COVID-19 8/1: Hàng trăm học sinh mắc COVID-19, địa phương hỏa tốc ngừng dạy học tại 42 trường

H.A - Ngày 08/01/2022 12:14 PM (GMT+7)

Đến nay, Ninh Bình đã ghi nhận 300 ca mắc Covid-19 là học sinh và giáo viên, ngành giáo dục tỉnh này đã chỉ đạo 42 trường học từ cấp mầm non đến THPT tạm dừng cho học sinh đến trường.

8 diễn biến

Ninh Bình: Hàng trăm F0 là học sinh và giáo viên, ngừng dạy học tại 42 trường

Ngày 7/1, thông tin từ Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp, liên tục ghi nhận các ổ dịch trong cộng đồng, trong đó có nhiều ổ dịch phát hiện tại các trường học, cơ sở giáo dục.

Ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình cho biết, ngành y tế đã ghi nhận trên 300 trường hợp F0 là học sinh, giáo viên tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các trường học tại Ninh Bình đang được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo công tác dạy và học (Ảnh: NT).

Công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các trường học tại Ninh Bình đang được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo công tác dạy và học (Ảnh: NT).

"Hiện có 42 trường học từ cấp Mầm non đến THPT tại Ninh Bình tạm dừng cho học sinh đến trường" - ông Khâm nói.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch song song với đảm bảo chương trình giáo dục, Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện việc tạm dừng dạy học trực tiếp tại nhiều trường học trên địa bàn.

Hiện, các trường học, cơ sở giáo dục đang tạm dừng cho học sinh đến trường, Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường này triển khai trương trình dạy học trực tuyến, phù hợp với từng cấp học.

Nguồn: https://danviet.vn/ninh-binh-hang-tram-f0-la-hoc-sinh-va-giao-vien-ngung-day-hoc-tai-42...

Kịch bản 5.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội đối mặt với Tết Nguyên đán ra sao?

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 7/1 ghi nhận kỷ lục 2.725 ca mắc Covid-19. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp thành phố vượt 2.000 ca mắc, sắp chạm mốc trong kịch bản cuối năm 3.000 ca nhiễm mỗi ngày.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, kịch bản Hà Nội 5.000 ca nhiễm trong ngày có thể xảy ra khi Tết Nguyên đán cận kề. Vậy người dân làm gì để đón Tết an toàn? PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội.

Bên trong khu điều trị F0 nặng, nguy kịch tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội ngày 7/1. Ảnh: Gia Khiêm

Bên trong khu điều trị F0 nặng, nguy kịch tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội ngày 7/1. Ảnh: Gia Khiêm

Thưa ông, thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng rất nhanh, việc này đồng nghĩa với số bệnh nhân nặng, nguy kịch tại bệnh viện rất nhiều. Xin ông chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

- Tình hình dịch Covid-19 hiện nay tại Hà Nội trở nên căng thẳng hơn, số lượng bệnh nhân F0 ngày càng nhiều. Đa số bệnh nhân đã được tiêm vaccine, tỉ lệ bệnh nhân nặng ít hơn. Tuy nhiên, khi số lượng F0 nhiều thì bệnh nhân nặng nhiều theo.

Tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 hiện ngày nào cũng có 20-30 trường hợp nhập viện vì tình trạng nặng như vậy. Cho đến nay, bệnh viện chúng tôi tiếp nhận gần 200 bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Với số lượng bệnh nhân nặng điều trị như vậy, bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải chưa, thưa ông?

- Cũng như chúng tôi dự kiến, đây mới là giai đoạn 2 của bệnh viện. Công suất tối đa của Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 có thể đạt 500-700 giường bệnh, dự kiến 500 giường. Tuy nhiên, giai đoạn 2 chúng tôi đang điều trị cho 200 bệnh nhân để đảm bảo chất lượng, có nguồn nhân lực và trang bị phù hợp. Nếu thêm bệnh nhân nữa sẽ rất đông.

Trong số 200 F0 nặng mà có 40-60 bệnh nhân thở máy là con số rất lớn. Khi đó khối lượng công việc của nhân viên y tế vô cùng nhiều không chỉ điều trị mà kiêm chăm sóc luôn cho bệnh nhân bởi các F0 vào viện điều trị đều không có sự hỗ trợ của người thân. Toàn bộ sinh hoạt, điều trị đều do nhân viên y tế phụ trách.

Biến chủng Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, theo ông Hà Nội cần có biện pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh này trong bối cảnh gần Tết nhu cầu đi lại lớn?

- Hiện nay chúng ta đang đối phó với chủng Delta nhưng biến chủng có tốc độ lây lan rất nhanh cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Đến thời điểm này rất may những ca nhập cảnh mang biến chủng này đang được cách ly. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan.

Chúng tôi rất lo ngại khi Omicron xâm nhập vào. Một số ý kiến cho rằng có thể Omicron nhiễm nhanh đạt miễn dịch cộng đồng sớm hơn. Thực tế những người bệnh nền, cao tuổi khi nhiễm biến chủng sẽ rất nặng. Số lượng bệnh nhân tăng sẽ gây quá tải ngành y tế. Như vậy bệnh nhân khác sẽ ảnh hưởng.

Chủng Omicron mà thông tin từ đồng nghiệp trên thế giới cho thấy lây nhiễm cho nhân viên y tế rất nhiều. Đối với nhân viên y tế không triệu chứng hoàn toàn có thể làm việc tại bệnh viện điều trị Covid-19. Thế nhưng những nhân viên đó không thể làm việc tại bệnh viện bình thường, không thể chăm sóc bệnh nhân chưa mắc Covid-19 mà nhiều bệnh lý nền. Nếu thiếu nhân viên điều trị sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nặng nề khi không có người phục vụ cho bệnh nhân bệnh lý nền nhiều.

Hiện đang có bộ phận người dân mang tâm lý chủ quan, tâm niệm trước sau gì ai cũng bị Covid-19, ông suy nghĩ sao về việc này?

- Có nhiều người suy nghĩ chủ quan rằng mình đã tiêm vaccine, khoẻ mạnh sẽ không ảnh hưởng gì. Một điều khẳng định nếu đã tiêm vaccine nguy cơ bị nặng sẽ thấp hơn rất nhiều. Đối với mỗi cá thể chúng ta chưa biết được khi bị nhiễm SARS-CoV-2 mình sẽ như thế nào.

Có những người đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn có thể bị nặng. Đó là sự đáp ứng của từng cá thể và sự đáp ứng đó rất khác nhau của mỗi người. Có người nhìn rất khoẻ mạnh nhưng khi bị mắc Covid-19 sự tương tác với virus và tổn thương tự cơ thể gây ra cho mình rất lớn, ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt tới phổi.

Chính vì vậy, cộng đồng nên đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh, thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chuyên môn dù chúng ta đã tiêm vaccine.

Hiện Hà Nội đang tiêm phủ mũi 3 sẽ giúp cho tình hình dịch sẽ dịu đi, thực tế tiêm mũi 3 có khẳng định 100% không mắc Covid-19 hay không?

- Điều này chắc chắn không thể khẳng định được. Khi chúng ta tiêm vaccine mũi tăng cường đồng nghĩa với việc 3 hoặc 6 tháng kháng thể có thể bị giảm đi. Tiêm mũi tăng cường với hy vọng bao phủ kháng thể tốt hơn, chống chọi với khả năng xâm nhập của virus chứ không hoàn toàn tuyệt đối đã tiêm mũi 3 là không miễn nhiễm.

Tết nguyên đán cận kề, nhiều nhận định cho rằng số ca mắc sẽ tăng lên, bệnh viện đã chuẩn bị như thế nào nếu ca mắc đạt đỉnh dịp này đảm bảo nhân lực, vật lực điều trị F0 nặng?

Bệnh viện chúng tôi đã kế hoạch 1.500 nhân viên tham gia điều trị F0, trong đó có từ Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bệnh viện tại Hà Nội và một số bệnh viện khu vực miền Bắc. Số lượng bác sĩ, học viên Đại học y Hà Nội khá đông, chúng tôi đã dự kiến huy động các đồng nghiệp này đến hỗ trợ trong thời gian gần Tết nếu số lượng, nhu cầu bệnh nhân nặng nhiều hơn.

Chúng ta đã biết 1 bệnh nhân nặng phải thở máy đòi hỏi số lượng người phục vụ nhiều hơn rất nhiều so với bệnh nhân nhẹ. Các bệnh nhân Covid-19 sau giai đoạn cấp đến giai đoạn hậu Covid-19, có những bệnh nhân nằm 1 tháng, thậm chí hơn 2 tháng khi ra viện vẫn phải thở oxy.

Nếu bệnh nhân được hỗ trợ phục hồi chức năng sớm có thể cai thở máy sau thời gian ngắn. Tuy nhiên, có bệnh nhân khi đã khỏi bệnh vẫn cần phục hồi chức năng hô hấp, vận động. Một số bệnh nhân tình trạng tinh thần không tốt trong thời gian dài thở máy sau thời kỳ dài phải nằm hồi sức cũng cần phải được phục hồi chức năng. Trước tình hình đó, Ban giám đốc Bệnh viện đã quyết định thành lập đơn vị phục hồi chức năng.

Đến nay, chúng tôi đã chuẩn bị 40 giường cho đơn vị này. Sắp tới chúng tôi ưu tiên bệnh nhân nằm trong viện đến hết giai đoạn hồi sức sẽ chuyển đơn vị đó và nhờ các chuyên gia phục hồi chức năng, hô hấp, tâm lý trị liệu. Như vậy bệnh viện sẽ giải phóng nhanh các khu vực hồi sức để có giường nhận bệnh nhân mới.

Chúng tôi điều động nhân lực theo tính chất uyển chuyển, thường xuyên. Khi nhu cầu cần đến đâu sẽ điều động nhân lực tới đó. Có ngày nhân lực điều động chưa kịp đến, tôi cũng cảm thấy sức nóng nhất định. Khi số lượng bệnh nhân thở máy nhiều hơn, bệnh nhân nặng nhiều nữa một số nhân viên thấy sức nặng, nóng của nó. Chúng tôi thường xuyên giữ liên lạc với Trường Đại học Y Hà Nội, với bệnh viện cơ sở 1 để điều động nhân lực một cách kịp thời nhất.

Theo ông, người dân cần đón Tết thế nào để đảm bảo an toàn?

Tết Nguyên đán sắp tới chúng ta vẫn có một số hoạt động vui chơi ngày Tết. Có thể thấy rằng khi Covid-19 xảy ra chúng ta nên sống chậm hơn một tí cũng là hay, ở với gia đình cũng là chuẩn mực. Mọi người hoàn toàn có thể có cái Tết vui vẻ, đầm ấm trong chính gia đình mình. Để phòng tránh dịch chúng ta có thể gọi điện chúc Tết và các biện pháp chúc Tết từ xa thay vì tập trung tại khu vui chơi nào đó rất đông người.

Các hoạt động Tết hay Lễ hội thì mọi người cần hạn chế và nên ở nhà, khai thác hết khía cạnh tình cảm mà lâu nay bận rộn quá chúng ta chưa để ý đến. Đây cũng là điều thú vị, mọi người nên tập trung về gia đình, gia đình là nơi quan trọng nhất, hoạt động như vậy sẽ giảm nguy cơ tăng nhiễm.

Nguồn: https://danviet.vn/kich-ban-5000-ca-covid-19-moi-ngay-ha-noi-doi-mat-voi-tet-nguyen-dan...

Hà Nội: Thêm 1 quận chuyển sang "vùng cam", học sinh dừng học trực tiếp từ ngày 8/1

Với 7/8 phường ở cấp độ 3 về dịch bệnh, toàn quận Cầu Giấy chuyển từ "vùng vàng", tức cấp độ 2 (nguy cơ trung bình), sang "vùng cam". 

Như vậy, toàn bộ học sinh lớp 12 tại quận Cầu Giấy sẽ phải tạm dừng đến trường học trực tiếp kể từ ngày 8/1. Ngoài ra, quận Cầu Giấy cũng yêu cầu tạm dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học,...

Học sinh Trường THCS Liên Ninh, huyện Thanh Trì trong ngày tập huấn trước khi đi học trực tiếp hồi tháng 11/2021. Ảnh: Tào Nga

Học sinh Trường THCS Liên Ninh, huyện Thanh Trì trong ngày tập huấn trước khi đi học trực tiếp hồi tháng 11/2021. Ảnh: Tào Nga

Tính đến ngày 7/1, toàn thành phố có 11 quận, huyện là "vùng cam" gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy,  Gia Lâm và Thanh Trì.

Hiện trên địa bàn thủ đô chỉ có hai huyện ở cấp độ 1 "vùng xanh" là Phúc Thọ và Phú Xuyên.

Từ ngày 4/1, sau khi được xác định chuyển màu từ "vùng cam" về "vùng vàng", các trường THPT tại quận Đống Đa tiếp tục cho học sinh khối 12 trở lại trường học trực tiếp.

Hiện nay, thành phố mới chỉ cho phép học sinh lớp 9 ở 18 huyện, thị xã và học sinh lớp 12 ở các quận, huyện tới trường. Tuy nhiên, với quy định, trường học ở địa bàn có dịch ở mức độ 3 phải dừng học trực tiếp. Trẻ mầm non và học sinh tiểu học, THCS (trừ học sinh lớp 9 ở 18 huyện, thị xã) và lớp 10, 11 vẫn học trực tuyến từ sau lễ khai giảng năm học mới đến nay.

Nguồn: https://danviet.vn/ha-noi-them-1-quan-chuyen-sang-vung-cam-hoc-sinh-dung-hoc-truc-tiep-...

Số ca tử vong do COVID-19 ở TP.HCM thấp nhất trong 175 ngày qua

Chiều ngày 7/1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP những ngày qua.

Thông tin tại họp báo, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18h ngày 6/1, có 507.083 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 506.454 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 629 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 5.061 bệnh nhân, trong đó có 89 trẻ em dưới 16 tuổi, 319 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 6/1, có 391 bệnh nhân nhập viện, 417 bệnh nhân xuất viện, 20 trường hợp tử vong. “Đây là số ca tử vong thấp nhất trong 175 ngày qua, tính từ ngày 16/7/2021”, ông Hải nhận định.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn

Về công tác tiêm vắc xin, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 6/1/2022 là 8.048.867 mũi 1; 7.162.978 mũi 2; 369.110 mũi bổ sung; 2.012.171 mũi nhắc lại.

Đối với việc lực lượng hỗ trợ tại các trạm y tế lưu động rút khỏi TPHCM trong thời gian tới, ông Phạm Đức Hải chia sẻ, điều đã được biết trước và TP đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để đáp ứng, thay thế. Cụ thể, TP giao Bộ Tư lệnh TP làm chủ lực, đề xuất Quân khu 7 giúp TP thực hiện tiếp nhận trạm y tế lưu động. Đồng thời, huy động sự hỗ trợ từ các nhà thuốc tư nhân tham gia công tác chăm sóc, điều trị F0 (đến nay đã có 2.357 nhà thuốc tham gia).

Cùng với đó, 430 bác sĩ mới tốt nghiệp, trong đó 420 bác sĩ tốt nghiệp Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch và 10 bác sĩ tốt nghiệp Trường Đại học Y dược sẽ về thực tập tại các trạm y tế phường, xã trong thời gian tới. Hội Chữ Thập Đỏ, lực lượng Đông - Tây y, y tế tư nhân, mạng lưới thầy thuốc đồng hành… cũng được huy động đồng hành, tham gia vào thế trận y tế của TPHCM.

Thông tin về tình hình đi học trở lại của học sinh các khối lớp trên địa bàn TP, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhờ sự phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương, tình hình học sinh đến trường trở lại đạt kết quả rất tốt, tỷ lệ học sinh học trực tiếp của các khối lớp đều đã đạt tỉ lệ trên 90%.

Ông Tân cũng cho hay, hiện quận 4 và huyện Củ Chi đã hoàn tất việc phối hợp với phụ huynh và ngành giáo dục nhận được hơn 90% sự đồng thuận của cha mẹ để học sinh khối 7 đến 12 tại 2 địa phương này trở lại trường.

Trước câu hỏi TPHCM có ngừng tổ chức dạy học trực tiếp nếu phát hiện ca nhiễm Omicron ở cộng đồng không, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, ngoài văn bản chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo, Sở Y tế đã có hướng dẫn rất kỹ về chuyên môn trong việc ứng phó với chủng mới Omicron đến Ban chỉ đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức, từ quá trình phát hiện đến cách ly, truy vết và phòng ngừa có ca trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, để học sinh đến trường an toàn, các cơ sở giáo dục cũng đã xây dựng và áp dụng nghiêm ngặt bộ tiêu chí cụ thể về phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, quy trình phát hiện và xử lý F0 cũng đang được các trường áp dụng rất tốt, đúng quy định và không có sự lây nhiễm trong cộng đồng. “Phụ huynh có thể yên tâm rằng trẻ em phải an toàn mới đến trường và ở trường thì phải an toàn”, Chánh Văn phòng Sở Y tế khẳng định.

Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/so-ca-tu-vong-do-covid-19-o-tphcm-thap-nhat-trong-...

Peru: Ca tử vong đầu tiên nhiễm cùng lúc cả cúm và Covid-19

Bộ Y tế Peru cho hay, người đầu tiên tử vong do “flurona” ở nước này là một bệnh nhân 87 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đây là một trong 3 trường hợp mắc “flurona” ở nước này. Hai ca “flurona” khác ở Peru là một trẻ vị thành niên và một người 40 tuổi đã được tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ.

Munayco – tiến sĩ tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Peru – cho biết, những ca “flurona” ở nước này đều có biểu hiện chung là bị ho, đau họng và mệt mỏi. Ông Munayco khuyên người dân nên tiêm cả vắc xin Covid-19 và cúm để “giảm nguy cơ tử vong”.

Thanh niên ở Peru nằm giữa đường để phản đối lệnh hạn chế đi lại trong dịch Covid-19 của chính phủ (ảnh: Guardian)

Thanh niên ở Peru nằm giữa đường để phản đối lệnh hạn chế đi lại trong dịch Covid-19 của chính phủ (ảnh: Guardian)

“Điều quan trọng là phải tiêm vắc xin vì chúng ta đang đối mặt với đợt bùng phát cúm H3N2 lớn ở những vùng rừng rậm, chẳng hạn như ở Loreto, San Martin, Amazonas và Ucayali”, ông Munayco cảnh báo.

“Flurona"” là thuật ngữ mới được đặt tên để mô tả việc bị nhiễm cùng lúc cả virus cúm mùa và Covid-19. “Flurona” thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế sau khi một phụ nữ mang thai 30 tuổi chưa được tiêm chủng xét nghiệm dương tính với cả Covid-19 lẫn cúm ở Israel. Đây là trường hợp mắc “flurona” đầu tiên trên thế giới.

Đối với trường hợp bệnh nhân 87 tuổi nói trên, chưa thể xác minh được liệu đây có phải người đầu tiên trên thế giới chết vì gặp phải tình trạng bệnh này hay không.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, cả Covid-19 lẫn cúm đều là các bệnh về hô hấp, có thể gây ra các triệu chứng tương tự bao gồm ho, đau họng, sổ mũi, sốt và đau đầu. Hai bệnh này có thể lây qua giọt bắn khi bệnh nhân thở, ho hoặc hắt hơi.

Đến nay, các triệu chứng chính xác và tỷ lệ tử vong do “flurona” chưa được xác định rõ ràng. Giới khoa học vẫn đang nỗ lực nghiên cứu về cách thức virus cúm mùa và Covid-19 cùng lúc tấn công cơ thể người và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Nhiều chuyên gia lo ngại “flurona” có thể khiến hệ miễn dịch của người mắc suy yếu và khiến hệ thống y tế bị quá tải.

Nguồn: http://danviet.vn/peru-ca-tu-vong-dau-tien-nhiem-cung-luc-ca-cum-va-covid-19-5020228160...

Lập chốt, 'động viên' người dân không về quê ăn Tết là không phù hợp, trái chỉ đạo của Chính phủ

Nhiều địa phương có cách hiểu "lạ"

Ngày 30/12/2021, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Thanh Hóa vừa có thư ngỏ với nội dung khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thực sự cần thiết, chung tay cùng thành phố phòng chống dịch.

Theo nội dung thư ngỏ, hiện nay tình hình dịch COVID-19 ở TP. Thanh Hóa đang diễn biến khó lường, số lượng ca nhiễm trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng với nhiều ổ dịch phức tạp. Tính từ ngày 14/10 đến 30/12/2021, TP. Thanh Hóa đã ghi nhận 619 ca dương tính, trong đó có những ngày thành phố ghi nhận 44 ca F0.

Thư ngỏ của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Thanh Hóa.

Thư ngỏ của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Thanh Hóa.

Cũng trong ngày 30/12/2021, ông Nguyễn Lợi Đức, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống - tỉnh Thanh Hóa, đã thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống ký ban hành thư ngỏ về việc cùng chung tay với các cấp uỷ, chính quyền huyện Nông Cống thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Theo nội dung thư ngỏ, trước tình hình trên, với phương châm "Bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân là trên hết, trước hết", Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh tại địa phương và tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Cũng trong ngày 30/12/2021, UBND xã Chiềng Yên - huyện Vân Hồ - tỉnh Sơn La đã ra văn bản số 74/UBND về việc đôn đốc lao động có nhu cầu trở về địa phương trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần năm 2022. Nội dung số 2 trong văn bản nêu rõ: "Lên kế hoạch cho các hộ gia đình có người thân đi lao động, đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, lao động tự do ngoài tỉnh có nhu cầu trở về địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, phải chủ động về trước ngày 10/1/2022 (tức ngày 8 tháng Chạp) để đảm bảo cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế". Ngay sau đó lãnh đạo xã Chiềng Yên đã ra văn bản đính chính.

Trả lời báo chí, ông Lê Anh Xuân (bí thư Thành ủy Thanh Hóa) khẳng định việc Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố có thư ngỏ đến người dân là khuyến cáo, vận động người dân đi làm ăn xa không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thật sự cần thiết. Thành phố Thanh Hóa không cấm người dân đi lại, thăm người thân và gia đình vào bất cứ dịp nào chứ không riêng gì dịp Tết Nguyên đán, mong người dân khi trở về quê chấp hành tốt, đầy đủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19 để đón Tết an toàn, vui vẻ.

Không phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ

ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm, việc một số địa phương ở phía Bắc có đưa ra khuyến cáo việc người dân hạn chế di chuyển, hạn chế về quê ăn Tết cổ truyền xuất phát từ việc các địa phương lo sợ gây ảnh hưởng, khó khăn trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Theo vị ĐBQH này: "Đây là phương án bất khả thi, thường không ai mong muốn điều này".

Ông cho rằng, năm nay người lao động được nghỉ Tết cổ truyền tận 9 ngày nên việc về quê là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp, nhất là miền Bắc đang mùa lạnh nên dịch dự báo sẽ phức tạp hơn. Việc một số địa phương đưa ra khuyến khích, động viên bà con hạn chế về quê là một "giải pháp" hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.

"Nhưng đây chỉ là khuyến khích thôi, nếu bà con vẫn có nhu cầu về quê ăn Tết thì chính quyền, địa phương cũng không được cản trở và tạo mọi điều kiện để người dân đón Tết được trọn vẹn", ông Phạm Văn Hòa thông tin.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Đại đức Thích Trí Thịnh (Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN tỉnh Hòa Bình) cho rằng: Tùy từng địa phương chứ không phải địa phương nào cũng đưa ra khuyến cáo, các địa phương chỉ khuyến khích, khuyến cáo chứ không cấm.

Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, việc khuyến cáo này nhằm đảm bảo an toàn cho địa phương cũng như người dân trong dịp Tết đó là cần nâng cao ý thức. Tuy nhiên, Đại đức Thích Trí Thịnh nhấn mạnh rằng: "Thời điểm này các địa phương đã "phủ vaccine"; việc người dân về quê không đơn thuần chỉ ăn Tết mà còn thăm thú người dân, giải quyết công việc…".

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nêu quan điểm, hiện nay chúng ta đã có một số kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; diện bao phủ vaccine nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch.

Từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Chính phủ đã ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" kèm theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, do đó việc các tỉnh thành thiết lập các chốt hay ra "tâm thư" động viên người dân hạn chế về quê trong dịch Tết nguyên đán là không phù hợp, trái với chỉ đạo của Chính phủ.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/lap-chot-dong-vien-nguoi-dan-khong-ve-que-an-tet-la-khong-phu...

Lo ngại dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành dừng lễ hội dịp Tết Nguyên đán

Bạc Liêu: Trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có Công văn số 01/CT-UBND chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Theo đó, các Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Bà Rịa - Vũng Tàu:  Những ngày đầu năm mới vừa qua, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tạm đóng cửa toàn bộ lối lên xuống biển ở bãi sau, bãi trước. Du khách được vận động quay về khách sạn hoặc lên xe di chuyển đến nơi khác.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không tổ chức bắn pháo hoa và các hoạt động tập trung đông người, vào dịp Tết Nguyên đán để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Hội An - Quảng Nam: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND TP.Hội An đã ban hành thông báo về việc dừng tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại sự kiện Hội An - Chào năm mới 2022 (TP.Hội An có kế hoạch tổ chức các hoạt động chào năm mới 2022). Trước đó, TP. Hội An cũng dừng sự kiện "Kết nối du lịch địa phương và đón đoàn khách đầu tiên tham quan phố cổ Hội An năm 2022" vào sáng 1/1/2022. Được biết, đây là hai sự kiện chính trong nhiều hoạt động lớn đón chào năm mới 2022 của TP.Hội An.

Riêng các hoạt động đón khách tham quan theo tour bằng hình thức khép kín, hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố, hoạt động trải nghiệm… đón khách tham quan phố cổ và làng nghề truyền thống vẫn hoạt động bình thường, nhưng được đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/lo-ngai-dich-covid-19-nhieu-tinh-thanh-dung-le-hoi-dip-tet-ng...

Số trẻ em dưới 5 tuổi nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng vọt

Một trong những cách tốt nhất để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi làn sóng lây nhiễm Covid-19 là thực hiện tiêm chủng cho những người xung quanh.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ công bố hôm thứ Sáu (7/1), số trẻ em dưới 5 tuổi tại nước này nhiễm Covid-19 đã tăng vọt trong những tuần gần đây, lên mức cao nhất kể từ khi bắt đầu mùa dịch. Đây là nhóm tuổi duy nhất chưa đủ điều kiện tiêm vắc-xin.

Hai học sinh thực hiện đeo khẩu trang khi đến trường học tại thành phố New York vào ngày 3/1/2022. Ảnh: The Guardian.

Hai học sinh thực hiện đeo khẩu trang khi đến trường học tại thành phố New York vào ngày 3/1/2022. Ảnh: The Guardian.

Kể từ giữa tháng 12/2021, với diễn biến phức tạp của biến thể Covid-19 Omicron đang lây lan rộng khắp cả nước, tỷ lệ nhập viện ở trẻ thuộc lứa tuổi nhỏ tuổi nhất này đã tăng lên hơn 4/100.000 trẻ, tăng từ mức 2,5/100.000.

Xu hướng những trẻ rất nhỏ tuổi có tỷ lệ nhập viện cao ở 5 bang: Georgia, Connecticut, Tennessee, California và Oregon, trong đó mức tăng mạnh nhất ở bang Georgia. Theo dữ liệu của CDC thu thập từ hơn 250 bệnh viện tại 14 tiểu bang, tỷ lệ này ở trẻ em thuộc lứa tuổi từ 5-17 là khoảng 1/100.000.

Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết xu hướng gia tăng đáng lo ngại các ca bệnh ở trẻ quá nhỏ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng đối với những trẻ lớn hơn cũng như ở người lớn để giúp bảo vệ những người xung quanh.

Bà Walensky nhận định ,nhìn chung “tỉ lệ nhập viện ở trẻ em là cao nhất so với bất kỳ thời điểm nào trước đây của đại dịch”. Bà cho biết những con số này bao gồm trẻ em nhập viện do Covid-19 và những trẻ nhập viện vì các lý do khác nhưng bị phát hiện nhiễm bệnh.

Bà lưu ý rằng chỉ hơn 50% trẻ em từ 12-18 tuổi và chỉ 16% trong số trẻ 5-11 tuổi tại Mỹ được tiêm chủng đầy đủ.

Theo CDC, tỉ lệ nhập viện do Covid-19 của trẻ em và thanh thiếu niên vẫn thấp hơn so với các nhóm tuổi khác, chỉ chiếm không đến 5% số ca nhập viện mới trung bình hàng ngày. 

Tính đến thứ Ba (4/1), số lượng bệnh nhân dưới 18 tuổi nhập viện trung bình mỗi ngày do Covid-19 tại Mỹ là 766 người, gấp đôi con số được báo cáo vào hai tuần trước. 

Tiến sĩ John McGuire của Bệnh viện Nhi đồng Seattle nhận định mức độ bệnh nghiêm trọng ở trẻ em trong đợt lây nhiễm biến thể Omicron dường như thấp hơn so với biến thể Delta.

Vào đầu tuần này, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, cho biết rằng Omicron dường như gây ra bệnh ít nghiêm trọng nhưng số lượng ca nhiễm tăng cao do tính dễ lây lan. Ông Fauci cũng chia sẻ các vấn đề sức khỏe khác như béo phì, tiểu đường, bệnh phổi có thể khiến những đứa trẻ dễ bị các biến chứng khi mắc Covid-19.

Cả ông Fauci và bà Walensky đều nhấn mạnh rằng một trong những cách tốt nhất để bảo vệ trẻ nhỏ là tiêm chủng cho những người xung quanh.

Số ca nhập viện tăng cao gần đây đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại. Theo ghi nhận của hãng tin AP, vợ chồng cô Emily Hojara và anh Eli Zilke ở bang Michigan (Mỹ) đang hết sức bảo vệ con gái Flora chưa tròn 3 tuổi, bằng cách hạn chế cho bé tiếp xúc với những đứa trẻ khác cũng như các vị khách đến nhà cần đeo khẩu trang. Cô Emily Hojara nói về con gái mình: “Thật đáng sợ khi con bé không thể tiêm phòng".

Tiến sĩ Jennifer Kusma, bác sĩ nhi khoa của Bệnh viện Nhi khoa Chicago’s Lurie, chia sẻ rằng bà thấu hiểu nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ khi số lượng trẻ em nhập viện vì Omicron ngày càng tăng, mặc dù hầu hết không bị bệnh nặng. Bà nói: “Tôi thực sự ước chúng ta đã có vắc-xin cho những trẻ nhỏ tuổi này”, nhưng cũng cho biết việc thử nghiệm vắc-xin không được vội vàng.

Một báo cáo riêng biệt của CDC cho thấy trẻ em nhiễm Covid-19 có nguy cơ chẩn đoán bị mắc bệnh tiểu đường cao hơn gấp hai lần so với những trẻ không nhiễm vi-rút. Các nhà khoa học đang tìm hiểu nguyên nhân, nhưng có ý kiến rằng vi-rút có thể đã tấn công các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy.

Các chuyên gia đang khuyến khích sử dụng mọi biện pháp phòng ngừa nhất có thể, bao gồm xét nghiệm, đeo khẩu trang, tiêm chủng và thậm chí là tạm thời trì hoãn việc mở cửa trở lại trường học để hạn chế các trường hợp mắc bệnh cũng như tình trạng thiếu nhân viên.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/so-tre-em-duoi-5-tuoi-nhiem-covid-19-tai-my-tang-vot-a539431...

COVID-19 7/1: Một giáo viên tiếng Anh dương tính với SARS-CoV-2, 266 học sinh trở thành F0
Ngày 7/1, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện 266 ca F0 là học sinh các trường học trên địa bàn thành phố Bắc Giang đều có tâm lý tốt,...

Dịch COVID-19

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19