Sau khi phát hiện 2 tài xế chở hàng vào Quảng Ngãi có kết quả dương tính, nhiều khu vực của tỉnh này bị phong tỏa.
2 tài xế dương tính SARS-CoV-2, phong tỏa nhiều khu vực
Sáng 6-7, Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết qua test nhanh tại chốt Kiểm tra y tế tại Dốc Sỏi, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), lực lượng chức năng phát hiện 2 tài xế dương tính với SARS-CoV-2.
Cụ thể, lúc 0 giờ 15 phút ngày 6-7, qua test nhanh tại chốt kiểm tra y tế tại Dốc Sỏi, lực lượng chức năng phát hiện tài xế N.T.H. (ngụ xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam) điều khiển xe 92C-120.96 đang trên đường vào chợ đầu mối Quảng Ngãi lấy rau, quả, các loại… có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế test nhanh các tiểu thương tại chợ đầu mối Quảng Ngãi. Ảnh: T.C
Ngay sau đó, cũng qua test nhanh, tiếp tục phát hiện tài xế N.T.T. điều khiển xe 19H-004.03 (ngụ thị trấn Phong Châu, Phú Ninh, Phú Thọ) đang chở bột ngọt tại Phú Thọ vào Quảng Ngãi giao hàng có kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Ngay sau khi phát hiện 2 tài xế dương tính, lực lượng chức năng đã phong tỏa toàn chợ đầu mối Quảng Ngãi, lấy mẫu test nhanh các tiểu thương và những người hay lui tới mua bán tại những địa điểm liên quan đến 2 tài xế.
Đến sáng 6-7, với 2 trường hợp tài xế dương tính vừa phát hiện, Quảng Ngãi đã có 121 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Hiện chợ trung tâm TP Quảng Ngãi cũng đã được đóng cửa tạm thời để phòng chống dịch Covid-19.
(Theo Người Lao Động)
Xét nghiệm ngẫu nhiên người trên các chuyến bay từ TPHCM về Hà Nội
Ngày 6/7, Sở Y tế Hà Nội có văn bản về việc tiếp tục thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên người trên các chuyến bay từ TPHCM về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Sở Y tế Hà Nội đánh giá, dịch COVID-19 tại các tỉnh thành phía Nam đang diễn biến hết sức phức tạp. Để tiếp tục chủ động giám sát, đánh giá nguy cơ đối với các trường hợp đi về từ vùng có dịch và chủ động trong công tác phòng, chống dịch, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đánh giá nguy cơ tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Đối tượng xét nghiệm ngẫu nhiên là người trên các chuyến bay từ TPHCM về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sử dụng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc mẫu gộp xét nghiệm RT - PCR.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội là đầu mối phối hợp với các đơn vị, triển khai thực hiện xét nghiệm và tổng hợp kết quả báo cáo Sở Y tế vào 17 giờ hằng ngày.
Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, Mê Linh cử 5 cán bộ/đơn vị luân phiên phối hợp với CDC Hà Nội trong quá trình triển khai xét nghiệm tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Mọi công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do CDC Hà Nội phân công.
Từ ngày 16/6 đến nay đã xét nghiệm cho 1.843 lượt hành khách từ TPHCM về Hà Nội. Kết quả: 1.842 mẫu âm tính, 1 mẫu dương tính (đã có kết quả PCR âm tính).
(Tiền Phong)
TP.HCM yêu cầu các địa phương chủ động triển khai cách ly F1 tại nhà
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc thực hiện ý kiến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP tại buổi họp ngày 5-7 về công tác phòng, chống dịch.
Theo Sở Y tế, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số người tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) tiếp tục gia tăng gây ra áp lực lớn cho các địa phương trong việc tổ chức cách ly tập trung.
Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế về tổ chức cách ly trường hợp F1, vừa giảm quá tải cho các địa phương vừa đảm bảo yêu cầu an toàn phòng chống dịch, hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng, Sở Y tế thống nhất với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện:
- Các địa phương căn cứ tình hình thực tế và diễn biến dịch bệnh, chủ động triển khai việc tổ chức cách ly tại nhà đối với trường hợp F1 trên địa bàn, đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
- Giao Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận huyện trực tiếp thẩm định điều kiện tổ chức cách ly tại nhà đối với trường hợp F1. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và đặc điểm thực tế của địa phương tham mưu UBND TP Thủ Đức và quận huyện quyết định cho phép trường hợp F1 được cách ly tại nhà nếu đáp ứng các điều kiện an toàn phòng dịch.
Trước đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết các điều kiện cách ly tại nhà F1 để TP.HCM xem xét áp dụng. Sở Y tế TP.HCM sau đó đã có tờ trình UBND TP về việc hướng dẫn thí điểm cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
TP.HCM: Phong tỏa 3 phường với hơn 91.000 dân ở quận 7
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận 7, TP.HCM vừa có văn bản về thiết lập cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 đối với phường Tân Thuận Đông, một phần phường Tân Thuận Tây, Bình Thuận.
Theo đó, từ 18h00 ngày 8/7 đến khi có thông báo mới, áp dụng thiết lập phong tỏa, cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16 để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với phường Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây và phường Bình Thuận. Phạm vi phong toả là toàn bộ phường Tân Thuận Đông, 1 phần phường Tân Thuận Tây và phường Bình Thuận (không gồm phần diện tích thuộc khu chế xuất Tân Thuận) bao gồm 16 khu phố, 187 tổ dân phố với diện tích 393ha, 21.582 hộ và 91.477 nhân khẩu.
Trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa cách ly y tế, người dân không được ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly, trừ nhân viên y tế, trường hợp thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác. Đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cách ly giữa nhà với nhà, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, công ty. Trong trường hợp cá nhân không tuân thủ yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
UBND phường Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây và phường Bình Thuận có trách nhiệm chỉ đạo và phân công lực lượng phường, phối hợp Trung tâm Y tế quận, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện phong tỏa, cách ly y tế đối với 3 phường này và thực hiện các biện pháp giám sát, phòng chống dịch theo đúng quy định.
(Theo Dân Việt)
300 sinh viên y tế Hải Dương vẫn đang hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM
Trưa 6-7, TS.BS Trần Quang Cảnh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, cho biết đội ngũ tình nguyện viên của trường vẫn đang tiếp tục hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.
312 sinh viên được chia thành 2 bộ phận, mỗi bộ phận có 156 người do 1 giảng viên phụ trách, hỗ trợ chống dịch tại hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Họ sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, làm xét nghiệm kháng nguyên bằng test nhanh và hỗ trợ một số việc khác tại cơ sở y tế địa phương.
Ngoài ra, 6 giảng viên Khoa Xét nghiệm của trường đang tham gia làm xét nghiệm tại một phòng xét nghiệm Realtime PCR theo điều động của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC).
Ông Cảnh cho hay đoàn tình nguyện viên của trường đang phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp triển khai xét nghiệm theo sự phân công của Sở Y tế TP.HCM.
“Các giảng viên và sinh viên của trường tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao. Chúng tôi mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào công tác chống dịch tại TP. HCM” - ông Cảnh nói.
Trước đó, đoàn sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương di chuyển vào TP.HCM để tiếp sức cho TP trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, sau đó xảy ra một số thông tin lùm xùm trên mạng xã hội, được cho là hiểu lầm về đoàn sinh viên nói trên. Đến tối qua (5-7), mạng xã hội Facebook tiếp tục xuất hiện thông tin cho rằng nhóm sinh viên đã rời khỏi TP.HCM.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Xuất hiện 2 ổ dịch mới, Hà Nội khuyến cáo người dân chỉ ra đường khi cần thiết
Sáng 6/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến với các sở ngành, quận, huyện, phường xã để tiếp tục triển khai các biện pháp nhanh chóng khoanh vùng dập dịch.
Hàng nghìn người liên quan các ca mắc COVID-19
Báo cáo tại hội nghị, Sở Y tế cho biết, trong ngày 5/7, Hà Nội ghi nhận 2 ổ dịch mới, tổng 10 ca mắc ở Đông Anh (4 ca), Mỹ Đức (5 ca) và Hoàng Mai (1 ca). Từ ca bệnh đầu tiên ở Đông Anh đã rà soát được 61 trường hợp F1: 3 dương tính, 46 âm tính lần 1, 12 trường hợp đang được lấy mẫu. Số người liên quan trong khu vực ổ dịch là 1.804 trường hợp đã được lấy mẫu, 1.789 mẫu âm tính lần 1.
Ở Mỹ Đức đã truy vết được 81 trường hợp F1 và đang xét nghiệm. Số người liên quan là 28 và đã lấy mẫu được 16 trường hợp.
Đáng chú ý ca bệnh ở Hoàng Mai trú tại Tân Khai, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai là F1 tiếp xúc với 4 bệnh nhân dương tính ở Thanh Hóa (lái xe taxi chở 4 bệnh nhân Thanh Hóa dương tính trên chuyến bay VN286 ngày 3/7 từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội). Trường hợp này được phát hiện qua công tác giám sát chủ động.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung nhận định, tình hình dịch bệnh ở Hà Nội đang được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ mắc ngoài cộng đồng vẫn ở mức cao vì Hà Nội đã ghi nhận thêm 2 ổ dịch mới.
Ổ dịch ở Đông Anh có nguy cơ cao do những ca mắc mới làm việc ở khu công nghiệp, tiếp xúc nhiều người; TP đã ghi nhận ca mắc do tiếp xúc với ca bệnh ở địa phương khác…
Ông Chung nhấn mạnh trước mắt tập trung khoanh vùng xử lý dịch, thần tốc truy vết, cách ly các trường hợp liên quan tới các ca mắc mới ở Đông Anh, Mỹ Đức, Hoàng Mai.
Tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ở các khu vực, cơ sở có nguy cơ, xét nghiệm sàng lọc cho người về từ các tỉnh, thành phố có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như TP Hồ Chí Minh; đối tượng là lái xe đường dài Bắc Trung Nam.
Vi phạm khai báo yếu tố dịch bệnh
Tại cuộc họp, 2 đơn vị có ổ dịch mới là Mỹ Đức và Đông Anh đã báo nhanh về công tác khoanh vùng dập dịch. Trong đó, đáng chú ý, huyện Đông Anh cho biết, ca bệnh đầu tiên là H.V.H (Mai Châu, Đại Mạch, Đông Anh) có vi phạm về quy định khai báo y tế.
Trường hợp này có tiếp xúc với ca bệnh dương tính ở Bắc Giang trong ngày 26 và 27/6 nhưng không khai báo. Từ ngày 28 đến ngày 3/7 vẫn đi làm. Ngày 1/7 có ho sốt, y tế cơ quan có yêu cầu trường hợp này về nghỉ và khai báo ở trạm y tế xã nhưng người này không thực hiện.
Trường hợp này giấu việc đi, đến, ở vùng có nguy cơ cao khiến công tác phòng dịch gặp khó khăn. Từ ca bệnh này đã lây sang 3 trường hợp F1 trong đó có 1 công nhân làm ảnh hướng tới đời sống 2000 công nhân…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị Mỹ Đức khẩn trương chuyển các trường hợp F1 đi cách ly tập trung; F2 cách ly tại nhà và phải có phân công tổ dân phố giám sát chặt.
Việc tổ chức thi, phải rà soát đảm bảo an toàn các điểm thi : “Từ điều tra dịch tễ, kết quả xét nghiệm phải có phương án cụ thể. Thành phố giao Sở Y tế, Sở GD&ĐT phối hợp kiểm tra thực địa điểm thi ở Mỹ Đức để đảm bảo an toàn tuyệt đối các điểm thi.
Huyện Đông Anh tiếp tục truy vết khẩn trương, không bỏ sót, phân loại các đối tượng có nguy cơ. Đông Anh đã có phương án không để công nhân ăn nghỉ tại chỗ, thì cần có cách làm cụ thể đảm bảo đời sống cho công nhân cũng như không để lây chéo.
Người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng điểm lại diễn biến dịch bệnh thế giới và trong nước, trong đó, ngày 5/7 Việt Nam đã ghi nhận trên 1.000 ca bệnh.
“55 tỉnh thành có dịch. Số ca mắc ở cộng đồng lớn, nhiều ca không rõ nguồn gốc. Hà Nội sau 8 ngày không ghi nhận ca mắc mới đã xuất hiện ổ dịch, nguy cơ bùng phát cao”, ông Dũng nói.
Từ đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, cần nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm phòng chống dịch khi thành phố đã nới lỏng một số loại hình kinh doanh và đặc biệt là đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Ông Dũng nêu, người dân chủ quan, lơ là, có nơi còn coi thường các quy định phòng chống dịch; không đảm bảo giãn cách, thực hiện thời điểm đóng cửa nhà hàng không thực hiện nghiêm túc. Sau 21h vẫn có nhà hàng bán hàng, trà đá vỉa hè vẫn hoạt động. Công tác kiểm tra xử lý ở một số địa bàn chưa quyết liệt, chủ động, chưa có giải pháp chấn chỉnh.
Ông Dũng yêu cầu Sở Công Thương và các địa phương phải rà soát, chấn chỉnh ngay các biện pháp phòng dịch ở các trung tâm thương mại khi người rất đông, không thực hiện khai báo y tế.
“Như ở TTTM AEON khi tôi đi kiểm tra, có cả người các tỉnh ngoài đến vui chơi cuối tuần rất đông nhưng không thực hiện khai báo y tế theo quy định. Dịch bệnh thì đang rất phức tạp, nguy cơ rất lớn, Sở Công Thương phải quyết liệt hơn nữa. Các văn bản, hướng dẫn thành phố đã có đầy đủ, các địa phương phải thực hiện nghiêm túc. Nhìn vào nguy cơ căng thẳng ở các tỉnh phía Nam. Hà Nội phải thực sự nghiêm túc thực hiện các giải pháp không để dịch bệnh lây lan”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng phân tích, cứ sau 7-10 ngày nỗ lực không có ca mới, thành phố lại phát sinh ca mắc mới. Các kết quả phòng dịch mới là bước đầu. Thành phố cũng nới lỏng các biện pháp phòng dịch với mong muốn đời sống người dân tốt hơn. Người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, chỉ ra khỏi nhà khi có việc thực sự cần thiết; khai báo y tế đầy đủ khi đi về từ vùng có nguy cơ…
Chủ tịch UBND các quận huyện, thị xã, Ban chỉ đạo các địa phương phải tập trung cao nhất; phải trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng dịch, hoạt động của các tổ Covid cộng đồng trong việc giám sát di biến động người dân bởi đây là thời điểm rất quan trọng khi diễn biến dịch bệnh khó lường, “phải nhìn tỉnh bạn mà lo lắng cho chúng ta”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu tiếp tục rà soát các khu cách ly tập trung, đảm bảo con số 40.000 chỗ với phương châm “4 tại chỗ”, các quận nội thành có khó khăn thì phối hợp với các đơn vị ngoại thành để xây dựng các khu cách ly tập trung. “Phải sẵn sàng, khi thành phố có yêu cầu, 24h phải thực hiện ngay. Đơn vị nào không triển khai phải chịu trách nhiệm”, ông Dũng yêu cầu.
Ông Dũng yêu cầu các đơn vị phải thường trực 24/24/7, sẵn sàng bao vây, khoanh vùng, khi có ca mắc mới phải khẩn trương truy vết đến cùng. “Như huyện Mỹ Đức, các trường hợp F1 phải đưa đi cách ly từ đêm qua, chứ không phải sáng nay vẫn còn đề xuất. Phải khẩn trương nhất có thể. Việc lấy mẫu, trả kết quả phải thực hiện đúng theo công thức 4-6. 10h phải có kết quả”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng yêu cầu các địa phương Mỹ Đức, Đông Anh, Hoàng Mai nhanh chóng khoanh vùng, truy vết các trường hợp liên quan, phối hợp thông tin chặt chẽ với các địa phương có liên quan không để dịch bệnh tiếp tục lây lan.
(Theo Tiền Phong)
Lâm Đồng thông báo khẩn tìm người đến 8 địa điểm sau do có ca COVID-19
Ngày 6-7, Sở Y tế Lâm Đồng thông báo khẩn tìm người đến 8 địa điểm sau do liên quan ca mắc COVID-19.
1. Quán ăn bún phở Hùng Hới, thôn Phú Hòa, Mỹ Đức, Đạ Tẻh (buổi sáng các ngày 27-6 đến 28-6).
2. Quán cháo gà - gỏi vịt Cường Hoa, thôn Phú Hòa, Mỹ Đức, Đạ Tẻh (buổi tối các ngày 26-6 đến 1-7).
3. Quán Cà Phê Hồng Nhung, thôn 6, Mỹ Đức, Đạ Tẻh (chiều 30-6).
4. Xe dịch vụ Thanh Dung, thôn 4, thị trấn Đạ Tẻh, Đạ Tẻh (sáng 30-6).
5. Quán bánh mỳ Phượng, bùng binh thị trấn Đạ Tẻh, Đạ Tẻh (khoảng 7 giờ ngày 30-6).
6. Nhà ông Hùng, thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, Đạ Tẻh (khoảng 11 giờ 30 ngày 30-6).
7. Nhà ông Lê Văn Lâm, chân đèo con Ó, xã Mỹ Đức, Đạ Tẻh (khoảng 14 giờ đến 14 giờ 30 ngày 30-6).
8. Quán cà phê Ghiền, cổng Trại giam Đại Bình - Bảo Lâm (Từ 9 giờ 30 đến 13 giờ ngày 30-6).
Trước đó, ngày 26-6, bà VTT và ông NMH đi từ huyện Hóc Môn (TP.HCM) về thôn Phú Hòa (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) nhưng khai báo y tế không trung thực.
Sau khi xét nghiệm, kết quả bà T. dương tính với SARS-COV-2 và trở thành BN17951. Đến chiều 5-7, từ F0 là bà T. cơ quan chức năng đã ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới.
Ngày 6-7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) đã khởi tố vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” xảy ra trên địa bàn huyện.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
TP.HCM: LotteMart quận 7 đóng cửa, chợ Tân Mỹ ngưng hoạt động vì COVID-19
Trưa 6/7, LotteMart trên đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM) đã đóng cửa để khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên siêu thị này vì có ca nhiễm COVID-19.
Trước đó, tối qua ngành y tế cũng đã tiến hành phong tỏa siêu thị này để khử khuẩn đồng thời test nhanh khoảng 1.000 người đang làm việc tại đây.
Đại diện Y tế phường Tân Hưng cho biết, ngành y tế phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến LotteMart quận 7. Đó là một nữ nhân viên của quầy hàng bánh kẹo, một nam nhân viên bảo trì và một nhân viên bên ngoài đến siêu thị giao hàng thực phẩm.
Cách LotteMart quận 7 khoảng 1km, chợ Tân Mỹ đường Tân Mỹ (phường Tân Phú, quận 7) cũng đóng cửa vì liên quan đến COVID-19. Hiện tại cổng vào chợ Tân Mỹ đã bị phong tỏa, các sạp hàng bên trong chợ đã tạm ngừng hoạt động. Nhiều người dân đến chợ mua thực phẩm, được thông báo chợ đã tạm đóng cửa nên đành ra về.
Trong sáng nay, UBND phường Tân Phú phát thông báo tìm người đến sạp 205 khu vực hải sản tươi sống chợ Tân Mỹ trong khoảng thời gian từ 4 giờ đến 9 giờ 30 ngày 5/7 liên hệ với Trạm Y tế phường Tân Phú để được hướng dẫn khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm.
Hôm nay 6/7, chợ đầu mối lớn khu vực miền Nam là chợ Bình Điền (quận 8, TP.HCM) cũng tạm đóng cửa, ngưng tập kết giao dịch hàng hóa trực tiếp. Hiện trên địa bàn TP.HCM, đến nay đã có hơn 100 chợ truyền thống và chợ đầu mối, khoảng 65 siêu thị lớn, nhỏ và cửa hàng tiện lợi đã phải đóng cửa vì liên quan ca nhiễm dịch COVID-19
Trước diễn biến dịch phức tạp, lan rộng nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức, số điểm bán hàng phải đóng cửa tăng nhanh, ít nhiều ảnh hưởng nguồn cung hàng hóa cũng như tâm lý người dân, ngày 1/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã hướng dẫn các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... trên địa bàn TP.HCM có thể trở lại hoạt động ngay sau khi đã hoàn thành công tác vệ sinh khử khuẩn và bảo đảm nhân viên làm việc tại đó không có người đang trong thời gian cách ly.
Ngay sau hướng dẫn này, một số siêu thị, cửa hàng đã được gỡ phong toả, mở cửa hoạt động trở lại.
Tính từ sáng đến trưa 6/7, TP.HCM ghi nhận 439 ca mắc COVID-19. Tính từ 27/4 đến nay, TP.HCM có 7.114 ca nhiễm đã được Bộ Y tế công bố và là địa phương có số ca mắc cao nhất so với cả nước.
Hiện thành phố đang cách ly 51.249, trong đó 14.107 người đang cách ly tập trung, 37.142 trường hợp đang cách ly tại nhà.
(Theo Dân Việt)
Tiền Giang: Truy vết, cách ly 262 F1 ca nhiễm tại Trung tâm y tế Cái Bè
Sáng 6/7, ông Trần Văn Út, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, lực lượng y tế huyện đã truy vết và xác định có 262 F1 liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 là bác sĩ và điều dưỡng của Trung tâm y tế huyện Cái Bè. Trong đó, có 172 F1 đến khám bệnh có tiếp xúc gần với 2 bác sĩ, điều dưỡng.
Cụ thể, 1 người ở TP. HCM, 2 ở huyện Cai Lậy, 1 huyện Gò Công Đông và 1 ở huyện Tân Phước, các trường hợp còn lại thuộc huyện Cái Bè.
Ngoài ra, còn có 78 nhân viên y tế và 12 người trong cộng đồng tiếp xúc với 3 trường hợp mắc Covid-19 trên. Hiện, tất cả các trường hợp F1 đã được đưa đi cách ly y tế tập trung. Ngành y tế huyện Cái Bè đang tiếp tục truy vết F2 và lập danh sách theo dõi F3.
UBND tỉnh Tiền Giang quyết định phong tỏa Trung tâm Y tế huyện Cái Bè sau khi phát hiện 2 bác sĩ và 1 điều dưỡng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện và tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực.
Sở Y tế Tiền Giang đã điều chuyển 63 bệnh nhân đang điều trị chạy thận tại Trung tâm Y tế Cái Bè sang Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang và Bệnh viện Cai Lậy tiếp tục điều trị.
Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, huyện Cái Bè ghi nhận 81 trường hợp nhiễm Covid-19 trên địa bàn 8/15 xã, thị trấn của huyện.
Trước đó, tối ngày 5/7, ngành y tế tỉnh đã ghi nhận 37 trường hợp dương tính qua các mẫu xét nghiệm gộp và mẫu đơn tại các địa bàn xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho), huyện Gò Công Tây và những người về từ TP. HCM có liên quan đến ổ dịch chợ đầu mối Bình Điền.
Nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh lây lan ra cộng đồng, cơ quan chức năng tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp khoanh vùng, dập dịch như phong tỏa khu vực sinh sống và lui tới của các trường hợp nghi mắc Covid-19.
(Theo Báo Giao Thông)
Người phụ nữ trốn cách ly để... đi chợ
UBND xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, Nghệ An cho biết, đơn vị đã lập biên bản với một người phụ nữ đang thuộc diện phải cách ly tại nhà ở xã Phúc Thọ nhưng lại vẫn tới một khu chợ tại địa phương này.
Trước đó vào ngày 5/7, trong quá trình đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ trên địa bàn, BCĐ Phòng, chống dịch xã Nghi Thái phát hiện trường hợp T.T.Tr (SN 1966, trú tại xóm 3, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc) đã tự ý rời khỏi khu cách ly khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng.
Bà Tr. bị lập biên bản xử phạt về vi phạm liên quan tới công tác phòng chống dịch.
Ban chỉ đạo đã tiến hành lập biên bản, mời trường hợp nêu trên về trạm y tế xã để tiến hành khai báo y tế, đồng thời bàn giao hồ sơ và người vi phạm cho UBND xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, quy định của Chính phủ về xử phạt người trốn tránh quy định cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị xử phạt với mức xử phạt từ 5-10 triệu đồng.
(Theo Công An Nhân Dân)
Cách ly hơn 2.000 dân liên quan chùm 5 ca dương tính SARS-CoV-2 trong gia đình
Sáng 6-7, ông Đặng Văn Triều, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 đối với thôn Kênh Đào (xã An Mỹ), nơi có 5 người trong gia đình dương tính SARS-CoV-2.
Khu vực cách ly y tế có 618 hộ gia đình với tổng số 2.190 nhân khẩu. Khu vực thực hiện giãn cách (vòng 1) theo Chỉ thị số 16 gồm 32 hộ dân ở xóm 2 (thôn Kênh Đào). Cách ly vòng 2 thôn Kênh Đào theo Chỉ thị số 15. Cách ly vòng 3 tại khu vực dân cư cạnh đường 419 (thuộc địa phận thôn Kênh Đào) theo Chỉ thị số 19. Thời gian thực hiện cách ly từ ngày 5-7 đến hết ngày 26-7.
Ngoài việc cách ly, huyện Mỹ Đức cũng quyết định từ 0 giờ ngày 6-7, tạm dừng một số cơ sở kinh doanh dịch vụ, như: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người, các cửa hàng cắt tóc, gội đầu; dừng hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại các địa điểm công cộng; hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết... để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 cho đến khi có thông báo mới của huyện.
Liên quan công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021 sắp tới, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết Trường THPT Mỹ Đức B, nằm trên địa bàn thôn Tảo Khê (xã An Mỹ) vẫn tiếp tục sử dụng làm điểm thi cho 751 thí sinh dự thi. Toàn bộ thí sinh thuộc diện cách ly y tế ở thôn Kênh Đào và số thí sinh thuộc diện F1, F2 sẽ được thông báo thi đợt sau theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, huyện Mỹ Đức tổ chức phun thuốc khử khuẩn xung quanh địa điểm thi thành nhiều đợt. Các thí sinh dự thi sẽ không đi qua khu vực thôn Kênh Đào. Cụ thể, thí sinh cư trú thuộc khu vực phía Nam và phía Tây của xã An Mỹ sẽ đi theo đường 419 lên đường giáp xã Mỹ Thành rồi đi vào thôn Tảo Khê. Thí sinh thuộc các xã: Tuy Lai, Thượng Lâm, Đồng Tâm, Phúc Lâm, Bột Xuyên đi đến đường 419, điểm cuối của xã Mỹ Thành rồi đi vào thôn Tảo Khê.
Huyện Mỹ Đức đang tập trung tuyên truyền để các bậc phụ huynh chỉ đưa thí sinh đến điểm thi rồi trở về nhà, không tụ tập tại điểm thi. Huyện sẽ bố trí lực lượng hướng dẫn thí sinh và người nhà thí sinh đến điểm thi Trường THPT Mỹ Đức B...
Trước đó, sáng 6-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo 5 trường hợp trong một gia đình tại huyện Mỹ Đức dương tính với virus SARS-CoV-2.
(Theo Tiền Phong)
Truy tìm khẩn những người từng đến một số siêu thị, quán cà phê, quầy bách hóa ở TP Thủ Đức
Sáng 6-7, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức cho hay đang tìm những người liên quan tại 2 phường trên địa bàn để thực hiện biện pháp phòng dịch.
Theo đó, UBND phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức vừa nhận thông báo về kết quả xét nghiệm của trường hợp F1 nghi mắc Covid-19 đang tạm trú trên địa bàn.
Nhằm kịp thời kiểm soát dịch bệnh lây lan trong cộng đồng dân cư, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch phường Hiệp Bình Phước thông báo những người từng đến các địa điểm sau thì liên hệ ngay bằng điện thoại hoặc Zalo (để tránh tập trung đông người) đến cơ sở y tế địa phương để được hướng dẫn và lấy mẫu xét nghiệm.
Cụ thể:
-Quán cà phê Mộc tại địa chỉ 948 Quốc lộ 13, khu phố 2, phường Hiệp Bình Phước từ 13 giờ ngày 26 đến ngày 3-7.
-Sạp bán chuối, 91 Quốc lộ 1, khu phố 2, phường Hiệp Bình Phước từ ngày từ 13 giờ ngày 26 đến ngày 3-7.
Tất cả những người có liên quan cần liên hệ trạm y tế địa phương (nơi đang cư ngụ) để được hướng dẫn phòng dịch.
Đối với các trường hợp có liên quan cư trú trên địa bàn Hiệp Bình Phước thì liên hệ trạm y tế phường, địa chỉ 686 Quốc lộ 13; Điện thoại liên hệ: 028.62836639-0911.395.013 (bà Nguyễn Thị Bích Loan-Phó trưởng Trạm Y tế phường) hoặc số 0902.885.446 (nhân viên chống dịch Đỗ Văn Bạn).
Cùng thời điểm, UBND phường Linh Trung cũng phát thông báo truy tìm khẩn những người từng đến những địa điểm sau, cần mau chóng liên lạc cơ quan y tế để có biện pháp phòng dịch.
Cụ thể:
-Siêu thị Co.opXtra Linh Trung từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút ngày 20-6; từ 11 giờ 30 phút đến 14 giờ ngày 27-6.
-Quán cháo gà tại 60A đường Linh Trung từ 20 giờ 30 phút đến 20 giờ 45 phút ngày 21-6.
-Bách hóa xanh chợ Linh Trung từ 20 giờ 35 phút đến 20 giờ 50 phút ngày 22-6; từ 20 giờ 30 phút đến 20 giờ 45 phút ngày 28-6.
Những người đã đến các địa điểm nêu trên nhanh chóng liên hệ Trạm y tế phường Linh Trung hoặc trạm y tế địa phương để được hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch và lấy mẫu xét nghiệm. Điện thoại liên hệ: 0974.143787 (bà Hồ Thị Tuyết Huê-Trưởng trạm Y tế phường Linh Trung); 0968.655191 (ông Huỳnh Ngọc Anh-Nhân viên chống dịch).
(Theo Người Lao Động)
Hà Nội ra công văn hỏa tốc về phòng dịch COVID-19 cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021
UBND TP.Hà Nội ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên cả nước, số ca mắc hằng ngày vẫn tăng cao tại một số địa phương, số lượng người thường xuyên di chuyển giao thương qua các địa phương tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng khi trở lại Hà Nội.
Vì vậy, UBND TP đề nghị các đại học, học viện, trường đại học; các cơ sở đào tạo sĩ quan có đào tạo trình độ đại học; các cơ sở đào tạo cao đẳng; cao đẳng nghề; yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch, đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Các cơ sở đào tạo phải chuẩn bị chu đáo, đảm bảo an toàn và tổ chức tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 cho các thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa hoặc thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng và các thí sinh không thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2 theo phân loại của ngành y tế.
Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu các đơn vị phải tăng cường tuyên truyền chủ trương tổ chức kỳ thi tuyển sinh, thông tin yêu cầu các thí sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia tổ chức kỳ tuyển sinh thực hiện đầy đủ thông điệp “5K” và các quy định về phòng chống dịch bệnh của bộ Y tế.
UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị phải tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ địa điểm tổ chức tuyển sinh, chuẩn bị vật tư, cơ số thuốc, trang thiết bị thiết yếu theo đúng quy định. Đặc biệt, phải chuẩn bị tối thiểu 1 phòng thi dự phòng, 1 phòng cách ly để sử dụng trong tình huống phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc những bất thường khác.
Ngày mai 6/7, các thí sinh trên cả nước sẽ tiến hành làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2021.
Đến ngày 7/7, sẽ bước vào ngày thi chính thức đầu tiên với 2 môn Ngữ văn và Toán; ngày 8/7, các thí sinh sẽ dự thi tiếp những môn còn lại.
(Theo Người Đưa Tin)
TP.HCM: Từ 8h sáng nay (6/7), tạm dừng hoạt động chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền
UBND quận 8 (TP.HCM) vừa có văn bản yêu cầu tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại Chợ Đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (phường 7, quận 8). Theo UBND quận 8, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn quận 8 ngày càng phức tạp, tại chợ đầu mối Bình Điền đã xuất hiện nhiều ca COVID-19 và lan rộng đến một số quận, huyện trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành lân cận.
Trên cơ sở báo cáo của Phòng Y tế quận 8 và đề xuất của UBND phường 7, đồng thời để tạo điều kiện cho chợ Bình Điền hoàn thành phương án phòng chống dịch COVID-19, UBND quận 8 đề nghị ban giám đốc chợ đầu mối Bình Điền thực hiện các yêu cầu sau:
Tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp tại chợ Bình Điền để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, kể từ 8h ngày 6/7 cho đến khi có đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, thực hiện vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực chợ chậm nhất 20h ngày 6/7.
Giao Ban Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền:
- Thông tin cho các thương nhân biết để thay đổi hình thức vận chuyển, giao và nhận hàng theo hình thức điều phối trực tuyến, giao tận nơi cho những khách hàng mà không thực hiện trực tiếp tại chợ Đầu mối Bình Điền, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt đến tay người tiêu dùng.
- Khẩn trương thông báo đến các thương nhân thực hiện vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực chợ theo đúng thời gian yêu cầu.
- Tiến hành phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chợ. Phối hợp Sở Công thương TP.HCM, UBND quận 8 xây dựng phương án phòng, chống dịch với nhiều tình huống xử lý khác nhau để áp dụng khi chợ hoạt động lại.
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền là 1 trong 3 chợ đầu mối của TP.HCM, bên cạnh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Trước đó, chợ đầu mối thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn) đã tạm ngưng các hoạt động tập kết, giao hàng trực tiếp tại chợ từ ngày 28/6 đến 15/7 để phòng, chống dịch COVID-19.
Như vậy, hiện tại TP.HCM có 2/3 chợ đầu mối đang phải tạm dừng hoạt động.
Khẩn: Tìm người liên quan đến chuyến bay VN 286 từ TP.HCM về Hà Nội
Ngày 6/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thanh Hoá phát đi thông báo tìm người trên chuyến bay VN 286 từ TP Hồ Chí Minh về sân bay Nội Bài lúc 22h ngày 3/7 liên quan đến các ca dương tính với SARS-CoV-2 vừa ghi nhận.
Theo đó trên chuyến bay VN 286 từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội hạ cánh lúc khoảng 22h30 ngày 3/7/2121 có 227 hành khách. Trong đó, có 19 người quê Thanh Hoá. Tuy nhiên, chỉ có 10 người về địa phương và đã được giám sát, cách ly.
Riêng huyện Vĩnh Lộc có 8 người trở về địa phương. Trong 8 người này đã ghi nhận 4 ca dương tính trong khu cách ly huyện Vĩnh Lộc, 4 người còn lại đang cách ly tập trung.
CDC Thanh Hoá đề nghị những người có liên quan hãy liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ. Hoặc liên hệ số hotline: 0916.803.115.
Theo CDC tỉnh Thanh Hóa, 4 ca dương tính với SARS-CoV-2 trên chuyến bay VN 286 cùng có địa chỉ thường trú tại xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, và đều là nữ. Cả 4 cùng làm việc tại chợ cá Bình Điền, phường 7, quận 8, TP.HCM.
Theo lịch trình, 4 trường hợp này cùng về Thanh Hóa ngày 3/7, trên chuyến bay VN286 lúc 22h40, sau đó đi taxi về khu cách ly huyện Vĩnh Lộc.
Sáng 6/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, TP ghi nhận thêm 4 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới. Trong đó, có 1 ca là P.H.G., nam, sinh năm 1979, lái xe taxi chở 4 người ở Thanh Hóa dương tính với SARS-CoV-2 đi chuyến bay VN286 ngày 3/7 từ TP.HCM ra Hà Nội.
(Theo Dân Việt)
TP.HCM lên kế hoạch điều trị 500 trường hợp COVID-19 nặng
Sáng 6/7, Sở Y tế TP.HCM cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca dương tính ngày càng tăng, do vậy số trường hợp nặng cần hồi sức tích cực cũng tăng.
Để chủ động ứng phó hiệu quả với diễn biến mới của dịch bệnh, nhằm tăng cường hiệu quả điều trị cho người bệnh mắc COVID-19, nhất là các trường hợp nặng, Sở Y tế đã lên kế hoạch điều trị với kịch bản 500 bệnh nhân nặng.
Theo đó, căn cứ vào năng lực triển khai các kỹ thuật chuyên sâu, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Thủ Đức được chuyển lên nhóm các bệnh viện chuyên hồi sức chuyên sâu các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch (trước đây là nhóm các bệnh viện điều trị COVID-19 có triệu chứng). Sở Y tế đề nghị Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 Thủ Đức khẩn trương rà soát nguồn lực, đặc biệt là công tác hồi sức cấp cứu để chuẩn bị tiếp nhận các trường hợp người bệnh COVID-19 nặng.
Bên cạnh đó, nhằm chủ động ứng phó với kịch bản 500 trường hợp nặng cần được hồi sức chuyên sâu, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị COVID-19 rà soát lại các nguồn lực (cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao,…) để sẵn sàng tăng số giường hồi sức cấp cứu của mỗi đơn vị theo kế hoạch.
Cụ thể, có 7 bệnh viện thuộc nhóm bệnh viện hồi sức chuyên sâu COVID-19 nặng bao gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy (100 giường), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (100 giường), Bệnh viện Điều trị COVID-19 Phạm Ngọc Thạch (75 giường), Bệnh viện COVID-19 Trưng Vương (75 giường), Bệnh viện Điều trị COVID-19 Thủ Đức (50 giường), Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mỗi Bệnh viện có 20 giường.
Ngoài ra tại các bệnh viện điều trị cho nhóm bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng cũng nằm trong kế hoạch 500 giường hồi sức nặng với Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ (20 giường), Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi (20 giường), Bệnh viện Điều trị COVID-19 Bình Chánh (10 giường).
Được biết, TP.HCM trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 5/7 đến 6 giờ ngày 6/7) ghi nhận thêm 230 trường hợp mắc COVID-19. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã ghi nhận hơn 6.900 trường hợp mắc COVID-19.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Quảng Nam cách ly tập trung người về từ Phú Yên, Đồng Nai
Ngày 6/7, BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh này sẽ thực hiện cách ly tập trung đối với người về từ Phú Yên, Đồng Nai, trừ một số trường hợp có quy định khác để thực hiện mục tiêu kép.
Ngoài ra, yêu cầu tất cả các công dân và phương tiện giao thông từ các địa phương khác đến tỉnh Quảng Nam đều phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch hoặc y tế địa phương và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực trong khai báo y tế của mình.
Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ngay tất cả các trường hợp từ TP.HCM về tại khu vực bàn giao (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Quảng Nam, đường Trần Hưng Đạo, Điện Ngọc, Điện Bàn) trước khi đưa về địa phương có liên quan cách ly tập trung theo đúng quy định.
Sở GTVT chịu trách nhiệm chuẩn bị phương tiện đến khu vực bàn giao để vận chuyển các trường hợp về từ TP.HCM đến các cơ sở cách ly tập trung của các huyện, thị xã, thành phố có liên quan.
Trường hợp người về từ các địa phương khác đang có dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng thuộc diện cách ly tại nhà, nơi lưu trú tự bố trí phương tiện riêng, phải viết cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật, không tiếp xúc bất cứ người nào trên đường về nơi lưu trú.
Cũng theo BCĐ, kết quả quản lý, giám sát y tế người từ TP.HCM và TP Hà Nội về tỉnh Quảng Nam từ ngày 31/5/2021 đến nay có 5.643 người được giám sát (trong đó 5.003 người về từ TP.HCM); đã cách ly y tế tập trung 417 người; cách ly y tế tại nhà 5.226 người; có 5.288 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 5.285 có kết quả âm tính, 3 mẫu đang đợi kết quả.
(Theo Tiền Phong)
Gần 12.000 thí sinh đang trong các khu vực bị cách ly, phong tỏa
Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, tính đến 16 giờ 30 phút ngày 5/7, tổng số thí sinh dự kiến sẽ không thể dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt một vào ngày mai (7/7) và phải lùi sang đợt 2 do ảnh hưởng của COVID-19 là 11.551 thí sinh.
Các thí sinh này ở 39 tỉnh thành phố, nhiều nhất là Bình Định với 2.569 thí sinh, Bắc Giang với 2.477 thí sinh.
Tổng số F0 toàn quốc là: 45 thí sinh (nhiều nhất là TP.HCM với 27 thí sinh).
Tổng số F1 toàn quốc là: 362 thí sinh (nhiều nhất là Bình Dương với 231 thí sinh).
Tổng số F2 toàn quốc là: 337 thí sinh (nhiều nhất là TP.HCM với 69 thí sinh).
Số thí sinh thuộc khu vực cách ly, phong tỏa là 11.248 em.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, đợt 2 của kỳ thi sẽ được tổ chức trong điều kiện thuận lợi, đảm bảo mọi điều kiện và đảm bảo công bằng cho các em. Đề thi sẽ được tính toán để có sự tương đương về mức độ so với đề thi đợt một.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà không thể dự thi tại Hội đồng thi đã đăng ký, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản đề nghị các Sở GD&ĐT xem xét việc tiếp nhận để tổ chức thi cho các thí sinh chuyển đến từ Hội đồng thi khác nếu đáp ứng các điều kiện: Thí sinh có nguyện vọng chuyển Hội đồng thi; Hội đồng thi nơi thí sinh đã đăng ký dự thi đồng ý cho thí sinh được chuyển đến dự thi tại Hội đồng thi khác; Hội đồng thi nơi thí sinh có nguyện vọng chuyển đến đồng ý tiếp nhận thí sinh và bảo đảm việc tổ chức thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.
(Theo Sức khỏe và Đời sống)