Một học sinh được phát hiện nhiễm COVID-19 ở huyện Quế Phong, Nghệ An sau khi đến trường để được thầy cô hướng dẫn học trực tuyến, từ đó 65 bạn học trở thành F1 và phải đi cách ly.
Trưa ngày 7/9, Giám đốc sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh chủ trì cuộc họp khẩn với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Quế Phong, sau khi địa phương này xuất hiện chùm ca nhiễm cộng đồng là 5 người trong cùng một gia đình, theo Tuổi Trẻ Online.
Theo điều tra dịch tễ, ca bệnh được phát hiện là người đàn ông 44 tuổi cùng vợ và 3 người con ở xóm Chợ, Tri Lễ, huyện Quế Phong.
Trường THCS bán trú Tri Lễ trở thành nơi cách ly tập trung cho các F1. Ảnh: Báo Thanh Niên.
Báo Nghệ An đưa tin, gia đình các bệnh nhân này có 1 xe khách (xe Tuấn Hưởng) chuyên chạy 2 tuyến cố định là Kỳ Sơn - Tri Lễ - Vinh và Tri Lễ - Vinh; đã thực hiện chở khá nhiều hành khách. Gia đình có cửa hàng tạp hóa, buôn bán cho nhiều người dân trong vùng, địa phương lân cận. Khu vực xóm Chợ Tri Lễ là trung tâm giao thương của 3 huyện Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn. Trong ngày 6/9, hai bệnh nhân là học sinh đã đi học tại Trường Tiểu học Tri Lễ 1.
Bước đầu, cơ quan chức năng đã truy vết được 155 trường hợp F1, trong đó có 35 trường hợp F1 nguy cơ cao và 65 F1 là học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 1. Ngay sau khi phát hiện dịch, huyện Quế Phong đã thực hiện phong tỏa, chốt chặn các lối vào khu vực xã Tri Lễ, lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp F1 và 91 hộ với 387 khẩu sống quanh khu vực gần nhà các bệnh nhân. Trường THCS bán trú Tri Lễ sau ngày khai giảng đã phải dùng làm nơi cách ly cho các F1.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo huyện Quế Phong đề nghị Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh cho phép thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg toàn bộ xã Tri Lễ và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg nâng cao khu vực xóm Chợ; hỗ trợ huyện Quế Phong nhân, vật lực phòng, chống dịch trong tình trạng số ca dương tính tiếp tục tăng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An đã biểu dương, đánh giá cao sự chủ động của huyện Quế Phong trong việc xử lý, ứng phó với tình huống dịch; đồng thời cũng nêu rõ: Nguy cơ dịch COVID-19 lây lan ở xã Tri Lễ là rất cao khi có nhiều trường hợp tiếp xúc gần, liên quan.
Để phòng chống dịch COVID-19, PGS.TS Dương Đình Chỉnh yêu cầu huyện Quế Phong tiếp tục đẩy mạnh điều tra truy vết; áp dụng ngay các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội; lấy mẫu xét nghiệm sớm và triệt để các trường hợp F1; tiến hành lấy mẫu xét nghiệm PCR cộng đồng toàn bộ khu vực xóm Chợ, lấy mẫu test nhanh ở khu vực xung quanh; tiến hành tiêu trùng, khử độc toàn bộ khu vực xóm Chợ.
(Theo Đời sống & Pháp luật)
Hà Nội: Tìm người từng đến cửa hàng rau có bà chủ dương tính SARS-CoV-2
Ngày 8/9, lãnh UBND phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận một trường hợp dương tính SARS-CoV-2 là chị N.T.L (SN 1981, trú tại phường Đại Kim) bán rau ở chợ Đại Từ.
Theo lãnh đạo phường Đại Kim, sau khi nhận được thông tin, UBND phường Đại Kim phát thông báo khẩn tìm người đến mua hàng tại ki ốt của chị L. ở chợ Đại Từ trong khoảng thời gian từ 24/8 đến 7/9.
UBND phường Đại Kim đề nghị những người từng đến địa điểm này trong khoảng thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất, Trạm Y tế phường Đại Kim hoặc Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai để được tư vấn.
Lực lượng chức năng cách ly y tế chợ Đại Từ, phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) vì có ca dương tính SARS-CoV-2
Trước đó, phường Đại Từ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả các tiểu thương ở chợ Đại Từ với mẫu test gộp 10 người.
Ngày 7/9, khi có kết quả mẫu test đối với 10 trường hợp này thì phát hiện một người trong số đó dương tính SARS-CoV-2. Đến ngày 8/9, ngành y tế sàng lọc lại 10 trường hợp này và cho kết quả chị L. dương tính SARS-CoV-2.
Ngay sau đó, UBND phường Đại Kim quyết định phong tỏa tạm thời khu vực chợ Đại Từ kể từ 21h30 ngày 7/9 cho đến khi có thông báo mới.
(Theo Dân Việt)
F0 giả mạo “bác sĩ Long” thông báo cho bệnh nhân xuất viện bị phạt tiền triệu
Ngày 8/9, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng đối với ông T. V. H (ngụ Bình Dương) về hành vi Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Cơ quan chức năng làm việc với ông T.V.H
Trước đó, ngày 5/9, ông T. V. H đang là F0 điều trị tại khu cách ly tại trường Tiểu học Hàn Thuyên (khu phố 8, phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã tạo tài khoản Zalo có tên “Bác sỹ Long” và đăng tải trên nhóm “Khu cách ly Hàn Thuyên” với nội dung: “Danh sách được về ngày 5/9. Tất cả mọi người đều về hết nha, mọi người tranh thủ thu sếp đồ đạt gọn gàng ngày mai 8h30 xuống dưới tầng trệt nha”.
Thông tin ông T. V. H đăng tải nêu trên đã gây hoang mang, lo lắng cho các F0 đang điều trị tại đây.
Qua làm việc với cơ quan chức năng, ông T. V. H đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình và cam kết không tái phạm.
(Theo Dân Việt)
11 tỉnh, thành hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm, tiêm chủng toàn dân
Ngày 8/9, UBND TP.Hà Nội ban hành kế hoạch xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc xin phòng, chống COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố.
Theo đó, mục đích của kế hoạch này nhằm tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa thời gian “vàng” trong thời gian giãn cách xã hội. Thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho người dân một cách an toàn, hiệu quả nhằm phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế, kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch và chăm sóc, điều trị phù hợp.
Hà Nội tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trước ngày 15/9
Tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đến ngày 15/9 trên cơ sở số vắc xin được Bộ Y tế phân bổ và giao. Yêu cầu của kế hoạch là đến ngày 15 tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần), xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.
Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và theo hướng dẫn tại Công điện số 1305 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.
Thành phố cũng hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên. Áp dụng xét nghiệm PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Trường hợp xét nghiệm PCR mẫu gộp, phải trả kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ.
11 tỉnh, thành phố sẽ tham gia hỗ trợ thành phố trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng gồm 7 tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên và 4 tỉnh, thành phố Hà Nội đề nghị hỗ trợ là Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Về phạm vi thực hiện cụ thể, Vùng 1 (15 quận, huyện) gồm Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai. Việc lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng do các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện.
Vùng 2 (5 quận, huyện) gồm Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Khu vực này sẽ do đơn vị hỗ trợ từ tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.
Vùng 3 (10 huyện, thị xã) gồm Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên sẽ do đơn vị hỗ trợ từ tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng phụ trách.
Thời gian triển khai xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch COVID-19 là từ nay đến ngày 15/9. Ngân sách thành phố sẽ bảo đảm kinh phí cho công tác xét nghiệm, công tác vận chuyển và bảo quản vắc xin.
(Theo Dân Việt)
Lâm Đồng: Mở lại dịch vụ hớt tóc, du lịch, ăn uống, thể dục - thể thao
Chiều 8-9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản về việc cho phép một số hoạt động, dịch vụ gắn với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.
Cụ thể: kể từ 17 giờ ngày 8-9, cho phép hoạt động trở lại một số hoạt động, dịch vụ: Các hoạt động tập luyện thể dục - thể thao (riêng thể dục thể thao trong nhà chỉ áp dụng tối đa 50% số người so với ngày thường).
Các dịch vụ hớt tóc và làm đẹp áp dụng 1 nhân viên + 1 khách và chỉ phục vụ cùng lúc 50% công suất so với ngày thường (đối với cơ sở có từ 2 giường, ghế hoạt động trở lên; các quán ăn uống (kể cả quán ăn uống vỉa hè) phục vụ cùng lúc không quá 50% số người so với ngày thường (chỉ được bố trí tối đa 50% số bàn ghế).
Siêu thị, chợ tuân thủ khoảng cách 2m giữa người và người, phục vụ khách cùng lúc không quá 50% số người so với ngày thường; du lịch nội tỉnh (các điểm tham quan du lịch; cơ sở lưu trú du lịch từ 2 sao trở lên, không quá 2 người/phòng, công suất không quá 50%).
Cán bộ, công chức, viên chức đi làm bình thường tại cơ quan nhưng tiếp tục hạn chế tiếp xúc trong nội bộ cơ quan nếu không thực sự cần thiết; các cơ quan nhà nước được phép đi công tác ở cơ sở nhưng đảm bảo thành phần gọn (mỗi đoàn không quá 4 người; các đoàn công tác đặc thù theo tính chất công việc phải báo cáo xin ý kiến lãnh đạo UBND tỉnh).
Cho phép tiếp khách đến liên hệ công tác, làm việc tại phòng riêng biệt (khách đến làm việc phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực).
Tạm ngưng thực hiện các Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trong phạm vi nội tỉnh (trừ các chốt phục vụ cách ly địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chốt tại huyện Đạ Tẻh giáp ranh huyện Đạ Huoai); tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra, vào tỉnh.
Tạm ngưng thực hiện các Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trong phạm vi nội tỉnh.
Tính đến nay, tỉnh Lâm Đồng cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19, chưa có ca dương tính trong cộng đồng; nguy cơ dịch bệnh chủ yếu xâm nhập địa bàn tỉnh từ các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa và công dân tỉnh Lâm Đồng trở về từ các địa phương có dịch.
(Theo Người lao động)
Phong tỏa cụm 1.000 cư dân liên quan 4 người trong một gia đình mắc Covid-19
Một lãnh đạo phường Phúc Xá (quận Ba Đình) ngày 8-9 cho biết 4 trường hợp mới phát hiện là F2 trước đó đã cách ly, được lấy xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Khu dân cư được phong tỏa với gần 1.000 người dân.
"Đêm qua, CDC Hà Nội và y tế quận đã cho lấy mẫu cho cư dân sống quanh nhà của 4 người này được khoảng 223 mẫu gộp và 8 mẫu lẻ. Trong ngày hôm nay, nhân viên y tế đã lấy hơn 500 mẫu xét nghiệm Covid-19 và đang hướng mở rộng thêm các khu vực xung quanh"- vị lãnh đạo phường Phúc Xá cho hay.
Lực lượng chức năng lập hàng rào phong tỏa khu vực sinh sống của ca dương tính SARS-CoV-2
Sở Y tế Hà Nội trước đó công bố 4 ca mắc Covid-19 mới, là những người trong cùng một gia đình ở phường Phúc Xá. Đây là những trường hợp được phát hiện tại khu cách ly, thuộc chùm F1 của các trường hợp ho, sốt ở cộng đồng.
Một nhân viên y tế tại đây cho biết: "Gia đình này đã được cách ly từ hôm 30-8, hi vọng rằng không ghi nhận thêm ca dương tính nào nữa".
Hiện tại, lực lượng chức năng đã lập hàng rào một đoạn ngõ 71 phố Tân Ấp và và ngõ 12 phố Nghĩa Dũng (phường Phúc Xá), đồng thời các nhân viên y tế khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân sinh sống trong khu vực có gia đình cả 4 thành viên dương tính SARS-CoV-2.
Cũng trong ngày 9-0, xe cứu thương đã tới ngõ 71 và ngõ 12 phố Nghĩa Dũng để đưa các trường hợp F1 đi cách ly.
(Theo Người Lao Động)
Bà Rịa - Vũng Tàu: 4 huyện áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15
Chiều 8-9, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã họp thống nhất, tiếp tục áp dụng biện pháp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ và huyện Long Điền trong thời gian 14 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 9-9.
Các địa phương này phải đảm bảo nguyên tắc giãn cách xã hội "ai ở đâu ở đó", người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết (theo quy định); kiểm soát chặt chẽ người từ ngoài tỉnh vào, đặc biệt là những người đi khám chữa bệnh, tài xế và phụ xe từ các vùng đang áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16.
Áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với các khu vực phong toả. Quản lý, kiểm soát chặt "trong - ngoài"; Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà, chỉ duy trì số lực lượng thường trực giải quyết công việc thường xuyên liên quan, trừ trường hợp làm công tác phòng chống dịch và viên chức giáo dục đào tạo các cấp học.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 đối với 4 địa phương
Tiếp tục tạm dừng hoạt động các cảng cá, đánh bắt thủy hải sản, chỉ cho phép tàu cá của ngư dân vào cập cảng và bốc dỡ hải sản, nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch; tạm dừng các chợ truyền thống tại các xã, phường, thị trấn.
Thực hiện cung cấp lương thực, thực phẩm đối với khu vực phong toả; đi chợ thay cho người dân đối với khu vực "cam", "vàng" và "xanh".
Các doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng các quy định và "3 tại chỗ", "2 điểm đến 1 cung đường" theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn".
Quản lý chặt chẽ người bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ trong các khu dân cư; người ở trọ, nhà trọ, nhà cho thuê; các đối tượng nghiện ma tuý; người lang thang, tâm thần.
Xét nghiệm tầm soát và sàng lọc toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn, quy định hiện hành.
Đối với các địa phương còn lại gồm Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ và Côn Đảo sẽ áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chị thị 15 và thực hiện các giải pháp bắt buộc tương ứng với mức độ "nguy cơ cao"
Cụ thể, đối với 4 huyện vùng xanh này sẽ chia thành 3 giai đoạn. Từ ngày 9-9 đến 14-9 sẽ tập trung thực hiện lấy mẫu sàng lọc theo quy định cho nhân dân.
Giai đoạn 2 từ ngày 15-9 đến ngày 30-10 sẽ mở cửa bước đầu một số loại hình hoạt động kinh tế và theo từng cấp độ.
Giai đoạn 3 từ ngày 1-11, căn cứ tình hình kiểm soát dịch bệnh và số lượng vắc-xin được phân bổ tiêm cho 70% dân (2 mũi tiêm) sẽ mở rộng hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế - xã hội.
(Theo Người Lao Động)
Nhân viên truyền hình cáp đi thu cước nhiễm COVID-19, 400 khách hàng tiếp xúc gần
Ngày 8/9, UBND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu cơ quan chuyên môn phối hợp với các phường có liên quan tiếp tục rà soát, theo dõi sức khoẻ cho hàng trăm trường hợp là khách hàng có liên quan đến ca dương tính với SARS-CoV-2 là ông D.X.D., nhân viên thu tiền cước truyền hình của Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigon Tourist (SCTV) chi nhánh Vũng Tàu.
Ngày 2/9, kết quả test nhanh ông D.X.D dương tính với SARS-CoV-2, nguồn lây được xác định từ ca F0, là mẹ của ông D. Tuy nhiên, khi lấy mẫu để làm xét nghiệm bằng RT-PCR thì lại cho kết quả âm tính và ông D. được cách ly để theo dõi sức khoẻ.
Đến tối ngày 6/9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trả kết quả xét nghiệm RT-PCR, xác định ông D. dương tính SARS-CoV-2. Theo truy vết, tính từ thời điểm ngày 2/9 đến 6/9, ông D. chỉ tiếp xúc gần với 3 người. Tuy nhiên từ ngày 27/8 đến ngày 31/8, ông D. đã tới gặp hơn 400 khách hàng tại phường 2 và phường 8, TP Vũng Tàu để nhận tiền cước và thanh toán công nợ.
TP Vũng Tàu đề nghị các phường, trường hợp tiếp xúc với ông D. cần quản lý chặt chẽ, yêu cầu “ai ở đâu, ở đấy”, thực hiện nghiêm 5K trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm và thông báo mới.
Liên quan tới việc này, tại buổi làm việc với cơ quan chức năng TP Vũng Tàu, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist chi nhánh tại Vũng Tàu cho biết, đây là sự việc rất đáng tiếc. Trước khi gửi hóa đơn, chứng từ có liên quan cho khách hàng, nhân viên thu cước đã phun xịt khử khuẩn.
Tuy nhiên, việc nhân viên công ty đi thu cước trực tiếp là đúng quy định của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo công văn 1444 ngày 24/8 và công văn hỏa tốc 1479 mà Sở Thông tin Truyền thông tỉnh này đã ký ngày 30/8. Theo đó, cả 2 công văn trên, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều không cấm nhân viên thu tiền trực tiếp tại nhà khách hàng.
Cụ thể, văn bản 1444 đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp truyền hình cáp linh hoạt thanh toán cước dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp của người dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Lý do là Sở Thông tin Truyền thông nhận được phản ánh của người dân sử dụng dịch vụ viễn thông hoặc truyền hình cáp trong khu vực cách ly, phong toả chưa kịp thanh toán cước dịch vụ nên bị ngưng cung cấp dịch vụ. Do vậy, sở này đề nghị các doanh nghiệp linh hoạt trong việc thu cước dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp của người dân bằng hình thức trực tiếp, gián tiếp hoặc hình thức khác cho phù hợp, hạn chế ngừng cung cấp dịch vụ vì lý do người dân chưa kịp thời thanh toán cước phí.
Còn tại công văn khẩn 1479 ký ngày 30/8 có nội dung, đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho nhân viên, đội ngũ kỹ sư của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp (có danh sách) được phép di chuyển, ra vào tại các khu vực cách ly, cơ sở cách ly, khu vực phong toả, khu vực vùng xanh, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, các chốt kiểm soát chống dịch để cung cấp, thanh toán cước dịch vụ, khắc phục sự cố hạ tầng mạng lưới bưu chính viễn thông, truyền hình cáp nhằm bảo đảm thông tin, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp không bị gián đoạn.
Đến ngày 2/9, anh D.X.D có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 thì ngày 3/9, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mới có văn bản khẩn yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, truyền hình cáp thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động sản xuất, xử lý thông tin nhằm đảm bảo thông tin liên lạc.
Đối với thanh toán cước dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp của người dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, Sở Thông tin Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp linh hoạt trong việc thu cước dịch vụ của người dân bằng hình thức trực tuyến, gia hạn hoặc chậm thu; hạn chế việc ngưng cung cấp dịch vụ vì lý do chưa kịp thời thanh toán cước theo quy định.
Người dân Vũng Tàu bức xúc, dù đang trong thời điểm giãn cách xã hội, trong khi các dịch vụ như điện, nước đều yêu cầu thanh toán online, không cho nhân viên trực tiếp thu tiền thì dịch vụ mạng SCTV vẫn để nhân viên đi thu tiền cước trực tiếp và tiếp xúc với hàng trăm người.
Phong toả tạm thời khu vực chợ Đại Từ với 1.200 dân
Sáng 8-9, thông tin từ UBND phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, 21 giờ ngày 7-9, UBND phường nhận được thông tin có ca nghi mắc Covid-19 là tiểu thương chợ Đại Từ (sau khi xét nghiệm sàng lọc Covid-19).
Ngay lập tức, UBND phường đã ban hành thông báo về việc tạm thời phong tỏa toàn bộ khu vực chợ Đại Từ, phường Đại Kim. Thời gian phong tỏa từ 21 giờ 30 ngày 7-9 cho đến khi có thông báo mới.
Theo Chủ tịch UBND phường Đại Kim - Bùi Thị Kim Khuê, trong thời gian giãn cách xã hội, chợ Đại Từ có 190 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Khi phát phiếu đi chợ, phường đã thông báo là người dân có thể đi chợ Đại Từ và các siêu thị, nên trong thời gian tạm thời phong tỏa chợ, người dân trên địa bàn phường có thể đi mua hàng ở các siêu thị gần nhà.
Tại khu vực phong toả, lực lượng chức năng kiểm soát chặt người dân ra vào
"Cùng với việc phong tỏa chợ Đại Từ, UBND phường Đại Kim cũng đã tạm thời phong tỏa các khu dân cư liền kề, bao gồm 1.200 hộ dân thuộc 5 tổ dân phố 5, 6, 9, 10, 11"- bà Bùi Thị Kim Khuê thông tin.
Sau khi có thông báo của UBND phường Đại Kim, lực lượng chức năng đã lập nhiều chốt hàng rào tạm thời phong toả từ đầu đường Đại Từ. Tất cả những người bên trong được thông báo "ai ở nhà đấy", không được ra ngoài cho đến khi có thông báo mới.
Tại điểm chốt phong toả, rất đông người dân có mặt để tiếp tế lương thực và sau khi quay ra đều phải được phun khử khuẩn nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng.
(Theo Người lao động)
Nhái xe cứu thương để chở thuê khiến 4 người nhiễm SARS-CoV-2
Tối 7/9, thượng tá Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng Công an TP Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy ngày 21/8, Dương Quang Nhật (32 tuổi, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) thuê xe có gắn thiết bị tín hiệu đèn còi cứu thương của ông N.Q.Đ. (phường 9, TP Tuy Hòa) để chở bệnh nhân từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Đến ngày 22/8, Nhật điều khiển ôtô nêu trên đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đón khách chở về thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Ngày 25/8, Nhật mua kít test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 mang đến Trạm Y tế phường 5, TP Tuy Hòa để nhờ xét nghiệm với kết quả âm tính, nên tiếp tục thuê xe chở một người dân ở phường 7, TP Tuy Hòa vào Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.
Chiếc xe có liên quan đến vụ án.
Trong hành trình, Nhật còn đón thêm hai người khách ở thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) vào Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Đến sáng 26/8, Nhật đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 chở 4 người dân về xã Hòa Xuân Nam và phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa (Phú Yên).
Sau hai lần đi từ vùng dịch ở TP.HCM về Phú Yên, Dương Quang Nhật không khai báo y tế mà đã tiếp xúc nhiều người. Ngày 29/8, nam thanh niên này có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Điều đáng nói là khi tiếp xúc với nhiều người, Nhật đã làm lây lan dịch bệnh 4 người khác là cha ruột, chị dâu, bạn gái và người khách ở TP Tuy Hòa.
Ôtô có gắn thiết bị tín hiệu đèn còi cứu thương của ông N.Q.Đ. chưa có giấy phép hoạt động cứu thương nhưng lại cho thuê hoạt động như xe cứu thương. Đây là vụ Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người đầu tiên ở Phú Yên đã được khởi tố để điều tra và xử lý hình sự.
(Theo Công An Nhân Dân)
TP HCM: Vùng xanh thí điểm mở dịch vụ bán thức ăn mang về
Tối 7-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay TP vừa ghi nhận thêm 7.310 ca nhiễm mới. Tính từ 17g ngày 6-9 đến 17g ngày 7-9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.310 trường hợp nhiễm mới tại TP HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP HCM đã có tổng cộng 265.846 trường hợp mắc Covid-19 được công bố.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch được xuất viện từ các Trung tâm Hồi sức Covid-19 Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Theo HCDC, trong ngày 7-9, UBND TP đã ban hành văn bản khẩn đồng ý gia hạn việc tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 và miễn phí cho lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) trên địa bàn toàn TP đến hết ngày 15-9. Theo đó, quản lý các ứng dụng giao hàng đã nhanh chóng cập nhật thông tin này cho lực lượng shipper để yên tâm tham gia hoạt động, vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian giãn cách.
Từ nay đến 15-9, TP HCM vẫn tiếp tục tăng cường giãn cách xã hội như đang thực hiện nhưng có sự điều chỉnh. Cụ thể, hình thành 2 điểm trung chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm là chợ Bình Điền và Hóc Môn để đưa đến các điểm siêu thị trong thành phố. Hệ thống siêu thị, các chuỗi cung ứng sẽ được mở rộng tới vùng xã. Bên cạnh đó, người dân vùng xanh sẽ được đi chợ 1 lần/tuần, khuyến khích những người đã tiêm vắc-xin đi chợ.
Đồng thời, từ đây đến 15-9, vùng xanh sẽ thí điểm mở dịch vụ bán thức ăn mang về; shipper đi chợ vùng đỏ. Sau 15-9, giả định TP HCM kiểm soát được dịch, những ngành nghề an toàn sẽ được mở dần trở lại.
TP HCM sẽ nới lỏng hay thắt chặt giãn cách sau ngày 15-9 tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và dựa trên nguyên tắc an toàn dịch bệnh, an toàn tới đâu mở tới đó. Trong đó, sự chung sức và đồng lòng của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch là một trong những yếu tố cần thiết.
"Người dân hãy chủ động theo dõi thông tin tổ chức tiêm chủng trên địa bàn quận, huyện, phường, xã và đồng ý tiêm ngay khi đến lượt. Tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K, "ai ở đâu thì ở đó", tuân thủ nghiêm quy định cách ly tại nhà, dùng thuốc đúng cách và tham gia xét nghiệm tầm soát Covid-19.", HCDC kêu gọi.
(Theo Người Lao Động)
Công an TPHCM phát hiện 63 F0 'lang thang', xử phạt người ra đường 17 tỷ đồng
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, qua công tác giám sát tại các chốt kiểm soát dịch trên toàn địa bàn thành phố, lực lượng chức năng đã phát hiện 63 F0 lưu thông trên các tuyến đường.
Cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý các trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.
Qua xác minh trên cơ sở đối chiếu với hệ thống dữ liệu quản lý ca bệnh, cơ quan chức năng xác định, trong số F0 trên có 10 người đã được điều trị khỏi bệnh, 17 người thuộc diện đang cách ly tập trung và số còn lại thuộc diện đang cách ly tại nhà.
Để khắc phục tình trạng F0 vi phạm thực hiện giãn cách xã hội, sáng nay, công an TPHCM đã tập huấn và cung cấp trang thiết bị gồm đầu quét camera và sim 4G cho 22 đơn vị quận, huyện và TP. Thủ Đức, phấn đấu trong hôm nay hoàn thành lắp đặt 100 đầu quét kiểm tra QR code tại 22 quận huyện
Hiện thành phố đang trong thời gian giãn cách xã hội theo quy định “ai ở đâu ở yên đó”, các giải pháp về an sinh đã có lực lượng hỗ trợ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn rất nhiều người dân cố tình ra đường.
Thống kê của Công an Thành phố từ ngày 23/8 đến 6/9/2021 tại 914 chốt, kiểm soát đã kiểm tra 2.141.502 phương tiện với 564.983 ô tô, 1.081.281 mô tô, 487.918 xe tải với 938.614 lượt người lưu thông. Trong số này có 938.192 người Việt Nam và 422 người nước ngoài.
Công an Thành phố đã lập biên bản xử lý đối với 11.176 trường hợp vi phạm và đề xuất xử phạt với số tiền hơn 17 tỷ đồng. Các trường hợp bị xử phạt chủ yếu do lỗi ra đường không chính đáng với 11.077 trường hợp, chiếm tỉ lệ 99,11%.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra mã QR code khai báo y tế ở chốt chặn, thống kê đến ngày 6/9, công an TPHCM phát hiện có 19 trường hợp thuộc diện được cấp giấy đi đường còn lại những trường hợp khác đi khám chữa bệnh, tiêm ngừa, shipper không thuộc diện được cấp giấy. Công an TPHCM đã thu hồi 9 giấy đi đường, đưa vào danh sách cảnh báo hai trường hợp.
(Theo Tiền Phong)
Covid-19: Anh tuyên bố đạt “thành tích phi thường” trong chiến dịch tiêm chủng
Trong tuyên bố ngày 7.9, Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh nói chiến dịch tiêm chủng thành công đã giúp Anh giữ cho tỉ lệ người bệnh nhập viện ở mức thấp, dù số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trong mùa hè.
Bộ Y tế Anh ước tính vaccine Covid-19 đã giúp cứu sống hơn 105.000 người, đảm bảo rằng 143.600 người khác không cần phải điều trị y tế.
Anh hiện đang thúc đẩy tiêm vaccine Covid-19 cho lứa tuổi 16 và 17.
Tính đến ngày 7.9, hơn 80% người Anh trên 16 tuổi đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine.
Sajid Javid, Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh, ca ngợi đây là thành tựu phi thường”, cho phép quốc gia xây dựng “bức tường phòng thủ” để người dân “chung sống an toàn với virus”.
Thông qua các trang mạng xã hội, chính phủ Anh đã mở chiến dịch mới thúc đẩy các thiếu niên ở độ tuổi 16 và 17 tiêm chủng đầy đủ, để nhóm tuổi này “không bỏ lỡ các kế hoạch”.
“Kêu gọi người dân Anh tiêm vaccine để bảo vệ mạng sống”, Bộ trưởng Vaccine Nadhim Zahawi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “người dân không nên chậm trễ trong việc tiêm chủng”.
Bất chấp sự phản đối từ một bộ phận người dân, ông Zahawi đã công bố kế hoạch sử dụng hộ chiếu vaccine tại một số địa điểm ở Anh kể từ cuối tháng 9 này.
Chính phủ Anh đã bác bỏ tin đồn về việc lên kế hoạch tái phong tỏa trong tháng 10 nếu số ca bệnh cần nhập viện có xu hướng tăng.
(Theo Dân Việt)
Nguyên nhân TP.HCM có nhiều trẻ nhỏ mắc COVID-19
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tính đến nay, số lượng trẻ dưới 16 tuổi mắc COVID-19 được ghi nhận là 3.052 trường hợp. Riêng ngày 23/8, khi thành phố bắt đầu xét nghiệm diện rộng, 809 F0 là trẻ nhỏ đã được ghi nhận.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), phần lớn trẻ em trong số đó không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp trẻ béo phì hoặc mắc bệnh lý nguy hiểm, COVID-19 có thể khiến tình trạng trẻ diễn tiến nặng nhanh chóng.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết trẻ em thường là nhóm không có triệu chứng, biểu hiện nhẹ khi nhiễm SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, trẻ vẫn có nguy cơ diễn biến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu rơi vào nhóm có bệnh lý nền.
Một bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 6 để điều trị COVID-19. Ảnh: Duy Hiệu.
Bác sĩ Tiến cho biết tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã ghi nhận một số bệnh nhi nhỏ tuổi mắc COVID-19 diễn biến nặng. Các bé có tình trạng nặng thường mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, phổi mạn tính, tiểu đường, mạch vành, thiếu hụt miễn dịch như HIV...
Ngoài ra, bệnh lý thiếu kháng thể, hội chứng Down, bệnh lý thần kinh, huyết học, thiếu máu não, ghép tạng, ung thư, bệnh viêm hệ thống..., thường có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19 ở trẻ.
"Trẻ béo phì, thừa cân là nhóm có nguy cơ chuyển nặng nhiều nhất và chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm trẻ mắc COVID-19. Do đó, các trường hợp trẻ nhỏ cần nhập viện khi mắc COVID-19 là bé dưới 12 tháng, trẻ có bệnh lý nền, cơ địa thừa cân hoặc có bệnh lý cấp tính đồng thời", bác sĩ Tiến cho biết.
Đặc biệt, bác sĩ Tiến cảnh báo nhóm trẻ mắc COVID-19 đơn thuần nhưng có dấu hiệu khó thở, thở nhanh cần được nhập viện do nguy cơ chuyển nặng. Hai trường hợp tử vong mới đây là trẻ có bệnh nền ung thư đang phải hóa trị định kỳ, bé còn lại mắc bệnh thiếu máu tan máu miễn dịch.
(Theo Tiền Phong)
Phan Thiết nới lỏng giãn cách xã hội, người dân vẫn không được ra đường sau 20h
Từ 0h ngày 8/9, UBND tỉnh Bình Thuận cho phép TP.Phan Thiết nới lỏng giãn cách xã hội, từ thực hiện Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị số 15. Theo đó, qua công tác tổ chức xét nghiệm sàng lọc, TP.Phan Thiết đã cơ bản bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, dịch COVID-19 bước đầu đã được khống chế.
Do đó, TP.Phan Thiết tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 10 người trong 1 phòng, trừ các cuộc họp phòng chống dịch COVID-19; không tụ tập từ 5 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí…
Yêu cầu người dân, công chức, viên chức, người lao động hạn chế ra ngoài, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như thực thi công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy… và các trường hợp khẩn cấp khác.
Các cơ quan, công sở, các công ty, doanh nghiệp xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca. Các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh bố trí không quá 50% số lượng cán bộ, công chức, viên chức (trừ các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch thì duy trì 100% nhân lực làm việc).
Người dân không đi ra khỏi nhà từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các trường hợp thi hành công vụ và trường hợp đặc biệt khác do địa phương quy định. TP.Phan Thiết tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại ngõ vào thành phố; quản lý chặt chẽ tất cả người, phương tiện ra vào thành phố.
Tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn Phan Thiết không đón khách đến từ các tỉnh, thành đang có dịch COVID-19 theo danh sách cập nhật hàng ngày của Sở Y tế (trừ các cơ sở được sử dụng làm khu cách ly tập trung). Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không được phục vụ tại chỗ, chỉ được bán mang về.
Đối với hoạt động của các chợ truyền thống, nếu các chợ không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì tạm dừng ngay hoạt động, khi tổ chức được phương án hoạt động an toàn phòng, chống dịch thì mới cho hoạt động trở lại; tiếp tục duy trì hoạt động chợ dã chiến để đảm bảo việc tiêu thụ, cung ứng hàng hóa cho nhân dân; phát phiếu đi chợ 3 ngày/lần và người dân ở phường nào chỉ đi chợ phường đó; tổ chức các điểm, đầu mối giao nhận hàng, không để người đến từ vùng dịch giao hàng tiếp xúc trực tiếp khu vực chợ không đảm bảo an toàn.
Tỉnh Bình Thuận đã triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại địa bàn TP.Phan Thiết từ ngày 2/8 đến 7/9 để phòng chống dịch. Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có thị xã La Gi thuộc “vùng đỏ” và đang áp dụng Chỉ thị số 16; 9 huyện, thành phố còn lại áp dụng Chỉ thị số 15, gồm 3 huyện, thành phố thuộc “vùng cam”, 4 huyện thuộc “vùng vàng” và 2 huyện thuộc “vùng xanh”. Bình Thuận hiện có 93 xã, phường, thị trấn là “vùng xanh”.