Ban điều hành khu cách ly tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng vừa phát hiện 1 trường hợp đi cách ly thay cho F1. Người "thế vai" sau đó cũng bị cách ly tập trung theo quy định.
Lâm Đồng: Phát hiện 1 trường hợp "thế vai" đi cách ly tập trung thay cho F1
Ngày 7/6/2021, Ban điều hành khu cách ly Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ (TTHL&BDNV) Công an tỉnh Lâm Đồng (trụ sở tại phường 7- TP.Đà Lạt) cho biết, vừa phát hiện 1 trường hợp đi cách ly thay cho F1. Người "thế vai" sau đó cũng bị cách ly tập trung theo quy định.
Công an, cán bộ y tế công bố quyết định hết thời hạn cách ly với các trường hợp đã chấp hành hết thời gian cách ly theo quy định
Chiều 7/6, trao đổi với PV, Thượng tá Đinh Văn Sáu - Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng, kiêm Giám đốc TTHL&BDNV Công an tỉnh cho biết: Lúc 21h ngày 2/6, khu cách ly tập trung của Trung tâm tiếp nhận 2 trường hợp nam giới vào cách ly tập trung theo quyết định của Chủ tịch UBND H.Lạc Dương.
Lúc này, trên xe của Trung tâm Y tế (TTYT) H.Lạc Dương có 5 người bị đưa đi cách ly, 2 người đàn ông được cán bộ y tế gọi tên bước xuống khỏi xe, họ đều mặc đồ bảo hộ. Đến sáng 4/6, khi cán bộ Trung tâm kiểm thông tin khai báo y tế, xác minh nhân thân đối với 2 trường hợp F1 mới vào cách ly tập trung, thì phát hiện 1 trường hợp "thế thân".
Cụ thể, khi Ban điều hành tiến hành lấy thông tin cá nhân, khai báo y tế của các trường hợp vào cách ly, phát hiện ông Trần Ngọc D (39 tuổi, trú phường 11 - TP.Đà Lạt) đang cách ly thay thế cho ông Đặng Ngọc D (51 tuổi) là người có tên trong quyết định cách ly của Chủ tịch UBND H.Lạc Dương.
Trước sự việc trên, Ban điều hành khu cách ly tiến hành làm việc với ông Trần Ngọc Duy, thông báo cho TTYT H.Lạc Dương về sự việc hoán đổi người cách ly. Đồng thời, thông tin cho UBND phường 11, Công an phường 11 xác minh nhân thân và nơi cư trú của ông Đặng Ngọc D nhằm xác minh làm rõ sự việc.
Sau đó, đến 15h ngày 4/6, TTYT H.Lạc Dương bàn giao ông Đặng Ngọc D cho khu cách ly, để cách ly tập trung theo quy định. Đồng thời, bổ sung quyết định áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với người thay ông Đặng Ngọc D là ông Trần Ngọc D.
Được biết, sau khi thoả thuận được người thay thế, ông Đặng Ngọc D trở về nhà (ở phường 11), tự khai báo y tế, cách ly 14 ngày tại nhà.
Chiều cùng ngày, Ban điều hành Khu cách ly tập trung TTHL&BDNV Công an tỉnh đã làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Lâm Đồng, Thanh tra Sở Y tế và TTYT H.Lạc Dương.
TTYT H.Lạc Dương trình bày: Thời điểm TTYT H.Lạc Dương đưa các trường hợp đi cách ly tập trung tại đây có 5 người, các trường hợp bị đưa đi cách ly và cán bộ y tế trên xe đều mặc đồ bảo hộ, đến nơi họ giao quyết định và người được cách ly cho cơ sở tiếp nhận nên không phát hiện được ngay việc tráo đổi người đi cách ly thay.
Hơn nữa, vì trường hợp ông Đặng Ngọc D đã sắp xếp thỏa thuận với Trần Ngọc D trước đó, họ khai cùng một địa chỉ nên cán bộ TYT H.Lạc Dương đến phường 11 - Đà Lạt cũng không phát hiện ra việc hai ông này tráo đổi.
Sở Y tế tỉnh kết luận: Đồng ý áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với cả người "thế vai" tại TTHL&BDNV Công an tỉnh. Giao Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Ban điều hành khu cách ly làm việc với ông Trần Ngọc D để có biện pháp xử lý sau khi ông này hoàn thành thời gian cách ly 21 ngày.
Các đơn vị, cá nhân có liên quan có báo cáo sự việc để củng cố hồ sơ xử lý 2 trường hợp hoán đổi trên vì vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sau khi vụ việc bị phát hiện, cả hai ông này đều thừa nhận việc làm sai trái của mình và cam kết chấp hành nghiêm các quy định về cách ly tập trung 21 ngày để phòng chống dịch Covid-19.
Từ sự việc này, chúng tôi cho rằng, công tác đưa người đi cách ly và cách thức tiếp nhận người cách ly dường như còn "kẽ hở", lỏng lẻo nên đã xuất hiện tình trạng khai man, trốn cách ly, không đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trong khi, để truy vết, dò tìm, xác định được một trường hợp F1, F2 không hề đơn gản với nhiều cán bộ trực tiếp đi làm nhiệm vụ. Thường thì người có quyết định đi cách ly không mang theo giấy tờ tuỳ thân, bởi tâm lý đi ở tạm, sợ lạc mất giấy tờ...; trước đó họ đã bị kiểm tra, khai báo nhân thân, lập danh sách hồ sơ lý lịch.
Do đó, cần kiểm tra chặt chẽ hơn nữa để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh.
(Theo Công an Nhân dân)
Tìm người đến quán cắt tóc, bãi tắm công cộng và Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh
Ngày 8/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh ra thông báo khẩn, tìm người đến các địa điểm sau:
Quán cắt tóc Mạo, đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Hà Tĩnh, từ 8h-10h, ngày 03/6.
Điểm tắm nước ngọt công cộng của huyện quản lý biển Xuân Hải – Thị trấn Lộc Hà, (Hà Tĩnh) từ 18h00-18h45 ngày 03/6.
Quán Thanh Đèo, thôn Bắc Mới, xã Cương Gián, Nghi Xuân, từ 19h-21h, ngày 03/6.
Nghĩa trang Đông Vịnh, TP Vinh, Nghệ An khoảng 17h ngày 06/6.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Đề nghị những người đến các địa điểm và thời gian trên liên hệ ngay với cơ quan y tế địa phương hoặc gọi đường dây nóng của CDC Hà Tĩnh: 0961.202.026 để được tư vấn hỗ trợ.
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cũng vừa có văn bản gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh về việc rà soát người bệnh và công tác chỉ đạo tuyến.
Theo đó, Bệnh viện Đa tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát người bệnh đến/về từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh từ ngày 01/6/2021 đến nay, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, thực hiện khai báo y tế và tiến hành các biện pháp phòng phòng chống COVID-19 khác theo quy định.
Không chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho đến khi có thông báo mới. Các trường hợp bệnh nhân cần chuyển tuyến liên hệ các cơ sở y tế khác trong hoặc ngoài tỉnh.
Trước đó, sáng cùng ngày, Hà Tĩnh vừa ghi nhận 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp này là P.C.C. (SN 1964, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh), là người làm việc trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Ngành y tế cùng lực lượng chức năng đã phong tỏa tạm thời toàn bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và phường Nguyễn Du - nơi ở của trường hợp dương tính mới.
Đến 10h trưa cùng ngày, ngành y tế đã truy vết được 20 trường hợp F1 của ca dương tính SARS-CoV-2 P.C.C.và cho cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời. Ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện thần tốc việc truy vết các trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh để phòng, chống dịch phù hợp.
(Theo Dân Việt)
Cơ sở thu dung điều trị ban đầu COVID-19 quy mô 1.800 giường tại Bắc Giang đã đi vào hoạt động
Chiều 8/6, ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế - người phụ trách trực tiếp hỗ trợ công tác điều trị tại Bắc Giang đã đi kiểm tra cơ sở thu dung điều trị ban đầu COVID-19 đặt tại khu nhà ở xã hội của công ty Luxshare-ICT.
Theo BS Nguyễn Danh Song, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Bắc Giang – người phụ trách hoàn thiện cơ sở này thì đây là khu nhà ở xã hội mới hoàn toàn chưa qua sử dụng. Hiện tại, nơi này đã được chọn làm cơ sở thu dung điều trị ban đầu COVID-19 với 3 toà nhà 6 tầng quy mô lên tới 1.800 giường bệnh. Cụ thể, tòa F2 bố trí 880 giường, toà F3 với 920 giường và dành riêng 1 tòa nhà cho đội ngũ nhân viên y tế, hậu cần. Hiện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đang phụ trách hậu cần và an ninh tại đây.
Cơ sở thu dung điều trị ban đầu COVID-19 với quy mô 1.800 giường
Về trang thiết bị máy móc, được biết hiện tại cơ sở này đã được bố trí tại mỗi tầng 1 phòng cấp cứu với 2 giường, đầy đủ oxy, hộp cấp cứu. Cơ sở cũng bố trí xét nghiệm lấy bệnh phẩm, siêu âm, điện tim và xe X-quang lưu động.
Về nhân lực, tại đây đang có 139 người, chủ yếu là đội chi viện từ Phú Thọ và các cơ sở tư nhân trong tỉnh, trong đó có 26 bác sĩ. Tất cả nhân sự đều đã được tập huấn kỹ thuật, kiểm soát nhiễm khuẩn,...
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, cơ sở này sẽ tiếp nhận các ca bệnh nhẹ, không có triệu chứng hoặc đã có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 lần 1 từ các cơ sở thu dung, bệnh viện dã chiến để giải phóng dần các cơ sở khác, đặc biệt là 4 trung tâm y tế huyện.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Phong tỏa 1 block chung cư ở Nhà Bè vì ca Covid-19 lây nhiễm qua nhiều vòng
Tối 8-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho hay lực lượng chuyên trách đã phong tỏa tạm thời 1 block chung cư tại huyện Nhà Bè do 1 ca mắc Covid-19.
Trường hợp này là bệnh nhân 9026, cư trú tại block E chung cư Phú Hoàng Anh, đã được cách ly tập trung trước đó do liên quan chuỗi lây nhiễm của điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
Nơi ca mắc Covid-19 cư ngụ đã tạm phong tỏa - Ảnh: HCDC
Sau khi nhận thông tin, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè và Trạm Y tế địa phương đã tiến hành phong tỏa tạm thời block E chung cư Phú Hoàng Anh, đồng thời xác định, lấy mẫu các trường hợp F1, F2 và thực hiện khử khuẩn khu vực liên quan.
Qua điều tra truy vết, ngày 7-6, các lực lượng chức năng đã xác định được 1 trường hợp F1 ở chung nhà tại tầng 22 và lấy 109 mẫu gộp cho các trường hợp F2 tại chung cư.
Bệnh nhân 9026 làm chung ở tòa nhà SAMCO (quận 1) với bệnh nhân 7432. Bệnh nhân 7432 là người tiếp xúc gần của bệnh nhân 7088 làm ở Công ty IDS tại quận Tân Phú. Bệnh nhân 7088 lại chính là F1 của bệnh nhân 6787 - thành viên điểm nhóm Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng.
Bệnh nhân 9026 được lấy mẫu xét nghiệm tại khu cách ly tập trung trước đó, cho kết quả âm tính lần 1. Đến ngày 1-6, bệnh nhân xin chuyển qua cách ly tập trung tại khách sạn và xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính.
(Theo Người Lao Động)
Mở rộng xét nghiệm khẩn 12.000 cư dân 14 tòa nhà chung cư Ehome3 - Tây Sài Gòn
Tối 8-6, UBND quận Bình Tân, TP HCM ra văn bản khẩn về việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ cư dân thuộc cụm chung cư Ehome3 - Tây Sài Gòn. Cư dân 14 toà nhà với quy mô ước tính 12.000 người sẽ được lấy mẫu xét nghiệm trong sáng mai, 9-6.
Trước đó, cơ quan chức năng đã ghi nhận tại cụm chung cư này có cư dân dương tính với SARS-CoV-2. Tối 30-5, tòa nhà A6 đã được phong toả và lấy mẫu xét nghiệm khoảng 500 người.
Cư dân cụm chung cư Ehome3 - Tây Sài Gòn thuộc toà nhà A3, A4 lấy mẫu xét nghiệm.
Đến ngày 5-6, cơ quan chức năng ghi nhận một gia đình sống tại tầng 9 thuộc cụm toà nhà liền kề A3, A4 có biểu hiện nghi mắc Covid-19. Ngay lập tức, lực lượng chức năng lấy mẫu, tổ chức phong toả thêm 2 toà nhà này.
Ngày 6-6, lực lượng chức năng tiếp tục phong toả thêm một cửa hàng tiện ích trước lối ra vào cụm chung cư. Kết quả xét nghiệm cho thấy nhiều cư dân ở toà A3, A4 âm tính. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục phong toả, đồng thời giám sát chặt đối với 101 cư dân ở tầng 9.
(Theo Người Lao Động)
Đà Nẵng: Nhà hàng, quán ăn được phục vụ tại chỗ phải đáp ứng yêu cầu gì?
Tối 8/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng quyết định cho phép một số loại hình dịch vụ hoạt động trở lại.
Cụ thể, từ 0h ngày 9/6, các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán, phục vụ khách tại chỗ. Tuy nhiên, phục vụ tại chỗ tối đa không quá 50% công suất của nhà hàng, quán ăn và không quá 21h hàng ngày.
Chủ cơ sở kinh doanh ăn uống và nhân viên phải xét nghiệm SARS-CoV-2 theo kế hoạch của UBND thành phố; phải ký cam kết với chính quyền địa phương về thực hiện đúng các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch.
Trong thời gian mở cửa, chủ nhà hàng, quán ăn, người chế biến, phục vụ thức ăn, bắt buộc khai báo y tế hàng ngày. Thường xuyên mở ứng dụng Bluezone, Bluetooth trên smartphone (nếu có) trong suốt thời gian làm việc.
Chủ nhà hàng, quán ăn có trách nhiệm tổ chức đo thân nhiệt cho khách, đảm bảo khoảng cách an toàn và phải đeo khẩu trang, găng tay trong suốt quá trình chế biến thức ăn, uống cho khách.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng nghiêm cấm khách đến nhà hàng, quán ăn nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly y tế tại nhà theo quy định.
Khách bắt buộc khai báo y tế khi vào nhà hàng hoặc quét QRCode để kiểm tra khai báo y tế tại các nhà hàng có sử dụng dịch vụ; thường xuyên mở ứngdụng Bluezone, Bluetooth trên smartphone (nếu có).
"Bắt buộc đeo khẩu trang đúng cách khi đến nhà hàng, quán ăn (trừ khi ăn, uống); giữ khoảng cách tối thiểu theo quy định đối với người xung quanh, tránh tiếp xúc và hạn chế nói chuyện không cần thiết khi ăn, uống", Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng yêu cầu.
Ngoài ra, hoạt động tắm biển, tiệm cắt tóc cũng được phép hoạt động trở lại. Trong đó việc tắm biển được quy định giờ.
Cụ thể, buổi sáng từ 4h30 đến không quá 7h30; buổi chiều từ 16h30 đến không quá 18h30. Chỉ tắm biển tại các khu vực được phép theo quy định và rời đi ngay sau khi tắm biển.
Không tập trung đông người trên bãi biển, cấm tụ tập vui chơi, chơi thể thao, ăn, uống, bán hàng rong... tại bãi biển; giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với người khác; đeo khẩu trang trước và ngay sau khi tắm biển xong. Dịch vụ tắm nước ngọt sau khi tắm biển chưa cho phép hoạt động trở lại.
Được biết, đến thời điểm này Đà Nẵng đã 21 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
(Theo Báo Giao Thông)
TP.HCM: Tìm người đến Bách Hoá Xanh, tiệm thuốc tây Pharmacity và quán phở ở quận Tân Phú
Sáng 8/6, UBND phường Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) vừa thông báo tìm người đến 3 địa điểm trên địa bàn để phối hợp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, 3 địa điểm như sau.
Cửa hàng Bách Hoá Xanh, địa chỉ 79 đường Cầu Xéo, phường Tân Quý vào ngày 31/5.
Nhà thuốc Pharmacity, địa chỉ 55 Cầu Xéo (góc ngã tư Cầu Xéo – Lê Đình Thám), phường Tân Quý vào khung giờ từ 9h đến 22h ngày 5/6.
Quán Phở Nguyễn, địa chỉ 156 Lê Sát, phường Tân Quý vào khung giờ từ 7h đến 11h ngày 5/6.
Hiện tại một số khu vực ở quận Tân Phú tạm phong tỏa do phát hiện có ca nhiễm COVID-19. Trong ảnh là bệnh viện quận Tân Phú tạm ngưng đón tiếp bệnh nhân hôm 28/5.
Cơ quan chức năng đề nghị các cá nhân từng đến 3 địa điểm trên cần khẩn trương đến Trạm y tế phường để được hướng dẫn thực hiện khai báo y tế.
Tính từ 27/4, TP.HCM ghi nhận 437 ca COVID-19 (Bộ Y tế đã công bố), hiện đứng thứ 4 cả nước về số ca COVID-19 cộng đồng trong đợt dịch này. Trong đó, ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng lớn nhất từ trước đến nay, được phát hiện từ ngày 26/5.
(Theo Dân Việt)
TP.HCM: Cảnh cáo tình trạng mạo danh bác sĩ khuyến cáo người bệnh không đến BV lúc giãn cách xã hội, để bán thuốc tại nhà
Mới đây, một số bệnh viện tại TP.HCM đã đưa ra cảnh báo về tình trạng giả mạo nhân viên y tế, tư vấn khám bệnh và bán thuốc qua điện thoại.
Theo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mới đây một số cá nhân đã mạo danh, sử dụng đầu số điện thoại lạ, tự nhận là bác sĩ của Bệnh viện này để tư vấn sức khỏe, khuyến cáo người bệnh không đến Bệnh viện trong giai đoạn giãn cách xã hội, nên tự mua thuốc tại nhà hoặc hướng dẫn người nhà mua thuốc tại nhà thuốc ngoài Bệnh viện để được giảm giá 50%, hoặc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để bác sĩ mua thuốc và gửi về nhà cho người bệnh...
“Sau khi làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và rà soát lại tất cả quy trình tại Bệnh viện, Bệnh viện xác nhận đây là trường hợp lừa đảo, giả mạo nhân viên y tế nhằm mục đích trục lợi”, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thông tin.
Qua sự việc này, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, bệnh viện vẫn tổ chức khám bệnh cho người bệnh ngoại trú, thời gian tiếp nhận làm thủ tục cho người bệnh vào 3h từ thứ Hai đến thứ Bảy. 100% người bệnh, người nhà đến Bệnh viện đều được sàng lọc, phân luồng, khai báo y tế, đo thân nhiệt nhằm không để ca nghi nhiễm/ ca bệnh Covid-19 vào khuôn viên Bệnh viện.
“Bệnh viện không tư vấn chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để mua thuốc cho người bệnh hoặc hướng dẫn người bệnh đến nhà thuốc ngoài Bệnh viện mua để được giảm giá...Nếu nghi ngờ có bất thường, người bệnh nên liên hệ ngay đến Bộ phận Chăm sóc khách hàng hoặc số điện thoại tổng đài Bệnh viện để được hỗ trợ.
Vì sự an toàn của người bệnh, Bệnh viện khuyến cáo người bệnh, người nhà cần nâng cao cảnh giác các hành vi lừa đảo gây ra sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và kinh tế người bệnh”, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết.
Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cũng phát thông tin Cảnh báo về tình trạng mạo danh bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy để lừa người bệnh.
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, thời gian gần đây, Bệnh viện nhận được rất nhiều câu hỏi thắc mắc của người dân gửi đến về việc có người tự xưng là bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và yêu cầu mua thuốc từ chương trình hỗ trợ thuốc của Bộ Y tế.
Đa số những cuộc gọi này liên quan đến thực phẩm chức năng. Theo người nhà bệnh nhân, đối tượng mạo danh rất tinh vi khiến cho người bệnh, thân nhân rất dễ bị thuyết phục.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, Bộ Y tế quy định bác sĩ điều trị không được phép kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc, vì thực phẩm chức năng không phải là thuốc điều trị, và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy luôn tuân thủ các quy định đó.
Do đó, bác sỹ Việt lưu ý, trong trường hợp có ai đó gọi điện thoại và thông báo đến người bệnh hoặc thân nhân người bệnh để tư vấn về thực phẩm chức năng và nói rằng đây là chỉ định của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, tốt hơn hết bà con nên cảnh giác vì rất nhiều khả năng đây chính là những cuộc gọi mang tính chất lừa người bệnh để trục lợi...
Hữu Huy
TP.HCM: Khẩn trương tìm người mua bánh mì của nữ bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong trên đường chuyển viện
Ngày 8/6, UBND phường 15, quận Gò Vấp đã gửi thông báo khẩn đến các cơ quan liên quan về phòng, chống dịch COVID-19 tại địa bàn quận.
UBND phường 15, quận Gò Vấp cũng đề nghị những ai đã đến mua bán, trao đổi, tiếp xúc tại xe bánh mì của người phụ nữ 57 tuổi tại khu vực phía trước, cạnh nhà thuốc Thanh Tuyền, địa chỉ 826-828 đường Thống Nhất (phường 15, quận Gò Vấp) từ ngày 25/5 đến nay, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khai báo, hoặc gọi số điện thoại 097.9.665.502 để được hỗ trợ.
Theo đó, nữ bệnh nhân này đã tử vong trên đường chuyển viện từ Bệnh viện quận Gò Vấp đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tối 7/6.
Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM đã xác nhận thông tin về 1 trường hợp nghi mắc COVID-19 tử vong do bệnh diễn tiến nhanh, có bệnh lý nền là tiểu đường, cao huyết áp.
Cụ thể, trong đêm 7/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới tiếp nhận 1 trường hợp tử vong trên đường chuyển viện từ Bệnh viện quận Gò Vấp.
Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện quận Gò Vấp, nữ bệnh nhân 57 tuổi này là trường hợp nghi mắc COVID-19, có diễn tiến lâm sàng nặng nhanh, đã có 1 lần ngưng tim tại Bệnh viện Gò Vấp trên nền có bệnh lý tiểu đường và cao huyết áp.
Trước đó, khoảng 12h trưa cùng ngày 7/6, nữ bệnh nhân được chồng đưa vào Bệnh viện quận Gò Vấp cấp cứu vì khó thở kéo dài khoảng 6 ngày trước nhưng tự mua thuốc điều trị ở nhà mà không đi khám ở bệnh viện nào.
Lúc vào viện cấp cứu, bệnh nhân có tình trạng suy hô hấp, viêm phổi, suy đa tạng trên nền các bệnh lý tăng huyếp áp, tiểu đường. Trong quá trình cấp cứu, người phụ nữ có 1 lần ngưng tim, ngưng thở nhưng được hồi sức thành công. Các bác sĩ test nhanh kháng nguyên phát hiện người phụ nữ dương tính với SARS-CoV-2.
18h cùng ngày, bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Tuy nhiên, bệnh nhân tiếp tục ngưng tim, ngưng thở và tử vong trước khi đến bệnh viện. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR ở Bệnh viện Nhiệt đới cũng xác định nữ bệnh nhân này mắc COVID-19.
Người chồng của nữ bệnh nhân này cũng được xác định dương tính với COVID-19, hiện được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Hữu Huy
Đi bộ 130km trong 5 ngày liên tục từ Bắc Giang về Quảng Ninh để trốn cách ly
Ngày 8/6, bà Nguyễn Như Trang, Bí thư Đảng uỷ phường Giếng Đáy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, trường hợp trốn cách ly ở Bắc Giang rồi về Quảng Ninh là anh T.V.D (SN 1991, trú tổ 1, khu 5, phường Giếng Đáy).
Theo đó, tại Bắc Giang, anh D. có quyết định cách ly tại nhà từ ngày 31/5 đến 22/6 vì tiếp xúc với F1. Tuy nhiên, ngày 2/6, anh D từ xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, Bắc Giang đi bộ theo đường tàu về đến ga Hạ Long lúc 13h30 ngày 7/6.
Trước đó, khi đi bộ đến ga Voi Xô (xã Hoà Thắng, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn), anh D có tiếp xúc 3 người trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 xã Hoà Thắng để hỏi đường về Quảng Ninh. Khi về đến nhà, gia đình anh D không cho vào và yêu cầu đến trung tâm y tế phường để trình báo.
"Sau khi nhận thông tin, lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho anh D vào hôm qua và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, sáng nay anh D đã được đưa đi cách ly tập trung 21 ngày tại Trung đoàn 244 TP Uông Bí", bà Trang nói.
(Theo Tiền Phong)
Giãn cách xã hội toàn TP.Hà Tĩnh từ 12h trưa nay (8/6)
Ngày 8/6, sau khi xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 là người đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Hà Tĩnh đã họp khẩn để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh.
TP.Hà Tĩnh giãn cách toàn xã hội từ trưa nay
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã bàn các phương án cấp bách để ngăn chặn dịch lây lan, đề nghị nhanh chóng xác định nguồn lây của ca bệnh và truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh.
Các thành viên ban chỉ đạo cũng đề nghị, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, cần thiết phải phong tỏa toàn thành phố và khoanh từng phường, để lấy mẫu xét nghiệm. Thành lập các chốt để kiểm soát, không để người từ thành phố ra khỏi địa bàn.
Cuộc họp cũng đã thảo luận các phương án về bố trí khu cách ly, lực lượng tham gia phòng, chống dịch và các phương án đảm bảo nguồn cung về hàng hóa, vật tư thiết yếu phục vụ cho người dân.
Qua tham khảo các chuyên gia Bộ Y tế, kinh nghiệm các tỉnh thành và căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn Hà Tĩnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh quyết định giãn cách xã hội TP.Hà Tĩnh theo Chỉ thị 16 bắt đầu từ 12h trưa nay (8/6).
Trước đó, sáng cùng ngày, Hà Tĩnh vừa ghi nhận 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp này là P.C.C. (SN 1964, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh), là người làm việc trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Ngành y tế cùng lực lượng chức năng đã phong tỏa tạm thời toàn bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và phường Nguyễn Du - nơi ở của trường hợp dương tính mới.
(Theo Dân Việt)
Hàng xóm nghi nhiễm COVID-19, 1 quán cơm tại quận 1 bị phong tỏa
Sáng 8/6, cơ quan chức năng vừa phong tỏa 01 quán cơm tấm trên đường Nguyễn Cư Trinh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) để phun khử khuẩn và làm công tác truy vết sau khi phát hiện có ca nghi nhiễm liên quan nhóm hội thánh truyền giáo sinh sống gần quán cơm trên.
UBND phường Nguyễn Cư Trinh cho biết lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa quán cơm tấm tại số 122 đường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP Hồ Chí Minh) do liên quan ca nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Quán ăn đã đóng cửa và không tiếp khách. Chính quyền địa phương yêu cầu những người bên trong quán hợp tác, không di chuyển ra ngoài.
Ngành y tế phường Nguyễn Cư Trinh đang tiến hành các bước khử khuẩn, vệ sinh và điều tra dịch tễ tại khu vực.
Trước đó do phát hiện BN7431 là F1 của BN6787 (hội viên Nhóm truyền giáo và đã được Bộ Y tế công bố vào sáng 07/6), cư trú tại hẻm này nên từ ngày 31/5 các lực lượng chức năng đã phong tỏa hẻm này và lấy mẫu xét nghiệm cho cư dân ở đây. Kết quả xét nghiệm lần 1 cho kết quả âm tính.
Tuy nhiên, ngày 05/6 đánh giá khu vực này có lối đi nhỏ hẹp, các hộ gia đình trước đó qua lại nói chuyện, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, do đó các lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát lần 2 cho các hộ dân liền kề nhà BN7431 và phát hiện thêm 4 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (BN8788, BN8789, BN8790 và BN8791). Tất cả các trường hợp này đều sống chung trong một hộ gia đình.
Qua điều tra truy vết đến ngày 07/6, các lực lượng chức năng xác định được khoảng 39 trường hợp F1 của 4 ca bệnh, tiến hành chuyển khu cách ly tập trung và đã lấy 243 mẫu gộp cho các trường hợp liên quan tại khu vực hẻm trên.
Cán bộ dương tính SARS-CoV-2, tạm phong toả toàn Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh
Ngày 8/6, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh này vừa ghi nhận 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới do Bệnh viện Đa khoa tỉnh xét nghiệm.
Cụ thể, trường hợp này là P.C.C. (SN 1964, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh), là người làm việc trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Trong quá trình triển khai xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ, nhân viên và bệnh nhân trong bệnh viện đã xác định 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, là ông C.
Lực lượng chức năng tạm phong toả Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh
Ngay sau khi xác định 1 ca bệnh, ngành y tế cùng lực lượng chức năng đã phong tỏa tạm thời toàn bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Cũng trong sáng nay (8/6), lực lượng chức năng thành phố Hà Tĩnh đã tiến hành thiết lập 6 chốt phong tỏa tại tổ dân phố 6, phường Bắc Hà và tổ dân 3 phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) nơi ông P.C.C sinh sống, với trên 600 hộ dân trong khu vực.
Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh hiện có 185 cán bộ, nhân viên y tế, người lao động đang trực làm việc từ đêm 7/6 cùng 483 bệnh nhân nội trú và 372 người nhà chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện.
Lực lượng chức năng đang khẩn cấp triển khai việc điều tra, truy vết các trường hợp có liên quan để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
(Theo Dân Việt)
TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đang họp khẩn vì có F1 trong khu công nghiệp Amata
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP Biên Hoà (Đồng Nai), ca F1 là chị N.T.T.D. (32 tuổi, ngụ tại phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP HCM), Trưởng bộ phận kiểm kê tại Công ty Tommbow, lô 514 đường 13 khu công nghiệp Amata, TP Biên Hòa.
Chị D. có chồng là anh H.Đ.T.V., ngụ cùng nhà tại TP Thủ Đức, TP HCM. Người chồng này có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào trưa 7-6.
Ngày 30-5, anh V. được công ty nơi anh làm việc ở TP HCM khuyến cáo ở nhà để cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Đến chiều 3-6, anh V. được công ty thông báo thuộc diện F2, cần cách ly y tế tại nhà. Đến ngày 4-6, anh này được thông báo thuộc diện F1 nên được đưa đi cách ly tập trung.
Về phía chị D. ngày 3-6, xuống nhà ở số 305/1/52 tổ 12, ấp Tân Cang, phường Phước Tân, TP Biên Hòa. Ngày 4-6, làm việc tại công ty ở khu công nghiệp Amata, đến tối về nhà tại TP Thủ Đức và làm việc tại nhà cho đến nay.
Chị D. đã được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Do tính chất công việc nên trong quá trình làm việc tại công ty, chị D. tiếp xúc với tất cả các dây chuyền làm việc tại công ty.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Duy Tân, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hoà cho biết sau khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng của thành phố đã điều tra, truy vết được 27 trường hợp F2 tiếp xúc gần với chị D.
"Cả 27 người này hiện đang được cách ly tại công ty. Đến sáng, những người này đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã xác định được hơn 850 công nhân có tiếp xúc và liên quan đến ca F1- chị D" - ông Tân thông tin.
Về công tác truy vết, TP Biên Hòa đã thông báo đến trạm y tế các xã, phường nơi các F2 sinh sống để các F2 khai báo y tế và hướng dẫn cách ly tại nhà. Trong ngày 7-6, Trung tâm Y tế TP Biên Hòa đã thực hiện phun hóa chất khử trùng toàn bộ công ty với tổng diện tích khoảng 11.000 m2; bố trí lực lượng công an, quân sự kiểm soát không cho người ra – vào công ty.
Nhận định về trường hợp F1 này, Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nói rằng chồng chị D. có nguy cơ nhiễm bệnh từ trước ngày 30-5. Do đó, nguy cơ nhiễm bệnh của chị D. rất cao.
Vì thế, mặc dù chị D. chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng các lực lượng chức năng của TP Biên Hòa cần khẩn trương triển khai các biện pháp phòng dịch như tình huống đã có ca nhiễm bệnh.
Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang tính toán để xét nghiệm F2 trong vài ngày tới. Trước mắt, những người này cần được cách ly tại nhà để theo dõi sức khỏe, lập danh sách những F3 liên quan.
(Theo Người Lao Động)
Gần 300 người liên quan đến người phụ nữ bán rau mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây
Sáng 8-6, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết bệnh nhân Covid-19, bà Đ.T. H.N. (45 tuổi; ở tổ 17, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), làm nghề bán rau tại chợ Cửa hàng mới thị trấn Đông Anh, đã nghỉ bán rau từ ngày 28-5.
Lực lượng chức năng đang tận dụng 48 giờ vàng để truy vết các trường hợp liên quan đến ca F0 chưa rõ nguồn lây - Ảnh: Ngô Nhung
Ngày 30-5, bà N. xuất hiện triệu chứng rát họng, sổ mũi và đã tự mua thuốc về nhà uống. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân chủ yếu ở nhà không đi đâu. Ngày 4-6, bệnh nhân vào khám tại bệnh viện Bắc Thăng Long, có khai báo tại cổng sau đó được chuyển sang thăm khám tại khu vực cho bệnh nhân ho sốt và chuyển lên khoa Nội tổng hợp để nhập khoa và điều trị.
Nhận định đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngay sau khi phát hiện ra ca bệnh này, TP Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng của ngành y tế và huyện Đông Anh khẩn trương vào cuộc để tận dụng triệt để 48 giờ vàng khoanh vùng truy vết, xử lý dập dịch và đặc biệt đã truy vết, xử lý đến tận các trường hợp F3.
Đã truy vết xác định được 20 F1 tại các địa bàn (Đông Anh, Đống Đa, Sóc Sơn), lấy mẫu xét nghiệm và hiện nay đã có kết quả 20/20 trường hợp này đều âm tính lần 1.
Truy vết được 74 F2 tại các địa bàn (Đông Anh, Đống Đa, Thanh Oai, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàn Kiếm, Chương Mỹ, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức). Đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm 74/74 âm tính.
Truy vết được tổng số 167 F3 và các trường hợp liên quan, kết quả xét nghiệm 167/167 âm tính.
Đã khoanh vùng khu nhà bệnh nhân sinh sống với 9 hộ gia đình và 28 người, các trường hợp này cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 1.
Tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân tại bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, thông báo rộng rãi tìm người đến các địa điểm liên quan để người dân tiếp tục khai báo và lấy mẫu xét nghiệm.
Như vậy, hiện nay ngoài bệnh nhân thì chưa phát hiện thêm ca dương tính mới có liên quan. Để đánh giá nguy cơ, nhằm không để sót các trường hợp nhiễm bệnh, Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Đông Anh và ngành Y tế tiếp tục yêu cầu người dân đã từng đến khu vực chợ Tó xã Uy Nỗ và khu vực chợ Cửa hàng mới Thị trấn Đông Anh từ ngày 16-5 đến ngày 28-5 cần khai báo y tế và liên hệ với cơ sở Y tế để được hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm.
(Theo Người Lao Động)
TP HCM: Thông tin phong tỏa tòa nhà 144 Cộng Hòa do có ca nghi nhiễm Covid-19 là sai sự thật
Tối 7-6, Trung tâm Báo chí TP phát thông tin khẩn lên tiếng về việc thông tin "phong tỏa tòa nhà 144 Cộng Hòa do có ca nghi nhiễm Covid-19" và khẳng định đó là thông tin sai sự thật.
Đại diện doanh nghiệp đang sử dụng toà nhà khẳng định toà nhà 144 Cộng Hòa vẫn đang hoạt động bình thường, không có việc "toàn bộ gần 2.000 người là F1, F2 hiện đã bỏ trốn, tản ra khắp TP, nguy cơ lan dịch hơn Bắc Giang là có thiệt rồi" như thông tin lan truyền.
Theo đó, trong quá trình truy vết các ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn, lực lượng chức năng xác định ca nghi nhiễm tại tòa nhà 144 Cộng Hòa nêu trên là F1 với bệnh nhân Covid-19 và đã tiến hành cách ly tập trung.
Quá trình di chuyển, tiếp xúc của ca nghi nhiễm tại đây như sau:
Ngày 26-5: Ca nghi nhiễm lên phỏng vấn học việc tại văn phòng công ty ở 144 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình và đã tiếp xúc với 1 nhân sự của công ty.
Ngày 27 và 28-5, ca nghi nhiễm học việc tại công ty. Trong ngày 28-5, ca nghi nhiễm được cách ly tập trung vì được xác định là F1.
Vào 17 giờ ngày 7-6, tầng 7 của Tòa nhà đã được phong tỏa để đảm bảo phòng chống dịch.
Hiện các nhân sự được xác định là có tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm đều đã được cách ly theo đúng quy trình của cơ quan y tế và toàn bộ nhân sự đang làm việc tại tòa nhà 144 Cộng Hòa đã được lấy mẫu xét nghiệm.
Đồng thời, Ban Quản lý tòa nhà đã thông báo đến nhân sự không liên quan triển khai làm việc giãn cách các bộ phận. Tòa nhà luôn tuân thủ các quy định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đề nghị người dân không chia sẻ thông tin chưa xác minh, kiểm chứng từ cơ quan có thẩm quyền. Sở sẽ phối hợp với Công an TP tiến hành xác minh làm rõ cá nhân, tổ chức tung tin thất thiệt nêu trên để xử lý nghiêm theo quy định.
(Theo Người Lao Động)