Nam công nhân của Tập đoàn Thủy sản ở Cà Mau dương tính với virus SARS-CoV-2, có 82 trường hợp F1, F2 đang cách ly.
Nam công nhân dương tính SARS-CoV-2, tiếp xúc với nhiều người tại công ty
Sáng 7/9, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh này vừa có báo cáo nhanh về trường hợp dương tính SARS-CoV-2 sàng lọc tại 1 Tập đoàn Thủy sản.
Bệnh nhân tên L.M.H. (SN 1994, ngụ xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Người này đang tạm trú tại nhà trọ G.T., phường 8, TP Cà Mau).
Nam công nhân của 1 Tập đoàn Thủy sản ở Cà Mau, dương tính với virus SARS-CoV-2. (Ảnh minh họa)
Anh H. có kết quả xét nghiệm RT-PCR vào lúc 22h40 ngày 6/9/2021 khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2.
Qua điều tra dịch tễ cho thấy, anh H. làm công nhân tại Tập đoàn Thủy sản (có địa chỉ ở TP Cà Mau). Buổi sáng anh đến Tập đoàn Thủy sản này làm việc, buổi trưa nghỉ tại phòng số 1, nhà trọ G.T.
Từ ngày 21-23/8/2021, anh đi làm tại Tập đoàn Thủy sản.
Từ ngày 24/8 - 6/9/2021, anh H. ở nhà cha vợ tại ấp 1/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Tại đây anh tiếp xúc 5 người.
Hơn 10h ngày 6/9, anh H. đến Tập đoàn Thủy sản. Từ khoảng 13 -14h anh chờ test nhanh COVID-19 tại Tập đoàn Thủy sản. Sau 14h cùng ngày, anh H. chạy xe về nhà ở huyện Trần Văn Thời, gần đến cầu Khánh An thì được gọi làm test lần 2.
Khoảng 15h30 anh đến Tập đoàn Thủy sản làm test lần 2. Đến khoảng 18h20 ngày 6/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nhận được thông tin từ Tập đoàn Thủy sản có ca test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay sau đó, anh H. được chuyển về Bệnh viện Dã chiến số 2 cách ly điều trị.
Hiện tại, đã truy vết được 52 trường hợp F1 và đã chuyển cách ly tập trung (đang tiếp tục truy vết) và 30 trường hợp F2 được cách ly tại nhà (đang tiếp tục truy vết). Đồng thời đang truy vết F3, F4.
(Theo Báo Giao Thông)
Hà Nội cho phép người dân dùng giấy đi đường cũ, kết hợp cấp mới
Sử dụng giấy đi đường cũ, kết hợp cấp mới
Ngày 7/9, thông tin về tình hình những ngày đầu tổ chức phân vùng phòng, chống dịch COVID-19, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, để việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở Vùng 1, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.
Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một; chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16.
Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.
Các địa phương toàn thành phố chỉ đạo tổ chức kiểm tra từ ngõ, phố, kết hợp với lực lượng nhân dân, tuần tra kiểm soát của các tổ lưu động, tăng cường hậu kiểm để hạn chế lượng người ra đường. Đồng thời, lập các tổ liên ngành kiểm tra phương án an toàn tại tổ chức, doanh nghiệp.
Những sai phạm cần được công khai để phê bình, nhắc nhở đi kèm với chế tài nghiêm khắc.
Ông Dũng khẳng định, việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới, để kiểm soát, tầm soát y tế: Vừa bảo đảm tiếp tục thực hiện triệt để biện pháp giãn cách xã hội ở "vùng đỏ", vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, chăm lo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội ở "vùng cam" và "vùng xanh".
Sau 3 đợt giãn cách xã hội toàn thành phố, Hà Nội đã khống chế không để dịch bùng phát mạnh, lây lan rộng.
Để giữ vững thành quả này, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Trong khi tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp do nguồn cung đang rất khó khăn, chưa thể đạt miễn dịch cộng đồng, thì thực hiện triệt để giãn cách xã hội ở Vùng 1 - nơi nguy cơ cao nhất là biện pháp tốt nhất hiện nay để không cho dịch vượt tầm kiểm soát.
Nâng công suất xét nghiệm, phủ rộng vaccine trước 9/9
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh ngành y tế Thủ đô duy trì công suất xét nghiệm 200.000 mẫu/ngày, cần thiết nâng lên 280.000 mẫu/ngày như đã chuẩn bị và quyết tâm đến ngày 15/9, người dân ở các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao được hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần).
Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác sẽ hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần);
Đồng thời xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện họ, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.
Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Trên cơ sở tầm soát y tế toàn dân, ngành Y tế chủ trì phối hợp với chính quyền từng địa phương đánh giá mức độ nguy cơ và tham mưu, đề xuất quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn để tổ chức đời sống, sản xuất, kinh doanh... Tinh thần là an toàn đến đâu, mở ra đến đấy.
Hà Nội đã kiến nghị Bộ Y tế bổ sung phân bổ vaccine để đến ngày 15/9, thành phố đạt tỷ lệ đối tượng trong độ tuổi được tiêm chủng cao.
Đồng thời, Hà Nội chủ động chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm vaccine, bảo đảm công suất 200.000 mũi tiêm/ngày, hiện mới sử dụng công suất 150.000 mũi tiêm/ngày.
Đến nay, toàn thành phố đã được Bộ Y tế quyết định phân bổ hơn 3,3 triệu liều; thực tế, số vaccine về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội là hơn 3,1 triệu liều.
Tính đến 12h ngày 7/9/2021, toàn thành phố đã tiêm được hơn 2,5 triệu liều (đạt 80,7% số lượng đã tiếp nhận); dự kiến đến ngày 9/9 tới, sẽ hoàn thành 100% lượng vaccine đã được phân bổ.
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, về đối tượng tiêm vaccine, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tiếp tục ưu tiên cho tiêm trước đối với người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người vận chuyển hàng (shipper), người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian quy định cần tiêm mũi 2 để bảo đảm hiệu quả của vaccine, người nước ngoài sống và làm việc trên địa bàn...
Với phương châm vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế rà soát, kiểm tra, bảo đảm năng lực tiêm vaccine trên toàn thành phố, sẵn sàng tổ chức tiêm cả buổi tối khi được phân bổ lượng vaccine lớn từ nay đến ngày 15/9.
Chuẩn bị sẵn kịch bản nâng cao thêm công suất tiêm để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm trong quý IV/2021, khi lượng lớn vaccine có thể được phân bổ.
(Theo Gia đình và Xã hội)
TP.HCM tiếp tục giãn cách nghiêm, shipper được xét nghiệm nhanh miễn phí
Sau 14 ngày giãn cách nghiêm ngặt (từ 23/8 – 6/9) theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, số ca nhiễm vẫn còn cao và số người tử vong theo ngày giảm chậm.
Đến nay, TP.Hồ Chí Minh áp dụng biện pháp cách ly người mắc Covid-19 tại nhà và chỉ những người hợp mắc bệnh nằm trong nhóm dễ bị tổn thương như người già, bệnh nền… hoặc những trường hợp chuyển nặng sẽ được cấp cứu, đưa đi điều trị tại các cơ sở điều trị tập trung.
Do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, TP.Hồ Chí Minh quyết định sẽ tiếp tục giãn cách nghiêm ngặt đến ngày 15/9, sau đó căn cứ vào tình hình cụ thể mới tính đến các phương án tiếp theo.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, thành phố này sẽ tiếp tục giãn cách nghiêm như 15 ngày vừa qua, nhưng nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch tại các "vùng xanh", trong đó mở dần hệ thống siêu thị, đồng thời cho phép siêu thị, các cửa hàng tiện ích được hoạt động đến 21h hằng ngày.
Ngoài ra, người dân sống trong "vùng xanh" có thể được đi chợ 1 lần/tuần và ưu tiên những người đi chợ là người đã được tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19.
Các vùng có nguy cơ khác vẫn áp dụng phương thức đi chợ hộ hoặc shipper sẽ giao hàng đến cho người dân, thực hiện nghiêm chủ trương ai ở đâu ở đó.
Tuy nhiên, sáng nay (7/9), các shipper bức xúc vì nhiều điểm xét nghiệm miễn phí cho shipper trước đó đã đóng cửa hoặc từ chối xét nghiệm miễn phí, khiến không ít người không thể mở app nhận đơn hàng giao cho người dân do không có giấy xét nghiệm dương tính.
Để giải quyết vấn đề này, sở Công thương TP.Hồ Chí Minh có Công văn gửi UBND TP.Hồ Chí Minh đề xuất tiếp tục xét nghiệm nhanh miễn phí cho các shipper để đội ngũ này đi chợ hộ, giao hàng cho người dân.
Theo sở Công thương, Công văn số 2925/UBND-ĐT của UBND TP.Hồ Chí Minh về việc lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg có chủ trương tổ chức xét nghiệm nhanh miễn phí cho lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) trên toàn thành phố đến hết ngày 6/9.
Từ ngày 30/8 đến nay, đội ngũ shipper đã tham gia tích cực vào việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ đời sống nhân dân. Mặc dù còn một số khó khăn, số lượng shipper hoạt động tuy ở mức 50% số lượng đăng ký nhưng tổng số đơn hàng đã thực hiện đạt 1.066.871 đơn (bình quân đạt 152.410 đơn hàng/ngày).
Để vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho nhân dân được an toàn, sở Công thương có đề xuất UBND TP.Hồ Chí Minh gia hạn việc tổ chức xét nghiệm nhanh miễn phí Covid-19 cho đội ngũ shipper đến hết ngày 15/9.
Đề xuất này của sở Công thương đã được UBND TP.Hồ Chí Minh chấp thuận.
Theo đó, UBND TP.Hồ Chí Minh đồng ý gia hạn xét nghiệm nhanh miễn phí Covid-19 cho đội ngũ shipper đến hết ngày 15/9.
UBND TP.Hồ Chí Minh giao sở Công thương, sở Y tế, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện cùng các đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện chỉ đạo này.
(Theo Người Đưa Tin)
Thanh Hoá sẽ di chuyển 473 người ở bệnh viện ra khỏi ổ dịch Covid-19
Ngày 7/9, đoàn công tác của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 UBND tỉnh Thanh Hóa do ông Đỗ Thái Hòa - Phó Giám đốc Sở Y tế dẫn đoàn đã đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện xử lý dứt điểm ổ dịch Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Trong đó lên phương án đưa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân an toàn ra khỏi khu vực phong tỏa.
Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực sẽ di chuyển hàng trăm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra khỏi khu vực an toàn
Được biết, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực thực hiện lệnh phong tỏa từ ngày 29/8 với số lượng hơn 2.000 người gồm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cán bộ, nhân viên y tế.
Tính đến sáng 7/9, liên quan đến ổ dịch này đã ghi nhận 26 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 9 bệnh nhân, 13 người nhà bệnh nhân và 4 nhân viên y tế của bệnh viện.
Tất cả các trường hợp dương tính đã được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa. Qua truy vết có 136 F1 liên quan đến các trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên là bệnh nhân khoa Ung bướu và 14 F1 là nhân viên y tế.
Tổng số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện, điều trị ngoại trú là 5.679 người. Số bệnh nhân đang lưu trú tính đến ngày 29/8 là 622 người. Số bệnh nhân điều trị nội trú đã xuất viện và về nhà là 2.631 người.
Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đang xét nghiệm các đối tượng nguy cơ cao 1-2 ngày/1 lần để tiếp tục phát hiện các F0.
Trong ngày 7/9, bệnh viện sẽ phân lọc chi tiết lần cuối các trường hợp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã hoàn thành thành việc điều trị để sắp xếp các trường hợp này ra vùng đệm an toàn.
Bệnh viện đã cơ bản hoàn thành việc lập danh sách bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã hoàn thành việc điều trị, đủ điều kiện ra viện.
Bước đầu thống kê có 473 người sẽ thực hiện giãn cách tại khách sạn, gồm 261 bệnh nhân, 37 trẻ sơ sinh và 175 người nhà bệnh nhân. UBND TP Thanh Hóa và Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã chọn Khách sạn Phù Đổng (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) làm nơi giãn cách cho các đối tượng này.
Khách sạn Phù Đổng hiện đáp ứng 70 phòng gồm 128 giường đơn và 13 giường đôi và đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, BV Đa khoa Hợp Lực đã lựa chọn khách sạn Trường An và Nhà hàng Hội quán Hoa Viên để bố trí cho lực lượng CBNV bệnh viện nghỉ ngơi, sinh hoạt, giãn cách sau khi hoàn thành ca trực và làm việc hàng ngày trong thời gian bệnh viện bị phong tỏa, bảo đảm đúng quy định “1 cung đường, 2 điểm đến” cũng như các quy định khác về phòng chống dịch.
Ông Đỗ Thái Hòa - Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, đã thống nhất với Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực các phương án tổ chức di chuyển những trường hợp bệnh nhân, người nhà, những người đang mắc kẹt ở Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực về điểm giãn cách tập trung tại các khách sạn trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Đồng thời thống nhất với Bệnh viện xây dựng phương án xét nghiệm tổng thể trong giai đoạn phong tỏa để thực hiện hiệu quả nhất việc sàng lọc, bóc tách F0, từ đó từng bước làm sạch ổ dịch.
(Theo Báo Giao Thông)
3 thôn bị phong toả vì có người trốn chốt kiểm soát để đi "tiệc ma tuý"
Ngày 7-9, Công an huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã ra quyết định khởi tố vụ án đối với nhóm thanh niên ngụ xã Quảng Thành, huyện Châu Đức về việc vi phạm các quy định giãn cách theo Chỉ thị 16.
Trước đó, đêm 16-8, Lê Hùng Tài (21 tuổi, ngụ xã Quảng Thành) có dấu hiệu ho, sốt nên được gia đình đưa đi khai báo y tế. Chính quyền địa phương tiến hành xét nghiệm đã phát hiện Tài dương tính với SARS-CoV-2.
Qua truy vết, Tài khai nhận khoảng 0 giờ ngày 11-8, Tài thuê ô tô từ thị xã Phú Mỹ chạy qua xã Quảng Thành, huyện Châu Đức để đón Tài quay lại thị xã Phú Mỹ chơi ma tuý cùng 2 nam, 2 nữ
Tiếp đến, khoảng thời gian từ ngày 12-8 đến 16-8, Tài tiếp tục 2 lần thuê xe để đưa Nguyễn Khoa Hoàng Anh (21 tuổi), Nguyễn Văn Hải (27 tuổi) và Nguyễn Hoà (19 tuổi, cùng ngụ xã Quảng Thành) sang thị xã Phú Mỹ để tổ chức "tiệc ma tuý".
Sau khi Tài có kết quả dương tính, ngày hôm sau lần lượt Hoàng Anh và Hải tiếp tục có kết quả PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Cơ quan chức năng xác định, các trường hợp này đều có nguồn lây từ nhóm chơi ma túy tại thị xã Phú Mỹ.
Theo cơ quan điều tra, các đối tượng đã tụ tập đông người, sử dụng ma túy nhiều lần, hậu quả là 3 thôn tại xã Quảng Thành bị phong tỏa; có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, gây thiệt hại và làm phát sinh chi phí phòng, chống dịch tại xã Quảng Thành.
Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người".
Hiện các đối tượng đang được điều trị và cách ly trong bệnh viện nên cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thực hiện các bước điều tra tiếp theo sau khi xuất viện.
(Theo Người Lao Động)
Chủ tịch TP.HCM: Các nhóm chuyên gia đang thiết kế 'thẻ xanh COVID-19'
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói như trên tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ, chiều 7-9.
Theo ông Mãi, về kế hoạch sau thời gian tới, UBND TP vừa lập Tổ công tác xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15-9, trong đó có trụ cột phòng chống dịch, trụ cột an sinh, trụ cột kinh tế.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: NGUYỆT NHI
“TP.HCM là thành phố dịch vụ, cho nên cách tiếp cận của TP là phải an toàn. Người tham gia các hoạt động phải an toàn, địa điểm an toàn với những tiêu chí dựa trên nền tảng là vaccine và các biện pháp an toàn khác. TP có đề xuất thẻ xanh COVID-19. Sẽ có tiêu chí, nhưng hiện tại nhóm chuyên y tế cùng với nhóm chuyên gia kinh tế đang thiết kế cái này” - ông Mãi nói.
Ông Mãi cho rằng sau ngày 15-9, công sở, các hoạt động kinh tế, dịch vụ, vận tải... muốn mở lại phải đáp ứng các điều kiện an toàn.
Các hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại từ từ sẽ mở ra theo mức độ an toàn. "Một trong những điều kiện an toàn, khi người dân tham gia các hoạt động sau này là tiêm vaccine" - ông Mãi nói và mong muốn được Trung ương cung cấp thêm vaccine để TP.HCM tiêm đủ mũi 2 cho người dân trên địa bàn.
Liên quan đến vấn đề này, trong cuộc họp của Tổ công tác tổ chức cung ứng và tiêm vaccine phòng COVID-19 sáng 7-9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng, trước đây vaccine đứng sau điều trị và truy tìm F0, nhưng giờ vaccine đã là hàng đầu.
Theo ông Đức, với chính sách “thẻ xanh vaccine” mà TP.HCM đang lên kế hoạch, cần phải sớm tiêm phủ vaccine mới có thể mở cửa, duy trì kinh tế.
Ông Đức cũng cho biết TP.HCM đang nghiên cứu chính sách “thẻ xanh vaccine”, từ đó sẽ nới lỏng yêu cầu giãn cách xã hội với những người đã tiêm 1-2 mũi vaccine.
Hiện thẻ xanh vaccine cũng đã được nhiều địa phương như Bình Dương, Đồng Nai cho hay sẽ nghiên cứu, áp dụng để chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Chồng ho sốt, vợ con đi lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2
Sáng 7-9, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 6-9 đến 6 giờ ngày 7-9-2021), tại Nghệ An ghi nhận thêm 14 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, có 7 ca cộng đồng (Nam Đàn: 4 ca, Quế Phong: 3 ca), 7 ca còn lại là F1 đã được cách ly tập trung từ trước.
Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Cụ thể, các ca cộng đồng đó là trường hợp ông T.Đ.H. (SN 1977), trú xóm Chợ, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ngày 1-9 ông H. có triệu chứng sốt, đau họng nhưng không đi khám, tự mua thuốc về nhà uống nhưng không đỡ. Ngày 6-9, ông H. đến trạm y tế xã Tri Lễ khám và được làm test nhanh cho kết quả nghi ngờ dương tính. Ngay sau đó, ông H. được cách ly và lấy mẫu gửi CDC, ngày 7-9 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ 2 là bà N.T.T. (SN 1977), trú xóm Chợ, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Bà T. là vợ của bệnh nhân T.Đ.H. được công bố cùng lúc. Ngày 6-9, sau khi được thông tin chồng là ông T.Đ.H. có kết quả test nhanh dương tính, bà T. được cách ly và lấy mẫu gửi CDC, ngày 7-9 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ 3 là cháu T.T.P.T. (SN 2011), trú xóm Chợ, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Cháu T. là con của bệnh nhân T.Đ.H. được công bố cùng lúc. Ngày 6-9, sau khi được thông tin bố có kết quả test nhanh dương tính, cháu T. được cách ly và lấy mẫu gửi CDC, ngày 7-9 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ 4 là ông T.X.H. (SN 1958), trú xóm Lê Hồng Sơn, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn. Ngày 6-9, ông H. có triệu chứng sốt, mệt mỏi nên đến trạm y tế khám và được lấy mẫu gửi CDC, ngày 7-9 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ 5 là bà L.T.Q. (SN 1959), trú xóm Lê Hồng Sơn, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn. Ngày 6-9, bà Q. có triệu chứng sốt, mệt mỏi nên đến trạm y tế khám và được lấy mẫu gửi CDC, ngày 7-9 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ 6 là cháu T.T.H. (SN 2007), trú xóm Lê Hồng Sơn, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn. Ngày 6-9 cháu có triệu chứng sốt, mệt mỏi nên đến trạm y tế khám và được lấy mẫu gửi CDC, ngày 7-9 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ 7 là cháu T.G.H. (SN 2012), trú xóm Lê Hồng Sơn, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn. Ngày 6-9, cháu H. có triệu chứng sốt, mệt mỏi nên đến trạm y tế khám và được lấy mẫu gửi CDC, ngày 7-9 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Như vậy, tính từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.718 trường hợp mắc COVID-19 ở 21 địa phương. Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện, chuyển tuyến trên là 771 bệnh nhân, bệnh nhân tử vong: 5, bệnh nhân hiện đang điều trị: 942.
(Theo Người Lao Động)
Xuất hiện ổ dịch COVID-19 lớn trong cộng đồng, huyện Đắk R'lấp giãn cách từ trưa nay
Sáng 7/9, ngành Y tế Đắk Nông công bố 28 ca mắc COVID-19 mới đều tại huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông). Toàn bộ ca mắc trên có liên quan đến ổ dịch trong cộng đồng vừa công bố ngày 6/9, chưa xác định nguồn lây nhiễm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là ổ dịch lớn trong cộng đồng thuộc huyện Đắk R’lấp, UBND tỉnh Đắk Nông quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16 như sau: Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 12h ngày 7/9/2021 trên phạm vi toàn bộ huyện Đắk R’Lấp theo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình; thôn, buôn, tổ dân phố với thôn, buôn, tổ dân phố; xã, phường cách ly với xã, phường; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 02m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
UBND tỉnh yêu cầu huyện này tạm dừng tất cả hoạt động công cộng, cơ sở vui chơi, giải trí, tập trung đông người, hoạt động kinh doanh, dịch vụ, buôn bán không thiết yếu, kể cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cố định và các quán ăn, uống vỉa hè, đường phố; hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân; bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu sản xuất…
Như vậy, sau nhiều tháng nỗ lực khống chế dịch bệnh, Đắk Nông lại xuất hiện ổ dịch mới với nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng khá phức tạp, nâng tổng số ca mắc trên toàn tỉnh lên 360 trường hợp.
(Theo Tiền Phong)
Quảng Trị: Phong tỏa khách sạn có 2 ca nghi nhiễm COVID-19 lưu trú
Cả 2 trường hợp trên được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Trị xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 ngày 7/9.
Tỉnh Quảng Trị quyết định cách ly y tế khu vực khách sạn Khánh Phương ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa từ 11h ngày 7/9 cho đến khi có thông báo mới - Ảnh: MXH
Trưa cùng ngày (7/9), UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa ban hành Quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đối với các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
Theo đó, tỉnh Quảng Trị quyết định cách ly y tế khu vực khách sạn Khánh Phương, số 26 đường Hùng Vương, Khối 3A, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa từ 11h ngày 7/9 cho đến khi có thông báo mới.
Việc áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch nói trên liên quan đến 2 ca nghi nhiễm COVID-19 nói trên là Đ.T.M.D (nữ, SN 1981, địa chỉ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) và N.T.K.N (nữ, SN 1981, địa chỉ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Đáng chú ý, theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị, trước đó, vào ngày 8/8, 2 trường hợp trên di chuyển bằng xe ô tô từ TP Đà Nẵng đến tỉnh Quảng Trị, khai báo y tế và được cách ly tập trung. Từ ngày 8/8 đến 24/8, thực hiện cách ly tập trung tại cơ sở cách ly tập trung.
Từ ngày 24/8 đến 6/9, thực hiện cách ly y tế tại nơi lưu trú Khánh Phương, số 26 đường Hùng Vương, Khối 3A, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Hiên, cả 2 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng tỉnh Quảng Trị.
Sáng cùng ngày (7/9), Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Hướng Hóa cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo của CDC tỉnh Quảng Trị về kết quả xét nghiệm liên quan đến 2 ca bệnh trên, huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND thị trấn Khe Sanh rà soát, truy vết các trường hợp liên quan.
Đà Nẵng: Phát hiện gia đình 4 người sống trong khu chung cư mắc COVID-19
Sáng 7/9, ông Hồ Văn Khoa, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) cho biết, vừa phát hiện 4 người trong cùng một gia đình dương tính với SARS-CoV-2 tại một chung cư trên địa bàn quận.
Theo đó, trường hợp dương tính là chị N.T.T (31 tuổi, trú phòng 203, Chung cư CT02, phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) có triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2, đến khám tại TTYT quận Cẩm Lệ.
Một góc chung cư Phong Bắc, quận Cẩm Lệ.
Tại đây, nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm của chị T., kết quả dương tính. Mẫu xét nghiệm của 3 thành viên trong gia đình chị T. cũng cho kết quả tương tự.
"Quận đã phong toả cứng tầng 2 Chung cư CT02 và di dời người dân tại chung cư này đến cách ly tại một trường học trên địa bàn quận”, ông Khoa cho hay.
Trong đêm 6/9, ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân tại Chung cư CT02 với 82 hộ, 270 nhân khẩu, đồng thời hạn chế người ra vào chung cư này.
Trước đó, ngày 31/8, chung cư Văn Tiến Dũng (phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ) ghi nhận 17 ca mắc COVID-19 trong cùng một chung cư. Những trường hợp liên quan cũng đã được quận Cẩm Lệ chuyển đi cách ly tập trung tại một trường học trên địa bàn.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, ngày 6/9, thành phố ghi nhận 63 ca mắc COVID-19, đều phát hiện trong các khu cách ly, phong tỏa.
Từ ngày 10/7 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 4.401 ca mắc COVID-19.
(Theo Báo Giao Thông)
Quận Hà Đông phong tỏa khu dân cư gần 200 hộ dân vì ca nhiễm COVID-19
Trao đổi với PV Báo Giao thông sáng nay (7/9), ông Trương Kỳ Phong - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông (TP Hà Nội) cho biết, UBND phường Phú Lương vừa quyết định phong tỏa tạm thời ngách 4, ngõ 7, tổ dân phố 11 do có ca dương tính với SARS-CoV-2.
Trung tâm Y tế quận Hà Đông và phường Phú Lương lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại tổ dân phố 11.
Cụ thể, trường hợp mắc COVID-19 là N.T.H (nữ, SN 1983). Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân N.T.T.H đã được cách ly y tế tại khu cách ly tập trung từ ngày 2/9.
Ngày 6/9, N.T.H đã được Trung tâm Y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều tối 6/9.
UBND phường Phú Lương đã truy vết tạm thời được 6 trường hợp F1 ở cùng nhà với N.T.H trong ngày 2/9 và đưa đi cách ly tập trung.
Hiện UBND phường Phú Lương đang phong tỏa tạm thời 30 hộ gia đình, với 170 nhân khẩu. Đồng thời tiếp tục truy vết các F1, F2 và triển khai phun khử khuẩn toàn bộ tuyến ngõ, trong nhà bệnh nhân và vệ sinh môi trường xung quanh khu vực.
Trung tâm Y tế quận đang phối hợp với Trạm Y tế phường Phú Lương tiến hành lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cho người dân ở tổ dân phố số 11, với tổng số 444 người.
Trước đó, sáng 6/9, phường Phú Lương đã tiến hàng xét nghiệm diện rộng trên địa bàn, với mẫu gộp 363 người. Trung tâm Y tế và Trạm Y tế phường Phú Lương phấn đấu ngay trong đêm 6/9 lấy mẫu xong số lượng người kể trên để chuyển về CDC Hà Nội, nhằm nhanh chóng sàng lọc F0 ra khỏi cộng đồng.
(Theo Báo Giao Thông)
Một cán bộ phường ở quận 6 vừa bị bắt do móc nối tiêm vắc-xin COVID-19
Ngày 7-9, Công an quận 6 (TP HCM) cho biết đã khởi tố bị can, tạm giam ông Trương Mạnh Thảo (SN 1984, cán bộ UBND phường 2, quận 6) để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Hiện Công an quận 6 đang mở rộng điều tra vụ án này.
Thông tin ban đầu thể hiện ông Thảo đã lợi dụng chức vụ trong công tác, lợi dụng nhiệm vụ được giao, móc nối và làm hồ sơ cho một số người tiêm vắc- xin COVID-19 không thuộc diện được tiêm theo quy định.
Công an khám xét nơi làm việc của ông Trương Mạnh Thảo (áo vàng).
Ông Trương Mạnh Thảo khai nhận trong tháng 4-2021, ông đã làm hồ sơ và đưa 20 trường hợp sinh sống tại phường 2 (quận 6) đi tiêm vắc-xin. Những người này không thuộc đối tượng ưu tiên hoặc nằm trong danh sách chích vắc-xin theo quy định.
Ông Thảo đã trục lợi hơn 10 triệu đồng.
(Theo Người Lao Động)
Thủ tướng đề nghị Bộ Công an xử lý hành vi hủy đơn hàng ‘đi chợ hộ’
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc đề nghị bộ trưởng Bộ Công an nghiên cứu xử lý hành vi hủy đơn hàng "đi chợ hộ".
Công văn nêu rõ: Việc "đi chợ hộ" đã được triển khai trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội tại TP.HCM. Tuy nhiên, tại một số nơi đã xảy ra tình trạng hủy đơn hàng "đi chợ hộ", gây khó khăn cho bộ đội, tình nguyện viên, làm dư luận nhân dân bức xúc.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu có chế tài xử lý nghiêm hành vi nêu trên để bộ đội, tình nguyện viên yên tâm giúp dân.
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân ở khu vực tăng cường giãn cách xã hội. Công văn nêu rõ: nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân ở khu vực tăng cường giãn cách xã hội tăng cao, hệ thống cung cấp đang quá tải.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương kịp thời nắm tình hình, khắc phục các hạn chế, bảo đảm lương thực, thực phẩm cung cấp cho người dân.
(Theo Tiền Phong)
Quốc gia ĐNA “chung sống với COVID-19” phản ứng khẩn vì số ca nhiễm tăng mạnh
Người Singapore đi bộ qua đường ngày 6.9.2021.
“Mức độ lây lan của virus đang gia tăng là điều đáng lo ngại”, Bộ trưởng Tài chính Singapore, thành viên nhóm chống dịch COVID-19 của chính phủ, Lawrence Wong nói ngày 6.9, theo SCMP.
Để đối phó với nguy cơ dịch bệnh lây lan, Singapore sẽ tăng tần suất xét nghiệm bắt buộc tại các khu vực có nguy cơ cao.
Singapore mở rộng quy định xét nghiệm thường xuyên với những người phải tiếp xúc với những người khác, chẳng hạn như nhân viên làm việc tại trung tâm mua sắm và nhân viên siêu thị, Bộ Y tế Singapore cho biết.
Singapore cũng không cho phép tổ chức các cuộc tụ tập tại nơi làm việc kể từ ngày 8.9.
Tuần trước, giới chức Singapore từng tuyên bố sẽ không thay đổi chiến lược chống dịch, nhưng cũng chưa dỡ bỏ hoàn toàn các quy định phòng dịch.
Số ca nhiễm mới trong cộng đồng ở Singapore đã tăng hơn 1.200 trong tuần qua, tính đến ngày 5.9, tăng gấp đôi so với con số 600 của tuần trước đó.
Ông Wong không loại trừ khả năng Singapore sẽ siết chặt thêm các quy định phòng dịch nếu số ca bệnh nặng cần điều trị tăng.
“Hãy giảm bớt các hoạt động tương tác xã hội không cần thiết”, ông Wong nói. “Người dân có thể tự do ra ngoài ăn tối. Nhưng nên giảm bớt trong giai đoạn này. Mọi nỗ lực dù nhỏ nhất cũng rất có giá trị”.
Kể từ đầu tháng 8, Singapore bắt đầu “chung sống với COVID-19”, tiến tới một cuộc sống bình thường mới với dịch bệnh.
Người tiêm đầy đủ vaccine ở Singapore được phép dùng bữa tại nhà hàng theo nhóm khách tối đa 5 người. Các gia đình được phép đón 5 khách đến nhà chơi.
Tính đến ngày 19.8, Singapore cho phép các công sở hoạt động trở lại với tối đa 50% sức chứa.
Các sự kiện trình diễn trực tiếp, sự kiện thể thao, các rạp chiếu phim, các buổi triển lãm được phép tổ chức với tối đa 1.000 người đã tiêm chủng tham gia. Đối với những người chưa tiêm vaccine nhưng có kết quả xét nghiệm âm tính, chỉ 50 người được tụ tập tại một địa điểm.
(Theo Dân Việt)