COVID-19 7/1: Một giáo viên tiếng Anh dương tính với SARS-CoV-2, 266 học sinh trở thành F0

K.T - Ngày 07/01/2022 12:14 PM (GMT+7)

Ngày 7/1, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện 266 ca F0 là học sinh các trường học trên địa bàn thành phố Bắc Giang đều có tâm lý tốt, sức khỏe ổn định.

15 diễn biến

266 học sinh F0 liên quan đến giáo viên nước ngoài ở Bắc Giang đã ổn định sức khoẻ

Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, tại trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, thành phố Bắc Giang liên tiếp ghi nhận nhiều học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Ổ dịch tiếp tục lây lan sang các trường học khác trên địa bàn TP Bắc Giang với tổng số 266 học sinh F0 và hàng nghìn trường hợp F1.

Qua truy vết, nguồn lây ban đầu được xác định liên quan đến thầy giáo dạy tiếng Anh tại trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, trong thời gian gần đây có đi đến tỉnh Bắc Ninh.

COVID-19 7/1: Một giáo viên tiếng Anh dương tính với SARS-CoV-2, 266 học sinh trở thành F0 - 1

Đại diện Phòng GD&ĐT thành phố Bắc Giang thông tin, ngay sau khi nhận được thông tin về ổ dịch trong trường học, Phòng chỉ đạo các trường cho học sinh tạm dừng đến trường đồng thời lập danh sách theo dõi học sinh F0 theo đối tượng điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế.

Phòng GD&ĐT cũng cắt cử cán bộ tình nguyện và phối hợp với bệnh viện lên phương án động viên học sinh trong ăn uống- sinh hoạt, hiện sức khỏe học sinh đã ổn định với tâm lý tốt.

Đặc biệt, Phòng GD&ĐT TP. Bắc Giang đã phát động các em học sinh có nhiều tình cảm, giỏi Ngữ Văn viết thư thăm hỏi các bạn F0 đang điều trị, cách ly. Phòng giao cho nhóm giáo viên Ngữ Văn chấm những lá thư, bài viết thăm hỏi, động viên các em học F0. Qua đó, dùng điểm chấm lá thư thay như điểm kiểm tra 1 tiết.

"Cuộc phát động giúp kiến thức các em học trong nhà trường được gắn với thực tiễn và phát huy tác dụng được quan tâm chia sẻ. Qua đó, học sinh F0 bớt cô đơn sẽ tích cực hơn trong phòng, chống dịch. Khi các em viết thư thăm hỏi cũng là tình cảm, giáo dục đạo đức, lối sống...", đại diện Phòng GD&ĐT TP. Bắc Giang bày tỏ.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/266-hoc-sinh-f0-lien-quan-den-giao-vien-nuoc-ngoai-o-bac-gian...

Chuyên gia Bộ Y tế lên tiếng về việc một số tỉnh vận động người dân “không về quê ăn Tết”

Mới đây, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) có thư ngỏ kêu gọi người dân vận động người thân đang ở xa Tết này đừng về quê nếu không thật sự cần thiết.

Quảng Nam không cấm người dân về quê ăn tết nhưng vận động không nên về.

Nhiều người cho rằng, việc chính quyền địa phương vận động, khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết này là đi ngược chủ trương của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch COVID-19.

Ảnh minh họa (Tiền Phong).

Ảnh minh họa (Tiền Phong).

Về vấn đề, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nói: "Chúng ta không "ngăn sông cấm chợ" vì tỷ lệ bao phủ vắc-xin đã cao".

Theo ông Phu, khi chúng ta đã chấp nhận "không Zero", đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 thì chúng ta phải chấp nhận thực tế số ca mắc COVID-19 có thể tăng cao. Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch COVID-19 trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại, kiểm soát rủi ro.

Vì thế, các tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định này, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây ảnh hưởng tới làm kinh tế cũng như an sinh xã hội.

“Việc địa phương vận động hay ra quy định "làm khó" người dân về quê dịp Tết sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo TS Phu việc cách ly, xét nghiệm Bộ Y tế đã có quy định cụ thể.

Bộ Y tế quy định không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Ông Phu cho rằng, việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh. Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn.

Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo người dân khi về quê ăn Tết người dân vẫn không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh. Thích ứng trong tình hình mới, chúng ta không để giãn cách xã hội như trước. Tuy nhiên, người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập…

Trong khi đó, chuyên gia của Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng, việc yêu cầu người dân về sớm để cách ly hay vận động không nên về quê ăn Tết không có nhiều hiệu quả phòng chống dịch. Điều cốt lõi là cần thích ứng an toàn trong điều kiện mới và nâng cao thói quen phòng ngừa, giúp người dân được về quê đón Tết an toàn.

Nguồn: http://danviet.vn/chuyen-gia-bo-y-te-len-tieng-ve-viec-mot-so-tinh-van-dong-nguoi-dan-k...

Bình Thuận khẩn tìm người đến văn phòng chuyển phát nhanh, công ty may

Sáng 7/1, UBND Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vừa có thông báo khẩn liên quan đến địa điểm có ca nghi nhiễm COVID-19 .

Trước đó, trên địa bàn Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ghi nhận một số ca nghi nhiễm gồm: H.T.H, năm sinh 1964, nữ, lao động tự do, khu phố 4, phường Phú Thủy; P.A.T, năm sinh 1970, nam, quản lý kỹ thuật, khu phố 4, phường Xuân An.

L.X.T, năm sinh 1991, nam, nhân viên, khu phố 1, phường Phú Tài; N.T.P, năm sinh 1986, nam, công nhân, thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Tp.Phan Thiết được triển khai có hiệu quả, UBND Tp.Phan Thiết yêu cầu người dân đến các địa điểm dưới đây liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện khai báo vì có liên quan đến ca nghi nhiễmCOVID-19 , cụ thể:

Địa điểm bán rau hành trước nhà số 106 đường Tuyên Quang, phường Phú Thủy từ 5h-12h ngày 23/12/2021-5/01/2022.

Văn phòng dành cho khách hàng của Công ty cổ phần may xuất nhập khẩu Bình Thuận, số 282 đường Nguyễn Hội, phường Xuân An từ ngày 23/12/2021-5/1/2022.

Văn phòng chuyển phát nhanh KERRY Bình Thuận, số 99 đường 19/4, phường Xuân An từ 7h-15h các ngày 24, 26, 28, 30/12/2021.

UBND Tp.Phan Thiết đề nghị UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, các cơ quan truyền thông, các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã trên địa bàn Tp.Phan Thiết thông báo thông tin trên qua các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.

Đồng thời, yêu cầu những người đến địa điểm và thời gian nêu trên liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19  tại Bình Thuận (Ảnh: Đắc Phú).

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19  tại Bình Thuận (Ảnh: Đắc Phú).

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19  tỉnh Bình Thuận cho biết, ngày 6/1, Tỉnh này ghi nhận 124 ca nhiễm COVID-19 , trong đó có 59 ca tại khu cách ly tập trung, 67 ca cộng đồng.

Các trường hợp nhiễm bệnh theo địa phương gồm: Tp.Phan Thiết 9 ca; các huyện Tánh Linh 36 ca, Đức Linh 27 ca, Phú Quý 1 ca, Bắc Bình 1 ca, Hàm Thuận Nam 39 ca, Hàm Thuận Bắc 3 ca, Tuy Phong 2 ca, thị xã La Gi 1 ca, Hàm Tân 5 ca.

Liên quan đến các ca bệnh mới, ngày 6/1, tỉnh Bình Thuận truy vết được 607 F1 và 41 F2. Tính từ ngày 27/4/2021 đến 18h ngày 6/1/2022, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 26.835 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. 

Trong đó, Tp.Phan Thiết có số ca nhiễm cao với 7.981 trường hợp; thị xã La Gi 2.742 trường hợp; các huyện Tuy Phong 3.967 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 2.498 trường hợp, Đức Linh 2.186 trường hợp, Tánh Linh 2.002 trường hợp, Bắc Bình 1.931 trường hợp, Hàm Thuận Nam 1.970 trường hợp, Hàm Tân 1.037 trường hợp, Phú Quý 521 trường hợp.

Toàn tỉnh truy vết 40.106 trường hợp F1 và 27.191 trường hợp F2. Số mẫu đã thực hiện xét nghiệm là 3.194 mẫu.

Số ca mắc COVID-19  được điều trị khỏi và xuất viện là 286 trường hợp. Trong đó, các huyện Tánh Linh 87 trường hợp, Tuy Phong 51 trường hợp, La Gi 37 trường hợp, Đức Linh 36 trường hợp, Phan Thiết 27 trường hợp, Hàm Tân 27 trường hợp, Hàm Thuận Nam 13 trường hợp, Bắc Bình 4 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 4 trường hợp.

Hiện, tổng số ca đã điều trị khỏi và xuất viện là 23.183 trường hợp.

Số ca mắc COVID-19  đang điều trị có diễn tiến nặng là 91 ca, trong đó Tp.Phan Thiết 58 ca, huyện Bắc Bình 12 ca, huyện Đức Linh 13 ca, thị xã La Gi 8 ca.

Về công tác cách ly, tỉnh Bình Thuận đang có 609 trường hợp được cách ly. Trong đó, cách ly tại cơ sở y tế có 71 trường hợp, cách ly tại nhà là 538 trường hợp.

Số người đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19  trên địa bàn toàn tỉnh từ 14h ngày 5/1 đến 14h ngày 6/1 là 4.931 người.

Số người từ các địa phương khác về tỉnh Bình Thuận từ 14h ngày 5/1 đến 14h ngày 6/1 là 152 người, cụ thể: Tp.Hồ Chí Minh có 104 người, tỉnh Bình Dương có 8 người, tỉnh Đồng Nai có 17 người, tỉnh Long An có 1 người, các tỉnh khác có 22 người.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-khan-tim-nguoi-den-van-phong-chuyen-phat-nhanh-co...

F0 tăng rất nhanh, Hà Nội điều trị bệnh nhân ra sao?

Ngày 6/1, Sở Y tế Hà Nội lần thứ 6 điều chỉnh phân luồng tiếp nhận, điều trị F0. Theo đó, tùy theo mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ của người bệnh. Trong lần hướng dẫn này, Hà Nội điều chỉnh khá nhiều về tiêu chí phân tầng so với các lần trước.

Cụ thể, các bệnh viện tầng 3 sẽ tiếp nhận F0 nếu F0 được đánh giá ở nguy cơ rất cao (có tình trạng cấp cứu, Sp02 dưới 90%). Cơ sở tiếp nhận bệnh nhân tầng 3 gồm: 5 bệnh viện của Hà Nội là Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn và Sơn Tây; các bệnh viện trung ương/bộ/ngành. Riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân sản khoa.

Trước đây, bệnh viện tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao. Với thay đổi mới này chỉ có trường hợp nguy cơ cao mới vào tầng 2. F0 có nguy cơ thấp hoặc trung bình sẽ được điều trị ở tầng 1.

Cụ thể, nhóm có nguy cơ trung bình gồm: người từ 65 tuổi trở lên chưa phát hiện bệnh nền hoặc mắc bệnh nền ổn định (nghĩa là không dùng thuốc hoặc uống thuốc theo đơn tại nhà, không có triệu chứng của đợt tiến triển); người từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm vắc xin; người mắc bệnh nền ổn định; có dấu hiệu như sốt, ho, đau họng, khó thở… và Sp02 từ 97% trở lên. Nhóm này sẽ điều trị tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố. Nhóm nguy cơ thấp gồm: những người từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền nhưng đã tiêm đủ liều vắc xin; người từ 3 tháng tới dưới 49 tuổi không có bệnh lý nền hoặc bệnh nền đã ổn định, chưa tiêm đủ vắc xin và Sp02 từ 97% trở lên. Nhóm này sẽ điều trị tại cơ sở thu dung của quận/huyện. Nhóm F0 được quản lý, điều trị tại nhà gồm người từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vắc xin, không mang thai, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và Sp02 từ 97% trở lên.

Cấp cứu F0 tại BV điều trị người bệnh COVID-19 (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Thái Hà

Cấp cứu F0 tại BV điều trị người bệnh COVID-19 (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Thái Hà

Sở Y tế cũng có hướng dẫn phân luồng điều trị với nhóm bệnh nhân đặc biệt như người chạy thận nhân tạo, người có bệnh lý tâm thần hay người đang cai nghiện tại cộng đồng. Ngoài ra, cơ sở điều trị thường xuyên đánh giá diễn biến, mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ và kết quả xét nghiệm F0 để quyết định chuyển tuyến, ra viện, kết thúc cách ly.

Bên cạnh đó, Sở Y tế yêu cầu tập trung điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở thu dung điều trị, hạn chế chuyển tầng, chuyển độ và ưu tiên giường bệnh tại bệnh viện để tiếp nhận người bệnh tầng 2, 3.

Gần 1 tháng nay, Hà Nội ghi nhận số ca mắc liên tục tăng mỗi ngày. Trong những ngày gần đây, số ca mắc tại Hà Nội đều trên 2.500 ca/ngày, cao nhất cả nước. Hôm qua (6/1) lần đầu tiên Thủ đô ghi nhận số ca mắc mới trong ngày vượt mốc 2.700 ca.

Tới hết ngày 5/1, có hơn 35.500 bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội đang điều trị, trong đó có hơn 320 F0 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Hơn 2.600 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3). Khoảng 6.700 F0 điều trị ở tầng 1 tại cơ sở thu dung điều trị của TP và quận/huyện. Số F0 điều trị tại nhà là gần 25.800 người.

Nguồn: https://tienphong.vn/f0-tang-rat-nhanh-ha-noi-dieu-tri-benh-nhan-ra-sao-post1407558.tpo

Hải Phòng ghi nhận 929 ca dương tính, Hải Dương thêm 4 ổ dịch mới

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Phòng thông tin, trong ngày 6/1 địa phương ghi nhận thêm 929 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 419 trường hợp là F1, 456 trường hợp tự đi làm xét nghiệm.

Ngoài ra, 48 trường hợp sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp ở An Dương và Thủy Nguyên, còn lại là test nhanh. Thành phố hiện đang điều trị cho 8.084 bệnh nhân.

Tại Hải Dương, ngày 6/1 tỉnh này ghi nhận thêm 223 ca dương tính SARS-CoV-2 tại 12 huyện thị thành. Trong đó, huyện Kim Thành (46 ca), TP Chí Linh (39 ca), Cẩm Giàng (22 ca)…

Trong số các ca bệnh mới, có 164 trường hợp F1, 25 trường hợp ho sốt cộng đồng. Trong đó, thêm nhiều ca bệnh là công nhân tại các ổ dịch như: Công ty may Hải Anh 1; thị trấn Kẻ Sặt; Công ty Sumidenco; Công ty Brother, Công ty Sambound, Công ty TNHH giày Ngọc Hưng…

Địa phương này ghi nhận thêm 4 ổ dịch mới: Công ty TNHH Nishoku (huyện Cẩm Giàng, 9 ca), thị trấn Nam Sách (11 ca), phường Minh Tân (TX Kinh Môn, 10 ca) và cảng Trường An (huyện Kim Thành, 5 ca).

Từ 12/10 đến nay, tỉnh Hải Dương ghi nhận 4.008 ca dương tính SARS-CoV-2, hiện đang điều trị cho hơn 1.820 ca bệnh.

Nguồn: https://tienphong.vn/hai-phong-ghi-nhan-929-ca-duong-tinh-hai-duong-them-4-o-dich-moi-p...

TP HCM rút ngắn thời gian F0 cách ly tại nhà

Sở Y tế TP HCM vừa điều chỉnh đối tượng và rút ngắn thời gian cách ly F0 tại nhà, bổ sung thuốc kháng virus đường uống Favipiravir vào toa thuốc cho F0 tại nhà.

Theo hướng dẫn này, người mắc COVID-19  (F0) mới được cách ly tại nhà là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính theo hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 29-12-2021 và đủ điều kiện cách ly tại nhà.

TP HCM rút ngắn thời gian cách ly F0 tại nhà.

TP HCM rút ngắn thời gian cách ly F0 tại nhà.

Theo đó, người bệnh COVID-19  được cách ly tại nhà khi không triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không có dấu hiệu suy hô hấp SpO2 ≥ 97% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút) và trong độ tuổi từ 3 tháng - 64 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì, đã tiêm đủ liều vắc-xin (độ tuổi cách ly tại nhà trong hướng dẫn gần nhất là từ 1-50 tuổi).

Nếu không thỏa điều kiện trên, cũng có thể xem xét cách ly tại nhà nếu người bệnh có bệnh nền ổn định, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, bảo đảm tiêm đủ liều vắc-xin hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vắc-xin COVID-19  đầu tiên và F0 có nguyện vọng cách ly tại nhà.

Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc.

Hướng dẫn còn lưu ý: nếu F0 hội đủ 2 tiêu chí trên nhưng hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, sở khuyến khích F0 cách ly nơi khác (không có người thuộc nhóm nguy cơ hoặc cách ly tập trung) để giảm nguy cơ lây lan, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ.

Việc xem xét cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ cách ly, theo dõi tại nhà hay tại cơ sở điều trị có thể được xem xét dựa trên cơ sở: tình trạng, mức độ bệnh; điều kiện chăm sóc, điều trị tại nhà; sự hỗ trợ của cán bộ y tế; nguyện vọng của F0 hay gia đình.

Sở Y tế đề nghị trạm y tế phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn. Trong trường hợp chưa đủ chứng cứ để xác định là F0, trạm y tế, trạm y tế lưu động xét nghiệm cho người bệnh bằng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép.

Việc xét nghiệm này nhân viên y tế trực tiếp thực hiện hoặc yêu cầu người bệnh thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Trong trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, trạm y tế hướng dẫn những điều F0 cần tuân thủ, tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà. Bên cạnh các vật dụng cần thiết (nhiệt kế, máy đo SpO2...), người bệnh cần chuẩn bị thuốc điều trị COVID-19  được cấp phát và thuốc đang điều trị bệnh nền, đủ sử dụng 1 tháng.

Cũng theo hướng dẫn này, một trong 11 điều F0 cần làm khi cách ly tại nhà là khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng "Y tế HCM" hoặc qua phiếu tự theo dõi sức khỏe.

Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0, cơ sở quản lý người nhiễm Covid -19 tại nhà được phân công quản lý F0 phải cấp phát thuốc điều trị COVID-19  theo quy định (cấp ngay gói thuốc A nếu F0 không có triệu chứng; cấp ngay gói thuốc A, C nếu F0 có triệu chứng nhẹ).

Đối với F0 thuộc nhóm nguy cơ, ưu tiên cấp ngay gói thuốc C khi có kết quả xét nghiệm dương tính, hướng dẫn người bệnh uống ngay thuốc kháng virus trước khi xem xét cho người bệnh cách ly tại nhà hay cơ sở điều trị.

Trong trường hợp người bệnh được chuyển đến cơ sở điều trị, hướng dẫn người bệnh tiếp tục sử dụng thuốc kháng virus đã được cấp phát, ghi rõ thông tin sử dụng thuốc vào phiếu chuyển viện hoặc thông báo cho cơ sở tiếp nhận biết để tiếp tục theo dõi.

Việc cấp phát thuốc điều trị COVID-19  có thể cấp tại nhà hoặc người nhà F0 liên hệ trạm y tế, trạm y tế lưu động để nhận thuốc.

Các thuốc điều trị COVID-19  tại nhà cũng gồm 3 gói A, B và C. Trong đó, các thuốc chống đông dạng uống (Rivaroxaban, Apixaban, Dabigatran) và thuốc kháng virus (Molnupiravir, Favipiravir) đã được đưa vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19  mới nhất của Bộ Y tế.

Khi F0 cảm thấy khó thở phải liên hệ ngay với cơ sở đang quản lý để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất (gói thuốc B) trước khi chuyển viện.

Theo hướng dẫn, F0 sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi đã đủ 10 ngày và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Các đơn vị lập danh sách xác nhận F0 khỏi bệnh và giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly theo quy định. Đồng thời cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng dẫn của Sở Y tế tại công văn số 9000 ngày 2-12.

Bên cạnh đó, làm xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 .

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-rut-ngan-thoi-gian-f0-cach-ly-tai-nha-20220107111923...

Thêm 1 huyện ở Thanh Hóa ra thư ngỏ khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết

Theo đó, ngày 30-12-2021, ông Nguyễn Lợi Đức, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, đã thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống ký ban hành thư ngỏ về việc cùng chung tay với các cấp uỷ, chính quyền huyện Nông Cống thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 .

Thư ngỏ khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết nếu không thực sự cần thiết.

Thư ngỏ khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết nếu không thực sự cần thiết.

Nội dung thư ngỏ cho biết hiện nay, tình hình dịch COVID-19  trên địa bàn huyện Nông Cống đang diễn biến phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc COVID-19  trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng với nhiều ổ dịch phức tạp xuất hiện từ công ty, doanh nghiệp, chợ bệnh viện, trường học đến khu dân cư.

Các trường hợp phát hiện dương tính không chỉ ghi nhận ở người dân trong huyện mà xuất hiện ở những người từ các tỉnh, TP khác, huyện khác khi trở về địa phương, tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây lan dịch bệnh ra cộng đồng nếu không có biện pháp quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức tự giác phòng, chống dịch của nhân dân.

Trước tình hình trên, với phương châm "Bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân là trên hết, trước hết", Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh tại địa phương và tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Huyện Nông Cống đề nghị các tầng lớp nhân dân nêu gương tự giác chấp hành và vận động người thân, bạn bè chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 , hạn chế tối đa việc đi lại, thăm hỏi, chúc tết, liên hoan, gặp mặt và các hoạt động tập trung đông người vì sự an toàn của mình và mọi người.

Trước đó, TP Thanh Hóa cũng có thư ngỏ nội dung tương tự như huyện Nông Cống khuyến cáo người dân làm ăn xa quê tạm thời không về quê nếu không thực sự cần thiết.

Trả lời báo chí, ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa, cho biết thư ngỏ để khuyến cáo, vận động người dân. Nếu bà con vẫn có nhu cầu về quê ăn Tết chính quyền mong bà con chấp hành các quy định phòng, chống dịch của địa phương cũng như khuyến cáo của các cơ quan chức năng để đón một cái Tết vui tươi, an lành.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/them-1-huyen-o-thanh-hoa-ra-thu-ngo-khuyen-cao-nguoi-dan-kho...

Nghệ An thêm 24 ca cộng đồng, điều trị F0 tại nhà ở 2 địa phương

Trong 12 giờ qua (từ 18h00 ngày 06/01/2022 đến 6h00 ngày 07/01/2022), Nghệ An ghi nhận 57 ca dương tính mới với COVID-19 tại 9 địa phương (Đô Lương 18 ca, Hoàng Mai 13 ca, Thanh Chương 8 ca, Qùy Châu 6 ca, Diễn Châu 6 ca, Yên Thành 2 ca, Nghi Lộc 2 ca, Nam Đàn 1 ca, Thái Hòa 1 ca).

Trong đó có 24 ca cộng đồng tại 6 địa phương (Đô Lương 17 ca là công nhân cùng một công ty, Nghi Lộc 2 ca, Thanh Chương 2 ca, Yên Thành 1 ca, Nam Đàn 1 ca, Hoàng Mai 1 ca), 33 ca đã được cách ly từ trước (24 trường hợp là F1, 4 ca từ Lào về, 5 ca từ ngoại tỉnh có dịch về). Ghi nhận 46 ca có triệu chứng, 11 ca không có triệu chứng.

Ngày 04/01/2021, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 12/UBND-VX về việc triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động trên địa bàn thành phố Vinh và Tx.Cửa Lò để quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà gửi Sở Y tế, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền Thông, bảo hiểm xã hội, các sở, ban, ngành và đơn vị cấp tỉnh, Trường đại học Y khoa Vinh và UBND các huyện, thành phố, thị xã.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm. 

Theo đó, UBND tỉnh thống nhất đề xuất của Sở Y tế triển khai thí điểm mô hình Trạm y tế lưu động trên địa bàn Tp.Vinh và Tx.Cửa Lò để quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà.

Các chi phí tiền ăn, chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày điều trị tại nhà (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) do người dân tự chi trả.

Ngân sách tỉnh thực hiện hỗ trợ các loại kinh phí, gồm: Thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế thiết yếu trực tiếp phục vụ điều trị; kinh phí xử lý rác thải, phun khử khuẩn; xét nghiệm cho các đối tượng cách ly... Chế độ, chính sách cho bệnh nhân và lực lượng trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân theo quy định. Các chi phí có liên quan khác phát sinh trong quá trình điều trị bệnh nhân.

Ngân sách Tp.Vinh, Tx.Cửa Lò đảm bảo chi phí có liên quan khác còn lại gồm đảm bảo cơ sở vật chất của Trạm Y tế lưu động; chế độ cho lực lượng hỗ trợ tham gia các nhiệm vụ phòng, chống dịch của Trạm Y tế lưu động (ngoại trừ đối tượng trực tiếp điều trị bệnh nhân); chi phí vận chuyển... Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm y tế.

UBND tỉnh giao Sở Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động; chỉ đạo Trung tâm Y tế Tp.Vinh và Tx.Cửa Lò triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình Trạm Y tế lưu động; xây dựng điều kiện kích hoạt Trạm Y tế lưu động căn cứ vào tình hình dịch trên địa bàn Tp.Vinh và Tx.Cửa Lò; chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn; chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập có liên quan xây dựng phương án, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm Y tế lưu động (khi có yêu cầu) như bố trí nhân lực, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác; kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các đơn vị.

Sau khi có văn bản UBND tỉnh, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức họp bàn triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động trên địa bàn Tp.Vinh và Tx.Cửa Lò để quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà; xây dựng hướng dẫn tạm thời triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động.

Theo đó, mỗi xã/phường tại Tp.Vinh và Tx.Cửa Lò phải bố trí 1 Trạm Y tế lưu động; thực hiện trưng dụng 1 đến 2 phòng của Trạm Y tế xã/phường để bố trí nơi làm việc cho Trạm Y tế lưu động. Về nhân lực, ngoài nhân lực làm công tác chuyên môn, UBND xã/phường thành lập Tổ chăm sóc người mắc COVID-19. Tổ ít nhất có 2 người, mỗi tổ quản lý từ 10 - 20 người mắc COVID-19 được điều trị tại nhà.

Những F0 được điều trị tại nhà là những người có độ tuổi từ ≥ 3 tháng đến ≤ 49 tuổi; chưa phát hiện bệnh lý nền; đã tiêm đủ liều vắc-xin; sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường. Người chăm sóc cho đối tượng mắc COVID-19 dưới 16 tuổi hoặc không có khả năng tự sinh hoạt nếu có nguyện vọng.

Những F0 không được điều trị tại nhà là phụ nữ mang thai; trẻ em dưới 16 tuổi có nguyện vọng nhưng không có người chăm sóc hoặc người chăm sóc đang mắc các bệnh lý nền.

Cơ sở vật chất để các F0 được điều trị tại nhà phải đáp ứng yêu cầu: Nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư mà người mắc COVID-19 đăng ký thường trú, tạm trú; có phòng hoặc nhà riêng và khu vệ sinh riêng dành cho người mắc COVID-19... Trong phòng bệnh nhân, trước cổng nhà phải có thùng đựng chất thải màu vàng. Nhà không được dùng điều hòa trung tâm, phải có đồ dùng ăn uống riêng cho người bệnh...

Lũy tích từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 8.674 ca mắc Covid-19 ở 21 địa phương. Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 7.386 bệnh nhân. Lũy tích số bệnh nhân tử vong 36 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 1.252 bệnh nhân.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-them-24-ca-cong-dong-dieu-tri-f0-tai-nha-o-2-dia-phu...

Đồng Tháp xem xét việc chi hàng trăm tỉ mua kit test của Công ty Việt Á

Ngày 7-1, tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết đã chỉ đạo sở Tài chính và Sở Y tế thành lập đoàn làm việc với các đơn vị, bệnh viện liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị, hóa chất phục vụ phòng chống dịch Covid-19 để báo cáo cho lãnh đạo tỉnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp.

Cụ thể, ngày 22-6-2021, ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, ký quyết định số 1625/QĐ-BVĐT mua 3.000 kit test LightPower của Công ty Việt Á với tổng trị giá hơn 1,5 tỉ đồng, giá mỗi test là 509.250 đồng.

Đến ngày 19-7-2021, ông Việt tiếp tục ký quyết định chỉ định thầu mua của Công ty Việt Á 20.000 kit test LightPower trị giá 9,4 tỉ đồng, giá mỗi test là 470.000 đồng.

Đúng một tháng sau, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp tiếp tục ký quyết định chỉ định Công ty Việt Á trúng gói thầu số 1 để mua 200.000 kit test LightPower, đơn giá 470.000 đồng/test. Tổng trị giá gói thầu là 94 tỉ đồng và thời gian thực hiện hợp đồng trong 4 tháng.

Trong khi đó, ngày 17-8-2021, ông Trần Văn Hai, Giám đốc CDC Đồng Tháp, đã ký quyết định số 159/QĐ-KSBT chỉ định cho Công ty Việt Á trúng thầu cung cấp 50.000 kit test iVAaDNA/RNA Extraction, đơn giá 160.000 đồng/test.

Đến ngày 14-9-2021, ông Hai tiếp tục ký quyết định số 176/QĐ-KSBT chỉ định Công ty Việt Á trúng gói thầu tổng trị giá hơn 89,8 tỉ đồng, cung cấp cho CDC Đồng Tháp 178.000 kit test LightPower với đơn giá 367.500 đồng/test và 178.200 kit test iVAaDNA/RNA, đơn giá 136.500 đồng/test.

Thông tin từ Sở Tài chính Đồng Tháp, tính đến cuối năm 2021, tỉnh đã phê duyệt tổng kinh phí gần 1.612 tỉ đồng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Trong đó, chi công tác phòng, chống dịch là 1.206,5 tỉ đồng, bao gồm kinh phí mua sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế gần 655 tỉ đồng; mua tài sản, trang thiết bị y tế hơn 102 tỉ đồng…

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/dong-thap-xem-xet-viec-chi-hang-tram-ti-mua-kit-test-cua-con...

Đồng Nai: Người tiêm 2 mũi Vero Cell có thể tiêm nhắc lại bằng vắc-xin AstraZeneca

Ngày 7/1, tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đồng Nai (CDC) cho biết, Sở Y tế tỉnh đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc, các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh về việc điều chỉnh đối tượng tiêm liều nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19.

Trước đó, Sở Y tế đã có kế hoạch phân bổ, sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 đợt 30 trên địa bàn tỉnh, trong đó phân bổ 100 ngàn liều vắc-xin AstraZeneca để tiêm liều nhắc lại cho người từ đủ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 liều cơ bản bằng vắc-xin AstraZeneca.

Thứ tự ưu tiên chọn theo tuổi từ cao xuống thấp và khoảng cách thời gian giữa 2 mũi tiêm từ xa đến gần phù hợp số lượng vắc-xin được phân bổ tại địa phương. Khoảng cách tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản và được sự đồng thuận của đối tượng tiêm.

Nay Sở Y tế điều chỉnh đối tượng tiêm liều nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19, người từ đủ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 liều cơ bản bằng vắc-xin AstraZeneca hoặc vắc-xin Vero Cell. 

Tính đến nay trên địa bàn tỉnh tỉ lệ bao phủ mũi 1 toàn tỉnh đạt 101,16%, mũi 2 đạt 96,6%, tỉ lệ tiêm mũi 3 đạt 6,50%.

Các địa phương đạt tỉ lệ bao phủ vắc-xin mũi 2 trên 90% gồm: Tp.Biên Hòa, Tp.Long Khánh, các huyện Long Thành, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú. Các huyện, thành phố còn lại như: Nhơn Trạch, Thống Nhất, Trảng Bom đều đạt tỉ lệ bao phủ vắc-xin mũi 2 từ 80% trở lên.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nguoi-tiem-2-mui-vero-cell-co-the-tiem-nhac-lai-bang-astraze...

Thanh Hóa: Ổ dịch tại thị xã Nghi Sơn có nhiều ca Covid-19 cộng đồng

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, trong 24 giờ qua, tính từ 16h ngày 6/1 đến 16h ngày 7/1, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận thêm 276 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Trong đó, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn ghi nhận 55 ca nhiễm có yếu tố dịch tễ cộng đồng.

Theo đó, 55 nhiễm cộng đồng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn tập trung chủ yếu ở xã Hải Bình và Hải Thanh với lần lượt 12 và 23 bệnh nhân. Còn lại là các bệnh nhân được ghi nhận trên địa bàn các xã Phú Sơn, Mai Lâm, Phú Lâm, Xuân Lâm, Hải Ninh, mỗi xã có 1 bệnh nhân; các xã Nghi Sơn, Hải Hà có 2 bệnh nhân; các xã Hải Thượng, Tân Trường có 3 bệnh nhân và xã Hải Châu có 4 bệnh nhân.

Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân thị xã Nghi Sơn.

Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân thị xã Nghi Sơn.

Ngoài các ca nhiễm tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng ghi nhận nhiều ca nhiễm cộng đồng tại các địa phương khác trên địa bàn Tỉnh này.

Cụ thể, huyện Yên Định có 9 bệnh nhân, huyện Vĩnh Lộc có 2 bệnh nhân, huyện Cẩm Thủy có 1 bệnh nhân, huyện Hậu Lộc có 2 bệnh nhân, huyện Thạch Thành có 8 bệnh nhân, huyện Nông Cống có 6 bệnh nhân, huyện Hoằng Hóa có 3 bệnh nhân, huyện Bá Thước có 5 bệnh nhân, huyện Thiệu Hóa có 15 bệnh nhân, huyện Như Thanh có 4 bệnh nhân, thành phố Thanh Hóa có 2 bệnh nhân, huyện Thọ Xuân có 4 bệnh nhân và 1 người tỉnh khác đang lưu trú trên địa bàn.

Còn lại là 160 bệnh nhân được phát hiện trong các khu cách ly theo quy định và bệnh nhân trở về địa phương từ các tỉnh, thành khác.

Tính từ ngày 27/4 đến nay, tỉnh Thanh Hoá ghi nhận 9.791 bệnh nhân nhiễm Covid-19 cộng dồn. Trong đó, có 7.088 người được điều trị khỏi, ra viện và 16 bệnh nhân tử vong.

Về công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, toàn tỉnh đã tiếp nhận 4.993.360 liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, đã tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tỉ lệ 99,41 %, người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi đạt 96,52%, trẻ từ 12 - 17 tuổi đạt tỉ lệ 98% và trẻ 12 - 17 tuổi tiêm đủ mũi, đạt tỉ lệ 40,5%.

Trong 24 giờ qua, Thanh Hóa đã thực hiện xét nghiệm bằng RT-PCR 1.860 mẫu tại các đơn vị y tế trong tỉnh.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thanh-hoa-o-dich-tai-tx-nghi-son-co-nhieu-ca-nhiem-covid-19-...

Cần Thơ yêu cầu khẩn trương báo cáo việc mua kit xét nghiệm

Ngày 7/1, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ đã có công văn gửi Thủ trưởng các đơn vị như Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra thành phố..., yêu cầu khẩn trương rà soát, báo cáo việc mua sắm kit xét nghiệm, thuốc, sinh phẩm, hoá chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện.

Cần Thơ yêu cầu khẩn trương rà soát báo cáo việc mua sắm kit xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế,... phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Kim Hà.

Cần Thơ yêu cầu khẩn trương rà soát báo cáo việc mua sắm kit xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế,... phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Kim Hà.

Theo đó, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ giao cho Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị y tế trực thuộc khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện rà soát, thống kê tình hình thực hiện mua sắm kit xét nghiệm, thuốc, sinh phẩm, hoá chất… phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua, trước ngày 14/1.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo Thanh tra Sở và các phòng, ban chuyên môn có liên quan của đơn vị thường xuyên, định kì tổ chức thanh, kiểm tra công tác đấu thầu, mua sắm và sử dụng kit xét nghiệm, sinh phẩm… phục vụ công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị mua sắm có liên quan, đảm bảo khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng tiêu cực và “lợi ích nhóm”, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm pháp luật.

Trước đó vào ngày 23/12/2021, UBND TP Cần Thơ đã ban hành quyết định về việc thành lập tổ kiểm tra, rà soát quy trình, hồ sơ, thủ tục mua sắm thuốc, sinh phẩm, hoá chất, vật tư… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và yêu cầu báo cáo việc thực hiện mua sắm nói trên.

Nguồn: https://tienphong.vn/can-tho-yeu-cau-khan-truong-bao-cao-viec-mua-kit-xet-nghiem-post14...

Phạt bệnh viện 34 triệu đồng vì không báo cáo sản phụ dương tính SARS-CoV-2

Chiều 7/1, Sở Y tế Hải Phòng thông tin, Thanh tra Sở này vừa quyết định xử phạt 34 triệu đồng đối với Bệnh viện quốc tế Green do không báo cáo về việc phát hiện sản phụ nghi mắc COVID-19 và để bệnh nhân tự di chuyển bằng xe cá nhân.

Theo Thanh tra Sở Y tế, Bệnh viện quốc tế Green đã không thông báo cho chính quyền địa phương, BCĐ Phòng chống dịch các cấp và Sở Y tế về việc phát hiện sản phụ H.T.H (29 tuổi, trú quận Lê Chân) dương tính SARS-CoV-2. Bệnh viện này còn để bệnh nhân tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Trước đó, chị H.T.H (mang thai tuần thứ 37) đã đặt lịch khám và sinh tại Bệnh viện quốc tế Green. Ngày 5/1, chị được người thân đưa đến Bệnh viện quốc tế Green khám.

Sau khi khai báo y tế, sản phụ được chỉ định test nhanh và kết quả dương tính SARS-CoV-2. Sau đó, người thân đã đưa sản phụ này đến Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.

Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng xác định, Bệnh viện quốc tế Green đã không báo cáo khi phát hiện ca dương tính SARS-CoV-2 tới cơ quan có thẩm quyền và để bệnh nhân tự di chuyển bằng xe cá nhân. Do đó, bệnh viện này đã vi phạm tại Điều 10 và Điều 14 Nghị định 117 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Vũ Thị Thanh Thủy – Trưởng phòng KH&TH và Quản lý chất lượng - Bệnh viện quốc tế Green cho rằng, nhân viên y tế không từ chối tiếp nhận sản phụ nghi dương tính SARS-CoV-2.

Theo bà Thủy, thời điểm này sản phụ chưa có dấu hiệu chuyển dạ, chưa có vấn đề cần phải xử lý cấp cứu y tế, bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao nên nhân viên y tế tư vấn một số cơ sở y tế có năng lực tiếp nhận F0 có thai trên địa bàn để lựa chọn. Nhân viên y tế cũng gợi ý gọi 115 để xin xe chở sản phụ nhưng người thân và bệnh nhân từ chối.

Đại diện Bệnh viện quốc tế Green thừa nhận đã sơ suất chưa báo cáo ca F0 tới cơ quan quản lý để xin ý kiến chỉ đạo.

Nguồn: https://tienphong.vn/phat-benh-vien-34-trieu-dong-vi-khong-bao-cao-san-phu-duong-tinh-s...

TPHCM lập khoa COVID-19 điều trị cho bệnh nhi

Ngày 7/1, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM đã chính thức đưa khoa COVID-19 điều trị cho bệnh nhi với quy mô 150 giường, đi vào hoạt động. Đây là giải pháp thích ứng an toàn trong tình hình mới, sống chung với dịch bệnh.

Theo đó, khoa điều trị COVID-19 kể trên sẽ có 120 giường tiếp nhận các bệnh nhi có triệu chứng nhẹ - trung bình hoặc có chỉ định điều trị bệnh lý nền và không cần hồi sức tích cực. Bên cạnh đó sẽ có 30 giường, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, thân nhân người bệnh nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 được phân loại điều trị thuộc nhóm bệnh nhân nặng hoặc nguy kịch.

COVID-19 7/1: Một giáo viên tiếng Anh dương tính với SARS-CoV-2, 266 học sinh trở thành F0 - 11

Khoa COVID-19 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 được trang bị những phương tiện hỗ trợ chuyên sâu, đủ khả năng thực hiện các kỹ thuật hiện đại bao gồm lọc máu liên tục, ECMO. Ngoài ra, ngay tại khoa còn có khu vực phòng mổ áp lực âm dành riêng cho bệnh nhi nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 có chỉ định phẫu thuật.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố chủ trương từng bước mở cửa phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh có dịch bệnh lưu hành. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến còn phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, việc thành lập khoa COVID-19 là giải pháp cần thiết để đáp ứng tốt nhất các điều kiện chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi mắc COVID-19. Thời gian tới, theo chủ trương của thành phố, các bệnh viện sẽ từng bước lập khoa COVID-19 chủ động các phương án điều trị dịch bệnh tăng cường khám, chữa các bệnh lý thông thường khác.

Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-lap-khoa-covid-19-dieu-tri-cho-benh-nhi-post1407746.tpo

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khẳng định không chỉ đạo chi 45 tỉ đồng mua kit test Việt Á

Ngày 7-1, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết thanh tra tỉnh đang vào cuộc làm rõ những vấn đề liên quan đến việc mua sinh phẩm của Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bạc Liêu gửi Sở Y tế và đoàn thanh tra, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại khu vực phía Nam, trong đó Bạc Liêu là một trong những tỉnh có ca mắc cao, mỗi ngày khoảng 500-600 ca dương tính được phát hiện.

Vì vậy, ngày 25-8-2021 và ngày 10-9-2021, CDC có 2 tờ trình xin phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu cung ứng test nhanh; sinh phẩm; vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 và đã được hội đồng thẩm định của Sở Y tế thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Theo đó, CDC Bạc Liêu mua sinh phẩm Việt Á phục vụ cho máy của Công ty Việt Á do Bộ Y tế và UBND tỉnh mua cấp với tổng số tiền hơn 5,1 tỉ đồng.

Nói về thông tin tỉnh Bạc Liêu chi 45 tỉ đồng để mua sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khẳng định thông tin này không chính xác.

"Tỉnh có quyết định phê duyệt cấp nguồn kinh phí điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và mua vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh năm 2021 cho Sở Y tế với tổng số tiền dự toán là hơn 238,6 tỉ đồng. Trong đó, 45 tỉ đồng mua sinh phẩm xét nghiệm của Roche và Việt Á. Còn việc mua sắm bao nhiêu, của ai là tùy theo tình hình thực tế, nhu cầu và Sở Y tế chịu trách nhiệm về việc mua sắm đó. Tỉnh không chỉ đạo hay chủ trương phải mua của đơn vị nào"- ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết.

Theo hồ sơ do UBND tỉnh Bạc Liêu cung cấp, vào ngày 29-11-2021, UBND tỉnh Bạc Liêu có quyết định số 1794 về việc cấp nguồn kinh phí hơn 238,6 tỉ đồng cho Sở Y tế thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngân sách năm 2021 của tỉnh không còn nguồn để cấp, do đó vào các ngày 8 và 23-12-2021, UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành 2 quyết định tạm mượn nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của năm 2022 lần lượt là 155,2 tỉ đồng và 80,113 tỉ đồng để cấp cho Sở Y tế thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong đó, cấp cho phần kinh phí dự toán mua 100.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm của Roche và Việt Á với đơn giá 450.000 đồng/kit.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, CDC Bạc Liêu chỉ mới xuất kinh phí hơn 5,1 tỉ đồng cho 2 gói thầu cung ứng sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/lanh-dao-tinh-bac-lieu-khang-dinh-khong-chi-dao-chi-45-ti-do...

COVID-19: Một trường tiểu học thành ổ dịch, nhiều ca cộng đồng, địa phương kêu gọi người dân test nhanh
Tình hình dịch COVID-19 tại Ninh Bình hiện đang có diễn biến hết sức phức tạp. Trên địa bàn đã xuất hiện các ổ dịch tại cộng đồng (trong trường học,...

Dịch COVID-19

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19