COVID-19 5/9: Lịch trình di chuyển phức tạp của tài xế dương tính SARS-CoV-2, tiếp xúc nhiều người

K.T - Ngày 05/09/2021 12:10 PM (GMT+7)

Trước khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tài xế ô tô đường dài di chuyển từ Tiền Giang đến Quảng Ninh qua chốt kiểm soát cầu Bạch Đằng, chốt kiểm soát Km15 - Móng Cái, có tiếp xúc với cán bộ trực chốt và có 1 lần xét nghiệm âm tính.

Lịch trình di chuyển phức tạp của tài xế dương tính SARS-CoV-2, tiếp xúc nhiều người

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, vào tối qua, trên địa bàn ghi nhận 1 công dân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp này là lái xe đường dài, quê quán tại Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận).

Qua điều tra dịch tễ của cơ quan chức năng, tài xế lái xe đường dài có lịch trình di chuyển cụ thể như sau: Vào 23h đêm 31/8, công dân lái xe đầu kéo BSK 77H-01212 xuất phát từ Gò Công (tỉnh Tiền Giang) di chuyển đến TP. Móng Cái (Quảng Ninh).

Trên đường đi, tài xế đi qua tỉnh Thanh Hóa đến Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn lấy mẫu thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào lúc 22h30 đêm 1/9. Đơn vị chạy mẫu là Công ty CP nghiên cứu khoa học xét nghiệm công nghệ cao Hợp Lực (đường Nguyễn Chí Thanh, phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa) và cho kết quả âm tính bằng phương pháp PT- PCR.

Đến 14h chiều 2/9, công dân tiếp tục di chuyển đến chốt kiểm soát cầu Bạch Đằng. Tại đây bệnh nhân khai báo y tế và tiếp xúc với 4 cán bộ trực tại chốt. Sau khi qua chốt kiểm soát, tài xế tiếp tục di chuyển đến chốt kiểm soát Km15 (TP. Móng Cái) và khai báo y tế, có tiếp xúc 3 cán bộ trực tại chốt vào lúc 18h.

Ca dương tính mới nhất ở Quảng Ninh là lái xe đường dài. Ảnh: Đ.Tùy

Ca dương tính mới nhất ở Quảng Ninh là lái xe đường dài. Ảnh: Đ.Tùy

Khoảng 1 giờ sau, trường hợp này di chuyển tới chốt kiểm soát Đồn biên phòng cửa khẩu Bắc Luân 2 và khai báo y tế, có tiếp xúc với 1 cán bộ biên phòng. Từ 19h - 20h tối cùng ngày, tài xế điều khiển xe vào bãi kiểm hàng hóa của Công ty Tân Đại Dương. sau đó giao xe cho anh Đ.Q.V là lái xe chung chuyển tiếp nhận xe chở hàng sang Trung Quốc.

Cũng theo cơ quan chức năng, từ tối 2/9 đến 16h50 chiều 4/9, tài xế được cách ly tại phòng cách ly của Công ty Tân Đại Dương, tại đây có sinh hoạt cùng 15 tài xế khác cùng phòng. Trên đường đi, công dân tự mang đồ ăn, tự nấu ăn nên trong quá trình lưu thông trên đường, tài xế không dừng nghỉ chân và di chuyển thẳng đến các chốt khai báo y tế.

Vào ngày hôm qua, công dân được Trung tâm Y tế TP. Móng Cái tiến hành lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc để có kết quả trở về địa phương và cho kết quả nghi ngờ dương tính. Ngay sau đó, đơn vị gửi mẫu cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ninh làm xét nghiệm và cho kết quả khẳng định dương tính.

Cùng với các hoạt động ứng phó, Trung tâm Y tế TP. Móng Cái nhanh chóng truy vết, rà được 25 F1, 39F2 và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm cho các trường hợp trên. Đến thời điểm hiện tại đã có 22 F1 (3 mẫu đang chờ) và toàn bộ F2 đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Đơn vị thông tin cho Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên giám sát, lấy mẫu sàng lọc cho cán bộ trực chốt ngày 2/9 tại thời điểm ca dương tính đi qua; lấy mẫu sàng lọc toàn bộ cán bộ làm việc tại chốt Cầu Bạch Đằng và đang chờ kết quả; đồng thời cơ quan chức năng tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực sinh hoạt của tài xế, xe và toàn bộ khu vực liên quan. Hiện tại ca dương tính nói trên đã được chuyển đến Bệnh viện số 2 cách ly, điều trị.

Liên quan đến lái xe đường dài dương tính, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tất cả người dân những ai tiếp xúc hoặc liên quan đến trường hợp nói trên nhanh chóng khai báo y tế để được hướng dẫn và tư vấn kịp thời.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Để dịch bệnh lây lan từ đám tang, chủ tịch xã và cấp phó bị tạm đình chỉ công tác

Ngày 5/9, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà cho biết, đã đình chỉ công tác Chủ tịch UBND xã Ea Nam và cấp phó để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

“Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, mọi cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về phòng, chống dịch sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”, ông Hà nói.

Theo đó, UBND huyện Ea Hleo tạm đình chỉ công tác ông Kpă Y Chức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Nam, nhiệm kỳ 2021-2026 do để người dân tổ chức đám tang, tập trung đông người vi phạm Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Thời hạn tạm đình chỉ công tác 15 ngày, kể từ ngày 1/9.

Cùng với lý do trên, UBND huyện Ea Hleo cũng tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ tịch UBND xã Ea Nam 15 ngày, kể từ ngày 3/9.

Trong thời gian tạm đình chỉ chức vụ, ông Nguyễn Văn Nhiệm có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc của UBND xã Ea Nam cho ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Ea Nam để điều hành, quản lý hoạt động Ủy ban trong thời gian tạm đình chỉ.

(Theo Tiền Phong)

Người dân TP Thanh Hóa ra đường vào giờ nào không cần xuất trình giấy tờ?

Chiều 5/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Thanh Hóa đã có thông báo về việc kiểm soát người và phương tiện đi lại trên địa bàn.

Theo đó, để thực hiện hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính Phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Thanh Hóa đã có Thông báo khẩn về thời gian thực hiện kiểm soát người và phương tiện di chuyển trong thời gian các ngày từ 6/9 đến hết ngày 8/9.

TP Thanh Hóa đã có Thông báo về khung giờ di chuyển cho người và phương tiện qua các chốt kiểm soát không phải xuất trình giấy tờ.

TP Thanh Hóa đã có Thông báo về khung giờ di chuyển cho người và phương tiện qua các chốt kiểm soát không phải xuất trình giấy tờ.

Cụ thể, người và phương tiện được phép di chuyển qua các chốt trong nội thành TP mà không phải xuất trình giấy tờ gồm 4 khung giờ: Từ 6h30 đến 7h15; Từ 11h15 đến 12h; Từ 13h đến 13h40; Từ 16h30 đến 17h30.

Ngoài các khung giờ nêu trên, TP Thanh Hóa giữ nguyên việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đối với người và phương tiện di chuyển trong nội thành, khi đi qua các chốt phải xuất trình các giấy tờ theo quy định. Riêng các phương tiện giao thông của các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang khi di chuyển trên địa bàn TP Thanh Hóa không áp dụng việc kiểm soát.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Thanh Hóa cũng đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chủ động bố trí, sắp xếp thời gian đi sớm hơn (đối với giờ đi làm) và về muộn hơn (đối với giờ tan tầm) theo các khung giờ quy định nói trên để tránh ùn tắc giao thông.

Ngoài các khung giờ được phép di chuyển nêu trên, nếu phải đi làm nhiệm vụ do cơ quan, đơn vị phân công, cán bộ, công chức, người lao động phải có giấy giới thiệu do cơ quan đơn vị chủ quản cấp mới được phép di chuyển.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, tính từ 18h ngày 4/9 đến 18h ngày 5/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 ca mắc Covid-19. Cả 4 ca bệnh đều được ghi nhận trong khu vực phong tỏa theo quy định tại huyện Nga Sơn.

Các ca bệnh này đều có liên quan đến đám tang có F0 ghi nhận trước đó là người chăm bệnh nhân Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (có địa chỉ ở TP Thanh Hóa).

Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận 384 ca bệnh dương tính với Sars-CoV-2 cộng dồn. Hiện có 218 bệnh nhân dương tính đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa; 166 người điều trị khỏi ra viện; 1 ca tử vong.

Từ ngày 2/9 đến ngày 5/9, lực lương chức năng TP Thanh Hóa đã TTKS xử lý 536 trường hợp vi phạm về các quy định phòng chống dịch Covid-19 trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, tổng số tiền xử phạt hơn 562 triệu đồng.

(Theo Báo Giao Thông)

Phát hiện 2 mẹ con nữ kế toán bệnh viện mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang cho biết ngày 5-9, trên địa bàn phát hiện 1 ca Covid-19 mới. Bệnh nhân là F1, con của F0 N.T.H.N. (kế toán tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang; được phát hiện hôm 2-9). Hiện các lực lượng chức năng vẫn chưa xác định được nguồn lây của bệnh nhân N..

Đối với 2 ổ dịch phát sinh ngày 18-8 tại huyện Lục Ngạn và TP Bắc Giang, từ ngày 19-8 đến nay 2 ổ dịch này đã được kiểm soát tốt, không phát sinh thêm ca F0 nào. Lũy kế 2 ổ dịch này có 43 F0.

Trong ngày 5-9, tỉnh Bắc Giang có 9 bệnh nhân khỏi bệnh ra viện; hiện còn 17 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 2 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (có thêm 1 bệnh nhân chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương).

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang nhận định với việc phát sinh 1 ca F0 trong ngày liên quan đến F0 N.T.H.N., rất có thể trong những ngày tới sẽ có thêm các ca F0 liên quan đến trường hợp trên.

Trước đó, ngày 3-9, UBND tỉnh Bắc Giang có công văn hỏa tốc về việc phê bình trong công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn, do liên quan đến ca F0 là cán bộ công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu giám đốc Sở Y tế Bắc Giang "tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, phê bình giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trưởng phòng tài chính - kế toán, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà N.T.H.N. và các cá nhân liên quan".

Bệnh nhân N. không làm xét nghiệm Covid-19 trước khi đi làm trở lại sau 6 tháng nghỉ thai sản. Bà N. đến bệnh viện làm việc nhưng không thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt hoặc test nhanh theo quy định trước, mà tới thẳng phòng làm việc. Tại đây, bà N. gặp trưởng phòng (theo báo cáo của Sở Y tế).

Đến tối 1-9, bà N.T.H.N. có biểu hiện sốt. Vào 10 giờ sáng 2-9, bà N. đến khu sàng lọc hô hấp của bệnh viện làm xét nghiệm test nhanh và có kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đặt nhiều câu hỏi: "Việc bà N. sốt thủ trưởng đơn vị có biết không?", "tại sao lại để bà N. khi đã có biểu hiện sốt mà được tự ý đến khu sàng lọc hô hấp của bệnh viện làm xét nghiệm gây nguy cơ lây lan dịch bệnh?"... Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Y tế báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 6-9.

(Theo Người Lao Động)

Phát hiện 1 nữ sinh mắc COVID-19, cả huyện nghỉ học ngay sau lễ khai giảng

Chiều ngày 5/9, cơ quan chức năng đang tiến hành truy vết, xét nghiệm cho những người liên quan sau khi ghi nhận em T.D. (học sinh lớp 6, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Đắk R’Lấp - tỉnh Đắk Nông) mắc COVID-19. Theo đó, có khoảng 18.000 học sinh sẽ phải tạm dừng đến trường từ sáng 6/9.

Trước đó, vào sáng ngày 5/9, trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Đắk R’lấp tổ chức khai giảng năm học mới. Để buổi lễ diễn ra an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch, ngành y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho tất cả học sinh, cán bộ giáo viên trong trường. Kết quả, lực lượng y tế phát hiện nữ sinh T.D. mắc COVID-19.

Sau đó, lực lượng y tế đã phối hợp nhà trường đã đưa em D. về phòng cách ly tiếp tục test nhanh lần 2 và tiếp tục cho kết quả dương tính. Nữ sinh này trú tại buôn Bu Bia, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp. Qua khai thác nhanh, D. cho biết, thời gian qua gia đình không có ai đi đâu, chỉ ở nhà và chỉ tiếp xúc với hàng xóm. Mấy ngày trước em có sốt và được gia đình đi mua thuốc về uống. Đến sáng 5/9, em T.D. đã đỡ sốt nên phụ huynh đưa đến trường chuẩn bị khai giảng năm học mới, theo báo Tiền Phong.

Ngay khi có kết quả test nhanh, sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Đắk R'lấp dừng tổ chức cho học sinh đến trường từ ngày 5/9. Toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Đắk R'lấp được cách ly tại chỗ.

Hiện lực lượng chức năng đã truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với nữ sinh. Một số trường hợp cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp, cũng trong chiều cùng ngày, huyện này phát hiện một trường hợp người dân khác dương tính. Ngay sau khi nhận thông báo, lực lượng y tế đã triển khai xét nghiệm cấp tốc đối với các hộ dân ở bon Bu Đách cùng thuộc xã Quảng Tín nơi người này sinh sống, theo Tuổi Trẻ Online.

Trong chiều 5/9, UBND huyện Đắk R'Lấp đã ban hành văn bản quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn xã Quảng Tín theo chỉ thị 16.

(Theo Người Đưa Tin)

Công an TP.HCM sẽ không đổi giấy đi đường sau ngày 6-9

Chiều 5-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh. Cuộc họp báo diễn ra trong bối cảnh chỉ còn một ngày nữa là hết thời gian TP.HCM siết giãn cách xã hội từ 23-8 đến 6-9. Giấy đi đường do Công an TP.HCM cấp cũng có thời hạn đến ngày 6-9.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết Công an TP.HCM sẽ không đổi giấy đi đường. Ảnh: TÁ LÂM

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết Công an TP.HCM sẽ không đổi giấy đi đường. Ảnh: TÁ LÂM

Liên quan đến băn khoăn của người dân về thời hạn giấy đi đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết quyết định của UBND TP kéo dài thời gian giãn cách đến ngày nào thì Công an TP sẽ gia hạn kéo dài thời gian hiệu lực của giấy đi đường đã cấp.

“Công an TP.HCM sẽ không đổi giấy đi đường để tránh phiền phức cho người dân” – ông Hà nói.

Đối với các địa phương kiểm soát được tình được tình hình dịch bệnh COVID-19 như quận 7, huyện Củ Chi thì TP.HCM sẽ có các phương án mở rộng sản xuất, kinh doanh để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.

“Công an TP.HCM đã tính toán các giải pháp để khi TP đặt ra các tiêu chí an toàn, ví dụ người đã được tiêm ngừa vaccine hay không, tiêu chí xét nghiệm, qui định về tuân thủ 5K trong hoạt động và việc lưu thông sẽ có điều kiện” – ông Hà nói.

Theo ông Hà, hiện nay Công an TP.HCM cùng Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các quận huyện, TP Thủ Đức đang cập nhật dữ liệu về những người đã tiêm vaccine, bệnh nhân F0, các trường hợp được cấp giấy đi đường, dữ liệu về an sinh xã hội...

“Khi chúng tôi cập nhật thông tin này và khi TP.HCM đặt ra điều kiện an toàn với đối tượng nào, diện nào được lưu thông thì chúng tôi sẽ quản lý được” – ông Hà nói và cho biết Công an TP.HCM cũng đang mở rộng điểm kiểm soát quét mã QR các diện lưu thông trên đường.

Sau khi hoàn thành, Công an TP.HCM có thể không cần giấy đi đường vẫn có thể xác định mỗi người thuộc nhóm đối tượng nào, có được lưu thông hay không.

Từ đó, ông Hà đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp cập nhật nhanh thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Công an TP.HCM để kiểm soát sau này.

Ngoài ra, ông cũng khuyên người dân nên tham gia chích ngừa vaccine sớm nhất để có thể tham gia các hoạt động an toàn.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Sài Gòn, Bình Dương sẽ trở lại "bình thường mới" như thế nào sau 15/9?

TPHCM vừa thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế theo hai giai đoạn từ ngày 15/9 đến ngày 31/12 và năm 2022 cùng những năm tiếp theo.

Việc mở cửa kinh tế cho một số loại hình sản xuất, dịch vụ đã được lãnh đạo quận, huyện tại TPHCM tính tới trên cơ sở bài toán chung của toàn thành phố cũng như hướng dẫn cụ thể.

Huyện Củ Chi và Quận 7 - hai địa bàn đã kiểm soát được dịch có thể được chọn làm thí điểm cho việc chuẩn bị kịch bản "bình thường mới".

Trong buổi làm việc với huyện Củ Chi về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 4/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá, Củ Chi đã thực hiện nghiêm giãn cách ngay từ đầu, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm và quản lý F0; thực hiện các biện pháp y tế nghiêm, có hiệu quả.

Người đứng đầu Thành ủy TP HCM đánh giá những kết quả ở Củ Chi đến giờ này là cơ sở để bổ sung các điều kiện cần thiết, góp phần nghiên cứu, thay đổi chiến lược phòng chống dịch trên địa bàn. Từ đó, ông đề nghị chọn huyện Củ Chi và Quận 7 làm hai mũi đột phá để thí điểm việc chuẩn bị kịch bản "bình thường mới" cho thành phố sau ngày 15/9.

Trao đổi trên Lao Động - ông Võ Khắc Thái - Bí thư Quận ủy Quận 7 cho biết, hiện Quận 7 đã hình thành Trung tâm nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Trung tâm này cùng với Trung tâm dữ liệu của quận sẽ là mấu chốt để Quận 7 phục hồi lại kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn quận; có biện pháp để hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Theo ông Thái, Quận 7 đang xây dựng phương án sản xuất, cố gắng đến hết tháng 9/2021 có thể tái sản xuất trong điều kiện an toàn về dịch bệnh. Để làm được điều này, yêu cầu tiên quyết là tiêm vaccine mũi 2, rồi chờ thêm thời gian để vaccine phát huy hiệu quả bảo vệ. "Việc mở cửa kinh tế phải làm kỹ, thận trọng, trước khi người lao động đi làm trở lại sẽ xét nghiệm lại một lần nữa" - ông Thái nói.

Còn tại Bình Dương, với mục tiêu đến hết ngày 15/9 sẽ trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện mới, Bình Dương sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 nhằm tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Chỉ tiêu đặt ra là phấn đấu tiêm 250.000 liều/ngày.​

Ngày 4/9, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cũng đã giao ngành y tế phối hợp với Công an tỉnh và các ngành có liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phương án cho người dân được ra đường đối với trường hợp đã được tiêm 2 mũi và 1 mũi vaccine (đã tiêm 20 ngày).

Trong ngày 4/9, Bình Dương đã chi hỗ trợ cho 13.624 trường hợp, với số tiền là 15,746 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương cho 1.862 người với số tiền 7,201 tỷ đồng (hỗ trợ thêm cho 490 trường hợp mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi); Hỗ trợ tiền ăn cho 8.006 người là F0, F1 với số tiền 2,91 tỷ đồng; Hỗ trợ cho 3.756 người là lao động không có giao kết hợp đồng lao động với số tiền 5,634 tỷ đồng.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Cà Mau: Người đủ điều kiện dễ dàng "ngồi nhà" đăng ký giấy đi đường

Theo Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính công tỉnh Cà Mau, chỉ trong 3 ngày (từ ngày 2 - 4/9/2021) đã có trên 5.500 lượt người tương tác và gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy đi đường điện tử sử dụng mã nhận diện QRCode. Qua đó đã xem xét cấp trên 717 giấy đủ điều cấp theo quy định.

Chị B.T.B. (khóm 2, phường Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) chia sẻ, việc xin giấy đi đường trực tuyến rất đơn giản, không cần phải thao tác nhiều, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không phải chờ đợi lâu.

“Như mình chỉ cần ở nhà ghi rõ thông tin cần thiết vào tờ giấy, rồi chụp màn hình lại. Sau đó, sử dụng ứng dụng Zalo, vào cổng “Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau” gửi hình ảnh có ghi thông tin đã chụp. Sau đó thao tác theo hướng dẫn và ấn nút gửi.

Sau khi tiếp nhận thông tin, ở phường sẽ liên hệ lại với mình để xác nhận thông tin (tên, tuổi, địa chỉ, mục đích đi đường…). Trong khoảng 4 giờ kể từ khi gửi thông tin mình đã nhận được giấy đi đường có mã nhận diện QRCode qua ứng dụng Zalo”, chị B. chia sẻ.

Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính công tỉnh Cà Mau cho biết, hồ sơ bà con gửi xin cấp giấy đi đường rất nhiều. Nhưng số lượng được cấp ít, do không đủ điều kiện để cấp, như: xin ra ngoài tỉnh; xin từ địa phương khác vào tỉnh; đi thăm con; hình ảnh người dân chụp lại bị mờ không xác định rõ…Theo quy định hiện tại thì tỉnh chỉ áp dụng cấp cho những trường hợp cấp thiết.

Giấy đi đường có mã nhận diện QRCode được cấp cho người dân ở Cà Mau thông qua hình thức đăng ký trực tuyến.

Giấy đi đường có mã nhận diện QRCode được cấp cho người dân ở Cà Mau thông qua hình thức đăng ký trực tuyến.

“Đối với những hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện, cán bộ của Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh sẽ tiếp nhận và chuyển về huyện, thành phố hoặc xã, phường, thị trấn (tùy theo cấp quản lý) để xử lý. Sau khi đáp ứng đủ yêu cầu, địa phương sẽ tiến hành cấp giấy đi đường có mã nhận diện QRCode cho người dân qua Zalo, trong thời gian khoảng 4 giờ”, ông Linh cho hay.

Cũng theo ông Linh, hồ sơ đề nghị cấp giấy đi đường chỉ bao gồm: tờ khai xin đề nghị cấp giấy đi đường (có mẫu dành cho doanh nghiệp và mẫu dành cho cá nhân, các mẫu này có thể viết tay hoặc đánh máy đều được chấp nhận), bản chụp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.

"Riêng đối với đối tượng thuộc diện phải bắt buộc xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 thì chụp gửi kèm thiếu xét nghiệm. Việc cấp giấy đi đường sẽ được cơ quan có thẩm quyền kiểm soát bằng việc tra cứu cứu quét mã QRCode trên ứng dụng Zalo", ông Linh nói.

(Theo Báo Giao Thông)

Bình Thuận: Tìm người đến chợ, phòng khám, trung tâm y tế

Ngày 4/9 và 5/9, sở Y tế tỉnh Bình Thuận có thông báo số 93, 94 yêu cầu những người dân đến các địa điểm dưới đây liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện việc khai báo, vì có liên quan đến ca nghi nhiễm, cụ thể:

Quán cà phê bà Linh (gần cầu Đại Hòa), xã Phước Thể, từ ngày 24/8 đến ngày 2/9.

Quán cháo Chị Yến, xã Phước Thể, thời gian từ 5h30 đến 6h30, các ngày từ 25/8 đến 30/8.

Quán Cơm Chị Tương, xã Phước Thể, thời gian từ 7h đến 7h30, các ngày từ 25/8 đến 30/8.

Chợ Phước Thể: Sạp cá bà Hường, sạp rau bà Ảnh, thời gian từ 8h đến 9h, các ngày từ 25/8 đến 30/8.

Sạp cá bà Sen, sạp rau bà Ảnh, thời gian từ 9h30 đến 10h, ngày 2/9.

Phòng khám bác sĩ Thanh, xã Phước Thể, thời gian từ 6h ngày 30/8 đến hết ngày 31/8.

Tiệm tạp hóa Việt Nhiên, xã Phước Thể thời gian từ 8h đến 8h30, ngày 29/8.

Bảo hiểm xã hội huyện Tuy Phong, thị trấn Liên Hương thời gian từ 9h đến 10h ngày 1/9/2021.

Tiệm vàng Thu Dung, thị trấn Liên Hương thời gian từ 7h30 đến 8h ngày 2/9.

Phòng khám bác sĩ Nhân, thị trấn Liên Hương thời gian từ 8h đến 9h, ngày 2/9.

Tiệm Mỹ phẩm Ngọc Hồ, khu phố 9, thị trấn Liên Hương thời gian từ 16h đến 16h30, ngày 2/9.

Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong (phòng khám bệnh số 1, số 3, khoa xét nghiệm, khoa dược) thời gian từ 6h30 đến 9h30, ngày 31/8.

Sở Y tế Bình Thuận đề nghị, người dân đến những địa điểm nêu trên cần liên hệ ngay với trạm Y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.

Trước đó ngày 4/9, UBND huyện Tuy Phong đã có quyết định cách ly y tế cộng đồng đối với xã Phước Thể để phòng, chống dịch Covid-19 với hơn 3.000 hộ dân.

Huyện Tuy Phong cũng thành lập 5 chốt kiểm soát tại vị trí đường vào các khu dân cư; một tổ cơ động tuần tra, kiểm soát, một tổ y tế được trang bị đầy đủ thuốc men và vật tư y tế cần thiết để chăm sóc sức khỏe cho người dân trong vùng cách ly.

Bên cạnh đó UBND huyện Tuy Phong còn áp dụng các biện pháp cách ly, phân công các chốt chặn có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa người và phương tiện ra/vào khu vực cách ly; người ra/vào vùng cách ly phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Theo ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Thuận, từ ngày 27/4 đến 18h ngày 4/9, huyện Tuy Phong ghi nhận 48 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong đó có 7 ca sàng lọc cộng đồng ghi nhận vào ngày 4/9.

(Theo Người Đưa Tin)

Tài xế dương tính, nhiều cán bộ, nhân viên CDC Bà Rịa- Vũng Tàu phải cách ly

Ngày 5-9, Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid 19 TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết đã có báo cáo nhanh truy vết các trường hợp liên quan đến ca dương tính với SARS-CoV-2, là nhân viên lái xe của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Theo đó, ông L.A.T (SN 1973, TP Bà Rịa) là lái xe của CDC Bà Rịa– Vũng Tàu, được lấy mẫu xét nghiệm PCR định kỳ 3 ngày/lần. Ngày 3-9, kết quả ống gộp dương, sau đó thực hiện lấy mẫu đơn kết quả, ông T. dương tính với SARS-CoV-2.

Lấy mẫu xét nghiệm tại các chốt kiểm soát của Bà Rịa- Vũng Tàu.

Lấy mẫu xét nghiệm tại các chốt kiểm soát của Bà Rịa- Vũng Tàu.

Lịch trình làm việc, ngày 31-8, ông T. được cử đi TP HCM để gửi mẫu nước, sau đó chỉ đến chỗ làm rồi về nhà, không đi đâu.

Qua truy vết, ngoài 3 người trong gia đình, hiện 29 F1 khác đều thuộc cán bộ, nhân viên của CDC Bà Rịa– Vũng Tàu. Hiện những trường hợp này đang được thực hiện cách ly theo quy định.

Việc nhiều nhân viên CDC tỉnh thuộc diện F1 phải đi cách ly khiến tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu có nguy cơ thiếu nhân lực trong việc thực hiện việc lấy mẫu, xét nghiệm, thậm chí chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch bệnh thời điểm hiện tại.

Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vẫn đang bố trí nhân lực để tiếp tục các công việc liên quan. Đồng thời, khử khuẩn toàn bộ CDC tỉnh cũng như những nơi ông T. lưu trú.

(Theo Người Lao Động)

Đồng Nai: Khẩn tìm 3 người dương tính với SARS-CoV-2 bỏ trốn khỏi khu cách ly

Ngày 5/9, UBND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã phát đi thông báo đề nghị Công an TP Biên Hòa nhanh chóng truy tìm ba trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trốn khỏi cơ sở cách ly y tế tập trung.

Cụ thể, ngày 4/9, chị H.T.O.T. (SN 1990, ngụ khu phố 9, phường Tân Phong), đang cách ly tại trường Cao đẳng nghề số 8, có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2. Cùng ngày, chị T. được chuyển tới Bệnh viện Thống Nhất để điều trị nhưng đã trốn khỏi khu cách ly y tế tập trung.

Một cơ sở cách ly ở Biên Hòa.

Một cơ sở cách ly ở Biên Hòa.

Hai trường hợp còn lại, gồm: anh N.T.N. (SN 1982, ngụ tại khu phố 2, phường An Hòa) và anh Đ.T.T. (SN 1982, ngụ khu phố 3, phường Trung Dũng), có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2, cách ly y tế tập trung tại Trường tiểu học Tân Tiến đã bỏ trốn khỏi khu cách ly vào ngày 2/9.

Chủ tịch UBND TP Biên Hòa đề nghị các tổ chức, cá nhân, đơn vị và người dân khi phát hiện các trường hợp trên cần báo ngay cho cơ quan chức năng nơi gần nhất để đưa vào cơ sở y tế cách ly điều trị, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Lãnh đạo TP Biên Hòa cũng yêu cầu Công an TP Biên Hòa khẩn trương truy tìm ba trường hợp trốn khỏi khu cách ly y tế trên.

(Theo Dân Việt)

Thanh Hoá: Nông dân ra đồng gặt lúa phải âm tính khi test nhanh COVID-19

Mới đây, Sở NN&PTNT Thanh Hóa vừa có văn bản gửi UBND huyện Nông Cống hướng dẫn việc thu hoạch lúa vụ Thu Mùa 2021 trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Người dân muốn ra đồng gặt lúa phải có kết quả test nhanh âm tính với Sars-CoV-2. (Ảnh minh họa)

Người dân muốn ra đồng gặt lúa phải có kết quả test nhanh âm tính với Sars-CoV-2. (Ảnh minh họa)

Sau khi tham vấn ý kiến của Sở Y tế Thanh Hóa, Sở NN&PTNT yêu cầu huyện Nông Cống rà soát, đánh giá, phân loại các trà lúa, xác định thời điểm thu hoạch cụ thể từng thửa ruộng.

Khi lúa chín từ 80% trở lên là có thể thu hoạch và ưu tiên thu hoạch trước những nơi có nguy cơ cao ngập lụt, hoặc những hộ gia đình chính sách, neo đơn, gia đình ít lao động, nằm trong vùng phong toả. Các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, thanh niên được kêu gọi giúp người dân nhất là các gia đình bị nhiễm bệnh hoặc phải đi cách ly tập trung...

Tại địa phương đang bị phong tỏa, cách ly, thì chính quyền cấp xã trực tiếp làm việc với các chủ máy gặt để phân phối lịch gặt hợp lý. Trong trường hợp không có máy gặt hoặc chưa sắp xếp được máy thì có thể huy động lực lượng lao động tại các doanh nghiệp, nhà máy đang tạm dừng hoạt động để tham gia thu hoạch lúa bằng biện pháp thủ công.

Người dân ra đồng gặt lúa phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người, hạn chế giao tiếp và không ăn uống tập trung.

Mỗi máy gặt chỉ bố trí một thợ máy và một người phụ giúp khi vận hành. Mỗi gia đình khi thu hoạch lúa chỉ bố trí một người ra đồng để hướng dẫn thu hoạch, nhận và vận chuyển lúa tại đầu bờ. Trong trường hợp gặt lúa thủ công thì mỗi gia đình được bố trí 2-3 người trong cùng một thời điểm.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Sở NN&PTNT Thanh Hóa yêu cầu toàn bộ thợ máy, phụ máy, lao động thủ công phải được test nhanh có kết qjuar âm tính với Sars-CoV-2 à định kỳ được test lại theo đúng quy định của ngành Y tế. Các địa phương cân đối nguồn vắc xin, ưu tiên tiêm sớm cho các chủ máy gặt để đảm bảo hoạt động kịp mùa vụ.

Bên cạnh đó cũng khuyến cáo, người dân sau khi thu hoạch lúa không nên phơi lúa trên các trục đường giao thông, khu công cộng… khuyến khích các hộ tiêu thụ lúa tươi để các doanh nghiệp tự phơi sấy, chế biến.

Theo huyện Nông Cống, vụ mùa năm 2021, toàn huyện gieo trồng gần 1.000 ha lúa, hiện đã đến thời điểm thu hoạch.

Còn theo thống kê từ ngành nông nghiệp, vụ lúa mùa năm nay, Thanh Hóa có hơn 200.000 ha, hiện nhiều diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều địa phương trong tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc gặt lúa gặp nhiều khó khăn.

Tính đến ngày 4/9, các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: TP Thanh Hóa, huyện Nông Cống, huyện Nga Sơn. Riêng huyện Hậu Lộc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Ngoài ra, một số địa phương khác có các xã, thị trấn, khu dân cư phong tỏa hoặc giãn cách xã hội, như: huyện Mường Lát, Như Thanh, Hoằng Hóa, TX Nghi Sơn.

(Theo Báo Giao Thông)

Nhân viên y tế dương tính, phong tỏa bệnh viện tư nhân lớn nhất Quảng Ngãi

Sáng 5-9, Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin, tiếp tục ghi nhận thêm 15 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trong số các ca vừa được ghi nhận, có 1 ca là nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa tư nhân Phúc Hưng, là F1 của BN 460943.

Theo điều tra dịch tễ, ngày 30-8, BN 460943 ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) có đến khám tại Bệnh viện đa khoa tư nhân Phúc Hưng và có tiếp xúc gần với nhân viên y tế này. Đến ngày 31-8, BN 460943 được phát hiện mắc COVID-19. Ngay sau đó, nhân viên y tế đã thực hiện cách ly tại bệnh viện, đến chiều 4-9 có biểu hiện sốt nên được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Phong tỏa Bệnh viên đa khoa tư nhân Phúc Hưng vì 1 trường hợp nhân viên dương tính với SARS-CoV-2. Ảnh: T.Trực

Phong tỏa Bệnh viên đa khoa tư nhân Phúc Hưng vì 1 trường hợp nhân viên dương tính với SARS-CoV-2. Ảnh: T.Trực

Ngay sau khi phát hiện trường hợp dương tính, ngành y tế Quảng Ngãi đã tiến hành phong tỏa toàn bộ Bệnh viện đa khoa tư nhân Phúc Hưng, xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho toàn bộ nhân viên y tế tại đây.

Ngoài trường hợp nhân viên y tế dương tính, Sở Y tế Quảng Ngãi tiếp tục ghi nhận 2 ca COVID-19 trong khu vực phong tỏa ở thôn Tân An và thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) và 11 ca liên quan tới chuỗi lây nhiễm tại Công ty Hoya Lens, tại KCN VSIP Quảng Ngãi, đã cách ly tập trung. Cụ thể, 2 ca ở xã Bình Chương, 1 ca ở xã Bình Thanh, 1 ca ở xã Bình Minh (Bình Sơn); 1 ca ở xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi); 1 ca ở tổ 3, thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) đã cách ly tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Trà Bồng; 1 ca ở xã Nghĩa Thương, 1 ca ở xã Nghĩa Kỳ, 1 ca ở xã Nghĩa Phương, 1 ca ở xã Nghĩa Hòa và 1 ca ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa).

Tính từ ngày 26-6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 759 ca COVID-19. Trong đó, 24 ca ở ổ dịch xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), 157 ca liên quan tới ổ dịch Chi nhánh Công ty Hoya Lens.

Phát hiện 2 ca mắc COVID-19 liên quan đến chuyến đưa thai phụ về quê, nhiều nhà báo phải cách ly tại nhà

Sáng 5-9, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, cho biết tính đến 7 giờ 30 phút sáng nay, tỉnh Lâm Đồng phát hiện thêm 3 ca mắc COVID-19 mới.

Trong đó, đáng chú ý 2 ca là thai phụ và chồng của thai phụ đi trên chuyến bay về địa phương sinh con hiện đang cách ly tập trung tại huyện Đức Trọng.

Cụ thể các bệnh nhân COVID-19 là chị T. (là thai phụ) và chồng là anh G. Lúc 9 giờ 30 phút ngày 4-9, 2 anh chị này từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đến sân bay Liên Khương - Đức Trọng khoảng 11 giờ trên chuyến bay QH9254 (ghế 35E, 35D) của hãng Bamboo Airways.

Sau khi đến sân bay, 2 trường hợp trên đã được cách ly tập trung tại Liên Nghĩa, Đức Trọng. Trong quá trình di chuyển, 2 trường hợp này có mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.

Khoảng 14 giờ ngày 4-9, chị T. và anh G. có kết quả xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 dương tính. Sáng 5-9, 2 trường hợp ngày có kết quả PCR dương tính với SARS-CoV-2.

Nhóm nhà báo tham gia tác nghiệp tại Sân bay Liên Khương - Đức Trọng bị yêu cầu cách ly tại nhà.

Nhóm nhà báo tham gia tác nghiệp tại Sân bay Liên Khương - Đức Trọng bị yêu cầu cách ly tại nhà.

Tính đến hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 254 ca COVID-19 (có 177 ca đã điều trị khỏi) .

Liên quan đến thai phụ và người nhà thai phụ về quê sinh con mắc COVID-19, nhóm nhà báo tham gia tác nghiệp tại sân bay Liên Khương - Đức Trọng được yêu cầu cách ly tại nhà theo đúng quy định.

Hầu đồng lúc dịch COVID-19 phức tạp, 7 người bị phạt 85 triệu đồng

Ngày 5-9, thông tin từ Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết Công an huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) vừa phát hiện, xử lý 7 trường hợp thực hiện nghi lễ hầu đồng tại đền Ngò (địa chỉ thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo) đã vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, vào hồi 4 giờ 30 phút ngày 31-8, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên địa bàn, Công an thị trấn Đại Đình đã phát hiện Chu Quang H. (SN 1991, trú tại xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cùng 6 người đang thực hiện nghi lễ hầu đồng tại đền Ngò, đã vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. 

Công an thị trấn Đại Đình đã lập biên bản đối với các trường hợp vi phạm, củng cố hồ sơ tham mưu Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND xã, thị trấn ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 đối tượng trên với tổng mức tiền là 85 triệu đồng.

Theo công an tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến thời điểm hiện tại Công an huyện Tam Đảo đã chỉ đạo các tổ công tác, công an các xã, thị trấn lập biên bản 386 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid -19, tổng số tiền các đối tượng vi phạm gần 700 triệu đồng.

(Theo Người Lao Động)

Quán ăn ở TP Sóc Trăng được bán tại chỗ, mỗi bàn không quá 2 người

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vừa ký Quyết định điều chỉnh mức độ nguy cơ dịch COVID-19 đối với toàn bộ địa bàn TP Sóc Trăng từ vùng nguy cơ cao (vùng cam) sang vùng nguy cơ (vùng vàng).

Ngày 5-9, thông tin với báo chí ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng, cho hay kể từ ngày 5-9, các quán kinh doanh ăn, uống trên địa bàn TP được phục vụ tại chỗ, nhưng mỗi bàn không quá 2 người và bàn cách bàn tối thiểu 4 m. Riêng đối với các cơ sở hàng quán ven tuyến đường thuộc luồng xanh quốc gia không được bán phục vụ tại chỗ.

Học sinh ở vùng vàng được trường, tuy nhiên phải giảm, giãn số lượng trong phòng học, đồng thời, bố trí lệch giờ học, giờ ăn trưa, giờ sinh hoạt tập thể, đảm bảo không tập trung đông người. Các nhà máy, xí nghiệp, công ty được hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Người dân không được tập trung quá 10 người nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Các sự kiện bắt buộc, hội nghị cần thiết tổ chức phải đảm bảo đầy đủ theo các quy định phòng chống dịch của cơ quan y tế. Lễ cưới, lễ tang phải rút ngắn thời gian tổ chức trong phạm vi gia đình, đồng thời phải thông báo đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cấp xã để có biện pháp phòng, chống dịch.

Theo lãnh đạo TP Sóc Trăng, các chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ TP vẫn tiếp tục duy trì, giám sát chặt người và phương tiện từ vùng ngoài vào, vì hiện còn nhiều địa phương trong tỉnh đang là vùng nguy cơ cao (vùng cam), vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ).

“Việc duy trì các chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhằm hạn chế người dân ra khỏi địa bàn. Khi ra ngoài, người dân phải có mục tiêu, lý do chính đáng, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ kiểm tra lịch trình đi lại của bà con thông qua khai báo y tế. Việc làm này sẽ giúp cho lực lượng chức năng truy vết nhanh nếu có phát sinh ca mắc COVID-19” - ông Nguyễn Văn Quận nói.

Trước thông tin hàng quán được phép mở của bán tại chỗ, nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn TP Sóc Trăng vẫn ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chị Trịnh Thị Linca, chủ quán cà phê Gạo bày tỏ: "Tôi sẽ thực hiện bán mang về trong vài ngày xem như thế nào rồi mới tính tiếp, không chỉ bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình tôi còn đặc biệt chú trọng đến sức khỏe cộng đồng".

(Theo Pháp luật TP.HCM)

F0 ở TPHCM bất ngờ tăng vọt, vì sao?
Số ca bệnh được công bố ngày 3/9 tại TPHCM bất ngờ tăng vọt lên 8.499 ca. Tuy nhiên, BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật...

Tin tức 24h

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h