COVID-19 4/2: Hai bé gái tự chăm nhau trong khu cách ly, bố mất vì COVID-19 giờ ra sao?

H.A - Ngày 04/02/2022 12:14 PM (GMT+7)

2 bé gái ở Bắc Ninh tự chăm nhau trong khu cách ly do bố mất vì COVID-19, mẹ và anh trai đi chữa bệnh đã có nhiều thay đổi sau khi được cộng đồng giúp đỡ.

6 diễn biến

2 bé gái tự chăm nhau trong khu cách ly, bố mất vì COVID-19 giờ ra sao?

Nửa năm trước chị Nguyễn Thị Dung ở xã Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh) và 3 con trở nên nổi tiếng và được nhiều người giúp đỡ vì có hoàn cảnh éo le.

Ngôi nhà của 4 mẹ con chị Dung.

Ngôi nhà của 4 mẹ con chị Dung.

Cụ thể, vào đầu tháng 5/2021, chồng chị Dung là anh Nguyễn Hữu Hùng (BN3055) là lao động chính trong gia đình không may bị tai nạn giao thông với tỷ lệ thương tật 90%. Sau nhiều tháng chữa trị ở Bệnh viện Việt Đức, anh Hùng được đưa sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) tiếp tục điều trị. Không may, anh bị lây COVID-19 từ đây.

Chị Dung chia sẻ sự việc với PV.

Chị Dung chia sẻ sự việc với PV.

Theo chị Dung, chồng chị vừa từ viện về nhà được ít hôm thì xã thông báo yêu cầu những người từng đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khai báo y tế và cách ly. Xe cứu thương đến, chị và chồng đi ô tô đằng trước, 3 đứa con đạp xe theo sau.

“Hai vợ chồng tôi đi cách ly, còn các con tự sắp xếp, tự chuẩn bị đồ để sang ông bà ngoại. Hôm sau, tôi và chồng đều có kết quả dương tính SARS-CoV-2 rồi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. 3 con của tôi là F1 được đi cách ly tại Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân”, chị Dung kể.

Chị Dung cho biết, dù được cấp cứu và điều trị tích cực, nhưng chiều 16/5/2021 anh Hùng không qua khỏi.

Theo công bố khi đó, anh Hùng là ca tử vong thứ 37 tại Việt Nam với chẩn đoán viêm màng não mủ biến chứng, nhiễm khuẩn huyết do trực khuẩn mủ xanh trên bệnh nhân giãn não thất, di chứng chấn thương sọ não, COVID-19.

Người phụ nữ thắp nén hương cho người chồng quá cố.

Người phụ nữ thắp nén hương cho người chồng quá cố.

"16h40 phút, bác sĩ gọi điện báo chồng tôi mất rồi. Tôi rụng rời chân tay, rơi cả điện thoại xuống đất. Bác sĩ nói bắt buộc phải có một người nhận tro cốt. Tôi nhờ hết người này người kia nhưng không được vì làng lúc đó đang là tâm dịch. May mắn, một người quen của cậu tôi đã nhận hộ và và gửi Đài hóa thân Hoàn Vũ", chị Dung nghẹn ngào nói.

Nỗi đau mất chồng chư nguôi thì chị Dung nghe tin con trai lớn, bé Duy (12 tuổi) cũng có kết quả dương tính SARS-CoV-2, chuyển tới Bệnh viện Dã chiến huyện Gia Bình điều trị. Sau đó, hai chị em Tuyết (9 tuổi) và Mai (5 tuổi) tự bảo ban, chăm sóc nhau trong khu cách ly. Hình ảnh chị em Tuyết và Mai tự chơi, chăm sóc lẫn nhau trong khu cách ly lúc đó gây xúc động với nhiều người.

4 mẹ con chị Dung.

4 mẹ con chị Dung.

"Thương con nhưng lúc đó tôi cũng là F0, đang điều trị ở Hà Nội chẳng thể làm gì được. 4 mẹ con ở 3 nơi khác nhau. May mắn 2 con gái của tôi dù con nhỏ tuổi nhưng các cháu rất ngoan biết tự lập, có ý thức tự ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thấy 2 con của tôi phải ở một mình trong khu cách ly, các bác sĩ tìm hiểu và biết được hoàn cảnh nên đã kêu gọi ủng hộ, báo chí đăng tải nhiều bài viết khiến các mạnh thường quân biết tin nên mang sữa, quần áo, tiền ủng hộ cho các con tôi”, chị Dung nhớ lại.

Chị Dung cho hay, khi chồng bị tai nạn nằm viện để có tiền chạy chữa cho chồng chị đã vay mượn gần 200 triệu đồng. Bản thân chị chưa biết xoay sở ra sao thì may mắn được báo chí đăng tải về hoàn cảnh của gia đình nên sau đó 4 mẹ con chị được hỗ trợ 700 triệu đồng.

Chị Dung dán vàng mã thuê.

Chị Dung dán vàng mã thuê.

"Khi nhận được số tiền ủng hộ lớn như vậy, tôi thực sự choáng váng, cả đêm không ngủ được. Đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn có người gọi điện hỏi thăm. Mới đây có người ở nước ngoài gửi tiền về tặng mẹ con tôi. Tôi vô cùng biết ơn, trân trọng tình cảm đó của các nhà hảo tâm", chị Dung xúc động nói.

Cả đời chị chưa bao giờ có trong tay số tiền lớn như thế, đến trong mơ cũng chưa dám nghĩ tới. Sau khi trả hết nợ nần, chị đến ngân hàng gửi tiết kiệm số tiền còn lại.

"Tôi đã trả xong nợ nần, trong lòng nhẹ nhõm hơn, không còn phải lo nữa. Nếu không có số tiền ấy thì không biết đến bao giờ mẹ con tôi mới trả xong số nợ gần 200 triệu đồng", chị Dung vui mừng cho biết.

Hằng ngày chị Dung làm vàng mã thuê, kiếm được 100.000 đồng, hôm nào nhiều nhất cũng được 140.000 đồng, đủ tiền rau dưa cho 4 mẹ con. Số tiền các nhà hảo tâm tặng chị nói đã gửi ngân hàng, hàng tháng lấy tiền lãi đóng học phí cho con.

Con trai lớn phụ mẹ làm việc.

Con trai lớn phụ mẹ làm việc.

“3 con của tôi rất ngoan, học hành cũng tương đối khá, con trai lớn hiện đang học lớp 7 đã biết phụ giúp tôi công việc làm mã. Còn 2 chị em trước đó tự chăm chau trong khu cách ly là cháu Tuyết đang học lớp 4 và cháu Mai học mẫu giáo. Hai cháu lớn đều đã biết bố mất nên rất thương mẹ”, chị Dung kể.

Chị Dung cho biết, gánh nặng về kinh tế đã được trút bỏ nhưng nỗi đau về tinh thần thì không thể xóa nhòa ngay được, nhất là hằng ngày con gái út vẫn hay nhắc đến bố. Chị Dung ứa nước mắt nhìn về phía ban thờ chồng, câu hỏi ngây thơ của con trẻ khiến lòng chị quặn thắt.

Theo chị Dung, Tết năm nay mấy mẹ con chị không phải lo về kinh tế nhưng mất đi một thành viên trong gia đình khiến ai cũng buồn. Tuy nhiên, chị vẫn sắm sửa Tết cho các con có không khí.

Nguồn: http://danviet.vn/cuoc-song-cua-2-be-gai-tu-cham-nhau-trong-khu-cach-ly-bo-mat-vi-covid...

Nguy cơ gia tăng ca mắc Covid-19 sau Tết, dịch lây lan trong cộng đồng

Bộ Y tế nhận định dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát với số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca nhiễm sau dịp Tết Nguyên đán.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần (từ 29-1 đến 2-2), trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc Covid-19 và 100 ca tử vong. Con số này thấp hơn so với tuần trước đó với mỗi ngày ghi nhận khoảng 15.300 ca mắc và 140 ca tử vong.

So sánh với tuần trước, số ca tử vong trong tuần giảm 22%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 15,1% và số ca nặng, nguy kịch giảm 22,4%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát- Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát- Ảnh: VGP

Bộ Y tế nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch từng bước đạt những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm.

Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến thể Omicron .

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cảnh báo nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cập nhật, tổ chức triển khai các hướng dẫn phòng, chống dịch, chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 của Bộ Y tế.

Ngoài ra, với các dịch bệnh khác hiện cũng đang được kiểm soát tốt, không ghi nhận các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh do liên cầu lợn; không ghi nhận các trường hợp mắc MERS-CoV, cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, cúm A/H5N6, bại liệt.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trong 5 ngày nghỉ Tết cả nước tiếp tục chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân, đã tiêm chủng được hơn 782.000 liều tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 92.689 liều mũi 2; 339.512 liều bổ sung và 311.221 liều mũi 3 (liều nhắc lại).

Một số địa phương có số liều tiêm chủng cao trong dịp Tết gồm: Thái Bình (102.218 liều), Hưng Yên (78.688), Phú Yên (68.444), Hà Nội (55.306), Phú Thọ (51.578), Bình Thuận (41.235), Gia Lai (35.851), Quảng Nam (35.851), Lâm Đồng (24.765), Long An (22.169)...

Ngành y tế đang tiếp tục tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm trên quy mô toàn quốc tại tất cả các xã, phường, thị trấn từ ngày 29-1 đến hết ngày 28-2.

Đợt tiêm chủng này sẽ rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc-xin; bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Đến nay, nước ta đã tiêm được 181.665.411 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó tiêm mũi 2 là 74.187.590 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 28.390.799 liều.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/nguy-co-gia-tang-ca-mac-covid-19-sau-tet-dich-lay-lan-trong...

Đà Nẵng ghi nhận 769 ca Covid-19 trong ngày mùng 3 Tết

Chiều 3-2 (tức mùng 3 Tết Nhâm Dần 2022), Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 769 ca Covid-19. Trong đó, 516 ca phát hiện ở cộng đồng, 251 ca cách ly tại nhà. 

Cụ thể, 516 ca cộng đồng gồm: 355 ca tự đến các cơ sở y tế khám bệnh, xét nghiệm; 154 ca tự test nhanh dương tính được các trạm y tế lấy mẫu; 8 ca có triệu chứng được các trạm y tế lấy mẫu; 5 ca về từ các nơi khác; 2 ca lấy mẫu tiểu thương.

Ngày mùng 3 Tết, Đà Nẵng ghi nhận 769 ca Covid-19

Ngày mùng 3 Tết, Đà Nẵng ghi nhận 769 ca Covid-19

Ngành y tế nhận định 510/769 ca khả năng lây lan cho cộng đồng, tập trung nhiều ở huyện Hòa  Vang, quận Thanh Khê, quận Hải Châu.

Cộng dồn từ ngày 1-1 đến nay, TP Đà Nẵng đã ghi nhận 23.642 ca Covid-19.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/da-nang-ghi-nhan-769-ca-covid-19-trong-ngay-mung-3-tet-2022...

Cuộc sống ra sao sau đại dịch COVID-19?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh do coronavirus 2019 (COVID-19) là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020. Và rồi sẽ đến lúc, cơ quan y tế công cộng của Liên hợp quốc này sẽ thông báo rằng căn bệnh đã bước vào giai đoạn lưu hành. Tuy nhiên, điều đó chỉ diễn ra khi có đủ tin tưởng rằng COVID-19 ở thời điểm trở nên dễ dự đoán và dễ quản lý hơn.

Thật khó để tưởng tượng một thế giới hậu đại dịch sẽ như thế nào sau khi có hơn 373 triệu trường hợp mắc bệnh và 5,66 triệu người tử vong trong hai năm qua - theo dữ liệu từ Our World in Data.

Các chuyên gia chính sách và sức khỏe cộng đồng cảnh báo rằng cuộc chiến chống lại căn bệnh này sẽ tiếp tục kéo dài sau khi đại dịch chính thức kết thúc.

Con người tiếp tục đeo khẩu trang?

Khẩu trang giờ đây đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia như một biện pháp bảo vệ chống lại sự lây lan của virus trong không khí.

Nhưng liệu khẩu trang có còn được sử dụng trong những tháng và năm sau đại dịch?

Tiến sĩ Itzchak Levy, người đứng đầu Viện Bệnh Truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Sheba (Mỹ) cho biết: "Tôi chắc chắn rằng 'sự bình thường' và sự gần gũi quan trọng đến mức con người vứt bỏ những chiếc khẩu trang và từ bỏ sự xa cách xã hội".

Tuy nhiên, tiến sĩ Levy dự đoán rằng việc đeo khẩu trang sẽ không hoàn toàn biến mất vì công chúng đã nâng cao mức độ nhận thức về sự nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm và đại dịch, vì vậy trong những tháng mùa đông, mọi người vẫn có thể đeo khẩu trang trong không gian kín.

Giáo sư Nadav Davidovitch, một nhà dịch tễ học và là người đứng đầu Đại học Ben-Gurion thuộc Trường Y tế Công cộng Negev, nhận định rằng khẩu trang vẫn có thể được sử dụng cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh đường hô hấp khi dịch bùng phát tại địa phương.

Trong tương lai, Thẻ xanh có thể không còn được sử dụng

Trong tương lai, Thẻ xanh có thể không còn được sử dụng

"Thẻ xanh" sẽ biến mất?

Trong bối cảnh sự lan rộng của biến thể Omicron rất dễ lây lan, Bộ Y tế Israel đang cân nhắc việc giảm bớt hoặc loại bỏ hoàn toàn các quy định về Thẻ xanh cho phép những người được tiêm chủng hoặc hồi phục sau COVID-19 được vào nhiều nơi công cộng.

Một câu hỏi được đặt ra rằng: Trong một thế giới hậu đại dịch, liệu Thẻ xanh và các biện pháp khác như kiểm tra PCR tại sân bay có còn cần thiết?

"Tôi không nghĩ rằng trong tương lai, Thẻ xanh là thứ sẽ được sử dụng" – giáo sư Davidovitch cho biết.

Tuy nhiên, Giáo sư Davidovitch nhấn mạnh rằng việc lưu trữ kỹ thuật số trạng thái tiêm chủng và các thông tin y tế khác trên thiết bị di động vẫn có thể được hiển thị trong một số tình huống nhất định, đặc biệt là khi đi du lịch và cần chăm sóc y tế khẩn cấp.

"Thật tuyệt khi mọi người được cập nhật trạng thái tiêm chủng trên điện thoại di động của họ. Mọi người có thể sử dụng các ứng dụng này để trình bày lịch sử tiêm chủng của mình" - giáo sư Davidovitch nói.

Sự hữu dụng của các biện pháp y tế công cộng khác?

Gần đây, Israel đã rút ngắn thời gian cách ly COVID-19 từ 7 xuống còn 5 ngày và chấm dứt cách ly đối với trẻ em tiếp xúc với người mang coronavirus, bất chấp những lo ngại về hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (PIMS).

Các chuyên gia đều cho rằng rằng trong thế giới hậu đại dịch, các kế hoạch cô lập và xét nghiệm sẽ không còn được sử dụng.

 "Các bài kiểm tra PCR ở sân bay sẽ sớm biến mất" – Tiến sĩ Levy khẳng định.

Tìm kiếm các giải pháp mới

Đánh bại COVID-19 đồng nghĩa với việc loại bỏ căn bệnh này, điều mà nhiều chuyên gia cho rằng không thể đạt được vào thời điểm này.

Vì vậy, xã hội có thể làm gì để quản lý tốt hơn căn bệnh này trong giai đoạn lưu hành và ngăn chặn một đại dịch khác?

Theo giáo sư Davidovitch, xét nghiệm tại nhà nên được coi là một tính năng thường xuyên của các xã hội hậu đại dịch nhằm giúp ngăn ngừa sự lây truyền tại địa phương.

Theo ông Meir Rubin - Giám đốc điều hành của Diễn đàn Chính sách Kohelet có trụ sở tại Jerusalem (Israel), các xã hội đã thay đổi sau đại dịch và ông Rubin tin rằng con người đang ở trên đỉnh của một sự thay đổi lớn sau khi thoát khỏi đại dịch COVID-19.

Cụ thể, đại dịch coronavirus đã cho thấy nhu cầu về các hệ thống lọc không khí trong nhà tiên tiến, và điều này mang lại cơ hội lớn để làm sạch không khí mà con người hít thở.

"Chúng ta có cơ hội thay đổi để tốt hơn với nước sạch, thực phẩm và không khí. Không khí sạch là điều cần thiết. Làm sạch không khí mà chúng ta hít thở sẽ giúp chống lại các virus khác" – ông Rubin giải thích.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/cuoc-song-ra-sao-sau-dai-dich-covid-19-16922020200244287.htm

Nghệ An ghi nhận 228 ca nhiễm Covid-19, có 39 ca cộng đồng

Tối 3/2, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An, trong 24 giờ qua tỉnh ghi nhận 228 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 39 ca cộng đồng.

Cụ thể, từ 18h00 ngày 2/2 đến 6h00 ngày 3/2, tỉnh ghi nhận 61 ca dương tính mới với Covid-19 tại 11 địa phương (Tp.Vinh 26 ca, Quỳnh Lưu 7 ca, Quỳ Hợp 6 ca, Cửa Lò 5 ca, Hưng Nguyên 4 ca, Anh Sơn 3 ca, Thanh Chương 3 ca, Diễn Châu 3 ca, Hoàng Mai 2 ca, Kỳ Sơn 1 ca, Tương Dương 1 ca).

Trong đó có 12 ca cộng đồng tại 4 địa phương (Tp.Vinh 5 ca, Quỳnh Lưu 5 ca, Diễn Châu 1 ca, Cửa Lò 1 ca), 49 ca đã được cách ly từ trước (35 ca là F1, 13 ca từ ngoại tỉnh có dịch về, 1 ca nhập cảnh). Ghi nhận 30 ca có triệu chứng, 31 ca không có triệu chứng.

Từ 6h00 đến 18h00 ngày 3/2, tỉnh ghi nhận 167 ca dương tính mới với Covid-19 tại 18 địa phương (Tp.Vinh 31 ca, Nghi Lộc 18 ca, Yên Thành 17 ca, Nghĩa Đàn 17 ca, Thái Hòa 13 ca, Thanh Chương 11 ca, Tân Kỳ 11 ca, Diễn Châu 10 ca, Anh Sơn 8 ca, Đô Lương 7 ca, Hoàng Mai 5 ca, Quỳ Châu 5 ca, Hưng Nguyên 4 ca, Nam Đàn 4 ca, Quỳnh Lưu 3 ca, Cửa Lò 1 ca, Con Cuông 1 ca, Kỳ Sơn 1 ca).

Trong đó, có 27 ca cộng đồng tại 10 địa phương (Tp.Vinh 10 ca, Diễn Châu 5 ca, Yên Thành 3 ca, Nghi Lộc 2 ca, Tân Kỳ 2 ca, Cửa Lò 1 ca, Quỳnh Lưu 1 ca, Hưng Nguyên 1 ca, Nam Đàn 1 ca, Thái Hòa 1 ca), 140 ca đã được cách ly từ trước (108 ca là F1, 32 ca từ ngoại tỉnh có dịch về). Ghi nhận 107 ca có triệu chứng, 60 ca không có triệu chứng.

Lũy tích từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 15.012 ca mắc Covid-19 ở 21 địa phương. Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 12.819 bệnh nhân. Lũy tích số bệnh nhân tử vong 44 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 2.149 bệnh nhân.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-ghi-nhan-228-ca-nhiem-covid-19-co-39-ca-cong-dong-a5...

Bình Thuận khẩn tìm người đến quán cà phê, cửa hàng thời trang

Sáng 3/2, UBND Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vừa có thông báo khẩn liên quan đến địa điểm có ca nghi nhiễm Covid-19.

Trước đó, trên địa bàn Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ghi nhận một số ca nghi nhiễm gồm: Đ.V.H, năm sinh 1996, nam, học viên may, khu phố 1, phường Lạc Đạo; N.Đ.K, năm sinh 2003, nam, sinh viên, khu phố E, phường Thanh Hải.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Tp.Phan Thiết được triển khai có hiệu quả, UBND Tp.Phan Thiết yêu cầu người dân đến các địa điểm dưới đây liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện khai báo vì có liên quan đến ca nghi nhiễm Covid-19, cụ thể:

Cửa hàng thời trang Việt Tiến, số 84 đường Trần Phú, phường Lạc Đạo từ 7h-23h ngày 23/1-28/1.

Quán cà phê Probikers, gần Công viên Võ Văn Kiệt, phường Phú Thủy từ 19h30-21h30 ngày 31/1.

Quán cà phê Trung Nguyên E-Coffee Ocean Dunes (gần Công viên Hoà Bình), B4/17 Khu đô thị du lịch biển, phường Phú Thủy từ 15h30-18h30 ngày 1/2.

UBND Tp.Phan Thiết đề nghị UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, các cơ quan truyền thông, các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã trên địa bàn Tp.Phan Thiết thông báo thông tin trên qua các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.

Đồng thời, yêu cầu những người đến địa điểm và thời gian nêu trên liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Bình Thuận (Ảnh: Đắc Phú).

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Bình Thuận (Ảnh: Đắc Phú).

Ngày 2/2, tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh này ghi nhận 8 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 5 ca tại khu cách ly tập trung, 3 ca cộng đồng.

Các trường hợp nhiễm bệnh theo địa phương gồm: Các huyện Hàm Tân 3 ca, Tánh Linh 2 ca, Phú Quý 2 ca; Tp.Phan Thiết 1 ca.

Liên quan đến các ca bệnh mới, ngày 2/2, tỉnh Bình Thuận truy vết được 69 F1 và 6 F2. Tính từ ngày 27/4/2021 đến 18h ngày 2/2/2022, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 29.372 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. 

Trong đó, Tp.Phan Thiết có số ca nhiễm cao với 8.237 trường hợp; thị xã La Gi 2.875 trường hợp; các huyện Tuy Phong 4.101 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 3.059 trường hợp, Tánh Linh 2.523 trường hợp, Đức Linh 2.381 trường hợp, Hàm Thuận Nam 2.272 trường hợp, Bắc Bình 2.054 trường hợp, Hàm Tân 1.243 trường hợp, Phú Quý 627 trường hợp.

Toàn tỉnh truy vết 45.226 trường hợp F1 và 27.820 trường hợp F2.

Về công tác xét nghiệm, số mẫu đã thực hiện xét nghiệm là 166 mẫu, trong đó số mẫu xét nghiệm liên quan đến các ca mắc Covid-19 có 2 mẫu, số mẫu xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế có 93 mẫu, số mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng có 71 mẫu.

Số ca mắc Covid-19 được điều trị khỏi và xuất viện là 70 trường hợp. Trong đó, các huyện Hàm Thuận Nam 20 trường hợp, Tánh Linh 17 trường hợp, Bắc Bình 15 trường hợp, Phan Thiết 8 trường hợp, Đức Linh 4 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 2 trường hợp, Hàm Tân 2 trường hợp, thị xã La Gi 2 trường hợp.

Hiện, tổng số ca đã điều trị khỏi và xuất viện là 28.131 trường hợp.

Số ca mắc Covid-19 đang điều trị có diễn tiến nặng là 28 ca, trong đó Tp.Phan Thiết 16 ca, huyện Bắc Bình 2 ca, huyện Đức Linh 2 ca, thị xã La Gi 8 ca.

Về công tác cách ly, tỉnh Bình Thuận đang có 75 trường hợp được cách ly. Trong đó, cách ly tại cơ sở y tế có 2 trường hợp, cách ly tại nhà có 73 trường hợp.

Số người từ các địa phương khác về tỉnh Bình Thuận từ 14h ngày 1/2 đến 14h ngày 2/2 là 92 người, cụ thể: Tp.Hồ Chí Minh có 58 người, tỉnh Bình Dương có 7 người, tỉnh Đồng Nai có 15 người, các tỉnh khác có 12 người.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-khan-tim-nguoi-den-quan-ca-phe-a541995.html

Nữ quán quân Olympia 8 năm mới có 1 lần: F5 tính cách và ngoại hình để đi du học
Hai năm trôi qua kể từ ngày bước lên đỉnh vinh quang "Đường lên đỉnh Olympia", Nguyễn Thị Thu Hằng (cựu học sinh trường THPT Kim sơn A, Ninh Bình) vẫn...

Đường lên đỉnh Olympia

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19