COVID-19 4/4: Mầm non, tiểu học ở 5 địa phương đến trường trở lại, một thành phố đang cân nhắc

K.T - Ngày 04/04/2022 12:14 PM (GMT+7)

Khi mọi hoạt động của cuộc sống bình thường mới trở lại, việc cho trẻ đi học trực tiếp càng trở nên bức thiết với mọi gia đình.

Nghe audio
0:00
0:00

9 diễn biến

Hôm nay, học sinh mầm non và tiểu học ở nhiều địa phương đi học trực tiếp tại trường

Dự kiến hôm nay (4/4), các Phòng GD&ĐT trên địa bàn Hà Nội sẽ tổng hợp kết quả lấy ý kiến cha mẹ học sinh về việc cho học sinh tiểu học và lớp 6 đi học trực tiếp để báo cáo Sở GD&ĐT. Kết quả khảo sát sẽ là cơ sở để Sở GD&ĐT Hà Nội nắm bắt được nguyện vọng, mong muốn của phụ huynh, từ đó có ý kiến tham mưu UBND TP. Hà Nội.

Trước đó, trong hai ngày 2 và 3/4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã gửi thông báo yêu cầu các phòng GD&ĐT trực thuộc khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 các trường trên địa bàn về việc cho con đi học trực tiếp và yêu cầu báo cáo kết quả về Sở trước 9 giờ ngày 4/4. Kết quả sơ bộ tại một số trường cho thấy, đa số phụ huynh cấp tiểu học và lớp 6 tại Hà Nội đồng ý cho con trở lại trường.

Theo thông tin từ Bộ GDĐT, tính đến thời điểm này, cả nước chỉ còn 2 địa phương là Hà Nội và Vĩnh Phúc hiện học sinh tiểu học vẫn ở nhà. Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm này, cả nước chỉ còn 2 địa phương là Hà Nội và Vĩnh Phúc hiện học sinh tiểu học vẫn ở nhà. Ảnh minh họa

Trẻ mầm non và tiểu học tại một số địa phương trở lại trường từ hôm nay:

Tại Hòa Bình: Phòng GD&ĐT TP. Hòa Bình đã ban hành văn bản về việc cho trẻ mầm non trên địa bàn thành phố đi học trở lại. Theo đó, các cơ sở giáo dục cho toàn bộ học sinh các trường mầm non, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố đi học trở lại từ hôm nay, 4/4. Các trường chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương án để đón học sinh trở lại trường đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, sớm ổn định tình hình và duy trì nề nếp dạy học.

Tại Ninh Bình: Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố thông báo đến các cơ sở giáo dục tiểu học đón học sinh đi học trở lại kể từ ngày 4/4. Đồng thời, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của từng trường để tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày và có thể cho học sinh ăn bán trú.

Tại Nam Định: Từ hôm nay, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 toàn tỉnh trở lại trường học trực tiếp (trừ những cơ sở giáo dục ở trên địa bàn thuộc cấp độ 4).

Tại Điện Biên: Các trường bậc mầm non và tiểu học tại thành phố Điện Biên Phủ sẽ mở cửa trở lại từ ngày 4/4. Trong khi đó, học sinh THCS ở đây chuyển sang học trực tiếp từ 30/3. Trước đó, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, UBND tỉnh Điện Biên cho 18 cơ sở giáo dục tại Điện Biên Phủ tạm dừng đến trường từ ngày 22/2 để chuyển hình thức học phù hợp.

Tại Nghệ An: Từ ra Tết đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tạm thời cho học sinh nghỉ học, trong đó chủ yếu là bậc học mầm non và tiểu học. Thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, việc đi học trở lại sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay, 4/4. Trước ngày trở lại trường, cán bộ, giáo viên đã khẩn trương vệ sinh trường lớp, đảm bảo cơ sở vật chất.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/hom-nay-hoc-sinh-mam-non-va-tieu-hoc-tai-nhieu-dia-phuong-di-...

Đồng Nai trở về vùng xanh sau gần một tháng là vùng vàng

Cụ thể, ở quy mô cấp huyện, tất cả 11/11 huyện, thành phố đều xếp cấp độ 1 (vùng xanh), không còn địa phương nào xếp cấp độ 2 (vùng vàng). Ở quy mô cấp xã, chỉ còn 2 xã, phường xếp cấp độ 3 (vùng cam), giảm 12 xã, phường so với tuần trước; 30 xã, phường xếp cấp độ 2 và 138 xã, phường xếp cấp độ 1. Hai xã xếp cấp độ 3 của tỉnh trong tuần này là xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc) và xã Trà Cổ (huyện Tân Phú).

Trước đó, ngày 2/4, toàn tỉnh ghi nhận 611 ca mắc COVID-19 mới, giảm gần 40% so với ngày trước đó. Tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 412,5 ngàn ca mắc COVID-19; trong đó có hơn 396,6 ngàn trường hợp đã khỏi bệnh; hơn 1,9 ngàn trường hợp tử vong. Hiện còn 256 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 44 ca nguy kịch.

Toàn tỉnh hiện duy trì 9 khu cách ly tập trung với tổng số hơn 1,3 ngàn giường phục vụ người dân không đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà. Bệnh viện dã chiến số 11 ở huyện Xuân Lộc - bệnh viện dã chiến cuối cùng của tỉnh đã được giải thể để tập trung nhân lực cho các đơn vị hồi sức tích cực. Đồng thời, tăng cường mở rộng thêm các giường hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân nặng tại cơ sở y tế cấp huyện để đáp ứng điều trị cho người dân.

Về công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19, đến nay, tỉ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 toàn tỉnh đạt 105,3%, mũi 2 đạt 101,7%, mũi 3 đạt 56,6%. Ngành Y tế đã họp trực tuyến với Bộ Y tế về việc triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tỉnh sẵn sàng thực hiện tiêm ngay khi Bộ Y tế phân bổ vắc-xin về tỉnh.

Từ nay đến ngày 15/4, toàn tỉnh tập trung cao độ cho tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 3, đặc biệt ưu tiên cho các đối tượng nguy cơ cao như người trên 50 tuổi, người mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch... và lực lượng công nhân, lao động tự do.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dong-nai-tro-ve-vung-xanh-sau-gan-mot-thang-la-vung-vang-a54...

Các phản ứng trẻ từ 5-12 tuổi có thể gặp khi tiêm vắc xin phòng COVID-19

Theo Bộ Y tế, từ đầu tháng 4/2022, ngay sau khi vắc xin phòng COVID-19 được cung ứng, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố cả nước sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi. 2 loại vắc xin được sử dụng tiêm cho trẻ là Moderna và vắc xin Pfizer. Tuy nhiên, về liều tiêm mỗi mũi của 2 loại vắc xin khác nhau, lứa tuổi tiêm cũng có sự khác biệt.

Vắc xin Pfizer sử dụng tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi

Vắc xin này được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Quyết định số 457/QĐ-BYT ngày 01/03/2022.

Vắc xin Pfizer sử dụng cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi có hàm lượng là 10mcg bằng 1/3 hàm lượng so với liều vắc xin sử dụng của người từ 12 tuổi trở lên. Liều tiêm là 0,2ml (mỗi liều 0,2ml chứa 10mcg vắc xin mRNA COVID-19). Vắc xin này tiêm bắp. Lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tuần.

Quy cách đóng gói: 1 khay chứa 195 lọ; mỗi lọ chứa 10 liều, hoặc 1 hộp chứa 10 lọ; mỗi lọ chứa 10 liều.

Bảo quản ở nhiệt độ âm sâu từ -90ºC đến -60ºC, hạn sử dụng 9 tháng kể từ ngày sản xuất

Bảo quản ở nhiệt độ từ +2ºC đến +8ºC hạn sử dụng tối đa 10 tuần.

Vắc xin đã rã đông không được bảo quản trở lại nhiệt độ âm.

Đối với vắc xin Pfizer, các phản ứng rất thường gặp khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi là: Đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm (> 80%), kiệt sức (> 50%), đau đầu (> 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (> 20%), đau cơ và ớn lạnh (> 10%).

"Phản ứng này cũng gây ra với đối tượng trẻ từ 12-17 tuổi khi tiêm vắc xin phòng COVID-19"- PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết.

Các phản ứng rất thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi là: buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm;

COVID-19 4/4: Mầm non, tiểu học ở 5 địa phương đến trường trở lại, một thành phố đang cân nhắc - 2

Vắc xin Moderna tiêm cho trẻ từ 6 - dưới 12 tuổi

Bộ Y tế ngày 31/3 đã phê duyệt Vắc xin Moderna được phê duyệt tiêm cho trẻ từ 6 – dưới 2 tuổi. Tiêm bắp, liều tiêm bằng ½ liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vắc xin cho người lớn liều nhắc lại. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Vắc xin Moderna đóng lọ nhiều liều: Lọ 10 liều mỗi liều 0,5ml tương đương với 20 liều mỗi liều 0,25ml.

Bảo quản nhiệt độ -25⁰C đến -15⁰C, hạn sử dụng 9 tháng kể từ ngày sản xuất.

Bảo quản nhiệt độ nhiệt độ +2⁰C đến +8⁰C, sử dụng tối đa 30 ngày.

Đối với vắc xin Moderna: các phản ứng rất thường gặp là: Sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp,đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.

Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm và đau khớp;

Phản ứng thường gặp là : Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm;

Phản ứng ít gặp là: Chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm;

Phản ứng hiếm gặp là: Giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da;

Phản ứng rất hiếm gặp là: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Phản ứng ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm;

Nguồn: https://tienphong.vn/cac-phan-ung-tre-tu-5-12-tuoi-co-the-gap-khi-tiem-vac-xin-phong-co...

Còn hơn 41 triệu mũi tiêm xác thực sai thông tin, chưa thể làm hộ chiếu vắc xin COVID-19

Sáng 4/4, tại Hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai cấp “Hộ chiếu vắc xin” và quán triệt việc bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam đã đạt mức rất cao trong khu vực và quốc tế.

Cụ thể, Việt Nam hiện là một trong 6 trong nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới. Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đến ngày 01/4, cả nước đã tiêm hơn 206 triệu liều vắc xin phòng COVID-19.

Tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 1 là gần 100%, mũi 2 là 99%, và tỷ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt khoảng 50%. Đối với người từ 12 đến 17 tuổi, tỷ lệ mũi 1 là 99% và mũi 2 là 94%. Bộ Y tế và các địa phương cũng chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi trong đầu tháng 4/2022.

Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (C06) cho biết: Tính đến ngày 30/3, Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 đã gửi sang khoảng 154 triệu mũi tiêm, còn khoảng 41 triệu mũi chưa gửi (các mũi tiêm cũ, thiếu thông tin cơ bản không thể gửi). Trong số 154 triệu mũi tiêm gửi sang đã xác thực đúng thông tin được 112.569.288 mũi tiêm, còn lại 41.431.113 mũi tiêm xác thực sai thông tin. Về giải pháp làm sạch dữ liệu, nhập bổ sung các đối tượng cũ, các cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm rà soát, phối hợp với công an địa phương thực hiện bổ sung, xác minh, xác thực thông tin và nhập dữ liệu lên hệ thống.

Theo ông Đỗ Trường Duy, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), đến nay công tác chuẩn bị triển khai cấp “Hộ chiếu vắc xin” cơ bản đã hoàn thành, người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp “Hộ chiếu vắc xin” mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm. “Hộ chiếu vắc xin” sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Đối với những người dân chưa được cấp “Hộ chiếu vắc xin” là do thiếu/sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật.

Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận của các địa phương, đơn vị về quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin”, các giải pháp bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng COVID-19.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá cao những ý kiến đóng góp thảo luận của các đại biểu đại diện cho các cơ quan, đơn vị, đồng thời kết luận một số vấn đề như sau:

Một là, giao Cục Công nghệ thông tin tiếp thu các ý kiến của các địa phương, đơn vị, khẩn trương hoàn thiện và trình Lãnh đạo Bộ ban hành Hướng dẫn triển khai cấp “Hộ chiếu vắc xin”. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan đảm bảo công tác triển khai cấp “Hộ chiếu vắc xin”.

Hai là, các cơ sở tiêm chủng trên cả nước triển khai nghiêm túc việc rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng COVID-19, nhập dữ liệu người dân tiêm chủng COVID-19 đầy đủ, chính xác lên hệ thống phục vụ cấp “Hộ chiếu vắc xin” cho người dân và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ba là, các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn người dân kiểm tra, rà soát thông tin tiêm chủng COVID-19, trong trường hợp có sai sót, chưa có dữ liệu trên hệ thống cần phản ánh trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn) hoặc liên hệ trực tiếp cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, chỉnh sửa. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc xử lý phản ánh của người dân theo hướng dẫn tại Công văn số 9458/BYT-CNTT ngày 08/11/2021 của Bộ Y tế.

Bốn là, tuỳ theo tình hình thực tế của từng địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao cho một đơn vị đầu mối của tỉnh (có thể giao Sở Y tế hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) hoặc giao các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số chứng nhận tiêm chủng.

Các cơ sở tiêm chủng trên cả nước chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19 bắt đầu từ ngày 08/04/2022 để Bộ Y tế tiến hành cấp “Hộ chiếu vắc xin” cho người dân dự kiến bắt đầu từ ngày 15/04/2022.

Nguồn: https://tienphong.vn/con-hon-41-trieu-mui-tiem-xac-thuc-sai-thong-tin-chua-the-lam-ho-c...

Trung Quốc phát hiện dòng đột biến mới của biến thể Omicron

Trong số hơn 13.000 ca bệnh được báo cáo hôm nay, có 1.455 bệnh nhân có triệu chứng và 11.691 ca không có triệu chứng. Không có ca tử vong mới nào được ghi nhận, Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết trong một tuyên bố.

Đáng chú ý, các quan chức y tế ở Tô Châu (tỉnh Giang Tô) – một thành phố cách Thượng Hải 30 phút di chuyển về phía Tây, đã phát hiện một dòng đột biến của biến thể Omicron chưa từng được ghi nhận trước đó trong cơ sở dữ liệu địa phương hoặc quốc tế.

Trung Quốc hiện là một trong số ít những quốc gia còn kiên trì theo đuổi chiến lược zero COVID. Ảnh: Reuters

Trung Quốc hiện là một trong số ít những quốc gia còn kiên trì theo đuổi chiến lược "zero COVID". Ảnh: Reuters

“Điều này có nghĩa là một dòng mới của biến thể Omicron đã được tìm thấy trong cộng đồng”, Tân Hoa Xã đưa tin, dẫn lời Zhang Jun, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Tô Châu.

Theo Global Times, dòng biến thể mới được tìm thấy ở một bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ. Dòng này phát triển từ nhánh BA.1.1 của biến thể Omicron. Kết quả giải trình tự gien cho thấy dòng này không giống với các dòng biến thể khác đang lây lan ở Trung Quốc, và không giống với những biến thể đã được báo cáo trên cơ sở dữ liệu GISAID.

Tại thành phố Thượng Hải – một trong những ổ dịch lớn nhất ở Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, gần như toàn bộ 25 triệu dân đã được yêu cầu hạn chế ra đường để làm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Ngày 3/4, Thượng Hải ghi nhận thêm hơn 8.200 ca bệnh, chiếm gần 70% tổng số ca bệnh trên toàn quốc.

Hàng nghìn nhân viên y tế từ các tỉnh lân cận như Giang Tô, Chiết Giang đã được điều động đến Thượng Hải để hỗ trợ xét nghiệm và xây dựng bệnh viện dã chiến. Ngoài vật tư y tế, thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác cũng đang được gửi đến Thượng Hải để đảm bảo người dân địa phương duy trì cuộc sống bình thường.

Chính quyền Thượng Hải hôm nay thông báo người dân nên tự xét nghiệm kháng nguyên (test nhanh) tại nhà và báo cáo lại nếu có kết quả dương tính. Một đợt xét nghiệm toàn thành phố sẽ được tiến hành vào thứ Hai, 4/4.

Các lệnh hạn chế của Thượng Hải được cho là có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khi công ty vận tải Maersk cho biết hôm 1/4 rằng một số kho hàng trong thành phố vẫn đóng cửa và các dịch vụ vận tải đường bộ có khả năng sẽ bị ngưng trệ.

Trung Quốc hiện là một trong số ít những quốc gia còn theo đuổi chiến lược “zero COVID”.

Michael Ryan – một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước cho biết điều quan trọng với tất cả các quốc gia, bao gồm Trung Quốc, là phải có kế hoạch giảm thiểu các lệnh hạn chế.

Tuy nhiên, ông cho biết dân số khổng lồ của Trung Quốc là một thách thức đặc biệt đối với hệ thống y tế của nước này, và các nhà chức trách sẽ phải "xác định một chiến lược cho phép họ thoát khỏi đại dịch một cách an toàn".

Nguồn: https://tienphong.vn/trung-quoc-phat-hien-dong-dot-bien-moi-cua-bien-the-omicron-post14...

Sơn La chuẩn bị các điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận 140.417 ca mắc COVID-19. Trong đó 119.917 bệnh nhân được điều trị khỏi, 20.592 F0 đang điều trị và 9 bệnh nhân tử vong.

Ngay sau Hội nghị trực tuyến tập huấn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Sơn La đã lập kế hoạch tổ chức tập huấn công tác khám sàng lọc trước tiêm vaccine; rà soát lại, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong thời gian tới.

Tính đến thời điểm sáng 4/4, 99,3% trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi ở Sơn La đã tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19, tỷ lệ bao phủ mũi 2 và mũi 3 đạt 91,3%.

Việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ sẽ được triển khai tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường). Yêu cầu hàng đầu là bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Sau khi đạt tỷ lệ cao về công tác tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi đến 18 tuổi, Sơn La chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ảnh: CDC Sơn La

Sau khi đạt tỷ lệ cao về công tác tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi đến 18 tuổi, Sơn La chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ảnh: CDC Sơn La

Hiện nay, công tác điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chuyển sang quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, vì vậy nhu cầu mua, sử dụng thuốc, vật tư y tế của người dân tăng cao. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng chức năng đã chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thuốc, vật tư y tế hỗ trợ điều trị COVID-19 .

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 952 cơ sở kinh doanh dược, trong đó, có 15 doanh nghiệp phân phối và 937 cơ sở bán lẻ phân bố đến tận xã, bản, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Một số đối tượng lợi dụng sự khan hiếm, đẩy giá bán các mặt hàng kit test nhanh COVID-19, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 lên cao đã bị lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra và xử lý nghiêm.

Cùng với đó, Sở Y tế tỉnh Sơn La đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra, phòng nghiệp vụ của ngành tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định về quản lý và kinh doanh thuốc điều trị COVID-19, thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm dùng trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh thuốc, các cơ sở quản lý, điều trị.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/son-la-chuan-bi-cac-dieu-kien-tiem-vaccine-phong-covid-19-cho...

Khó khăn trong điều trị F0 tại nhà ở Lào Cai

Đến nay, lũy kế Lào Cai đã ghi nhận 159.078 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 129.012 bệnh nhân đã điều trị khỏi; 30.029 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị. 

Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 866 trường hợp điều trị tại các cơ sở y tế và 27.129 trường hợp điều trị tại nhà. Cụ thể: TP Lào Cai: 5.404 bệnh nhân; TX Sa Pa: 1.092 bệnh nhân; Huyện Bảo Thắng: 3.520 bệnh nhân; Huyện Bảo Yên: 3.729 bệnh nhân; Huyện Bắc Hà: 3.875 bệnh nhân; Huyện Bát Xát: 3.452 bệnh nhân; Huyện Si Ma Cai: 988 bệnh nhân; Huyện Mường Khương: 2.050 bệnh nhân; Huyện Văn Bàn: 3.019 bệnh nhân).

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc quản lý, cách ly và điều trị F0 thể nhẹ tại nhà là biện pháp cần thiết giúp bệnh nhân có điều kiện nghỉ ngơi, được chăm sóc sức khỏe và giảm áp lực cho cơ sở y tế. Tuy nhiên, vấn đề này ở các huyện vùng cao đang gặp nhiều khó khăn.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Lào Cai.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Lào Cai.

Ông Lý Văn Trường - PGĐ Trung tâm Y tế huyện Mường Khương cho biết: Huyện Mường Khương hiện có hơn 2.000 F0 đang điều trị tại nhà.

Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, trong khi không còn các gói an sinh, thuốc hỗ trợ người dân điều trị tại nhà; nhận thức của người dân ở một số xã còn hạn chế, nên họ chưa thực hiện tốt quy định cách ly tại nhà; điều kiện cách ly còn chưa đảm bảo.

Chị Lê Thị Nguyệt, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Mường Khương cho biết, công việc của các nhân viên y tế hiện quá tải. Cả trạm y tế có 6 cán bộ thì 5 cán bộ đã mắc COVID-19. Trước tình trạng quá tải, Trung tâm y tế huyện đã cử 3 cán bộ y tế hỗ trợ, tuy nhiên, do hằng ngày tiếp xúc nhiều F0 nên một cán bộ tăng cường cũng mắc COVID-19.

Số ca mắc ở thị trấn Mường Khương rải rác ở tất cả 9 thôn vùng cao và 8 tổ dân phố. Tỷ lệ người dân cập nhật tình trạng bệnh hằng ngày trên phần mềm theo dõi quản lý điều trị F0 tại nhà rất thấp.

Ở Mường Khương, nhiều trường hợp F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Một số xã đã phải sử dụng nhà văn hóa hoặc các cơ sở để điều trị F0. Đơn cử như xã Pha Long, UBND xã đã phải mượn Trạm Điện lực cụm xã Pha Long làm nhà cách ly tập trung, điều trị F0. Xã Nấm Lư, xã Nậm Chảy... trưng dụng nhà văn hóa xã để cách ly các F0 sau khi thẩm định nhiều người không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Vấn đề thu gom rác thải của F0 ở vùng cao Mường Khương cũng còn nhiều bất cập, người dân chưa tuân thủ các quy định về quản lý, thu gom chất thải như chưa phân loại chất thải lây nhiễm, rác thải chưa được xử lý, còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trên địa bàn xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) hiện có hơn 100 trường hợp F0 điều trị tại nhà. Tuy nhiên, do các trường hợp F0 thuộc diện hộ nghèo, không có điều kiện mua sắm điện thoại thông minh, lắp đặt mạng internet nên không thể khai báo trên các phần mềm. 

Mặt khác, nhiều trường hợp F0 không biết tiếng phổ thông, trong khi phần mềm khai báo không sử dụng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, nên không biết cách khai báo, thậm chí nhiều trường hợp khai báo "bừa", không chính xác, thành thử cán bộ y tế phải khai báo hộ. Có đến 80% - 90% trường hợp F0 đang điều trị tại nhà phải nhờ cán bộ Trạm y tế xã khai báo.

Bà Dương Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà cho biết: Trên địa bàn huyện đến nay có gần 3.000 F0 đang điều trị tại nhà, tuy nhiên 50% trường hợp phải nhờ đến cán bộ y tế cơ sở và 10 - 20% phải nhờ cán bộ xã khai báo y tế. Việc dành thời gian khai báo hộ các trường F0 mất thời gian và nhân lực của y tế cơ sở.

Số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lào Cai những ngày gần đây vẫn rất cao. Do vậy những thách thức trong việc điều trị F0 tại nhà là rất lớn. 

Để khắc phục khó khăn, chính quyền các địa phương vùng cao đã thúc đẩy sự vào cuộc của các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng trong theo dõi, quản lý các trường hợp F0 điều trị tại nhà; tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp 5K và đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/kho-khan-trong-dieu-tri-f0-tai-nha-o-lao-cai-1692204032103305...

Trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ vì Covid-19 ở TP.HCM nhận hỗ trợ 8-9 triệu đồng

Ngày 4/4, nguồn tin của phóng viên cho biết, vừa qua Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM Lê Minh Tấn đã ký báo cáo kết quả các tổ chức, cá nhân chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo báo cáo này, tính đến đầu tháng 2/2022, trên địa bàn TP.HCM có trên 500.000 người nhiễm bệnh, gần 20.000 tử vong do Covid-19. Ngoài ra có khoảng 300 trẻ em là con của sản phụ nhiễm Covid-19 và hơn 2.208 trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (39 em mất cha mẹ, 78 em mất người trực tiếp nuôi dưỡng, 2.100 em mất cha, hoặc mẹ. Việc đột ngột mất đi người thân đã để lại cho các em những sang chất tâm lý, tinh thần và vật chất.

Trẻ em ở quận Bình Tân có hoàn cảnh gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tổ chức đón Tết. Ảnh: Website quận Bình Tân.

Trẻ em ở quận Bình Tân có hoàn cảnh gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tổ chức đón Tết. Ảnh: Website quận Bình Tân.

Để hỗ trợ các trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sở Lao động thương binh xã hội TP.HCM đã phối hợp cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em VN, các ngân hàng và các công ty bảo hiểm trao tặng các gói hỗ trợ cho nhóm trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và kể cả trẻ em là con của sản phụ nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, Ngân hàng SHB đã hỗ trợ 2 đợt đối với 2 diện trẻ em: 211 trẻ em là con sản phụ nhiễm Covid-19 (1 triệu đồng/trẻ), 1.436 trẻ em mồ côi do Covid-19 với số tiền 5 triệu đồng/trẻ. Tổng kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng.

Công ty TNHH Bảo hiểm AIA đã hỗ trợ tổng kinh phí 500 triệu đồng. Công ty TNHH Bảo hiểm Gennerali hỗ trợ học bổng, tiền mặt nhu yếu phẩm… tổng trị giá 160 triệu đồng; Ngân hàng Shinhan hỗ trợ tiền mặt cho 150 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 150 triệu đồng.

Ngoài các khoản hỗ trợ trên, Sở Lao động thương binh xã hội TP.HCM cho biết đã chủ động tìm kiếm và kết nối các nguồn lực từ các đơn vị, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực trẻ em… để tổ chức trực tiếp hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn do dịch Covid-19.

Theo báo cáo, trong năm 2021, tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa chăm lo cho nhóm trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và trẻ em sống trong cơ sở bảo trợ xã hội hội, các quận, huyện… là hơn 17,3 tỷ đồng. Báo cáo cho biết các gói hỗ trợ này do Sở Lao động thương binh xã hội là đầu mối tiếp nhận, kết nối nguồn lực.

“Như vậy, mỗi em nhận hỗ trợ bình quân từ 5-6 triệu đồng. Riêng những em mồ côi cả cha mẹ nhận hỗ trợ 8-9 triệu đồng. Chưa tính quà: cặp, tập viết, đồ dùng học tập; gói an sinh gạo, mì gói, dầu ăn…” báo cáo do Giám đốc Sở Lê Minh Tấn ký viết.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tre-mo-coi-ca-cha-lan-me-vi-covid-19-o-tphcm-nhan-ho-tro-8-...

CDC Cà Mau thông tin về sức khỏe bé 7 tháng bị tiêm nhầm vaccine ngừa Covid

Ngày 4/4, ông Đặng Hải Đăng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại sức khỏe của cháu gái 7 tháng tuổi bị tiêm nhầm vaccine ngừa Covid-19 cơ bản đã ổn định và đang được y bác sĩ Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau chăm sóc, theo dõi tích cực.

Sau khi sự việc xảy ra, phía CDC Cà Mau cũng đã có báo cáo xung quanh vụ việc này đến UBND tỉnh để nắm sự việc và có hướng chỉ đạo tiếp theo.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, CDC đã có báo cáo vụ việc. Đồng thời, Sở cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển rà soát lại toàn bộ vụ việc.

"Trước mắt, tạm thời đình chỉ công tác 15 ngày đối với cán bộ thực hiện tiêm ngừa cho cháu bé và cho kiểm điểm trách nhiệm cá nhân có liên quan", ông Dũng thông tin.

Cũng theo ông Dũng, bước đầu xác minh cho thấy, sự việc xảy ra là do nhầm lẫn, chủ quan, không kiểm tra, không thực hiện đúng quy trình của cán bộ tiêm chủng dẫn đến sơ suất.

Cụ thể, có hai tủ lạnh chứa vaccine (một tủ chứa thuốc tiêm chủng thông thường và một tủ chứa thuốc tiêm chủng Covid-19).

"Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện xem xét lại quy trình chuyên môn để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc sau này”, ông Dũng nói.

Chiều cùng ngày, ông Lê Văn Ngời – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Chúng tôi đang làm văn bản tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo xử lý về vụ việc".

Trước đó, vào sáng 1/4, anh N.M.T. (ngụ xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đưa con gái là N.N.M. (7 tháng tuổi) đến Trạm Y tế xã Tam Giang Tây tiêm vaccine 5 trong 1. Sau khi khám sàng lọc xong, cháu M. được đưa vào phòng chờ tiêm.

Tuy nhiên, khi tiêm xong khoảng 5 phút sau, cán bộ y tế tại Trạm Y tế xã Tam Giang Tây nói với gia đình là tiêm nhầm vaccine. Sau đó, cháu M. được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển theo dõi.

Tại đây, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển nói với gia đình là vaccine tiêm nhầm cho cháu M. là Pfizer (loại vaccine ngừa Covid-19).

Lúc này, gia đình mới tá hỏa và đưa cháu đến Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau điều trị.

Theo người nhà cháu M., trước đó cháu M. đã mắc Covid-19 ngày 26/2, điều trị đến ngày 9/3 thì mới hết bệnh.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/suc-khoe-chau-be-7-thang-tuoi-o-ca-mau-bi-tiem-nham-vaccine...

COVID-19 3/4: Ca mắc trong cộng đồng tăng cao, quốc gia đông dân nhất thế giới lập tức phong tỏa
Trung Quốc đang đối phó với làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ nước này đã kiểm soát được làn sóng dịch đầu tiên hồi năm 2020.

Dịch COVID-19

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19