999 dễ dàng dụ dỗ được nhiều bị hại “sập bẫy”. Cụ thể, từ tháng 9/2019 đến tháng 03/2020, Linh là chủ cửa hàng cho thuê quần áo nghệ thuật biểu diễn; song công việc kinh doanh của Linh không mấy thuận lợi. Làm ăn thua lỗ, cần tiền tiêu xài và trả nợ khiến Linh nảy sinh ý định lừa đảo.
Lúc này, nữ bị cáo tung thông tin gian dối là bố mình đã giới thiệu cho hai người bạn có kho hàng khẩu trang y tế tại khu vực quận Hoàng Mai, Hà Nội nên mua được với giá rẻ và bán nhiều cho các cửa hàng thuốc và đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố nên Linh cần vốn kinh doanh.
Linh đưa ra giá 01 thùng khẩu trang là 5 triệu đồng, nếu góp vốn cho Linh thì sau từ 03 đến 05 ngày sẽ nhận lại cả gốc và lãi là 7 triệu đồng.
Để mọi người tin tưởng hơn nữa, Linh lên mạng sao chụp hình ảnh, tải các clip liên quan đến việc sản xuất khẩu trang y tế; tự đến khu vực quận Hoàng Mai tìm hiểu khu vực nào có kho hàng, đề phòng khi có người nào hỏi về địa chỉ kho hàng ở đâu thì Linh sẽ dẫn đến. Linh còn gửi ảnh các thùng cát tông với mục đích gửi cho những người góp vốn xem hình ảnh, nhằm tạo lòng tin về việc Linh đang kinh doanh để họ tin tưởng giao tiền cho mình.
Chỉ với phương thức, thủ đoạn tưởng chừng như đơn giản, song nhiều nạn nhân đã “sập bẫy” lừa của Linh. Trong đó có những nạn nhân là bạn học, bạn cùng tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật và những người quen biết ngoài xã hội.
Nhà chức trách cáo buộc, trong vòng 3 tháng, Linh đã lừa chiếm đoạt số tiền hơn 2 tỷ đồng của 11 người.
Hay mới đây, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công an Tp.Huế bắt giữ đối tượng Đinh Trung Kiên (SN 1996, trú tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) có hành vi lừa đảo bằng thủ đoạn rao bán khẩu trang y tế qua mạng xã hội rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của người đặt mua hàng.
Đối tượng Đinh Trung Kiên tại cơ quan công an.
Theo điều tra ban đầu, Kiên sử dụng nhiều tài khoản Facebook để đăng tải các bài viết với nội dung mua bán, cung cấp sỉ lẻ các loại khẩu trang y tế với số lượng lớn. Người có nhu cầu mua sẽ trực tiếp liên hệ với Kiên qua Messenger của Facebook hoặc qua số điện thoại do Kiên cung cấp.
Sau khi trao đổi và thống nhất thỏa thuận, Kiên yêu cầu người mua chuyển trước toàn bộ hoặc đặt cọc trước một phần tiền mua hàng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền của người mua hàng, Kiên cắt liên lạc, chặn Facebook và chiếm đoạt số tiền trên.
Với thủ đoạn này, từ tháng 4/2021 đến nay, Kiên đã lừa đảo chiếm đoạt của 151 bị hại trên cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 135 triệu đồng.
Đừng để “tiền mất, tật mang”
Trước thực trạng lừa đảo qua mạng, Luật sư Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Các đối tượng này đã lợi dụng tâm lý lo sợ trước sự lây lan của virus Corona nên sử dụng chiêu bài bán khẩu trang để lừa đảo người dùng.
Luật sư Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo thường áp dụng là thiết lập các fanpage trên facebook và rao bán các mặt hàng khẩu trang phòng dịch.
Khi người dùng đặt mua khẩu trang từ fanpage này, người dùng được bên bán hàng yêu cầu chuyển khoản trước tiền hàng. Nếu người mua không đồng ý chuyển khoản trước, cửa hàng sẽ chấp nhận việc gửi hàng bằng hình thức COD (thu tiền hộ) tuy nhiên người bán không cho kiểm hàng trước khi trả tiền và không cho mở hàng kiểm tra khi nhận.
Sau khi nhận được tiền thanh toán trước, các đối tượng sẽ giao hàng qua các công ty chuyển phát hoặc thuê xe ôm để giao hàng. Tuy nhiên, khi người dùng nhận được hàng thì không đúng, không đủ như đã đặt hàng.
Chưa kể, sau khi người mua hàng đòi trả lại hàng và hoàn tiền thì đối tượng sẽ chặn facebook, số điện thoại, ... hoặc không trả lời người mua.
Cũng có đối tượng theo Luật sư Tiệp biết được, ban đầu để tạo lòng tin của khách, bọn chúng giao hàng đúng hạn, đúng chất lượng; sau đó giới thiệu bản thân có số lượng hàng lớn có thể cung cấp cho khách hàng. Nhiều người vì muốn tận dụng cơ hội kinh doanh nên “ôm hàng” mà không biết mình sập bẫy “thả con săn sắt, bắt con cá rô” của đối tượng lừa đảo.
Từ đó, Luật sư Tiệp cảnh báo người tiêu dùng nên thận trọng, tìm hiểu kỹ về người bán, sản phẩm và những phản ánh của người tiêu dùng khác nếu có để tránh bị lừa như trên.