Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thông tin trong buổi thi môn Toán chiều nay có trường hợp nghi nhiễm COVID-19, 1 thí sinh nhận kết quả xét nghiệm dương tính và 1 thí sinh trở thành F1 trước buổi thi.
TP.HCM: Phát hiện 1 thí sinh nghi nhiễm, 1 thí sinh dương tính với SARS-CoV-2
Chiều 7/7, thông tin từ Trung tâm Báo chí TP.HCM cho hay, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa có báo cáo nhanh về tình hình thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiều ngày 7/7.
Theo đó, chiều nay, 85.927 thí sinh (trong tổng số 88.758 thí sinh đăng ký dự thi) tham gia làm bài thi môn Toán. Trong đó có 1 thí sinh vi phạm quy chế thi. Tham gia coi thi và phục vụ kỳ thi có 17.035/17.052 lãnh đạo, cán bộ, nhân viên.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP cho hay, trong buổi thi môn Toán chiều nay, tại điểm thi THCS Bàn Cờ (quận 3) có trường hợp nghi nhiễm COVID-19, các phòng thi liên quan đã tách thành 2 phòng thi. Sau khi thi xong, quận 3 xử lý xét nghiệm nhanh và khử khuẩn toàn bộ điểm thi và tiến hành cách ly các học sinh liên quan tại điểm thi vào tối nay.
Thí sinh tới điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) để tiếp tục thi môn Toán trong chiều 7/7. Ảnh: Hồng Lam
Tại điểm thi THCS Bình Tây (quận 6), 1 thí sinh đã xét nghiệm âm tính vào ngày 3/7 theo kế hoạch xét nghiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo, tham gia làm thủ tục thi vào chiều 6/7 và thi môn Văn sáng 7/7. Sau khi thi xong, thí sinh biết có người nhà là F0 và thí sinh nghỉ thi môn Toán buổi chiều. Điểm thi tách đôi phòng thi của thí sinh có liên quan. Quận 6 cũng đã cách ly cách thí sinh trong phòng liên quan sau khi thi và thực hiện xét nghiệm sau buổi thi cuối cùng. Tổ chức khử khuẩn toàn bộ điểm thi.
Còn tại điểm thi THCS Lý Phong (quận 5), 1 thí sinh đã xét nghiệm âm tính vào ngày 3/7 theo kế hoạch xét nghiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo, mẫu gộp dương tính. Ngày 5/7, xét nghiệm lại âm tính nên tham gia làm thủ tục thi vào chiều ngày 6/7 và thi môn Văn vào sáng hôm nay. Sau khi thi xong, quận 5 báo kết quả xét nghiệm ngày 7/7 dương tính. Thí sinh đã được nghỉ thi buổi chiều. Điểm thi tách đôi phòng thi có liên quan và tổ chức khử khuẩn toàn bộ điểm thi.
Trước đó, trong buổi thi môn Văn buổi sáng, trường THCS Đặng Trần Côn (quận Tân Phú) có 1 thí sinh F0 đến làm thủ tục vào chiều 6/7, ngày 7/7 không đến điểm thi.
Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) phát hiện 1 thí sinh đang thi môn Văn ngày 7/7 có vấn đề về sức khỏe (ngất xỉu). Thí sinh được chuyển test nhanh, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Thí sinh đang lưu bệnh tại Trung tâm y tế quận 3.
Tại trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7) có 1 thí sinh F0 đến làm thủ tục vào chiều ngày 6/7 và dự thi môn văn sáng ngày 7/7.
(Theo Dân Việt)
Hà Nội áp dụng biện pháp phòng chống dịch bắt buộc với người đến từ TP.HCM
Ngày 7/7, UBND TP.Hà Nội ra công điện tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, hiện nay tình hình dịch bệnh trên cả nước đang diễn biến nhanh và phức tạp, số ca mắc hằng ngày vẫn tăng cao tại một số địa phương như TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, và xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và TP. Không tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi công cộng; các cơ sở dịch vụ, nhà hàng ăn uống trong nhà thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn phòng chống dịch và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Tăng cường kiểm soát toàn bộ hoạt động vận tải từ các vùng dịch về thành phố. Hạn chế tối đa hoạt động vận tải hành khách công cộng từ các vùng dịch về Hà Nội và ngược lại.
Tổ chức hoạt động vận tải đi lại hợp lý đến các tỉnh (thành phố) có dịch theo định hướng tỉnh (thành phố) có dịch nếu có vận tải đường sắt hoặc đường hàng không thay thế thì cho dừng hoạt động vận tải đường bộ. Kiểm soát chặt chẽ hành khách đi các phương tiện vận tải hành khách công cộng: xe khách liên tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn TP.
UBND TP.Hà Nội yêu cầu các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ người về từ các vùng/tỉnh thành phố có dịch. Từ 18h00 ngày 7/7, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ TP.HCM và các vùng dịch như: Thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cách ly tại nhà 7 ngày (trừ trường hợp đi công tác công vụ trở về Hà Nội và tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế).
Thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cách ly tại nhà 7 ngày theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, tất cả các trường hợp từ vùng có dịch về phải tổ chức xét nghiệm 3 lần (vào ngày đầu tiên, ngày thứ ba và ngày thứ sáu kể từ ngày đi từ vùng có dịch về), sau đó tự theo dõi sức khỏe tiếp trong vòng 7 ngày. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác,… phải thông báo ngay cho chính quyền cơ sở, cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.
Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch đối với những đối tượng trên sẽ được điều chỉnh khi có hướng dẫn mới từ Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế.
Yêu cầu người dân hạn chế tối đa di chuyển đến các vùng dịch và TP.Hồ Chí Minh. Trường hợp bắt buộc phải đến với mục đích công vụ, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, khu công nghiệp… có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh và các vùng dịch khác phải được cấp thẩm quyền cho phép, phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Cảng vụ hàng không Miền Bắc, Ga Hà Nội tăng cường tuyên truyền, giám sát thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, tình hình, diễn biến dịch bệnh tại các điểm đi và đến trước mỗi chuyến bay, chuyến tàu theo chỉ đạo của UBND Thành phố (khai báo y tế, theo dõi sức khỏe hàng ngày,…) trong khu vực nhà ga, sân bay để hành khách kịp thời cập nhật; kiểm soát danh sách hành khách trên các chuyến bay, chuyến tàu, đặc biệt từ TP.HCM ra Hà Nội.
Công an Thành phố chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, UBND các quận huyện thị xã tăng cường tổ chức các chốt trực cố định tại các bến tàu, bến xe liên tỉnh, các chốt trực lưu động tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào Thủ đô.
(Theo Dân Việt)
Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân Thanh Hóa phong tỏa tạm thời, dừng nhận bệnh nhân
Chiều 7/7, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị tạm thời dừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám, điều trị (trừ trường hợp cấp cứu) tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân - nơi bệnh nhân 22742 đến điều trị, để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các nhân viên y tế và những người tiếp xúc với bệnh nhân.
Việc phong toả tạm thời bắt đầu từ 18h ngày 7/7 đến khi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của các nhân viên y tế và toàn bộ những người có liên quan trong khu vực bệnh viện, các trường hợp F1 của bệnh nhân.
Lực lượng chức năng đưa những người F1 đi cách ly tập trung.
Ông Đầu Thanh Tùng cũng giao Sở Y tế, CDC Thanh Hoá phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Thường Xuân tiến hành đánh giá kỹ các yếu tố nguy cơ, để đưa ra quyết định về việc tiếp tục cho đón tiếp bệnh nhân trở lại theo quy định.
Trước đó, BN 22742 được xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi bị tai nạn giao thông, đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Thường Xuân cấp cứu.
(Theo Tiền Phong)
Vĩnh Long thành lập Bệnh viện Dã chiến tại Hòa Phú
Ngày 7-7, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có Quyết định thành lập Bệnh viện Dã chiến tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hòa Phú (xã Hòa Phú, Huyện Long Hồ).
Bệnh viện Dã chiến được triển khai với quy mô 50 giường bệnh, 83 biên chế, với nhiệm vụ thực hiện cách ly, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo quy định và thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế.
Tổ chức bộ máy nhân lực, lãnh đạo Bệnh viện là bà Hồ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế, kiêm nhiệm chức Giám đốc Bệnh viện Dã chiến. Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hòa Phú, kiêm nhiệm chức Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến. Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó Trung đoàn Trưởng Trung đoàn Bộ binh 890, kiêm nhiệm chức Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến cùng một số thành viên khác.
Nguồn nhân lực sẽ sử dụng toàn bộ biên chế đủ điều kiện tham gia Bệnh viện Đa khoa khu vực Hòa Phú (45 biên chế), bảy biên chế từ Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Long, bảy biên chế từ Trung tâm Y tế huyện Tam Bình, sáu biên chế từ Trung tâm Y tế huyện Long Hồ, tám biên chế từ lực lượng Công an và 10 biên chế từ lực lượng Quân đội.
Bệnh viện Dã chiến sử dụng trang thiết bị của Bệnh viện Đa khoa khu vực Hòa Phú và trang thiết bị điều động từ các đơn vị khác đến. Nếu cần thiết, lãnh đạo Bệnh viện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mua sắm trang thiết bị mới để bổ sung. Kinh phí hoạt động của Bệnh viện Dã chiến sử dụng từ Ngân sách Nhà nước, quỹ Bảo hiểm y tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo đúng quy định.
Bệnh viện Dã chiến có nhiệm vụ tiếp nhận, sàng lọc, cấp cứu, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19, người bệnh tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Long An: Bốn huyện và TP Tân An giãn cách theo Chỉ thị 16
Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa vừa ký công văn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, kể từ 0h ngày 8/7, TP Tân An, các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 cho đến khi có thông báo mới.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết (như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ); không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; thực hiện nghiêm ngặt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế
Tạm dừng tất cả các hoạt động, dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hoạt động sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp.
Các cơ sở dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phục vụ mang về, không phục vụ tại chỗ…
Văn bản cũng nêu rõ, thị xã Kiến Tường và các huyện còn lại: áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo văn bản này, kể từ 0h ngày 8/7, những người ngoài tỉnh (không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại Long An) phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính (PCR hoặc test nhanh) được cấp cơ quan có thẩm quyền cấp, không quá 5 ngày tính đến thời điểm vào Long An thì mới được vào địa bàn tỉnh Long An.
(Theo Báo Giao Thông)
Một thí sinh ngất xỉu, test nhanh dương tính với SARS-CoV-2
Trưa 7/7, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thông tin về tình hình thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2021 sáng 7/7 tại TPHCM.
Theo đó, sáng 7/7, đối với môn Ngữ Văn, thành phố có 88.245 thí sinh đăng kí, 82.978 thí sinh dự thi (chiếm tỷ lệ 94.03%). Số lượng nhân viên, cán bộ coi thi là 17.009/17.052 người, vắng 43 người do nằm trong khu vực phong tỏa. Thành phố đã bổ sung 30 cán bộ coi thi thay thế nhằm đảm bảo đủ nhân lực tổ chức kỳ thi.
Về công tác phòng chống dịch, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cùng các điểm thi đã triển khai đầy đủ các phương án tham gia thi an toàn. Tuy nhiên, tại một số điểm thi trên địa bàn thành phố có phát sinh liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, trường THCS Đặng Trần Côn (quận Tân Phú) có 1 thí sinh F0 đến làm thủ tục vào chiều 6/7, ngày 7/7 không đến điểm thi.
Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) phát hiện 1 thí sinh đang thi môn Văn ngày 7/7 có vấn đề về sức khỏe (ngất xỉu). Thí sinh được chuyển test nhanh, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Thí sinh đang lưu bệnh tại Trung tâm y tế quận 3.
Tại trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7) có 1 thí sinh F0 đến làm thủ tục vào chiều ngày 6/7 và dự thi môn văn sáng ngày 7/7.
Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo TP đang phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, UBND và Trung tâm y tế các quận huyện có liên quan triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 điểm thi trên. Các biện pháp gồm khử khuẩn toàn bộ điểm thi; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là 5K trong các buổi thi còn lại của toàn bộ điểm thi.
Cùng với đó, tổ chức động viên, làm công tác tư tưởng cho các thí sinh cùng phòng thi với các trường hợp nhiễm bệnh yên tâm hoàn thành các môn thi còn lại; có biện pháp phân luồng riêng, quản lý việc đến điểm thi, di chuyển trong điểm thi đến các phòng thi của các thí sinh này; bản thân thí sinh tăng cường thực hiện các biện pháp đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách với người khác. Làm công tác tư tưởng, động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đang làm việc tại điểm thi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của điểm thi.
(Theo Dân Việt)
Người phụ nữ phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sau tai nạn giao thông
Trưa ngày 7/7, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại huyện Thường Xuân sau tai nạn giao thông.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Thường Xuân, bệnh nhân là nữ giới (46 tuổi) có địa chỉ thường trú tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân. Trước đó, vào ngày 3/7, bệnh nhân đi từ huyện Tiên Du, Bắc Ninh về Thanh Hóa. Bệnh nhân di chuyển về bằng xe khách thuộc nhà xe Hiền Lan. Khi về đến thị trấn Thường Xuân, bệnh nhân dùng xe máy để về nhà, nhưng trên đường di chuyển bị tai nạn giao thông và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Thường Xuân. Do có lịch sử đi về từ tỉnh có dịch nên bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 vào sáng nay (7/7).
Hiện lực lượng chức năng huyện Thường Xuân đang thực hiện khẩn trương các biện pháp phòng chống dịch, truy vết và cách ly ngay những người liên quan đến bệnh nhân. Thực hiện các biện pháp khử khuẩn khu vực liên quan. Đồng thời, thông báo cho các đơn vị liên quan để truy vết các F1, F2 thực hiện cách ly theo quy định.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Dịch lan đến ‘vùng an toàn’ ở Bình Dương, nhiều điểm tạm phong tỏa
Ngày 7/7, thông tin từ huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) cho hay đã phong tỏa tạm thời đối với các khu phố 1, 2 và 3 thuộc thị trấn Dầu Tiếng. Việc phong tỏa nhằm đảm bảo an toàn và phục vụ công tác truy vết, khử trùng.
Trước đó, huyện Dầu Tiếng ghi nhận 11 ca nghi mắc COVID-19 khi thực hiện test nhanh kháng nguyên. Địa phương này đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm PCR đơn đối với 11 trường hợp trên. Hiện, các mẫu xét nghiệm đã được chuyển về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Dương để xét nghiệm khẳng định lại.
Trước việc ghi nhận một số ca dương tính với SARS-CoV-2 khi người dân có biểu hiện bất thường đến cơ sở y tế test kháng nguyên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản về việc “Tăng cường giám sát, quản lý người sốt, ho, đau họng, cảm cúm, viêm đường hô hấp”.
Cụ thể, đề nghị các các địa phương, đơn vị y tế tăng cường giám sát, quản lý những người có triệu chứng, sốt, ho, đau họng, cảm cúm, viêm đường hô hấp cấp... khi đến khám bệnh. Các cơ sở y tế trên địa bàn phải trang bị test nhanh kháng nguyên COVID-19 để xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ sốt, ho, đau họng, cảm cúm, viêm đường hô hấp cấp.
Nhiều điểm ở Bình Dương đang tạm phong tỏa do liên quan đến ca dương tính.
Liên quan đến việc ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng những ngày qua là công nhân lao động, UBND tỉnh Bình Dương đã triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong đợt 4 này sẽ ưu tiên người lao động. Dự kiến, trong đợt tiêm chủng này toàn tỉnh Bình Dương sẽ tiêm cho 24.000 người. Trong đó, có 18.000 công nhân lao động là đối tượng có nguy cơ cao trong và ngoài khu công nghiệp đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp được tiêm vắc xin phòng COVID-19 miễn phí.
(Theo Tiền Phong)
Test nhanh lấy giấy "thông hành", phát hiện 5 người dương tính SARS-CoV-2
Ngày 7/7, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết: Kết quả xét nghiệm trong ngày 6/7, Đồng Nai ghi nhận 21 ca dương mới. Trong đó có 5 ca là người từ tỉnh Bình Dương đến làm xét nghiệm test nhanh tại Bệnh viện Singmak (TP Biên Hòa); 1 ca tại phường Phước Tân (TP Biên Hòa, buôn bán tại chợ cá Phước Tân có nguồn lây liên quan chợ Bình điền. 1 ca tại phường Tân Biên (TP Biên Hòa) liên quan đến chợ Hóc Môn; 1 ca tại huyện Định Quán, liên quan đến chợ Bình Điền; 12 ca là F1 đang cách ly tại khu cách ly Đại học miền Đông (huyện Thống Nhất);1 ca trong khu vực phong tỏa huyện Thống Nhất Đến nay tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Đồng Nai trong làn sóng dịch thứ 4 là 110 ca; trong đó liên quan đến chợ Hóc Môn là 89 ca; chợ Bình Điền là 3 ca. Có 3 ca diễn biến nặng phải thở ở xy và hỗ trợ thở máy, trong đó 1 ca khá nặng.
1 điểm test nhanh COVID-19 tại TP Biên Hòa.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai phát thông báo khẩn tìm người đến chợ đầu mối Bình Điền (Đại lộ Nguyễn Văn Linh, KP.6, P.7, Quận 8, TP HCM) từ ngày 15/6 đến nay do có liên quan đến các ca mắc COVID-19 tại Đồng Nai và TP.HCM.
(Theo Tiền Phong)
Hải Phòng chỉ cho phép người có kết quả xét nghiệm âm tính vào thành phố
Trưa 7/7, UBND TP Hải Phòng có văn bản hỏa tốc số 4491/UBND-VX về việc kiểm soát chặt chẽ người về từ các địa phương đang có dịch.
Theo đó, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm mới trong nước đã vượt ngưỡng 1000 ca/ngày, đặc biệt dịch bệnh bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; những ngày qua liên tục có ca dương tính trên các chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh về Nội Bài, trong đó có một số ca F1 là người của Hải Phòng, nguy cơ dịch xâm nhập vào thành phố là rất lớn.
Để kịp thời ngăn chặn và hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập vào thành phố, UBND TP Hải Phòng yêu cầu, từ 12h ngày 7/7/2021 áp dụng cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người về Hải Phòng từ TP Hồ Chí Minh.
Đồng thời, đối với các chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố: từ 12h ngày 8/7/2021, chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày mới được vào thành phố. Kiểm soát chặt chẽ tất cả người và phương tiện, tuyệt đối không để lọt những người từ vùng dịch vào thành phố; thực hiện việc đưa đi cách ly tập trung theo quy định hoặc thông báo kịp thời cho các địa phương để áp dụng cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó, UBND TP Hải Phòng yêu cầu đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hạn chế tối đa việc cử cán bộ đi công tác tại các tỉnh phía Nam và vùng có dịch; quy định chặt chẽ việc khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch, thông báo kịp thời đến chính quyền địa phương sở tại hoặc trạm Y tế gần nhất để được quản lý, cách ly và xét nghiệm theo quy định.
UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện những người về địa phương từ vùng dịch, đặc biệt các tỉnh phía Nam: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... quản lý chặt chẽ những trường họp cách ly tại nhà, tuyệt đối không bỏ sót những người đến từ vùng dịch mà không được quản lý. Lãnh đạo các quận huyện chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Ngoài ra, UBND TP Hải Phòng giao Sở Y tế cập nhật kịp thời các vùng dịch, các địa điểm đang phong tỏa tại các tỉnh, thành phố; thông báo đến các chốt, các địa phương và phổ biến rộng rãi để Nhân dân thành phố biết và thực hiện. Chủ trì, cùng UBND các quận, huyện có liên quan bố trí địa điểm, nhân lực làm xét nghiệm test nhanh với virus SARS-CoV-2 cho người dân có nhu cầu tại các chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố.
(Theo Báo Giao Thông)
Người về từ TPHCM phải cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 3 lần
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM trao đổi, thống nhất với UBND các tỉnh, thành phố trước khi đưa những người từ TP.HCM về các tỉnh, thành phố khác, đồng thời thống nhất bố trí phương tiện vận chuyển đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Cùng đó, với UBND các tỉnh, thành phố tiếp nhận người về từ TP HCM, Bộ Y tế đề nghị tất cả những người từ TP. HCM về được coi là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh (thường gọi là F2) thì phải cách ly y tế tại nhà 7 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo trừ người đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ.
Đồng thời, người này phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.
(Theo Tiền Phong)
Tài xế ở Hưng Yên dương tính SARS-CoV-2, từng chở khách đến quán karaoke
Sáng 7/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hưng Yên thông tin địa phương vừa ghi nhận thêm 5 ca dương tính SARS-CoV-2.
Những trường hợp này gồm: anh N.N.T (SN 1990), ông N.T.H (SN 1965), anh N.V.V (SN 1973), ông N.V.H (SN 1967) và anh N.Q.V (SN 1994), cùng trú tại huyện Yên Mỹ, là F1 của các ca bệnh và đã được cách ly y tế tập trung từ trước.
Đáng chú ý, trong số này có anh N.N.T (SN 1990, trú tại xã Hoàn Long) làm nghề nhôm kính và lái xe gia đình.
Theo dịch tễ, đêm 20/6, nam bệnh nhân lái ô tô chở bệnh nhân N.V.B cùng 3 người khác đi hát tại quán karaoke Đại Tây Dương, khi ngồi trên xe không ai đeo khẩu trang. Sau khi nhóm khách hát xong, nam tài xế chở những người này về nhà tại xã Việt Cường.
Ngày 21/6, bệnh nhân đến xưởng nhôm làm việc, tiếp xúc với những đồng nghiệp. Chiều cùng ngày, anh chở người thân lên Bệnh viện Nhi Hà Nội.
Tối 22/6, anh chở khách từ Trâu Quỳ lên Hà Nội. Sáng 23/6, nam tài xế ra trạm y tế địa phương khai báo sau được được đưa đi cách ly y tế tập trung tại Đại học Công đoàn. Tại nơi cách ly, lực lượng y tế 3 lần lấy mẫu xét nghiệm nam tài xế và đều cho kết quả âm tính.
Đến ngày 5/7, bệnh nhân có triệu chứng đau đầu. Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm lần 4 và sau đó cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Theo CDC Hưng Yên, bốn ca dương tính SARS-CoV-2 còn lại đều được cách ly y tế từ trước. Trong thời gian cách ly theo dõi, đa số những trường hợp này đều có biểu hiện đau đầu hoặc ho, sốt.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, CDC Hưng Yên đã chuyển những bệnh nhân này tới Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cách ly, điều trị. Đồng thời, ra thông báo khẩn tìm người đến những địa điểm các ca bệnh từng đến. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương truy vết F1, F2 liên quan.
(Theo Tiền Phong)
Địa chỉ và mức giá xét nghiệm COVID-19 cho người dân ra khỏi TP.HCM
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành phía Nam, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch nhằm kiểm soát kịp thời nguồn lây bệnh.
Để chủ động kiểm soát dịch COVID-19, Sở Y tế TP.HCM đề nghị khi người dân có nhu cầu ra khỏi TP, đến các tỉnh thành khác cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR) thì liên hệ 2 địa chỉ.
Cụ thể, để được xét nghiệm nhanh kháng nguyên (hay còn gọi test nhanh COVID-19), người dân đến các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Nếu muốn xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 (hay còn gọi phương pháp xét nghiệm RT-PCR) thì đến các phòng xét nghiệm của các đơn vị được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Vinmec Central Park. Ảnh: K.V
Sở Y tế giao Trung tâm Y tế, bệnh viện thực hiện xét nghiệm cho người dân. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính, đơn vị trả kết quả xét nghiệm cho người dân. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Về mức giá xét nghiệm, Sở Y tế cho biết, xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR bằng mức giá thanh toán BHYT theo quy định tại Công văn 4356/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19.
Xét nghiệm nhanh kháng nguyên: bằng giá dịch vụ được quy định tại Phụ lục đính kèm Thông tư số 13/2019 và Thông tư số 14/2014 của Bộ Y tế là 238.000 đồng/mẫu.
Được biết, cũng trong ngày 6/7, thực hiện chỉ đạo UBND TP Thủ Đức, Bệnh viện TP Thủ Đức phối hợp với Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện Lê Văn Việt triển khai thực hiện 3 điểm xét nghiệm COVID-19 có thu phí này, bắt đầu từ 9 giờ 00 ngày 7/7/2021 nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về việc xét nghiệm COVID-19 để di chuyển qua các địa phương lân cận có yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Theo đó:
Điểm 1: Nhà Thiếu nhi TP Thủ Đức.
Địa chỉ: Số 281 đường Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức
Điểm 2: Nhà Thiếu nhi TP Thủ Đức (Cơ sở 1).
Địa chỉ: số 200 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức
Điểm 3: Nhà Thiếu nhi TP Thủ Đức (Cơ sở 2).
Địa chỉ: số 2/2B đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp phú, TP Thủ Đức
(Theo Gia đình và Xã hội)
Hà Nội tiếp tục xét nghiệm ngẫu nhiên người trên các chuyến bay về từ TP HCM
Trước tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh thành phía Nam đang diễn biến hết sức phức tạp, để tiếp tục chủ động giám sát, đánh giá nguy cơ đối với các trường hợp đi về từ vùng có dịch và chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đánh giá nguy cơ tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Từ ngày 6/7/2021, sẽ xét nghiệm ngẫu nhiên người trên các chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Người dân được xét nghiệm bằng loại xét nghiệm test nhanh kháng nguyên hoặc mẫu gộp xét nghiệm RT PCR phát hiện vi rút SARS-CoV-2.
Sở Y tế Hà Nội giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (cơ quan thường về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội) là đầu mối phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, Mê Linh triển khai thực hiện xét nghiệm và tổng hợp kết quả báo cáo Sở Y tế vào 17h00 hàng ngày.
Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, Mê Linh cử 05 cán bộ/đơn vị luân phiên phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trong quá trình triển khai xét nghiệm tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
(Theo Tiền Phong)
4 bệnh viện dã chiến quy mô 12.000 giường ở TPHCM đi vào hoạt động
Ngày 7/7, Sở Y tế TPHCM cho biết, Thành phố vừa đưa 4 BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 quy mô 12.000 giường đi vào hoạt động.
Theo Sở Y tế TP, việc hình thành thêm các BV dã chiến thu dung điều trị nhằm thực hiện kế hoạch ứng phó dịch bệnh COVID-19 với kịch bản 10.000 và 15.000 ca mắc trên địa bàn Thành phố.
“Hiện, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố đã vượt qua con số 7.000 ca. Dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc bổ sung thêm các BV dã chiến chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc các trường hợp đang được cách ly (F1) không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (chiếm khoảng 80% các trường hợp) là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế vừa giảm tải cho các BV đã chuyển đổi công năng” – đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết.
Tính đến hiện tại, Thành phố đã có các BV chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch (tương ứng tầng 3 của mô hình tháp 3 tầng), và các BV chuyên điều trị COVID-19 có triệu chứng có hoặc không có kèm bệnh lý nền (tương ứng tầng 2 của hình tháp) với tổng công suất là 5.000 giường.
Cấu trúc các bệnh viện phục vụ thu dung và điều trị COVID-19 theo hình tháp 3 tầng (Đồ họa: SYT)
Để đáp ứng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhu cầu cấp bách hiện nay là cần bổ sung các BV dã chiến chuyên thu dung điều trị (tương ứng tầng 1 của hình tháp) để tiếp nhận cách ly ngay các trường hợp mới mắc hoặc đang cách ly (F1, F2) chuyển sang F0. Quy mô các BV này đòi hỏi phải đủ lớn để chủ động cách ly ngay số lượng lớn các trường hợp mắc mới được phát hiện (tương ứng tầng 1 của hình tháp).
Theo đó, tương ứng với kế hoạch ứng phó dịch COVID-19 với kịch bản 10.000 rồi 15.000 ca mắc, BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 với quy mô 4.000 giường đã đi vào hoạt động từ ngày 4/7, ngành y tế Thành phố đã triển khai thêm BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2 với quy mô 2.000 giường từ ngày 7/7, BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3 quy mô 3.000 giường và BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 quy mô 3.000 giường bắt đầu đi vào hoạt động.
Cả 4 BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 đều tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có là các ký túc xá thuộc ĐHQG (BV dã chiến số 1), các khu nhà tái định cư của Thành phố chưa đưa vào sử dụng hoặc chưa đấu giá (BV dã chiến số 2 - khu nhà tái định cư ở quận 12, BV dã chiến số 3 - khu nhà tái định cư ở TP Thủ Đức, BV dã chiến số 4 - khu nhà tái định cư ở huyện Bình Chánh).
Để phục vụ công tác chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM, đã có hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố cùng với hàng nghìn nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) đang công tác tại các BV Thành phố, BV quận, huyện và các BV trực thuộc Bộ, Ngành được điều động luân phiên đến công tác tại 4 BV dã chiến này. Thời gian mỗi đợt luân phiên là 4 tuần, trong thời gian luân phiên các y, bác sĩ sẽ lưu trú hẳn tại các BV dã chiến, không trở về nhà.
Hệ thống xe vận chuyển người bệnh COVID-19 (Đồ họa: SYT)
Trung tâm Cấp cứu 115 cũng được huy động và chịu trách nhiệm bố trí các kíp cấp cứu và xe cấp cứu thường trực 24/7 tại các BV dã chiến để kịp thời vận chuyển người bệnh chuyển nặng đến các BV chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 ở tầng 2 hoặc tầng 3. Ngoài ra, Trung tâm Cấp cứu 115 còn được giao nhiệm vụ liên hệ và điều phối xe vận chuyển chuyên dùng phục vụ chống dịch COVID-19 đến các điểm cách ly tạm để vận chuyển người bệnh F0 đến các bệnh viện dã chiến để thu dung điều trị.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện dễ dàng và nhanh chóng chọn BV dã chiến nào phù hợp (còn sẵn giường trống) để chuyển ngay các trường hợp F0 vừa mới phát hiện, Sở Y tế sẽ tạo dựng công cụ dashboard (bảng điều khiển dữ liệu) về tình hình sử dụng giường tại các BV dã chiến và các BV được phân công điều trị COVID-19.
Sở cũng yêu cầu các BV dã chiến và các BV điều trị COVID-19 thường xuyên cập nhật tình hình sử dụng giường lên dashboard, các trung tâm y tế chịu trách nhiệm theo dõi dashboard để chọn BV phù hợp và nhanh chóng liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 để chuyển người bệnh F0 đến các BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19.
TP HCM làm rõ 38 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 chưa rõ nguồn lây
Sáng 7-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết TP vừa ghi nhận 270 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Tính từ 18 giờ ngày 6-7 đến 6 giờ ngày 7-7, TP ghi nhận thêm 270 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố (BN22072-BN22341). Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP đã có hơn 7.600 trường hợp mắc Covid-19.
Trong 270 trường hợp nhiễm mới được công bố gồm 232 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 38 trường hợp đang điều tra dịch tễ.
Theo HCDC, hơn 1 tháng qua, TP đã rất nỗ lực và quyết tâm trong phòng, chống dịch; các lực lượng không quản gian khổ để bảo vệ cuộc sống người dân. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đã lây lan ra các tỉnh khác, TP cần thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra, ở mức cao hơn hiện nay để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế các ổ dịch và phấn đấu không để kéo dài tình trạng giãn cách xã hội như hiện nay. Người dân đã giữ vững tinh thần đồng sức, đồng lòng, có nhiều việc làm, hành động quý giá và cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Khi có nhu cầu rời khỏi TP cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, người dân có thể liên hệ các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức để được xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc phòng xét nghiệm của các đơn vị được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính chỉ có tác dụng chứng nhận ở thời điểm đó, nếu người dân không thực hiện các biện pháp phòng dịch tốt, nguy cơ lây lan dịch vẫn có thể xảy ra.
"Vì vậy, dù có kết quả xét nghiệm âm tính, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế, để hạn chế lây nhiễm bệnh" - HCDC khuyến cáo.
(Theo Tiền Phong)